Giáo dục quyền con người hướng đến sự ủng hộ, thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ các quyền con người. Đồng thời, khuyến khích duy trì và phát triển các mối quan hệ hài hòa giữa các cá nhân và giữa các nhóm đa dạng trong xã hội. Đặc điểm đầu tiên, cơ bản và nổi bật của giáo dục quyền con người là giáo dục theo cách tiếp cận dựa trên quyền, bảo đảm sự tham gia chủ động, bình đẳng, công bằng, công khai, minh bạch. Bài viết phân tích tầm quan trọng của giáo dục quyền con người thông qua các mục tiêu và nguyên tắc của Liên hợp quốc về vấn đề này, trên cơ sở đó đề cao, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền học tập của người học vẫn cần được xem là cốt lõi trong quá trình giáo dục quyền con người.
Điều 26 của Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người (UDHR) ghi nhận rằng mọi người đều có quyền được giáo dục, theo đó, "Giáo dục phải hướng đến sự phát triển đầy đủ của nhân cách con người và tăng cường sự tôn trọng các quyền con người và các quyền tự do cơ bản. Nó sẽ thúc đẩy sự hiểu biết, khoan dung và hữu nghị giữa các quốc gia, các nhóm chủng tộc hoặc tôn giáo, và sẽ thúc đẩy các hoạt động của Liên hợp quốc vì sự duy trì hòa bình". Ý nghĩa cốt lõi của giáo dục quyền con người là giúp mọi người hiểu về quyền con người, coi trọng quyền con người và có năng lực chịu trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền con người. Ý nghĩa thực tiễn của giáo dục quyền con người là trao quyền học tập cho học sinh nhằm mục tiêu cuối cùng là mọi người sống, làm việc đồng thuận để mang lại quyền con người và công lý, hòa bình, hạnh phúc cho mỗi người và tất cả mọi người.1
Một xã hội tôn trọng các nguyên tắc và chuẩn mực quyền con người là một xã hội nhân văn. Điều đó bắt nguồn từ những nội dung giáo dục quyền con người trong nhà trường. Trên cơ sở đó, thúc đẩy một nền văn hóa tôn trọng quyền con người và thực thi trách nhiệm đối với việc bảo vệ, bảo đảm quyền trong xã hội. Khi đó, quyền con người thẩm thấu, hòa nhập trong xã hội ở các cấp độ, cả cá nhân và tập thể, cả tổ chức nhà nước và tổ chức xã hội, góp phần thúc đẩy nhận thức, thực hành quyền con người với tư cách là giá trị quốc gia, là nền tảng đạo đức và thể chế xã hội.2 Giáo dục quyền con người cần hướng tới đảm bảo các mục tiêu và nguyên tắc của Liên hợp quốc, được ghi nhận thông qua các Chương trình và Thập kỷ giáo dục quyền con người của tổ chức này.
Một buổi làm việc của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Nguồn: dangcongsan.vn.
1. Mục tiêu của giáo dục quyền con người
Lời nói đầu của Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người tuyên bố rằng "sự thừa nhận phẩm giá vốn có và các quyền bình đẳng và bất khả xâm phạm của tất cả các thành viên trong gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới". Mục tiêu của giáo dục quyền con người cũng chính là hướng đến việc giải quyết các nhu cầu cụ thể của con người ở các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, như đói nghèo, phân biệt đối xử, khủng hoảng chính trị... Đây cũng chính là tiền đề để hướng đến tự do, công lý và hoà bình. Giáo dục về quyền con người và vì quyền con người là những mục tiêu quan trọng nhằm hướng đến một nền giáo dục quyền con người hiệu quả.
Mục tiêu thứ nhất của giáo dục quyền con người là về quyền con người.
