Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 (UDHR 1948) và 30 năm Tuyên bố và chương trình hành động Viên năm 1993 (VDPA 1993), bài viết tập trung làm rõ những chuẩn mực, tuyên bố về quyền phụ nữ trong hai văn kiện nêu trên và sự cần thiết phải tiếp tục thúc đẩy trong thời đại hiện nay.

Các đại biểu dự Lễ Khai mạc Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Nguồn: tuyengiao.vn

Nhân quyền là phẩm giá vốn có của mọi thành viên trong gia đình nhân loại, bất phân địa vị, giới tính, tôn giáo, dân tộc… Theo lẽ đó, phụ nữ và nam giới được pháp luật bảo hộ những quyền con người bình đẳng như nhau. Phụ nữ không chỉ có khả năng đóng góp cho sự tiến bộ của thế giới ngang bằng với nam giới mà còn mang thiên chức thiêng liêng làm vợ, làm mẹ - là cội nguồn hạnh phúc của loài người. Với những phẩm giá đó, phụ nữ xứng đáng được tôn vinh bởi mọi lực lượng xã hội. Tuy nhiên, những đặc thù về sinh học và sự tồn tại của định kiến xã hội khiến cho phụ nữ đã và đang phải gánh chịu rất nhiều sự phân biệt đối xử, các hình thức bạo hành, xâm hại tình dục và những cản trở đối với việc thực hiện thiên chức cũng như sự tiến bộ mọi mặt của họ. Bởi vậy, pháp luật quốc tế đã nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ quyền phụ nữ ở phương diện quyền con người nói chung cũng như quyền đặc thù giới nói riêng bằng nhiều văn kiện pháp lý quan trọng như: Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945; Tuyên ngôn phổ quátphổ quát về quyền con người năm 1948; Công ước về trấn áp việc buôn người và bóc lột mại dâm người khác năm 1949; Công ước về các quyền chính trị của phụ nữ năm 1952; Công ước về quốc tịch của phụ nữ khi kết hôn năm 1957; Công ước về đăng ký kết hôn, tuổi tối thiểu khi kết hôn và việc kết hôn tự nguyện năm 1962; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ năm 1979 (CEDAW), Tuyên bố và chương trình hành động Và chương trình hành động Viênnăm 1993… phổ quátVà chương trình hành động Viên

1. Giá trị nữ quyền trong Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 và Tuyên bố và chương trình hành động Viên năm 1993

Với tư cách con người, phụ nữ có mọi quyền con người của cá nhân. Tuy nhiên, bên cạnh những ghi nhận, yêu cầu về việc bảo vệ các quyền con người nói chung, UDHR 1948 và VDPA 1993 đặt ra những đòi hỏi riêng biệt để nhấn mạnh việc bảo vệ một số quyền con người dễ bị tổn thương ở phụ nữ và quyền con người đặc thù giới của phụ nữ.

