Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, trong đó trọng tâm là trách nhiệm về quyền con người, hiện đã trở thành những tiêu chuẩn toàn cầu, vì vậy, việc nghiên cứu những quy định quốc tế về vấn đề này là rất cần thiết để có thể thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam. Bài viết nhận diện nội hàm, khái quát hoá và sơ bộ phân tích, so sánh những tiêu chuẩn quốc tế cơ bản về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, bài viết liên hệ và gợi mở phương hướng thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đặc biệt trong vấn đề quyền con người, ở Việt Nam trong thời gian tới

Ảnh minh họa. Nguồn: phunuonline.com.vn.

Dẫn nhập

Khái niệm “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” (Corporate Social Responsibility - CSR) được đề xướng từ thế kỷ XIX và tiếp tục được thảo luận bởi nhiều học giả cho đến ngày nay. Có nhiều định nghĩa khác nhau về CSR. Ví dụ, Keith Davis (1973) cho rằng “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là sự quan tâm và phản ứng của doanh nghiệp với các vấn đề vượt ra ngoài việc thỏa mãn những yêu cầu pháp lý, kinh tế, công nghệ”1. Trong khi đó, Archie Carroll (1999) cho rằng, “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là tất cả các vấn đề kinh tế, pháp lý, đạo đức và những lĩnh vực khác mà xã hội trông đợi ở doanh nghiệp trong mỗi thời điểm nhất định. Theo đó, nó bao gồm trách nhiệm kinh tế, pháp lý, đạo đức và từ thiện”2. Matten và Moon (2004) thì định nghĩa: “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một khái niệm bao trùm, bao gồm nhiều khái niệm khác như đạo đức kinh doanh, doanh nghiệp làm từ thiện, công dân doanh nghiệp, tính bền vững và trách nhiệm môi trường”3.

Dù vậy, nhìn từ góc độ khái quát, có thể hiểu CSR là một phương thức kinh doanh mà các doanh nghiệp tự nguyện chấp nhận, theo đó hoạt động của các doanh nghiệp không chỉ nhằm mục tiêu tạo lợi nhuận mà còn góp phần bảo vệ quyền con người và thúc đẩy các lợi ích chung cho xã hội, môi trường và cộng đồng, nơi mà doanh nghiệp đang kinh doanh. Như vậy, CSR không chỉ là việc doanh nghiệp tiến hành các hoạt động từ thiện, mà nó bao gồm một loạt các hành động và cam kết để đảm bảo rằng hoạt động kinh doanh của họ có ảnh hưởng tích cực đến quyền con người, xã hội và môi trường.  

Trên thế giới hiện nay, CSR đã trở thành một phần không thể thiếu để xây dựng hình ảnh tích cực cho doanh nghiệp, thu hút nhân tài, tạo lòng tin từ khách hàng và cộng đồng, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội và môi trường tự nhiên4. Chính vì vậy, mặc dù khái niệm CSR chỉ mang tính khuyến khích, nó đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế, trong đó tiêu biểu là: (i) Hướng dẫn của OECD dành cho Doanh nghiệp Đa quốc gia (OECD Guidelines for Multinational Enterprises); (ii) Hướng dẫn ISO 26000 về Trách nhiệm xã hội (ISO 26000 Guidance on Social Responsibility), (iii) Hiệp ước toàn cầu của Liên hợp quốc (UN Global Compact - UNGC) và đặc biệt là (iv) Các Nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về Kinh doanh và Quyền con người (UN Guiding Principles on Business and Human Rights - UNGP).

Để cung cấp một góc nhìn tổng quan về các quy định quốc tế về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, bài viết này khái quát hoá và bước đầu so sánh các quy định cơ bản của bốn văn kiện nêu trên. Trên cơ sở đó, bài viết liên hệ và gợi mở phương hướng thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới.

1. Các văn kiện quốc tế cơ bản về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

a) Hướng dẫn của OECD dành cho doanh nghiệp đa quốc gia5

Hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dành cho doanh nghiệp đa quốc gia là một tài liệu quan trọng nhằm hỗ trợ các công ty đa quốc gia trong việc thực hiện CSR trong quá trình kinh doanh trên thế giới. Tài liệu này giúp các doanh nghiệp đa quốc gia và các doanh nghiệp nói chung hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc thực hiện CSR trong hoạt động kinh doanh quốc tế, cũng như cách thực thực hiện CSR một cách hiệu quả. Dưới đây là một số điểm chính trong Hướng dẫn này6:

Thứ nhất, chấp nhận trách nhiệm xã hội: Hướng dẫn của OECD khuyến khích các doanh nghiệp đa quốc gia chấp nhận trách nhiệm xã hội và trách nhiệm về quyền con người trong tất cả các khía cạnh của hoạt động kinh doanh, bao gồm cả ở cấp độ quốc tế, và đối với tất cả các đối tác trong chuỗi cung ứng.

Thứ hai, tuân thủ luật pháp quốc tế và quốc gia: Hướng dẫn yêu cầu các doanh nghiệp đa quốc gia tuân thủ tất cả những quy định của pháp luật quốc tế và quy định của pháp luật các quốc gia liên quan đến kinh doanh của họ, bao gồm các quy tắc và tiêu chuẩn về môi trường, quyền con người, lao động và chống tham nhũng.

Thứ ba, tuân thủ đạo đức kinh doanh: Hướng dẫn khuyến nghị rằng các doanh nghiệp đa quốc gia nên tuân thủ các nguyên tắc và giá trị đạo đức trong các hành vi và quyết định kinh doanh của họ. Điều này có thể bao gồm việc phát triển các Chỉ tiêu Xã hội và Môi trường (ESG) cụ thể.

Thứ tư, trách nhiệm trong chuỗi cung ứng: Hướng dẫn khuyến nghị rằng các doanh nghiệp đa quốc gia cần thúc đẩy việc tuân thủ các nguyên tắc CSR trong chuỗi cung ứng của mình và cần hỗ trợ các nhà cung cấp và đối tác trong việc cải thiện hiệu suất xã hội và môi trường trong hoạt động kinh doanh của họ.

Thứ năm, minh bạch và báo cáo: Hướng dẫn khuyến nghị rằng các doanh nghiệp đa quốc gia nên báo cáo về các hoạt động CSR của mình một cách minh bạch và đầy đủ để cho phép cổ đông và các bên liên quan đánh giá hiệu suất xã hội của họ.

Như vậy, có thể thấy Hướng dẫn của OECD cung cấp một cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp đa quốc gia thực hiện CSR một cách có trách nhiệm và bền vững. Nó cũng giúp tạo ra môi trường kinh doanh quốc tế tích cực và đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội và môi trường trên thế giới.  

b) Hướng dẫn ISO 26000 về Trách nhiệm xã hội7

Hướng dẫn ISO 26000 là một tài liệu quan trọng về CSR, được xây dựng bởi Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO). Tài liệu này cung cấp ý kiến tư vấn và khung khổ nội dung cho các doanh nghiệp và tổ chức trong việc thực hiện và tích hợp CSR vào hoạt động kinh doanh của họ.

Tài liệu bao gồm các định nghĩa, quy định về nền tảng, nguyên tắc và bảy chủ đề cốt lõi về CSR đó là: quản trị tổ chức, quyền con người, thực hành lao động, môi trường, điều hành công bằng, quyền của người tiêu dùng và phát triển cộng đồng8. Để cụ thể hoá chủ đề cốt lõi có 37 tiêu chí liên quan.

Dưới đây là các nội dung chính trong Hướng dẫn ISO 260009:

Một là, phạm vi và nguyên tắc: ISO 26000 xác định phạm vi của CSR và đề xuất một loạt các nguyên tắc để hướng dẫn các doanh nghiệp và tổ chức tuân thủ CSR. Các nguyên tắc này bao gồm trách nhiệm, khả năng đối với tác động xã hội, đạo đức, trong sạch, tuân thủ luật pháp, minh bạch, và tạo giá trị cho xã hội và môi trường.

Hai là, các bên liên quan: ISO 26000 nhấn mạnh sự quan tâm đối với các bên liên quan, bao gồm cổ đông, nhân viên, khách hàng, cộng đồng, và môi trường tự nhiên. Nó khuyến khích doanh nghiệp tương tác với các bên liên quan để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của họ.

Ba là, chuỗi cung ứng: ISO 26000 thúc đẩy việc quản lý trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp cần đảm bảo rằng các nhà cung cấp và đối tác của họ cũng tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường.

Bốn là, báo cáo và minh bạch: ISO 26000 khuyến khích việc báo cáo các hoạt động CSR nhằm tạo sự minh bạch trong việc đánh giá hiệu suất xã hội của doanh nghiệp.

Năm là, công cụ hỗ trợ: ISO 26000 không nêu ra các yêu cầu bắt buộc, thay vào đó nêu những nguyên tắc cơ bản để các doanh nghiệp và tổ chức có thể tuân thủ. Văn kiện cũng cung cấp các công cụ hỗ trợ, ví dụ như lời khuyên, để giúp tổ chức thực hiện CSR một cách hiệu quả và linh hoạt.

Có thể thấy nhiều nội dung nêu trên của Hướng dẫn ISO 26000 tương đồng với nội dung Hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD); vì vậy, đây cũng là một tài liệu quan trọng để hỗ trợ  các doanh nghiệp và tổ chức thực hiện CSR một cách có trách nhiệm và bền vững, đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội và môi trường tự nhiên.

c) Hiệp ước toàn cầu của Liên hợp quốc10

Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc là một sáng kiến chính sách toàn cầu dành cho doanh nghiệp. Hiệp ước do Liên Hợp Quốc chủ trương xây dựng, nhằm thúc đẩy các hoạt động của doanh nghiệp mà đóng góp cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Văn kiện này bao gồm mười nguyên tắc chung cho hoạt động của doanh nghiệp gắn với CSR. Các nguyên tắc này được xây dựng dựa trên các công ước quốc tế được thừa nhận rộng rãi trong bốn lĩnh vực: quyền con người, lao động, môi trường và chống tham nhũng. Các doanh nghiệp có từ 10 nhân viên trở lên có thể tham gia Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc và được chấp nhận vào cơ sở dữ liệu của Hiệp ước. Khi tham gia, doanh nghiệp phải cam kết biến mười nguyên tắc của Hiệp ước thành một phần trong các hoạt động kinh doanh của mình và báo cáo hàng năm về tiến độ thực hiện Hiệp ước cho Liên hợp quốc11.

Thông thường, các doanh nghiệp tham gia Hiệp ước vì nó có vai trò quan trọng trong việc phát triển và duy trì mối quan hệ tích cực với khách hàng, nhân viên và đối tượng hữu quan khác. Bên cạnh đó, khi tham gia Hiệp ước, các doanh nghiệp có thể có lợi thế trong việc tiếp cận các thị trường mới, thu hút và giữ chân các đối tác kinh doanh, phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới; làm tăng sự hài lòng và năng suất lao động của nhân viên.

10 nguyên tắc của Hiệp ước Toàn cầu của Liên Hợp Quốc bao gồm12:

Nguyên tắc 1: Hỗ trợ và tôn trọng bảo vệ các quyền con người mà đã được cộng đồng quốc tế công nhận

Nguyên tắc 2: Đảm bảo rằng các hoạt động kinh doanh không dính líu đến việc vi phạm quyền con người

Nguyên tắc 3: Tán thành quyền tự do lập hội và thực sự công nhận quyền thương lượng tập thể của người lao động

Nguyên tắc 4: Loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức và bắt buộc

Nguyên tắc 5: Loại bỏ việc sử dụng lao động trẻ em

Nguyên tắc 6: Loại bỏ sự phân biệt đối xử trong tuyển dụng và việc làm

Nguyên tắc 7: Áp dụng phương pháp phòng ngừa đối với các thách thức từ môi trường

Nguyên tắc 8: Thực hiện các hoạt động có trách nhiệm với môi trường

Nguyên tắc 9: Khuyến khích phát triển và phổ biến các công nghệ thân thiện với môi trường

Nguyên tắc 10: Chống tham nhũng dưới mọi hình thức, bao gồm đòi hối lộ và đưa hối lộ.

d) Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên hợp quốc về Kinh doanh và quyền con người13

Các Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên hợp quốc về Kinh doanh và Quyền con người phản ánh quan điểm của Liên hợp quốc về cách thức mà các chính phủ và doanh nghiệp cần hành động trong vấn đề quyền con người, trong đó bao gồm các quyền trong lĩnh vực lao động. Tài liệu này được công bố vào năm 2011 và nhanh chóng được chấp nhận rộng rãi như là một bước tiến quan trọng trong việc xác định và thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với quyền con người.

Các Nguyên tắc Hướng dẫn này được hình thành trên cơ sở thừa nhận: i) Nghĩa vụ của các quốc gia về việc tôn trọng, bảo vệ và thực thi các quyền và tự do cơ bản của con người; ii) Vai trò của các doanh nghiệp, với tư cách là một bộ phận đặc biệt của xã hội, thực hiện các chức năng đặc thù, được yêu cầu phải tuân thủ tất cả quy định pháp luật hiện hành và tôn trọng quyền con người; iii) Sự cần thiết bảo đảm sự tương xứng giữa quyền và nghĩa vụ, cũng như có các biện pháp khắc phục phù hợp và hiệu quả khi có vi phạm quyền.

Văn kiện được áp dụng cho tất cả quốc gia và doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp xuyên quốc gia và các loại hình khác, bất kể quy mô, lĩnh vực, địa điểm, chủ sở hữu và cơ cấu quản trị. Về hình thức, văn kiện là một tổng thể hoàn chỉnh các nguyên tắc mà cần được xem xét, riêng biệt hoặc cùng với nhau, trong một mục tiêu chung nhằm nâng cao các tiêu chuẩn và thực hành liên quan đến kinh doanh và quyền con người, đặc biệt là với các cá nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng, từ đó góp phần vào quá trình toàn cầu hoá một cách bền vững. 

Dưới đây là những nội dung chính của các Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên hợp quốc về Kinh doanh và quyền con người14:

- Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có nghĩa vụ tôn trọng quyền con người. Nguyên tắc này xác định rằng không chỉ chính phủ, mà cả doanh nghiệp cũng phải đảm bảo rằng họ không vi phạm quyền con người trong quá trình kinh doanh của mình.

- Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Mặc dù doanh nghiệp có trách nhiệm tôn trọng quyền con người, nhà nước vẫn phải đảm bảo rằng doanh nghiệp tuân thủ các quy tắc và luật pháp về quyền con người.

- Doanh nghiệp nên thực hiện tiêu chuẩn kinh doanh và quyền con người. Các doanh nghiệp nên xác định, ngăn chặn và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với quyền con người mà họ có thể gây ra thông qua hoạt động kinh doanh của họ.

- Cần tạo ra cơ chế bồi thường cho những người bị ảnh hưởng. Khi có vi phạm quyền con người do hoạt động kinh doanh của họ gây ra, doanh nghiệp nên đảm bảo có cơ chế bồi thường cho những người bị ảnh hưởng.

- Tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm. Doanh nghiệp nên công khai thông tin về tình hình thực hiện các tiêu chuẩn kinh doanh và quyền con người của họ và phải chịu trách nhiệm về những hậu quả của các vi phạm.

2. So sánh nội dung cơ bản của bốn Hướng dẫn quốc tế15

Mục đích của cả bốn Hướng dẫn nêu trên là thiết lập một nền tảng quốc tế chung cho việc ứng xử kinh doanh có trách nhiệm của các doanh nghiệp. Các Hướng dẫn đó tuy có những nội dung giống nhưng đồng thời có cách tiếp cận và những nội dung đặc thù, bổ sung cho nhau. Nội dung của các Hướng dẫn bao gồm rất nhiều vấn đề lớn và vấn đề phụ, với cách diễn đạt cũng như cách sử dụng các từ và thuật ngữ cụ thể khác nhau đáng kể. Điều này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp lựa chọn áp dụng các nguyên tắc phù hợp nhất với hoạt động của mình.

Một số nội dung xuất hiện trong cả bốn Hướng dẫn, ví dụ như việc đánh giá chi tiết. Về cơ bản, đây là một quy trình mà qua đó các điều kiện của doanh nghiệp trong một hoặc nhiều lĩnh vực được phân tích để xác định rủi ro, chi phí và lợi ích. Trong cả bốn Hướng dẫn quốc tế về CSR đã nêu trên, đánh giá chi tiết cũng là một phương pháp để doanh nghiệp xác định cách thức giải quyết những thách thức trong việc thực hiện CSR. Phương pháp này bao gồm việc xác định các tác động bất lợi thực sự và có thể xảy ra đối với xã hội, môi trường và kinh tế, ngăn ngừa và giảm thiểu những tác động đó, khắc phục những thiệt hại đã gây ra và công khai thông tin về quá trình đó thực hiện CSR.

Từ góc độ nội dung, cả bốn Hướng dẫn đều đề cập những chủ đề sau, tuy cách thức và mức độ đề cập không đồng nhất như nhau, đó là: Quyền con người; Người lao động; Môi trường; Các vấn đề kinh tế và kinh doanh; Vấn đề người tiêu dùng; Phát triển cộng đồng.

Về vấn đề quyền con người: cả bốn Hướng dẫn đều dựa trên Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 của Liên hợp quốc để đề cập đến việc tôn trọng quyền con người. Bốn Hướng dẫn đều đề cập đến cam kết của nhà nước và doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền con người. Ngoài ra, bốn Hướng dẫn đều quy định, hoạt động của doanh nghiệp phải dựa trên quy trình thẩm định, đánh giá những tác động bất lợi trên thực tế đối với quyền con người và việc phòng ngừa, giảm thiểu những tác động bất lợi về quyền con người, các biện pháp khắc phục cũng như việc công khai thông tin về quá trình đó.

Người lao động: điểm chung của bốn Hướng dẫn là đều dựa trên Tuyên bố của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản tại nơi làm việc năm 1998. Điều này có nghĩa là các Hướng dẫn đều hướng đến việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quan hệ việc làm, quyền của người lao động, bao gồm quyền tham gia công đoàn và thương lượng tập thể; vấn đề xóa bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, xóa bỏ lao động trẻ em và xoá bỏ sự phân biệt đối xử liên quan đến việc làm và nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, Hướng dẫn của OECD và ISO 26000 còn giải quyết các vấn đề về giới hạn giờ làm việc hàng tuần, sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc, tiền lương, việc làm của lực lượng lao động địa phương, việc cung cấp dịch vụ giáo dục và phát triển kỹ năng, cơ chế xử lý các vấn đề phát sinh giữa người sử dụng lao động và tổ chức của người lao động. Trong khi đó, Hướng dẫn UNGP cung cấp gợi ý cho doanh nghiệp thiết lập quy trình thẩm định về bảo vệ quyền của người lao động, bao gồm việc xác định các tác động bất lợi tiềm ẩn và thực tế đối với quyền con người, giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu các tác động đó và việc khắc phục, đền bù cho nạn nhân bị vi phạm quyền (ví dụ như bồi thường).

Môi trường: điểm chung trong các Hướng dẫn của OECD, ISO 26000 và UNGC là chúng đều được xây dựng dựa trên Tuyên bố Rio của Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển. Hơn nữa, cả Hướng dẫn ISO 26000 và OECD đều đề cập đến quản lý môi trường và bộ tiêu chuẩn ISO 14000 (về quản lý môi trường và các công cụ liên quan) như một khuôn khổ tổng thể để giải quyết các vấn đề môi trường một cách có hệ thống. Điểm chung khác trong Hướng dẫn của OECD, ISO 26000 và UNGC là chúng đều đề cập đến cách tiếp cận thận trọng đối với các thách thức về môi trường, và khuyến nghị các doanh nghiệp nên thực hiện những sáng kiến nhằm thúc đẩy các hoạt động và trách nhiệm thân thiện với môi trường, bao gồm việc phát triển và phổ biến các công nghệ thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, nội dung Hướng dẫn ISO 26000 chi tiết hơn UNGC và OECD xét về quy định cách thức doanh nghiệp có thể đóng góp vào việc này, ví dụ như bằng cách tích cực sử dụng phần lớn sản phẩm từ các nhà cung cấp áp dụng công nghệ và quy trình thân thiện với môi trường và bền vững. Cả Hướng dẫn của OECD và ISO 26000 đều tập trung vào cách tiếp cận có hệ thống đối với môi trường nhằm tôn trọng và thúc đẩy trách nhiệm với môi trường cũng như quản lý rủi ro môi trường. Điều này có thể liên quan đến việc xác định, đo lường, ghi chép, báo cáo, đánh giá và xử lý các vấn đề môi trường. Theo đó, một doanh nghiệp nên tìm cách cải thiện liên tục kết quả và hoạt động môi trường của mình và tốt nhất là trong toàn bộ chuỗi giá trị của mình. Hướng dẫn OECD và ISO 26000 cũng đều đề cập đến vấn đề giáo dục và đào tạo nhân viên về môi trường cũng như duy trì các kế hoạch dự phòng để ngăn ngừa, giảm thiểu, kiểm soát thiệt hại nghiêm trọng đối với sức khỏe và môi trường, đồng thời báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền. Hướng dẫn ISO 26000 cung cấp ý kiến tư vấn cho các doanh nghiệp về cách họ nên làm để ngăn ngừa ô nhiễm, sử dụng tài nguyên bền vững, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ và phục hồi môi trường. Riêng Hướng dẫn UNGP thì không có quy định cụ thể về cách thức giải quyết các vấn đề môi trường. 

Các vấn đề kinh tế và kinh doanh: chủ đề này bao gồm một số vấn đề khác nhau trong các lĩnh vực kinh tế và kinh doanh. Liên quan đến chủ đề này, các Hướng dẫn của OECD, ISO 26000 và UNGC đều đề cập đến vấn đề chống tham nhũng, bao gồm cuộc chiến chống đòi và nhận hối lộ. Cả ba Hướng dẫn đều tham khảo Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) năm 2005 cho việc xây dựng các tiêu chuẩn về vấn đề này.

Tuy nhiên, Hướng dẫn của OECD và ISO 26000 đề cập đến vấn đề chống tham nhũng rộng rãi hơn UNGC, cụ thể là đề cập đến hành vi đạo đức, đánh giá rủi ro, tuân thủ luật pháp và các quy định, các biện pháp phòng ngừa, các khoản “bôi trơn”, đào tạo và nâng cao nhận thức cho nhân viên về việc loại bỏ hối lộ, cung cấp kiểm soát và giám sát liên tục của nhân viên và tiền lương của họ; trách nhiệm liêm chính trong chính trị, tuân thủ pháp luật về thuế, minh bạch thông tin, quản trị tổ chức để thực hiện CSR, sự tham gia và cam kết của các đối tác kinh doanh đối với các quy tắc của CSR.

Vấn đề người tiêu dùng: cả Hướng dẫn của OECD và ISO 26000 đều dựa trên các Hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về Bảo vệ Người tiêu dùng năm 1999 cũng như Khuyến nghị của OECD về Giải quyết và Khắc phục Tranh chấp Người tiêu dùng năm 2007, trong đó đề cập đến hoạt động tiếp thị có trách nhiệm, bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng, giải quyết khiếu nại và tranh chấp cũng như bảo đảm quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu của người tiêu dùng. ISO 26000 chi tiết hơn Hướng dẫn của OECD khi đề cập đến cả những cách thức giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến người tiêu dùng.

Một điểm tương đồng khác nữa là cả Hướng dẫn của OECD và ISO 26000 đều tập trung vào những người tiêu dùng dễ bị tổn thương và thiệt thòi. Tuy  nhiên, Hướng dẫn của OECD chỉ tính đến người tiêu dùng trong thương mại điện tử, trong khi ISO 26000 quy định rằng doanh nghiệp nên tính đến các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là khi xem xét thiết kế sản phẩm và dịch vụ có khả năng ứng dụng phổ biến. Ngoài ra, ISO 26000 còn đề cập đến tiêu dùng bền vững, nghĩa là tiêu dùng sản phẩm và tài nguyên ở mức độ phù hợp với sự phát triển bền vững. ISO 26000 cũng đề cập đến việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, bao gồm các dịch vụ tiện ích như điện, ga, nước, dịch vụ xử lý nước thải, thoát nước thải và viễn thông. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, ISO 26000 đề cập đến vấn đề giáo dục và nâng cao nhận thức, bao gồm các sáng kiến về giáo dục và thông tin cho người tiêu dùng để cung cấp cho họ đầy đủ thông tin về quyền và trách nhiệm của họ để có thể đưa ra các quyết định sáng suốt. Trong ISO 26000, vấn đề phúc lợi động vật cũng được đề cập, nằm trong các vấn đề về môi trường và người tiêu dùng. Hướng dẫn UNGP và UNGC không đề cập trực tiếp đến các vấn đề của người tiêu dùng.

Phát triển cộng đồng: cả Hướng dẫn của OECD và ISO 26000 đều đề cập đến chủ đề này. ISO 26000 có một nội dung cụ thể đến vấn đề tham gia và phát triển cộng đồng, trong đó đề cập đến việc làm thế nào để các doanh nghiệp thể hiện cam kết một cách chủ động và tham gia vào cộng đồng, qua đó đóng góp cho sự phát triển. Cả hai Hướng dẫn đều bao gồm các vấn đề phụ về tạo việc làm và phát triển kỹ năng trong cộng đồng. Trong khi ISO 26000 có những hướng dẫn đặc biệt về vấn đề này, Hướng dẫn của OECD kết hợp vấn đề khoa học và công nghệ, bao gồm cả đóng góp của doanh nghiệp, vào việc phát triển năng lực đổi mới trong cộng đồng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. ISO 26000 cũng bao gồm một vấn đề tương ứng về phát triển và tiếp cận công nghệ trong sự kết nối với các vấn đề như tạo ra của cải và thu nhập, bảo vệ sức khỏe và đầu tư vào cộng đồng. Chủ đề phát triển cộng đồng không có trong UNGC và UNGP.

Kết luận

Các tiêu chuẩn trong bốn Hướng dẫn quốc tế về CSR chỉ mang tính chất tự nguyện, tuy nhiên, chúng phản ánh những kỳ vọng chung của cộng đồng quốc tế đối với hoạt động kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu. Ngày nay, trong nền kinh tế toàn cầu hoá, ý thức của nhân loại về các nguy cơ đối với môi trường sống và về các vấn đề xã hội trong hoạt động kinh doanh ngày càng cao thì yêu cầu về CSR cũng ngày càng tăng lên16. Những tiêu chuẩn quốc tế về CSR hiện mang giá trị về mặt luân lý và xã hội, là nguồn cảm hứng và cơ sở để thiết lập một khuôn khổ tổng thể về kinh doanh có trách nhiệm xã hội đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt ngành và vị trí địa lý. Hiện tại, tất cả các doanh nghiệp đa quốc gia đều đã tự nguyện tuân thủ các tiêu chuẩn về CSR trong các Hướng dẫn quốc tế đã nêu, và ngày càng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các quốc gia tự nguyện tuân thủ các tiêu chuẩn đó. Chứng chỉ tuân thủ một số Hướng dẫn đã trở thành một tài liệu không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong thương mại quốc tế.

Đi xa hơn trong vấn đề này, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã coi thực hành kinh doanh có trách nhiệm (một bước tiến trong việc thể chế hoá CSR) là một vấn đề quan trọng trong hoạt động của mình trên toàn thế giới. Thể hiện cụ thể là Liên hợp quốc đang hỗ trợ các quốc gia thực hiện một trong bốn Hướng dẫn quốc tế vể CSR đã đề cập ở trên, cụ thể là UNGP, thông qua việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về việc thực hiện UNGP. Kế hoạch hành động quốc gia được Liên hợp quốc xem là một chính sách chiến lược để tăng cường thực hành kinh doanh có trách nhiệm ở các quốc gia phù hợp với UNGP.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tuy không phải là một thực tế mới, nhưng là một thuật ngữ, phạm trù tương đối mới ở Việt Nam. Ở Việt Nam, việc thực hiện CSR từ trước đến nay thường được xem là hành động của doanh nghiệp góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, vì thế chủ yếu nhằm mục đích từ thiện và nhân đạo. Trong khi đó, như đã phân tích trong bài viết này, CSR theo quan điểm chung của cộng đồng quốc tế hiện nay được hiểu là cách thức mà một doanh nghiệp đạt được sự cân bằng hoặc kết hợp những yêu cầu về kinh tế, môi trường và xã hội, đồng thời đáp ứng những kỳ vọng của các cổ đông và các bên đối tác, trong đó có kỳ vọng về sự liêm chính trong hoạt động kinh doanh. Nói cách khác, theo cách hiểu hiện đại, CSR không dừng lại ở các vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà bao gồm tất cả những cách thức mà doanh nghiệp tương tác với cổ đông, người lao động, khách hàng, nhà cung cấp, chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế và với cộng đồng nói chung17. Như vậy, quan niệm về CSR theo nghĩa hiện đại rộng hơn nhiều so với cách hiểu truyền thống ở Việt Nam.

Do CSR hiện đã trở thành những tiêu chuẩn toàn cầu, việc thúc đẩy CSR là rất cần thiết và cấp bách để Việt Nam có thể hội nhập quốc tế thành công và trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định. Để thúc đẩy CSR, đầu tiên cần tăng cường phổ biến, giáo dục về vấn đề này trong các doanh nghiệp và trong xã hội, bởi lẽ đây vẫn còn là vấn đề tương đối mới ở Việt Nam. Tiếp theo đó, cần tìm cách mở rộng và thể chế hoá tiêu chuẩn trong các Hướng dẫn quốc tế về CSR, trước mắt là vào các bộ quy tắc đạo đức, các bộ tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ... của hệ thống các doanh nghiệp, sau đó là vào một số văn bản pháp luật của Nhà nước điều chỉnh một số hoạt động kinh doanh. Bằng cách đó, dần dần có thể xây dựng thói quen và văn hoá  “thực hành kinh doanh có trách nhiệm” (RBP) mà đang được Liên hợp quốc cổ vũ và đang trở thành một trong các quan tâm hàng đầu cả ở tầm quốc tế, khu vực cũng như ở nhiều quốc gia.

ThS. Nguyễn Mạnh Tuân

rường Đại học Hải Dương, NCS. Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 4/2023

-----

Tài liệu trích dẫn

* Bài viết này là một phần kết quả của luận án tiến sĩ có tiêu đề “Bảo đảm quyền con người trong hoạt động kinh doanh ở Việt Nam” do tác giả thực hiện tại Trường Đại học Luật, ĐHQG Hà Nội.

Ghi chú: “Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số 505.01-2021.07” và có sự tham gia đồng nghiên cứu của PGS,TS Vũ Công Giao, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Email: giaovnu@gmail.com

(1) Davis, K. (1973), The Case for and against Business Assumption of Social Responsibilities. Academy of Management Journal, 16, 312-323.

(2) Carroll, A. B. (1999). Corporate Social Responsibility: Evolution of a Definitional Construct. Business & Society, 38(3), 268–295.

(3) Moon, J., & Matten, D. (2004). Corporate Social Responsibility Education Europe. Journal of Business Ethics, 54, 323-337.

(4) Emmanuel Akanpaadgi (2023), Corporate Social Responsibility and Business Practices, Journal of Human Resource and Sustainability Studies, Vol.11 No.1, March 14, 2023.

(5) Xem các tài liệu liên quan tại https://mneguidelines.oecd.org/mneguidelines/

(6) OECD (2021), Xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu có khả năng phục hồi và bền vững hơn thông qua hành vi kinh doanh có trách nhiệm, https://mneguidelines.oecd.org/rbc-and-trade.htm

(7) ISO 26000, Guidance on Social Responsibility, https://www.iso.org/iso-26000-social-responsibility.html

(8) ISO 26000, Social responsibility:7 core subjects, https://www.iso.org/files/live/sites/isoorg/files/store/en/PUB100259.pdf

(9) ISO 26000,  Social responsibility - Discovering ISO 26000, https://www.iso.org/files/live/sites/isoorg/files/store/en/PUB100258.pdf

(10) https://unglobalcompact.org/

(11) United Nations, The UN Global Compact: Finding Solutions to Global Challenges, https://www.un.org/en/un-chronicle/un-global-compact-finding-solutions-global-challenges

(12) United Nations Global Compact, The Ten Principles of the UN Global Compact, https://unglobalcompact.org/what-is-gc/mission/principles.

(13) https://www.ohchr.org/sites/default/files/documents/publications/guidingprinciplesbusinesshr_en.pdf

(14) OHCHR, Guiding Principles on Business and Human Rights: Implementing the United Nations 'Protect, Respect and Remedy' Framework, https://www.ohchr.org/sites/default/files/documents/publications/guidingprinciplesbusinesshr_en.pdf

(15) Mục này tham khảo từ: A comparison of 4 international guidelines for CSR (OECD Guidelines for Multinational Enterprises ISO 26000 Guidance on Social Responsibility, UN Global Compact, UN Guiding Principles on Business and Human Rights) Prepared by Marie Gradert and Peter Engel, Danish Standards for Danish Business Authority, January 2015. ISBN nr 978-87-90774-62-2

(16) Phạm Xuân Thành, Trần Việt Hùng …, Đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, Tạp chí Tài chính online: https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/dao-duc-kinh-doanh-va-trach-nhiem-xa-hoi-cua-doanh-nghiep-trong-nen-kinh-te-thi-truong-315658.html.

(17) Hoàng Ngọc Hải, Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Tạp chí Tài chính online: https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/trach-nhiem-xa-hoi-cua-doanh-nghiep-viet-nam-trong-boi-canh-hoi-nhap-quoc-te-310809.html (ngày đăng: 05/8/2019, truy cập lần cuối: 22/7/2021).