Đối với thanh niên, KNST là nhu cầu đồng thời là một quyền được phát triển về kinh tế, khoa học - công nghệ, kinh doanh,... nhằm thực hiện, cải thiện sinh kế, khẳng định bản thân và sâu xa là nhằm thỏa mãn nhu cầu sáng tạo ở họ. 
1. Về quyền khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên
Thuật ngữ khởi nghiệp (startup) được nhắc đến với tần suất tăng dần trong vài năm gần đây để mô tả các dự án mạo hiểm của giới trẻ có ứng dụng phần mềm công nghệ mới hoặc để chỉ các công ty đổi mới sáng tạo trong ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Khởi nghiệp ngày càng đóng vai trò không thể thiếu trong xã hội, bởi các doanh nghiệp này đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân, tạo công ăn việc làm và sản phẩm, dịch vụ mới trong nền kinh tế số nhằm cải thiện đời sống cho nhiều người. 
Khởi nghiệp, theo quan niệm phổ biến là giai đoạn sớm nhất trong vòng đời của mỗi doanh nghiệp, khi người sáng lập ra doanh nghiệp hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh để tạo ra một sản phẩm hay một giá trị tốt hơn hoặc chưa có trên thị trường bằng các giải pháp khoa học - công nghệ có tính sáng tạo. Từ đó đem lại sự tăng trưởng đến mức lớn nhất, đồng thời tạo nên ảnh hưởng to lớn đối với cộng đồng và xã hội. Khởi nghiệp khác với lập nghiệp: khởi nghiệp phải dựa trên một công nghệ mới hoặc tạo ra một hình thức kinh doanh mới, xây dựng một phân khúc thị trường mới (nghĩa là phải tạo ra sự khác biệt không chỉ ở trong nước mà với tất cả doanh nghiệp trên thế giới).
Như vậy, một đặc trưng của khởi nghiệp so với lập nghiệp là ở sự sáng tạo có tính khác biệt so với mặt bằng kinh doanh chung và dám chấp nhận mạo hiểm, rủi ro. Đây đều là những thuộc tính có tính đặc trưng của thanh niên. Bởi lẽ lứa tuổi trẻ có sức khỏe, nhiệt huyết, đam mê, dám mạo hiểm sáng tạo và có thời gian, không gian rộng mở cho nhu cầu sáng tạo. Họ có đủ sự nhanh nhạy, khả năng nắm bắt những kiến thức và công nghệ mới cho việc hình thành, xây dựng và hiện thực hóa một ý tưởng kinh doanh dù có tính mạo hiểm, rủi ro đến đâu với lòng can đảm không sợ thất bại và khát khao khẳng định bản thân hơn những người đi trước.  
Đặc điểm quyền KNST của thanh niên là ý tưởng kinh doanh có tính mới rất rõ so với khởi nghiệp của các lứa tuổi khác. Đối với họ, khởi nghiệp không chỉ đơn thuần là để kiếm sống, mà sâu xa là khẳng định bản thân thông qua các hình thức kinh doanh sáng tạo, mới mẻ, mạo hiểm, như: nhỏ lẻ nhằm nuôi sống  bản thân, gia đình (Small Bussiness StartUp); có khả năng thúc đẩy tăng trưởng cao (Scaleable StartUp); hướng đến chuyển nhượng ý tưởng hay công  việc khởi đầu cho người khác, doanh nghiệp khác để mình sáng tạo công việc mới khác (Buyable StartUp); tạo nên phong cách sống (Lifestyle StartUp) và hướng  đến giá trị xã hội (Social StartUps). Thực tế cũng cho thấy, mô hình kinh doanh của những người trẻ tuổi có tính sáng tạo, có khả năng mở rộng và có tốc độ tăng trưởng cao song cũng có tính rủi ro, không chắc chắn và thường vấp nhiều khó khăn, thậm chí thất bại khi khởi nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia TECHFEST VIỆT NAM 2021. Nguồn: vnu.edu.vn.


2. Cơ sở pháp lý và thực tiễn bảo đảm quyền khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên
2.1. Cơ sở pháp lý nhằm thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp sáng tạo
Liên hợp quốc đã xây dựng Chương trình hành động toàn cầu cho thanh niên năm 1995 và căn cứ vào đó, quốc gia, khu vực đã ký kết các văn bản quốc tế tập trung vào vấn đề quyền con người của thanh niên như: Hiến chương Thanh niên châu Phi (African Youth Charter) và Công ước về quyền thanh niên tại khu vực nói tiếng Tây Ban Nha (Ibroamerican Convention on Rights of Youth), Nghị quyết số 2250 năm 2015 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc,...1. Các văn kiện quốc tế này kêu gọi các quốc gia thành viên tăng cường đại diện cho giới trẻ trong việc ra quyết định ở mọi cấp, nhằm thúc đẩy bảo đảm quyền con người của thanh niên, trong đó có quyền KNST của thanh niên,  trên bình diện quốc tế.
Tại Việt Nam, từ năm 2014, Điều 7 Luật Doanh nghiệp khi quy định về quyền tự do kinh doanh, khởi nghiệp, đã đề cập đến quyền khởi nghiệp của thanh niên. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (năm 2017), Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và các văn bản hướng dẫn liên quan về việc đăng ký, thành lập, hoạt động, ưu đãi thuế của quỹ đầu tư cho KNST quy định về các hoạt động hỗ trợ từ phía Nhà nước cho doanh nghiệp KNST, nhất là của thanh niên. Trong Luật Thanh niên (năm 2020), “Điều 18: Chính sách về khởi nghiệp” quy định: “1. Giáo dục, đào tạo kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên. 2. Cung cấp thông tin về thị trường; hỗ trợ pháp lý, khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, phát triển nguồn nhân lực; ưu đãi vay vốn từ các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. 3. Khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng khoa học và công nghệ. 4. Ưu đãi, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; khuyến khích thành lập quỹ khởi nghiệp cho thanh niên theo quy định của pháp luật.”2
Để thúc đẩy quyền KNST của thanh niên, Nghị quyết liên tịch số 01/NQLT-CP-BCHTWĐ ngày 29/12/2017 của Chính phủ, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ban hành Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 – 2022, trong đó quy định một số hình thức cụ thể về hỗ trợ thanh niên KNST. Một số quyết định của Thủ tướng Chính phủ như: Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp”; Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”; Nghị định số 38/2018/ NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để  KNST,…. 
Đặc biệt, Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844)- ISEV được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 đánh dấu động thái cụ thể của Chính phủ về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đề án 844 đã đóng góp tích cực trong việc đề xuất, phối hợp với các cơ quan chức năng hình thành những hành lang pháp lý đặc thù đầu tiên cho hoạt động KNST, hoạt động đầu tư và hỗ trợ cho KNST nói chung và của thanh niên nói riêng. Đến nay, Văn phòng Đề án 844 đã tuyển chọn và hướng dẫn các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp như Đại học Quốc gia Hà Nội; Vietnam Silicon Valley Accelerator; Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK-Holdings), Công ty cổ phần phát triển UP (UP); Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), v.v.. thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án, đem lại những kết quả về đào tạo, liên kết, truyền thông phục vụ có hiệu quả cho hệ sinh thái.3
Ngoài ra, Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia www.startup.gov.vn đã xây dựng được cơ sở dữ liệu khá lớn về nhiều nội dung phục vụ KNST. Hàng năm, sự kiện “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức đã thu hút được hàng trăm chuyên gia và nhà đầu tư (với hơn 40% là người nước ngoài); tổng giá trị kết nối đầu tư từ sự kiện qua các năm lên đến cả chục triệu đô la Mỹ; số lượng startup tham dự tăng đáng kể (năm 2018 có tới 600 startup tham dự các chương trình).4
2.2. Kết quả thực hiện quyền khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên
Hoạt động KNST ở Việt Nam được mở đầu từ năm 2004-2005, với việc hình thành một số doanh nghiệp KNST trong lĩnh vực thương mại điện tử, dạy học trực tuyến. Từ “Phong trào quốc gia khởi nghiệp” được Thủ tướng Chính phủ phát động năm 2017, các hình thức, cấp độ KNST của thanh niên đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, rõ nét, trước hết từ tư duy. Trong những năm qua, các doanh nhân trẻ đã tổ chức nhiều hội thảo định hướng khởi nghiệp với chủ đề, như: “Thanh niên - Khởi nghiệp thời kỳ hội nhập”; tổ chức các diễn đàn “thúc đẩy khởi nghiệp cho thanh niên đô thị”; tổ chức cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp”… Nhiều tỉnh đoàn, thành đoàn đã tham mưu chính cho UBND tỉnh, thành phố về hỗ trợ thanh niên KNST và đã phối hợp với các đơn vị như Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) của các khu vực cùng tổ chức cuộc thi khởi nghiệp “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” tại nhiều địa phương; Tổ chức các diễn đàn, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm như Diễn đàn “Thắp lửa khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn”,... Đồng thời, thường xuyên diễn ra sự phối hợp giữa đài phát thanh, truyền hình nhiều địa phương, Báo Tiền phong,… thông tin về các hoạt động và mô hình KNST trong thanh niên để kịp thời nhân rộng.  
Đặc biệt, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, từ năm 2015, “Techfest Việt Nam” quốc gia được tổ chức vào cuối năm để tổng kết, đánh giá, báo cáo lãnh đạo Chính phủ về các hoạt động KNST trong cả nước diễn ra trong năm và để được định hướng phát triển trong các năm tiếp theo. “Techfest Việt Nam” lần thứ 7 (năm 2021) cho thấy, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng nguồn tài chính đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam lại tăng cao chưa từng thấy. Trong năm 2021 hơn 1,3 tỷ USD đã được ghi nhận đầu tư cho các doanh nghiệp KNST Việt Nam (cao nhất từ trước tới nay). Trong hệ sinh thái, sự tham gia của các chủ thể ngày càng tích cực và đã có sự tăng trưởng tốt về số lượng. Cụ thể, hiện có khoảng hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 202 khu làm việc chung; 217 quỹ đầu tư/nhà đầu tư; 79 cơ sở ươm tạo; 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh;....5
Ở nước ta, hiện đang từng bước hình thành các mạng lưới liên kết, thúc đẩy dòng chảy của tri thức, của công nghệ trong và ngoài nước. Chẳng hạn “Mạng lưới hỗ trợ và phát triển “Hệ sinh thái KNST” Việt Nam và “Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ” đã được thiết lập.  Trước đây, hệ sinh thái KNST chỉ làm việc kết nối trong hệ sinh thái, giữa người làm khởi nghiệp với nhà đầu tư, nhưng đến nay đã hình thành cách tiếp cận kết nối với doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty để họ “đặt đề bài” cho hệ sinh thái KNST. Cùng với đó, làn sóng đầu tư vào thị trường KNST Việt Nam đang có xu hướng tăng, đặc biệt từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ. Một số mối liên kết ban đầu khác cũng đã hình thành giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế như Singapore, Thái Lan, Malaysia… nhằm hỗ trợ KNST Việt Nam.6
Đến nay, sau khoảng 15 năm hình thành và phát triển, hệ sinh thái KNST quốc gia ngày càng hoàn thiện, với đầy đủ các thành tố quan trọng như: các doanh nghiệp KNST, “nhà đầu tư thiên thần”, quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, vườn ươm, công viên nghiên cứu, mạng lưới các huấn luyện viên/tư vấn, các cơ sở/đơn vị hỗ trợ nghiên cứu và KNST tại các trường đại học, viện nghiên cứu… thuộc cả khối tư nhân và Nhà nước. Hiện nay, theo các chuyên gia của Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia, Việt Nam có 5 cấp độ KNST, bao gồm: hệ thống vườn ươm khởi nghiệp; kinh doanh hộ gia đình - có thể coi là khởi nghiệp xóa đói giảm nghèo; khởi nghiệp thông thường; KNST dựa trên các nền tảng công nghệ và cấp độ 5 là khởi nghiệp thông minh-trí thông minh nhân tạo. 
Theo Báo cáo chỉ số khởi nghiệp Việt Nam (GEM) trong những năm gần đây, sự tự tin về năng lực kinh doanh thường thể hiện rõ ở tuổi trẻ. Tỷ lệ thanh niên (18 - 34 tuổi) nhận thức có khả năng kinh doanh sáng tạo ở mức cao (55%). Theo báo cáo của “Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu”, trong những năm gần đây, chỉ số khởi nghiệp của Việt Nam thường đứng ở tốp đầu trong số các nền kinh tế được tham gia khảo sát. Chẳng hạn kết quả nghiên cứu của AlphaBeta xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 2 về môi trường đầu tư công nghệ và thứ 3 về nhân tài số trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương,…7. 
Từ đó đã xuất hiện những doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển doanh nhân trẻ KNST. Điển hình là những thanh niên Việt Nam trong danh sách những gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất châu Á của Tạp chí Forbes năm 2018. Điển hình là: Phạm Anh Đức - sáng lập và điều hành công ty cổ phần Vicare; Tống Nhật Dương - đồng sáng lập Homage; Lưu Thế Lợi và Trần Huy Vũ (Victor Trần) - đồng sáng lập Kyber Network; Nguyễn Văn Quang Huy - đồng sáng lập và CEO, Holistics. Đến năm 2019, tiếp tục có các bạn trẻ Việt Nam lọt vào danh sách 30 Under 30 của Forbes châu Á:  Lý Khánh Hậu (28 tuổi, được vinh danh ở lĩnh vực Tài chính và Đầu tư mạo hiểm) là nhà đầu tư trẻ nhất tại 500 Startups Vietnam - quỹ đầu tư mạo hiểm có quy mô 14 triệu USD, với mục tiêu đầu tư vào khoảng 80 - 100 startup tiềm năng có hoạt động hoặc xuất xứ từ Việt Nam; Kevin Tùng Nguyễn (29 tuổi, Doanh nghiệp công nghệ) là người đồng sáng lập JobHop - công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng của Việt Nam với mục tiêu đơn giản hóa và cải thiện quá trình tuyển dụng cho các nhà quản lý nhân sự, công ty sử dụng dữ liệu và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để sàng lọc hồ sơ ứng viên trên các trang web nhằm đề xuất những người phù hợp nhất; Lê Tấn Thanh Thịnh (28 tuổi, Truyền thông, Tiếp thị và Quảng cáo) là đồng sáng lập kiêm CEO của BrandBeats - công ty cung cấp dịch vụ tư vấn và triển khai kênh truyền thông qua âm nhạc, v.v..8 
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, theo Thủ tướng Chính phủ, đổi mới sáng tạo đóng vai trò quyết định góp phần tái cơ cấu nền kinh tế đất nước.9 Trong nguy có cơ, trong thách thức có hy vọng, phát triển để kiến tạo tương lai. Thách thức trở thành động lực phát triển mới, đặc biệt là đối với các “làng khởi nghiệp” sáng tạo của thanh niên, từ làng công nghệ tài chính, làng công nghệ giáo dục, làng công nghệ logistics, làng công nghệ tiên phong, làng sinh viên và tuổi trẻ khởi nghiệp,... đến làng sáng chế và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, làng công nghệ an toàn không gian mạng, làng đô thị thông minh và công nghệ.10 
2.3. Hạn chế và nguyên nhân trong khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên.
Những hạn chế thấy rõ ở vốn khởi nghiệp, kỹ thuật chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Việc tiếp cận với kỹ thuật mới chủ yếu là học hỏi qua sách, báo, internet và những người xung quanh mà chưa được hỗ trợ. Sự liên kết, hợp tác giữa các thanh niên với nhau còn gặp vô vàn những khó khăn về vốn, kỹ thuật, quỹ thời gian và công tác quản lý, nhất là khi họ chưa được đào tạo cơ bản về kỹ năng KNST.
Ngoài ra, do thị trường thường không ổn định nên đa số các ý tưởng KNST của thanh niên không có đầu ra ổn định; giá cả sản phẩm còn phụ thuộc nhiều vào thương lái, khó trong việc bán ra do thói quen của người tiêu dùng cần có thời gian để thay đổi. Chưa có sự hỗ trợ đủ từ chính quyền địa phương, nên nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước còn chưa trực tiếp đến được với thanh niên KNST. Cơ chế, chính sách mới được xây dựng đôi khi còn gây khó khăn cho hoạt động KNST, nhất là của thanh niên. 
Hiện còn hạn chế trong việc Nhà nước tham gia đầu tư cho KNST, kể cả thông qua hình thức hợp tác với một quỹ tư nhân, mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai Nghị định 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa KNST, trong đó có quy định việc “sử dụng ngân sách địa phương đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo”. Nguyên nhân ở chỗ: một đặc điểm KNST của thanh niên là chỉ một tỷ lệ nhỏ các dự án thành công, phần lớn bị thất bại mà theo quy định hiện hành, cơ quan nào quản lý các dự án thất bại sẽ bị coi là vi phạm luật ngân sách nhà nước. 
 Đồng thời hiện vẫn còn quan niệm cho rằng, Nhà nước chỉ đóng vai trò dẫn dắt, hoạt động hỗ trợ đầu tiên (ví dụ trợ giúp đào tạo về năng lực) chứ không hỗ trợ trực tiếp. Đây là trở ngại, thách thức mà hệ quả là các công ty khởi nghiệp Việt Nam sẽ không nhận được sự hỗ trợ tài chính mà họ rất cần từ Nhà nước, đặc biệt ở giai đoạn đầu của khởi nghiệp. Trong khi đó, tại các quốc gia Đông Nam Á, chẳng hạn Chính phủ Singapore cung cấp nhiều khoản tài trợ, thậm chí lên đến 70% chi phí của một công ty. Ví dụ: Quỹ ACE Startups Scheme, cung cấp 70% vốn đầu tư (tối đa là 50.000 đô la Singapore - SGD, khoảng 850 triệu đồng) cho người mang quốc tịch Singapore hay người thường trú lần đầu tiên trở thành doanh nhân và có ý tưởng mang tính sáng tạo; (ii) Quỹ CDG (trợ giúp phát triển năng lực) cung cấp hỗ trợ tài chính cho các startup để xây dựng năng lực trong 10 lĩnh vực kinh doanh, quỹ này chi trả tới 70% (không quá 30.000 SGD) tổng chi phí tư vấn, phí chứng nhận, và chi phí thiết bị và đào tạo cho các startup, đối tượng là tất cả các SME thành lập và hoạt động tại Singapore; ...11
Nguyên nhân hạn chế  là do: hệ sinh thái KNST tại nhiều địa phương còn đang được xây dựng và chưa hoàn thiện; ý thức KNST trong thanh niên chưa cao và mới dừng ở kiến thức khái quát về khởi nghiệp; còn thiếu kỹ năng, kiến thức, thông tin thị trường và năng lực hoạch định kinh doanh, thiếu kinh nghiệm quản lý con người, tài chính để huy động nguồn lực; thiếu nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư mạo hiểm với tư cách là một trong những yếu tố thương hiệu của startup. Đa số vốn đầu tư KNST của thanh niên trong thời gian qua là từ vốn tích lũy của gia đình, vay ngân hàng và hỗ trợ của các nguồn vốn từ chính quyền và xã hội hóa.
Đối với thanh niên nông thôn, KNST chủ yếu dựa và nhắm vào phát triển kinh tế nông nghiệp; đa số chỉ quen sản xuất theo các phương pháp truyền thống, không có đất sản xuất, hầu như không được đào tạo bài bản để có thể áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Ngoài chuyên môn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên thanh niên nông thôn gặp khó khăn khi tiếp cận với các vấn đề kinh doanh, phát triển thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Còn đối với thanh niên vùng ven đô thị, thách thức đầu tiên chính là nguồn thu nhập kinh tế của bản thân và gia đình không ổn định.  Vì thế, việc huy động vốn từ gia đình, cộng đồng để hỗ trợ họ KNST là rất khó khăn, đặc biệt khi tuổi đời còn trẻ.
3. Đẩy mạnh bảo đảm quyền khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên Việt Nam hiện nay 
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) yêu cầu: “Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp;...”12, ”Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm... Phát huy vai trò của các quỹ về phát triển  khoa học và đổi mới công nghệ trong thúc đẩy nghiên cứu, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo đạt 40%”13. Và “thúc đẩy phát triển mạnh hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam... Phát huy hơn nữa vai trò của các quỹ về phát triển khoa học và đổi mới công nghệ trong thúc đẩy nghiên cứu, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.”14 Từ những chủ trường đó, nên phương hướng, giải pháp đặt ra là:
Thứ nhất, để thúc đẩy bảo đảm quyền KNST của thanh niên, các chủ thể có trách nhiệm (Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và doanh nghiệp,...) cần áp dụng các biện pháp về thể chế trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa,... nhằm hiện thực hóa các nguyên tắc và tiêu chuẩn về quyền con người, quyền công dân nói chung và quyền KNST của thanh niên nói riêng. Khung khổ thể chế đó sẽ tạo hành lang pháp lý đẩy mạnh bảo đảm quyền KNST của thanh niên về thể chất, tinh thần, tài sản và nghĩa vụ pháp lý đồng thời ngăn ngừa sự lạm dụng, vi phạm quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong thực tế khởi nghiệp.
Thứ hai, những giải pháp cụ thể cần được triển khai, thực hiện gồm: tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp”, như: đa dạng hóa các hình thức truyền thông về KNST; tìm kiếm, phát triển và hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên vào thực tiễn; tư vấn, đào tạo, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng cho thanh niên KNST… Điều kiện đặt ra là: Chính phủ sẽ hoàn thiện các chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tham gia phát triển kinh tế; tăng nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm, vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ cho thanh niên thuộc đối tượng vay vốn tại Ngân hàng này theo quy định. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hỗ trợ, tạo điều kiện để Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển các vườn ươm doanh nghiệp tại các địa phương.
Thứ ba, cần nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện, ban hành mới các cơ chế, chính sách khuyến khích tăng cường thúc đẩy thanh niên chủ động, tích cực KNST. Cần tiếp tục bổ sung quy định và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho thanh niên tương xứng với trách nhiệm to lớn của những người còn đang định hình nhân cách, bản lĩnh KNST như ở độ tuổi 16 - 30. Chẳng hạn trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của thanh niên được quy định ở Điều 4, 5  Luật Thanh niên năm 2020 nổi lên vấn đề phải tích cực hỗ trợ giới trẻ quyền được sáng tạo trong phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định và có việc làm (và những quyền này được tích hợp ở quyền khởi nghiệp).

PGS.TS. Nguyễn Thanh Tuấn -  Phạm Quỳnh Quyên

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 1/2022