Trước năm 1973, các chuyên gia sức khỏe tâm thần và cả xã hội đều đưa ra những thông tin sai lệch về đồng tính bởi họ chỉ nghiên cứu người đồng tính đang phải trị liệu tâm lý. Khi những nghiên cứu sau này mở rộng ra những người đồng tính không trị liệu tâm lý, các nhà tâm thần học, tâm lý học và chuyên gia sức khỏe tâm  thần đã đưa ra quan điểm đồng tính không là một sự rối loạn tâm sinh lý, là bệnh mà là một hiện tượng sinh học tự nhiên.

Qua những nghiên cứu khoa học đó, năm 1990, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức loại đồng tính ra khỏi danh sách bệnh. Bên cạnh đó, tháng 6/2011, Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết khẳng định: “Mọi người đều có quyền bình đẳng, bất kể thiên hướng tình dục như thế nào”. Đến ngày 7/3/2012, Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Ban -  Ki - moon đã có bài phát biểu lịch sử kêu gọi các quốc gia trên toàn thế giới phi hình sự hóa đồng tính, chấm dứt kì thị với những người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới nói chung và người đồng tính nói riêng. Đó là cơ sở quan trọng hình thành khung pháp lí về người đồng tính và quyền của người đồng tính trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: lapphap.vn

1. Hệ thống khái niệm

a) Khái niệm người đồng tính

Đồng tính cùng với song tính và chuyển giới là ba bộ phận hợp thành cộng đồng LGBT, được xem như là nhóm người dễ bị tổn thương về phương diện quyền con người. Đồng tính luyến ái (homosexual) gọi tắt là đồng tính hoặc đồng giới, thuật ngữ do một nhà văn người Hungari gọi tên năm 1869, kết hợp gốc từ Hy Lạp homos – cùng, và sexus – tình dục. Từ điển Bách khoa Việt Nam tập 1 đã đưa ra định nghĩa về đồng tính luyến ái như sau: “Là quan hệ luyến ái, tình dục giữa những người cùng giới, đề có bộ phận sinh dục phát triển bình thường”. Một quan điểm khác về người đồng tính cũng xuất phát từ định nghĩa của từ điển Bách khoa Việt Nam nhưng cụ thể, giải thích rõ hơn: “Người đồng tính là một người (nam hoặc nữ) có sự hấp dẫn về cảm xúc hoặc tình cảm hoặc tình dục với người cùng giới. Người đồng tính nam thường gọi là “gay” và người đồng tính nữ thường được gọi là “les/lesbian”. Như vậy, cách hiểu về người đồng tính đều có những đặc điểm giống nhau như quan hệ tình cảm, tình dục giữa nam với nam, nữ với nữ (gọi chung là người cùng giới). Đặc điểm này phân biệt với người chuyển giới, bởi người chuyển giới là người có cảm nhận giới tính mong muốn của mình không trùng với giới tính sinh học đang có, cụ thể, một người có cơ thể sinh học từ khi sinh ra là nam nhưng nghĩ, biết mình là nữ và ngược lại. Người đồng tính, song tính, dị tính đều bị hấp dẫn tình cảm hoặc tình dục, nhưng người đồng tính bị hấp dẫn bởi người cùng giới, còn người song tính bị hấp dẫn cả nam và nữ, người dị tính bị hấp dẫn bởi người khác giới.

Bên cạnh đó, khi tìm hiểu người đồng tính, cần chú ý rằng một vài cảm xúc với người cùng giới không có nghĩa là người đồng tính. Xác định rõ xu hướng tính dục là cơ sở để phân định người đồng tính, song tính, chuyển giới với người dị tính, người vô tính. Điều đó có nghĩa là, chúng ta cần xem xét xu hướng đó có phải là sự hấp dẫn có tính bền vững về cảm xúc hoặc về mặt tình dục của nam đối với nam, nữ đối với nữ hay không.

Trên cơ sở phân tích trên, có thể đưa ra định nghĩa về người đồng tính như sau: “Người đồng tính là sự hấp dẫn tình cảm hoặc cảm xúc hoặc tình dục có tính bền vững giữa nam với nam hoặc nữ với nữ, do đặc tính sinh học tự nhiên quy định”.

