Giáo dục quyền con người ở Việt Nam là một trong những việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hình thành ý thức tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm việc thực hiện quyền con người trong mỗi người dân nói chung và cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn nói riêng. Trên cơ sở nghiên cứu về sự cần thiết của công tác giáo dục quyền con người cho cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn, đồng thời đánh giá về những tồn tại, bất cập trong nội dung, phương pháp giảng dạy, nguồn ngân sách..., bài viết đã đề xuất một số giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng công tác này trong giai đoạn hiện nay.
Giáo dục quyền con người có vai trò quan trọng trong việc hình thành ý thức pháp luật
cho xã hội, đặc biệt cho cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn. Nguồn: tuyengiao.vn.
1. Sự cần thiết giáo dục quyền con người cho cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn hiện nay
Giáo dục quyền con người có vai trò quan trọng trong việc hình thành ý thức pháp luật cho xã hội, đặc biệt cho cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn – những người trực tiếp tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Do đó, trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc nghiên cứu và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác này là yêu cầu khách quan và đòi hỏi cấp bách vì những lí do sau:
Thứ nhất, góp phần bảo đảm quyền được hưởng giáo dục nhân quyền của cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn.
Ngày 9/12/2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên ngôn về Giáo dục và đào tạo nhân quyền (UN Declaration on Human Rights Education and Training) với 14 điều khoản. Đây là một văn kiện có ý nghĩa lịch sử khi lần đầu tiên quy định về quyền được hưởng giáo dục quyền con người. Cụ thể, Tuyên ngôn khẳng định: “Mọi người đều có quyền biết, tìm kiếm và tiếp nhận thông tin về tất cả các quyền con người và tự do căn bản, tiếp cận được với giáo dục và đào tạo về nhân quyền”1. Tuyên ngôn còn yêu cầu “Nhà nước, và các cơ quan chính phủ liên quan, có trách nhiệm trong việc thúc đẩy và đảm bảo rằng việc giáo dục và đào tạo về nhân quyền được xây dựng và thực hiện theo tinh thần tham gia, hòa nhập và có trách nhiệm”2 cho mọi đối tượng, trong đó chú ý “phải đảm bảo việc đào tạo thích đáng về nhân quyền và, nếu có thể, về luật nhân đạo quốc tế và luật hình sự quốc tế cho các cán bộ nhà nước, công chức, thẩm phán, nhân viên hành pháp và nhân sự trong quân đội”3. Sự ra đời của Tuyên ngôn là một văn kiện nền tảng tạo khuôn khổ cho các quốc gia hoàn thiện chính sách của mình thúc đẩy giáo dục trong lĩnh vực này.
Thứ hai, góp phần nâng cao nhận thức xã hội, giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền do thiếu hiểu biết; cung cấp tri thức, trang bị kỹ năng, giúp mỗi người trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn nhận thức đúng đắn ý nghĩa, giá trị của các quyền, biết tự mình bảo vệ các quyền, tuân thủ pháp luật và biết tôn trọng phẩm giá, các quyền và tự do của người khác.
Điều này đã được khẳng định trong Tuyên bố Vienna và Chương trình hành động năm 19934 “giáo dục, đào tạo và thông tin công cộng về quyền con người là thiết yếu để thúc đẩy việc đạt được các mối quan hệ ổn định và hài hoà giữa các cộng đồng, và để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, sự khoan dung và hoà bình”5. Đây là cơ sở căn bản để giúp cho mọi cá nhân trong xã hội “đạt tới sự hiểu biết và nhận thức chung để củng cố sự cam kết toàn cầu đối với các quyền con người”6. Tuyên bố đã khuyến cáo với các chính phủ, cần thúc đẩy hơn nữa sự hiểu biết đầy đủ hơn về các quyền con người và sự khoan dung cho “các nhóm đặc biệt như các lực lượng quân đội, các nhân viên thực thi pháp luật, cảnh sát và nhân viên y tế”7.
Thứ ba, góp phần nâng cao nhận thức về quyền con người cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trong quá trình thực thi quyền lực. Việc giáo dục quyền con người cho nhóm đối tượng rất đặc thù là đội ngũ cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn - những người trực tiếp “hiện thực hóa” các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến tận cơ sở là yêu cầu khách quan, tất yếu, nhất là bối cảnh hội nhập hiện nay. Bởi với vị trí, chức trách của mình, cán bộ, công chức cấp xã không chỉ là một công dân bình thường, mà còn có tư cách là chủ thể thực thi quyền lực nhà nước, luôn phải đối diện với nguy cơ “tha hóa quyền lực công”. Vì vậy, tăng cường công tác giáo dục, bảo vệ, bảo đảm quyền con người cũng chính là tăng cường phòng ngừa sự tha hóa quyền lực từ bản thân nhóm đối tượng này, đồng thời góp phần đạt mục tiêu quan trọng của hoạt động giáo dục quyền con người là xây dựng được thái độ tôn trọng đối với công dân trong lực lượng cán bộ, công chức nhà nước, hướng đến hình thành ý thức trách nhiệm trong cán bộ, công chức cấp ý thức trách nhiệm, có thái độ tận tình phục vụ người dân trong việc thực hiện dịch vụ công nói riêng và trong hoạt động công vụ nói chung.
Thứ tư, giáo dục quyền con người cho cán bộ, công chức cấp xã cũng chính là giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, công chức, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp và nhân bản, quyền con người, tôn trọng phẩm giá con người. Đồng thời, giáo dục quyền con người còn là hướng dẫn, xây dựng các kỹ năng quan trọng cho cán bộ, công chức cấp xã, để tránh sự vi phạm quyền con người một cách không đáng có; những kỹ năng giải quyết tình huống của cán bộ, công chức cấp xã - người thực thi quyền lực nhà nước ở cơ sở.
2. Thực trạng công tác giáo dục quyền con người cho cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn ở Việt Nam hiện nay
Đối với Việt Nam, vấn đề nhân quyền - quyền con người có thời gian dài là vấn đề nhạy cảm, hoạt động giáo dục, tuyên truyền còn hạn chế, dẫn đến công tác bảo vệ, bảo đảm quyền con người có lúc lúng túng, bị động... dễ bị các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá. Chính vì lẽ đó, ngay từ rất sớm, việc giáo dục, tuyên truyền về quyền con người đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm thực hiện, nhất là từ khi Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới đến nay. Cụ thể:
Ngày 12/7/1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta” đã nêu rõ: “Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân ta để mọi người hiểu rõ quan điểm, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về quyền con người... Cần có nội dung và những hình thức tuyên truyền giáo dục thích hợp đối với từng loại đối tượng khác nhau...”8. Chỉ thị trên là chủ trương quan trọng, định hướng cụ thể công tác giáo dục quyền con người trong bối cảnh mới. Tiếp theo đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 2-12-2004 về “Tăng cường công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền trong tình hình mới” với yêu cầu tập trung chỉ đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị... xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai việc tuyên truyền giáo dục quyền con người. Nội dung và yêu cầu của Chỉ thị đã kịp thời đáp ứng được điều kiện hoàn chỉnh mới trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành nhiều chủ trương, định hướng về công tác giáo dục quyền con người như Chỉ thị số 44-CT/TW về “Công tác nhân quyền trong tình hình mới” của Ban Bí thư; Quyết định số 2057/QĐ-TTg ngày 23/11/2015 về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị của Việt Nam chấp thuận theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 05/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; Ngày 21/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào Chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Điều này đã cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giáo dục quyền con người.
Để hiện thực hóa các chủ trương, đường lối, chính sách đó, công tác giáo dục quyền con người ở Việt Nam đã trở thành một phần trong chương trình giáo dục từ các trường cao đẳng đến đại học và hiện nay đã mở rộng đến toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân. Với mục tiêu, giáo dục quyền con người ở cấp độ phổ thông nhằm hình thành nhân cách, nhận thức và thái độ hành xử đúng đắn cho các công dân trẻ trong các vấn đề về quyền con người, cả ở hiện tại và trong tương lai, còn giáo dục nhân quyền ở cấp độ đại học trong các trường chuyên luật là để đào tạo các chuyên gia trên lĩnh vực này.
Tuy có nhiều thay đổi tích cực trong chủ trương, đường lối, chính sách song khi đánh giá về những khó khăn, thách thức trong việc bảo đảm quyền con người từ chủ thể là đội ngũ cán bộ, công chức trong đó có cấp xã, phường, thị trấn ở Việt Nam, Sách trắng về quyền con người năm 2018 đã nhận định: “...Trình độ và nhận thức của một bộ phận cán bộ Nhà nước, kể cả ở trung ương và địa phương về quyền con người con hạn chế; chưa có hiểu biết cần thiết về nghĩa vụ bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, về quy định của luật pháp quốc tế, nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên của các công ước quốc tế về quyền con người,đôi khi còn nắm không chắc các quy định của luật pháp và chủ trương chính sách của Nhà nước. Do vậy có nơi có lúc còn để xảy ra các vụ việc vi phạm quyền dân chủ và những quyền chính đáng khác của người dân, là hạn chế và ảnh hưởng đến việc thụ hưởng quyền của người dân. Việc kiểm tra đôn đốc thực hiện các quy định của pháp luật chưa tốt, dẫn đến tình trạng có những vi phạm chưa được phát hiện và xử lý kịp thời”9.
Công tác giáo dục quyền con người cho cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn vẫn còn nhiều bất cập như:
(1) Nội dung về giáo dục quyền con người đã được đưa vào chương trình trung cấp lý luận chính trị (chương trình chủ yếu đào tạo lý luận chính trị cho nhóm đối tượng này) nhưng chỉ có 01 chuyên đề nên không đảm bảo được những nội dung cần thiết như các quan điểm, cách tiếp cận của Đảng, Nhà nước Việt Nam về giáo dục quyền con người, giúp người học nhận diện và phê phán các quan điểm sai trái trên lĩnh vực bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, cũng như các nội dung cơ bản của quyền con người gắn liền với thực tiễn công tác của nhóm đối tượng này.
(2) Đội ngũ cán bộ, giảng viên có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này (thạc sỹ về quyền con người, tiến sỹ về quyền con người…) còn thiếu. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng, kỹ năng và việc triển khai công tác giáo dục quyền con người cho cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.
(3) Chưa có 01 chương trình chi tiết riêng về giáo dục quyền con người phù hợp với cán bộ, công chức xã, dẫn đến tính tập trung không cao, tính cụ thể chưa chi tiết, mục đích cần đạt hạn chế.
(4) Các tài liệu giảng dạy, học tập về giáo dục quyền con người ở các cơ sở đào tạo còn thiếu, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả.
(5) Kinh phí phục vụ cho công tác giáo dục quyền con người cho cán bộ, công chức cấp xã rất hạn chế.
3. Giải pháp bảo đảm chất lượng công tác giáo dục quyền con người cho cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trong giai đoạn hiện nay
Đứng trước thực trạng trên, để công tác giáo dục quyền con người nói chung và cho các cán bộ, công chức cấp xã nói riêng được bảo đảm, bài viết xin đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của quyền con người và giáo dục quyền con người trong bối cảnh hội nhập hiện nay, từ đó lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục quyền con người cho cán bộ, công chức cấp xã hiểu được những giá trị nhân văn, tiến bộ của nhân loại về quyền con người, đồng thời, gương mẫu chấp hành và vận động nhân dân thực hiện mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước.
Hai là, cần triển khai các hoạt động tâp trung giáo dục quyền con người cán bộ, công chức cấp xã với các chương trình giáo dục chính thức trong các chương trình lý luận chính trị, quản lý nhà nước và giáo dục không chính thức gắn với các dịp các ngày kỷ niệm như “Ngày pháp luật Việt Nam 09/11”, “Ngày nhân quyền quốc tế 10/12”... Tiến tới xây dựng môn học về quyền con người độc lập trong chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị.
Ba là, thiết kế các khối lượng kiến thức, kết cấu chương trình phù hợp với khả năng nhận thức, điều kiện làm việc của cán bộ, công chức cấp xã nhằm đảm bảo việc truyền tải nội dung giáo dục quyền con người hấp dẫn, sinh động, phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng, gắn với công tác thực tiễn của từng cán bộ, công chức cấp xã.
Bốn là, xây dựng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, chuyên gia am hiểu sâu sắc về quyền con người, có khả năng sự phạm, kiến thức thực tiễn..., nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục quyền con người trong điều kiện hội nhập hiện nay. Cử cán bộ, giảng viên Trường Chính trị cấp tỉnh, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị cấp huyện đào tạo sau đại học về kiến thức quyền con người, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho đội ngũ cán bộ, giảng viên ở các cơ sở đào tạo này.
Năm là, bảo đảm đầy đủ các điều kiện kinh phí, vật chất phục vụ công tác giáo dục quyền con người, quyền công dân cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
ThS. Trương Chánh Đức
Học viện Chính trị khu vực IV
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 36 (02/2024)
---
Tài liệu trích dẫn
(1) Khoản 1, Điều 1 Tuyên ngôn về Giáo dục và đào tạo nhân quyền (UN Declaration on Human Rights Education and Training) năm 2011.
(2) Khoản 1, Điều 7, Tuyên ngôn về Giáo dục và đào tạo nhân quyền (UN Declaration on Human Rights Education and Training) năm 2011.
(3) Khoản 4, Điều 7, Tuyên ngôn về Giáo dục và đào tạo nhân quyền (UN Declaration on Human Rights Education and Training) năm 2011.
(4) Tuyên bố Vienna được thông qua tại Hội nghị thế giới về Quyền con người lần thứ hai, họp tại Vienna ngày 15/6/1993.
(5) Điểm 78 Mục D-Giáo dục về quyền con người của Tuyên bố Vienna năm 1993.
(6) Điểm 80 Mục D-Giáo dục về quyền con người của Tuyên bố Vienna năm 1993.
(7) Điểm 82 Mục D-Giáo dục về quyền con người của Tuyên bố Vienna năm 1993.
(8) Chị thị 12 - CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”.
(9) Bộ Ngoại giao (2018), Sách trắng về quyền con người, tr.70, truy cập tại trang: https://pbgdpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Lists/HoatDongPGBDPLTW/Attachments/725/Sach%20trang%20ve%20quyen%20con%20nguoi%202018.pdf