Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài có những quyền con người cơ bản liên quan đến cả 2 lĩnh vực quyền là dân sự, chính trị và kinh tế, xã hội văn hoá, đặc biệt quyền trong lĩnh vực lao động là quyền quan trọng cần được bảo vệ. Bởi vì họ phải làm việc và sinh sống trên lãnh thổ của một quốc gia khác biệt về văn hoá, pháp luật cũng như các chính sách lao động so với quốc gia mình.
Ảnh minh họa. Nguồn: tapchitaichinh.vn.
1. Khái niệm cơ bản về chủ thể bảo vệ, bảo đảm quyền của người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài
Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài có những quyền con người cơ bản liên quan đến cả 2 lĩnh vực quyền là dân sự, chính trị và kinh tế, xã hội văn hoá, đặc biệt quyền trong lĩnh vực lao động là quyền quan trọng cần được bảo vệ. Bởi vì họ phải làm việc và sinh sống trên lãnh thổ của một quốc gia khác biệt về văn hoá, pháp luật cũng như các chính sách lao động so với quốc gia mình. Chủ thể bảo vệ, bảo đảm quyền là những tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ, trách nhiệm thực hiện những hoạt động trong thẩm quyền của mình để hiện thực hoá các quyền con người của các chủ thể quyền. Trong việc bảo vệ, bảo đảm quyền của người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài đòi hỏi các chủ thể này sẽ thực hiện các hoạt động của mình trên cả phạm vi lãnh thổ Việt Nam và lãnh thổ mà người lao động Việt Nam làm việc, sinh sống.
Chủ thể nhà nước Việt Nam: bảo đảm, bảo vệ quyền con người của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân. Trong đó Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội là những cơ quan trực tiếp lập hiến lập pháp, đưa ra những quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, ký kết các Hiệp định về lao động, về bảo hiểm xã hội với các quốc gia đối tác trong việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Chính phủ là cơ quan trực tiếp quản lý nhà nước về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao có vai trò đặc biệt quan trọng. Cơ quan đại diện ngoại giao, Lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài: Đại sứ quán Việt Nam tại Seoul, Hàn Quốc; Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo -Nhật Bản; Đại sứ quán Việt Nam tại Đài Bắc, Văn phòng Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan, Hàn Quốc.
Ở cấp chính quyền địa phương, Uỷ ban nhân dân các cấp cũng có thẩm quyền ký kết các Thoả thuận hợp tác về đưa người lao động đi làm việc thời vụ theo Luật Thỏa thuận quốc tế số 70/2020/QH14 và Nghị định số 64/2021/NĐ-CP ngày 30/6/2021 của Chính phủ về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức. Ví dụ, trên cơ sở quan hệ hợp tác giữa địa phương Việt Nam với địa phương Hàn Quốc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao trao đổi và ký kết Thỏa thuận hợp tác về đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc[1].
Khi xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, sai phạm hoặc vi phạm quyền con người của người lao động thì Toà án, Viện Kiểm sát đóng vai trò quan trọng trực tiếp trong việc điều tra, truy tố, xét xử nhằm khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo Hợp đồng.
Chủ thể phi nhà nước ở Việt Nam[L1] bảo đảm, bảo vệ quyền con người của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là các doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến lĩnh vực này.
Cụ thể tại Khoản 2, 3, 4 Điều 2 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 đã chỉ ra một số chủ thể bảo đảm quyền con người của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bao gồm: Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp) được giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Chủ thể nước ngoài: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 cũng có quy định về "bên nước ngoài tiếp nhận lao động là người sử dụng lao động ở nước ngoài, tổ chức dịch vụ việc làm ở nước ngoài" (Khoản 3 Điều 3). Như vậy, một nhóm chủ thể khác phát sinh bao gồm: (1) Cơ quan có chức năng ký kết các hiệp định liên quan đến sử dụng người lao động làm việc tại nước ngoài hoặc các cơ quan có chức năng quản lý người lao động Việt Nam của quốc gia đó; (2) Cơ quan quyền con người của quốc gia đó, ví dụ như: Uỷ ban quyền con người quốc gia Hàn Quốc, Ủy ban quyền con người Đài Loan; (3) Chủ sử dụng lao động, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài sử dụng người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng.
2. Nghĩa vụ, trách nhiệm và thực tiễn thực hiện hoạt động của chủ thể bảo vệ, bảo đảm quyền của người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài
Bảo đảm, bảo vệ quyền con người được hiểu là việc các chủ thể có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với chủ thể quyền cần phải thực hiện theo luật nhân quyền quốc tế và luật quốc gia áp dụng tổng hợp các biện pháp theo chức năng, quyền hạn của mình để hiện thực hóa các nguyên tắc, quy phạm về quyền con người đối với chủ thể quyền được quy định trong hiến pháp, pháp luật quốc gia, để các quyền con người được thực hiện trên thực tế; và mọi hành vi vi phạm quyền và các tự do cơ bản của cá nhân, công dân đều bị nghiêm khắc trừng trị theo pháp luật.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã quan tâm tới vấn đề lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI, công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tiếp tục nâng cao hơn nữa hoạt động này, trong thời gian gần đây, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Theo đó, Đảng chú trọng: tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, người lao động và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên quan đến công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, bảo đảm điều chỉnh bao quát các đối tượng, loại hình lao động; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Nhà nước là chủ thể quan trọng nhất trong việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người.
a) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam
Quốc hội: Với chức năng lập hiến, lập pháp, Quốc hội Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật và ký kết một số hiệp định bảo vệ quyền của người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 và nhiều văn bản dưới luật cũng đã được ban hành: Nghị định số 112/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật số 69/2020/QH14; Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính; Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết một số điều của Luật; Thông tư số 20/2021/TT-BLĐTBXH quy định về hệ thống cơ sở dữ liệu. Bên cạnh đó, người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng còn được bảo vệ bởi nhiều văn bản pháp luật quan trọng khác có liên quan như Bộ luật Lao động 2019, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Chính phủ: Là cơ quan quản lý hành chính nhà nước cao nhất, Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc hiện thực hoá các chính sách và pháp luật về bảo vệ, bảo đảm quyền của người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng thông qua hoạt động cụ thể của các cơ quan trực thuộc chính phủ. Cụ thể là:
Thứ nhất, Chính phủ có vai trò công nhận, tôn trọng quyền của người lao động làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng: là cơ quan trực tiếp và chủ động trong đề xuất, hoạch định chính sách, pháp luật về quyền con người nên Chính phủ có nghĩa vụ công nhận, ghi nhận các quyền con người nói chung và quyền của người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài nói riêng.
Thứ hai, Chính phủ có vai trò bảo vệ, thực hiện quyền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ở cả ba cấp độ phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp, sửa chữa và khắc phục hậu quả.
Cấp độ phòng ngừa: Chính phủ chịu trách nhiệm chính trong việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước và cộng đồng, xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của quyền con người, quyền của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; cung cấp thông tin, trang bị kiến thức cho mọi người dân, doanh nghiệp để họ không những hiểu được quyền của họ, qua đó biết cách tự bảo vệ quyền và tự do của mình, đồng thời biết tôn trọng pháp luật, tôn trọng quyền và tự do của người khác; thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quyền con người, quyền của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Cấp độ hỗ trợ: Chính phủ chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt các nhóm có nguy cơ cao bị vi phạm quyền con người như các hành vi bạo lực, ngược đãi, bóc lột, xâm hại, …thông qua hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý...
Cấp độ can thiệp, sửa chữa, khắc phục hậu quả: Chính phủ là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm quyền lợi cho nạn nhân của tội phạm, trong đó có hành vi tội phạm buôn bán người qua biên giới; ngăn chặn hành vi xâm hại và hỗ trợ chăm sóc phục hồi, giúp họ nâng cao khả năng tái hòa nhập cộng đồng, thông qua chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho nạn nhân của hành vi tội phạm; thực hiện việc đoàn tụ gia đình, hòa nhập xã hội, hoà nhập môi trường lao động.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra những thoả thuận với quốc gia đối tác về quyền của người lao động, như: quyền được trả lương, an toàn lao động và bảo hiểm xã hội. "Đối với người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài, ở các nước chưa ký hiệp định song phương về bảo hiểm, người lao động thường chỉ tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, rủi ro, thương tật chứ không phải tham gia bảo hiểm tử tuất, bảo hiểm thất nghiệp. Sắp tới, khi sửa luật Bảo hiểm xã hội và luật sửa đổi chính thức có hiệu lực sẽ có thay đổi trong vấn đề này"[2]. Chính phủ có vai trò quan trọng thông qua ký kết các hiệp định song phương, đa phương có liên quan đến hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết hiệp định song phương với Hàn Quốc về đóng bảo hiểm xã hội nhằm hướng tới việc tránh đóng bảo hiểm xã hội hai lần với công dân Việt Nam và Hàn Quốc khi làm việc tại nước bạn. Đối với lao động làm việc tại Đài Loan thì việc đóng bảo hiểm xã hội thực hiện theo mức lương quy định tại Việt Nam.
Trong nước, thông qua các cơ quan của mình, Chính phủ thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước với các doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, thực hiện các chính sách nhằm bảo vệ quyền của người lao động. Điều 4 Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã chỉ rõ một số chính sách cơ bản của nhà nước trong lĩnh vực này: "1. Khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về; 2. Bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân Việt Nam trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; 3. Mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động phát triển thị trường lao động mới, an toàn, việc làm có thu nhập cao, ngành, nghề, công việc cụ thể giúp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; 4. Bảo đảm bình đẳng giới, cơ hội việc làm, không phân biệt đối xử trong tuyển chọn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; có biện pháp hỗ trợ bảo vệ người lao động Việt Nam ở nước ngoài phù hợp với các đặc điểm về giới; 5. Hỗ trợ hòa nhập xã hội và tham gia thị trường lao động sau khi về nước."
Với quy định này, Chính phủ sẽ có trách nhiệm trong toàn bộ quá trình trước, trong và sau khi người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng và chú trọng đến trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động, sử dụng nguồn lực sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể; thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, hỗ trợ hoà nhập xã hội và tham gia thị trường lao động sau khi về nước.
Thứ ba, Toà án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân
Trong những năm qua, Toà án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình đã giải quyết nhiều vụ án. Viện Kiểm sát đã tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm; khởi tố vụ án, truy tố bị can; Toà án đã xét xử nhiều vụ án liên quan đến đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài trong đó có cả những vụ việc theo hợp đồng và không theo hợp đồng. Đó là những tội phạm liên quan đến lừa đảo đưa người đi làm việc tại nước ngoài[3]; tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại giữa người lao động và doanh nghiệp[4]; lừa đảo buôn bán người[5]; lao động bỏ trốn, làm việc không chính thức tại nước ngoài[6]. Có thể thấy, những vụ án này có liên quan đến cả quyền và nghĩa vụ của người lao động.
Thứ tư, doanh nghiệp
Rõ ràng trong bối cảnh toàn cầu hoá, việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và thực hiện quyền con người không chỉ dừng lại yêu cầu đối với các tổ chức thuộc hệ thống cơ quan nhà nước mà còn đặt ra yêu cầu với doanh nghiệp. Đối với hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài thì yêu cầu này được đặt ra đối với cả doanh nghiệp trong nước - doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài và doanh nghiệp nước ngoài- nơi tiếp nhận người lao động Việt Nam sang làm việc. Trong bối cảnh Việt Nam có hàng trăm doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng thì việc quy định rõ trách nhiệm của họ là điều cần thiết, cấp bách.
Trách nhiệm bảo vệ, bảo đảm quyền của người lao động đi làm việc ở nước ngoài của chủ thể doanh nghiệp thực hiện dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bao gồm các hoạt động chính như: đào tạo lao động, cung ứng lao động, giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; hướng dẫn người lao động, tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; tổ chức quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài, quản lý và hỗ trợ người lao động ở nước ngoài; phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan của nước tiếp nhận lao động giải quyết tranh chấp liên quan đến người lao động; giải quyết vấn đề phát sinh trong trường hợp người lao động chết, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản hoặc trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, bất ổn chính trị hoặc tình trạng khẩn cấp.
Theo Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp dịch vụ không hướng dẫn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động tham gia BHXH theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Pháp luật cũng quy định những hành vi bị cấm không được làm, áp dụng với cả cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tại Điều 7 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đồng thời quy định chế tài xử phạt đối với các chủ thể vi phạm trách nhiệm, nghĩa vụ bảo đảm, bảo vệ quyền con người. Các hành vi vi phạm đối với các tổ chức cá nhân liên quan sẽ bị xử phạt cụ thể theo các điều từ 42 đến 44 tại Chương IV (Hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) tại Nghị định số 12/2022/NĐ-CP.
b) Cơ quan, tổ chức nước ngoài có trách nhiệm bảo vệ quyền của người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng
Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức nước ngoài nơi có người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng làm việc và sinh sống
Ở một số quốc gia nơi có người Việt Nam làm việc theo hợp đồng đã có các cơ quan nhân quyền quốc gia hoạt động.
Cơ quan nhân quyền quốc gia của Hàn Quốc là cơ quan độc lập đảm nhiệm việc bảo vệ, giúp đỡ và thúc đẩy quyền con người. Ủy ban này được thành lập vào ngày 25/11/2001 theo Đạo luật về Ủy ban quyền con người quốc gia và hoạt động theo các Nguyên tắc Paris được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1993. Uỷ ban cam kết thực hiện các quyền con người theo nghĩa rộng, bao gồm nhân phẩm, giá trị và quyền tự do của mỗi con người trong các công ước quốc tế về quyền con người mà Hàn Quốc là thành viên. Điều 1 của Đạo luật này xác định mục tiêu của Ủy ban nhân quyền quốc gia là đảm bảo rằng các quyền con người cơ bản, bất khả xâm phạm của mọi cá nhân được bảo vệ và các tiêu chuẩn về quyền con người được cải thiện[7]. Với những cam kết này, bảo đảm, bảo vệ quyền của người lao động là người nước ngoài với tư cách là một con người cũng được quan tâm thực hiện.
Ở Nhật Bản, từ năm 1948, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập Cục Quyền con người là cơ quan hành chính quốc gia về quyền con người trực thuộc Bộ Tư pháp, bên cạnh đó, Chính phủ đã thành lập các “Tình nguyện viên Nhân quyền” (The Human Rights Volunteer -Jinken Yogo Iin trong tiếng Nhật)[8]. Tổ chức này có vai trò bảo vệ quyền con người từ góc độ cộng đồng.
Ngoài ra, các cơ quan ngoại giao, cơ quan thuộc bộ máy nhà nước của các quốc gia đều có nghĩa vụ bảo vệ người lao động được quy định trong luật của mỗi quốc gia. Luật lao động tại Đài Loan (Trung Quốc) quy định về mức lương tối thiểu, giờ làm việc và ngày nghỉ, thời gian thông báo, điều kiện an toàn và trợ cấp thôi việc. Văn bản pháp lý quan trọng trong luật lao động Đài Loan là Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động (LSA). Đạo luật này đóng vai trò là khung pháp lý cơ bản điều chỉnh quan hệ lao động, điều kiện làm việc, quyền và sự bảo vệ của người lao động ở Đài Loan[9].
Trách nhiệm của doanh nghiệp nước ngoài mà người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng. Tương ứng với quyền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, các doanh nghiệp nơi người lao động Việt Nam làm việc là chủ thể quan trọng và trực tiếp nhất trong việc bảo đảm các quyền con người của người lao động khi họ làm việc tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp có trách nhiệm bảo đảm quyền làm việc với việc trả lương đầy đủ theo quy định của pháp luật bao gồm tiền lương và tiền làm thêm giờ, chi trả bảo hiểm lao động liên quan như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm lao động, thuế thu nhập cá nhân… Cùng với quyền được làm việc, người lao động được thực hiện quyền được nghỉ ngơi như nghỉ phép, nghỉ ốm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải thực hiện quyền khiếu kiện và chấm dứt hợp đồng nếu chủ thuê hoặc các thành viên trong gia đình chủ có hành vi bạo lực, xúc phạm hoặc không trả lương. Ví dụ lao động Việt Nam tại Đài Loan[10].
Doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm về quyền con người với người lao động thôngq qua việc tuân thủ các hợp đồng lao động mà người lao động và doanh nghiệp đã ký kết. Thông tư số 21/2021/TT- BLĐTBXH ngày 15/12/2021 quy định chi tiết một số điều của luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp nước ngoài khi ký hợp đồng lao động với người lao động Việt Nam: phụ lục II (tại thị trường Nhật Bản), III (tại thị trường Đài Loan), IV (tại thị trường Hàn Quốc), V tại thị trường Tây Á, Trung Á và châu Phi), VI (tại thị trường châu Âu và châu Đại Dương), VII ( tại thị trường châu Mỹ), VIII (tại thị trường Trung Quốc, Ma Cao - Trung Quốc, Nam Á). Theo đó, các quyền của người lao động được doanh nghiệp nước ngoài thực hiện là bảo đảm thời giờ làm việc, thời giời nghỉ ngơi; cung cấp phương tiện bảo hộ lao động và đảm bảo nơi làm việc an toàn và vệ sinh lao động, tiền lương và tiền làm thêm giờ; điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, đi lại từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại; chế độ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Như vậy, các doanh nghiệp nước ngoài khi sử dụng lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng không chỉ tuân thủ pháp luật quốc gia họ mà còn phải tôn trọng và thực hiện quy định của pháp luật Việt Nam thông qua việc ký kết các hợp đồng cung ứng lao động. Với những ràng buộc từ các hợp đồng này, các doanh nghiệp có trách nhiệm bảo đảm các quyền con người của người lao động Việt Nam khi lao động tại quốc gia mình.
3. Phương hướng nâng cao hiệu quả hoạt động của chủ thể bảo vệ, bảo đảm quyền của người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài
Một là, tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Hiện nay, Việt Nam đã và đang ký kết nhiều Hiệp định thương mại quốc tế, điều này đòi hỏi cần có sự đồng bộ và tương thích với chuẩn mực quốc tế về bảo vệ quyền của người lao động. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật theo hướng phân cấp và quy định cụ thể trách nhiệm của các địa phương trong quản lý hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Hai là, đối với các cơ quan nhà nước cần chú trọng hơn đến việc bảo hộ công dân ở nước ngoài và tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức về quyền con người cho người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò và sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp đối với lĩnh vực này. Theo đó, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân trong việc giám sát thực hiện công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm pháp luật và có các biện pháp, chính sách hỗ trợ người nghèo, người lao động khuyết tật có thể tham gia thị trường lao động.
Ba là, nâng cao trách nhiệm thực hiện quyền con người của doanh nghiệp. Với tư cách là một chủ thể trực tiếp bảo đảm quyền của người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, các doanh nghiệp cần có nhận thức về vấn đề quyền con người rõ ràng hơn nữa trong chính sách của doanh nghiệp. Đặc biết là trong bối cảnh ngày nay, khi các doanh nghiệp ngày càng theo xu thế quốc tế với sự thay đổi về nhận thức đối với trách nhiệm bảo vệ quyền con người. Hướng dẫn Liên hợp quốc về kinh doanh và quyền con người (UNGP) đã chỉ ra một số nguyên tắc quan trọng của doanh nghiệp đối với trách nhiệm thực hiện quyền con người: Nguyên tắc 11. “ Doanh nghiệp cần tôn trọng quyền con người. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp cần tránh vi phạm nhân quyền và cần giải quyết các ảnh hưởng tiêu cực về nhân quyền mà họ có liên quan; Nguyên tắc 13. Trách nhiệm tôn trọng quyền con người yêu cầu các doanh nghiệp phải: (a) Tránh gây ra hoặc góp phần gây ra các tác động tiêu cực đến nhân quyền thông qua các hoạt động của doanh nghiệp, cũng như giải quyết các tác động khi xảy ra; (b) Cố gắng ngăn ngừa hoặc giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực đến nhân quyền có liên quan trực tiếp đến hoạt động, sản phẩm hoặc dịch vụ trong những mối quan hệ kinh doanh của doanh nghiệp, ngay cả khi các doanh nghiệp này không góp phần vào các tác động đó; Nguyên tắc 14. Trách nhiệm tôn trọng nhân quyền của các doanh nghiệp áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, ngành, bối cảnh hoạt động, quyền sở hữu và cơ cấu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy mô và tính phức tạp của các phương tiện thông qua đó các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ này có thể khác nhau tùy theo các yếu tố nêu trên và mức độ của các ảnh hưởng tiêu cực đối với quyền con người. Đây là những nguyên tắc quan trọng đòi hỏi các doanh nghiệp cần thực hiện trong bối cảnh toàn cầu.
TS. Trần Thị Hồng Hạnh
Viện Quyền con người - Học viện CTQG Hồ Chí Minh
[1] Theo văn bản Số: 2188/LĐTBXH-QLLĐNN V/v thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước ngày 24/6/2022
[2] Bộ trưởng bộ Lao động, Thương binh và xã hội: lao động đi làm việc ở nước ngoài bị lừa chủ yếu do các ''Công ty ma'', tài liệu có tại: https://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=76664
[3] Xem tại : https://vov.vn/phap-luat/lua-dao-xuat-khau-lao-dong-co-the-bi-tu-chung-than-post931433.vov
[4] Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội, Bản án 140/PTLĐ ngày 01/07/2005 về tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp xuất khẩu lao động
[5] Xem tại: https://vnexpress.net/nhom-lua-ban-hang-tram-lao-dong-qua-campuchia-linh-an-4657115.html
[6] Xem tại: https://tienphong.vn/hon-46000-lao-dong-viet-nam-dang-lam-viec-chui-o-nuoc-ngoai-post1544681.tpo
[7] Tài liệu có tại: https://www.humanrights.go.kr/site/homepage/menu/viewMenu?menuid=002001001001., Truy cập ngày 20/6/2022
[8]Reform of Human Rights Institutions in Japan* Osamu KOIKE Ministry of Justice of Japan.http://www.moj.go.jp/ENGLISH/index.html , Truy cập ngày 20/6/2022
[9]Labor Standards Act, https://law.moj.gov.tw/ENG/LawClass/LawAll.aspx?pcode=N0030001, Truy cập ngày 20/9/2023
[10] Labor Standards Act, https://law.moj.gov.tw/ENG/LawClass/LawAll.aspx?pcode=N0030001, Truy cập ngày 20/9/2023