Tự do báo chí là quyền căn bản của mọi người, được ghi nhận trong pháp luật quốc tế cũng như pháp luật quốc gia và luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm bảo đảm. Tuy vậy, vẫn có những quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc trắng trợn về vấn đề quyền tự do báo chí ở Việt Nam. Bài viết nhận diện và phản bác các quan điểm này của Tổ chức Phóng viên không biên giới (Tiếng Pháp: Reporters sans frontières: RSF), góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực quyền con người.

Kỳ 2: Phản bác quan điểm sai trái, thù địch của tổ chức Phóng viên không biên giới về cái gọi là xếp hạng tự do báo chí

Báo chí trong nước và quốc tế tác nghiệp tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều tổ chức tại Hà Nội.

Nguồn: baodantoc.vn

Có thể khẳng định việc xếp hạng Việt Nam vào gần cuối “bảng xếp hạng tự do báo chí” của RSF bộc lộ rõ sự thù địch của tổ chức này đối với thực tế về quyền tự do báo chí ở Việt Nam, thể hiện ở các góc độ sau đây:

Một là, về cách xây dựng các chỉ số tự do báo chí của RSF, tưởng chừng khách quan với khá nhiều tiêu chí khác nhau, nhưng thực chất vẫn bộc lộ sự phiến diện, thiếu tính khoa học, thực tiễn. Phiến diện, bởi các tiêu chí này quá nặng về vấn đề đa nguyên chính trị, theo đó, nhìn chung các nước đa đảng sẽ được coi là tự do báo chí cao, còn các nước một đảng, thường bị xếp vào điểm số rất thấp. Thiếu tính khoa học, bởi họ cho rằng truyền thông phải độc lập (với chính trị, kinh tế…), nhưng báo chí, truyền thông không thể đứng ngoài những yếu tố đó được, bất cứ ở một quốc gia nào. Ngay ở các nước thừa nhận báo chí tư nhân, thì theo tác giả cuốn “Độc quyền truyền thông” (The Media Monopoly), “các tập đoàn có chiến lược kiểm soát riêng đối với báo chí, từ chuẩn bị nội dung đến đăng tải thông tin. Không một chương trình nào, dù là tin tức hay giải trí, đến được với công chúng nếu không qua sự kiểm duyệt của người quản lý”. Và một nước được coi là “tự do báo chí” khá cao như Mỹ, thì ông L.M. Russell: “Từ nhiều năm nay, ở đất nước này, đồng tiền kiểm soát chính sách báo chí. Rất ít tờ báo dám phát ngôn trên lập trường của đông đảo nhân dân. Những tờ báo này được trợ cấp, do đó, chúng nói ngôn ngữ của các ông chủ”[1].

Thiếu thực tiễn, bởi vấn đề an toàn đối với nhà báo đúng là quan trọng, nhưng việc một nhà báo bị xử lý về mặt pháp luật đâu phải luôn là sự “đàn áp” của chính quyền? Tại Việt Nam, không ai bị xét xử, bắt giữ chỉ vì bày tỏ chính kiến hay bảo vệ nhân quyền. Chỉ có những đối tượng lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật; tung tin giả, tin "xấu độc" hòng gây bất ổn tình hình đất nước, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây hoang mang dư luận... mới bị xử lý theo pháp luật[2]. Chẳng hạn, có 43 nhà báo bị cơ quan chức năng Việt Nam xử lý trong năm 2021 thì đây chính là những kẻ đang cố tình bóp méo sự thật, vi phạm Luật Báo chí của Việt Nam. Những người này bị bắt không phải vì họ làm nghề viết báo, cũng không phải Việt Nam không cho phép họ làm báo, mà vì họ vi phạm pháp luật, tung tin giả, tin xấu độc xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội[3]. Kể cả trường hợp một số nhà báo bị hành hung hoặc gây trở ngại trong quá trình tác nghiệp, cũng đâu phải do chính quyền? Ví dụ, năm 2012, Dự án “Nghiên cứu truyền thông: các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp” do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển thực hiện, đã đưa ra kết quả: 87,9% trong tổng số hơn 400 nhà báo tham gia điều tra xã hội học cho biết đã từng bị cản trở dưới nhiều hình thức, nhưng đa phần trong số họ là các nhà báo viết về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, đấu tranh chống tham nhũng[4], và vì vậy những “cản trở” này không xuất phát từ ý chí của Nhà nước mà chỉ là một số cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật cố tình gây cản trở báo chí tác nghiệp mà thôi!.

Hai là, về phương pháp thu thập thông tin. Với các “đối tác” để lấy thông tin (trả lời các bảng hỏi) là khắp các châu lục trên toàn thế giới, nghe qua thì tưởng có tính bao quát khổng lồ, nhưng thực chất, lượng “đối tác” này chỉ có mấy trăm, lại đểu là các “nhà báo tự do”, “nhà hoạt động nhân quyền”, “nhà hoạt động dân chủ”… do RSF lựa chọn một cách hết sức chủ quan, có tính chủ đích mà không lấy thông tin một cách rộng rãi từ dân chúng của các quốc gia (mà trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển của internet, mạng xã hội… thì điều này đâu có khó khăn gì?). Điều đó cho thấy kết quả của “bảng xếp hạng” này của họ không đảm bảo tính thuyết phục.

Ba là, mặc dù là tổ chức hoạt động dựa trên Điều 19 Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người của Liên Hợp quốc năm 1948, nhưng có lẽ họ “quên” mất là tại văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng này cũng có điều khoản quy định rằng “mọi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng mà ở chính trong đó, nhân cách của bản thân có thể phát triển tự do và đầy đủ”, và rằng “mỗi người, trong khi hưởng thụ các quyền và tự do cá nhân, chỉ phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền và tự do của những người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”[5]. Và họ cũng “quên” luôn quy định tại Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 của Đại hội đồng Liên hợp quốc khi quyền tự do ngôn luận là quyền có thể bị hạn chế nhằm mục đích tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của cộng đồng[6].

Bốn là, những cáo buộc của RSF về tình hình “tự do báo chí ở Việt Nam” đã cố tình làm ngơ một thực tiễn rằng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin. Điều này được thể hiện trong tư tưởng Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng ta; thể hiện qua các chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam; được quy định cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật liên quan, đồng thời được triển khai thực hiện trong thực tế đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí. Ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã mạnh mẽ tố cáo chế độ thực dân Pháp ngăn cấm quyền tự do báo chí: “Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận… chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt và tối tăm vì chúng tôi không có quyền tự do học tập”. Trong tác phẩm Đông Dương, Người viết: “Sự thật là người Đông Dương không có một phương tiện hành động và học tập nào hết. Báo chí, hội họp, lập hội, đi lại đều bị cấm… Việc có những báo hoặc tạp chí mang tư tưởng tiến bộ một chút hoặc có một tờ báo của giai cấp công nhân Pháp là một tội nặng”[7]. Sau này, trong suốt sự nghiệp lãnh đạo Đảng và đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều rất coi trọng vấn đề tự do báo chí. Tuy nhiên, tự do báo chí không phải là tự do tuỳ tiện, tự do vô hạn độ mà báo chí được quyền tự do trong khuôn khổ mà Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cho phép. Sắc lệnh về chế độ báo chí của Người một mặt khẳng định đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, mặt khác, quy định báo chí phải tuân thủ pháp luật để đảm bảo quyền tự do ngôn luận được sử dụng một cách đúng đắn. Nhà nước đã thừa nhận các quyền tự do dân chủ cho mọi công dân trong Hiến pháp nhưng không cho phép lợi dụng các quyền đó để xâm phạm lợi ích của Nhà nước và nhân dân[8].

Đảng ta, trong sự nghiệp lãnh đạo Nhà nước và xã hội, luôn bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, coi báo chí “là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân (…); phải bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng của hoạt động báo chí”[9].

Hiến pháp năm 2013 nêu rõ “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin…Việc thực hiện các quy định định này do pháp luật quy định. Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cũng quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân, v.v..

Điều 11 Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 quy định rõ công dân có quyền: “Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân”.

Tuy nhiên, tương thích với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người, ở Việt Nam, khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 xác định rõ: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Đây là cơ sở hiến định để Luật Báo chí năm 2016 liệt kê các hành vi, nội dung bị cấm thông tin trên báo chí như: đăng, phát thông tin chống Nhà nước, có nội dung xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; đăng, phát thông tin có nội dung gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; đăng, phát thông tin có nội dung kích động chiến tranh nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật; thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng; kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án; thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em.

Về hoạt động thực tiễn, hệ thống cơ quan báo chí ở Việt Nam được phát triển hết sức mạnh mẽ. Tính đến 4/2022, cả nước có 816 cơ quan báo chí, trong đó 115 báo thực hiện 2 loại hình (in và điện tử): 116 tạp chí thực hiện 2 loại hình; 29 báo và tạp chí điện tử chỉ có loại hình điện tử; 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh-truyền hình; khoảng 41.600 nhân sự đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực báo chí, Cả nước hiện có 17.161 người được cấp thẻ nhà báo 2021-2025 (tính đến 15/8/2021)…[10]

Bên cạnh đó, Việt Nam còn được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng in-tơ-nét cao nhất thế giới với hơn 68 triệu người sử dụng in-tơ-nét (chiếm 70% dân số). Sóng của các cơ quan truyền thông quốc tế như CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg… đều được tiếp cận dễ dàng tại Việt Nam[11].

Từ những phân tích trên, có thể vạch rõ sự sai trái và tính thù địch rất rõ của RSF trong việc đưa ra cái gọi là “bảng xếp hạng tự do báo chí”, trong đó Việt Nam luôn có điểm số rất thấp, thuộc nhóm “vi phạm tự do báo chí rất nghiêm trọng”. Chúng ta có đầy đủ lập luận từ các góc độ khoa học, pháp lý và thực tiễn để đấu tranh phản bác một cách trực diện đối với những luận điệu cố tình bóp méo sự thật một cách trắng trợn của tổ chức này, từ đó khẳng định một cách mạnh mẽ về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận nói riêng và việc bảo đảm quyền con người nói chung ở nước ta trong giai đoạn hiện nay./.

PGS.TS. Lê Văn Trung

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


[4] Trần Huyền Phương, Quyền tự do báo chí trong Luật Báo chí năm 2016 và một số kiến nghị triển khai thi hành luật, Nghiên cứu lập pháp số 2(354)-tháng 1/2018.

[5] Trung tâm Nghiên cứu quyền con người, Một số văn kiện quốc tế về quyền con người, Hà Nội, 2002, trang 28.

[6] Trung tâm Nghiên cứu quyền con người, Một số văn kiện quốc tế về quyền con người, Hà Nội, 2002, trang 181.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới.