Xuất phát từ bản chất, vai trò quan trọng của giáo dục quyền con người ở nước ta hiện nay, việc rất cần có những chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy nhận thức đến tổ chức thực hiện của các chủ thể giáo dục quyền con người. Giáo dục quyền con người phải được thực hiện đồng thời trong mối quan hệ biện chứng, gắn kết chặt chẽ với giáo dục chính trị, tư tưởng; giáo dục đạo đức; giáo dục pháp luật và các dạng giáo dục khác. Trên cơ sở đó, tác giả trình bài cơ bản những yếu tố ảnh hưởng đến giáo dục quyền con người và những giải pháp góp phần định hướng đổi mới giáo dục quyền con người cho sinh viên Học viện Cán bộ  hiện nay.

NỘI DUNG

  1. Những yếu tố ảnh hưởng đến giáo dục quyền con người cho sinh viên hiện nay

Thứ nhất, là một nước xã hội chủ nghĩa với chế độ chính trị có một đảng duy nhất lãnh đạo, nên Việt Nam luôn là địa chỉ để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, công kích, bôi nhọ, áp đặt các quan điểm chính trị phản động, hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động các phần tử bất mãn tập hợp lực lượng chống phá, hòng lật đổ chế độ. Do đó, cần phải có quan điểm chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, để một mặt, ngăn chặn các hành vi phá hoại; mặt khác, ngăn chặn tâm lý né tránh, coi nhân quyền là vấn đề nhạy cảm dẫn đến không chú trọng thúc đẩy giáo dục nhân quyền, và hệ lụy tất yếu của nó là công chúng sẽ không hiểu đầy đủ về bản chất quyền con người, về quan điểm, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước Việt Nam về quyền con người.

Thứ hai, quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về quyền con người cũng có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến đối tượng, nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục quyền con người. Có thể khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn “kết hợp tính phổ biến và tính đặc thù của quyền con người trong nhận thức và giải quyết các vấn đề về quyền con người”; “quyền con người có tính giai cấp, đồng thời là một giá trị nhân loại, quyền con người và quyền dân tộc cơ bản là thống nhất; “quyền con người phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá và truyền thống của dân tộc”, “Quyền con người, quyền công dân phải được chế độ pháp luật bảo vệ[1]. Tuy nhiên, các quan điểm này trên thực tế vẫn chưa được truyền tải một cách đầy đủ, rộng rãi, thường xuyên đến mọi đối tượng trong xã hội, do giáo dục quyền con người vẫn chưa được chú trọng đầy đủ, chưa được mở rộng cả về đối tượng, phạm vi, cấp độ giáo dục.

Thứ ba, yếu tố lịch sử - văn hoá cũng tác động không nhỏ đến giáo dục quyền con người cho sinh viên ở Việt Nam. Các phong tục, tập quán lạc hậu, những quan niệm về đạo đức, lễ giáo phong kiến còn mang đậm dấu ấn và ảnh hưởng lâu dài trong đời sống của nhân dân Việt Nam, có tác động sâu sắc đến nhận thức về quyền con người và giáo dục về quyền con người, trong đó có giáo dục về tư tưởng bình quyền, bình đẳng giới.

Thứ tư, quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam đặt ra yêu cầu cấp bách phải tăng cường công tác giáo dục quyền con người. Vì, cùng với giáo dục pháp luật và các dạng giáo dục khác, giáo dục quyền con người trực tiếp góp phần tạo ra các nội dung, giá trị của Nhà nước pháp quyền, đảm bảo cho Nhà nước pháp quyền Việt Nam hình thành trong thực tiễn. Thực hiện tốt giáo dục quyền con người còn giúp cho quá trình này được rút ngắn và đi đúng hướng, tránh được những lệch lạc, phiến diện trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam.

Thứ năm, trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, khi khoa học công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, bên cạnh mặt tích cực, còn nhiều tác động tiêu cực như sự phức tạp, nhiễu loạn của thông tin đa chiều, đặc biệt là các thông tin liên quan đến quyền con người dẫn đến sự chệch hướng trong nhận thức về quyền con người của một bộ phận không nhỏ công chúng, đặc biệt là giới trẻ dễ bị ảnh hưởng của thiên hướng đề cao chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, thoát ly môi trường xã hội, chỉ muốn hưởng thụ, mà không biết cống hiến.

  1. Sự cần thiết của việc giáo dục quyền con người cho sinh viên hiện nay

Giáo dục quyền con người cho sinh viên có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao nhận thức xã hội, giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền do thiếu hiểu biết; cung cấp tri thức, trang bị kỹ năng, giúp mỗi người nhận thức đúng đắn ý nghĩa, giá trị của các quyền, biết tự mình bảo vệ các quyền, tuân thủ pháp luật và biết tôn trọng phẩm giá, các quyền và tự do của người khác.

