Trong quan hệ lao động, nhất là trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Doanh nghiệp FDI - Foreign Direct Investment), người lao động là bên “yếu thế” và có nguy cơ bị xâm phạm quyền lợi rất lớn. Vì vậy, Nhà nước trao cho họ quyền công đoàn nhằm bảo vệ người lao động cũng như là đảm bảo các điều kiện lao động và môi trường làm việc tiêu chuẩn. Bài viết nghiên cứu, phân tích và đánh giá những yếu tố ảnh hưởng và tác động của những yếu tố này đến việc thực hiện quyền công đoàn của người lao động trong doanh nghiệp FDI ở Việt Nam hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: vneconomy.vn

1. Đặt vấn đề

Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, các doanh nghiệp FDI đang dần trở thành chìa khóa cho sự thành công của các quốc gia trong thời đại kinh tế toàn cầu. Vì vậy, các quốc gia kiểm soát chặt chẽ hơn các điều kiện đảm bảo môi trường lao động tiêu chuẩn và các quyền lợi chính đáng cho người lao động theo các tiêu chuẩn lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Ở Việt Nam, Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 có hiệu lực đã tạo cơ sơ pháp lý cho loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ra đời, trở thành “một làn gió mới” mở đường cho “sự vươn mình” của nền kinh tế Việt Nam theo một tư duy mới. Tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp FDI có tốc độ phát triển rất nhanh cả về số lượng lẫn tổng số vốn mang sức ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế quốc dân.  Chỉ tính riêng lũy kế đến tháng 2/2022, cả nước có 34.700 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 418,8 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 254,3 tỷ USD, bằng 60,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực1. Con số trên cho thấy, sự phát triển nhanh chóng của loại hình doanh nghiệp FDI và đồng thời cũng đặt ra rất nhiều thách trong việc bảo đảm các quyền của người lao động trong đó có quyền công đoàn cho người lao động trong loại hình doanh nghiệp này.

Quyền công đoàn là “một trong những quyền cơ bản của con người trong lĩnh vực lao động, bao gồm quyền của cá nhân người lao động và quyền của tổ chức công đoàn. Quyền công đoàn của cá nhân người lao động là quyền thành lập, gia nhập công đoàn mà không có bất kỳ sự phân biệt, đối xử nào”2. Thực hiện quyền công đoàn trong doanh nghiệp FDI không chỉ chịu sự chi phối bởi những yếu tố trong nước mà còn bị chi phối bởi cả với yếu tố nước ngoài như: đặc thù của quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài; xung đột pháp luật; sự giao thoa của các nền văn hóa; tập quán ứng xử tại doanh nghiệp. Chính những điều này đã khiến cho quyền công đoàn trong doanh nghiệp FDI cần được chú trọng và quan tâm đặc biệt. Vì người lao động trong doanh nghiệp FDI không chỉ là công dân Việt Nam mà còn là công dân của nhiều quốc gia khác và họ cũng cần được bảo vệ bởi tổ chức đại diện cho mình, thay mặt mình lên tiếng để bảo vệ quyền lợi cho họ.

2. Tác động và vai trò của quyền công đoàn trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Việc thực thi quyền công đoàn một cách hiệu quả tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ mang lại những chuyển biến tích cực và hiệu quả thiết thực như sau:

Thứ nhất, thực thi quyền công đoàn không chỉ giúp người lao động thụ hưởng các quyền của họ cũng như tự bảo vệ các quyền của họ khi bị xâm hại mà về lâu dài sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các chủ thể khi tham gia vào quan hệ lao động, góp phần hình thành đội ngũ lao động trong thời đại công nghiệp chuyên nghiệp hơn, kỷ luật hơn và có khả năng thích ứng với điều kiện lao động công nghiệp khắt khe, có năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động được nâng cao. Từ đó, góp phần vào sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước.

 Thứ hai, thực thi quyền công đoàn góp phần bảo đảm quyền tự do thương lượng trong quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động. Từ đó, góp phần hạn chế tranh chấp lao động thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, giảm bớt tình trạng căng thẳng trong quan hệ lao động là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động. Chẳng hạn, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thương lượng với người sử dụng lao động để đi đến tiếng nói chung nhằm phối hợp, hỗ trợ nhau trong việc thực hiện nhiệm vụ của mỗi bên, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trên cơ sở đó nâng cao lợi nhuận của giới chủ và thu nhập của người lao động.

Thứ ba, thực thi quyền công đoàn giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Công đoàn Việt Nam và góp phần thúc đẩy hoàn thiện khung pháp lý để thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Từ đó, quyền công đoàn của người lao động sẽ được đảm bảo trong loại hình doanh nghiệp FDI. Bởi lẽ, loại hình này không chỉ có người lao động là người Việt Nam mà còn có cả lao động là người nước ngoài. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở sẽ là thiết chế pháp lý tích cực giúp người lao động nước ngoài thực hiện các quyền cơ bản của mình thông qua tổ chức đại diện tại doanh nghiệp và từ đó thúc đẩy bảo đảm quyền con người tại Việt Nam.

Quyền của người lao động trong doanh nghiệp FDI là một bộ phận của hệ thống quyền con người, gồm cả quyền của người lao động trong nước và người lao động nước ngoài. Theo đó, mọi người lao động đều có thể tham gia vào tổ chức công đoàn hoặc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp mà không bị ràng buộc bởi điều kiện chủ thể như về quốc tịch, độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp... Qua đó, công đoàn hoặc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có cơ hội để đại diện cho người lao động bao gồm cả người lao động là người nước ngoài tham gia thương lượng, thỏa thuận, ký kết thỏa ước lao động tập thể... và bảo vệ các quyền lợi khác của người lao động trong doanh nghiệp FDI.

Thứ tư, thực thi quyền công đoàn tại doanh nghiệp FDI không chỉ tạo cơ sở pháp lý, đảm bảo quyền của người lao động nói riêng trên thực tế mà còn góp phần hoàn thiện các cơ chế pháp lý cho việc xác lập, vận hành của cơ chế bảo đảm quyền con người nói chung theo các công ước, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam hiện đang là thành viên. Cụ thể, 02 Công ước của ILO là Công ước số 97 (năm 1951) về di trú và việc làm và Công ước số 143 (năm 1973) về người di trú trong hoàn cảnh bị lạm dụng, về việc thúc đẩy cơ hội và sự đối xử bình đẳng với người lao động di trú. Hai công ước này khẳng định người lao động nước ngoài được đối xử bình đẳng với người lao động bản địa, được hưởng các điều kiện lao động, các chế độ về an sinh xã hội, về giáo dục. Bên cạnh đó, những biến động của quá trình tham gia và quan hệ lao động, gia đình của người lao động nước ngoài cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng, các thành viên trong gia đình họ cũng cần được bảo vệ. Vì thế, Công ước về bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên trong gia đình họ năm 1990 (ICRMW) được ban hành như một tất yếu. Công ước ICRMW quy định về quyền của người lao động di trú nói chung (bao gồm cả người lao động di trú có giấy tờ và người lao động di trú không có giấy tờ) và quyền của các thành viên trong gia đình họ với các quy định chuẩn mực bắt buộc về đối xử, công việc, quyền của những người lao động nước ngoài nhằm chấm dứt tình trạng bóc lột đối với họ vẫn thường xảy ra từ trước tới nay. Công ước ICRMW đề cập một cách sâu sắc, đầy đủ từ các quyền về dân sự, chính trị, lao động, kinh tế, xã hội, văn hóa, cho đến các quyền mang tính chất đặc trưng của người lao động nước ngoài. Ngoài các Công ước quốc tế, quyền của người lao động nước ngoài cũng được đề cập trong các văn kiện, các Hiệp định song phương trong phạm vi châu lục, khu vực. Các nước ASEAN bằng tuyên bố ASEAN (tháng 01/2007) về Bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú (người lao động nước ngoài) đã ghi nhận trách nhiệm của các quốc gia trong khối về việc bảo vệ quyền của người lao động di trú, kể cả người lao động di trú không có giấy tờ. Tuyên bố không nêu trực tiếp nội dung các quyền của người lao động di trú mà quy định gián tiếp thông qua trách nhiệm của các quốc gia tiếp nhận và xuất khẩu lao động trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền của người lao động di trú: tăng cường những nỗ lực bảo vệ các quyền con người cơ bản; thúc đẩy các cơ hội việc làm; tôn trọng nhân phẩm của người lao động di trú; hỗ trợ người lao động nước ngoài là nạn nhân của tình trạng phân biệt đối xử, thực hiện các biện pháp cụ thể để ngăn chặn; chấm dứt tình trạng buôn bán, đưa lao động trái phép qua biên giới; xây dựng các chính sách và thủ tục nhằm hỗ trợ các vấn đề về di trú lao động. Tuyên bố cũng yêu cầu các nước thành viên phải hài hòa pháp luật quốc gia với các tiêu chuẩn lao động cơ bản của ILO. Việc này có nghĩa làm cho pháp luật các nước trong khối được áp dụng bình đẳng với mọi người lao động không phân biệt quốc tịch.

Bảo đảm quyền công đoàn cho người lao động trong doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng là vấn đề cấp thiết. Bởi lẽ, bảo vệ quyền công đoàn cho người lao động chính là bảo vệ quyền con người, thực hiện mục tiêu chiến lược của Đảng và Nhà nước ta là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là trong doanh nghiệp FDI có đặc thù khác biệt do tính quốc tế hóa ngay trong chính nội tại của doanh nghiệp thì quyền công đoàn là một trong những công cụ để bảo vệ người lao động trước những sự biến động phức tạp và đa dạng hóa về pháp luật tại đây. Vì vậy, việc nhận định được các yếu tố ảnh hưởng đến quyền công đoàn trong doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hài hòa mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động.

3. Những yếu tố ảnh hưởng đến quyền công đoàn của người lao động trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam

Từ thực tiễn và những quy định của pháp luật hiện hành cho thấy, quyền công đoàn trong các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam hiện nay đã và đang chịu sự tác động của một số yếu tố sau:

Trước tiên, quyền công đoàn trong doanh nghiệp FDI chịu sự chi phối bởi quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài. Đây là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng, trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động, được pháp luật điều chỉnh và nhà nước bảo đảm thực hiện. Quan hệ pháp luật lao động trong doanh nghiệp FDI mang các đặc điểm của quan hệ pháp luật lao động nói chung, đồng thời, nó có đặc trưng riêng dẫn đến quan hệ lao động trong doanh nghiệp FDI thường nhạy cảm và có sự khác biệt hơn so với quan hệ lao động trong các loại hình doanh nghiệp khác. Quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp FDI thường là quan hệ bất bình đẳng. So với doanh nghiệp nhà nước, người lao động, người sử dụng lao động vừa là người đại diện chủ sở hữu về tư liệu sản xuất của Nhà nước, vừa là người làm thuê cho Nhà nước nên quan hệ giữa người lao động với người sử dụng lao động là quan hệ bình đẳng, hợp tác, tôn trọng lẫn nhau vì mục tiêu chung là thực hiện lý tưởng của giai cấp công nhân. Còn trong doanh nghiệp FDI, người lao động là người làm thuê còn người sử dụng lao động là người đi thuê nên quan hệ giữa những người lao động với người sử dụng lao động là quan hệ bất bình đẳng, áp đặt một chiều. Xử lý tốt mối quan hệ này không chỉ dựa trên pháp luật trong nước mà còn dựa trên các chuẩn mực pháp luật quốc tế về lao động. Từ thực tế những năm qua đã cho thấy, nếu chỉ quan tâm, chú trọng đến việc thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy về mặt xã hội mà người lao động phải gánh chịu. Nếu quá chú trọng bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng sẽ tạo ra sự e ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài (không mở rộng đầu tư do sợ không thu được lợi ích như mong muốn). Vì vậy, việc cân bằng lợi ích giữa nhà đầu tư và người lao động là những tiền đề để xác lập và xây dựng quan hệ lao động hài hòa và phát triển bền vững. Với việc phê chuẩn và tham gia các công ước quốc tế về lao động cùng với từng bước nội luật hóa trong Hiến pháp và các đạo luật, pháp luật Việt Nam bảo vệ quyền công đoàn của người lao động một cách phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiên tiến, tạo động lực cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh hiệu quả hơn.

Thứ hai, quyền công đoàn trong doanh nghiệp FDI chịu sự chi phối mục tiêu kinh tế của các bên tham gia vào quan hệ lao động. Người lao động và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có mục tiêu kinh tế dường như mâu thuẫn nhau. Quan hệ lao động giữa người lao động với người sử dụng lao động là quan hệ chủ thợ. Người lao động làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là người làm thuê, giá cả sức lao động của họ được trả theo giá thị trường và theo quan hệ cung cầu về lao động. Người lao động đi làm trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với mục đích chủ yếu là kiếm sống, còn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam vì mục đích lợi nhuận và chung mục đích là lợi ích kinh tế. Vì vậy, chỉ khi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả thì cả nhà đầu tư nước ngoài và người lao động mới đảm bảo được lợi ích kinh tế. Đây chính là cơ sở quan trọng để thực hiện quyền công đoàn tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, do mối quan hệ bất bình đẳng giữa các bên trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công nhân, lao động ở các doanh nghiệp này phải làm việc với áp lực cả về cường độ và thời gian. Đây cũng chính là khó khăn, thách thức cho việc thực hiện quyền công đoàn tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, quyền công đoàn trong doanh nghiệp FDI còn chịu sự chi phối bởi nhận thức của nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài chưa thực sự tạo điều kiện cho người lao động thực hiện quyền công đoàn, vì thế dẫn đến một số khó khăn nhất định. Các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam với mục đích là tìm kiếm lợi nhuận, họ đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ với nền văn hóa - xã hội và những đặc điểm truyền thống, trình độ phát triển, xu hướng chính trị khác nhau, đồng thời có rất nhiều nét khác biệt so với truyền thống văn hóa Việt Nam. Mặc dù khi đến Việt Nam, các nhà đầu tư đã nghiên cứu, tìm hiểu về Việt Nam, song những hiểu biết của họ còn chưa đầy đủ. Mặc khác, sự hiểu biết của công nhân, lao động, của cán bộ công đoàn Việt Nam trong các doanh nghiệp FDI về văn hóa, pháp luật, cơ chế quản lý và ngoại ngữ còn nhiều hạn chế, nên gặp không ít những khó khăn trong quan hệ, giao tiếp. Ngoài ra, do định kiến đối với tổ chức công đoàn nên các nhà đầu tư trong doanh nghiệp FDI không muốn thành lập công đoàn. Chẳng hạn, khi phía Việt Nam yêu cầu thành lập tổ chức công đoàn thì các nhà đầu tư nước ngoài không ủng hộ hoặc không tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động.

Thứ tư, thực hiện quyền công đoàn trong doanh nghiệp FDI chịu sự chi phối bởi các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Cho đến trước thời điểm có hiệu lực của Bộ luật Lao động năm 2019 thì “quyền công đoàn” của người lao động được bảo đảm thông qua tổ chức duy nhất đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động đó là Công đoàn Việt Nam. Chỉ đến khi Bộ luật Lao động năm 2019 ra đời thì chính thức có thuật ngữ “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở”, trong đó bao gồm công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Việt Nam và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Cụ thể, khoản 3 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”. Từ những quy định trên thì ngoài tổ chức cơ sở trực thuộc Công đoàn Việt Nam là người đại diện của người lao động và đoàn viên công đoàn tại cơ sở thì còn có tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở không thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam. Như vậy, có thể nói, tại cấp cơ sở nói chung hay cụ thể là trong doanh nghiệp, người lao động có thể thành lập, gia nhập và hoạt động trong hai loại hình tổ chức đại diện quyền lợi người lao động. Do có sự khác biệt giữa hai loại hình tổ chức cũng như quy định còn khá mới đối với loại hình tổ chức đại diện người lao động trong Bộ luật Lao động, việc nghiên cứu để có cụ thể các quy định về tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp là cần thiết nhằm hiểu rõ bản chất, cách thức thành lập và hoạt động của loại hình tổ chức này cũng như để đảm bảo quyền công đoàn của người lao động tại cơ sở.

TS. Phạm Hoàng Linh

Giảng viên, Khoa Luật, Trường Đại học Tin học - Ngoại ngữ TPHCM (HUFLIT)

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 5/2022

---

Tài liệu trích dẫn
(1) Theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến tháng 02/2022.
(2) Điều 2, Công ước 87 của ILO về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Công ước Châu Âu về Quyền con người 
2. Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn ngày 14/06/2019 và có hiệu lực từ ngày 05/07/2020)
3. Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
4. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2012), Luật Công đoàn năm 2012
5.  Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2019), Bộ luật Lao động năm 2019 
6. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (2014), Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Nxb Lao động, Hà Nội.