Công đoàn - tổ chức đại diện của người lao động có mục tiêu chính là chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên và đoàn viên sẽ là người đánh giá khách quan nhất về hoạt động công đoàn. Việc thiết kế bộ công cụ và lựa chọn phương pháp “đo lường” khoa học, phù hợp với thực tiễn về “sự hài lòng của đoàn viên đối với hoạt động công đoàn” là một hướng đi mới trong lắng nghe ý chí, nguyện vọng và ý kiến đánh giá của người lao động về bản thân tổ chức Công đoàn Việt Nam nhằm góp phần kịp thời có giải pháp nâng cao chất lượng, cải thiện hiện quả hoạt động công đoàn, thực hiện tốt hơn phương châm Công đoàn là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động trong tình hình mới.

1. Xây dựng chỉ số đánh giá hoạt động là một trong những phương pháp mạnh đang được ứng dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia và cả ở Việt Nam.

Trên thế giới, nhiều nước, tổ chức quốc tế rất chú trọng xây dựng và áp dụng chỉ số đánh giá và đo lường những biến động trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội... Trong nước, nhiều Bộ, Ngành, cơ quan, tổ chức đã tiến hành điều tra đánh giá về hoạt động của Bộ, Ngành, cơ quan, tổ chức của mình như: Chỉ số SIPAS (sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với phục vụ của quan hành chính nhà nước) và Chỉ số PAPI (xếp hạng cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị hành chính) của Bộ Nội vụ; Chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) của Liên minh Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch giáo dục công của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chỉ số hài lòng của người dân trong lĩnh vực y tế của Bộ Y tế, v.v…

2. Có cần thiết tiến hành đánh giá, đo lường “sự hài lòng của đoàn viên đối với hoạt động công đoàn”?

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới đã nêu: Tổ chức và hoạt động của công đoàn phải phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người lao động; Công đoàn tập trung làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; lấy sự hài lòng của người lao động là thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn.

Một trong những chủ trương, giải pháp cụ thể được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xác định trong Chương trình hành động thực hiện Nghị Quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 02/NQ-TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị là: (1) Đổi mới việc theo dõi, đánh giá, xếp loại chất lượng công đoàn phù hợp với yêu cầu của tình hình mới; (2) Tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo và tổ chức hoạt động công đoàn theo hướng khoa học, sáng tạo, hướng về cơ sở, phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, người lao động, tập trung nguồn lực cho các nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi; (3) Việc xây dựng các chủ trương, nghị quyết và kế hoạch hoạt động của công đoàn các cấp phải dựa trên cơ sở nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động và được nghiên cứu, đánh giá, khảo sát, lấy ý kiến các đối tượng liên quan. Bên cạnh đó, Kế hoạch số 241/KH-TLĐ ngày 24/8/2022 của Đoàn Chủ tịch TLĐ về cải cách hành chính của Tổng Liên đoàn đến năm 2025 đã xác định nhiệm vụ, giải pháp: xây dựng tiêu chí, tổ chức đánh giá định kỳ hàng năm về sự hài lòng của đoàn viên đối với hoạt động công đoàn.

3. Bộ tiêu chí để đánh giá, đo lường “sự hài lòng của đoàn viên đối với hoạt động công đoàn” cần được xây dựng như thế nào?

* Trước tiên: Là tổ chức của người lao động thành lập nên để bảo vệ quyền lợi của mình, Công đoàn Việt Nam trước tiên phải là tổ chức đại diện của người lao động.

Dưới góc độ tiếp cận quyền của người lao động và lý thuyết đại diện, có thể hiểu rằng: tổ chức đại diện người lao động là tổ chức của người lao động thành lập nên nhằm những mục tiêu, mục đích nhất định. Ở đây trước tiên và chủ yếu là để bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong quan hệ lao động. Có hai tiêu chí quan trọng nhất để xác định một tổ chức công đoàn có phải là tổ chức đại diện của người lao động hay không đó là: tính chất đại diện và chức năng bảo vệ người lao động.[1]

- Tính chất đại diện của tổ chức công đoàn thể hiện ở chỗ công đoàn do người lao động tự nguyện thành lập ra theo ý chí của người lao động; nó phải hoạt động nhân danh người lao động, nói tiếng nói và thể hiện ý chí của người lao động, hoạt động theo nguyện vọng và phải vì lợi ích của người lao động. Theo lý thuyết đại diện, có thể khái quát tính chất đại diện của tổ chức công đoàn được thể hiện trong bản chất tổ chức và hoạt động của nó như sau:

+ Công đoàn phải là của toàn thể đoàn viên.

+ Đoàn viên có quyền quyết định tối cao và cuối cùng về mọi quyết định của Công đoàn.

+ Công đoàn phải có trách nhiệm giải trình với đoàn viên về các quyết định của mình.

+ Có cơ chế bảo đảm để cán bộ công đoàn buộc phải thực hiện theo ý chí, nguyện vọng của đoàn viên.

+ Đoàn viên phải thực sự là người có toàn quyền bầu chọn hoặc bãi miễn ban chấp hành và lãnh đạo Công đoàn.

- Chức năng bảo vệ của tổ chức công đoàn thể hiện nó sinh ra không có một mục tiêu nào khác ngoài để thay mặt phục vụ lợi ích của người lao động, bảo vệ các quyền, lợi ích của người lao động.

Ở mỗi môi trường hoạt động và điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau thì hoạt động bảo vệ của tổ chức công đoàn có thể có những hình thức, phương pháp tiến hành khác nhau. Tuy nhiên, chúng phải có mục tiêu chung và cao cả nhất là bảo vệ cho được quyền lợi của người lao động, phải hoàn thành trách nhiệm mà người lao động đã uỷ quyền cho nó.

Nếu một tổ chức công đoàn mà không thực hiện hoặc thực hiện nhưng không hoàn thành sứ mệnh “bảo vệ người lao động” thì đó chỉ là tổ chức giả hiệu, không chính danh.

* Thứ hai: Ở Việt Nam, Công đoàn vừa là tổ chức đại diện của người lao động, vừa là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Hiến pháp năm 2013 ghi nhận “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Điều 10).

Theo đó, có thể khẳng định, Công đoàn Việt Nam có hai đặc trưng chính: (1) là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (Điều 4, Điều 9, Điều 10 Hiến pháp 2013; Điều 1 Luật Công đoàn); và (2) là tổ chức đại diện của người lao động (Điều 10 Hiến pháp 2013; Điều 1 Luật Công đoàn). Do vậy, tương ứng, Công đoàn Việt Nam thực hiện chức năng và nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và thực hiện chức năng và nhiệm vụ của của tổ chức đại diện người lao động. Theo đó:

- Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các cấp Công đoàn thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ xã hội theo quy định của Đảng, Nhà nước; theo Điều lệ Mặt trận Tổ quốc và Điều lệ Công đoàn. Cụ thể có thể phân thành 04 nhóm nhiệm vụ là:

+ Nhiệm vụ của các cấp uỷ Đảng giao, phân công thực hiện (Điều 4, 9, 10 Hiến pháp; Điều lệ Đảng…).

+ Nhiệm vụ của các cấp chính quyền đề nghị phối hợp thực hiện (Điều 9, 10 Hiến pháp; Luật Tổ chức Chính phủ…).

+ Nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc giao, phân công thực hiện (Điều 4, 9, 10 Hiến pháp; Luật Mặt trận Tổ quốc; Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…).

+ Nhiệm vụ của của các tổ chức đoàn thể đề nghị phối hợp thực hiện (Điều 9, Điều 10 Hiến pháp…).

- Với vai trò là tổ chức đại diện người lao động, Công đoàn Việt Nam thực hiện các nhóm nhiệm vụ (Điều 10 Hiến pháp, Điều 1 Luật Công đoàn):

  1. Chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;

  2. Tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội;

  3. Tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động;

  4. Tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

* Thứ ba: Trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật Việt Nam đã xác định địa vị pháp lý của tổ chức Công đoàn với 13 nhóm quyền, trách nhiệm cơ bản là:

- Nhóm I: Bảo đảm quyền làm chủ của đoàn viên

  • Lắng nghe, tiếp thu ý chí, nguyện vọng của đàn viên

  • Hành động the ý chí, nguyện vọng của đoàn viên, vì đoàn viên

  • Bả đảm quyền bầu chọn, đánh giá, cho thôi người đại diện của đoàn viên

  • Trách nhiệm giải trình với đàn viên

- Nhóm II: Chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động

  • Tuyên truyền, vận động; Tư vấn, hướng dẫn

  • Đối thại, thương lượng tập thể;

  • Thực hiện quy chế dân chủ tai nơi làm việc

  • Đề xuất, kiến nghị; Khiếu nại, tố cá

  • Tham gia xây dựng nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, danh nghiệp

  • Tham gia các hội đồng, hội nghị, cuộc họp liên quan đến NLĐ tại cơ quan, đơn vị, danh nghiệp

  • Tham gia kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ, chính sách đối với NLĐ.

  • Tham gia giải quyết tranh chấp la động cá nhân, tập thể

  • Tổ chức và lãnh đạ đình công

  • Thăm hỏi, hỗ trợ đàn viên gặp khó khăn

  • Tổ chức hạt động tham quan, du lịch, văn hoá, thể thao, vui chơi, giải trí cho NLĐ.

  • Tổ chức phng trào thi đua của Công đoàn tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

  • Tổ chức hạt động xã hội, từ thiện

- Nhóm III: Chức năng, nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội

  • Nhiệm vụ cấp uỷ Đảng gia, phân công

  • Nhiệm vụ chính quyền đề nghị phối hợp

  • Nhiệm vụ MTTQ đề nghị phối hợp

  • Nhiệm vụ đàn thể đề nghị phối hợp

Với bộ tiêu chí cơ bản trên, thông qua lấy ý kiến đánh giá độc lập, khách quan trực tiếp từ đoàn viên công đoàn, với phương pháp điều tra khoa học, phù hợp thực tiễn, hy vọng sẽ nhận được những phản hồi trung thực, ý kiến công tâm của đoàn viên công đoàn đối với hoạt động công đoàn, góp phần đề xuất kiến nghị với các cấp Công đoàn Việt Nam kịp thời những giải pháp cụ thể đáp ứng tốt hơn ý chí, nguyện vọng của đoàn viên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn theo tinh thần Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 3/9/2019 của Ban Bí thứ Trung ương Đảng, Nghị quyết số 02-CT/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị và Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

TS. Vũ Minh TiếnUV BCH TLĐ,
Viện trưởng Viện CNCĐ, TLĐ


[1]. Nguyễn Mạnh Cường: Mô hình quan hệ lao động, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2013.