Bài viết trình bày khung khổ để xác định và ưu tiên các hành động chính sách nhằm giải quyết các thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra và đảm bảo phục hồi bền vững kinh tế, xã hội, môi trường. Khung khổ này cho phép các nhà hoạch định chính sách đánh giá hậu quả dự kiến của các lựa chọn chính sách khác nhau, ưu tiên lựa chọn mục tiêu chính sách và phân bổ các nguồn lực nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp và lợi ích hài hòa, đạt được các giải pháp chính sách có tính liên kết cho sức khỏe, nền kinh tế và môi trường.
Nhân viên y tế điều trị cho F0 nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội.
Nguồn: tuyengiao.vn
Từ cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 bùng phát, từ một cuộc khủng hoảng sức khỏe, đã trở thành một nguy cơ toàn cầu có hệ thống (systemic global risk)1 đặt ra những thách thức chưa từng có cho thế giới, đe dọa sự tồn vong của nhân loại cũng như khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu. Hầu hết các quốc gia đều phải đối mặt với khủng hoảng y tế công và nguy cơ đổ vỡ của hệ thống chính sách an sinh xã hội, kéo theo sự suy giảm nghiêm trọng của phát triển kinh tế, xã hội, giao thương trong nước và quốc tế. Mọi quốc gia đều đối diện với thách thức, nhưng các quốc gia có thu nhập thấp và đang phát triển, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt với một tình huống khó khăn hơn các quốc gia khác do cơ sở hạ tầng y tế, nguồn lực tài chính, nhân lực y tế và năng lực đáp ứng của chính phủ còn hạn chế.2
Bản chất liên kết của cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra đòi hỏi cách tiếp cận tổng hợp và hành động phối hợp mang tính quốc gia và quốc tế để xử lý, do đó làm phức tạp thêm việc đưa ra các lựa chọn chính sách của các chính phủ. Việc xác định bộ chính sách và công cụ tốt nhất để giải quyết các thách thức của đại dịch Covid-19 và điều chỉnh nó tương thích với các mục tiêu xã hội rộng lớn hơn là rất quan trọng để phục hồi bền vững sau đại dịch. Thực tế này đặt ra thách thức mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt là làm thế nào để ưu tiên các chính sách nhằm đạt được các mục tiêu liên kết giữa quản lý khủng hoảng y tế, phục hồi nền kinh tế và đạt được sự bền vững về môi trường.
Khung khổ xác định ưu tiên chính sách trong khủng hoảng y tế công là hệ thống các nguyên tắc, tiêu chí được sử dụng để xác định, lựa chọn các ưu tiên chính sách và phân bổ các nguồn lực, nhằm hướng tới các hành động tạo ra sức mạnh tổng hợp, có tác động lan tỏa và đạt được các giải pháp liên kết cho sức khỏe, kinh tế và môi trường, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch, cứu sống con người, đảm bảo sinh kế, công bằng và an sinh xã hội; đảm bảo khả năng phục hồi và phát triển bền vững của kinh tế, xã hội.
Có 04 mục tiêu quan trọng của chính sách trong bối cảnh khủng hoảng y tế công mà mọi quốc gia đều phải thực hiện là: Cứu sống con người và đảm bảo sinh kế cho người dân; Công bằng trong tiếp cận các dịch vụ công và an sinh xã hội; Đảm bảo tính hiệu quả của các chương trình, dự án chính sách; Khả năng phục hồi và tính bền vững của sự phát triển kinh tế - xã hội. Các tiêu chí này là trung tâm của khung khổ và là tiêu chí tổng quát để đánh giá mức độ hiệu quả của chính sách trong thực tiễn. Căn cứ vào các tiêu chí cơ bản này, khung khổ xác định ưu tiên chính sách trong khủng hoảng y tế công sẽ bao gồm các thành phần chủ yếu sau:
Thứ nhất, thiết lập các nguyên tắc và tiêu chí để xác định các ưu tiên chính sách
Ưu tiên là một khái niệm đa chiều và có thể được nhìn nhận từ các khía cạnh khác nhau. Thiết lập mức độ ưu tiên là một quá trình phức tạp liên quan đến việc đưa ra các quyết định về việc phân bổ các nguồn lực để cải thiện các mục tiêu chính sách. Mối quan tâm, động cơ và lợi ích của các bên liên quan sẽ khác nhau, do đó, việc sắp xếp thứ tự ưu tiên cần phải dựa trên các tiêu chí đã được lựa chọn và thống nhất một cách rõ ràng.
Từ góc độ luân lý và đạo đức, quản lý các mối đe dọa hiện có và đang nổi lên đối với cuộc sống nhân dân là nghĩa vụ xã hội và trách nhiệm chính của các quốc gia3. Do đó, ưu tiên cao nhất cần được dành cho các lựa chọn chính sách nhằm cứu sống con người bằng cách giảm thiểu rủi ro sức khỏe, cải thiện chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu dịch bệnh và đảm bảo cung cấp các dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội thiết yếu nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người như tiếp cận thực phẩm, nước sinh hoạt và nơi trú ẩn an toàn4. Từ quan điểm hiệu quả, các lựa chọn ưu tiên chính sách cần được tính đến tiện ích tạo ra và hiệu quả chi phí, vì nguồn lực là hữu hạn5. Do đó, ưu tiên cao nhất cần được dành cho các lựa chọn chính sách có hiệu quả về chi phí thấp nhất và tạo ra lợi ích xã hội ròng tối đa. Tuy nhiên, hiệu quả về chi phí là quan trọng nhưng không nên xem là tiêu chí duy nhất; cần dành sự ưu tiên cao cho việc bảo vệ những nhóm người có nguy cơ cao nhất và hướng đến phục vụ những người thiếu thốn nhất ngay cả khi điều này ít hiệu quả hơn về mặt chi phí6. Vì vậy, cần ưu tiên cao cho các lựa chọn chính sách nhằm nâng cao các lợi ích lâu dài về xã hội, kinh tế và môi trường, tạo cơ sở cho khả năng phục hồi lâu dài và xây dựng năng lực đối phó với các thách thức trong tương lai.
Thứ hai, thiết lập cơ chế điều phối đa ngành
Lãnh đạo là hết sức quan trọng để đối phó hiệu quả với khủng hoảng sức khỏe nhân dân trong đại dịch cũng như thu hút và phối hợp các hành động, các bên liên quan để đạt được mục tiêu phòng chống dịch bệnh và các mục tiêu kinh tế-xã hội khác. Việc thiết lập cơ chế điều phối đa ngành bao gồm các nội dung chính: Xác định một cơ quan điều phối chính; phát triển một quy trình điều phối hiệu quả và thu hút nhiều bên liên quan trong và ngoài hệ thống y tế tham gia7. Một cơ quan điều phối đa ngành của quốc gia cho phép thiết lập một cơ chế và phát triển một giao thức để điều phối cả hoạt động hành chính (chức năng) và chính sách (chiến lược) của các tổ chức khác nhau. Trọng tâm của điều phối chức năng là xây dựng sự đồng thuận và đảm bảo sự hợp tác nhịp nhàng trong và giữa các tổ chức chủ chốt tham gia vào quá trình lập kế hoạch. Điều phối chính sách tập trung vào việc cải thiện tính nhất quán của chính sách và phát triển các chính sách nhất quán để cải thiện sự hợp đồng giữa các tổ chức, địa phương. Điều phối hành chính hiệu quả là điều kiện tiên quyết để phối hợp chính sách thành công.
Việc thiết lập cơ chế điều phối đa ngành bao gồm các nội dung chính: Xác định một cơ quan điều phối chính; phát triển một quy trình điều phối hiệu quả và thu hút nhiều bên liên quan trong và ngoài hệ thống y tế tham gia8. Các bên liên quan chính có thể là các cơ quan chính của chính phủ như y tế (bao gồm các chuyên gia y tế công cộng), tài chính, an ninh, nước, thực phẩm và thương mại cũng như các chuyên gia, các tổ chức tư vấn và cả các tổ chức chính phủ và phi chính phủ khác. Sự điều phối tổng thể vẫn thuộc chính phủ hoặc ngành y tế hoặc tổ chức điều phối được chính phủ thành lập (có thẩm quyền huy động các bộ và cơ quan, ban ngành), hoặc một ủy ban liên bộ, ngành. Cơ quan điều phối quốc gia có thể là một cơ cấu hoặc đơn vị duy nhất như Bộ Y tế hoặc cơ cấu đa lĩnh vực thuộc Chính phủ9. Cơ quan điều phối quốc gia có đại diện rộng rãi các bộ, ngành, bao gồm cả các nhà lãnh đạo chính trị và các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan; đồng thời phải có đủ thẩm quyền triệu tập và ra quyết định, cũng như khả năng giải quyết các vấn đề chiến lược bao gồm điều phối chính sách.
Thứ ba, thống nhất nhận thức và mục tiêu chính sách
Một trong những bước cơ bản trong quá trình xác lập các ưu tiên chính sách là phá sự ngăn cách giữa các ngành và gắn kết mối quan tâm của các cơ quan khác nhau để thống nhất sự hiểu biết, nhận thức chung về các mục tiêu chính sách, mục tiêu chiến lược, các nhu cầu ngắn hạn và dài hạn của quốc gia10. Tạo cơ sở để đạt được sự đồng thuận về các chiến lược đa hướng nhắm đến các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của phòng, chống đại dịch Covid-19. Để tránh xung đột chính sách, việc lựa chọn chính sách chiến lược và các chương trình, dự án chính sách cần phải lưu ý đến các mục tiêu xã hội rộng lớn hơn cũng như tiên liệu các xung đột chính sách tiềm ẩn có thể xảy ra. Trọng tâm ưu tiên chính sách ngắn hạn sẽ là nhằm quản lý cuộc khủng hoảng sức khỏe trước mắt, đảm bảo lương thực và dinh dưỡng, tạo việc làm ngắn hạn để giúp nền kinh tế tồn tại, xã hội ổn định. Trong trung hạn sẽ là thúc đẩy các hoạt động kinh tế nhằm phục hồi tài chính và kinh tế và trong dài hạn là nhằm chuyển đổi hoặc đưa nền kinh tế phát triển thông qua thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong dài hạn, giảm bất bình đẳng, xây dựng tính liên kết và khả năng chống chịu của xã hội, bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường. Các mục tiêu khác nhau được liên kết chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau chỉ khi các hệ thống y tế, kinh tế, xã hội và môi trường được kết nối với nhau11. Các mục tiêu của ưu tiên chính sách cần được chia sẻ để cung cấp cơ sở cho việc xây dựng các tiêu chí và hướng dẫn cụ thể để sắp xếp thứ tự ưu tiên phù hợp.
Cần tạo cơ sở để đạt được sự đồng thuận về các chiến lược đa hướng nhắm đến các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của phòng, chống đại dịch Covid-19. Để tránh xung đột chính sách, việc lựa chọn chính sách chiến lược và các chương trình, dự án chính sách cần phải lưu ý đến các mục tiêu xã hội rộng lớn hơn cũng như tiên liệu các xung đột chính sách tiềm ẩn có thể xảy ra. Trọng tâm ưu tiên chính sách ngắn hạn sẽ là nhằm quản lý cuộc khủng hoảng sức khỏe trước mắt, đảm bảo lương thực và dinh dưỡng, tạo việc làm ngắn hạn để giúp nền kinh tế tồn tại, xã hội ổn định. Trong trung hạn sẽ là thúc đẩy các hoạt động kinh tế nhằm phục hồi tài chính và kinh tế và trong dài hạn là nhằm chuyển đổi hoặc đưa nền kinh tế phát triển thông qua thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong dài hạn, giảm bất bình đẳng, xây dựng tính liên kết và khả năng chống chịu của xã hội, bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, xây dựng sự đồng thuận giữa các cơ quan trong và ngoài hệ thống y tế là một nhiệm vụ quan trọng, nhằm tạo ra sự nhất trí trong hành động. Việc sắp xếp các lợi ích khác nhau để hỗ trợ các mục tiêu đã thống nhất và xây dựng sự đồng thuận thông qua trao đổi cởi mở và hợp tác hiệu quả là rất quan trọng đối với ưu tiên chính sách trong việc quản lý các thách thức của đại dịch Covid-19 và phục hồi nền kinh tế bền vững. Trong nỗ lực xây dựng sự đồng thuận về các mục tiêu chính sách và duy trì sự hiểu biết chung, lợi ích, nhu cầu và vị trí của các bên liên quan khác nhau cần được hiểu và đánh giá dựa trên các tiêu chí cơ bản nêu trên.
Thứ tư, xác định các chiến lược thực hiện mang lại hiệu quả tổng hợp
Khi đã đạt được đồng thuận về các ưu tiên chính sách và tiêu chí ưu tiên, bước tiếp theo là xây dựng các chiến lược để thực hiện tổng hợp và phối hợp các biện pháp chính sách khác nhau. Nhằm mang lại hiệu quả tổng hợp bằng cách đạt được nhiều mục tiêu cùng một lúc với lợi ích cho cả bảo vệ sức khỏe nhân dân và phục hồi kinh tế. Ngoài các tiêu chí cơ bản để đánh giá các ưu tiên, các nước nói chung đều ưu tiên cung cấp việc làm và thu nhập cho người nghèo và dễ bị tổn thương12. Từ đó, chiến lược thực hiện được sử dụng thường bao gồm đầu tư vào các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động để ngay lập tức tạo ra việc làm, đồng thời tạo ra tác động cấp số nhân cho nền kinh tế thông qua thúc đẩy tăng trưởng và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Chẳng hạn, tăng đầu tư vào các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Vì các loại hình doanh nghiệp này có thể nhanh chóng mang lại việc làm và thu nhập cho dân cư, đồng thời kích thích nền kinh tế địa phương thông qua việc sử dụng các nguồn lực tại chỗ và gia tăng nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất13. Tuy nhiên, kết quả của các chiến lược như vậy sẽ phụ thuộc vào điều kiện của địa phương và cách thức mà các chương trình, dự án chính sách được thiết kế và thực hiện.
Để giải quyết những thách thức do đại dịch Covid-19 tạo ra, cần phải lựa chọn các phương án chính sách hỗ trợ và không làm giảm, cản trở việc đạt được các mục tiêu chính sách chiến lược khác14. Các lựa chọn ưu tiên chính sách mang lại hiệu quả tổng hợp và phù hợp với các mục tiêu chiến lược quan trọng khác của quốc gia cần được ưu tiên. Chẳng hạn, chính sách ưu tiên tạo việc làm ở các vùng nông thôn thông qua trồng các loại cây giàu dinh dưỡng, có giá trị cao có thể tạo ra việc làm cho những người thất nghiệp trong khu vực nông thôn và hỗ trợ mục tiêu cải thiện sức khỏe nhân dân thông qua dinh dưỡng tốt hơn15. Cần tránh hoặc giảm thiểu các lựa chọn chính sách sẽ làm hạn chế việc đạt được các mục tiêu khác hoặc làm suy yếu khả năng phục hồi lâu dài của nền kinh tế đất nước.
Thứ năm, điều chỉnh các công cụ chính sách để cải thiện tính nhất quán của chính sách
Các chính phủ có thể sử dụng các công cụ chính sách khác nhau như các công cụ tài chính, hành chính và thị trường… để tác động đến lựa chọn và hành vi của người dân, qua đó đạt được các mục tiêu phòng chống dịch bệnh và mục tiêu kinh tế, xã hội mong muốn16. Khi các phương án chính sách đã được xác định bằng cách sử dụng phương pháp tiếp cận chiến lược phù hợp, các biện pháp và công cụ chính sách được lựa chọn cần phải phù hợp để tối đa hóa tiềm năng thành công trong việc đạt được các mục tiêu chính sách phòng chống khủng hoảng y tế và các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường khác. Nguyên tắc cần phải tuân thủ là việc điều chỉnh các công cụ chính sách để cải thiện tính nhất quán của chính sách đối với các mục tiêu sức khỏe, kinh tế, xã hội và môi trường là các công cụ chính sách của một mục tiêu này không làm suy yếu các công cụ chính sách của mục tiêu khác17. Chẳng hạn, hỗ trợ việc làm thông qua việc trồng thuốc lá để có thu nhập bằng tiền ở các vùng nông thôn có thể làm tăng thu nhập cư dân địa phương nhưng lại cản trở mục tiêu đạt được sức khỏe tốt. Tương tự như vậy, trợ cấp phân bón hóa học và thuốc trừ sâu để tăng năng suất cây trồng có thể dẫn đến ô nhiễm nước và không khí và do đó cũng làm thất bại mục tiêu đạt được sức khỏe tốt18. Hay việc khuyến khích trồng các loại cây ăn mòn đất như sắn trên vùng đồi để mang lại thu nhập cao hơn trong ngắn hạn có thể làm trầm trọng thêm xói mòn đất, thoái hóa đất và làm suy giảm năng suất cũng như tính bền vững trong dài hạn.
Một phương cách khác để cải thiện tính nhất quán của chính sách ứng phó khủng hoảng y tế công là quản lý tốt các yếu tố tác động từ bên ngoài, nhất là trong các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế hậu khủng hoảng. Yếu tố ngoại tác tích cực hoặc tiêu cực là hậu quả của hoạt động công nghiệp hoặc thương mại ảnh hưởng đến các bên khác mà điều này không được phản ánh trong giá cả thị trường. Ví dụ, khi ong nuôi để lấy mật thụ phấn cho các cây trồng xung quanh thì sẽ có một ngoại cảnh tích cực đối với chủ sở hữu của cây trồng19. Nhưng chất thải công nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến lợi thủy sản, các cộng đồng dân cư ở hạ nguồn phải chịu tác động tiêu cực đến từ bên ngoài làm giảm thu nhập và ảnh hưởng đến sức khỏe. Các tác động bên ngoài tiêu cực do quá trình sản xuất có thể bao gồm ô nhiễm môi trường, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và suy thoái hệ sinh thái, tất cả đều có thể ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và sức khỏe hành tinh, do đó có liên quan mật thiết đến sức khỏe con người20. Do các tác động từ bên ngoài đến chính sách vốn không được thiết kế để gánh chịu các chi phí của chính sách mà nó tác động, nên các công cụ chính sách cần được lựa chọn để tạo ra các yếu tố không khuyến khích đối với ngoại tác tiêu cực thông qua thuế, tiền phạt hoặc phí và khuyến khích ngoại tác tích cực thông qua trợ cấp, phần thưởng hoặc các ưu đãi khác. Vì vậy, việc thiết kế các công cụ chính sách để tối đa hóa các tác động tích cực và giảm thiểu các tác động tiêu cực từ bên ngoài là giải pháp tốt để đạt được các mục tiêu xã hội của chính sách21.
Một phương pháp khác hay được sử dụng để nâng cao tính nhất quán của chính sách phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội trong khủng hoảng y tế công là dung hòa các lợi ích cá nhân và xã hội. Do các nhà đầu tư tư nhân không bị yêu cầu phải xem xét các hậu quả xã hội rộng lớn, gián tiếp đối với các quyết định của họ như: hàng hóa xã hội có xu hướng thấp hơn hàng hóa tư nhân được sản xuất nhiều hơn22. Chính sự khác biệt giữa lợi ích tư nhân và xã hội này dẫn đến sản xuất hàng hóa xã hội thường ở dưới mức tối ưu như y tế công cộng, giao thông công cộng, không khí sạch, nước sạch, giáo dục, nghiên cứu và đổi mới…là các yếu tố tạo ra các tác động bên ngoài tích cực cho xã hội. Mặt khác, các nhà đầu tư tư nhân không thể trực tiếp thu được toàn bộ lợi ích được tạo ra từ hàng hoá xã hội và do đó đầu tư vào hàng hoá xã hội nằm ngoài lợi ích của họ. Nhưng do các chính phủ thể chỉ cung cấp các hàng hóa xã hội cần thiết và sự tham gia của khu vực tư nhân là rất quan trọng để lấp đầy khoảng cách giữa nhu cầu hàng hóa công và năng lực tài chính của nhà nước. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng các cơ chế thích hợp để khuyến khích đầu tư tư nhân vào các hàng hóa xã hội, bao gồm cả việc cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân23. Khi các biện pháp khuyến khích là không đủ, các cải cách chính sách điều chỉnh việc sử dụng không bền vững các nguồn lực và áp đặt các tiêu chuẩn và thủ tục để nội bộ hóa các chi phí bên ngoài và kiểm soát ô nhiễm cần được được ưu tiên để đảm bảo sức khỏe, sinh mạng người dân và đảm bảo nguồn cung các hàng hóa thiết yếu. Ví dụ, quy định cấm việc buôn bán động vật hoang dã và tiếp xúc trực tiếp với các bộ phận của động vật làm giảm nguy cơ con người tiếp xúc với vi rút và các mầm bệnh khác do các loài đó ký sinh gây ra. Hay việc tăng chi phí cho nhiên liệu hóa thạch có thể giúp giảm ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng không khí, hoặc việc trợ cấp cho các đơn vị chăm sóc sức khỏe tư nhân có thể dẫn đến giảm yêu cầu đầu tư và nhờ đó mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh24. Các loại công cụ chính sách khác nhau giúp dung hòa lợi ích tư nhân và xã hội, từ cơ chế dựa trên khuyến khích đến quy định hành chính cần được ưu tiên.