Giáo dục quyền con người hướng đến sự ủng hộ, thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ các quyền con người. Đồng thời, khuyến khích duy trì và phát triển các mối quan hệ hài hòa giữa các cá nhân và giữa các nhóm đa dạng trong xã hội. Việc giáo dục này có thể thực hiện trong hệ thống giáo dục chính thức hoặc không chính thức. Thực tiễn ở một số quốc gia, giáo dục chính thức mở rộng từ giáo dục mầm non, thông qua tiểu học và trung học, đến giáo dục đại học. Nó dựa trên chương trình giảng dạy và bao gồm các nghiên cứu học thuật chung, đào tạo kỹ thuật và giáo dục chuyên nghiệp. Giáo dục không chính quy liên quan đến hoạt động giáo dục có tổ chức thường là bên ngoài hệ thống chính thức, được thiết kế cho các nhóm học tập cụ thể với các mục tiêu học tập cụ thể. Giáo dục không chính quy có thể bao gồm giáo dục và đào tạo dựa trên công việc, giáo dục người lớn và cộng đồng. Như vậy, có thể thấy, giáo dục không chính thức là một quá trình suốt đời không có tổ chức và thường không có chủ ý, nơi các cá nhân có được thái độ, giá trị, kỹ năng và kiến thức từ kinh nghiệm của họ cũng như những ảnh hưởng và nguồn lực giáo dục trong môi trường của họ. Trong khi đó, giáo dục quyền con người thường tập trung vào hoạt động giáo dục chính thức và không chính thức có chủ đích, có kế hoạch và có thể được đánh giá.
Theo Liên hợp quốc, mục tiêu của giáo dục quyền con người là "đào tạo, phổ biến và thông tin nhằm xây dựng một nền văn hóa phổ biến về quyền con người, để hướng tới tương lai con người có thể làm việc được cùng nhau nhằm đưa nhân quyền, công lý và nhân phẩm đến cho tất cả mọi người."3 Từ đó có thể thấy, giáo dục quyền con người hướng đến ba mục tiêu về nhận thức, cảm xúc và hành vi nhằm hình thành và mở rộng tri thức về quyền con người, hình thành tình cảm và lòng tin đối với việc tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền con người, xây dựng động cơ, hành vi, thói quen xử sự hợp pháp, tích cực để đảm bảo, bảo vệ và thực hiện quyền con người.4
Liên hợp quốc cũng xác định các nội dung (và cũng là nhiệm vụ cụ thể) của giáo dục quyền con người gồm: (i) Tăng cường sự tôn trọng các quyền con người và các quyền tự do cơ bản; (ii) Phát triển toàn diện cá nhân con người và ý thức tôn trọng con người; (iii) Thúc đẩy sự hiểu biết, tôn trọng, bình đẳng giới và sự đoàn kết giữa các quốc gia, người bản địa và các nhóm chủng tộc, quốc gia, dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ; (iv) Khả năng hoạt động một cách có hiệu quả của tất cả mọi người trong một xã hội tự do; (v) Đẩy mạnh các hoạt động giữ gìn (đời sống) hòa bình ở mỗi quốc gia và trên thế giới.5
Mục tiêu giáo dục về quyền con người sẽ hướng đến sự nhận thức, bao gồm sự am hiểu về lịch sử, các văn kiện và cơ chế thực thi quyền con người. Sự giáo dục đó cần đảm bảo nội dung về các điều khoản của các văn kiện nhân quyền quan trọng, như Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người và các công ước quốc tế nhân quyền cốt lõi. Đồng thời, hiểu rõ mối tương quan của việc thực hiện các Công ước này ở các quốc gia thành viên với những nghĩa vụ mà quốc gia không đảm bảo thực hiện. Mục tiêu nâng cao nhận thức về quyền con người được một số tổ chức giáo dục rất coi trọng, trong đó tập trung vào những vấn đề sau:
1. Kiến thức về những “mốc thời gian” quan trọng trong lịch sử phát triển quyền con người.
2. Kiến thức về những tuyên ngôn, công ước, hiệp ước đương đại.
3. Kiến thức về những vi phạm lớn về quyền con người.
4. Hiểu được những khái niệm căn bản về quyền con người (bao gồm sự phân biệt đối xử, sự bình đẳng, v.v..).
5. Hiểu được mối quan hệ giữa các quyền của cá nhân, nhóm người và quốc gia.
6. Nhận thức về các định kiến của bản thân và bồi đắp lòng khoan dung.
7. Thừa nhận quyền của những người khác.
8. Cảm thông cho những người bị từ chối quyền.6
Tuy nhiên, ngay cả những cơ quan giáo dục dành nhiều tâm huyết cho giáo dục quyền con người cũng có xu hướng tập trung vào giáo dục công dân, học tập về lịch sử và pháp luật và khả năng tạo lập các mối quan hệ. Vì thế, giáo dục về quyền con người ở hầu hết các trường hợp chỉ dừng lại ở việc “học tập về quyền con người”.
Mục tiêu thiết yếu thứ hai của giáo dục quyền con người là vì con người.
Làm rõ các giá trị, thay đổi về thái độ, xây dựng tình đoàn kết, các kỹ năng tuyên truyền, vận động và hành động cũng chính là mục tiêu hướng tới của giáo dục quyền con người. Thái độ đó, chính là hướng đến tôn trọng quyền của người khác. Điều này chỉ có được khi đã có sự nhận thức đầy đủ về các kiến thức quyền con người nói chung, quyền của mỗi cá nhân và trách nhiệm tôn trọng quyền của người khác. Học viện Giáo dục Quyền con người và Hoà bình Peru (IPEDEHP) nhấn mạnh các nguyên tắc lồng ghép phương pháp học tập lĩnh hội kiến thức và tác động thay đổi nhận thức trong giáo dục các nhà lãnh đạo cộng đồng cấp cơ sở nhằm đạt các mục tiêu của giáo dục quyền con người như sau:
Nguyên tắc 1: Bắt đầu từ thực tiễn - Việc học tập cần bắt nguồn từ các nhu cầu, mối quan tâm, kinh nghiệm và các vấn đề gặp phải của học viên.
Nguyên tắc 2: Hoạt động - Việc học tập cần chủ động - kết hợp giữa hoạt động cá nhân và nhóm.
Nguyên tắc 3: Giao tiếp trong nhóm - Việc học tập tiến hành thông qua đối thoại trong đó mọi người chia sẻ quan điểm, cảm nghĩ và cảm xúc trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.
Nguyên tắc 4: Xây dựng kỹ năng phản biện - Học viên phải xây dựng kỹ năng tư duy phản biện và đánh giá các ý tưởng, con người và hành động một cách nghiêm túc.
Nguyên tắc 5: Khuyến khích lắng nghe và chia sẻ cảm xúc – học tập về các giá trị quyền con người sẽ hiệu quả nếu phương pháp giáo dục quan tâm đến cảm xúc của người học.
Nguyên tắc 6: Tăng cường sự tham gia - Cách tốt nhất để học tập là được tham khảo ý kiến và tham gia vào quá trình ra quyết định.
Nguyên tắc 7: Sự tập trung - Học tập có hiệu quả nhất khi cả lý trí, tinh thần và cảm xúc đều tập trung trong suốt quá trình học tập.7
Từ mục tiêu cụ thể này, có thể thấy, giáo dục quyền con người hướng tới sự trao quyền (cung cấp kiến thức và kỹ năng để bảo vệ quyền). Vì thế, nội dung giáo dục vì quyền con người là một yếu tố rất quan trọng để xác định phạm vi và các nhân tố cần được truyền tải.
2. Nội dung giáo dục quyền con người
Giáo dục quyền con người giúp hiểu và tuân thủ các nguyên tắc bình đẳng và nhân phẩm của con người; cam kết tôn trọng và bảo vệ quyền của tất cả mọi người. Nghị quyết của Liên hợp quốc về Thập kỷ Giáo dục quyền con người 1995-2004 đã khẳng định: “Giáo dục quyền con người không chỉ là việc cung cấp thông tin mà nên là một quá trình lâu dài và toàn diện, trong đó mọi người ở mọi trình độ phát triển và ở mọi tầng lớp xã hội học cách tôn trọng nhân phẩm của người khác, các biện pháp và phương thức để đảm bảo sự tôn trọng đó trong mọi xã hội.” Trong tuyên bố vào năm 1993, Hội nghị thế giới về quyền con người đã nhấn mạnh rằng “giáo dục quyền con người nên bao gồm những tri thức về hoà bình, dân chủ, phát triển và công bằng xã hội” cũng như “luật nhân đạo, … và nguyên tắc pháp quyền”. Điều đó cho thấy, giáo dục quyền con người sẽ bao gồm các nội dung nhằm hoàn thiện kiến thức, kỹ năng và các giá trị về quyền con người.
Các nội dung giáo dục quyền con người cơ bản cho mọi cấp học và mọi chương trình giáo dục bao gồm:
Thứ nhất, các nội dung về lịch sử quyền con người. Lịch sử phát triển của quyền con người qua các giai đoạn lịch sử là nền tảng để các giá trị then chốt về quyền con người được xây dựng. Vì thế, đây là nội dung cần được đề cập trong các chương trình giáo dục về quyền con người.
Thứ hai, các văn kiện cơ bản về quyền con người. Văn kiện cơ bản, quan trọng và hạt nhân của giáo dục quyền con người là Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người. Tuyên ngôn đã khẳng định và hơn nữa, còn mở rộng các nguyên tắc về quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc và được thể hiện trong hàng loạt văn kiện về quyền con người sau này, như không phân biệt giới tính, chủng tộc, dân tộc,... Đối với việc thực hiện quyền con người ở phạm vi mỗi quốc gia và trên phạm vi toàn thế giới, Tuyên ngôn luôn đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong các cuộc tranh luận công khai về chính trị, ngoại giao. Bởi lẽ, kể từ khi Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn cho đến nay, trong cộng đồng quốc tế vẫn tồn tại những mâu thuẫn, khác biệt về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Trong bối cảnh đó, văn kiện này là công cụ chính trị quan trọng góp phần giải quyết những mâu thuẫn, sự khác nhau giữa các dân tộc, quốc gia nhằm duy trì an ninh - hòa bình, phát triển và duy trì sự tồn tại của thế giới loài người như một cộng đồng thống nhất. Tuyên ngôn nêu một hệ thống các quyền cơ bản của con người và coi các quyền con người về kinh tế, xã hội, văn hóa là ngang hàng với các quyền con người về dân sự, chính trị. Vì vậy, giáo dục quyền con người cần xác định đây là một nội dung quan trọng. Bên cạnh đó, nội dung các công ước quốc tế về quyền con người cũng cần được bổ sung trong chương trình giáo dục về quyền con người.
Thứ ba, các nguyên tắc nền tảng của quyền con người. Các nguyên tắc này cần được giảng dạy một cách độc lập, đồng thời lồng ghép trong việc triển khai các nội dung khác trong chương trình giáo dục quyền con người. Các nguyên tắc đó là:
- Nguyên tắc bình đẳng: nền tảng của các quyền con người đó là “mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền.” (Điều 1 UDHR).
- Tính phổ biến: các giá trị nhân quyền là phổ biến, dành cho tất cả mọi người ngang nhau, không phân biệt giới tính, màu da, tôn giáo, tín ngưỡng, thành phần xuất thân, địa vị xã hội, dân tộc, ngôn ngữ… Cả thế giới đều chia sẻ những giá trị tinh thần và đạo đức chung, vì vậy, các chính phủ và các cộng đồng cần thừa nhận và gìn giữ chúng. Tuy nhiên, tính phổ biến của các quyền con người không có nghĩa là chúng không thể thay đổi hoặc được mọi người thụ hưởng ở mức độ như nhau.
- Tính không thể chuyển nhượng (Inalienable): các quyền con người, quyền công dân như quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân; quyền không bị tra tấn hay hạ nhục; quyền tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục... đều là những quyền không thể chuyển nhượng vì nó thuộc sở hữu vốn có của con người. Các quyền này không phải là sự ban phát, tùy tiện rút bỏ hay tước đoạt.
- Tính không thể phân chia (Indisible): tính không thể phân chia của quyền con người, quyền công dân có nghĩa là, các quyền dù ở lĩnh vực dân sự, chính trị hay kinh tế, xã hội và văn hóa thì chúng đều có tầm quan trọng như nhau và tạo nên một chỉnh thế thống nhất đòi hỏi phải thực thi đồng thời. Không nhóm quyền nào được coi là đặc quyền, giữ vị trí cao hơn so với nhóm quyền khác. Các quyền đều có vị trí bình đẳng đối với hiện thực hóa bản chất và chân giá trị con người.
- Tính liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau (Interrelated, Interdependent): quyền con người, quyền công dân có phạm vi rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực: chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội và văn hóa. Tuy nhiên, các quyền con người, quyền công dân, đều có mối quan hệ tương tác và phụ thuộc lẫn nhau. Việc thực thi các quyền kinh tế cấp bách không thể bỏ qua hay vi phạm quyền dân sự, chính trị cũng như các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa.8
Thứ tư, trách nhiệm bảo đảm quyền con người của chính phủ, cá nhân và các tổ chức khác, trong đó nhà nước đóng vai trò chính. Theo Ủy ban về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, việc bảo đảm đầy đủ quyền con người đòi hỏi nhà nước phải thực hiện 3 cấp độ nghĩa vụ: tôn trọng, bảo vệ và thực hiện. Các nghĩa vụ này có mối quan hệ gắn bó và bổ sung lẫn nhau. Nghĩa vụ tôn trọng (obligation to respect): nghĩa vụ này đòi hỏi các nhà nước phải ghi nhận các quyền và tự do cơ bản của con người trong hệ thống pháp luật quốc gia; xây dựng những chuẩn mực cụ thể về quyền con người trên các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội mà không trái với các cam kết quốc tế; Nghĩa vụ bảo vệ (obligation to protect): nghĩa vụ này giải thích rằng bất cứ một sự vi phạm qui định nào trong điều ước từ phía người dân hay cơ quan chính phủ, tổ chức xã hội, kinh tế, nhà nước đều phải có trách nhiệm can thiệp, giải quyết... Nghĩa vụ thực hiện (obligation to fulfill): nghĩa vụ này đòi hỏi các nhà nước phải có những biện pháp nhằm hỗ trợ công dân trong việc thực hiện các quyền con người, bao gồm: xây dựng khung thể chế (tổ chức, bộ máy, con người) nhằm hiện thực hóa các quy định của luật pháp và các chuẩn mực về quyền con người.
Thứ năm, nội dung giáo dục quyền con người hướng đến sự biến đổi xã hội.
Giáo dục quyền con người - bằng tư duy phản biện, coi trọng giá trị đạo đức và các trải nghiệm thực tiễn có ý nghĩa, qua đó tìm hiểu về các mối quan hệ quyền lực và cơ cấu quyền lực - vừa là một công cụ, vừa là quá trình đấu tranh để biến đổi xã hội và thực thi các quyền con người. Thông qua việc cho phép người học được tìm hiểu về nội dung và cơ cấu quyền lực, giáo dục quyền con người mở ra một không gian năng động và không ngừng phát triển, có thể phù hợp với mọi cộng đồng và bối cảnh mà không cần phải áp đặt một phương thức hành động cụ thể nào. Vì vậy, giáo dục quyền con người và cuộc đấu tranh để biến đổi xã hội có mối quan hệ biện chứng với nhau và cùng hướng tới trao quyền và công lý.9
Mặc dù khẳng định sự cần thiết phải tìm hiểu các văn kiện về quyền con người, giáo dục quyền con người theo quan điểm này dành ưu tiên hàng đầu cho “các cuộc chiến để khẳng định các quyền tập thể”, vai trò trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức đa quốc gia và các thiết chế tài chính quốc tế.
Trong giáo dục quyền con người cho học sinh mẫu giáo và phổ thông cần phải bảo đảm rằng, trẻ em hiểu biết khái quát những quyền và bổn phận của mình, tôn trọng quyền của trẻ em khác. Đây chính là động lực thúc đẩy sự tôn trọng quyền con người khi trẻ lớn lên. Thông qua đó còn củng cố các hành vi tích cực liên quan đến sự phản ánh, phê phán và tăng cường ý thức trách nhiệm của trẻ em, giúp phát triển lòng tự trọng và sự tham gia tích cực của trẻ vào hoạt động của nhóm, của gia đình, nhà trường và cộng đồng. Nó cũng khuyến khích trẻ đồng cảm với người khác thông qua việc khuyến khích trẻ suy nghĩ về cách chúng tương tác với người khác và về cách chúng có thể thay đổi hành vi để phản ánh tốt hơn các giá trị của quyền con người.10
Ở cấp độ mầm non và đầu cấp tiểu học, các chủ đề nhân quyền cần hướng đến để cung cấp cho người học, bao gồm: sự tin tưởng và tôn trọng của xã hội; giải quyết các xung đột; đối phó với tình trạng phân biệt đối xử; đề cập những tương đồng và khác biệt; bồi đắp sự tự tin và lòng tự trọng; xây dựng niềm tin; tạo lập nội quy lớp học; tìm hiểu các quyền con người; giới thiệu các quyền trẻ em.
Các chủ đề về quyền con người ở cấp cuối tiểu học và đầu cấp trung học học cần được triển khai, bao gồm: bảo vệ cuộc sống cá nhân trong xã hội, chiến tranh, hoà bình và quyền con người; chính quyền và luật pháp; tự do tư tưởng nhận thức, tôn giáo, quan điểm và biểu đạt; quyền riêng tư; quyền tự do hội họp và tham gia vào công việc chung; phúc lợi xã hội và văn hoá; phân biệt đối xử; quyền giáo dục; phát triển và môi trường; phát triển kinh tế và mối quan hệ tương quan; kinh doanh và quyền con người; tìm hiểu về Liên hợp quốc; tạo lập một cộng đồng quyền con người; đánh giá quyền con người tại ngôi trường của bạn...
Như vậy, nội dung giáo dục quyền con người hướng đến cung cấp kiến thức cơ bản về quyền con người để hướng tới sự thay đổi về nhận thức hành động, cách cư xử các quan hệ xã hội dựa trên quyền. Qua đó, tạo dựng niềm tin, động cơ thúc đẩy các hành động thực tế, thói quen xử sự hợp pháp, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội, từ đó thiết lập văn hóa nhân quyền trong xã hội.
3. Các nguyên tắc của giáo dục quyền con người
Ngày 20/11/2011, Ủy ban Cố vấn Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đưa ra thảo luận về "Dự thảo Tuyên ngôn giáo dục nhân quyền của Liên hợp quốc". Kết quả của chương trình nghị sự về vấn đề này đã đạt được những thành tựu khá quan trọng; và đó sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho chương trình giáo dục quyền con người trên phạm vi toàn thế giới.
Các nhiệm vụ của "Thập kỷ giáo dục về quyền con người" và "Chương trình thế giới về giáo dục quyền con người" với 3 giai đoạn của Liên hợp quốc, gồm: (i) Đánh giá các nhu cầu và hoạch định chiến lược cho giáo dục nhân quyền từ các cấp học trong nhà trường đào tạo nghề và các chương trình đào tạo chính thức; (ii) Xây dựng và tăng cường các chương trình và năng lực cho giáo dục nhân quyền cho từng địa phương, khu vực trong các quốc gia; (iii) Phát triển có tính chất điều phối các tài liệu về giáo dục nhân quyền; (iv) Tăng cường vai trò và năng lực của phương tiện thông tin đại chúng đối với việc thúc đẩy giáo dục nhân quyền; (v) Phổ biến rộng rãi toàn cầu về "Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người" bằng nhiều ngôn ngữ nhất có thể thực hiện theo các hình thức tương ứng ở các cường độ khác nhau, kể cả người khuyết tật, mù chữ, thất học.
Các nguyên tắc giáo dục quyền con người trong "Thập kỷ giáo dục về quyền con người" để đảm bảo thực hiện các mục tiêu nêu trên, gồm:
- Thúc đẩy tính phụ thuộc, không thể chia cắt và tính phổ biến của nhân quyền, bao gồm các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và quyền phát triển;
- Thúc đẩy sự tôn trọng sự đánh giá khác nhau, và các quan điểm trái ngược về sự phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị hoặc quan điểm khác, quốc gia, dân tộc, hoặc nguồn gốc xã hội, thể chất hay điều kiện tinh thần và các cơ sở khác;
- Khuyến khích sự phân tích về tính lặp lại và sự xuất hiện các vấn đề nhân quyền (bao gồm nghèo đói, các xung đột, bạo lực và phân biệt đối xử) dẫn tới những giải pháp phù hợp với các chuẩn mực nhân quyền;
- Trao quyền cho các cộng đồng và các cá nhân để xác định các nhu cầu nhân quyền và bảo đảm họ đáp ứng những nhu cầu đó;
- Xây dựng các nguyên tắc nhân quyền bao hàm cả bối cảnh văn hóa khác nhau và có tính đến sự phát triển về mặt xã hội, lịch sử ở mỗi quốc gia;
- Thúc đẩy kiến thức và các kỹ năng sử dụng các văn kiện nhân quyền quốc tế, khu vực, quốc gia và địa phương và các cơ chế bảo vệ nhân quyền;
- Sử dụng phương pháp giáo dục cùng tham gia bao gồm kiến thức, phân tích có sự phê phán và các kỹ năng hành động thúc đẩy nhân quyền;
- Thúc đẩy môi trường nghiên cứu và giáo dục tự do không bị sợ hãi, khuyến khích tham gia, hưởng thụ nhân quyền và phát triển đầy đủ nhân cách cá nhân;
- Liên quan đến đời sống hàng ngày của những người nghiên cứu, gắn kết họ vào cuộc đối thoại về các cách và các phương tiện biến đổi nhân quyền từ sự bày tỏ các quy tắc trừu tượng sang tính thực tiễn dựa trên các điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.
Các chủ thể chính thực hiện chương trình này của Liên hợp quốc gồm: Chính phủ các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền, UNESCO, các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc như UNICEF, UNDP, ILO, các tổ chức quốc tế khác (tổ chức liên chính phủ, tổ chức phi chính phủ quốc tế), v.v..
Quyền con người là những giá trị chuẩn mực có tính phổ quát, nhằm giúp cho mỗi cá nhân trong xã hội được sống trong tự do và tôn trọng nhân phẩm. Để đạt được mục đích này, cũng giống như mọi quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam. Giáo dục quyền con người chính là để giúp phát triển kiến thức, kĩ năng và giá trị của quyền con người, góp phần“phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.”
TS. Chu Thị Thúy Hằng
Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 2/2022
---
Tài liệu trích dẫn
(1) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Báo cáo tổng hợp Đề tài cấp Bộ trọng điểm: “Nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong giáo dục phổ thông” năm 2018 do PGS.TS Tường Duy Kiên làm chủ nhiệm.
(2) Tlđd.
(3) http://www.umn.edu/humanrts/edumat/hreduseries/hereandnow/Part-2/HRE-intro.htm. (Truy cập 12/2021).
(4) Đỗ Đức Hồng Hà, Mục đích, vai trò, ý nghĩa, phạm vi giáo dục quyền con người, trong sách: Giáo dục quyền con người – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010, tr.50.
(5) Kế hoạch hành động của Liên hợp quốc về Thập kỷ giáo dục quyền con người (1995 - 2004), đoạn 2.
(6) NANCY FLOWERS cùng Marcia Bernbaum, Kristi Rudelius-Palmer và Joel Tolman, Sổ tay giáo dục quyền con người, Những thực tiễn hiệu quả cho việc học tập, hành động và thay đổi.
(7) Tlđd.
(8) Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, Chương trình giảng dạy cao cấp lý luận, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
(9) NANCY FLOWERS cùng Marcia Bernbaum, Kristi Rudelius-Palmer và Joel Tolman, Sổ tay giáo dục quyền con người, Những thực tiễn hiệu quả cho việc học tập, hành động và thay đổi.
(10) Play It Fair! Bộ công cụ giáo dục nhân quyền dành cho trẻ em, 2008 Trung tâm giáo dục nhân quyền Equitas quốc tế.
(11) Điều 2, Luật Giáo dục năm 2019.