Quyền con người là quyền tự nhiên, thiêng liêng, cơ bản của con người, được hiến định trong các nhà nước hiện đại. Đây còn là yêu cầu của một chế độ chính trị dân chủ, là giá trị mà nhân loại hướng đến. Khoa học chính trị học nghiên cứu những quy luật tất yếu vận động của đời sống chính trị - xã hội nhân loại, trực tiếp là nhà nước; Nhà nước - Hệ thống chính trị - Thể chế chính trị xoay quanh vấn đề giành, giữ, thực thi quyền lực chính trị, tập trung vào quyền lực nhà nước. Bài viết góp phần đánh giá thực trạng và đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả việc giảng dạy nội dung này trong chương trình đào tạo cử nhân ngành Chính trị học tại Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh.

MỞ ĐẦU

Quyền con người là vấn đề được quan tâm ở mọi thời đại. Trong từng giai đoạn phát triển của lịch sử, luôn có sự hoàn thiện, phát triển cả về nội dung, hình thức, đối tượng của quyền con người. Tuy nhiên, chỉ khi cách mạng tư sản thành công thì nhận thức về quyền con người, quyền công dân mới mang tính hiến định; Ngày nay, quyền con người được hiến pháp của các quốc gia khẳng định. Nhận thức về quyền con người đang là xu thế chung, hoàn thiện dần trong nghiên cứu và thực thi quyền con người.

Chính trị học là khoa học nghiên cứu về đời sống chính trị trong tính chỉnh thể nhất, các qui luật chính trị, quan hệ chính trị, hoạt động động chính trị, trong đó quyền con người là nội dung quan trọng. Trong chương trình cử nhân Chính trị học tại học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh nội dung này luôn được quan tâm, được lồng ghép trong việc giảng dạy các học phần khác nhau từ khối kiến thức đại cương, cơ sở ngành đến chuyên ngành. Tuy nhiên, nội dung về quyền con người vẫn chưa được nghiên cứu một cách hệ thống trong một học phần cụ thể.

1. Quyền con người được giảng dạy trong chương trình cử nhân Chính trị học tại Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay

Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập theo quyết định số 1878/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 15/10/2014 trên cơ sở nâng cấp trường Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh (sát nhập của 4 trường trước đó Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ năm 1965, Trường Hành chính Thành phố năm 1976, Trường Đào tạo tại chức 1977, Trung tâm Giáo dục chính trị năm 1985). Mỗi giai đoạn, cùng với quy định chức năng, nhiệm vụ của cơ sở đào tạo, nhà trường đến nay (2022) đã tuyển sinh hệ cử nhân với 5 chuyên ngành đào tạo: Quản lý nhà nước; Chính trị học; Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước; Luật; Công tác xã hội. Ngành Chính trị học tại Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh chính thức tuyển sinh từ năm 2017 đến nay đã đào tạo được 5 khóa, quá trình tuyển sinh vẫn đang được tiếp tục với năm học 2022 chỉ tiêu tuyển sinh khóa 6 là 100 chỉ tiêu.

Hiện nay, có hơn 50 định nghĩa về quyền con người, trong đó định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc (Office of High Commissioner Human Rights – OHCHR) được giới nghiên cứu trích dẫn nhiều nhất: “quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu (universal legal guarantees) có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động (actions) hoặc sự bỏ mặc (omissinos) mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép (entitlements) và tự do cơ bản (fundamental freedoms) của con người”[1]. Quyền công dân, dân chủ là những thuật ngữ mang tính tương đồng về quyền con người, tùy vào điều kiện lịch sử cụ thể từng nước, gắn với các kiểu và hình thức nhà nước, mà nhận thức về giá trị quyền con người ngày càng được hoàn thiện. Quyền con người được xác định là một trong những giá trị chung của nhân loại. Cuộc đấu tranh vì quyền con người, vì sự tiến bộ của con người vì thế cũng là một trong những cuộc đấu tranh nổi bật trên chính trường thế giới hiện nay.

Hiện tại, chương trình đào tạo cử nhân Chính trị học tại Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, nội dung quyền con người được lồng ghép trong các học phần trong phần đại cương, cơ sở ngành, chuyên ngành, cụ thể: Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, thời lượng (03 tín chỉ); Luật Hiến pháp, thời lượng (03 tín chỉ); Dân tộc học đại cương, thời lượng (02 tín chỉ); Tôn giáo học đại cương, thời lượng (02 tín chỉ), Chính trị học Việt Nam hiện đại – những vấn đề cơ bản, thời lượng (02 tín chỉ).

Học phần Lý luận chung về nhà nước và pháp luật nhằm giới thiệu, trang bị những tri thức cơ bản về nhà nước và pháp luật; từ vấn đề có tính lịch sử, sự hình thành, bản chất và chức năng của nhà nước và pháp luật đến những vấn đề có tính hiện thực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nếu như học phần Lý luận chung về nhà nước và pháp luật đề cập đến chế định pháp luật, trong đó có chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thì học phần Luật hiến pháp bổ sung tính lịch sử, phát triển từ nội dung đến hình thức mô hình chính thể cộng hòa dân chủ nhân dân ở Việt Nam. Cùng với quá trình đấu tranh, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, quyền con người tại Việt Nam đã được tôn trọng, bảo vệ và ngày càng khẳng định ý nghĩa, vai trò qua các bản Hiến pháp. Chế định quyền con người được Hiến định trong Hiến pháp đầu tiên năm 1946, đặc biệt, Hiến pháp 2013 không chỉ tiếp tục kế thừa và phát triển quyền con người mà còn có những điểm mới, thể hiện tính nhân văn sâu sắc.

Việc học tập các học phần này là cần thiết, bổ sung kiến thức liên ngành, cơ sở khoa học, từ đó giúp sinh viên ngành Chính trị học hiểu sâu hơn về các học phần chuyên ngành, thấy được sự ưu việt của chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, bởi quyền con người có mối quan hệ hữu cơ với nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Quyền con người còn được đề cập một cách gián tiếp qua các học phần cơ sở ngành: Dân tộc học đại cương - trang bị cho sinh viên cơ sở lý luận chung nhất về con người; người theo nghĩa hẹp nhất là từng thành viên trong gia đình, nghĩa rộng hơn là dân tộc, lớn nhất là nhân loại. Chế độ ta, Nhà nước ta là của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, mọi dân tộc sinh sống trên đất nước ta bình đẳng, hòa thuận cùng phát triển với đất nước, Điều 5, Hiến pháp năm 2013 Hiến định điều đó. Có thể nói, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền con người; không có độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, không thể nói đến các quyền con người. Tôn giáo học đại cương bàn đến việc quyền tự do tôn giáo của con người, được hiến định trong hiến pháp năm 2013, Điều 24, Hiến pháp năm 2013 Hiến định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo đễ vi phạm pháp luật”[2].

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền bình đẳng trước pháp luật của tất cả các dân tộc, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Truyền thống đoàn kết chính là cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam với cội nguồn ý thức dân tộc từ nhu cầu trị thủy, cấu kết cộng đồng trong văn minh lúa nước của người Việt kết tinh những nội dung về ý thức dân tộc, đến giá trị văn hóa nhà – làng – nước. Tư tưởng Dân là gốc “đã đưa tư duy chính trị của giới cầm quyền ở nước ta thoát khỏi vũng lầy duy tâm thần bí, hạn chế bớt tính chất chuyên chế, mở rộng tinh thần dân chủ và phát huy được sức mạnh dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước”[3]. Có thể nói, tư tưởng chính trị kết hợp lợi ích giai cấp với lợi ích dân tộc, thấy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, vai trò của nhân dân là lực lượng quyết định lịch sử… - thực chất là  quyền con người - đã được khẳng định một cách xuyên suốt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là giá trị ưu việt của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, sẽ được minh chứng trong các học phần thuộc khối kiến thức chuyên ngành, và được nhấn mạnh trong học phần Chính trị học Việt Nam hiện đại – những vấn đề cơ bản. Đây là học phần thay thế khoá luận tốt nghiệp, bàn về những nội dung như: đổi mới phương thức lãnh đạo Đảng, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đảm bảo thực thi và phát huy quyền lực của nhân dân ở Việt Nam hiện nay.

Như vậy, trong các học phần thuộc khối kiến thức đại cương, cơ sở ngành, kiến thức chuyên ngành chương trình cử nhân Chính trị học tại Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh đều trực tiếp hoặc gián tiếp giáo dục nội dung quyền con người.

2. Vì sao Quyền con người chưa được giảng dạy trong chương trình cử nhân Chính trị học tại Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh như một học phần?

Thứ nhất, quyền con người thường được lồng ghép trong các vấn đề giáo dục pháp luật và giáo dục đạo đức, ý thức công dân trong tôn trọng pháp luật. Được đào tạo chính thức bởi chuyên ngành Luật nói riêng, khoa học pháp lý nói chung. Quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện và thành viên có trách nhiệm trong việc đề cao thực hiện nội dung quyền con người.  Hiến pháp năm 2013 khẳng định, thống nhất chủ thể có “quyền” cao nhất từ nhà nước đến xã hội là Nhân dân “tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam”. Vì lẽ đó quyền con người được tiếp cận nghiên cứu một cách hệ thống bởi khoa học pháp lý, gắn với chuyên ngành Luật.

Thứ hai, quyền con người ở Việt Nam thường được bàn đến nhiều hơn với thuật ngữ dân chủ, nhân quyền, tất yếu nền dân chủ ngày càng hoàn thiện sẽ là cơ sở đánh giá quyền con người ngày càng rộng lớn hơn. Đây là vấn đề trọng tâm trong quá trình giảng dạy ngành Chính trị học. Quyền lực chính trị, hệ thống chính trị, thể chế chính trị với vấn đề giành, giữ, thực thi quyền lực nhà nước, mối quan hệ trong vấn đề quyền con người. Chính trị học bàn về dân chủ của nhà nước, việc tham gia quyền dân chủ trực tiếp, dân chủ gián tiếp (dân chủ đại diện) là một bước tiến hướng đến giá trị lớn nhất là quyền con người, sự tiêu vong của nhà nước “hình thức phi nhà nước – chính trị” thì quyền con người trở nên tuyệt đối và hiển nhiên, giá trị nhân loại trong xã hội lý tưởng, khoa học, hiện thực tức xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Lịch sử tư tưởng chính trị nhân loại luôn đặt câu hỏi về một mô hình nhà nước hoàn thiện nhất, ở đó quyền lực thực sự thuộc về nhân dân. Hoạt động chính trị là hoạt động có ý thức cao nhất của đời sống xã hội, hướng đến xây dựng con người chính trị với kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống chính trị. Mỗi chế độ xã hội, mỗi nhà nước và mỗi nền dân chủ có những điểm riêng, thu hút sự tham gia của công dân vào việc công. Con người chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức với những quyết sách chính trị, hoạt động chính trị, tình cảm chính trị… với tư cách là chủ thể quyền lực chính trị quan trọng trong việc hiện thực hoá quyền con người.

3. Một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy nội dung quyền con người trong chương trình cử nhân Chính trị học tại Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay

Đảng luôn khẳng định, việc bảo vệ quyền con người là mục tiêu, động lực của cách mạng, là trách nhiệm lớn của Đảng và Nhà nước. Đảng luôn xác định vai trò của pháp luật trong việc bảo đảm quyền con người và chỉ rõ nhà nước định ra các đạo luật nhằm xác định các quyền công dân và quyền con người. Lý luận quyền con người đã được tiếp cận bởi rất nhiều khoa học xã hội trước đó, đối với ngành Chính trị học, cần thiết phải được trang bị kiến thức về quyền con người. Nhằm nâng cao hơn nữa việc giảng dạy nội dung quyền con người cho sinh viên ngành Chính trị học tại Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, cần chú trọng các giải pháp sau:

Thứ nhất, hội đồng khoa học - đào tạo của khoa Lý luận cơ sở cần thảo luận, thống nhất về nhận thức, thấy được tầm quan trọng trong việc đưa nội dung về quyền con người ở Việt Nam vào chương trình đào tạo. Rà soát, điều chỉnh đề cương chi tiết từng học phần, cụ thể hoá nội dung này trong từng học phần.

Thứ hai, lãnh đạo khoa Lý luận cơ sở cần quan tâm, nhắc nhở, giám sát giảng viên (cả cơ hữu và thỉnh giảng) trong giảng dạy các học phần có nội dung về quyền con người.

Thứ ba, bổ sung thêm một chương về “Quyền con người ở Việt Nam” trong học phần Chính trị học Việt Nam hiện đại - những vấn đề cơ bản, là một trong hai học phần thay thế cho khóa luận tốt nghiệp đối với sinh viên ngành Chính trị học. Mục tiêu, nội dung của chương này nhằm giúp cho sinh viên năm thứ tư có nhận thức đúng đắn, hệ thống về quyền con người, tôn trọng quyền và nghĩa vụ của mỗi cá nhân với tư cách công dân, quyền và nghĩa vụ cộng đồng xã hội với tư cách xu hướng mới trong liên kết quyền con người, nâng cao ý thức, trách nhiệm của sinh viên trong việc góp phần thực hiện quyền con người ở Việt Nam sau khi tốt nghiệp.

KẾT LUẬN

 Lịch sử đã chứng minh vai trò lớn của quyền con người đối với sự phát triển của mỗi quốc gia và quá trình tiến hóa của văn minh nhân loại. Quyền con người là mục tiêu của mỗi quốc gia, dân tộc. Vì thế phát triển mọi mặt đời sống xã hội, tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần cũng đều nhằm phục vụ con người, hiện thực hóa các quyền con người. Khi quyền con người được tôn trọng và bảo đảm, sẽ khơi dậy, phát huy được năng lực, sự sáng tạo của con người, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội.

Thực hiện quyền con người là thành quả đấu tranh lâu dài, gian khổ của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức, qua mọi thời kỳ phát triển của lịch sử. Mỗi bước tiến của lịch sử nhân loại đều đánh dấu nấc thang mới trong nhận thức và việc hiện thực hóa các quyền con người. Quyền con người vừa là sản phẩm của văn minh nhân loại, vừa là sản phẩm của cuộc đấu tranh lâu dài của con người chống lại áp bức, bất công, làm chủ thiên nhiên và tự hoàn thiện chính mình...

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đề cao quyền con người. Tất cả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều hướng đến mục đích cao nhất là nhằm phát huy dân chủ, đảm bảo công bằng, tiến bộ xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Sinh viên ngành Chính trị học cần thiết phải được trang bị kiến thức về quyền con người. Việc thống nhất về nhận thức, nhanh chóng rà soát, điều chỉnh, cập nhật nội dung này trong giảng dạy các học phần có liên quan đến nội dung quyền con người trong chương trình cử nhân Chính trị học tại Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh là rất quan trọng.

TS. Lê Thị Hồng Hà

Trưởng Khoa Lý luận cơ sở, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh

Lê Xuân Định

Sinh viên K3-CTH, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh.

---

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Vũ Hoàng Công (2014): Bảo đảm và thực hiện quyền con người ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Tạp chí Cộng sản, ngày 13/3/2014;
  2. Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (2011), Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.
  3. Nguyễn Đăng Dung (2012): Mối quan hệ giữa chủ nghĩa hiến pháp (chủ nghĩa hợp hiến) và nhà nước pháp quyền. Trong Nhà nước pháp quyền một số vấn đề lý luận và thực tiễn: Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế (Rule of law state some theoretical and practical issues: Proceeding of international workshop): Hà Nội, tháng 12/2012.
  4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021): Giáo trình Cao cấp lý luận chính trị- Quyền con người. Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội.
  5. Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ (các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013) (2018), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  6. PGS. TS Nguyễn Đức Lữ (2013), Tôn giáo với dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật.

TS. Nguyễn Văn Quang (2018), Xây dựng con người chính trị Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.