a) Quyền bình đẳng giới

Bình đẳng giới - một khía cạnh của quyền bình đẳng - quyền được tất cả các văn kiện pháp luật quốc tế cơ bản về quyền con người thừa nhận là cơ sở để cá nhân hưởng thụ các quyền con người khác. Hiến chương Liên hợp quốc, ngay trong những lời đầu tiên, đã khẳng định niềm tin vào các quyền con người cơ bản, nhân phẩm, giá trị của mỗi con người và các quyền bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ (Lời nói đầu). Tiếp nối niềm tin đó, UDHR 1948 nhấn mạnh việc không thể chấp nhận sự phân biệt đối xử và tuyên bố: “mọi người sinh ra đều tự do, bình đẳng về nhân phẩm và quyền lợi”, đều được hưởng mọi quyền và tự do ghi nhận trong văn kiện này mà không có sự phân biệt nào, kể cả phân biệt về giới tính (Điều 1 và 2). Cụ thể hóa Tuyên bố này, hai Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (năm 1966), Công ước về xóa bỏ mọi sự phân biệt chống lại phụ nữ (CEDAW) năm 1979 đều đòi hỏi các quốc gia thành viên nghĩa vụ bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ trong việc thụ hưởng tất cả các quyền lợi chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hoá. VDPA 1993 nhấn mạnh lại ngay trong Lời nói đầu về trách nhiệm của tất cả các quốc gia “là phải phát triển và khuyến khích việc tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của tất cả mọi người mà không có sự phân biệt nào, chẳng hạn như về chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo”. Trong tuyên bố thứ 18 ở phần I, VDPA 1993 cũng khẳng định rằng “Các quyền của phụ nữ và trẻ em gái là một bộ phận cấu thành, gắn liền và không thể tách rời khỏi các quyền mang tính phổ biến của con người. Sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ vào đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội và văn hóa ở các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế và việc xóa bỏ mọi hình thức phân biệt dựa trên cơ sở giới tính là những mục tiêu ưu tiên của cộng đồng quốc tế”.

b) Quyền tự do và an ninh cá nhân (đặc biệt là tự do và an toàn tình dục)

Tự do và an ninh cá nhân là quyền cơ bản của con người, phản ánh trạng thái tồn tại của con người trong đó mỗi cá nhân được bảo đảm về mặt pháp lý cho sự bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tự do thân thể. Quyền này thuộc về mọi cá nhân như UDHR 1948 đã khẳng định: “Mọi người đều có quyền sống, tự do và an toàn cá nhân”. Theo đó, phụ nữ cũng như nam giới có quyền tự do và bất khả xâm phạm về thân thể, sức khỏe, nhân phẩm. Tuy nhiên, do đặc điểm tự nhiên và bối cảnh lịch sử mà phụ nữ và trẻ em gái luôn là đối tượng của bạo lực trên cơ sở giới như Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực với phụ nữ năm 1993 ghi nhận trong Lời nói đầu: “bạo lực với phụ nữ là một biểu hiện trong các quan hệ không cân bằng về quyền lực giữa nam và nữ mà vốn có trong lịch sử” và cảnh báo “những cơ hội cho phụ nữ để đạt được sự bình đẳng về pháp lý, xã hội, chính trị và kinh tế trong xã hội bị hạn chế, bởi bạo lực với họ vẫn đang tiếp diễn và chưa chấm dứt”.

Một trong những hình thức bạo lực phổ biến nhất đối với phụ nữ và trẻ em gái là bạo lực tình dục, chà đạp nghiêm trọng sức khỏe và nhân phẩm của họ. Mặc dù mọi người đều có quyền tự do và an toàn về tình dục, nhưng trên thực tế, do đặc điểm sinh học nên nạn nhân của những hành vi xâm hại về tình dục thường là phụ nữ. Thậm chí, trong lịch sử, đối tượng bị xâm hại tình dục tuyệt đại đa số là nữ giới nên những văn kiện pháp lý quốc tế có liên quan đầu thế kỷ 20 chỉ đề cập đến việc bảo vệ quyền này cho nữ giới (Ví dụ: hai công ước quốc tế ngày 18/5/1904 và 04/5/1910 về trấn áp việc buôn bán phụ nữ để cưỡng bức mại dâm). Trong sự biến đổi phức tạp của xã hội hiện đại, mặc dù hiện tượng nam giới là nạn nhân của xâm hại tình dục đã gia tăng nhưng thực tế cho thấy đối tượng của bạo lực tình dục chủ yếu vẫn là phụ nữ và trẻ em gái. Bởi vậy, VDPA 1993 tuyên bố: “Bạo lực dựa trên cơ sở giới tính và mọi hình thức quấy rối, bóc lột tình dục, kể cả những hành vi bắt nguồn từ định kiến văn hóa và tình trạng buôn người quốc tế, đều trái với nhân phẩm và giá trị của con người và phải bị xóa bỏ”.

c) Quyền tự do hôn nhân

Quyền tự do hôn nhân là quyền con người được kết hôn, lập gia đình (khi đáp ứng các điều kiện pháp lý) và cả chấm dứt hôn nhân trên cơ sở ý nguyện của bản thân. Đó là nhân quyền có giá trị đảm bảo cho hạnh phúc của con người, nền tảng cho việc xây dựng những tế bào xã hội tốt đẹp. Quyền này lần đầu tiên được ghi nhận bởi Điều 16 UDHR 1948: “Nam và nữ khi đủ tuổi đều có quyền kết hôn và xây dựng gia đình mà không có bất kỳ sự hạn chế nào về chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo... Việc kết hôn chỉ được tiến hành với sự đồng ý hoàn toàn và tự nguyện của cặp vợ chồng tương lai”. Quyền này cũng được tái khẳng định trong Điều 23 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị; Điều 10 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966.

Mặc dù tự do hôn nhân là một quyền con người cơ bản - quyền của cả nam giới và phụ nữ - nhưng pháp luật quốc tế vẫn luôn nhấn mạnh thêm khía cạnh bình đẳng trong việc hưởng thụ quyền này bởi thực tế là do những phong tục, tập quán lạc hậu, định kiến xã hội nên phụ nữ là đối tượng thường bị tước đoạt quyền tự do kết hôn hoặc bị cản trở, kỳ thị, phân biệt đối xử khi li hôn. Tuyên bố về xóa bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1967 đã khẳng định riêng và quyền tự do hôn nhân của phụ nữ: “Phụ nữ cần có các quyền tương tự như nam giới là được tự do lựa chọn vợ hoặc chồng, và tiến hành kết hôn chỉ khi có sự đồng ý hoàn toàn và tự nguyện” (khoản 2 Điều 6). Quy định trên cũng được Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ năm 1979 kế thừa tại Điều 16. Thậm chí, pháp luật quốc tế còn coi việc tước đoạt quyền tự do hôn nhân của phụ nữ là một dạng tương tự chế độ nô lệ bởi Công ước bổ sung về xóa bỏ chế độ nô lệ, buôn bán nô lệ, các thể chế và tập tục tương tự chế độ nô lệ năm 1956.

d) Quyền được bảo hộ thiên chức làm mẹ

Được bảo hộ thiên chức làm mẹ là quyền con người đặc thù giới của phụ nữ. Với đặc điểm sinh học của giống cái, phụ nữ mang thai, sinh nở và là người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc chăm sóc, giáo dục con cái để duy trì sự sống tiếp nối của nhân loại. Ý nghĩa thiêng liêng ấy vốn đã đòi hỏi sự bảo hộ đặc biệt cho thiên chức làm mẹ. Thêm vào đó, đặc điểm dễ bị tổn thương, xâm hại của người phụ nữ khi mang thai, sinh nở, nuôi con nhỏ càng đòi hỏi sự quan tâm, bảo vệ của xã hội. Vì vậy, UDHR 1948 đã khẳng định: “Các bà mẹ và trẻ em có quyền được hưởng sự chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt” (Điều 25, khoản 2). Tiếp theo đó, Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ năm 1979 (CEDAW) đòi hỏi các quốc gia thành viên phải: đảm bảo cho phụ nữ “quyền được bảo vệ chức năng sinh đẻ”; áp dụng các biện pháp bảo vệ đặc biệt trong lĩnh vực việc làm, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe đối với phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ; cấm những hành động kỷ luật, sa thải phụ nữ với lý do có thai hay nghỉ đẻ (Điều 11, khoản 1 và 2).

Không chỉ đòi hỏi chế độ bảo hộ đặc biệt đối với thiên chức làm mẹ của phụ nữ, pháp luật quốc tế còn trực tiếp yêu cầu loại bỏ trong pháp luật hình sự quy định cho phép thi hành hình phạt tử hình đối với phụ nữ trong trường cần phải bảo hộ thiên chức làm mẹ của họ. Khoản 5 Điều 6 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 quy định: “Không được thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai”; Điểm 3 trong “Những đảm bảo nhằm bảo vệ quyền của những người đang phải đối mặt với án tử hình năm 1984” nhấn mạnh thêm: “Không được thi hành án tử hình đối với những phụ nữ có thai, các bà mẹ đang nuôi con nhỏ”.

Như vậy, trên nền tảng của việc bảo vệ nhân quyền nói chung, pháp luật quốc tế, trong đó gồm UDHR 1948 và VDPA 1993 còn nhiều yêu cầu riêng đối với việc bảo vệ một số quyền con người đặc thù hoặc dễ tổn thương do giới tính nữ nữ của chủ thể. Để mọi người đều được hưởng thụ các giá trị quyền con người như nhau và để tôn vinh phẩm giá của phụ nữ như họ xứng đáng, những đòi hỏi trên nhất định phải được xem là tiêu chí, chuẩn mực đối với việc xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật quốc gia.

2. Nhu cầu tiếp tục thúc đẩy những giá trị nữ quyền trong thời đại ngày nay

Mặc dù mọi thành viên cộng đồng nhân loại đều có phẩm giá, tự do và quyền như nhau là chân lý đã được tuyên bố từ UDHR 1948 nhưng trải qua ¾ thế kỷ, phụ nữ vẫn luôn là đối tượng dễ bị tổn thương về quyền con người và trên toàn cầu, chưa bao giờ đạt được bình đẳng thực sự với nam giới. VDPA 1993 đã kêu gọi hành động mạnh mẽ: “Các quyền của phụ nữ phải được coi là một bộ phận cấu thành trong các hoạt động về quyền con người của Liên hợp quốc, bao gồm việc thúc đẩy thực hiện tất cả các văn kiện quốc tế về quyền con người liên quan đến phụ nữ. Hội nghị Thế giới về Quyền con người kêu gọi các chính phủ, các thể chế, các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ tăng cường các nỗ lực nhằm bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái” (tuyên bố thứ 18, phần I).

Bất chấp những tuyên bố toàn cầu về quyền con người và những nỗ lực hành động thúc đẩy quyền của phụ nữ, phụ nữ trên thế giới vẫn chưa được tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực để phát triển năng lực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội và tham gia quản lý đất nước. Phụ nữ và trẻ em gái vẫn là nạn nhân phổ biến của bạo lực gia đình, bạo lực tình dục. Phụ nữ và trẻ em gái ở nhiều nơi vẫn phải kết hôn một cách không tự nguyện, kết hôn ở tuổi vị thành niên theo những tập tục lạc hậu. Thậm chí ở các xã hội hiện đại, phụ nữ vẫn bị cản trở quyền tự do li hôn, bị phân biệt đối xử, kỳ thị khi li hôn. Việc chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ, đặc biệt là ở các quốc gia nghèo, đang phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ sức khỏe của phụ nữ. Thai sản vẫn là lý do khiến phụ nữ bị phân biệt đối xử trong kinh tế, cơ hội việc làm và thăng tiến...

Phát biểu trước Ủy ban Địa vị Phụ nữ của Liên hợp quốc vào tháng 3/2010, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã nhấn mạnh rằng chỉ đến khi phụ nữ được giải phóng khỏi nghèo đói và bất bình đẳng thì những mục tiêu khác của Liên hợp quốc về hòa bình, an ninh, phát triển bền vững mới thực hiện được. Theo đó, những giá trị nữ quyền được tuyên bố bởi UDHR 1948 và VDPA 1993 phải hoàn toàn trở thành hiện thực thì nhân loại mới có thể phát triển toàn diện và phát triển bền vững./.

TS. Trần Thị Hồng Lê

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh