An sinh xã hội là một lĩnh vực quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong phạm vi bài viết này, tác giả khái quát về nội dung, thực trạng bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó đề xuất một số giải pháp góp phần bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn mới.
1. Khái quát về bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc (54 dân tộc), trong đó người Kinh là dân tộc chiếm đa số và 53 dân tộc thiểu số (chiếm 14.7% dân số cả nước1). Quy mô dân số của các dân tộc không đồng đều, có 6 dân tộc hơn 1 triệu người, 14 dân tộc dưới 10.000 người, 5 dân tộc dưới 1.000 người. Có 3,6 triệu hộ dân, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã2, trong đó có 1551 xã, 2.027 thôn đặc biệt khó khăn3. Các xã, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi phân bố chủ yếu ở khu vực nông thôn (chiếm 87,3%). Họ sống đan xen với dân tộc Kinh, tập trung ở các vùng miền núi cao, biên giới, các lưu vực sông, ven biển, cửa sông, vùng sâu, vùng xa, rừng đầu nguồn... (chủ yếu tại một số tỉnh thuộc khu vực miền núi phía bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nam Bộ...). Nhìn chung địa hình sinh sống của họ phức tạp, xa xôi, hiểm trở, chia cắt, thường chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu như: nhiệt độ tăng, nước biển dâng, thời tiết cực đoan (lũ quét, lũ ống, lốc xoáy, mưa đá, rét đậm, rét hại, băng giá, sương muối, sạt lở đất, xâm nhập mặn...). Mật độ dân cư phân bổ không đồng đều, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao. Hiện nay, nước ta có khoảng 2,8 triệu người DTTS theo tôn giáo (chiếm khoảng 20% dân số là người DTTS)4. Nhận thức, năng lực, kỹ năng và khả năng thích nghi của người lao động DTTS còn hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn.
Bảo đảm ASXH cho người dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng là yêu cầu, là tiền đề cần thiết của sự ổn định, đồng thuận, phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, bảo đảm ASXH là quyền hiến định được ghi nhận tại Điều 34 Hiến pháp năm 2013. Bảo đảm ASXH cho đồng bào DTTS là việc các chủ thể (Nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân, gia đình, nhà trường, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội) tùy theo vị thế của mình có trách nhiệm phân phối lại thu nhập và điều tiết dịch vụ cho người DTTS nhằm giúp họ nâng cao đời sống, hòa nhập và phát triển bình đẳng vào xã hội.
Như vậy, có thể thấy các yếu tố cấu thành khái niệm “bảo đảm ASXH” bao gồm:
Về chủ thể: chủ thể có trách nhiệm bảo đảm ASXH trước hết và chủ yếu là Nhà nước. Nhà nước phát triển hệ thống ASXH, tạo bình đẳng về quyền và cơ hội thụ hưởng phúc lợi xã hội của người dân. Ngoài chủ thể nhà nước, các chủ thể khác như doanh nghiệp, cá nhân, gia đình, nhà trường, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội cũng có trách nhiệm trong việc bảo đảm ASXH cho người dân.
Về nội dung: bảo đảm ASXH cho đồng bào DTTS bao gồm các vấn đề cốt lõi như: (1) Bảo đảm việc làm, thu nhập, hỗ trợ giảm nghèo; (2) Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; (3) Trợ giúp xã hội, cứu trợ xã hội kịp thời cho người dân; (4) Bảo đảm mức sống tối thiểu về tiếp cận, thụ hưởng một số dịch vụ xã hội cơ bản như: giáo dục, y tế, thông tin, lương thực, điện, nước sạch sinh hoạt...; (5) Hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp, khả thi; (6) Tổ chức cung cấp dịch vụ công về ASXH.
Về phương thức thực hiện: bảo đảm ASXH được thực hiện thông qua các biện pháp công cộng, các chính sách, chương trình, dự án cụ thể.
Về mục đích: bảo đảm ASXH cho đồng bào DTTS hướng tới thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập, bất bình đẳng, tạo nên sự đồng thuận, công bằng và ổn định xã hội, phấn đấu không để ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình xây dựng phát triển đất nước phồn vinh và thịnh vượng.
Quan tâm, bảo đảm ASXH cho đồng bào DTTS có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam bởi lẽ bảo đảm quyền này có tác động đến tất cả các khía cạnh của Nhà nước pháp quyền XHCN về phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững niềm tin, sự thủy chung son sắt của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Bảo đảm an sinh xã hội luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ
rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nguồn: tuyengiao.vn.
2. Thực trạng bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay
Bảo đảm ASXH luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc, Đảng khẳng định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị. Gần đây, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục nhấn mạnh vị trí chiến lược của chính sách đoàn kết các dân tộc trên cơ sở “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”, đồng thời “chống kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi; nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Thời gian qua, bảo đảm ASXH cho đồng bào DTTS ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng:
Thứ nhất, về bảo đảm quyền việc làm, thu nhập và hỗ trợ giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS: đây là một trong những nội dung quan trọng trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: “Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm, nhất là khu vực đồng bào DTTS… Tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đổi mới thực chất giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, giảm hỗ trợ cho không, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên tự thoát nghèo; hạn chế bất bình đẳng xã hội”5. Gần đây, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.
Thực tiễn cho thấy, chỉ tính riêng từ năm 2016 - 2018 đã có khoảng 480 nghìn người dân tộc thiểu số được học nghề; trong đó có khoảng 130 nghìn người học trung cấp, cao đẳng, 350 nghìn người được hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng học nghề theo Đề án số 1956 hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài6. Theo Ủy ban Dân tộc, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 được đầu tư 626.229 tỷ đồng từ ngân sách7. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với các chính sách, pháp luật đã ban hành, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao hơn.
Thứ hai, về tham gia bảo hiểm xã hội của người DTTS: Nhà nước Việt Nam đã có chính sách đối với trẻ từ 0 đến 6 tuổi như: miễn phí thẻ bảo hiểm y tế, chăm sóc y tế ban đầu miễn phí... Số người dân tộc thiểu số có thẻ bảo hiểm y tế năm 2016 là 91 %, năm 2017 là 92,05% và năm 2018 là 93,68%8.
Thứ ba, trợ giúp xã hội kịp thời cho người DTTS: hiện cả nước có 425 cơ sở trợ cấp xã hội (195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập) trong đó có 46 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 73 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, 149 cơ sở chăm sóc trẻ em, 102 cơ sở tổng hợp, 32 cơ sở chăm sóc người tâm thần và 23 trung tâm công tác xã hội9.
Thứ tư, bảo đảm mức sống tối thiểu về tiếp cận, thụ hưởng một số dịch vụ xã hội cơ bản.
Về giáo dục: với sự nỗ lực không ngừng đến nay 100% xã đã có trường tiểu học và trung học cơ sở, 99,7 % xã có trường mầm non, mẫu giáo10. Các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi đều được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở. Năm học 2017 - 2018, toàn quốc có 315 trường phổ thông dân tộc nội trú, trong đó có khoảng 40% số trường phổ thông dân tộc nội trú được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng đào tạo hệ cử tuyển đã được cải thiện hiện đã có 50/53 DTTS có học sinh học cử tuyển.
Về y tế: Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 5/12/2016 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới; Quyết định số 226/QĐ-TTg ngày 22/1/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 2/9/2018 phê duyệt Chương trình sức khỏe Việt Nam. Mạng lưới y tế ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục phát triển, hệ thống bệnh viện tỉnh - huyện và trạm y tế xã đã được quan tâm đầu tư. Tính đến năm 2019, 99,3% xã có trạm y tế11; 76% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020.
Về tiếp cận thông tin: cụ thể hóa các quy định bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã ban hành Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin. Nghị định này đã nêu rõ các hình thức, biện pháp cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, cơ hội tiếp cận thông tin của người DTTS ngày càng được mở rộng, tỷ lệ hộ DTTS sử dụng internet đạt 61,3%, tăng hơn 9 lần so với năm 201512. Cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương (trong đó có phát thanh truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số) (tính đến năm 2019). Hệ phát thanh dân tộc (VOV4), Đài Tiếng nói Việt Nam, hằng ngày phát 12 chương trình tiếng DTTS. Giai đoạn 2019 - 2021, gần 33 triệu ấn phẩm của 19 báo, tạp chí đã được chuyển tới gần 425 nghìn đối tượng thụ hưởng13.
Về lương thực: năm 2019, Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 4.830 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Bắc Giang để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người kinh nghèo trên địa bàn huyện Lục Ngạn và huyện Lục Nam tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trong thời gian chưa tự túc được lương thực giai đoạn 2019 - 2023.
Về điện, nước sinh hoạt: tính đến năm 2019, 100% xã, và 97,2% thôn bản có điện lưới quốc gia14. Nhà nước đã đầu tư nghiên cứu, đưa ra nhiều giải pháp cấp nước khác nhau như: hồ treo, bơm nước truyền thống từ các sông suối, thu trữ nước mưa quy mô hộ gia đình, làm giếng khoan... góp phần quan trọng giúp đồng bào DTTS có nước sạch sử dụng trong sinh hoạt. Chính phủ triển khai thực hiện nhiều chương trình như: Chương trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước... Dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” được triển khai đã hoàn thành thi công giai đoạn 1. Sẽ có trên 1,4 triệu người dân tại 197 vùng núi cao thuộc 37 tỉnh15 của nước ta sẽ được hưởng lợi ích từ dự án này.
Thứ năm, về hệ thống chính sách, pháp luật và tổ chức cung cấp dịch vụ công.
Thời gian qua, hệ thống các chính sách, pháp luật được ban hành, triển khai thực hiện ngày càng hoàn thiện hơn. Từ năm 2013 đến năm 2023, trong 53 văn bản luật có các điều khoản quy định bảo đảm quyền của người DTTS, có 12 luật mới ban hành từ năm 201216. Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển đảo, xóa đói giảm nghèo, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền. Hệ thống chính sách dân tộc do Chính phủ và các bộ, ngành xây dựng là 118 văn bản, trong đó có 54 đề án, chính sách dân tộc trực tiếp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi17. Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới. Ngoài ra, có nhiều chương trình quốc gia đã và đang được triển khai như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình 134, Chương trình 135, Chương trình 30a...
Bên cạnh các kết quả đạt được, việc bảo đảm quyền ASXH của người DTTS còn bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Kết quả thực thi chính sách, pháp luật bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người, quyền công dân nói chung, cho người DTTS nói riêng còn chưa bền vững. Công tác quản lý nhà nước, phối hợp giữa các cấp, các ngành có nơi, có lúc chưa được hiệu quả như mong muốn, còn tình trạng “quyền anh, quyền tôi”. Các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, nhà trường vẫn chưa phát huy hết trách nhiệm. Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa đồng bào DTTS, miền núi với người dân vùng đồng bằng có xu hướng tăng, các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của một số dân tộc có xu hướng mai một; việc thiếu nước sạch sinh hoạt còn chưa được giải quyết triệt để. Tỷ lệ người mù chữ và không biết tiếng Việt còn tồn tại. Tình trạng bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước vẫn diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định chính trị - xã hội. Trong khi sự chuyển biến về nhận thức của một bộ phận hộ nghèo DTTS còn hạn chế, các kênh truyền hình tiếng dân tộc số lượng còn ít, số hộ gia đình DTTS có thiết bị để xem truyền hình quốc gia, truyền hình tỉnh còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn bộc lộ không ít bất cập. Đối với địa bàn DTTS quá khó khăn hiện chưa có chính sách đặc thù riêng. Nguồn kinh phí triển khai kế hoạch, chương trình, đề án, dự án còn hạn hẹp. Ở một số địa phương, việc phân bổ vốn so với các xã miền núi vùng DTTS là rất thấp so với quy định và chưa đồng bộ18. Do đó, thời gian tới cần có những giải pháp phù hợp, đồng bộ hơn giúp người dân đồng bào DTTS hòa nhịp với sự phát triển của đất nước.
3. Một số giải pháp bảo đảm tốt hơn ASXH cho đồng bào DTTS thời gian tới
a) Nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân, người DTTS về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa của ASXH, bảo đảm ASXH
Để các quyền con người được tôn trọng và tuân thủ theo pháp luật, việc giáo dục mọi người ngay từ tuổi đi học về dân tộc, về sự bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo, cũng như giữa những người có và không có niềm tin tôn giáo có ý nghĩa và tác dụng to lớn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến bảo đảm ASXH đến cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và đồng bào DTTS cần tiếp tục chú trọng hơn. Các hình thức, biện pháp tuyên truyền cần được vận dụng linh hoạt, phong phú, sáng tạo, phù hợp với từng vùng miền và từng diện đối tượng, giúp người dân hiểu đúng, hiểu rõ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mục đích triển khai dự án, chương trình. Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tham gia giám sát, phản biện xã hội. Chủ động tích cực đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm mục đích chống phá, gây mất ổn định tình hình chính trị - xã hội. Kiên quyết không để hình thành các “điểm nóng” phức tạp về an ninh trật tự; đấu tranh loại trừ các nguy cơ phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
b) Đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến bảo đảm ASXH cho người dân nói chung và đồng bào DTTS nói riêng
Tiếp tục quan tâm, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật như: Ban hành Luật Dân tộc thay thế Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/11/2011 về công tác tộc, nghiên cứu thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về vấn đề dân tộc... Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm xây dựng, bổ sung các chính sách, văn bản mới kịp thời khắc phục những bất cập, tồn tại trong quá trình thực thi.
Đối với địa bàn DTTS quá khó khăn, cần xây dựng chính sách riêng, đặc thù hỗ trợ ổn định lương thực và các nhu yếu phẩm để người dân ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, cần có chính sách, ưu tiên tuyển dụng người trong nhóm DTTS rất ít người có trình độ đại học trở lên, tạo nguồn cần thiết phấn đấu đến năm 2030 dân tộc nào cũng có cán bộ tham gia trong hệ thống chính trị ở cơ sở.
c) Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính trị từ huyện đến xã, bản
Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, đảng viên, cán bộ công tác tại vùng đồng bào DTTS. Tăng cường phát triển Đảng viên là người DTTS, khắc phục triệt để tình trạng chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng, thực hiện đúng quy trình, thủ tục về công tác kết nạp đảng viên. Cấp ủy các đơn vị cần chú trọng quan tâm, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ thôn, làng nhằm nâng cao tỷ lệ bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn và trưởng các đoàn thể thôn làng là đảng viên.
d) Bố trí nguồn ngân sách nhà nước hợp lý cho việc triển khai các chương trình, kế hoạch đã đề ra bảo đảm tiến độ và hiệu quả
Việc bố trí, ưu tiên nguồn ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương bên cạnh việc kêu gọi sự ủng hộ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hảo tâm có ý nghĩa quan trọng trong triển khai các chính sách, chương trình đặc thù đối với vùng DTTS. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công để kịp thời triển khai một số dự án tại vùng DTTS diễn ra từ năm 2022 và năm 2023, bảo đảm tiến độ và theo đúng hợp đồng. Tiếp tục tập trung đầu tư, hỗ trợ sửa chữa và xây mới các công trình nước sạch, chợ, trường học, nhà văn hóa... bảo đảm phục vụ các nhu cầu thiết yếu cho người dân; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, đầu tư, nâng cấp, chuẩn hóa y tế xã và các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh; có kế hoạch cụ thể giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình giải ngân kế hoạch vốn của các chủ đầu tư để nắm bắt khó khăn vướng mắc, từ đó kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ phù hợp.
e) Tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội, cá nhân, nhà trường trong việc bảo đảm ASXH cho người DTTS
Để công tác bảo đảm quyền cho người DTTS phát huy hiệu quả trên thực tiễn cần xác định đây là trách nhiệm của các cấp, các ngành, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tổ chức và người dân, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, nhà trường, cá nhân về bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền của người DTTS ở nước ta thời gian tới.
TS. Nguyễn Thị Thanh Nga
Khoa Luật, Học viện Chính trị Công an nhân dân
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 5/2023
-----
Tài liệu trích dẫn
(1) Ủy ban Dân tộc (2020), Tổng cục thống kê: Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
(2) Anh Đức, Mỹ Phương (2023), Bảo đảm quyền bình đẳng của đồng bào dân tộc thiểu số, https://baobinhphuoc.com.vn, đăng ngày 4/7/2023, truy cập ngày 6/8/2023.
(3) Ủy ban Dân tộc (2021), Quyết định số 433/QĐ-UBDT, ngày 18/6/2021 của Ủy ban dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
(4) Việt Nam đề cao quyền bình đẳng của dân tộc thiểu số trên tinh thần “anh em như thể chân tay”, https://tgpl.moj.gov.vn, đăng ngày 9/8/2021, truy cập ngày 22/8/2023.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, NXB. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, tr. 265.
(6) Vụ Chính sách dân tộc (2021), Báo cáo tổng kết Đề án số 320/BC-CSDT, ngày 25/8/2021 của Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban dân tộc về kết quả thực hiện Quyết định số 2058/QĐ – TTg, ngày 31/10/2016, của Thủ tưởng Chính phủ, Hà Nội.
(7) Trần Quang Vinh (2023), Bảo đảm thực thi quyền bình đẳng - cốt lõi đoàn kết các dân tộc Việt Nam, Tạp chí Tuyên giáo, https://tuyengiao.vn, đăng ngày 22/6/2023, truy cập ngày 6/8/2023.
(8) Ủy ban dân tộc (2021), Báo cáo số 2111/BC- UBDT, ngày 31/12/2021 của Ủy ban dân tộc về việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP, ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020, định hướng năm 2030, Hà Nội.
(9) TS. Nguyễn Văn Hồi (2023), Chính sách trợ giúp xã hội, cứu trợ xã hội trong bảo đảm an sinh xã hội ở Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, số 7, 2023, 123.
(10) Đảng đoàn Quốc hội (2019), Báo cáo số 1300-BC/ ĐĐQH 14 ngày 3/6/2019 của Đảng đoàn Quốc hội.
(11) Đảng đoàn Quốc hội (2019), Báo cáo số 1300-BC/ ĐĐQH 14 ngày 3/6/2019 của Đảng đoàn Quốc hội.
(12) Dương Sao (2021), Tăng khả năng tiếp cận thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số, https://www.qdnd.vn, đăng ngày 30/5/2021.
(13) Thu Hiền (2023), Báo chí đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số, http://doingoailaocai.vn, đăng ngày 30/10/2022, truy cập ngày 24/8/2023.
(14) Đảng đoàn Quốc hội (2019), Báo cáo số 1300-BC/ ĐĐQH 14 ngày 3/6/2019 của Đảng đoàn Quốc hội.
(15) Lam Trinh (2023), Nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, https://moitruong.net.vn, đăng ngày 19/04/2023, truy cập ngày 21/8/2023.
(16) Anh Đức, Mỹ Phương (2023), Bảo đảm quyền bình đẳng của đồng bào dân tộc thiểu số, https://baobinhphuoc.com.vn, đăng ngày 4/7/2023, truy cập ngày 6/8/2023
(17) PGS. TS. Lương Quỳnh Khuê (2022), Chính sách an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Tạp chí Tri thức Xanh số 160 - 04/2022.
(18) Ủy ban Dân tộc (2020), Báo cáo số 298/UBDT-VP135 ngày 13/3/2020.