Tự do báo chí là quyền căn bản của mọi người, được ghi nhận trong pháp luật quốc tế cũng như pháp luật quốc gia và luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm bảo đảm. Tuy vậy, vẫn có những quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc trắng trợn về vấn đề quyền tự do báo chí ở Việt Nam. Bài viết nhận diện và phản bác các quan điểm này của Tổ chức Phóng viên không biên giới (Tiếng Pháp: Reporters sans frontières: RSF), góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực quyền con người

Kỳ 1: Nhận diện quan điểm sai trái, thù địch của tổ chức Phóng viên không biên giới về tự do báo chí 

Báo chí được tạo điều kiện tác nghiệp tại Việt Nam. Nguồn: cand.com.vn

Một trong những thành tựu to lớn của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua trên lĩnh vực quyền con người là việc ghi nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do báo chí, một trong những quyền dân sự, chính trị quan trọng của mọi người. Tự do báo chí nói riêng, tự do ngôn luận nói riêng là vấn đề luôn được đề cao trong các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời, luôn được chú trọng triển khai trên thực tế. Tuy vậy, những năm gần đây vẫn có không ít các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thường xuyên đưa những thông tin, quan điểm xuyên tạc một cách trắng trợn về vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam, trong đó đặc biệt là RSF, với việc hàng năm đưa ra cái gọi là “bảng xếp hạng tự do báo chí” trên phạm vi toàn cầu. Nhận diện rõ quan điểm sai trái, thù địch của tổ chức này để đấu tranh, phản bác mạnh mẽ, từ đó góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận nói riêng và vấn đề bảo đảm quyền con người nói chung là điều rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.

Phóng viên không biên giới (hay Ký giả không biên giới) là một tổ chức phi chính phủ, hoạt động với mục đích được cho là “bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, chống kiểm duyệt và tạo áp lực giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ”. Tổ chức này có nhiều hoạt động khác nhau, trong đó đáng chú ý là việc xây dựng và hàng năm đưa ra “bảng xếp hạng” về tự do báo chí trên phạm vi toàn cầu.

Về quan niệm “tự do báo chí”, tổ chức này định nghĩa: “Tự do báo chí được định nghĩa là khả năng của các nhà báo với tư cách cá nhân và tập thể trong việc lựa chọn, sản xuất và phổ biến tin tức vì lợi ích công cộng một cách độc lập với sự can thiệp chính trị, kinh tế, luật pháp và xã hội và không có mối đe dọa nào đối với sự an toàn về thể chất và tinh thần của họ”.

Về cách thức xây dựng chỉ số, trước đây, chỉ số “tự do báo chí” của tổ chức này được tập hợp từ đánh giá 7 thông số thành phần: 1) Tính đa nguyên của báo chí (mức độ các quan điểm khác nhau có thể thể hiện trên truyền thông); 2) Tính độc lập của truyền thông (mức độ truyền thông có thể vận hành độc lập khỏi các ảnh hưởng và quyền lực về chính trị, tôn giáo và doanh nghiệp); 3) Môi trường hoạt động của báo chí và mức độ tự kiểm duyệt; 4) Khuôn khổ pháp lý; 5) Tính minh bạch (mức độ minh bạch của các tổ chức báo chí và quá trình thủ tục ảnh hưởng lên việc sản xuất tin tức và thông tin); 6) Cơ sở hạ tầng cho báo chí - truyền thông; 7) Bạo lực với nhà báo. Một bảng hỏi được gửi đến các “đối tác” của tổ chức RSF để thu thập thông tin, gồm 18 tổ chức phi chính phủ “giám sát quyền tự do biểu đạt”, 150 nhà báo, nhà nghiên cứu, luật gia và các “nhà hoạt động nhân quyền” khắp nơi trên thế giới.

Kể từ năm 2021, RSF thay đổi các chỉ số thành phần, theo đó có 5 nhóm chỉ số được sử dụng gồm: bối cảnh chính trị, khuôn khổ pháp lý, bối cảnh kinh tế, bối cảnh văn hóa xã hội và sự an toàn đối với nhà báo. Cụ thể:

Về chỉ số “bối cảnh chính trị”, có 33 câu hỏi và câu hỏi phụ, với mục đích đánh giá mức độ hỗ trợ và tôn trọng quyền tự chủ của truyền thông đối với áp lực chính trị từ nhà nước hoặc từ các chủ thể chính trị khác; mức độ chấp nhận nhiều cách tiếp cận báo chí đáp ứng các tiêu chuẩn nghề nghiệp, bao gồm cả cách tiếp cận phù hợp với chính trị và cách tiếp cận độc lập; mức độ hỗ trợ cho các phương tiện truyền thông...

Về “khuôn khổ pháp lý”, có 25 câu hỏi và câu hỏi phụ nhằm mục đích đánh giá mức độ mà các nhà báo và phương tiện truyền thông được tự do làm việc mà không bị kiểm duyệt hoặc trừng phạt tư pháp, hoặc hạn chế quá mức quyền tự do ngôn luận của họ; khả năng tiếp cận thông tin mà không có sự phân biệt đối xử giữa các nhà báo và khả năng bảo vệ nguồn tin; có hay không có của sự trừng phạt đối với các hành vi bạo lực đối với các nhà báo.

Về “bối cảnh kinh tế”, có 25 câu hỏi và câu hỏi phụ nhằm mục đích đánh giá những hạn chế về kinh tế liên quan đến các chính sách của chính phủ (bao gồm khó khăn trong việc tạo ra một cơ quan truyền thông đưa tin, sự thiên vị trong việc phân bổ trợ cấp của nhà nước và tham nhũng); những hạn chế kinh tế liên quan đến các chủ thể phi nhà nước (các nhà quảng cáo và đối tác thương mại); hạn chế kinh tế liên quan đến chủ sở hữu phương tiện truyền thông trong việc tìm cách thúc đẩy hoặc bảo vệ lợi ích kinh doanh của họ.

Về “bối cảnh văn hóa - xã hội”, có 22 câu hỏi và câu hỏi phụ nhằm mục đích đánh giá những hạn chế xã hội do sự gièm pha và tấn công báo chí dựa trên các vấn đề như giới tính, giai cấp, dân tộc và tôn giáo; những hạn chế về văn hóa, bao gồm áp lực buộc các nhà báo không được đặt câu hỏi về những cơ sở quyền lực hoặc ảnh hưởng nhất định hoặc không đưa tin về một số vấn đề vì nó sẽ đi ngược lại nền văn hóa phổ biến ở quốc gia hoặc vùng lãnh thổ.

Về chỉ số “sự an toàn đối với nhà báo”, có 12 câu hỏi và câu hỏi phụ (⅔ số điểm an toàn), nhằm đánh giá mức độ rủi ro về: tổn hại thân thể (bao gồm giết người, bạo lực, bắt giữ, giam giữ, cưỡng bức mất tích và bắt cóc); đau khổ về tâm lý hoặc cảm xúc có thể do đe dọa, ép buộc, quấy rối, theo dõi, doxing (công bố thông tin cá nhân với mục đích xấu), lời nói hạ nhục hoặc thù hận, bôi nhọ và các mối đe dọa khác nhắm vào các nhà báo hoặc người thân của họ; thiệt hại nghề nghiệp (ví dụ: mất việc làm, tịch thu thiết bị chuyên nghiệp hoặc lục soát cài đặt).

Dựa trên dữ liệu thu thập được, các thông số này được tính điểm trên thang 100 và kết hợp với các thông tin khác cho ra số điểm của mỗi nước trong báo cáo cuối cùng. Tổ chức này cũng xây dựng “bản đồ tự do báo chí” với màu sắc và phân loại được chỉ định như sau: từ 85 đến 100 điểm xếp loại “tốt” (màu xanh);  từ 70 đến 85 điểm xếp loại “đạt yêu cầu” (màu vàng); từ 55 đến 70 điểm xếp loại “có vấn đề” (màu cam nhạt); từ 40 đến 55 điểm xếp loại “khó” (màu cam đậm); từ 0 - 40 điểm xếp loại “rất nghiêm trọng” (đỏ đậm).

Điều đáng chú ý là hầu hết các năm, theo tổ chức này, Việt Nam đều bị coi là một trong những nước có điểm số thấp nhất trong bảng xếp hạng. Năm 2023, RSF “ưu ái” ba vị trí cuối cùng thuộc về: Việt Nam (thứ 178), với cáo buộc nực cười “gần như đã hoàn thành việc săn lùng các phóng viên và nhà bình luận độc lập”; Trung Quốc ở vị trí 179, nơi bị coi là “giam giữ nhiều nhà báo nhất thế giới và là một trong những nhà xuất khẩu nội dung tuyên truyền lớn nhất”; và, cuối bảng là Bắc Triều Tiên xếp thứ 180.

Không khó để thấy thực chất của vấn đề ở “bảng xếp hạng” này, khi mà các nước chỉ có một đảng, đặc biệt là các nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo thường xuyên bị RSF đưa vào vị trí phía cuối. Thủ đoạn xuyên tạc, vu khống, bịa đặt tình hình tự do báo chí ở Việt Nam cho thấy nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trong đó có RSF, vẫn đang hết sức điên cuồng trong việc chống phá đất nước ta; tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

(Còn tiếp)

PGS.TS. Lê Văn Trung

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh