Người cao tuổi là nhóm xã hội đặc biệt phải gánh chịu nhiều tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu do khi càng về già, các năng lực và giới hạn chịu đựng của con người càng giảm. Bài viết phân tích tác động của biến đổi khí hậu với việc bảo đảm quyền của người cao tuổi ở Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm đảm bảo tốt hơn quyền của người cao tuổi trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn
1. Biến đổi khí hậu và tác động đối với Việt Nam
Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của hệ thống khí hậu trong một thời gian dài. Hệ thống khí hậu bao gồm các thành phần khác nhau của Trái đất tương tác với nhau để tạo ra khí hậu, bao gồm bầu khí quyển, đại dương, sinh quyển, cryosphere (băng tuyết) và thạch quyển (lớp vỏ Trái đất).
Theo IPCC (Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu), biến đổi khí hậu là sự thay đổi về trạng thái thống kê của hệ thống khí hậu (Climate system) trong một khoảng thời gian dài, kéo dài từ thập kỷ đến hàng triệu năm. Biến đổi này được thể hiện qua sự thay đổi của các phân phối thống kê của thời tiết (như nhiệt độ, lượng mưa, gió) và các thành phần của hệ thống khí hậu (như đại dương, lục địa, băng tuyết). Theo UNFCCC (Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu), biến đổi khí hậu là sự thay đổi về nhiệt độ và các mô hình thời tiết toàn cầu do con người gây ra. Biến đổi khí hậu bao gồm sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu, sự thay đổi về lượng mưa và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam: Biến đổi khí hậu là sự thay đổi về nhiệt độ, lượng mưa, gió và các hiện tượng thời tiết khác trên diện rộng và trong thời gian dài do tác động của con người và nguyên nhân tự nhiên.
Được định nghĩa bằng các cách khác nhau nhưng nhìn chung các dấu hiệu, biểu hiện nhận diện của biến đổi khí hậu là: 1) Nhiệt trung bình toàn cầu tăng lên, biên độ nhiệt độ ngày càng lớn, các đợt nóng gay và lạnh giá trở nên thường xuyên và dữ dội hơn. 2) Lượng mưa trung bình thay đổi, một số khu vực có lượng mưa tăng, dẫn đến lũ lụt, trong khi một số khu vực khác có lượng mưa giảm, dẫn đến hạn hán; mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn làm tăng nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất. 3) Băng ở hai cực và trên các đỉnh núi tan chảy nhanh chóng, dẫn đến mực nước biển dâng cao. 4) Mực nước biển dâng cao đe dọa các khu vực ven biển, gây ra xâm nhập mặn, sạt lở bờ biển. 5) Hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nguồn nước sinh hoạt và môi trường sống. 6) Lũ lụt xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn, gây thiệt hại về người và tài sản; bão có xu hướng mạnh hơn và di chuyển với tốc độ nhanh hơn; 7) Suy giảm đa dạng sinh học do biến đổi khí hậu đe dọa sự sống còn của nhiều loài sinh vật. 8) Gia tăng các bệnh truyền nhiễm, bệnh về đường hô hấp, tim mạch,... ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Biến đổi khí hậu đến từ 2 nguyên nhân chính là nguyên nhân tự nhiên và nguyên nhân do con người. Trong đó: Nguyên nhân tự nhiên bao gồm các hoạt động của mặt trời, phun trào núi lửa, biến động tự nhiên của các dòng hải lưu; nguyên nhân do con người bao gồm các hoạt động của con người, đặc biệt là việc phát thải khí nhà kính giữ nhiệt trong bầu khí quyển, khiến cho nhiệt độ Trái Đất tăng lên.
Biến đổi khí hậu là vấn đề chung của các quốc gia toàn cầu, nó ảnh hưởng đến mọi quốc gia, mọi ngành công nghiệp và mọi cá nhân trên thế giới. Đây không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là thách thức về kinh tế, xã hội và chính trị, ảnh hướng tới sự tồn vong của nhân loại.
Việt Nam - với nền kinh tế nông nghiệp đóng góp khoảng 20% GDP, có bờ biển dài 3.260km, thu nhập trung bình còn thấp so với trung bình thế giới, đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu. Dân số nghèo chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp và ngư nghiệp, khiến cho Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất và phải đối mặt trực tiếp với hậu quả của biến đổi khí hậu, theo đánh giá của Tổ chức Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP). Với chỉ số CCVI xếp hạng thứ 23 trong tổng số 193 quốc gia và nằm trong nhóm 30 quốc gia chịu “rủi ro rất cao”.
Biến đổi khí hậu tác động đến khí hậu Việt Nam bằng cách làm tăng nhiệt độ, gia tăng mực nước biển và thay đổi mô hình mưa, gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan. Nhiệt độ trung bình cả nước đã tăng 0,5 - 0,7°C/thập kỷ trong 50 năm qua, dự báo tăng 1,0 - 2,0°C vào cuối thế kỷ 21. Mưa trung bình năm có xu hướng tăng, nhưng phân bố không đều: miền Bắc mưa lũ gia tăng, nguy cơ lũ lụt cao hơn; miền Trung khô hạn gay gắt, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất; miền Nam mực nước biển dâng cao, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Bão, lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên và dữ dội hơn, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Thiệt hại về người do các cơn bão và lũ lụt rất lớn (182 người chết và mất tích do bão, lũ lụt tính từ đầu năm 2022 đến tháng 4/2023), chưa kể đến thiệt hại về kinh tế lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỉ đồng. Mùa mưa bão ở Việt Nam thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm. Các cơn bão khi đổ bộ vào đất liền, tùy theo cường độ của bão và thời gian hoành hành của bão, thường để lại nhiều hậu quả khá nặng nề. Các tỉnh ven biển thường chịu thiệt hại nhiều hơn các tỉnh khác.
Biến đổi khí hậu tác động rất lớn đối với nhiều lĩnh vực và vùng miền trong nước ta. Trong đó, tài nguyên nước, sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế - sức khỏe và vùng ven biển là những lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất. Khoảng 12% diện tích đất nông nghiệp và khoảng 25% dân số của Việt Nam sẽ chịu tác động trực tiếp từ biến đổi khí hậu, gây ra nguy cơ nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp. Các tác động này đang đe dọa mục tiêu quan trọng như xoá đói, giảm nghèo, phát triển bền vững của đất nước.
Theo dự báo, đến năm 2100, nước ta có thể mất khoảng 10% GDP do hậu quả của biến đổi khí hậu. Nghiên cứu của các tổ chức như Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương, Viện Nghiên cứu phát triển Thế giới và Đại học Cô-pen-ha-ghen đã chỉ ra rằng nếu GDP của Việt Nam vào năm 2050 đạt trên 500 tỷ USD, thiệt hại do biến đổi khí hậu có thể lên đến khoảng 40 tỷ USD.
Nhìn chung, biến đổi khí hậu đang gây ra những thách thức lớn cho nông nghiệp, an ninh lương thực, và cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến sinh kế và sức khỏe của người dân ở Việt Nam.
2. Tác động của biến đổi khí hậu đối với việc hưởng thụ các quyền con người của người cao tuổi ở Việt Nam
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, và đồng thời cũng là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới với tỉ lệ người cao tuổi đang tăng rất nhanh. Khái niệm người cao tuổi được hiểu ít nhiều khác nhau ở các quốc gia, phụ thuộc vào quan niệm như thế nào là “tuổi già”. Ở các nước phát triển, do điều kiện phúc lợi xã hội và y tế tốt, cùng với những thuận lợi khác về môi trường xã hội nên công dân có thể sống khoẻ mạnh và vẫn có đóng góp cho xã hội kể cả trong độ tuổi khá cao. Trong bối cảnh đó, độ tuổi được xem là “tuổi già” và gắn với nó là khái niệm “người cao tuổi” có xu hướng cao hơn ở các nước đang phát triển.[1] Người cao tuổi trong một số văn kiện của Liên Hợp Quốc hoặc ILO được xác định là người 60 tuổi hoặc 65 tuổi trở lên. Ở Việt Nam, Luật Người cao tuổi (Luật số 39/2009/QH12) quy định: “Người cao tuổi là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 60 tuổi trở lên”.
Theo Tổng cục thống kê, số người từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam tăng từ hơn 11,4 triệu người, chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019, và dự báo tăng lên 22,3 triệu người, chiếm 20% tổng dân số vào năm 2038, tức là cứ 5 người thì có 1 người cao tuổi... Còn theo dữ liệu dân cư quốc gia hiện nay, cả nước hiện có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm trên 16% dân số. Trong đó, có khoảng 2,6 triệu người trên 80 tuổi, hơn 9 triệu người cao tuổi là nữ, 10,3 triệu người cao tuổi sống ở nông thôn. Tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo 3,6%, cận nghèo là 11,6%, cao hơn trung bình chung cả nước. Phần lớn người cao tuổi không có bảo hiểm xã hội. Số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội rất thấp nên nhiều người cao tuổi sức khỏe kém vẫn phải tự lao động và kiếm sống hàng ngày.
Người cao tuổi là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu làm suy giảm khả năng hưởng thụ nhiều quyền con người của người cao tuổi, tập trung ở những vấn đề sau đây:
Thứ nhất, tăng nguy cơ tổn hại sức khoẻ.
Những thay đổi về nhiệt độ và thời tiết cực đoan có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho người cao tuổi như: Sức nóng cực đoan có thể dẫn đến sốc nhiệt, mất nước, và làm trầm trọng thêm các bệnh lý tim mạch và hô hấp. Người cao tuổi thường có khả năng điều tiết nhiệt độ cơ thể kém hơn và có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh liên quan đến nhiệt độ cao. Người lớn tuổi cũng thường hay mắc các bệnh mãn tính, và tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn do nắng nóng.
Biến đổi khí hậu góp phần vào sự gia tăng ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Người cao tuổi, đặc biệt là những người có bệnh hô hấp như hen suyễn và bệnh phổi mãn tính, dễ bị ảnh hưởng bởi chất lượng không khí kém. Sự thay đổi về môi trường và khí hậu có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và lây lan của các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sốt rét và các bệnh lây truyền qua nước. Hệ miễn dịch của người cao tuổi thường yếu hơn, do đó họ dễ mắc các bệnh này hơn.
Thứ hai, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và giảm chất lượng cuộc sống.
Biến đổi khí hậu có thể gây ra sự lo lắng và căng thẳng tinh thần cho người cao tuổi, đặc biệt là khi họ phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan hoặc mất mát tài sản do thiên tai. Các hiện tượng thời tiết tiêu cực như lũ lụt, bão, hạn hán và mất mùa không chỉ gây thiệt hại vật chất mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, khiến họ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
Thứ ba, thiệt hại về kinh tế.
Sự gia tăng các vấn đề sức khỏe do biến đổi khí hậu có thể làm tăng chi phí y tế cho người cao tuổi trong khi đa số họ đang sống dựa vào nguồn thu nhập hoặc trợ cấp xã hội cố định. Thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng có thể gây thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng, khiến người cao tuổi mất đi nơi ở và tài sản quý giá mà với sự hạn chế về năng lực kinh tế theo lứa tuổi, họ rất khó khăn trong việc tái thiết và phục hồi. Đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế nông nghiệp ở nước ta, biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất. Điều đó có thể gây ra cuộc khủng hoảng thực phẩm và tăng giá thành các sản phẩm nông nghiệp cũng như các sản phẩm tiêu dùng khác, ảnh hưởng to lớn đến người cao tuổi thường không có nguồn thu nhập cao. Với hơn 9 triệu người cao tuổi là nữ, 10,3 triệu người cao tuổi sống ở nông thôn - số đông người cao tuổi Việt Nam thậm chí không có nguồn thu nhập, lệ thuộc con cháu về kinh tế nên những khó khăn kinh tế do biến đổi khí hậu đối với họ càng nghiêm trọng hơn đối tượng khác.
3. Giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với việc hưởng thụ các quyền con người của người cao tuổi ở Việt Nam
Những phân tích ở trên cho thấy biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với sức khỏe và phúc lợi của con người hiện nay, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Những thay đổi về khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên mà còn tác động trực tiếp đến sức khỏe và đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi. Do đó, để bảo đảm khả năng hưởng thụ các quyền con người của người cao tuổi, trong nỗ lực tìm kiếm, thực hiện các biện pháp chống lại biến đổi khí hậu cần tập trung xây dựng các chính sách hỗ trợ cho người cao tuổi, nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực và tăng cường khả năng thích ứng của người cao tuổi trước biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách và kế hoạch hành động để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm việc phát triển và thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, và tăng cường khả năng chống chịu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương. Việt Nam cũng tích cực tham gia vào các nỗ lực quốc tế nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu, bao gồm Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới tại Paris (Pháp) với sự cam kết mạnh mẽ, nhất quán của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu và các diễn đàn đa phương khác.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu và là một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Văn kiện chỉ rõ, ở trong nước, biến đổi khí hậu sẽ gay gắt, phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy đối với sự phát triển của đất nước. Từ đó, Văn kiện xác định “Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh”[2] là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.
Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu nói chung, trong đó có việc tập trung vào bảo đảm quyền của các nhóm xã hội dễ tổn thương như người cao tuổi hiện nay, cần thực hiện đồng bộ một số định hướng giải pháp cơ bản như sau:
3.1. Nhóm giải pháp chung
Thứ nhất, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, nhất là cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp về bản chất, nguyên nhân của biến đổi khí hậu, yêu cầu, nhiệm vụ chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu ở tất cả các ngành, lĩnh vực và địa phương. Nâng cao nhận thức của người dân về các tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu, thông qua các kênh báo chí, truyền thông, các chương trình giáo dục, hay các sáng kiến thay đổi hành vi, qua đó giúp định hướng đến việc sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả hơn các hàng hóa và dịch vụ thâm dụng các-bon cao.
Thứ hai, tăng cường các chương trình nghiên cứu liên quan đến biến đổi khí hậu để có nhận thức, đánh giá khoa học, toàn diện về biến đổi khí hậu, cho phép phát triển các mô hình kinh tế, giả pháp công nghệ, năng lượng nhằm ứng phó, thích nghi và làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.
Thứ ba, ban hành quy định chặt chẽ về việc phát thải khí CO2 và các khí nhà kính khác. Cần đánh giá, kiểm soát việc phát thải và thu thuế phát thải các loại khí này để tăng cường tính cẩn trọng của các hoạt động sản xuất, kinh doanh và nguồn thu thuế cũng được sử dụng phục vụ công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời với kiểm soát chặt chẽ việc phát thải các - bon và các loại khí nhà kính, cần xây dựng các chính sách thúc đẩy tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Thúc đẩy việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn về hiệu quả năng lượng.
Thứ tư, phát động các phong trào hành động trong toàn xã hội về thay đổi lối sống giúp giảm thiểu vấn đề biến đổi khí hậu như: 1) Tiết kiệm năng lượng - giúp giảm lượng tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính, góp phần giảm bớt tác động đến môi trường và biến đổi khí hậu. 2) Sử dụng phương tiện ít ô nhiễm. Việc lựa chọn sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đi xe đạp hoặc đi bộ thay vì lái ô tô cá nhân giúp giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính. Hành động này không chỉ giảm ô nhiễm không khí mà còn khuyến khích một lối sống khỏe mạnh, góp phần vào việc giảm thiểu vấn đề biến đổi khí hậu. 3) Hạn chế thực phẩm từ thịt, đặc biệt là thịt đỏ, có thể giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính liên quan đến chăn nuôi gia súc. 4) Giảm thiểu rác thải bằng cách tái chế, ủ phân và hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần giúp giảm lượng khí thải nhà kính phát ra từ các bãi chôn lấp. 5) Mua sắm thông minh, lựa chọn sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường và lâu dài, giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Hành động này hỗ trợ giảm thiểu lượng rác thải và khí thải nhà kính liên quan đến sản xuất và tiêu dùng. 6) Trồng nhiều cây xanh để hấp thụ CO2, giảm lượng CO2 - một trong những khí nhà kính chính - trong bầu khí quyển. 7) Sử dụng năng lượng tái tạo như lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời hoặc gió tại nhà giúp giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giảm phát thải khí nhà kính. 8) Tiết kiệm nước làm giảm nhu cầu về năng lượng cho việc bơm, xử lý và làm nóng nước, từ đó giảm lượng khí thải nhà kính...
Thứ năm, tăng cường huy động các nguồn lực cần thiết đầu tư vào giảm thiểu nguồn gây ra biến đổi khí hậu (giảm khí thải nhà kính) và thích ứng với biến đổi khí hậu như giảm lãi suất đối với khoản vay cho các dự án phát triển bền vững, qua đó tạo động lực để các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ thâm dụng các-bon thấp...v.v
Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu là hiện tượng ngoại ứng toàn cầu, do vậy, ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi sự hợp tác hiệu quả ở quy mô toàn cầu. Việc hợp tác quốc tế sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam nâng cao năng lực nghiên cứu, tiếp cận tiến bộ khoa học và huy động nguồn vốn đầu tư để hỗ trợ các dự án tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
3.2. Nhóm giải pháp riêng đối với người cao tuổi
Một là, cải thiện hệ thống y tế và chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi. Tăng Cường Dịch Vụ Y Tế nhằm đảm bảo người cao tuổi có thể tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao và hỗ trợ kịp thời trong các đợt nắng nóng hoặc các sự kiện thời tiết cực đoan. Tổ chức các chương trình giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức của người cao tuổi về các nguy cơ sức khỏe do biến đổi khí hậu và cách phòng tránh.
Hai là, xây dựng hệ thống theo dõi và cảnh báo biến đổi khí hậu. Cung cấp thông tin về chất lượng không khí hàng ngày và khuyến cáo người cao tuổi hạn chế ra ngoài khi chất lượng không khí kém. Triển khai các hệ thống cảnh báo sớm và kế hoạch sơ tán để bảo vệ người cao tuổi trong trường hợp xảy ra thiên tai.
Ba là, cải thiện cơ sở hạ tầng, thiết kế và xây dựng các ngôi nhà chống chịu được thiên tai, đảm bảo an toàn cho người cao tuổi trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Bốn là, hỗ trợ tâm lý và xã hội. Cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý để hỗ trợ người cao tuổi đối phó với căng thẳng và lo âu do biến đổi khí hậu, Xây dựng các mạng lưới hỗ trợ cộng đồng để đảm bảo người cao tuổi không bị cô lập và có sự giúp đỡ khi cần thiết.
Năm là, hỗ trợ tài chính và áp dụng các biện pháp bảo vệ. Cung cấp trợ cấp và hỗ trợ tài chính cho người cao tuổi để giúp họ đối phó với chi phí y tế và thiệt hại tài sản do biến đổi khí hậu. Áp dụng các chính sách bảo vệ người cao tuổi trong bối cảnh biến đổi khí hậu, bao gồm việc xây dựng các chương trình bảo vệ xã hội và các biện pháp bảo vệ quyền lợi của họ.
Năm là, phát huy vai trò và sự đóng góp của người cao tuổi - một lực lượng tại chỗ ngày càng tăng - vào công tác ứng phó biến đổi khí hậu. Những người cao tuổi còn có sức khỏe, có kinh nghiệm, kĩ năng, uy tín, tiếng nói, trách nhiệm ở cộng đồng tham gia vào các hoạt động vận động giúp tăng cường nhận thức của quần chúng nhân dân về biến đổi khí hậu và thúc đẩy mọi người hành động.
Kết luận.
Mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và quyền của người cao tuổi là một vấn đề phức tạp và cấp bách, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng quốc tế. Người cao tuổi thường dễ bị tổn thương trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu do sức khỏe suy giảm, khả năng thích ứng hạn chế, và sự thiếu hụt trong các dịch vụ hỗ trợ. Việc đảm bảo quyền của họ không chỉ đòi hỏi biện pháp bảo vệ trước thiên tai, mà còn cần lồng ghép các yếu tố về y tế, kinh tế, và xã hội để họ có thể sống an toàn và bình đẳng trong bối cảnh môi trường thay đổi nhanh chóng. Vì vậy, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cần đặt người cao tuổi vào trung tâm của chiến lược bảo vệ quyền con người.
TS. Trần Thị Hồng Lê
Viện Quyền con người - Học viện CTQG Hồ Chí Minh
[1] Vũ Công Giao (2018), “Một số vấn đề lí luận, pháp lý, thực tiễn về quyền của người cao tuổi”, Tạp chí Khoa học ĐH Quốc gia Hà Nội: Luật học, tập 34, số 3, tr.43.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 1, tr. 116.