Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII đã thể hiện rõ nhận định của Đảng ta về tầm quan trọng, mối quan tâm và yêu cầu về thực hiện với vấn đề an ninh con người trên thế giới cũng như trong nước và bảo đảm an ninh con người là yêu cầu tất yếu, gắn liền với nhiều vấn đề an ninh khác và những vấn đề phát triển của toàn cầu.
Toàn cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nguồn: daihoi.lamdong.dcs.vn
Kỳ 2 - Quan điểm của Đảng ta về An ninh con người - Bảo đảm an ninh con người trong mối quan hệ với quyền con người ở Việt Nam hiện nay
Quan điểm của Đảng ta về An ninh con người
Ở Việt Nam, lần đầu tiên Đảng đã sử dụng thuật ngữ chính thức trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Đảng đánh giá, chúng ta: “Chưa nhận thức được đầy đủ vai trò của phát triển xã hội hài hòa, chưa có chính sách giải pháp kịp thời, hiệu quả với biến đổi cơ cấu, phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, kiểm soát rủi ro, giải quyết mâu thuẫn xã hội, bảo đảm an toàn xã hội, an ninh cho con người” và cần “Đẩy mạnh các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nan xã hội; giảm thiểu tai nạn giao thông; bảo đảm an toàn xã hội, an ninh con người”. [1]
Theo cách giải thích từ ngữ qua Văn kiện Đảng: Vấn đề An ninh con người đã được Liên hợp quốc và nhiều nước trên thế giới tiếp nhận như một tư duy mới có sức thuyết phục và có giá trị thực tiễn cao. Con người được đặt ở vị trí trung tâm của thời cuộc, của xã hội là hoàn toàn đúng. Xã hội suy cho cùng là xã hội do con người, của con người và vì con người. Thực hiện An ninh con người sẽ bổ sung và làm phong phú cho an ninh quốc gia và an ninh toàn cầu[2].
Như vậy, ở Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng đã nhận định rõ vai trò của An ninh con người ở những khía cạnh sau:
Một là, anh ninh con người là một giá trị, một tư duy mới và một phương pháp thực tiễn mà Liên hợp quốc và nhiều nước trên thế giới thừa nhận.
Hai là, bảo đảm an ninh con người có sự tương thích với quan điểm “lấy con người làm trung tâm” của Đảng và Nhà nước ta, do đó để thực hiện nhiệm vụ xây dựng đất nước của dân, do dân và vì dân thì bảo đảm an ninh con người là hoàn toàn phù hợp.
Ba là, an ninh con người gắn liền với an ninh quốc gia và an ninh toàn cầu.
Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII đã đề cập đến vấn đề an ninh con người một cách sâu sắc hơn. Đảng ta vẫn đặt ra nhận định : “Công tác lãnh đạo, quản lý, bảo đảm an ninh con người, trật tự, an toàn xã hội; sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, gây bức xúc xã hội”[3]. Trong Mục II- Tầm nhìn và định hướng phát triển, Đảng dự báo tình hình thế giới và đất nước những năm sắp tới: “Những vấn đề toàn cầu, như: bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường ... tiếp tục diễn biến phức tạp”[4]. Với nhận định như vậy, Đảng nêu lên trong phần: Các định hướng lớn bao quát những vấn đề phát triển quan trọng của đất nước trong giai đoạn 10 năm tới, với nhiều vấn đề mới, nổi bật, trong đó có “bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người”[5]; “5. Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 : (5) Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; …..[6] (7) ….Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. [7]
Như vậy, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII đã thể hiện rõ nhận định của Đảng ta về tầm quan trọng, mối quan tâm và yêu cầu về thực hiện với vấn đề an ninh con người trên thế giới cũng như trong nước và bảo đảm an ninh con người là yêu cầu tất yếu, gắn liền với nhiều vấn đề an ninh khác và những vấn đề phát triển của toàn cầu.
Bảo đảm an ninh con người trong mối quan hệ với quyền con người ở Việt Nam hiện nay
Ngày này, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội với nhiều thời cơ đồng thời cũng nhiều thách thức mới, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia. Việc bảo vệ an ninh quốc gia ngày nay không chỉ nằm ở việc bảo vệ đường biên giới mà nó đã mở rộng ra ở nhiều lĩnh vực khác. Vấn đề an ninh con người được đặt ra trong mối quan hệ với an ninh quốc gia truyền thống và phi truyền thống, với những vấn đề như sự bất ổn từ môi trường, từ tình trạng lao động di cư, từ tình trạng tội phạm xuyên quốc gia, tình trạng bệnh dịch, trong đó có Đại dịch Covid 19 đang rất trầm trọng hiện nay và thậm chí là tình trạng khủng bố có thể xảy ra bất cứ lúc nào trên toàn cầu. Điều đó cho thấy, vấn đề quyền con người có nhiều nguy cơ có thể không được bảo đảm. Quan điểm rất rõ ràng của Đảng ta đó là bảo đảm an ninh con người cũng như vai trò của cả hệ thống chính trị trong việc bảo đảm quyền con người là cơ sở lý luận khoa học, định hướng cho việc bảo đảm thực hiện trên thực tế, từ pháp luật đến thực tiễn.
Đảng vẫn luôn xác định phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện rõ quan điểm tham gia hoạt động trong các tổ chức/định chế quốc tế, liên minh kinh tế, diễn đàn khu vực, liên khu vực... nhằm phát triển nhanh đất nước, thực hiện các các cam kết quốc tế về mặt kinh tế cũng như về quyền con người.
Việc thực hiện bảo đảm An ninh con người tiếp cận từ các nguyên tắc và khía cạnh an ninh con người của Liên hợp quốc dựa trên quan điểm của Đảng cộng sản Việ Nam về quyền con người có thể nghiên cứu theo 2 nội dung sau:
Một là: Năm (5) nguyên tắc cơ bản trong phương pháp tiếp cận An ninh con người đã được vận dụng ở Việt Nam một cách phù hợp, theo bối cảnh và gắn bó với vấn đề quyền con người.
Nguyên tắc đầu tiên Lấy con người làm trung tâm (People-centred) được thể hiện rõ trong mọi chính sách, chủ chương đường lối của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt là các chủ chương chính sách đó luôn hướng tới nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật với rất nhiều chính sách cụ thể.
Nguyên tắc thứ hai là nguyên tắc Toàn diện (Comprehensive ) và nguyên tắc thứ ba là Đặc điểm bối cảnh (Context-specific) đòi hỏi những vấn đề an ninh con người ở Việt Nam được thực hiện một cách đồng bộ, tương tự như việc coi trọng mọi quyền con người là ngang nhau không có quyền nào quan trọng hơn quyền nào thì việc giải quyết đầy đủ những vấn đề được đặt ra trong thực tiễn đời sống của người dân luôn được thực hiện đồng thời. Trong những bối cảnh cụ thể như tình trạng mất an ninh lương thực hay tình trạng dịch bệnh xảy ra thì việc đưa ra những quyết định đúng đắn để giải quyết phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế thực hiện pháp luật. Hiến pháp Việt Nam tại điều 14: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.” và pháp luật Việt Nam quy định cả bộ máy nhà nước đều tham gia vào việc bảo đảm quyền con người và là các chủ thể trực tiếp bảo đảm an ninh con người trong thực tế.
Cơ chế bảo vệ quyền con người ở Việt Nam với các chủ thể nhà nước và phi nhà nước 6 với tổ chức chính trị xã hội lớn: Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội cựu chiến binh và các tổ chức xã hội nghền nghiệp, tổ chức nhân đạo từ thiện đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người. Các chủ thể đó, có chủ thể hoạt động theo điều lệ, có chủ thể hoạt động theo pháp luật, có chủ thể hoạt động dựa trên cả điều lệ và pháp luật song đều có một điểm chung đó là tạo ra khả năng phản biện xã hội, phát hiện và chỉ ra những bất cập trong xã hội có liên quan đến quyền con người, an ninh con người. Điều đó có nghĩa là ngyên tắc Định hướng phòng ngừa (Prevention-oriented), và nguyên tắc Bảo vệ và trao quyền (Protection and empowerment) hoàn toàn khả thi.
Hai là: Bảy (7) khía cạnh của an ninh con người trong thực tiễn cần tiếp tục được thúc đẩy, bảo đảm trong đời sống con người.
Đối với lĩnh vực An ninh kinh tế: Bảo đảm lĩnh vực này đòi hỏi Đảng và nhà nước ta quan tâm đến vấn đề việc làm và thu nhập của người lao động. Hiến pháp năm 2013 khẳng định quyền an sinh xã hội cho người dân (Điều 34: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”; Điều 59: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội”; Luật Việc làm năm 2013 với quy định “Việc làm là hoạt động lao động tạo ra thu nhập mà không bị pháp luật cấm” đã tạo ra một sân chơi rộng rãi hơn cho người lao động trong việc thực hiện quyền lựa chọn nghề nghiệp, luật này cũng mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Bộ Luật Lao động sửa đổi 2020 cũng có nhiều quy định mới bảo đảm quyền về việc làm và thu nhập. Đó là những văn bản pháp luật quan trọng thể hiện rõ yêu cầu bảo đảm an ninh kinh tế và quyền con người cơ bản đó là quyền an sinh xã hội. Trên thực tiễn, thách thức về việc làm và thu nhập ở một quốc gia đang phát triển như nước ta là không hề nhỏ, đặc biệt là trước yêu cầu về năng lực, trình độ của người lao động trong bối cảnh toàn cầu hoá vẫn là một đòi hỏi đặt ra cho nước nhà trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng.
Trong lĩnh vực An ninh lương thực: Là một quốc gia có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhưng Đảng và Nhà nước luôn nhận thức cao về vấn đề an ninh lương thực, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”. Trách nhiệm bảo đảm an ninh lương thực của nhà nước nhằm bảo đảm quyền được tiếp cận nguồn lương thực và quan trọng hơn là nguồn lương thực “có chất lượng, sạch và đảm bảo dinh dưỡng” như quan điểm của cộng đồng quốc tế. Thách thức trong lĩnh vực này lại gắn với một lĩnh vực an ninh con người khác đó chính là An ninh môi trường. Hiện nay, tình trạng biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường đã đặt ra không chỉ cho Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới những khó khăn phải đối mặt như tình trạng nước biển dâng, ô nhiễm nguồn nước, suy thoái môi trường biển, suy thoái rừng… Tình trạng đó có thể dẫn tới quyền về kế sinh nhai của người dân không được bảo đảm do diện tích đất canh tác bị thu hẹp, diện tích rừng và mặt biển bị hạn chế khai thác… Vì vậy, những giải pháp về an ninh lương thực đòi hỏi Nhà nước, các tổ chức, trước hết là Hội nông dân, Đoàn thanh niên … cần có những giải pháp về tăng năng suất, chuyển hướng canh tác, tăng thu nhập qua xuất khẩu để bảo đảm quyền có mức sống đủ và quyền tiếp cận lương thực của con người. Nói cách khác đó phát huy vai trò của các tổ chức hay là trao quyền cho chính mỗi cá nhân trong việc giải quyết những vấn đề gắn với chính an ninh con người (Nguyên tắc Bảo vệ và trao quyền (Protection and empowerment))
Trong lĩnh vực An ninh y tế: Thách thức với nhân loại hiện nay là phải đẩy lùi các dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm cho con người.
Ở Việt Nam, thực hiện quyền chăm sóc sức khỏe được quy định cụ thể trong pháp luật. Quyền về chăm sóc sức khỏe được quy định cụ thể tại Điều 38 Hiến pháp Việt Nam năm 2013:“1. Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng”. Nhà nước Việt Nam đã có một hệ thống các văn bản pháp luật phù hợp với pháp luật quốc tế về quyền được chăm sóc sức khỏe của con người, cụ thể là Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, Luật Khám chữa bệnh năm 2009, Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi bổ sung năm 2014, Luật Dược năm 2016. Đây là nền tảng vững chắc cho việc bảo đảm an ninh y tế.
Trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới cũng như Việt Nam đang phải đối mặt với Đại dịch Covid 19, chúng ta càng nhận rõ tầm quan trọng của An ninh y tế. Quá trình chống chọi với giặc Covid trong hơn một năm khẳng định sự cần thiết phải xây dựng một hệ thống chính trị và hệ thống xã hội từ cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và sự tham gia của cộng đồng trong việc nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, chuẩn bị và ứng phó với dịch bệnh và các tình huống y tế công cộng khẩn cấp. Bên cạnh đó, an ninh y tế đòi hỏi Nhà nước phải đặt ra cách thức giải quyết những khó khăn liên quan đến An ninh môi trường như tác hại do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu gây ra đối với sức khoẻ, vấn đề nước sạch, các giải pháp liên quan khác trong y tế lao động như phòng, chống tai nạn, thương tích và bệnh nghề nghiệp, và an toàn giao thông.
Lĩnh vực An ninh cá nhân: Đảng và Nhà nước khẳng định quyền con người là giá trị quan trọng mà cộng đồng nhân loại đều hướng tới, theo nghĩa hẹp điều đó có nghĩa là một người được bảo vệ sự tự do, hạnh phúc trên chính đất nước mình. Con người có thể phải đối mặt với sự xâm phạm về thân thể, bị bắt giữ hoặc cũng có thể bị xâm phạm về tinh thần gây ảnh hưởng đến đời sống- đó chính là sự vi phạm tới An ninh cá nhân. Trong thời đại ngày nay, con người không chỉ phải đối mặt với nguy cơ bị tra tấn, nguy cơ bị bạo hành trong gia đình mà còn đối mặt với nhứng thách thức khác về an ninh cá nhân. Cách mạng công nghệ 4.0 mang đến nhiều lợi ích, song cũng mang tới thách thức cho quyền riêng tư. An ninh cá nhân cũng có thể không được bảo đảm khi quyền riêng tư của con người bị xâm phạm, những thông tin cá nhân bị phanh phui. Hiện nay, Việt Nam cần có những quy định cụ thể và rõ ràng hơn trong lĩnh vực này để cụ thể hoá hơn nữa Điều 21 Hiến pháp 2013
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luậtthư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Lĩnh vực an ninh cộng đồng và lĩnh vực an ninh chính trị là những lĩnh vực nhiều đặc thù Việt Nam. Chính sách đại đoàn kết dân tộc và quan điểm, đường lối bảo đảm quyền con người cho tất cả các tầng lớp nhân dân trong xã hội đã tạo nên đặc điểm riêng của an ninh cộng đồng và anh ninh chính trị ở Việt Nam. “54 dân tộc anh em” thể hiện rõ ở đường lối của Đảng với nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc và chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục với đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng. Việc bảo đảm quyền giữ gìn bản sắc văn hoá, ngôn ngữ, chữ viết được Đảng và nhà nước quan tâm. Mặc dù vậy, những thách thức từ sự tác động của các thế lực thù địch vẫn là nguy cơ tác động tới an ninh cộng đồng. Những vấn đề nóng ở “ba Tây”, những vấn đề liên quan tới “tôn giáo lạ” ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống vấn là những thách thức đối với bảo đảm an ninh cộng đồng ở Việt Nam. Việc bảo đảm tốt quyền tự do ngôn luận, tự do tham gia vào quản lý nhà nước và xã hội, bảo đảm các quyền con người về kinh tế, văn hoá và giáo dục là cơ sở của an ninh chính trị và cũng là mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta.
Như vậy, ở Việt Nam các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức khác và cơ quan truyền thông có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh con người. Một trong những nội dung trọng yếu để bảo đảm an ninh con người chính là giáo dục quyền con người cho người dân. Am hiểu quyền và am hiểu giới hạn quyền con người của mình, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật sẽ tạo ra “cơ chế tự quản lý” trong việc bảo đảm an ninh con người đối với mỗi cá nhân, giảm bớt áp lực trong quản lý xã hội cho cơ quan Nhà nước.
TS. Trần Thị Hồng Hạnh
Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII,2016, tr. 134, 135)
[2] Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XII của Đảng, NXBCTQG – ST,H,2016)
[3] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, Tập 1 Tr. 34
[4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, Tập 1 Tr. 106
[5] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, Tập 1 Tr. 37
[6] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, Tập 1 Tr. 116
[7] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, Tập 1 Tr. 117