Giáo dục pháp luật nói chung và giáo dục pháp luật về quyền con người nói riêng có vị trí, vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt trong điều kiện nước ta đang xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật là một nội dung quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong Quân đội từ trước đến nay. Giáo dục pháp luật về quyền con người là một nội dung cơ bản, trọng tâm trong giáo dục pháp luật nhằm nâng cao năng lực hiểu biết pháp luật của cán bộ quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội.

Ảnh minh họa. Nguồn: vtv.vn

1. Sự cần thiết phải giáo dục pháp luật về quyền con người ở Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

Giáo dục pháp luật nói chung và giáo dục pháp luật về quyền con người nói riêng có vị trí, vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt trong điều kiện nước ta đang xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quyền con người đã trở thành một vấn đề toàn cầu, mối quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế, là nguyện vọng chung của nhân loại, thành quả đấu tranh của loài người qua nhiều thế hệ. Những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người là rất to lớn, song không phải mọi đối tượng trong xã hội đều nhận thức rõ về quyền con người và những thành tựu về nhân quyền mà nước ta đã đạt được từ thành quả của cách mạng từ khi có Đảng lãnh đạo.

Giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật là một nội dung quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong Quân đội từ trước đến nay. Giáo dục pháp luật về quyền con người là một nội dung cơ bản, trọng tâm trong giáo dục pháp luật nhằm nâng cao năng lực hiểu biết pháp luật của cán bộ quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội, vận dụng trực tiếp cho lãnh đạo, chỉ huy, quản lý bộ đội ở các đơn vị trong toàn quân; đồng thời cũng là hiện thực hóa, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về giao quyền đào tạo, bồi dưỡng cao cấp lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ các cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Những năm qua, các học viện, trong đó có Học viện Chính trị đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương, chỉ tiêu và các biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị trong đó có môn học về lý luận và pháp luật về quyền con người. Qua nghiên cứu, học tập môn học, học viên đã nắm được những nội dung cơ bản, có khả năng mở rộng hiểu biết pháp luật về quyền con người vào thực tiễn góp phần nâng cao năng lực về tư duy và tầm nhìn, vận dụng kiến thức pháp luật vào lãnh đạo, chỉ đạo ở các đơn vị trong toàn quân.

 Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện giáo dục pháp luật về quyền con người ở Học viện Chính trị còn bộc lộ những bất cập nhất định như: một số cán bộ, giảng viên, học viên nhận thức chưa đầy đủ, toàn diện và sâu sắc về vị trí, ý nghĩa của môn học; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và các lực lượng liên quan trong theo dõi, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có lúc chưa thật nhịp nhàng, hiệu quả; cơ sở vật chất, phương tiện, giáo trình, tài liệu ở giai đoạn đầu được giao đào tạo thí điểm còn thiếu; đặc biệt, động cơ học tập, thái độ trách nhiệm trong tiếp thu kiến thức môn học có tính chuyên sâu ở một số học viên còn hạn chế; một số giảng viên giảng dạy môn học, khả năng cập nhật, nghiên cứu tiếp cận đảm bảo tính chuyên sâu về chuyên ngành còn mức độ, khả năng liên hệ vận dụng gắn với chức trách, nhiệm vụ của người học còn ở mức độ nhất định… Điều đó tất yếu ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục pháp luật về quyền con người ở Học viện Chính trị.

Hiện nay, Đảng, Nhà nước ta đang tiếp tục tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đối với quân đội Nhân dân Việt Nam, trong tiến trình xây dựng Quân đội từng bước hiện đại và hiện đại thì việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược có phẩm chất và năng lực toàn diện, có tư duy và tầm nhìn, có kiến thức và hiểu biết sâu rộng, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế đã đặt ra vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ càng trở nên cấp thiết. Trong đó, việc đào tạo, hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị và nội dung môn học pháp luật về quyền con người đặt ra yêu cầu mới cao hơn để người học nắm vững thực chất vấn đề pháp luật về quyền con người và cũng là góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở Học viện Chính trị hiện nay.

Từ đó, đặt ra yêu cầu giáo dục pháp luật về quyền con người cho học viên đào tạo, hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị ở Học viện Chính trị hiện nay là vấn đề mang tính cấp bách cả về lý luận và thực tiễn và trong các hình thức giáo dục quyền con người đem lại hiệu quả tốt nhất có thể đó chính là thông qua hình thức giáo dục chính khóa, trực tiếp là thông qua giảng dạy các môn học trong đó trọng tâm là môn học Lý luận và pháp luật về quyền con người ở Học viện Chính trị.

2. Đối tượng học viên đào tạo, hoàn chỉnh chương trình cao cấp lý luận chính trị và môn học Lý luận và pháp luật về quyền con người ở Học viện Chính trị hiện nay

* Đặc điểm học viên đào tạo, hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị ở Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

Đào tạo, hoàn chỉnh chương trình cao cấp lý luận chính trị ở Học viện Chính trị là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Đảng, Quân đội đã và đang coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân. Theo đó, các đơn vị trong toàn quân luôn coi trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ một cách toàn diện, trong đó xác định nhiệm vụ đào tạo, hoàn chỉnh chương trình cao cấp lý luận chính trị cho cán bộ các cấp trong đó có đối tượng học viên đào tạo, hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị ở Học viện Chính trị là một nội dung quan trọng của công tác cán bộ hiện nay.

Học viên đào tạo, hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị ở Học viện Chính trị có một số đặc điểm như sau:

Thứ nhất, học viên đào tạo, hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, tiêu biểu về phẩm chất chính trị và chuẩn mực về đạo đức cách mạng.

Thứ hai, học viên đào tạo, hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị được tuyển chọn từ nguồn đối tượng khá đa dạng về chức vụ và trình độ học vấn.

Thứ ba, học viên đào tạo, hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị được tuyển chọn từ các cán bộ chủ chốt ở các học viện, nhà trường trong Quân đội.

Thứ tư, học viên đào tạo, hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị ở Học viện Chính trị có năng lực, phẩm chất, thời gian công tác (tuổi đời, tuổi quân, cấp bậc quân hàm, kiến thức lý luận và pháp luật về quyền con người) nhìn chung không đồng đều.

* Chương trình, nội dung giáo dục pháp luật về quyền con người cho học viên đào tạo, hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị ở Học viện

Chương trình tổng thể: theo Quyết định số 1458/ QĐ-TM ngày 24/9/2018 của Tổng Tham mưu trưởng về việc phê duyệt chương trình đào tạo, hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị). Cụ thể như sau:

Đối với đối tượng đào tạo cao cấp lý luận chính trị

Thực hiện theo chương trình chuẩn về đào tạo cao cấp lý luận chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (ban hành kèm theo Quyết định số 3092 ngày 24/7/2017), Học viện Chính trị đã xây dựng khung Chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị, với tổng số 1330 tiết (19 môn học), trong đó có một số chuyên đề bổ trợ phù hợp với thực tiễn công tác, chiến đấu của Quân đội; thời gian đào tạo trong 08 tháng. Một tuần học 5 ngày, một ngày học 10 tiết. Học viên tập trung thời gian học tập tại Học viện; các học viên chưa được qua đào tạo chính ủy cấp trung, sư đoàn.

Trong tổng thể 19 môn học, học viên đào tạo cao cấp lý luận chính trị được học môn Lý luận và pháp luật về quyền con người, tổng số là 50 tiết. Do vậy, với đối tượng này họ vừa được học chương trình đào tạo chính ủy cấp trung, sư đoàn đồng thời được học các môn học trong chương trình cao cấp lý luận chính trị, theo chuẩn chương trình của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Theo Quy định số 57 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 08/02/2022 “Quy định về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo cao cấp lý luận chính trị”).

Đối với đối tượng hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị

Trên cơ sở quán triệt, triển khai thực hiện chương trình chuẩn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các chương trình đào tạo cán bộ chính trị cấp trung, sư đoàn; giảng viên khoa học xã hội nhân văn quân sự, Học viện Chính trị đã xây dựng khung Chương trình hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị với 464 tiết (05 cụm kiến thức), có bổ sung các chuyên đề thuộc nhóm kiến thức quốc phòng và an ninh phù hợp với đặc thù hoạt động của Quân đội; thời gian tiến hành trong 3 tháng; một tuần học 5 ngày, một ngày học 8 tiết. Môn học Lý luận và pháp luật về quyền con người thuộc Cụm 5 với 06 chuyên đề, 01 xemina, thu hoạch (thi hết cụm); tổng số là 34 tiết.

Toàn bộ 02 chương trình trên đây đã được Hội đồng khoa học của Bộ Quốc phòng thông qua và Tổng Tham mưu trưởng phê duyệt.

 Tổng thể môn Lý luận và Pháp luật về quyền con người đối với 2 đối tượng trên, các học viên đều được học đầy đủ các chủ đề của môn học Lý luận và pháp luật về quyền con người; tham gia thảo luận, viết thu hoạch, thi hết cụm, thi kết thúc môn học. Tuy nhiên, giữa đối tượng đào tạo kiến thức cao cấp lý luận chính trị và đối tượng hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị có một số nội dung cơ bản như sau:

Đối với đối tượng hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị, nội dung gồm: 06 chuyên đề/chủ đề; 01 xêmina; 01 bài thu hoạch (hoặc ôn và thi hết cụm). Nội dung các chuyên đề chiếm tỉ lệ: lý thuyết (24 tiết), xemina (4 tiết), tự nghiên cứu (10 tiết), viết thu hoạch hoặc thi hết cụm (05 tiết).

Đối với đối tượng đào tạo cao cấp lý luận chính trị, nội dung gồm: 06 chuyên đề/chủ đề (30 tiết); 01 xêmina (04 tiết); 01 bài thu hoạch (hoặc ôn và thi hết cụm) (15 tiết).

Bộ phận trực tiếp giảng dạy môn học Lý luận và pháp luật về quyền con người là đội ngũ giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật. Trong đó:

Chuyên đề 1: Lý luận về quyền con người. Cung cấp cho học viên những kiến thức lý luận cơ bản về quyền con người (khái niệm, nguồn gốc, đặc trưng của quyền con người; phân loại quyền, giới hạn, tạm đình chỉ quyền và vấn đề nghĩa vụ, trách nhiệm; mối quan hệ giữa quyền con người với một số lĩnh vực của đời sống xã hội). khái quát sự phát triển tư tưởng về quyền con người trong lịch sử nhân loại; quan điểm và cách tiếp cận của các tổ chức quốc tế, khu vực và quốc gia về quyền con người.

Chuyên đề 2: Luật Nhân quyền quốc tế và các cơ chế bảo đảm quyền con người. Trang bị cho học viên khái niệm, đặc điểm, mối quan hệ giữa pháp luật quốc tế về quyền con người với pháp luật quốc gia; nghĩa vụ, trách nhiệm của quốc gia trong việc thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người; các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người và nội dung quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương trong luật quốc tế; cơ chế quốc tế, cơ chế khu vực và cơ chế quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Chuyên đề 3: Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Cung cấp cho học viên những kiến thức sau đây: cơ sở hình thành và quá trình nhận thức của Đảng về quyền con người, quyền công dân; nội dung các quan điểm cơ bản của Đảng về quyền con người và bảo đảm quyền con người;phương hướng, nhiệm vụ bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam hiện nay.

Chuyên đề 4: Pháp luật Việt Nam về quyền con người, quyền công dân. Khái quát về hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền con người, quyền công dân; nội dung các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa và quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương; phương hướng hoàn thiện pháp luật và thực hiện pháp luật về quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam hiện nay.

Chuyên đề 5: Cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam. Khái quát về các thiết chế trong hệ thống chính trị có vị trí, vai trò và chức năng bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phương thức bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các thiết chế trong hệ thống chính trị; phương hướng, nhiệm vụ nâng cao hiệu quả cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam.

Chuyên đề 6: Đối thoại và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam hiện nay. Cung cấp cho học viên những kiến thức cơ bản về  vị trí, vai trò, ý nghĩa của đối thoại và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người; quan niệm, đặc điểm, phương thức và thực tiễn đối thoại, đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam; phương hướng, nhiệm vụ của đối thoại và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, chương trình có 04 tiết xêmina, với chủ đề: Bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở nước ta hiện nay.

(Còn tiếp...)

Thượng tá, ThS. Nguyễn Đắc Hương

 Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng