Trong bối cảnh Việt Nam hiện đang đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, việc học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm của các nước trong thế giới trong áp dụng công lý phục hồi là thực sự cần thiết. Điều này không chỉ góp phần hoàn thiện pháp luật hình sự nước nhà, mà còn đóng góp đáng kể vào việc bảo đảm tốt hơn quyền con người, nhất là quyền của những người bị tước tự do.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
1. Khái quát về công lý phục hồi
Công lý phục hồi (restorative justice) là một vấn đề vừa mang tính lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Cho đến nay, có quan điểm cho rằng chưa có một định nghĩa thống nhất về công lý phục hồi do có nhiều cách tiếp cận khác nhau về vấn đề này[1]. Liên Hợp Quốc cũng từng đưa ra một định nghĩa như một gợi ý cho nỗ lực tìm kiếm một khái niệm chung về công lý phục hồi. Theo đó, “công lý phục hồi là một cách thức ứng phó với hành vi phạm tội hình sự bằng cách cân bằng các nhu cầu của cộng đồng, nạn nhân và người phạm tội. Đó là một quan niệm đang hình thành và đưa tới nhiều cách diễn giải khác nhau ở các nước khác nhau mà không phải lúc nào cũng dễ dàng đạt được sự đồng thuận”.[2]
Mặc dù vậy, về mặt khái niệm, công lý phục hồi có thể được hiểu một cách đơn giản là “cách tiếp cận tư pháp hình sự mà ở đó người phạm tội và nạn nhân có cơ hội gặp gỡ, giao tiếp với nhau trong một môi trường được kiểm soát bởi cá nhân, tổ chức có thẩm quyền để nói về những tổn hại mà tội phạm đã gây ra, những tác động thực sự của tội phạm. Ở đó, người phạm tội giải trình về những gì họ đã làm, giúp họ tự chịu trách nhiệm và sửa chữa những tổn hại đó”[3]. Nói cách khác, công lý phục hồi là phương thức pháp lý nhằm giải quyết, xử lý các hành vi phạm tội hình sự theo hướng ưu tiên sửa chữa những thiệt hại gây ra trên cơ sở khoan dung với người phạm tội thay vì trừng phạt họ cả về thể xác và tinh thần. Với ý nghĩa nhân văn đó, công lý phục hồi hiện được nhiều quốc gia áp dụng với những phương thức khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện đặc thù của từng quốc gia, nhưng đều phát huy tác dụng nhất định trong việc cải tạo người phạm tội, khôi phục công bằng cho nạn nhân và duy trì ổn định, trật tự xã hội.
Trong bối cảnh Việt Nam hiện đang đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, việc học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm của các nước trong thế giới trong áp dụng công lý phục hồi là thực sự cần thiết. Điều này không chỉ góp phần hoàn thiện pháp luật hình sự nước nhà, mà còn đóng góp đáng kể vào việc bảo đảm tốt hơn quyền con người, nhất là quyền của những người bị tước tự do.
2. Kinh nghiệm thực thi công lý phục hồi tại một số quốc gia
a) Na Uy
Là một quốc gia Bắc Âu với diện tích nhỏ và dân số ít, nhưng Na Uy nổi tiếng thế giới với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vượt bậc và Na Uy luôn duy trì thứ hạng hàng đầu thế giới trong phát triển con người[4]. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong bảo đảm quyền con người nói chung của Na Uy là việc áp dụng một cách hiệu quả mô hình công lý phục hồi trong các trại giam. Đó cũng là hình mẫu về công lý phục hồi mà nhiều quốc gia trên thế giới đang tham khảo, học hỏi và vận dụng.
Công lý phục hồi ở Na Uy gắn liền với quá trình cải cách hệ thống nhà tù vào thập niên 1990. Trước tình tình tỷ lệ tái phạm cao và tình trạng bạo loạn trong tù có xu hướng gia tăng, Nhà nước Na Uy đã tiến hành các biện pháp cải cách tương đối mạnh mẽ đối với các trại giam trên cơ sở ưu tiên sự cải tạo, khoan dung, phục hồi thay vì trừng phạt người phạm tội. Theo nghĩa đó, công lý không chỉ còn được coi thuần túy là sự trừng phạt thích đáng người gây hại cho xã hội, căn cứ vào mức độ nghiệm trọng của hành vi mà họ gây ra. Hơn nữa, sự trừng phạt nghiêm khắc về mặt thể xác đã không phát huy hiệu quả như kỳ vọng.
Với triết lý áp dụng công lý phục hồi như vậy, tại các trại giam của Na Uy, các tù nhân vẫn được bảo đảm quyền con người một cách hiệu quả và nhân văn. Các trại giam của Na Uy được thiết kế và vận hành theo một cách thức riêng, không theo mô hình trại giam tập trung kiểu truyền thống trước đây[5]. Thay vào đó, các nhà tù ở Na Uy có quy mô nhỏ, gần với cộng đồng và hòa nhập với môi trường thiên nhiên, hướng tới giúp phạm nhân phục hồi đạo đức, tái hòa nhập xã hội. Không gian sinh hoạt chung của tù nhân như nhà ăn, phòng tập thể thao, phòng sinh hoạt văn hóa văn nghệ,… có tính kết nối, tăng cường sự giao lưu giữa các tù nhân với nhau và thậm chí, giữa tù nhân với các cán bộ quản giáo. Trong khi đó, các buồng giam cá nhân đều được trang bị tiện nghi, hiện đại, đáp ứng nhu cầu cơ bản của tù nhân về các khía cạnh vệ sinh, ở, học tập, giải trí,…Có thể thấy, các tù nhân Na Uy chỉ bị tước đi quyền tự do, còn các quyền con người khác vẫn được bảo đảm. Chính điều đó giúp các phạm nhân không cảm thấy bị tách biệt hoàn toàn, họ vẫn có cơ hội tự giáo dục ngay trong trại giam, nhìn nhận và suy ngẫm về những lỗi lầm của mình, từ đó thay đổi nhận thức, có ý thức cải tạo tốt hơn để sớm được trả tự do và sớm trở lại với cộng đồng.
Có thể nói nguyên tắc chính mang tính triết lý của hệ thống tư pháp Na Uy không phải là sử dụng hình thức tù giam, giam giữ tù nhân suốt đời để trừng phạt họ, mà tạo cơ hội cho họ tái hòa nhập xã hội tốt hơn sau khi được trả tự do. Nói cách khác, tù nhân vẫn được đối xử như một con người theo đúng nghĩa, được tôn trọng nhân phẩm và danh dự, được giáo dục và cải tạo để trở thành những công dân tốt hơn khi trở về tái hòa nhập cộng đồng sau này. Nhờ chính sách công lý phục hồi như vậy nên Na Uy đã đạt được những thành tựu đáng kể trong giáo dục phạm nhân và tạo thuận lợi cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội. Theo thống kê chính thức, tỷ lệ phạm nhân tái phạm của Na Uy ở mức thấp nhất thế giới (chỉ 20% trong vòng 2 năm kể từ khi người thi hành án chấp hành xong hình phạt tù và được trả tự do). Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước phát triển ở châu Âu là khá cao (như ở Anh là 50%).
b) Vương quốc Anh
Với quan điểm công lý phải mang tính vị tha, trắc ẩn, yêu thương, tha thứ và chữa lành, phải giúp khôi phục chứ không phải trả thù, Vương quốc Anh đã và đang thực thi chính sách công lý phục hồi một cách khác biệt với những hiệu quả nhất định trên thực tế. Tại vương quốc Anh, công lý phục hồi được quan niệm là “đưa những người bị hại bởi tội phạm hoặc xung đột và những người phải chịu trách nhiệm cho sự tổn hại đó tiếp xúc với nhau, giúp các bên bị ảnh hưởng bởi một vụ việc cụ thể đều đóng vai trò trong việc sửa chữa tổn hại và tìm kiếm một con đường tích cực phía trước”[6]. Mục đích của công lý phục hồi là “khôi phục lợi ích của các nạn nhân, của người phạm tội và của cộng đồng bị thiệt hại do tội phạm gây ra, và ngăn ngừa những hành vi vi phạm có thể tái diễn”[7]. Công lý phục hồi hàn gắn quan hệ giữa người gây hại và người bị hại, khôi phục lợi ích cho cộng đồng, chữa lành tổn thương và xóa bỏ gốc rễ sâu xa của tội phạm.
Trên cơ sở quan niệm công lý phục hồi như vậy, các nhà hoạch định và thực thi chính sách ở Anh đưa ra nhiều cách tiếp cận thực tiễn khác nhau nhằm đáp ứng yêu cầu và giải quyết những vấn đề phát sinh theo nhiều cách thức riêng biệt. Cụ thể là:
- Hòa giải giữa nạn nhân và người phạm tội, đưa họ xích lại gần nhau;
- Bàn bạc, hội ý theo hướng phục hồi. Đó là khi các nhóm lớn, bao gồm các gia đình và các thành viên cộng đồng có liên quan sử dụng một “kịch bản” các câu hỏi đặt ra cho các bên có liên quan;
- Bàn bạc, hội ý với nhóm gia đình. Đó là khi nạn nhân và người phạm tội gặp gỡ nhau, mỗi bên đều có sự hỗ trợ của gia đình mình, và các gia đình có thời gian để bàn bạc về các giải pháp;
- Biện pháp bồi thường mang tính cá nhân hóa, đưa ra những đền bù cho nạn nhân mà các bên đều nhất trí;
- Các “vòng tròn nghị án”: các nhóm này sẽ mời người phạm tội và nạn nhân cùng với các thành viên gia đình và cộng đồng tới chia sẻ quan điểm về tác động của vụ việc và thống nhất với nhau các giải pháp;
Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà lựa chọn một cách tiếp cận phù hợp, nhưng đều phải tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản như:
- Hỗ trợ nạn nhân và ưu tiên việc chữa lành;
- Người phạm tội phải chịu trách nhiệm về những gì họ đã làm;
- Phải có đối thoại để đạt được sự thấu hiểu lẫn nhau;
- Cần nữa lực để khôi phục thiệt hại đã xảy ra;
- Người phạm tội phải biết nhận ra cách thức để tránh gây ra những hành vi phạm tội trong tương lai;
- Cộng đồng cần giúp đỡ cho cả nạn nhân và người phạm tội[8].
Thực tế cho thấy, các cách tiếp cận công lý phục hồi đều mang lại những lợi ích đáng kể cho các bên có liên quan, như được thể hiện trong bảng dưới đây:
Chủ thể |
Lợi ích |
Nạn nhân |
+ Thể hiện cảm xúc và nhu cầu của mình sau khi hành vi phạm tội diễn ra; + Nhận được lời xin lỗi và/hoặc biện pháp bồi thường thiệt hại phù hợp; + Giáo dục người phạm tội về những tác động, hệ quả của các hành vi phạm tội; + Giải quyết được bất kỳ xung đột, mâu thuẫn hiện có; + Trở thành một phần của quá trình tư pháp hình sự; + Đẩy lùi tội ác; + Được trao quyền. |
Người phạm tội |
+ Chịu trách nhiệm về hành động của mình; + Nhận thức được tác động do hành vi phạm tội của họ gây ra; + Xin lỗi và/hoặc đưa ra biện pháp bồi thường phù hợp; + Đánh giá lại hành vi của mình nếu xảy ra trong tương lai (trên cơ sở nhận thức được những vấn đề trên). |
Tòa án |
+ Biết được các nhu cầu của nạn nhân; + Áp đặt các hình phạt mang tính thực tế hơn. |
Cộng đồng |
+ Chấp nhận lời xin lỗi và biện pháp bồi thường từ phía người phạm tội; + Giúp nạn nhân và người phạm tội cùng tái hòa nhập cộng đồng. |
Như vậy, công lý phục hồi ở Vương quốc Anh đã được thực thi như một cơ chế của tư pháp hình sự, trong đó sự tham gia của nạn nhân đã được chú ý nhiều hơn, việc trao quyền cho nạn nhân cũng được chú trọng và nói cách khác, đây chính là cách tiếp cận dựa trên quyền con người trong khôi phục công lý.
c) Cộng hòa Liên bang Đức
Là một quốc gia điển hình của hệ thống pháp luật châu Âu lục địa, CHLB Đức có cách tiếp cận tương đối khác biệt về vấn đề công lý phục hồi và do đó, cũng thực thi chính sách công lý phục hồi theo một cách riêng. Về mặt lịch sử, quan điểm thực thi công lý phục hồi tại CHLB Đức bắt đầu xuất hiện từ những năm 1970 với sự ra đời của Luật Bồi thường cho nạn nhân (1976). Trong các thập niên sau đó, các đạo luật khác được ban hành tiếp tục củng cố quan điểm bảo vệ quyền của nạn nhân như Luật Bảo vệ nạn nhân (1986) và Luật Tòa án người chưa thành niên (1990). Các đạo luật này cùng nhiều đạo luật khác như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tăng cường giải quyết xung đột ngoài tòa án (1999),… không những thúc đẩy quyền của nạn nhân trong việc đưa ra các yêu cầu bồi thường, mà còn tạo cơ sở thiết lập khung khổ pháp lý cho việc hòa giải giữa nạn nhân và người phạm tội.
Về cơ bản, việc thực thi công lý phục hồi tại CHLB Đức phải tuân theo những quy định chặt chẽ của pháp luật trên nhiều phương diện khác nhau. Cụ thể là:
- Các quy định về thẩm quyền áp dụng công lý phục hồi
- Các quy định về phạm vi và đối tượng áp dụng
- Các quy định về tiêu chí, điều kiện áp dụng hòa giải giữa nạn nhân và người phạm tội theo hướng công lý phục hồi.
Hơn nữa, các quy định trên phải được áp dụng đồng bộ theo đúng quy trình luật định. Quy trình này gồm nhiều bước kế tiếp nhau, mỗi bước đều có yêu cầu riêng và nghiêm ngặt, nhưng các bước đều liên hệ mật thiết với nhau nhằm hướng tới hiệu quả cuối cùng của việc thực hiện công lý phục hồi. Các bước của quy trình đó bao gồm:
- Các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền phải kiểm tra các tiêu chí để tiến hành hòa giải. Nếu các tiêu chí được đáp ứng thì các cuộc họp sơ bộ riêng biệt với nạn nhân và người phạm tội sẽ được diễn ra.
- Trong trường hợp người phạm tội chấp nhận hòa giải thì nạn nhân sẽ được liên lạc.
- Nếu nạn nhân không đồng ý gặp mặt trực tiếp với người phạm tội thì có thể thảo luận các phương án khác như hòa giải gián tiếp hoặc các hình thức bồi thường khác mà không cần gặp gỡ trực tiếp.
- Trong trường hợp các bên được đại diện bởi luật sư, họ sẽ được thông báo và cùng thảo luận các vấn đề có liên quan.
- Sau khi các bên chấp nhận tham gia hoà giải, cuộc gặp mặt trực tiếp sẽ diễn ra sau đó. Người hoà giải tạo điều kiện cho cuộc họp diễn ra và cung cấp một môi trường giao tiếp tôn trọng giữa các bên. Trong cuộc họp đó, hình thức bồi thường hoặc cách thức sửa chữa sẽ được thương lượng, thường là lời xin lồi, bồi thường tài chính hoặc bồi thường thiệt hại phi vật chất, đền bù, quà tặng, dịch vụ cho nạn nhân hoặc các hoạt động chung.
- Nếu hoà giải thành, các bên đạt được một thỏa thuận. Hoà giải viên có trách nhiệm kiểm soát việc thực hiện các thỏa thuận và cuối cùng, công tố viên hoặc thẩm phán sẽ được thông báo về quá trình và kết quả hoà giải[9].
d) Nhật Bản
Nhật Bản là nước có tỷ lệ tội phạm thấp nhất trong nhóm các nước đang phát triển vào đầu thập niên 1990. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân của điều này là nhờ vào hệ thống tư pháp phục hồi hiệu quả của Nhật Bản. Theo Giáo sư John O. Haley[10], mặc dù có thể hiểu cách Nhật Bản chú trọng đến cách tiếp cận phục hồi như là một sản phẩm của văn hóa nước này, nhất là định hướng cộng đồng trong chính sách công lý phục hồi cũng như kinh nghiệm “thử và sai” của các cơ quan tư pháp hình sự Nhật Bản, nhưng đó cũng mang tính duy nhất hoặc riêng có.
Các cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản đã áp dụng một loạt các biện pháp mang tính hiệu quả hơn so với các nước công nghiệp phương Tây khi vận các hệ thống tư pháp hình sự. Cũng theo Giáo sư Haley, không có hệ thống tư pháp hình sự đương đại nào ở một quốc gia phát triển lại có tính phục hồi (restorative) như Nhật Bản. Nhật Bản đã thể chế hóa quá trình thú tội, hối cải và xá tội, mà trong đó ở mỗi giai đoạn của quy trình tư pháp hình sự chính thức, người phạm tội được định hướng và phục hồi theo hướng cộng đồng để có được sự hỗ trợ nhằm sửa chữa lỗi lầm.
Mô hình tư pháp hình sự của Nhật Bản và cách thức mô hình này vận hành theo một phương thức mang tính phục hồi là những bài học kinh nghiệm cho nhiều quốc gia. Các chương trình công lý phục hồi của Australia và New Zealand ít nhiều học theo mô hình của Nhật Bản. Có thể nói, các cách tiếp cận công lý phục hồi của Nhật Bản đều tỏ ra thành công trong việc cải tạo người phạm tội, trao quyền và chữa lành cho các nạn nhân, đồng thời khôi phục lợi ích cho cộng đồng. Do đó, kinh nghiệm của Nhật Bản là bài học hữu ích cho các nước trên thế giới đang nỗ lực thiết lập một hệ thống tư pháp hình sự công bằng và nhân văn hơn, không bị ràng buộc bởi các chi phí kinh tế do tình trạng nhà tù quá tải, tội phạm gia tăng và bỏ rơi nạn nhân. Điều đó cho thấy công lý phục hồi đã thực sự phát huy tác dụng trên thực tế[11].
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu vào năm 2012, các nhà nghiên cứu lại đưa ra kết luận rằng Nhật Bản đã không đạt được các kết quả mong đợi khi thực hiện các chương trình công lý phục hồi. Trên thực tế, các chương trình công lý phục hồi ở Nhật Bản được thực hiện bởi cả các cơ quan chính phủ và các cơ quan, tổ chức phi chính phủ. Khảo sát cho thấy, các chương trình công lý phục hồi của Nhật Bản phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức nhất định.
Thứ nhất, các chương trình công lý phục hồi của Nhật Bản bị một số người coi là kẻ thủ của nạn nhân, trong khi những người ủng hộ lại cho rằng các chương trình này mang lại lợi ích cho các nạn nhân. Thực tế cho thấy, một số nạn nhân không chấp nhận rằng các chương trình này có lợi cho họ, mà mong muốn có sự trừng phạt nghiêm khắc hơn.
Thứ hai, các hệ thống chính thức của Nhật Bản rất khép kín và khó thay đổi. Các hệ thống này chỉ tiếp nhận một phần các chương trình công lý phục hồi và không thực sự coi đây như một vấn đề chính sách.
Thứ ba, tại Nhật Bản, “cộng đồng” là một từ thời thượng. Đặc biệt là sau cơn động đất sóng thần vào năm 2011, nhiều người Nhật khát khao cộng đồng và các mối ràng buộc xã hội. Nhưng đây có lẽ chỉ là ảo tưởng và đối với công lý phục hồi thì đây là cơn ác mộng. Lý do nằm ở chỗ, niềm tin mù quáng vào cộng đồng cổ xưa khiến cho việc thực hiện công lý phục hồi trở nên khó khăn. Các cộng đồng kiểu truyền thống không thích đối thoại, hòa giải và do đó, công bằng và cải cách sẽ không thể diễn ra ở những nơi đó. Việc khát khao những cộng đồng như thế sẽ khiến người ta mất đi ý muốn tham gia vào đối thoại, hòa giải[12].
Những vấn đề mà công lý phục hồi ở Nhật Bản phải đối mặt là do những khó khăn, thách thức bắt nguồn từ chính xã hội Nhật Bản. Có thể nhận diện 3 khía cạnh chính: Một là, các chương trình công lý phục hồi của Nhật Bản có hiệu quả kém, bởi lẽ người Nhật thích sự trừng phạt hà khắc và cảm thấy thông cảm với nạn nhân nhiều hơn. Do vậy, công lý phục hồi có thể bị chỉ trích. Về mặt tổ chức, các chương trình công lý phục hồi ở Nhật Bản cũng yếu kém vì thiếu các nguồn lực tài chính và nhân sự. Thứ nữa, các chương trình công lý phục hồi không hoạt động thực sự và có tính co cụm. Người Nhật sợ bị chỉ trích và nỗ sợ này không phải là không có căn cứ. Nếu công chúng coi các chương trình này là sai lầm thì nó sẽ trở thành sai lầm và khi đó công chúng sẽ không khoan dung với sai lầm. Tại Nhật Bản, nhất là với các tổ chức quy mô nhỏ, bị công chúng tấn công sẽ đồng nghĩa với “diệt vong/tiêu vong”[13].
Như vậy có thể thấy, không có chương trình hay chính sách công lý phục hồi nào hoàn hảo và hiệu quả của nó có thể thay đổi tùy từng giai đoạn, phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia.
3. Kết luận
Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng nền tư pháp vững mạnh, hiện đại, chuyên nghiệp, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Mặc dù Việt Nam chưa chính thức ghi nhận công lý phục hồi trong luật, nhưng một số quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn thực thi pháp luật lại bộc lộ một vài khía cạnh, yếu tố giống như công lý phục hồi, đặc biệt liên quan đến cơ chế hòa giải.
Trong thời gian tới, với nỗ lực hoàn thiện pháp luật, chế định về công lý phục hồi nên được xem xét, nghiên cứu và luật hóa, tạo khung khổ pháp lý cho việc thực thi hiệu quả trong thực tiễn. Việc tham khảo kinh nghiệm thực tiễn của một số nước cho thế giới giúp cho chúng ta nhận diện được những điểm mạnh cũng như những khó khăn, thách thức khi áp dụng công lý phục hồi, từ đó có chiến lược xây dựng lộ trình thực thi công lý phục hồi phù hợp, mang lại hiệu quả cao nhất cho mỗi người dân cũng như cả cộng đồng và xã hội./
TS. Lê Xuân Tùng
Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Van Wormer and Walker (2013), Restorative Justice today- Practical applications. Sage Publications, Thousand Oaks CA.
[2] United Nations, Office on Drugs and Crime (2006). Handbook on restorative justice programmes. United Nations: New York
[3] Nguyễn Văn Tròn, Cao Thị Oanh (2023), Lý luận về tư pháp phục hồi và đề xuất với Việt Nam, Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội, số 3, tr.49.
[4] Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, chỉ số phát triển con người (HDI) của Na Uy năm 2024 là 0,966, xếp thứ hai thế giới sau Thụy Sĩ. Nguồn: https://worldpopulationreview.com/country-rankings/hdi-by-country
[5] Theo thống kê, Na Uy hiện có 57 nhà tù trên phạm vi toàn quốc với 3600 phòng giam được thiết kế hiện đại, tiện nghi, bảo đảm các quyền cơ bản của tù nhân.
[6] Restorative Justice Council (2017).
[7] Marian Liebmann (2007) Restorative Justice: How it works. London: Jessica Kingsley.
[8] [8] Marian Liebmann (2007) Restorative Justice: How it works. London: Jessica Kingsley.
[9] Dẫn theo Nguyễn Văn Tròn (2023), Tư pháp phục hồi trong pháp luật hình sự Đức và kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Luật học, số 7, tr.57-58.
[10] Haley, J. (1996). Restorative Justice in Japan. In Galaway, B and Hudson, J. (eds.) Restorative Justice: International Perspectives. Monsey, NY: Criminal Justice Press, pp. 175-192.
[11] Bruce E. Barnes (2013), An Overview of Restorative Justice Programs, Alaska Journal of Dispute Resolution,
[12] Akihiro SHUKUYA, Mitsuru ISHIDO and Kota TAKEHARA (2013), The Present Conditions of Restorative Justice in Japan, Bulletin of Tokyo Gakugei University, Humanities and Social Sciences,vol.64, pp.135-139.
[13] Như trên.