Giáo dục và đào tạo về quyền con người bao gồm tất cả các hoạt động giáo dục, đào tạo, thông tin, nâng cao nhận thức và các hoạt động học tập nhằm thúc đẩy sự tôn trọng và chấp hành trên toàn cầu với tất cả các quyền con người. Giáo dục quyền con người cho sinh viên, định hướng và động viên sinh viên cống hiến cho việc thúc đẩy những giá trị quyền con người - lý tưởng cao đẹp của nhân loại - sẽ tạo ra động lực to lớn cho việc kiến tạo văn hóa quyền con người.

Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn

Giáo dục và đào tạo về quyền con người bao gồm tất cả các hoạt động giáo dục, đào tạo, thông tin, nâng cao nhận thức và các hoạt động học tập nhằm thúc đẩy sự tôn trọng và chấp hành trên toàn cầu với tất cả các quyền con người và các tự do căn bản và qua đó đóng góp trở lại với việc ngăn chặn các vi phạm và lạm dụng nhân quyền bằng cách cung cấp cho mọi người kiến thức, kỹ năng và sự hiểu biết cũng như xây dựng thái độ và hành xử, để trao cho họ khả năng đóng góp vào việc xây dựng và thúc đẩy một văn hóa toàn cầu về quyền con người.[1] Với mục đích, ý nghĩa đó, giáo dục quyền con người cho sinh viên có vai trò đặc biệt quan trọng vì sinh viên là những thanh niên trí thức cao - là “rường cột” trong lực lượng “rường cột” của mỗi quốc gia. Sinh viên là những người trẻ, khỏe, được đào tạo chuyên môn trình độ cao, hăng hái, nhiệt tình, nhanh nhạy tiếp thu cái mới, giàu ước mơ, ham hiểu biết, giàu niềm tin, có khả năng to lớn trong việc thực hiện lý tưởng, mục tiêu cao quý... Do vậy, giáo dục quyền con người cho sinh viên, định hướng và động viên sinh viên cống hiến cho việc thúc đẩy những giá trị quyền con người - lý tưởng cao đẹp của nhân loại - sẽ tạo ra động lực to lớn cho việc kiến tạo văn hóa quyền con người. Giống như nền tảng của các quyền con người, việc giáo dục quyền con người cho sinh viên đại học cũng phải được thực hiện trên cơ sở sự bình đẳng, không phân biệt đối xử. Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng đó mới có thể bảo đảm hiệu quả giáo dục quyền con người và thúc đẩy vai trò hạt nhân, động lực của sinh viên trong việc tạo lập, lan tỏa văn hóa quyền con người.

1. Cơ sở của nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử trong giáo dục quyền con người cho sinh viên đại học

Giáo dục quyền con người cho sinh viên phải thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử xuất phát từ thuộc tính nền tảng của các quyền con người và đặc thù của giáo dục quyền con người.

Thứ nhất, giáo dục quyền con người nói chung, giáo dục quyền con người cho thanh niên nói riêng, phải được thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử vì bình đẳng là nền tảng của quyền con người. Khi nói quyền con người tức là nói đến giá trị thuộc về con người - tức mọi cá thể với tư cách là người. Do đó, ngay tại Điều 1 Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 đã tuyên bố: “Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền”.[2] Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 nhấn mạnh lại rằng: “việc thừa nhận phẩm giá vốn có và những quyền bình đẳng, không thể chuyển nhượng của mọi thành viên trong cộng đồng nhân loại là nền tảng cho tự do, công lý và hòa bình trên thế giới”.[3] Điều tương tự cũng được khẳng định ngay tại lời đầu tiên của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. Theo đó, bình đẳng là nền tảng của tự do, công lý và quyền con người. Bởi vậy, tất cả các quyền con người, bao gồm quyền trong lĩnh vực giáo dục, đều được pháp luật quốc tế ghi nhận trên nguyên tắc bình đẳng đối với với mọi người. Điều 26 Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 và Điều 13 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 thống nhất khẳng định rằng mọi người, không loại trừ ai, đều có quyền học tập. Trên nền tảng đó, điều đầu tiên trong Tuyên ngôn về giáo dục và đào tạo quyền con người năm 2011 của Liên hợp quốc đã tuyên bố: “Mọi người đều có quyền biết, tìm kiếm và tiếp nhận thông tin về tất cả các quyền con người và tự do căn bản, tiếp cận được với giáo dục và đào tạo về quyền con người”.[4] Điều 4 của Tuyên ngôn này tiếp tục nhấn mạnh lại rằng: “Giáo dục và đào tạo về quyền con người phải dựa trên các nguyên tắc của Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người và các công ước cũng như các công cụ về quyền con người liên quan”. Tức là, giáo dục quyền con người phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng - nguyên tắc nền tảng của quyền con người.

Thứ hai, giáo dục quyền con người, trong đó có giáo dục quyền con người cho sinh viên phải được thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử vì bảo đảm bình đẳng là một nội dung, phương thức và mục tiêu bắt buộc của giáo dục quyền con người. Giáo dục và đào tạo về quyền con người theo Điều 2 Tuyên ngôn về giáo dục và đào tạo quyền con người năm 2011 của Liên hợp quốc bao gồm: a) giáo dục về quyền con người; b) giáo dục thông qua quyền con người; c) giáo dục vì quyền con người. Cụ thể: a) Giáo dục về quyền con người bao gồm cung cấp kiến thức và sự hiểu biết về các quy tắc và nguyên tắc về quyền con người, các giá trị nền tảng của quyền con người và các cơ chế bảo vệ quyền con người; b) Giáo dục thông qua quyền con người bao gồm việc học tập và giảng dạy theo cách thức tôn trọng các quyền của cả người dạy và người học; c) Giáo dục vì quyền con người, bao gồm việc trao quyền cho mọi người để có thể thụ hưởng và thực thi các quyền của họ và để tôn trọng và phát huy các quyền của người khác.[5] Theo đó, giáo dục về quyền con người là việc cung cấp thông tin, kiến thức về quyền con người; giáo dục thông qua quyền con người là giáo dục thông qua phương pháp, cách thức dạy, học tôn trọng quyền con người; và giáo dục vì quyền con người là các thức tổ chức quản lý giáo dục, đào tạo để trao quyền cho con người. Để có thể thực hiện giáo dục thông qua quyền con người và giáo dục vì quyền con người thì phải tôn trọng, bảo đảm, thực hiện các quyền con người, trong đó có quyền bình đẳng. Do vậy, giáo dục quyền con người trên nguyên tắc bình đẳng chính là phương thức, nội dung bắt buộc và mục tiêu của giáo dục quyền con người.

Vì những lý do trên, Tuyên ngôn về giáo dục và đào tạo quyền con người năm 2011 đã khẳng định việc giáo dục quyền con người phải thực hiện trên quan điểm hướng tới các mục tiêu: 

… c) Theo đuổi việc hiện thực hóa hiệu quả tất cả các quyền con người và thúc đẩy sự khoan dung, không phân biệt đối xử và bình đẳng;

d) Đảm bảo các cơ hội công bằng cho tất cả mọi người thông qua tiếp cận với giáo dục và đào tạo về quyền con người có chất lượng, mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào;

e) Đóng góp vào việc ngăn chặn các vi phạm và lạm dụng quyền con người để đấu tranh và xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc, kỳ thị và kích động hận thù, và những thái độ có hại và những thành kiến là nền tảng của chúng.[6]

2. Những khía cạnh bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử trong giáo dục quyền con người cho sinh viên đại học

Trên cơ sở tuyên bố bình đẳng là nguyên tắc, lập trường thực hiện giáo dục quyền con người tại Điều 4, Tuyên ngôn về giáo dục và đào tạo quyền con người năm 2011 tiếp tục cụ thể hóa các khía cạnh của việc bảo đảm bình đẳng, không phân biệt đối xử đó tại Điều 5.

Thứ nhất, bảo đảm bình đẳng về mọi phương diện với các đối tượng giáo dục bất kể việc giáo dục quyền con người được thực hiện bởi chủ thể nào. Khoản 1 Điều 5 của Tuyên ngôn xác định: “Giáo dục và đào tạo về nhân quyền, dù được tiến hành bởi chủ thể công hay tư, phải được dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, đặc biệt là giữa trẻ nam và nữ và giữa phụ nữ và nam giới, nhân phẩm, hòa nhập và không phân biệt đối xử. Theo đó, bất kể chủ thể thực hiện giáo dục quyền con người là cơ quan, tổ chức, đơn vị công lập hay các tổ chức tư thì việc giáo dục quyền con người vẫn phải thực hiện trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng. Sự bình đẳng trong giáo dục quyền con người cho sinh viên được thể hiện về mọi phương diện, trong đó cần đặc biệt chú ý một số phương diện dễ phát sinh hiện tượng phân biệt đối xử như: giới (giữa nam - nữ thanh niên); nhân phẩm (giữa các thanh niên khác nhau về trình độ, địa vị, tư cách đạo đức, nhân thân trong dân sự hoặc tư pháp). Để bảo đảm bình đẳng, bất chấp những khác biệt, chênh lệch này thì giáo dục quyền con người luôn luôn phải thực hiện một cách hòa nhập, không phân biệt đối xử với bất kỳ đối tượng sinh viên nào.

Thứ hai, bảo đảm sự bình đẳng về khả năng tiếp cận với giáo dục quyền con người. Khoản 2 Điều 5, Tuyên ngôn về giáo dục và đào tạo quyền con người năm 2011 yêu cầu:

Giáo dục và đào tạo về nhân quyền phải tiếp cận được và sẵn có với tất cả mọi người và phải tính đến những thách thức và rào cản cụ thể cũng như những nhu cầu và nguyện vọng của những người ở trong những hoàn cảnh hoặc các nhóm dễ bị thương tổn, bao gồm người khuyết tật, để thúc đẩy sự trao quyền và phát triển con người và để đóng góp vào việc xóa bỏ những nguyên nhân của việc loại trừ hay lề hóa, cũng như làm cho mọi người đều có thể thực thi tất cả các quyền của họ.

Theo quy định tại điều khoản này, giáo dục quyền con người phải sẵn có và bảo đảm khả năng tiếp cận được cho bất cứ người nào, bất cứ sinh viên nào. Để bảo đảm khả năng đó, khi thực hiện giáo dục quyền con người phải loại bỏ những thách thức, rào cản, tính toán đến sự phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của những nhóm người khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục quyền con người. Theo đó, trong giáo dục quyền con người cho sinh viên cần loại bỏ rào cản hoặc tính toán đặc thù về nhu cầu để bảo đảm khả năng tiếp cận với giáo dục quyền con người và hưởng thụ quyền con người của mọi sinh viên, nhất là của các nhóm sinh viên như: nữ sinh viên, sinh viên khuyết tật, sinh viên chung sống với HIV, sinh viên dân tộc thiểu số, sinh viên thuộc nhóm LGBTQ… Tóm lại là: cần phải bảo đảm không có sinh viên nào bị gạt ra bên lề của việc giáo dục, thúc đẩy quyền con người.

Thứ ba, bảo đảm sự tôn trọng và phát huy sự đa dạng về bản sắc văn hóa trong giáo dục quyền con người. Khoản 3 Điều 5, Tuyên ngôn về giáo dục và đào tạo quyền con người năm 2011 tuyên bố: “Giáo dục và đào tạo về nhân quyền phải nắm bắt và làm phong phú thêm, cũng như lấy cảm hứng từ, sự đa dạng của các nền văn minh, tôn giáo, văn hóa và các truyền thống của những nước khác nhau, như đã được phản ánh trong tính toàn cầu của nhân quyền”. Bản sắc văn hóa của cộng đồng là một yếu tố quan trọng làm nên nhân phẩm và thúc đẩy cảm hứng tiến bộ của cá nhân; là nét đẹp riêng của cộng đồng, góp phần làm nên vẻ đẹp đa dạng của nhân loại. Bởi vậy, tôn trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa là một nội dung của việc bảo đảm quyền con người. Cho nên, sẽ là phản giáo dục quyền con người nếu truyền tải thông điệp về quyền con người mà lại chà đạp những giá trị tốt đẹp của bản sắc văn hóa. Ngày nay, cộng đồng sinh viên tại Việt Nam đang rất đa dạng về thành phần tộc người, vùng miền và đông đảo sinh viên quốc tế. Để bảo đảm ý nghĩa của mình, giáo dục quyền con người cho sinh viên không thể chứa đựng sự phân biệt đối xử do khác biệt văn hóa. Hơn thế nữa, giáo dục quyền con người cho sinh viên còn phải được thực hiện phù hợp với và lấy cảm hứng từ những nét đẹp bản sắc của cộng đồng văn hóa mà đối tượng giáo dục chịu ảnh hưởng. Điều này càng cần đặc biệt trú trọng hơn đối với các trường đại học đặt tại vùng núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số cư trú…

Thứ tư, giáo dục quyền con người trên cơ sở phù hợp với tính đặc thù của địa phương, vùng miền, quốc gia, dân tộc để bảo đảm mục tiêu quyền con người cho mọi người. Tại khoản 4 Điều 5, Tuyên ngôn về giáo dục và đào tạo quyền con người năm 2011 yêu cầu: “Giáo dục và đào tạo về nhân quyền phải tính đến các hoàn cảnh khác nhau về kinh tế, xã hội và văn hóa, đồng thời thúc đẩy các sáng kiến địa phương nhằm khuyến khích tính sở hữu với mục tiêu chung là đạt được tất cả các quyền con người cho mọi người”. Thực tế là do đặc thù kinh tế, xã hội và văn hóa nên mỗi địa phương, quốc gia có thể nhận thức và đáp ứng quyền con người ở những mức độ khác nhau. Nếu không tính đến những đặc thù đó, giáo dục quyền con người sẽ trở nên giáo điều, tầm thường hóa hoặc viễn tưởng hóa những giá trị quyền con người đối với đối tượng giáo dục. Do đó, chỉ khi được thực hiện một cách phù hợp với đặc thù vùng miền, quốc gia thì giáo dục quyền con người mới có giá trị thực tế trong việc thúc đẩy, hiện thực hóa quyền con người cho mọi người.

3. Bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử trong giáo dục quyền con người cho sinh viên đại học ở Việt Nam hiện nay

Sinh viên phần lớn ở độ tuổi từ 18 đến 25 - là lực lượng thanh niên trí thức trình độ cao (thanh niên Việt Nam theo luật định là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi[7]). Sinh viên được đào tạo để trở thành người “có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; có sức khỏe; có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ Nhân dân”.[8] Là lực lượng nòng cốt, tiến bộ của thanh niên, sinh viên đi đầu trong việc thực hiện vai trò xã hội quan trọng của thanh niên “là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.[9] Do đó, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 xác định trách nhiệm bồi dưỡng thế hệ thanh niên của Nhà nước, gia đình và xã hội: “Thanh niên được Nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân…”.[10]

Về quyền bình đẳng trong học tập, tiếp cận thông tin của sinh viên được bảo đảm trên nền tảng các quyền con người, quyền con người nói chung. Khoản 2 Điều 16 Hiến pháp khẳng định: “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Riêng về quyền học tập, Điều 39 Hiến pháp làm rõ thêm: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”. Theo đó, sinh viên Việt Nam có quyền và nghĩa vụ học tập; được Nhà nước, gia đình, xã hội tạo điều kiện học tập; không bị phân biệt đối xử trong thực hiện quyền, nghĩa vụ học tập, bao gồm việc học hỏi các giá trị quyền con người.

Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, Luật Giáo dục năm 2019 định hướng việc phát triển hệ thống giáo dục là để tạo cơ hội cho mọi người được tiếp cận giáo dục: “Phát triển hệ thống giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo cơ hội để mọi người được tiếp cận giáo dục, được học tập ở mọi trình độ, mọi hình thức, học tập suốt đời”.[11] Liên quan đến học sinh, sinh viên, Luật Thanh niên năm 2020 lại tái khẳng định nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử trong thực hiện các quyền, nghĩa vụ của thanh niên ở khoản 2 Điều 5 Luật Thanh niên năm 2020. Liên quan đến giáo dục quyền con người, Luật này nhấn mạnh một số chính sách quan trọng làm cơ sở cho việc thúc đẩy giáo dục quyền con người và bảo đảm bình đẳng trong giáo dục quyền con người cho thanh niên, trong đó có sinh viên: một là, “ Bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và tạo điều kiện cho thanh niên tham gia nghiên cứu khoa học”; hai là, “Ban hành và bảo đảm thực hiện các chương trình giáo dục đạo đức, lý tưởng, truyền thống dân tộc, lối sống văn hóa, kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật cho thanh niên”.[12] Theo đó, Nhà nước có trách nhiệm ban hành và bảo đảm thực hiện các chương trình giáo dục đạo đức, văn hóa, pháp luật - bao gồm các giá trị, quy định về quyền con người - cho thanh niên; bảo đảm sự bình đẳng trong tiếp cận với giáo dục quyền con người của thanh niên.

Khi đưa nội dung giáo dục quyền con người vào toàn hệ thống giáo dục quốc dân Chính phủ Việt Nam cũng xác định quan điểm số một trong thực hiện giáo dục quyền con người là: “Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, phê chuẩn về quyền con người”.[13] Theo đó, việc giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân mà đông đảo sinh viên đang học tập trong đó phải trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, và nguyên tắc nền tảng của các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia là bình đẳng, không phân biệt đối xử.

Tựu chung lại, để tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức tôn trọng, bảo vệ các quyền con người của toàn xã hội thì giáo dục quyền con người cho sinh viên là rất quan trọng vì sinh viên là đầu tàu của lực lượng xung kích, là động lực của đổi mới và phát triển. Giáo dục quyền con người cho sinh viên phải bảo đảm thực hiện trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử vì đó là nền tảng của các quyền con người, đồng thời là phương thức, mục tiêu của giáo dục quyền con người. Bảo đảm bình đẳng trong giáo dục quyền con người cho sinh viên thể hiện trên các khía cạnh sau: một là, bảo đảm bình đẳng về mọi phương diện với các đối tượng giáo dục bất kể việc giáo dục quyền con người được thực hiện bởi chủ thể nào; hai là, bảo đảm sự bình đẳng về khả năng tiếp cận với giáo dục quyền con người; ba là, bảo đảm sự tôn trọng và phát huy sự đa dạng về bản sắc văn hóa trong giáo dục quyền con người; bốn là, giáo dục quyền con người trên cơ sở phù hợp với tính đặc thù của địa phương, vùng miền, quốc gia, dân tộc để bảo đảm mục tiêu quyền con người cho mọi người. Ở Việt Nam, Hiến pháp, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Thanh niên bảo đảm cho sinh viên có quyền học tập; được Nhà nước, gia đình, xã hội tạo điều kiện học tập; không bị phân biệt đối xử trong thực hiện quyền học tập; bình đẳng trong việc tiếp cận với giáo dục nói chung, giáo dục quyền con người nói riêng./

TS. Trần Thị Hồng Lê

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

---

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Liên hợp quốc (1948), Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người.

2. Liên hợp quốc (1966), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.

3. Liên hợp quốc (2011), Tuyên ngôn về giáo dục và đào tạo quyền con người.

4. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Hiến pháp

5. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2018), Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi, bổ sung).

6. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2019), Luật Giáo dục.

7. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2020), Luật Thanh niên.

8. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định 1309/QĐ-TTg phê duyệt đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

 

[1] Liên hợp quốc (2011), Tuyên ngôn về giáo dục và đào tạo quyền con người, Điều 2.

[2] Liên hợp quốc (1948), Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người.

[3] Liên hợp quốc (1966), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, “Lời nói đầu”

[4] Liên hợp quốc (2011), Tuyên ngôn về giáo dục và đào tạo quyền con người, Điều 1.

[5] Liên hợp quốc (2011), Tuyên ngôn về giáo dục và đào tạo quyền con người, Điều 2.

[6] Liên hợp quốc (2011), Tuyên ngôn về giáo dục và đào tạo quyền con người, Điều 4.

[7] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2020), Luật Thanh niên, Điều 51.

[8] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2018), Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi bổ sung), Điều 5.

[9] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2020), Luật Thanh niên, khoản 1, Điều 4.

[10] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Hiến pháp, khoản 2, Điều 37.

[11] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2019), Luật Giáo dục, khoản 3, Điều 4.

[12] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2020), Luật Thanh niên, khoản 1 và 2 Điều 16.

[13] Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định 1309/QĐ-TTg phê duyệt đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, tiểu mục 1, mục I, Điều 1.