b) Quyền của người đồng tính

Mỗi người sinh ra đều có những quyền cơ bản của một con người. Do đó, Hiến pháp 2013 trở thành căn cứ pháp lý quan trọng nhất để bảo vệ quyền và lợi ích cho tất cả mọi người, trong đó bao gồm cả người đồng tính. Tuy nhiên, về bản chất Tuy nhiên, về bản chất quyền con người không chỉ thuần túy là những quyền tự nhiên mà nó đặt vào tổng hòa các mối quan hệ xã hội, chịu sự ràng buộc của xã hội, gắn với quá trình chinh phục tự nhiên và phát triển xã hội và bị chế ước bởi từng hoàn cảnh lịch sử, từng chế độ xã hội, từng Nhà nước. Trong suốt chiều dài của lịch sử, quyền của người đồng tính bị chi phối bởi các định kiến xã hội, sự phát triển của khoa học… Chính vì thế, việc thừa nhận quyền của người đồng tính đang có những bước phát triển chậm chạp, cần phải tuân thủ theo một lộ trình nhất định.

Do đó, có thể đưa ra định nghĩa quyền của người đồng tính như sau quyền của người đồng tính là quyền của con người, là nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người, được Nhà nước Việt Nam ghi nhận vào trong hệ thống pháp luật theo những lộ trình nhất định.

2. Những qui định liên quan đến quyền của người đồng tính trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam hiện nay

a) Những qui định liên quan đến quyền của người đồng tính trong pháp luật quốc tế

(i) Sự phát triền quyền của người đồng tính trong luật quốc tế

Những thập niên cuối thế kỉ XX, khoa học khẳng định đồng tính luyến ái không phải là bệnh thì ở châu Âu từ đầu thập kỉ 1980 mới bắt đầu mở ra con đường thúc đẩy quyền của LGBT nới chung và quyền của người đồng tính nói riêng với sự kiện pháp lý đầu tiên về vấn đề này là phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu trong vụ Dudgeon kiện Vương quốc Anh (Dudgeon v United Kingdom) năm 1981, trong đó nêu rõ hành động mang tính chất bạo lực hay phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới của cộng đồng LGBT nói chung và quyền của người đồng tính nói riêng là trái với nguyên tắc bình đẳng về quyền nêu trong Công ước nhân quyền châu Âu. Phán quyết này là mở đường cho nhiều vụ việc khác, đồng thời, là cơ sở quan trọng để Hội đồng châu Âu và Liên minh châu Âu ban hành những văn bản pháp luật riêng hoặc lồng ghép vấn đề bảo vệ quyền của LGBT vào các văn kiện pháp lý.

Tuy nhiên, trên phạm vi toàn cầu, việc bảo vệ quyền của nhóm người này gặp rất nhiều trở ngại xuất phát từ định kiến tôn giáo và văn hóa. Chỉ đến 3/2/2005 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp Quốc thông qua văn kiện quốc tế đầu tiên liên quan trực tiếp đến quyền của nhóm người LGBT “Tuyên bố của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc”, do New Zealand đề xướng và nhận sự ủng hộ của 32 quốc gia thành viên Ủy ban. Đó là cột mốc đánh dấu sự phát triển của nhóm người LGBT trên phạm vi quốc tế, đồng thời, là cơ sở cho hàng loạt các văn kiện pháp lý khác ra đời.

Nói tóm lại, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một điều ước quốc tế có hiệu lực toàn cầu nào đề cập riêng và cụ thể về quyền của nhóm người này, trong khi đã có nhiều công ước, nghị định thư về quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người bản địa, người lao động di trú…

(ii)Văn kiện quốc tế liên quan đến quyền của người đồng tính:

Hiến chương Liên hợp quốc 1945 là văn kiện pháp lý đầu tiên thừa nhận quyền con người trên phạm vi toàn cầu, với nội dung là tôn trọng các quyền và sự tự do cơ bản của con người, được thể hiện ở những nguyên tắc cơ bản, nội dung cụ thể, tuy nhiên, chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về quyền của người đồng tính. Một văn kiện quốc tế chuyên biệt về quyền con người ra đời 1948 với tên gọi “Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền” đã kế thừa những nguyên tắc, nội dung của Hiến chương, đồng thời, quy định rõ hơn rằng mọi người được hưởng tất cả quyền tự do mà không có bất kì sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, tôn giáo, màu da, giới tính, ngôn ngữ, quan điểm chính trị, nguồn gốc dân tộc hay tình trạng khác. Điều này có nghĩa là đồng tính có thể nằm trong tình trạng khác. Tuy nhiên, việc quy định còn chung chung, không chỉ đích danh người đồng tính, mặt khác, không quy định cụ thể quyền bình đẳng của con người mà không dựa trên sự khác biệt về xu hướng tính dục, dẫn tới một thực tế cộng đồng người đồng tính sẽ không được bảo vệ trong trường hợp các quốc gia viện dẫn đạo đức truyền thống để loại bỏ sự bình đẳng vốn có và không thể chế vào trong pháp luật.

Năm 2006, trước thực trạng vi phạm nhân quyền đối với người đồng tính ở nhiều nơi trên thế giới, nhóm các nhà hoạt động nhân quyền, trí thức và nhà hoạch định chính sách đã phác thảo một bộ nguyên tắc về xu hướng tính dục và bản dạng giới. Ngày 26/03/2007, bộ nguyên tắc Yogyakarta ra đời. Bộ nguyên tắc ra đời với hai mục đích: đánh giá công bằng về tình trạng hiện tại của luật Nhân quyền quốc tế khi áp dụng đối với nhóm thiểu số tình dục, đồng thời, đưa ra 29 nguyên tắc nhằm quy định rõ ràng mọi người đều có quyền tự do, bình đẳng không phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục.

Nguyên tắc 1 đến 3 nhắc lại tính phổ quát về quyền con người, quyền con người được áp dụng cho tất cả mọi người mà không có sự phân biệt đối xử, cũng như quyền của tất cả mọi người được công nhận trước pháp luật. Đặc biệt trong nguyên tắc 1 đã quy định rõ ràng rằng: “Mọi người, bất kể khuynh hướng tính dục hay bản dạng giới đều được hưởng đầy đủ các quyền con người” [12]. Những quy tắc này có ý nghĩa to lớn đối với người đồng tính bởi sự chỉ đích danh rõ ràng chứ không phải quy định một cách chung chung mọi người hoặc “tình trạng khác” như ở trong Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới.

Từ nguyên tắc 4 đến nguyên tắc 27 tập trung vào các quyền cơ bản của con người như quyền sống, tự do không bị tra tấn, tự do cá nhân, tiếp cận tư pháp, tự do không bị bắt giam vô lối, được hưởng các quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội như những người dị tính. Đặc biệt, nhóm người này còn được hưởng quyền tự do biểu đạt, nhận dạng giới tính mà không bị Nhà nước can thiệp dựa trên xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới, quyền được xây dựng gia đình, có quyền có công việc mà không bị phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới.  Nguyên tắc 28, 29 khẳng định cần phải bắt những kẻ vi phạm quyền của nhóm LGBT sẽ bị trừng trị cho dù người đó là quan chức cấp cao, đồng thời, phải bồi thường cho họ thỏa đáng.

Điểm rất tiến bộ trong bộ nguyên tắc này đó là đã quy định rõ ràng quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới, đồng thời, quy định trách nhiệm quốc gia phải làm gì, nghĩa vụ như thế nào. Bộ nguyên tắc là niềm hi vọng về một tương lai hạnh phúc, tự do cho nhóm người LGBT, đồng thời, trở thành cơ sở nền tảng tạo ra động lực thúc đẩy mạnh mẽ quyền và lợi ích thực sự cho người đồng tính.

b) Những quy định liên quan đến quyền của người đồng tính trong pháp luật Việt Nam

Các quy định của pháp luật Hiến pháp, luật dân sự và luật hình sự hiện hành có liên quan quyền của người đồng tính và những bất cập trong việc bảo vệ quyền của người đồng tính:

Theo luật Hiến pháp 2013, cộng đồng đồng tính được hưởng tất cả những quyền con người, quyền công dân mà người dị tính được hưởng như các quyền công dân gồm quyền bầu cử, ứng cử, quyền, quyền tự do tôn giáo, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội…hoặc các quyền con người gồm quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền có nơi ở hợp pháp, quyền không bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án Nhân dân…

Trong Pháp luật Dân sự hiện hành, cần khẳng định rằng người đồng tính được hưởng đầy đủ các quyền nhân thân và quyền tài sản do pháp luật dân sự quy định chung cho mọi cá nhân. Do đó, họ đều có năng lực pháp luật dân sự bình đẳng với năng lực pháp luật dân sự của các cá nhân khác. Cụ thể, các cá nhân người đồng tính vẫn là chủ thể trong quan hệ tài sản như sở hữu tài sản, thừa kế tài sản, là chủ thể trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và các quyền, nghĩa vụ về tài sản trong các quan hệ hợp đồng [].Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật dân sự, hình sự nói riêng đều không có những quy định pháp luật nhằm bảo vệ cho quyền của người đồng tính liên quan đến sự khác biệt về xu hướng tính dục. Hệ quả là quyền và lợi ích của nhóm người này bị xã hội kì thị, phân biệt đối xử, có cái nhìn khinh miệt và còn là đối tượng lan truyền nhiễm HIV/ADIS.

Tại Điều 37 BLDS 2005: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và pháp luật bảo vệ”[20]. Ở trong quy định này, cá nhân theo cách hiểu của quy định pháp luật đó là mọi người, tức là trong đó người đồng tính vẫn là đối tượng được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín. Tuy nhiên, các quy định trong bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) từ Điều 111 đến Điều 116 trong Chương XII – các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người không có một quy định nào bảo vệ những nạn nhân là người đồng tính. Khi người đồng tính bị xúc phạm về nhân phẩm như bị chửi là gay, les, bị mọi người trêu trọc nếu có kiện lên Tòa vẫn chưa có quy định nào bảo vệ quyền và lợi ích cho họ. Thực tế, mại dâm đồng tính, hiếp dâm đồng tính, cưỡng dâm, tổ chức môi giới mại dâm nam… đã và đang trở thành thực trạng nhức nhối trong dư luận xã hội nhưng lại thiếu chế tài xử lý.

Các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành có liên quan đến quyền của người đồng tính và những bất cập trong việc bảo vệ quyền của người đồng tính:

Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 (có hiệu lực 1/1/2015) đã có những bước phát triển mới đối với quyền của người đồng tính. Nếu như K3, Đ 9 luật Hôn nhân và Gia đình 2000 quy định một số điều khoản cấm: “Cấm kết hôn giữa những người đồng tính”[19] điều này có nghĩa là việc kết hôn đồng tính không được phép tổ chức cưới xin hoặc sống chung hoặc đăng ký theo luật định thì đến K2, Đ 8 luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”[24]. Đây được coi là một bước tiến nhỏ trong việc nhìn nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính của nhà nước ta trong tình hình xã hội hiện nay. Điều này có nghĩa là pháp luật sẽ không cấm các cặp đôi tự tổ chức kết hôn đồng tính hoặc sống chung với nhau. Nhưng pháp luật sẽ không thừa nhận và khi xảy ra tranh chấp về quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản pháp luật sẽ không can thiệp vào. Cụ thể, những người đồng tính khi sống chung với nhau, do không được pháp luật công nhận nên khi mối quan hệ sống chung chấm dứt (do một trong hai người chết) thì khối tài sản mà do hai người tạo dựng sẽ không được hưởng thừa kế của nhau hoặc có thể trong quá trình sống chung đó xảy ra bạo lực thì sẽ không được bảo vệ theo các quy định tại Luật phòng chống bạo lực gia đình.

Nếu như với quy định cấm kết hôn đồng giới theo luật Hôn nhân và Gia đình 2000, khiến cho người đồng tính buộc phải kết hôn với người khác giới dưới sức ép của gia đình, đương nhiên, vô hình chung đã tước đi những quyền cơ bản của con người đó là quyền được mưu cầu hạnh phúc, cánh cửa pháp lý đã đóng lại đối với người đồng tính với mong muốn được xây dựng cho mình một gia đình thực sự thì quy định không thừa nhận hôn nhân giữa những người đồng giới theo luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã có một bước phát triển nhỏ đối với họ. Họ có thể tự xây dựng một gia đình thực sự cho mình, thực hiện được quyền mưu cầu hạnh phúc nếu họ muốn. Nhưng khi pháp luật chưa thừa nhận việc bảo vệ quyền và lợi ích cho nhóm người này, trong trường hợp họ công khai xu hướng tính dục và bản dạng giới của mình họ vẫn không thể tránh khỏi cái nhìn miệt thị, kì thị, khinh miệt từ những người xung quanh. Họ sống khi xảy ra tranh chấp thì rõ ràng sẽ không được pháp luật bảo vệ, mặt khác, họ phải chịu đựng nỗi đau về tinh thần, xấu hổ, sống khép mình. Đó là lý do tại sao mà cộng đồng người đồng tính thường hẹn hò, tụ tập ở một khu vực nhất định, vẫn tách biệt với xã hội.

Hiện nay, trên thế giới có nhiều quốc gia đã thừa nhận hôn nhân đồng giới, việc chúng ta chưa thừa nhận hôn nhân đồng giới xuất phát từ chỗ chúng ta là nước phương đông, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam chưa cho phép chúng ta chính thức công nhận hình thức hôn nhân đồng tính này, tuy vậy việc không cấm kết hôn giữa những người đồng giới là rất tiến bộ bởi đã giảm hiệu ứng định kiến xã hội mạnh mẽ và trực tiếp đối với những người đồng tính.

ThS. Nguyễn Phương Nhung

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh