Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII đã thể hiện rõ nhận định của Đảng ta về tầm quan trọng, mối quan tâm và yêu cầu về thực hiện với vấn đề an ninh con người trên thế giới cũng như trong nước và bảo đảm an ninh con người là yêu cầu tất yếu, gắn liền với nhiều vấn đề an ninh khác và những vấn đề phát triển của toàn cầu.
Ảnh minh họa. Nguồn:hdll.vn
Kỳ 1: Sự hình thành, phát triển và nội hàm của khái niệm An ninh con người theo quan điểm quốc tế
Cộng đồng quốc tế đã cùng nhau thừa nhận giá trị cao cả của Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948. Tuyên ngôn này đã thể hiện khao khát chung của nhân loại đó là con người cần được “tự do thoát khỏi sự sợ hãi và tự do làm điều mình muốn”( freedom from fear and want), điều đó có nghĩa rằng, để được sống trong nhân phẩm, sống trong đầy đủ giá trị người con người cần được bảo đảm an ninh về cả thể chất và tinh thần.
Trước khi chấm dứt “Trật tự thế giới hai cực Ianta” và một trật tự thế giới mới được hình thành, đã có những học giả xem xét khái niệm an ninh theo nghĩa rộng, trong đó quan tâm đến khía cạnh cá nhân của con người. Cho đến năm 1994, lần đầu tiên UNDP đưa ra khái niệm An ninh con người: “Khái niệm an ninh từ lâu đã được diễn giải một cách hạn hẹp là an ninh lãnh thổ trước sự xâm lược bên ngoài, hoặc sự bảo vệ lợi ích quốc gia trong chính sách đối ngoại, hoặc là an ninh toàn cầu trước mối đe dọa hủy diệt hàng loạt do vũ khí hạt nhân…Những mối quan tâm hợp pháp của những người dân thường vốn tìm kiếm an ninh trong cuộc sống thường ngày của họ đã bị lãng quên”[1]
Sau đó, nhiều cuộc hội nghị quốc tế mang tính lịch sử đã diễn ra: Hội nghị Thế giới về Quyền con người tại Vienna vào tháng 6 năm 1993 và Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển ở Cairo vào tháng 9 năm 1994. Vào tháng 3 năm 1995, Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển Xã hội sẽ được tổ chức tại Copenhagen. Nó sẽ diễn ra trước Hội nghị Quốc tế lần thứ tư về Phụ nữ: Hành động vì Bình đẳng, Phát triển và Hòa bình, sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 9 năm 1995, và Hội nghị Môi trường sống lần thứ hai về Định cư cho Con người được tổ chức tại Istanbul vào năm 1996. Trong các Hội nghị này các khái niệm gắn với an ninh con người và quyền con người được thảo luận, theo đó An ninh con người ("new concept of ’human security’") [2] như một “khái niệm mới” và gắn với quyền con người ("human rights"), an ninh cá nhân ("the personal security of individuals and communities, based on sufficient income, education, health and housing should be given priority") và phát triển xã hội (social development).
Cho đến nay, cũng chưa có sự thừa nhận một khái niệm chung thống nhất về an ninh con người trên thế giới, song cộng đồng nhân loại đều hướng tới việc ghi nhận An ninh con người là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển con người, là mục tiêu của hợp tác phát triển.
Báo cáo phát triển con người năm 1994 chỉ ra bảy khía cạnh thiết yếu của an ninh con người: 1) Kinh tế (Economic), 2) Sức khỏe (Health), 3) Cá nhân (Personal), 4) Chính trị( Political), 5) Thực phẩm (Food), 6) Môi trường• (Environmental) và 7) Cộng đồng( Community). Theo đó: An ninh kinh tế bao gồm thu nhập và việc làm cơ bản được bảo hiểm và truy cập vào mạng lưới an toàn xã hội. An ninh lương thực gồm dinh dưỡng cơ bản và cung cấp thực phẩm. An ninh y tế gồm tiếp cận nước an toàn, sống trong môi trường an toàn, tiếp cận các dịch vụ y tế; tiếp cận kế hoạch hóa gia đình an toàn, giá cả phải chăng và hỗ trợ cơ bản trong khi mang thai và sinh; phòng chống HIV/AIDS và các bệnh khác và để có kiến thức cơ bản để sống một cuộc sống khỏe mạnh. An ninh môi trường là/và bao gồm các vấn đề như phòng ngừa ô nhiễm nước, ngăn ngừa ô nhiễm không khí, phòng chống phá rừng, bảo tồn đất tưới tiêu, phòng chống các nguy cơ tự nhiên như hạn hán, lũ lụt, lốc xoáy, động đất… An ninh cộng đồng gồm bảo tồn truyền thống, văn hóa, ngôn ngữ và các giá trị phi vật chất khác thường được tổ chức. Nó cũng gồm xóa bỏ phân biệt đối xử, ngăn ngừa xung đột sắc tộc và bảo vệ người bản địa. An ninh chính trị liên quan bảo vệ quyền con người và hạnh phúc của mọi người. Bao gồm bảo vệ chống lại mọi sự đàn áp của Nhà nước, bảo đảm các quyền như tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do bỏ phiếu. Bãi bỏ giam cầm chính trị, tù đày, đối xử tệ bạc có hệ thống và mất tích cũng được bảo vệ trong sự ổn định chính trị.
Theo đó, cách thách thức trong việc bảo đảm An ninh con người cũng được đặt ra với những khía cạnh sau:
Bảng 1: [3]
Các hình thức mất an ninh con người và nguyên nhân gốc rễ có thể xảy ra
Hình thức mất an ninh con người |
Nguyên nhân gốc rễ |
Mất an ninh kinh tế |
Nghèo dai dẳng, thất nghiệp, thiếu khả năng tiếp cận tín dụng và các cơ hội kinh tế khác
|
Mất an ninh lương thực |
Đói và giá lương thực tăng đột biến |
Mất an ninh sức khoẻ |
Dịch bệnh, suy dinh dưỡng, điều kiện vệ sinh kém, không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản
|
Mất an ninh môi trường |
Suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên, thiên tai
|
Mất an ninh cá nhân |
Bạo lực thể xác dưới mọi hình thức, bắt người, lao động trẻ em
|
Mất an ninh cộng đồng |
Căng thẳng đa sắc tộc, tôn giáo và các căng thẳng dựa trên bản sắc khác, tội phạm, khủng bố
|
Mất an ninh chính trị |
Đàn áp chính trị, vi phạm quyền con người, thiếu pháp quyền và công lý
|
Các yếu tố trên thể hiện rõ những vấn đề bất ổn từ góc độ an ninh con người và đòi hỏi đặt ra đối với mỗi quốc gia là cần xoá bỏ những nguy cơ gốc rễ đó. Cho đến nay, người ta cho rằng những khía cạnh của An ninh con người không chỉ có 7 khía cạnh. Với cách nhìn nhận An ninh con người là một “Phương pháp tiếp cận”( The human security approach), một số học giả cho rằng danh mục 7 yếu tố này không toàn diện và không cụ thể, trong khi Hiến chương Liên hợp quốc đề cập rõ ràng hơn đến "các quyền tự do cơ bản". Các Báo cáo phát triển xã hội của các quốc gia và khu vực nhằm giải quyết các loại mối đe dọa và giá trị khác nhau có thể sử dụng phương pháp tiếp cận an ninh con người để phân tích các vấn đề xảy ra[4].
Có thể hiểu, việc xác định những vấn đề, khía cạnh An ninh con người sẽ có những lát cắt khác nhau, song cần thể hiện được cách thức giải quyết các vấn đề xảy ra trong phạm vi một quốc gia, khu vực dựa trên một cơ sở chung, nhằm bảo đảm con người được sống trong tự do và nhân phẩm. Liên hợp quốc và các quốc gia đã đưa ra 5 nguyên tắc cơ bản trong phương pháp tiếp cận An ninh con người đó là: 1)Lấy con người làm trung tâm(People-centred), 2)Toàn diện (Comprehensive ), 3)Đặc điểm bối cảnh (Context-specific), 4)Định hướng phòng ngừa(Prevention-oriented), 5)Bảo vệ và trao quyền (Protection and empowerment)[5].
TS. Trần Thị Hồng Hạnh
Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Báo cáo Phát triển Con người, ấn phẩm hàng năm của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (Human Development Report, UNDP, 1994)
[2] The world summit for social development and the international covenant on economic, social and cultural rights (Tenth session)
[3] HUMAN SECURITY HANDBOOK - An integrated approach for the realization ofthe Sustainable Development Goals and the priority areas of the international community and the United Nations system, 2016, pg 7
[4] Qscar a. Gómez and Des Gasper, Human Security , A Thematic Guidance Note for Regional and National Human Development Report Teams, UNDP 2013
[5] HUMAN SECURITY HANDBOOK - An integrated approach for the realization ofthe Sustainable Development Goals and the priority areas of the international community and the United Nations system, 2016