Phù hợp với trách nhiệm quốc gia theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế về quyền con người, giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học ở Việt Nam cần nắm vững và vận dụng sáng tạo mục tiêu giáo dục quyền con người của Liên hợp quốc.

(Tiếp theo kỳ trước)

II. Một số giải pháp cụ thể

3. Xác định nội dung giáo dục quyền con người của giáo trình sử dụng chung cho các trường đào tạo thuộc khối ngành luật, hành chính, nội chính

3.1. Kế thừa, tiếp thu kinh nghiệm xây dựng nội dung giáo trình

a. Kinh nghiệm quốc tế. Giáo trình đầu tiên về quyền con người được cho là do David Shiman (Mỹ) biên soạn và được xuất bản[1]. Trong hơn hai thập kỷ qua, nhiều trường đại học trên thế giới đã xuất bản Giáo trình về quyền con người, như:

+ Hanski, Raija và Markku Suksi (chủ biên) (1999), Giáo trình giới thiệu về bảo vệ quyền con người quốc tế, Xuất bản lần thứ 2, Viện Quyền con người, Trường Đại học Abo Akademi (Nhật Bản).

+ Henry J. Steiner; Philipp Alston (2000), Quyền con người quốc tế trong ngữ cảnh: Pháp luật, chính trị, đạo đức, Nơi xuất bản: Oxford; Nhà xuất bản: Trường Đại học Oxford.

Hoặc, các giáo trình như: Smith, Rhona (2003), Giáo trình về quyền con người Quốc tế, Nhà xuất bản Trường Đại học Oxford. Alfredsson, Gudmundur (1995), Quyền được giáo dục về quyền con người - Giáo trình Lei-den: Nhà xuất bản Martinus Nijhoff. Drzewicki, Krzystof (2001), Quyền làm việc và quyền tại nơi làm việc, Nhà xuất bản Martinus Nijhoff…

Ở Indonesia, giáo trình cho môn học Pháp luật về quyền con người có các nội dung cơ bản sau: (i) Các nguyên tắc về quyền con người; (ii) Nền tảng triết học về quyền; (iii) Các khái niệm về quyền con người; (iv) Các quyền cơ bản và Bảo đảm; (v) Lịch sử nhân quyền (luật); (vi) Nhân quyền, pháp quyền và dân chủ; (vii) Luật nhân quyền quốc tế 1 [các quyền dân sự và pháp lý]; (viii) Luật nhân quyền quốc tế 2 [các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa]; (ix) luật nhân quyền quốc gia; (x) Vai trò của nhà nước và các chủ thể phi nhà nước đối với quyền con người; (xi) nêu trách nhiệm về quyền con người; (xii) Cơ chế nhân quyền; (xiii) Tội phạm nghiêm trọng nhất; và (xiv) Quyền con người trong tình hình hiện nay.

b. Kinh nghiệm của Việt Nam. Ở Việt Nam, sự hình thành các Giáo trình môn học về quyền con người ở trình độ đại học gắn với 2 Cơ sở đào tạo lớn về lý luận chính trị và pháp luật, đó là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Đại học quốc gia Hà Nội.

* Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Từ năm 1998, môn học Lý luận về quyền con người lần đầu tiên đã được đưa vào giảng dạy tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập môn học này, Trung tâm Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã biên soạn Giáo trình: Lý luận về quyền con người cho hệ cử nhân chính trị. Giáo trình này đã được Hội đồng khoa học liên ngành Học viện nghiệm thu chính thức và đã được xuất bản vào năm 2002. Giáo trình đã được đưa vào giảng dạy với thời lượng 30 tiết giảng, bao gồm 6 nội dung chủ đạo, và được kết cấu thành các chương.

Năm 2018, thực hiện Quyết định của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc đổi mới chương trình, nội dung trong giảng dạy Cao cấp lý luận chính trị của hệ thống Học viên, Viện Nghiên cứu quyền con người đã biên soạn và đã được xuất bản Giáo trình: Lý luận và pháp luật về quyền con người. Giáo trình có kết cấu 6 bài giảng với thời lượng là 30 tiết giảng và 5 tiết thảo luận. Đến năm 2021, Giáo trình này được chỉnh sửa và bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu cập nhật nội dung Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các văn bản pháp luật mới và tình hình thực tiễn vào nội dung Chương trình giảng dạy Cao cấp lý luận chính trị của hệ thống Học viện. Về nội dung chủ yếu, Giáo trình này vẫn giữ nguyên tên của 6 bài như Giáo trình năm 2018, bao gồm: Bài 1: Lý luận về quyền con người; Bài 2: Pháp luật và cơ chế quốc tế về quyền con người; Bài 3: Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người; Bài 4: Pháp luật Việt Nam về quyền con người; Bài 5: Cơ chế bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; Bài 6: Đối thoại và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam.

* Đại học quốc gia Hà Nội. Năm 2009, Giáo trình: Lý luận và pháp luật về quyền con người đã được Hội đồng nghiệm thu của Khoa Luật, Đại học quốc gia thông qua và chính thức đưa vào chương trình giảng dạy của Khoa. Năm 2015, Giáo trình này được tái bản và vẫn giữ kết cấu 9 chương, với các nội dung:

+ Chương I: Nhập môn lý luận và pháp luật về quyền con người;

+ Chương II: Khái quát về quyền con người;

+ Chương III: Khái quát luật quốc tế về quyền con người;

+ Chương IV: Quyền dân sự, chính trị trong luật quốc tế;

+ Chương V: Quyền kinh tế, xã hội, văn hóa trong luật quốc tế;

+ Chương VI: Luật quốc tế về quyền của một số nhóm người dễ bị tổn thương;

+ Chương VII: Cơ chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người;

+ Chương VIII: Lịch sử phát triển và quan điểm, chính sách cơ bản của Đảng, Nhà nước Việt Nam về quyền con người;

+ Chương IX: Pháp luật và cơ chế thực hiện quyền con người ở Việt Nam.

Các giáo trình nêu trên đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc cung cấp những thông tin hữu ích về lịch sử, lý luận và pháp lý cũng như các quan điểm, chính sách cơ bản của Đảng, Nhà nước Việt Nam về quyền con người. Mặc dù còn có những hạn chế nhất định, song việc xác định nội dung giáo trình quyền con người dùng chung cho các trường đào tạo thuộc khối ngành luật, hành chính, nội chính cần kế thừa từ những giáo trình này những nội dung hợp lý, khoa học.

3.3. Đảm bảo tính hệ thống, khoa học và cân đối trong xác định cấu trúc, phạm vi các nội dung của giáo trình

a. Về tên của giáo trình: Lý luận và pháp luật về quyền con người. Xét về mục tiêu, đối tượng và phạm vi giáo trình, thì việc sử dụng tên này có nhiều ưu điểm, cho phép trình bày, phân tích các nội dung cơ bản và nội dung chuyên sâu phù hợp với yêu cầu của Quyết định số 1309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

b. Về cấu trúc tổng thể. Giáo trình cần gồm 3 phần được thiết kế theo hướng cân đối kiến thức nền tảng và kiến thức chuyên ngành, cân đối lý luận và thực tiễn: A) Phần giới thiệu chung về quyền con người; B) Phần pháp luật và cơ chế quốc tế về bảo đảm quyền con người; C) Phần bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Bên cạnh đó, giáo trình còn bao hàm việc giới thiệu các chủ đề thảo luận, ôn tập; bài tập thực hành, và nguồn tài liệu bắt buộc, tài liệu tham khảo cần thiết.

c. Về nội dung của các phần

A) Phần giới thiệu chung về quyền con người

+ Nhập môn Lý luận và pháp luật về quyền con người, với các nội dung chi tiết như: i) Mục tiêu, ý nghĩa và các hình thức của giáo dục quyền con người; ii) Đối tượng, nội dung của môn học; iii) Tiếp cận đa ngành, liên ngành trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập về quyền con người; iv) Các nguồn tài liệu.

+ Khái quát về quyền con người, với các nội dung chi tiết, như: i) Khái niệm quyền con người; ii) Phẩm giá và các giá trị nền tảng của quyền con người; iii) Các đặc trưng cơ bản và bản chất của quyền con người; iv) Phân loại quyền con người; v) Các nguyên tắc cơ bản của bảo đảm quyền con người; vi) Chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm quyền con người; vii) Giới hạn, tạm đình chỉ quyền và vấn đề nghĩa vụ của con người; viii) Các mối quan hệ thiết yếu của quyền con người (phát triển, dân chủ, pháp quyền, đa dạng văn hóa…)

+ Lịch sử và một số lý thuyết về quyền con người, với các nội dung chi tiết như: i) Khái quát lịch sử tư tưởng về quyền con người qua các thời kỳ: Cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại; ii) Học thuyết về quyền tự nhiên; iii) Học thuyết về quyền pháp lý; iv) Lý thuyết về quyền tự do; Lý thuyết về bình đẳng; v) Lý thuyết về pháp quyền; vii) Quyền con người trong một số truyền thống văn hóa.

B) Phần pháp luật và cơ chế quốc tế về bảo đảm quyền con người

+ Pháp luật quốc tế về quyền con người, với các nội dung chi tiết, như: i) Khái niệm và lịch sử hình thành Luật quốc tế về quyền con người; ii) Bộ luật nhân quyền quốc tế; iii) Mối quan hệ giữa pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia về quyền con người; iv) Pháp luật quốc tế về các quyền dân sự, chính trị; v) Pháp luật quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; vi) Pháp luật quốc tế về quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.

+ Cơ chế quốc tế về bảo đảm quyền con người: i) Khái quát về cơ chế quốc tế bảo đảm quyền con người; ii) Cơ chế bảo đảm quyền con người theo Hiến chương; iii) Cơ chế bảo đảm quyền con người theo Công ước; iv) Cơ chế khu vực về bảo đảm quyền con người.

+ Mô hình các cơ quan quốc gia về bảo đảm quyền con người: i) Khái quát về cơ quan quốc gia trong bảo đảm quyền con người; ii) Một số mô hình quốc gia tiêu biểu về bảo đảm quyền con người; iii) Thách thức và triển vọng thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia ở một số nước.

C) Phần bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, với các nội dung

+ Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người, với các nội dung chi tiết như: i) Cơ sở hình thành quan điểm về quyền con người của Đảng Cộng sản Việt Nam; ii) Nội dung cơ bản các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người; iii) Ý nghĩa của các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người.

+ Pháp luật Việt Nam về quyền con người, với các nội dung chi tiết như: i) Tổng quan hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền con người; ii) Pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị; iii) Pháp luật Việt Nam về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; iv) Pháp luật Việt Nam về quyền của các nhóm dễ bị tổn thương; v) Thách thức và yêu cầu bổ sung, hoàn thiện pháp luật Việt Nam về quyền con người.

+ Cơ chế bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, với các nội dung chi tiết như: i) Khái quát về cơ chế bảo đảm quyền con người ở Việt nam; ii) Phương thức bảo đảm quyền con người của các cơ quan nhà nước; iii) Phương thức bảo đảm quyền con người của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp; iv) Thách thức và yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.

Cấu trúc và các nội dung trên đây của Giáo trình đã kế thừa và bổ sung những yếu tố hợp lý từ các giáo trình trước; được xắp xếp tương đối hệ thống, logic, cân đối, phù hợp với mục tiêu, chương trình đào tạo; đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa nội dung kiến thức, kỹ năng và thái độ; cũng như yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, bảo đảm chất lượng đào tạo.

4. Xác định nội dung giáo dục quyền con người trong giảng dạy tích hợp

Vấn đề giảng dạy tích hợp đã được nhấn mạnh trong Quyết định số 1309/QĐ-TTg, và Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đây được xem như một giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án.

Dạy học tích hợp phát triển năng lực người học, theo đó có 3 hình thức tích hợp trong dạy học gồm: lồng ghép/ liên hệ, vận dụng kiến thức liên môn và hòa trộn. Dạy học tích hợp phản ánh cách tiếp cận đa ngành, liên ngành trong giáo dục, và đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Đây là quá trình dạy học hướng đến hình thành và phát triển ở người học những năng lực cần thiết, đặc biệt là năng lực vận dụng kiến thức nhiều môn học, đa cấp độ của vấn đề vào giải quyết vấn đề được tích hợp trong đời sống thực tiễn. Trong quá trình này, giáo viên sẽ lồng ghép những nội dung giáo dục (ví dụ như quyền con người) vào các môn học có sẵn trong chương trình, nhằm giúp học sinh không chỉ biết cách thu thập, chọn lọc và xử lý thông tin mà còn chủ động nên lên vấn đề, vận dụng các kiến thức và kỹ năng vào giải quyết các vấn đề liên quan. Dạy học tích hợp giúp cho việc học tập của người học trở nên ý nghĩa hơn, phát triển được những năng lực cần thiết như năng lực giải quyết vấn đề, đáp ứng yêu cầu đổi mới, chuyển đổi của giáo dục đại học hiện nay.

Phù hợp với xu hướng của giảng dạy tích hợp và nhu cầu thực tế của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay, việc xác định nội dung của giảng dạy tích hợp quyền con người trong giáo dục đại học cần đáp ứng được các tiêu chuẩn sau đây:

Một là, xây dựng hệ thống các chuyên đề cụ thể về quyền con người phục vụ cho giảng dạy tích hợp.

Hai là, nội dung các chuyên đề (nội dung chủ đạo và nội dung chi tiết) phải gắn với tính chất, khả năng của môn học được lồng ghép, tích hợp, chẳng hạn, môn triết học, lý luận nhà nước và pháp luật, lịch sử, tôn giáo, văn hóa, kinh tế chính trị, chính trị học v.v… Ở nhiều quốc gia, các môn học quan trọng như: tôn giáo, đạo đức, triết học, lịch sử, giáo dục công dân, nghiên cứu xã hội, nghiên cứu kinh tế, chính trị, địa lý, ngôn ngữ và ngoại ngữ…đều có thể lồng ghép, tích hợp nội dung quyền con người theo các mức độ khác nhau và tùy thuộc vào tính chất của từng môn học.

Ba là, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học đối với giảng dạy tích hợp quyền con người. Cần xem giảng dạy tích hợp quyền con người là một giải pháp phù hợp và hiệu quả trong giáo dục quyền con người hiện nay. Khắc phục tư tưởng chỉ coi trọng xây dựng môn học riêng, dưới hình thức bắt buộc hoặc tự chọn như một số nhà trường hiện nay. Mỗi hình thức giáo dục này đều có vai trò quan trọng của nó và đều có thể bổ sung lẫn nhau. Mặt khác, các chuyên đề tích hợp là rất đa dạng, các cơ sở giáo dục đại học cần căn cứ vào chương trình giảng dạy cụ thể, và các quy định chung của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo để chủ động xây dựng các chuyên đề tích hợp quyền con người phù hợp với yêu cầu đào tạo. Cần nhấn mạnh, nội dung kiến ​​thức của các chuyên đề lựa chọn có liên quan đến nhiều môn học, đòi hỏi các đơn vị chuyên môn có liên quan thống nhất trong lựa chọn các chuyên đề tích hợp. Việc này gắn với xác định chuẩn kiến ​​thức, kỹ năng, thái độ theo chương trình hiện hành và được tổ chức theo phương pháp dạy học tích cực; trên cơ sở đó xác định những năng lực, phẩm chất có thể được hình thành đối với người học theo chuyên đề tích hợp đã xây dựng. Một số năng lực chung như: năng lực tự học, phát hiện và giải quyết vấn đề; năng lực sáng tạo; năng lực giao tiếp và hợp tác; năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông…cần được quan tâm trong thực hiện các chuyên đề tích hợp. Một trong những biện pháp tích cực là các cơ sơ giáo dục đại học chủ động xây dựng Tài liệu lồng ghép quyền con người phù hợp với chuyên ngành đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy tích hợp quyền con người của nhiều nhà trường hiện nay.

5. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức toàn diện về quyền con người và giáo dục quyền con người cho đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục và giảng viên ở các trường đại học.

 Để xác định đúng đắn, khoa học nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học hiện nay, các cơ quan có trách nhiệm cần tập trung vào khâu đào tạo về biên soạn giáo trình và các tài liệu giảng dạy về quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học, nhằm thực hiện mục tiêu của Đề án đến năm 2025: “Hoàn thành việc biên soạn và đưa vào sử dụng sách giáo khoa, giáo trình, các tài liệu tham khảo về quyền con người phục vụ giảng dạy, đào tạo phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân”. Kinh nghiệm cho thấy, sự hạn chế trong khâu này đang là rào cản lớn để nâng cao chất lượng giáo dục quyền con người ở các cấp học, bao gồm trong giáo dục đại học. Tinh thần chung của biện pháp này là tích cực đổi mới và thực sự cầu thị trong học tập, tiếp thu các tri thức, kinh nghiệm tiến bộ về giáo dục quyền con người. Có thể viện dẫn một số đánh giá, phân tích sau đây:

Một là, các tài liệu giáo dục về quyền con người đều có thể xây dựng được các nội dung đáp ứng mục tiêu về kiến thức, tư duy, xây dựng kỹ năng và hình thành quan điểm tích cực về quyền con người.

Hai là, thông tin, kiến thức về quyền con người mà nhiều cơ sở giáo dục đang nỗ lực cung cấp cho người học có quá nhiều lý luận trìu tượng, nhưng thiếu thực tiễn - đây là cách thức không phù hợp với yêu cầu chuyển đổi của giáo dục đại học hiện nay. Đã có nhận xét: Mục đích của giáo dục quyền con người là phổ biến ý tưởng rằng, quyền con người là/ít nhất có thể là một phần chủ chốt trong cuộc sống hàng ngày. Về khía cạnh này, giáo dục quyền con người phải đáp ứng yêu cầu của người thực hành với các quan tâm làm thế nào để tự giải quyết được những vấn đề quyền con người trong giới hạn chuyên môn và kinh nghiệm cá nhân của họ. Theo đó, các nhà giáo dục quyền con người phải đưa những thông tin thực tế vào chương trình giảng dạy, chuẩn bị lập luận, tài liệu và các trường hợp cụ thể liên quan đến thực tế ứng xử[2].

Ba là, sử dụng cách tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong xây dựng, biên soạn các nội dung chi tiết của từng chuyên đề/bài giảng. Ở Việt Nam, một số tài liệu liên quan đến giáo dục quyền con người cũng đã phân tích lý luận về tiếp cận đa ngành, liên ngành; tuy nhiên, việc áp dụng cách tiếp cận này vào biên soạn các nội dung chi tiết của giáo dục quyền con người là rất hạn chế. Tầm quan trọng của tiếp cận liên ngành, xuyên ngành trong thực hiện chức năng xã hội của các trường đại học đã được UNESCO khẳng định (1998).

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục, đội ngũ chuyên gia và giảng viên ở các trường đại học để nâng cao chất lượng việc biên soạn và đưa vào sử dụng sách giáo khoa, giáo trình, bài giảng và các tài liệu tham khảo về quyền con người phục vụ giảng dạy, đào tạo phù hợp với các trình độ đào tạo trong giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay là một công việc còn nhiều khó khăn, thách thức. Cần tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này theo tinh thần thực sự đổi mới.

TS. Nguyễn Duy Sơn

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


[1] Viện Khoa học xã hội Việt Nam (2010), Giáo dục quyền con người - những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.44.

[2] Sđd, tr.380.