Bản Tuyên bố Viên về Chương trình hành động được thông qua tại Hội nghị Thế giới lần thứ hai về quyền con người, tháng 6-1993 đã “coi giáo dục, đào tạo và thông tin chung về quyền con người là thiết yếu cho thúc đẩy và đạt được các quan hệ hài hòa, ổn định trong các cộng đồng và để tăng cường được sự hiểu biết lẫn nhau, khoan dung và hòa bình”(1). Hưởng ứng Tuyên bố Viên và Chương trình hành động, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 59/113A ngày 10-12-1994, tuyên bố về Chương trình Thập kỷ giáo dục quyền con người (1995 - 2004). Từ đó đến nay, Liên Hợp quốc đã thông qua ba giai đoạn của giáo dục nhân quyền. Giai đoạn 1 (2005 - 2009) tập trung vào cấp tiểu học và trung học với mục tiêu chính là “tiếp cận giáo dục - dựa trên quyền”; giai đoạn 2 (2010 - 2014) tập trung vào giáo dục cấp đại học, giáo dục cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, công chức, cán bộ thực thi pháp luật và sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp; giai đoạn ba (2015 - 2019) tập trung củng cố quá trình thực hiện hai giai đoạn đầu của Chương trình và thúc đẩy việc đào tạo cho giới truyền thông, báo chí(2). Đồng thời, nhằm thúc đẩy hơn nữa giáo dục, đào tạo quyền con người, năm 2011, Liên Hợp quốc đã thông qua Tuyên ngôn về Giáo dục và Đào tạo quyền con người, trong đó nhấn mạnh giáo dục quyền con người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng “một nền văn hóa quyền con người” toàn cầu.

Thực tiễn giáo dục quyền con người tại các nước trong khu vực và trên thế giới cho thấy, các quốc gia ngày càng quan tâm thúc đẩy giáo dục quyền con người trong xã hội, trong đó đã đưa nội dung quyền con người vào các chương trình trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo thống kê của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp quốc về quyền con người, tính đến nay đã có 20 quốc gia xây dựng và thông qua Chương trình Hành động quốc gia hoặc Chiến lược quốc gia về giáo dục quyền con người và có 36 quốc gia đã xây dựng và thông qua Chương trình hành động tổng thể quốc gia về quyền con người, trong đó có giáo dục quyền con người[2]. Các nước gần với Việt Nam như Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc đều rất coi trọng giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân. Hiện nay, Thái Lan đã đưa nội dung quyền con người vào các chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học đến cấp trung học và giáo dục đại học, sau đại học; Trung Quốc mới đây cũng đưa nội dung quyền con người vào các trường tiểu học, trung học, đã xây dựng chương trình đào tạo công chức, đào tạo bậc đại học và sau đại học về quyền con người.

Đối với Việt Nam, việc bảo đảm quyền con người đã được Đảng, Nhà nước ta sớm quan tâm thực hiện, nhất là từ khi Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới đến nay. Đảng, Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo, dành nguồn lực nhất định để tổ chức các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp có liên quan tới công tác bảo vệ, đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người, nhằm xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, tạo thế chủ động tham gia vào các hoạt động bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trên trường quốc tế và các điều ước quốc tế về quyền con người(4).

Năm 1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 12/CT/TW ngày 12-7-1992 về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”; Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 2-12-2004 về “Tăng cường công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền trong tình hình mới”; Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20-7-2010 về “Công tác nhân quyền trong tình hình mới”; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2057/QĐ-TTg ngày 23-11-2015 về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị của Việt Nam chấp thuận theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc. Các văn kiện nêu trên đều nhấn mạnh nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, nhấn mạnh nhiệm vụ lồng ghép nội dung giáo dục về quyền con người vào chương trình đào tạo ở tất cả các cấp học, bậc học.

  1. Giải pháp thực hiện giáo dục quyền con người cho sinh viên Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay

Giáo dục quyền con người là cẩn thiết để xây dựng thành công nhà nước pháp quyền, và thực hiện thắng lợi nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Để tăng cường hoạt động giáo dục quyền con người và để hoạt động này đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, tác giả xin nêu một số giải pháp cơ bản, cụ thể:

Một là, biên soạn giáo trình, sách và tài liêu giáo dục cho từng nhóm đối tượng giáo dục cụ thể trong từng ngành học tại Học viện Cán bộ. Hiện nay, chúng ta chưa có giáo trình chung, thống nhất; chưa có đẩy đủ tài liệu cho việc giáo dục quyền con người theo từng nhóm đối tượng. Chúng ta cần thiết phải "Việt Nam hóa" các tài liệu giáo dục quyền con cho từng nhóm chủ thể giáo dục, từng nhóm đối tượng giáo dục cụ thể, trên cơ sở tính hệ thống, tính liên thông của tài liệu về nội dung giáo dục quyền con người cho sinh viên.

Hai là, đưa chương trình giáo dục quyền con người vào hê thống giáo dục nhà nước, đặc biệt là các trường chính trị. Môi trường giáo dục là một trong các yếu tố quan trọng nhất, hiệu quả nhất trong việc truyền thụ kiến thức và xây dựng nhân cách con người. Vì vậy, việc đưa giáo dục quyền con người trở thành môn học chính thức trong hệ thống giáo dục nhà nước là cẩn thiết và đạt hiệu quả cao. Việc này vừa đảm bảo tính thống nhất, tính liên thông của chương trình, vừa thực hiện được thường xuyên, liên tục, rộng khắp trong cả nước và mang tính chủ động tránh được những phụ thuộc vào các dự án, nguổn tài chính... Đảm bảo trách nhiệm của cả chủ thể và đối tượng tham gia hoạt động giáo dục này. Khi đưa dạng giáo dục này vào giảng dạy chính thức, nội dung của nó có thể được lổng ghép, tích hợp vào nội dung giảng dạy của các môn học khác có mối liên quan, hỗ trợ như giáo dục đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục pháp luật cho sinh viên thông qua các chương trình sinh hoạt công dân.

Ba là, xác định đúng đắn các hình thức, phương pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng giáo dục. Hình thức, phương pháp này phải đảm bảo truyền tải nội dung giáo dục đã được xây dựng riêng cho từng đối tượng, một cách sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng ngay vào thực tiễn cuộc sống. Hình thức giáo dục có thể thông qua các hoạt động văn hóa bằng tranh ảnh, panô, áp phích, tờ rơi, đài truyền thanh, đài phát thanh truyền hình, phim và các loại hình nghệ thuật khác. Chúng ta có thể in ấn tài liệu, tranh ảnh, tờ rơi có hình thức đẹp, dễ hiểu và giao cho các tổ chức đoàn tiếp cận, làm quen với nội dung giáo dục sau đó cụ thể thành hoạt động cho sinh viên.

Bốn là, đào tạo đội ngũ giảng viên,báo cáo viên thực hiện công tác này. Giáo dục quyền con người là một dạng giáo dục đặc thù, chủ thể giáo dục không nhất thiết phải có trình độ chuyên môn, chuyên ngành cao như giáo dục chính trị, tư tưởng; giáo dục pháp luật. Nội dung giáo dục cũng cho phép thực hiện dưới nhiều hình thức, phương pháp khác nhau, từ đơn giản như tranh ảnh đến phức tạp như tuyên truyền, giảng dạy... và có thể thực hiện giáo dục tập trung hoặc không tập trung.Việc chuyển tải nội dung giáo dục sao cho đối tượng giáo dục hiểu được bản chất của vấn đề để từ đó xây dựng ý thức hành vi của mình là việc làm khó khăn, phức tạp và đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Hơn nữa, hoạt động này lại diễn ra trên phạm vi rộng lớn, đối tượng giáo dục đa dạng, và lại phải được thực hiên thường xuyên liên tục. Vì vậy, viêc xây dựng đội ngũ giảng viên là rất cẩn thiết.

Đối với đội ngũ cốt cán: Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục quyền con người ngoài nhà trường không chỉ làm nhiêm vụ tuyên truyền, giáo dục sinh viên mà còn phải vận động quẩn chúng nhân dân tích cực tham gia hoạt động giáo dục này. Đội ngũ chuyên trách đoàn thể có thể được xây dựng từ các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể quẩn chúng, những người tình nguyên, đội ngũ giáo viên vùng sâu, vùng xa, con em các dân tộc ít người có trình độ văn hóa nhất định. Trong đó chúng ta phải đặc biêt quan tâm đến xây dựng đội ngũ cốt cán trong tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hổ Chí Minh Học viện Cán bộ, để thông qua các hoạt động của tổ chức này mà truyền tải nội dung giáo dục quyền con người một cách sâu, rộng đến mọi tầng lớp nhân dân.

Năm là, bảo đảm các điều kiên kinh phí, vật chất phục vụ hoạt động giáo dục quyền con người cho sinh viên hiện nay. Thời gian qua, đã có nhiều cố gắng trong thực hiện giáo dục quyền con người. Tuy nhiên, hoạt động này còn mang tính thụ động, phụ thuộc và kết quả chưa cao. Điều này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có một nguyên nhân quan trọng là nguổn ngân sách nhà nước dành cho hoạt động này còn rất hạn chế. Hiện nay kinh phí phục vụ cho các hoạt động tuyên truyền giáo dục, hội thảo khoa học quyền con người chủ yếu là bằng tài trợ quốc tế. Vì vậy, để tạo ra được nguồn lực cần thiết đáp ứng được yêu cầu, nhiêm vụ của hoạt động giáo dục quyền con người trong thời gian tới, hàng năm Nhà trường nên có kế hoạch phân bổ một khoản kinh phí thích ứng cho hoạt động này.

KẾT LUẬN

Giáo dục quyền con người cho sinh viên nói chung và sinh viên Học viện cán bộ nói riêng, là rất cần thiết nhưng phụ thuộc nhiều vào mục tiêu, đối tượng, nội dung và phương pháp giảng dạy được xác định trong từng giai đoạn phát triển và chính sách của từng đơn vị đào tạo.

Theo quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam, việc mở rộng dân chủ, chú trọng đến sự phát triển của nhân tố con người là một trong những định hướng chủ đạo để có thể xác định mục tiêu tổng quát, đối tượng cũng như nội dung cơ bản của việc giáo dục quyền con người. Có thể xác định, mục tiêu tổng quát giáo dục quyền con người bao gồm: tăng cường sự tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản; phát triển toàn diện cá nhân con người và ý thức tôn trọng con người; thúc đẩy sự hiểu biết, tôn trọng, bình đẳng giới và sự đoàn kết giữa các quốc gia, người bản địa và các nhóm chủng tộc, quốc gia, dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ; nâng cao năng lực của mọi người trong xã hội tự do dân chủ…

Liên quan đến nội dung giáo dục quyền con người, trên cơ sở mục tiêu, đối tượng cụ thể, việc xác định nội dung giáo dục cần đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của giáo dục quyền con người như tính phụ thuộc, không thể chia cắt và tính phổ biến của nhân quyền; duy trì sự đánh giá khác nhau, và các quan điểm trái ngược về sự phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị hoặc quan điểm khác, quốc gia, dân tộc, hoặc nguồn gốc xã hội, thể chất hay điều kiện tinh thần và các cơ sở khác; sử dụng sự phân tích về tính quy luật và phát triển của các vấn đề nhân quyền; gắn giáo dục với điều kiện bối cảnh văn hóa khác nhau và có tính đến sự phát triển về mặt xã hội, lịch sử ở mỗi quốc gia…

Trên cơ sở mục tiêu, nội dung, đối tượng và phương pháp giáo dục được xác định, giáo dục quyền con người một cách khoa học và hiệu quả sẽ mang lại những thành tựu to lớn cho việc củng cố nền dân chủ trong Nhà nước pháp quyền. Ngoài ra, việc giáo dục quyền con người thể hiện một khía cạnh quan trọng của khả năng các quốc gia thực thi quyền con người theo nghĩa: giáo dục quyền con người tương ứng với “quyền được giáo dục” – một trong những quyền cơ bản của con người. Nội hàm của quyền này được xem xét trên bình diện: giáo dục quyền con người nhằm để con người hiểu biết về quyền của mình. Trên cơ sở đó, con người có thể tự chủ và nâng cao năng lực hưởng thụ, phấn đấu trong một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

TS. Công Thị Phương Nga

Phó Trưởng Khoa Lý luận cơ sở, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh

Nguyễn Văn Việt

Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh

---

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Các Văn kiện quốc tế về Quyền con người, Nxb CTQG

(2) Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người, Giáo trình Lý luận về quyền con người, Học viện CTQG Hồ Chí Minh,

(3) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu quyền con người: Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998,

(4) Viện nhân quyền Đan Mạch, “Tài liệu hướng dẫn giáo dục nhân quyền, hướng dẫn của chuyên gia trong việc lập kế hoạch và quản lý giáo dục nhân quyền”, 2019; ‘Giáo dục nhân quyền: biện pháp “dài hơi” thúc đẩy bảo đảm quyền con người’, http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phap-luat/giao-duc-nhan-quyen-bien-phap-dai-hoi-thuc-day-dam-bao-quyen-con-nguoi-301156.html, truy cập ngày 26/8/2020.

(5) Nguyễn Văn Mạnh và Nguyễn Thị Báo, “Giáo dục quyền con người trong các cơ sở đào tạo không có chuyên ngành luật: vấn đề và giải pháp”, Tạo chí Khoa giáo, số 1&2 năm 2007.

(6)Nguyễn Thị Hồng Yến (2019), “Vai trò và sự tham gia của các cơ sở nghiên cứu/đào tạo trong thực hiện các khuyến nghị UPR về giáo dục quyền con người tại Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 4/2019.

(7) Hà Mai Hiên, “Xây dựng chiến lược quyền con người ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế”, Sách tham khảo “Giáo dục quyền con người – những vấn đề lý luận và thực tiễn”, Nxb. Khoa học xã hội, 2011, tr.388-390.

 

[1] Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người, Giáo trình Lý luận về quyền con người, Học viện CTQG Hồ Chí Minh, H, 2002, tr. 242 – 255.

[2] Nguồn: Office of High Commissioner for Human.