Điều quan trọng là phải lựa chọn, sắp xếp các công cụ chính sách một cách hợp lý để các công cụ này có thể hoạt động cùng nhau và hỗ trợ lẫn nhau trong việc đạt được các mục tiêu chính sách liên quan đến y tế, tạo ra các tương tác tích cực giữa chúng. Tuy nhiên, trong việc lựa chọn các công cụ chính sách, cần quan tâm đến đặc đặc điểm, môi trường văn hóa và năng lực hoạt động của nền y tế nói riêng cũng như của bộ máy hành chính, quản trị nhà nước nói chung. Vì các công cụ khác nhau đòi hỏi các mức năng lực hoạt động khác nhau để thực hiện và không phải công cụ nào cũng khả thi trong mọi bối cảnh văn hóa xã hội25.
Thứ sáu, tích hợp tính bền vững lâu dài trong các quyết định chính sách
Mặc dù các thách thức của khủng hoảng y tế công cần được giải quyết trong ngắn hạn, nhưng các chính sách và hành động của chính phủ cần tính đến nhu cầu và tính bền vững trong dài hạn. Các lựa chọn chính sách cần tập trung vào giải quyết các nhu cầu cấp thiết đồng thời đảm bảo khả năng phục hồi và phát triển bền vững lâu dài.
Đại dịch Covid-19 tạo cơ hội để có một cái nhìn bao quát về tính bền vững, bao gồm tính bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Đặt ra yêu cầu chuyển tải các giá trị bền vững vào các lựa chọn chính sách ngắn hạn nhằm tạo ra các giá trị xã hội bền vững hơn26. Điều này đòi hỏi việc đánh giá có hệ thống các lựa chọn chính sách và chiến lược đầu tư dài hạn, để đảm bảo các ưu tiên hành động chính sách ngắn hạn đồng thời mang lại lợi ích lâu dài. Một số hỗ trợ ngắn hạn có thể được liên kết với tăng trưởng kinh tế dài hạn bằng các điều kiện thích hợp nhằm cải thiện các điều kiện xã hội và môi trường đối với sức khỏe27. Ví dụ, mục tiêu thực phẩm trong các chương trình việc làm ngắn hạn của chính quyền có thể được gắn kết với các chương trình thích ứng hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương để duy trì sự giãn cách xã hội, qua đó giúp các hộ nghèo đối phó với tình trạng dễ bị tổn thương do lây nhiễm trong phạm vi gần trong khi xây dựng các công trình cần thiết cho xã hội. Hoặc hỗ trợ việc đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả năng lượng trong thiết kế các tòa nhà cho các công ty xây dựng có thể để khôi phục việc làm cho công nhân, qua đó cung cấp phục hồi việc làm trong ngắn hạn và lợi ích về khí hậu trong dài hạn.
Trọng tâm ngắn hạn của các ưu tiên chính sách phòng chống khủng hoảng y tế sẽ là giải quyết các tác động của đại dịch và các hoạt động trực tiếp liên quan đến sức khỏe, tập trung vào tạo việc làm và khôi phục việc làm. Tuy nhiên, quyết định đầu tư dài hạn cũng cần được xem xét để cải thiện năng suất dài hạn và khả năng phục hồi kinh tế. Đầu tư cân bằng vào cơ sở vật chất của nền kinh tế, con người, xã hội và môi trường tự nhiên sẽ giúp cải thiện năng suất và khả năng phục hồi lâu dài. Đầu tư vào y tế, giáo dục, phát triển kỹ năng, đổi mới, nâng cấp công nghệ, cơ sở hạ tầng xanh và môi trường tự nhiên sẽ tăng năng lực sản xuất và mang lại lợi nhuận bền vững cho các thế hệ tương lai28. Đầu tư cho bảo trợ xã hội và tạo việc làm là rất cần thiết để bảo vệ những người dễ bị tổn thương trong ngắn hạn, các ưu tiên chính sách có thể chuyển dần sang làm giảm các rủi ro môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tính dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu đang gia tăng. Đầu tư bảo vệ và tăng cường vốn tự nhiên như rừng, đất, tài nguyên nước, hệ sinh thái, đa dạng sinh học, chất lượng không khí và khí hậu…có thể hỗ trợ sức khỏe và năng suất của con người và cải thiện khả năng phục hồi lâu dài29. Hoặc đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh như năng lượng tái tạo có thể cung cấp năng lượng sạch và cải thiện chất lượng không khí, mang lại lợi ích sức khỏe lâu dài và kết quả tích cực về khí hậu30. Vì vậy, để phấn đấu vì sự phát triển bền vững, các lựa chọn ưu tiên chính sách và quyết định đầu tư cần được sắp xếp một cách hợp lý sao cho không chỉ giải quyết các vấn đề trước mắt mà còn xây dựng được khả năng phục hồi lâu dài và phát triển bền vững.
Kết luận
Việc xác định khung khổ ưu tiên chính sách trong khủng hoảng y tế công là rất quan trọng để thoát khỏi đại dịch, phục hồi bền vững và đảm bảo xã hội có khả năng chống chịu trước các hiểm họa tương tự trong tương lai. Cách thức mà các chính phủ đặt ra các ưu tiên, các chính sách và chương trình ưu tiên cũng như phối hợp các hoạt động sẽ ảnh hưởng đến kết quả. Các lựa chọn ưu tiên chính sách không được xác định rõ ràng sẽ không hiệu quả trong việc giải quyết các thách thức về sức khỏe, kinh tế, xã hội và môi trường cũng như khai thác các lợi ích tiềm năng về kinh tế và môi trường lâu dài.
Tăng cường hợp tác liên ngành và cải thiện tính nhất quán của chính sách là một nhiệm vụ đầy thách thức đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ của các bộ, ban, ngành cũng như Chính phủ. Điều kiện tiên quyết để sử dụng khuôn khổ là thiết lập một cơ quan điều phối đa ngành với khả năng huy động và xây dựng quan hệ đối tác, đồng thuận và hài hòa lợi ích giữa nhiều cơ quan chính phủ và phi chính phủ. Từ đó, tăng cường tính nhất quán của chính sách theo chiều ngang và chiều dọc cũng như tăng cường điều phối chính sách trong hành động tập thể. Khung đề xuất này nhằm giải quyết các thách thức do đại dịch Covid-19 mang lại, nhưng có thể được tùy chỉnh và sử dụng trong các lĩnh vực chính sách khác nhau trong việc quản lý các thách thức kinh tế, xã hội, môi trường mang tính liên ngành và liên kết./.
TS. Cao Anh Đô
Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 5/2022
---
Tài liệu trích dẫn
(1) ICIMOD. “COVID-19 Impact and Policy Responses in the Hindu Kush Himalaya”. Kathmandu: International Centre for Integrated Mountain Development (2020). https://lib.icimod.org/record/34863.
(2) Rym A. “Time for a Decisive Coordinated Response to a Costly Global Covid-19 Systemic Crisis: Towards a Resilient Global System”, EMEA Policy Paper, April 2020. (2020). Available online at: www.euromed economists.org (accessed June 1, 2020).
(3) Einhorn J, Andersson I, Carlson L, Hallerby N, Krook C, Lindqvist B, et al. “Priorities in Health Care-Ethics, Economy, Implementation. Final report from the Swedish Parliamentary Priorities Commission”, Stockholm: Fritzes (1995).
(4) Ban Chấp hành TW (2020), “Thông báo số: 172-TB/TW, ngày 21 tháng 3 năm 2020, thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19”, Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
(5) Musgrave RA, Musgrave PB. “Public Finance in Theory and Practice”. New York, NY: McGraw Hill (1973).
(6) Chính phủ (2021), “Nghị quyết số: 116/NQ-CP, ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp”, Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
(7);(8) Ciqi M, “Policy style, consistency and the effectiveness of the policy mix in China's fight against COVID-19”. Policy Soc. (2020) 39: 309–25. doi: 10.1080/14494035.2020.1787627.
(9) Thủ tướng Chính phủ (2021), “Quyết định số: 1292/QĐ-TTg, ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19”, Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
(10) Greer SL, Lillvis DF. “Beyond leadership: political strategies for coordination in health policies”. Health Policy. (2014) 116:12–7. doi: 10.1016/j.healthpol.2014.01.019.
(11) Qiu M, Jessani N, Bennett S. “Identifying health policy and systems research priorities for the sustainable development goals: social protection for health”. Int J Equity Health. (2018) 17:155. doi: 10.1186/s12939-018-0868-z.
(12);(13) ILO. “COVID-19: Job Creation Through Employment-Intensive Public”, Works Programmes. Geneva: ILO (2020).
(14) WHO. “Policy Coherence as a Driver of Health Equity. Copenhagen”, WHO Regional Office for Europe (2019).
(15) Lauwers L, Bastiaens H, Remmen R, Keune H. “Nature's contributions to human health: a missing link to primary health care? A scoping review of international overview reports and scientific evidence”. Front Public Health. (2020) 8:52. doi: 10.3389/fpubh.2020.00052.
(16) Hammar H. “The search for effective environmental policy instruments”. Eur Env. (2006) 16:181–3. doi: 10.1002/eet.422. CrossRef Full Text | Google Scholar.
(17) De Leeuw E. “Engagement of sectors other an health in integrated health governance, policy, and action”. Annu Rev Public Health. (2017) 38:329–49. doi: 10.1146/annurev-publhealth-031816-044309.
(18);(21);(24);(27) Turnpenny J, Nilsson M, Russel D, Jordan A, Hertin J, Nykvist B. “Why is integrating policy assessment so hard? A comparative analysis of the institutional capacities and constraints”. J Environ Plann Manage. (2008) 51:759–75 doi: 10.1080/09640560802423541. CrossRef Full Text | Google Scholar.
(19) Hammar H. “The search for effective environmental policy instruments”. Eur Env. (2006) 16:181–3. doi: 10.1002/eet.422. CrossRef Full Text | Google Scholar.
(20);(26) WHO, “Global Strategy on Health, Environment and Climate Change: The Transformation Needed to Improve Lives And Well-Being Sustainably Through Healthy Environments. Geneva”, World Health Organization (2020).
(22) Marmot M, Friel S, Bell R, Houweling T, Taylor S. “Closing the gap in a generation: health equity through action on the social determinants of health” Lancet. (2008) 372:1661–9. doi: 10.1016/S0140-6736(08)61690-6.
(23) Soucat A. “Financing common goods for health: fundamental for health, the foundation for UHC”. Health Syst Reform. (2019) 5:263–7. doi: 10.1080/23288604.2019.1671125.
(25) Golam Rasul (2020), “A Framework for Improving Policy Priorities in Managing COVID-19 Challenges in Developing Countries”. International Centre for Integrated Mountain Development, Lalitpur, Kathmandu, Nepal. Public Health Policy, https://doi.org/10.3389/fpubh.2020.589681.
(28) Butler CD. “Climate change and global health: a new conceptual framework—mini review”. CAB Rev. (2014). 9:1–3. doi: 10.1079/PAVSNNR20149027.
(29) Prüss-Üstün A, Corvalán C. “Preventing Disease Through Healthy Environments: Towards an Estimate of the Environmental Burden of Disease. Geneva”, World Health Organization (2006).
(30) Seymour V. “The human–nature relationship and its impact on health: a critical review”, Front Public Health. (2016) 4:260. Doi 10.3389/fpubh.2016.00260.