Giáo dục quyền con người là một trong những nội dung quan trọng của giáo dục toàn diện, đặc biệt là đối với trẻ em và là việc cần phải tiến hành một cách hệ thống, nghiêm túc từ lứa tuổi mầm non, bởi lẽ, giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi, là cấp học nền tảng đặt nền móng ban đầu cho quá trình hình thành và phát triển nhận thức về con người, về thế giới xung quanh và hình thành các phẩm chất nhân cách của con người.

c) Đề xuất các biện pháp giáo dục Quyền con người trong cơ sở giáo dục mầm non

- Nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em

Tại Điều 5, Luật Trẻ em 2016, Luật số 102/2016/QH13 đã nêu rõ: 05 nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em bao gồm:

1. Bảo đảm để trẻ em thực hiện được đầy đủ quyền và bổn phận của mình.

2. Không phân biệt đối xử với trẻ em.

3. Bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em.

4. Tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.

5. Khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của trẻ em và của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo đảm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, ngành và địa phương.

- Cơ sở lựa chọn nội dung chương trình giáo dục Quyền con người trong giáo dục mầm non

Căn cứ Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ[1], nội dung chương trình giáo dục Quyền con người trong giáo dục mầm non được xác định bao gồm:

a) Đối với cán bộ quản lý giáo dục mầm non, giáo viên mầm non và nhân viên

- Các nguyên tắc của quyền con người, đặc biệt là quyền trẻ em trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam (bình đẳng, không phân biệt đối xử, tôn trọng nhân phẩm, sự khoan dung v.v...);

- Các quyền con người cơ bản;

- Trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể (đặc biệt là các chủ thể nhà nước, tổ chức, cá nhân trong ngành giáo dục) trong việc xây dựng một môi trường giáo dục có sự tôn trọng, bảo vệ quyền con người.

b) Đối với trẻ em mẫu giáo

Những yếu tố cơ bản về quyền, bổn phận của bản thân và của người khác

- Đề xuất các biện pháp giáo dục Quyền con người trong cơ sở giáo dục mầm non

a) Biện pháp 1: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục quyền con người cho đội ngũ giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non

Các cơ sở GDMN cần tập trung vào các công việc quan trọng sau đây:

- Hội đồng trường thành lập nhóm biên soạn, xuất bản các tài liệu tham khảo và phổ biến thông tin liên quan đến QCN dành cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của trường và các lực lượng giáo dục ngoài trường có mối liên hệ phối hợp trong công tác nuôi dưỡng - chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non;

- Nhà trường tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo, báo cáo chuyên đề theo các chủ đề cơ bản về QCN, đặc biệt nhấn mạnh quyền trẻ em để các lực lượng giáo dục trẻ có nhận thức đúng đắn - đầy đủ - hiểu sâu sắc về QCN nói chung và quyền trẻ em nói riêng;

- Thực hiện thường xuyên, liên tục các hoạt động truyền thông, tuyên truyền và quảng bá liên quan đến chủ đề QCN, giáo dục QCN tại cơ sở GDMN. Công khai các nội dung QCN và giáo dục QCN cho trẻ mầm non tại cơ sở thông qua cổng thông tin điện tử của trường mầm non và hướng dẫn sử dụng trong toàn cơ sở.

- Hướng dẫn giáo viên, nhân viên thiết kế bảng tuyên truyền ở các khu vực sân trường/trước cửa các nhóm/lớp mầm non để tuyên truyền, phổ biến QCN và nội dung giáo dục QCN cho trẻ mầm non để tất cả mọi người cùng hiểu và nghiêm túc thực hiện các nội dung đảm bảo QCN trong cơ sở GDMN.

- Tổ chức các hội thi liên quan đến tìm hiểu kiến thức pháp luật về QCN, quyền trẻ em cho đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên của trường.

- Tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi với gia đình trẻ về QCN và giáo dục QCN cho trẻ nhằm tạo mối liên hệ phối hợp giữa nhà trường - gia đình - cộng đồng trong việc giáo dục QCN cho trẻ mầm non.

- Tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên mầm non kiến thức và kỹ năng tổ chức hoạt động giáo dục QCN cho trẻ mầm non theo chủ đề và điều kiện thực tiễn của nhà trường/của nhóm lớp. Tạo sự thống nhất về chuyên môn, đồng bộ các tác động sư phạm đến trẻ mầm non trong quá trình giáo dục QCN cho trẻ.

b) Biện pháp 2: Lựa chọn nội dung quyền con người đưa vào chương trình giáo dục của trường mầm non

Mỗi quốc gia đều thể chế hóa các quy định về quyền con người trong Công ước về quyền trẻ em đưa vào giáo dục trẻ em. Trẻ em cũng là một con người, là công dân của một quốc gia nên có đầy đủ các quyền cơ bản của con người, nhưng“là còn non nớt về thể chất và trí tuệ, cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý, trước cũng như sau khi ra đời”. Quyền trẻ em theo Công ước có thể phân thành bốn nhóm quyền sau đây: Quyền sống còn; quyền được phát triển; quyền được bảo vệ và quyền được tham gia. Cộng đồng quốc tế đã thừa nhận các quyền trẻ em và yêu cầu các quốc gia phải bảo đảm quyền của trẻ em như là quyền của con người chưa phát triển về thể lực, trí tuệ và kêu gọi toàn thể nhân loại hãy bảo đảm cho tất cả trẻ em một tương lai tốt đẹp hơn.

Tại Việt Nam, Luật Trẻ em hiện hành đã quy định cụ thể 25 quyền trẻ em cần được tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy (trích Mục 1, Chương II của Luật Trẻ em 2016). Tuy nhiên, căn cứ vào khả năng nhận thức, nhu cầu và hứng thú của trẻ, nhà giáo dục cần lựa chọn và trang bị cho trẻ em hiểu được các quyền cơ bản của mình dưới hình thức phù hợp. Muốn vậy, cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, nhân viên, gia đình và cộng đồng phải được hướng dẫn cách lựa chọn nội dung và tổ chức các hoạt động vui chơi, sinh hoạt tập thể và trải nghiệm đa dạng, phong phú để trẻ mầm non hiểu, tôn trọng, bảo vệ các quyền cơ bản của bản thân và tôn trọng quyền của người khác.

Việc lựa chọn nội dung giáo dục quyền trẻ em đưa vào chương trình GDMN cần đảm bảo tính cơ bản, phù hợp với đặc điểm phát triển về nhận thức và điều kiện phát triển thể chất của trẻ. Các kiến thức, kỹ năng, thái độ cần giáo dục để trẻ hiểu về quyền trẻ em cần được thực hiện tích hợp trong các chủ đề giáo dục hoặc giáo dục theo chủ đề cụ thể về Quyền Trẻ em. Bên cạnh đó, do đặc thù GDMN, các nội dung giáo dục quyền trẻ em nên được tích hợp linh hoạt vào quá trình tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ trên cả 5 lĩnh vực phát triển để đảm bảo sự phát triển toàn diện theo mục tiêu GDMN.

Một số gợi ý các nội dung giáo dục QCN được cụ thể trong quyền trẻ em theo luật định có thể lựa chọn đưa vào chương trình của trường mầm non đảm bảo thực hiện bốn nhóm quyền cơ bản:

(1) Quyền sống còn của trẻ em: Quyền sống còn của trẻ em bao gồm các quyền được sinh ra và phát triển bình thường cả về thể chất lẫn tinh thần. Gia đình, Nhà nước và xã hội có nghĩa vụ làm tất cả những gì tốt nhất bảo đảm cho trẻ em được sống, có nơi ở, ăn uống đủ chất, được chăm sóc sức khỏe và giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp,…

(2) Quyền được bảo vệ: Trẻ em do còn non nớt về thể chất và trí tuệ, cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau khi ra đời. Quyền được bảo vệ của trẻ em bao gồm quyền được gia đình, nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự; bảo vệ trẻ em khỏi sự phân biệt, đối xử vô nhân đạo, bóc lột lao động, xâm hại tình dục, lạm dụng ma túy, bị bỏ rơi, bị bắt cóc và buôn bán. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

(3) Quyền được phát triển: Quyền được phát triển của trẻ em bao gồm quyền được hưởng những điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện: quyền có cuộc sống đầy đủ, quyền được học tập, nghỉ ngơi, giải trí, được bảo vệ, chống lại sự bóc lột và lạm dụng, quyền được tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật,...

(4) Quyền được tham gia: Quyền được tham gia của trẻ em bao gồm quyền được tự do bày tỏ quan điểm, ý kiến hoặc những vấn đề mà trẻ em quan tâm và được mọi người lắng nghe, tôn trọng. Người có trách nhiệm cần quan tâm tới nguyện vọng của trẻ em, xem xét các ý kiến của trẻ em, khi cần thiết trẻ em phải được giáo dục, chỉ bảo, uốn nắn.

c) Biện pháp 3: Xây dựng môi trường giáo dục QCN cho trẻ mẫu giáo

 Môi trường giáo dục QCN là nơi diễn ra các hoạt động giáo dục được giáo viên thiết kế, tổ chức và sử dụng dưới mục đích giáo dục phát triển toàn diện cho trẻ, trong đó có tích hợp nội dung giáo dục QCN cho trẻ. Môi trường giáo dục QCN ở trường mầm non bao gồm tổ hợp các điều kiện về vật chất và tâm lí xã hội cần thiết trong đó hoạt động giáo dục QCN diễn ra, trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc - giáo dục trẻ, đây là yếu tố quan trọng để góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục nói chung và mục tiêu giáo dục QCN cho trẻ mẫu giáo nói riêng.

Môi trường giáo dục được ví như người giáo viên thứ hai của trẻ. Thiết kế môi trường giáo dục QCN tích hợp với các nội dung giáo dục khác một cách khoa học, phù hợp với nhu cầu và khả năng tham gia hoạt động của trẻ, phù hợp với thực tiễn của nhà trường và địa phương, tạo ra nhiều cơ hội cho trẻ được trải nghiệm và khám phá sẽ góp phần tạo nên hiệu quả của các tác động giáo dục đến việc hình thành và củng cố các hiểu biết về những yếu tố cơ bản về quyền, bổn phận của bản thân và của người khác trong môi trường GDMN. Để thực hiện được biện pháp này, nhà giáo dục cần tập trung vào những nội dung sau đây:

-Xác định và phân chia các khu vực cho trẻ hoạt động trong và ngoài lớp có tích hợp nội dung giáo dục QCN dưới hình thức phương tiện trực quan. Tạo nét đặc trưng, ấn tượng đặc biệt về từng khu vực hoạt động để thu hút trẻ tham gia. Xác định và lựa chọn các nội dung hoạt động trải nghiệm phù hợp cho từng khu vực theo mục đích giáo dục QCN cho trẻ.

- Bố trí hợp lí các khu vực hoạt động (trong lớp, ngoài lớp) và tạo không gian cho trẻ trải nghiệm trong không gian trực quan về các quyền cơ bản của con người, quyền trẻ em. Hằng ngày, trẻ đến lớp sẽ quan sát thấy các nội dung trang trí theo nội dung giáo dục QCN ở các mảng tường trong lớp, trẻ sẽ tham gia các góc chơi như góc phân vai, góc xây dựng, góc học tập,... Bên cạnh đó, những khu vực để trẻ sinh hoạt tập thể ngoài giờ học, giờ chơi cũng là không gian mà giáo viên cần phải đầu tư suy nghĩ, tính toán, cân nhắc bố trí sao cho hợp lí, thu hút và phù hợp với mục tiêu giáo dục QCN của mình. Giáo viên nên đặc biệt lưu ý tận dụng và khai thác không gian sinh hoạt tập thể của trẻ, tận dụng các cơ hội GD hành vi ứng xử phù hợp cho trẻ khi trẻ vui chơi, hoạt động tự phục vụ và các hoạt động sinh hoạt khác theo chế độ sinh hoạt hàng ngày. Khu vực cho trẻ ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh, giáo viên có thể cùng trẻ thiết kế các hình ảnh và kí hiệu trực quan với mục đích giáo dục QCN cho trẻ mọi lúc mọi nơi.

- Xây dựng môi trường tâm lí xã hội tích cực chứa đựng nội dung giáo dục QCN và đảm bảo QCN trong tổ chức hoạt động nuôi dưỡng - chăm sóc và giáo dục trẻ: Môi trường tâm lí xã hội trong trường mầm non là môi trường được xây dựng trên nền tảng bầu không khí sư phạm trong trường, mối quan hệ tác động qua lại giữa nhà giáo dục với trẻ, giữa những người lớn với nhau và giữa trẻ với bạn. Sự phát triển của trẻ được quyết định bởi tập hợp rất nhiều yếu tố trong đó có yếu tố môi trường tâm lí xã hội. Việc tạo dựng môi trường tâm lí xã hội tích cực cho trẻ là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy hiệu quả giáo dục QCN vì nó đáp ứng và thoả mãn các nhu cầu và các quyền cơ bản của trẻ theo quy định của pháp luật. Nhà giáo dục cần tập trung vào những nội dung sau đây:

+ Xây dựng nội quy, quy định về hành vi ứng xử giữa trẻ với nhà giáo dục, nhân viên trong trường, khách đến trường và giữa các trẻ với nhau trên cơ sở kết quả thảo luận, trò chuyện và thống nhất giữa cô và trẻ.

+ Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp thân thiện, tích cực giữa các nhà giáo dục với trẻ, giữa các trẻ với nhau, giữa các lực lượng giáo dục trong và ngoài trường mầm non.

+ Xây dựng cho trẻ những mẫu hành vi ứng xử chuẩn mực, tích cực để hình thành khung và ranh giới hành vi trong ứng xử giữa người với người.

3. Kết luận

Giáo dục QCN trong trường học nói chung và giáo dục QCN trong trường mầm non nói riêng là một vấn đề rất quan trọng, cấp thiết và cần thiết giúp nhà giáo dục, người học/trẻ và các lực lượng giáo dục nhận thức được đầy đủ, sâu sắc về các quyền tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Từ đó chuyển biến về hành động, thúc đẩy sự tôn trọng, ngăn chặn các hành vi vi phạm, lạm dụng QCN. Trong GDMN, vấn đề giáo dục QCN càng phải được đặc biệt quan tâm và triển khai rộng rãi cho tất cả lực lượng tham gia vào quá trình nuôi dưỡng - chăm sóc - giáo dục trẻ và cả bản thân trẻ. Nội dung chương trình giáo dục QCN trong GDMN đã xác định rõ mục tiêu đối với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên mầm non đó là “Nâng cao nhận thức, hiểu biết về các nguyên tắc, chuẩn mực quyền con người để từ đó thúc đẩy việc tôn trọng và thực hiện quyền con người, góp phần tạo ra môi trường giáo dục hướng tới sự phát triển toàn diện của con người trong hệ thống giáo dục quốc dân”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ sở GDMN xác định các nội dung và biện pháp giáo dục QCN trong nhà trường mầm non, góp phần mục tiêu giáo dục QCN trong GDMN hiện nay.

TS. Lê Thị Kim Anh

Trường Đại học Đồng Tháp


[1] Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5/9/2017 về việc phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, 2017