Là một khái niệm đạo đức, song đạo đức nghiên cứu quyền con người còn là phạm trù pháp luật. Nghiên cứu quyền con người đặt ra yêu cầu về đạo đức nghiên cứu với một số vấn đề đặc thù như tôn trọng nguyên tắc, giá trị, đặc trưng của quyền con người và hướng tới việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong thực tiễn. Thông qua việc tổng thuật các dữ liệu nghiên cứu đi trước và phân tích những trải nghiệm trong quá trình nghiên cứu quyền con người của tác giả, bài viết này đề cập đến những vấn đề có tính lý luận và thực tiễn, đồng thời gợi mở sự tôn trọng và xây dựng đạo đức nghiên cứu, liêm chính học thuật về quyền con người ở Việt Nam hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: thanhnien.vn

1. Đạo đức nghiên cứu trong nghiên cứu về quyền con người 
a) Khái niệm đạo đức nghiên cứu trong nghiên cứu về quyền con người
Mối quan hệ giữa đạo đức và nghiên cứu khoa học nói chung cũng như nghiên cứu về quyền con người nói riêng ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết trên thế giới và Việt Nam. Đạo đức được hiểu là “những tiêu chuẩn được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội, một nghĩa khác nữa: nó là phẩm chất tốt đẹp của con người do tu dưỡng theo những tiêu chuẩn đạo đức mà có”1. Trên thực tế, đề cập đến đạo đức là đề cập đến giá trị, chuẩn mực tốt đẹp với những quy tắc ứng xử cá nhân dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau giữa con người với con người, giữa con người và xã hội. Đạo đức nghiên cứu liên quan đến việc áp dụng các nguyên tắc đạo đức cơ bản vào các hoạt động nghiên cứu, bao gồm việc thiết kế và thực hiện nghiên cứu, tôn trọng xã hội và những người khác, việc sử dụng các nguồn lực và kết quả nghiên cứu, lên án các hành vi sai trái trong khoa học và các quy định về nghiên cứu.
Pháp luật quốc tế về quyền con người đã định hình những quy tắc xử sự chung cho các quốc gia trong việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên thực tiễn. Mặc dù vậy, những giá trị quan trọng của quyền con người là “nhân phẩm”, “tôn trọng, bình đẳng, không phân biệt đối xử” không phải luôn luôn được bảo vệ bởi pháp luật trong mọi hoàn cảnh, giá trị này cần được bảo vệ bởi đạo đức. Bản chất của đạo đức là giá trị, chuẩn mực mang tính chân, thiện, mỹ được cộng đồng thừa nhận. Đạo đức nhìn nhận và lên án những hành vi sai lệch, xâm hại đến nhân phẩm của con người; chỉ ra những hành vi sai lệch xâm hại nhân phẩm và nguyên nhân; là lá chắn để ngăn chặn những hành vi đang sai lệch, xâm hại nhân phẩm và bình đẳng.  
Có thể đưa ra định nghĩa như sau: Đạo đức trong nghiên cứu quyền con người là những quy tắc ứng xử của nhà nghiên cứu về quyền con người dựa trên sự tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác nhằm bảo vệ nhân phẩm, sự bình đẳng và không phân biệt đối xử trong suốt quá trình nghiên cứu về quyền con người từ quá trình thiết kế và thực hiện nghiên cứu đến việc sử dụng các nguồn lực và kết quả nghiên cứu.
Đạo đức nghiên cứu quyền con người được thể hiện cụ thể ở 2 phương diện: một là đạo đức của nhà nghiên cứu trong việc thực hiện nghiên cứu đó, hai là tác động của những định hướng nội dung, mục đích và kết quả nghiên cứu của nhà khoa học đối với đời sống xã hội.
Thứ nhất, đạo đức của nhà nghiên cứu
Có thể thấy rằng, trong quá trình thực hiện nghiên cứu về quyền con người, để trở thành một nhà nghiên cứu có đạo đức đòi hỏi nhà khoa học phải có những phẩm chất cụ thể như: trung thực, khách quan trong nghiên cứu, ứng xử phù hợp, tôn trọng người tham gia nghiên cứu, không lạm dụng con người, sự vật trong quá trình thực hiện nghiên cứu. Nghiên cứu về quyền con người liên quan đến những lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội: dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá trên cả khía cạnh pháp luật và thực tiễn. Điều đó đòi hỏi nhà nghiên cứu phải tôn trọng đối tượng tham gia nghiên cứu là con người, trong đó đặc biệt chú ý khi các thông tin cần khai thác từ các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật,  người nghèo, người thuộc nhóm LGBTIQ...
Thứ hai, tác động của những định hướng nội dung, mục đích và kết quả nghiên cứu về quyền con người của nhà khoa học đối với đời sống xã hội.
Mục đích, nội dung và kết quả nghiên cứu về quyền con người luôn hướng tới việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người được thực hiện trên thực tiễn, là một mục đích tốt đẹp, nhân văn và đạo đức. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, đạo đức của nhà nghiên cứu sẽ quyết định những hành vi của họ theo hướng phụng sự sự phát triển xã hội và con người hay là tạo ra khả năng vi phạm các quyền; đạo đức góp phần nâng cao năng lực của nhà khoa học, góp phần khắc phục những tiêu cực trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học hay làm tăng những tiêu cực trong quá trình định hướng những nội dung và đưa những kết luận có khả năng dẫn tới sự xâm hại các quyền con người. Bên cạnh đó, đạo đức trong nghiên cứu quyền con người chịu tác động từ các nhân tố như môi trường văn hoá, đạo đức xã hội đối với quan niệm về quyền con người; sự tiếp cận đối với việc phát triển của khoa học kỹ thuật; trình độ nhận thức của cá nhân nhà nghiên cứu về quyền con người; quy định của pháp luật về quyền con người của quốc gia và nhân cách cá nhân của nhà nghiên cứu.
b) Nguyên tắc đạo đức trong nghiên cứu quyền con người
Một số các nghiên cứu đã chỉ ra các nguyên tắc đạo đức cơ bản trong nghiên cứu, với mục đích để bảo vệ những người tham gia là con người khỏi bị tổn hại trong nghiên cứu lâm sàng, áp dụng cho tất cả các lĩnh vực nghiên cứu mà con người tham gia từ việc đóng góp thời gian, công sức, thông tin chi tiết và dữ liệu cá nhân để các nhà nghiên cứu sử dụng. “Những nguyên tắc đạo đức bao trùm trong những nghiên cứu do EU tài trợ bao gồm: tôn trọng phẩm giá và sự chính trực của con người; đảm bảo tính trung thực và minh bạch đối với các đối tượng nghiên cứu; tôn trọng quyền tự chủ của cá nhân và nhận được sự đồng ý miễn phí và có hiểu biết (cũng như đồng ý bất cứ khi nào có liên quan); bảo vệ những cá nhân dễ bị tổn thương; đảm bảo sự riêng tư và bí mật; thúc đẩy công lý và tính toàn diện; giảm thiểu tác hại và tối đa hóa lợi ích; chia sẻ lợi ích với những người dân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt nếu nghiên cứu đang được thực hiện ở các nước đang phát triển; tôn trọng và bảo vệ môi trường và thế hệ tương lai”2.
Có tác giả đã phân tích nhiều nội dung trong nghiên cứu của mình: về sự trung thực, tính khách quan, tính chính trực, đàng hoàng, sự cẩn thận, sự cởi mở, sự tôn trọng sở hữu trí tuệ, bảo mật thông tin, sự chịu trách nhiệm xuất bản, tôn trọng đồng nghiệp, trách nhiệm xã hội, không phân biệt đối xử, trách nhiệm nâng cao trình độ chuyên môn, tuân thủ luật pháp và bảo vệ con người3.
Trên thế giới hiện nay, ở mỗi quốc gia đặt ra phương thức giải quyết riêng từ góc độ pháp luật đối với đạo đức nghiên cứu4 này gắn với những nội dung của luật về sở hữu trí tuệ, luật về hoạt động của doanh nghiệp, luật trong lĩnh vực y tế, môi trường... Trong thực tiễn, với mỗi ngành khoa học và loại hình nghiên cứu khoa học có thể có những quy tắc ứng xử và chính sách khác nhau để hướng dẫn hành vi đạo đức của các nhà nghiên cứu. 
Hiện nay, ở Việt Nam chưa có nguyên tắc đạo đức nghiên cứu riêng biệt về quyền con người. Trong nghiên cứu quyền con người, khác với nhiều ngành khoa học tự nhiên và xã hội khác, những vấn đề nghiên cứu, chủ thể tham gia nghiên cứu đều gắn với con người. Từ những phân tích trên, có thể đưa ra một số nguyên tắc đạo đức trong nghiên cứu quyền con người cụ thể như sau:
Nguyên tắc thứ nhất là: xây dựng những chuẩn mực tốt đẹp về quyền con người trong đời sống xã hội
Có thể thấy rằng câu hỏi quan trọng đầu tiên của một nghiên cứu đó là liệu nghiên cứu có mang lại lợi ích cho xã hội hay không. Câu hỏi đó cần trả lời trên một số phương diện sau: Một là, trong việc thực hiện mục tiêu nghiên cứu, nhà nghiên cứu quyền con người cần phải làm cho mọi người hiểu và tôn trọng quyền con người, làm giảm đi hoặc ngăn chặn sự vi phạm các quyền con người có thể diễn ra trên thực tiễn. Trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu của mình, nhà khoa học nghiên cứu về quyền con người có sự lựa chọn đề tài nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu hướng tới mục tiêu thay đổi, điều chỉnh, kiến nghị, đề xuất những giải pháp để nhằm tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người trên thực tế. Nếu những đề tài, phương pháp nghiên cứu đi ngược lại những mục tiêu đó, thì có thể nhận định nhà nghiên cứu không đủ phẩm chất đạo đức của nhà nghiên cứu về quyền con người. Hai là, trong nghiên cứu, nhà nghiên cứu không chỉ tuân thủ các chuẩn mực quốc tế và quy định của quốc gia về quyền con người mà còn tiếp tục đề xuất, kiến nghị, xây dựng và định hướng cộng đồng về những ứng xử liên quan đến quyền con người, nhằm làm cho con người được tôn trọng, bình đẳng, tự do và không bị phân biệt đối xử. Ba là, trong quá trình nghiên cứu, nhà nghiên cứu quyền con người cần thực hiện được việc: chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, bất cập trong pháp luật hoặc thực tiễn bảo đảm, bảo vệ quyền con người; phổ biến, tuyên truyền được sự tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm con người; thực hành việc không phân biệt đối xử trong xã hội.
Ở Việt Nam, những chuẩn mực cơ bản của pháp luật quốc tế về quyền con người hầu hết được luật hoá trong các văn bản của pháp luật quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi đối với nhà nghiên cứu. Ở một số quốc gia khác, các chuẩn mực quốc tế có thể không được ký kết hoặc không được tuân thủ thực hiện trên thực tế có thể đi ngược lại với tôn chỉ mục đích về đạo đức của nhà nghiên cứu. 
Nguyên tắc thứ hai là: Tôn trọng các chủ thể tham gia hoặc liên quan trong quá trình nghiên cứu
Trong nghiên cứu quyền con người, chủ thể tham gia quá trình nghiên cứu với cả hai loại hình: chủ thể quyền và chủ thể bảo vệ quyền. 
Đối với chủ thể bảo vệ quyền, trước hết là Nhà nước cùng với các chủ thể khác như tổ chức xã hội, doanh nghiệp, báo chí... nhà nghiên cứu cần phải có sự tôn trọng. Sự tôn trọng đó thể hiện trong quá trình khai thác thông tin, tìm kiếm dữ liệu và các quy tắc hoạt động của các tổ chức đó. Trong một số trường hợp, nội dung vấn đề nghiên cứu về quyền con người có thể có xung đột lợi ích với các chủ thể này. Chẳng hạn như việc nghiên cứu vấn đề tham nhũng hoặc ô nhiễm môi trường có thể tác động tới quyền về kinh tế của người dân nhưng có thể tạo ra những mâu thuẫn với chủ thể tham gia quá trình nghiên cứu. 
Nhóm chủ thể thứ hai là nhóm chủ thể quyền. Việc nghiên cứu quyền con người thông thường là hướng tới mục đích tôn trọng và bảo vệ chủ thể quyền, vì vậy dường như nguyên tắc đạo đức là tôn trọng chủ thể quyền luôn được thực hiện vì nhà nghiên cứu đứng về phía chủ thể quyền. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, nếu nhà nghiên cứu không tuân thủ nguyên tắc này thì có thể dẫn tới vi phạm quyền của các chủ thể: chẳng hạn như việc nghiên cứu diễn ra mà không có sự đồng ý của người tham gia; việc khai thác các thông tin đi quá giới hạn cần thiết của việc nghiên cứu; các kết quả nghiên cứu tiết lộ sự riêng tư và bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người tham gia nghiên cứu một cách vô tình hoặc cố ý... Với nhiều công trình nghiên cứu, các dữ liệu, hình ảnh, thông số kỹ thuật, các bản ghi âm... từ những phương pháp nghiên cứu phù hợp mà nhà nghiên cứu quyền con người đã lựa chọn, phải được bảo mật. 
Với nhóm chủ thể này, một yêu cầu đặt ra về đạo đức của nhà nghiên cứu cũng chính là những giá trị quan trọng của quyền con người đã được nêu trong Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 tại Điều 2: “Ai cũng được hưởng những quyền tự do ghi trong bản Tuyên ngôn này không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, như chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác”. Nghĩa là, nhà nghiên cứu quyền con người phải tuân thủ chính nguyên tắc được đề ra trong Tuyên ngôn, đó là phải tôn trọng, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử đối với người tham gia nghiên cứu trong quá trình nghiên cứu.
Một nhóm chủ thể khác là những người liên quan đến nhà nghiên cứu như nhà tài trợ, đồng nghiệp hoặc cơ sở nghiên cứu chủ quản cũng cần được nhà nghiên cứu tôn trọng và hợp tác. Trong quá trình nghiên cứu về quyền con người, các đồng nghiệp của nhà nghiên cứu có thể đưa ra những luận điểm, ý kiến trái chiều. Việc biết tiếp thu những ý kiến đó thể hiện sự tôn trọng, cầu thị và mang tới những lợi ích nhất định cho nhà nghiên cứu. Trong một số trường hợp, nhà tài trợ và cơ sở nghiên cứu chủ quản sẽ không chi trả cho những nghiên cứu không đạt yêu cầu mà họ đã đặt hàng, điều đó đòi hỏi nhà nghiên cứu phải tuân thủ các cam kết mà họ đã ký kết với các tổ chức đó. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngược lại, những yêu cầu của bên tài trợ đối với nhà nghiên cứu vượt quá ranh giới của việc cung cấp thông tin, ảnh hưởng tới quyền riêng tư của chủ thể cần bảo vệ thì nhà nghiên cứu phải có quan điểm bảo đảm quyền của chủ thể tham gia nghiên cứu và bảo vệ đạo đức nghiên cứu của chính mình.
Việc tôn trọng quyền con người trong quá trình nghiên cứu còn đặt ra vấn đề năng lực của nhà nghiên cứu. Trong một số trường hợp, nhà nghiên cứu chưa đủ năng lực sẽ có nguy cơ tạo ra những vi phạm nguyên tắc đạo đức tôn trọng quyền của chủ thể tham gia nghiên cứu. Đặc biệt với chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương, là nhóm đối tượng dễ bị nguy cơ phân biệt đối xử, có nhiều mặc cảm thì nguy cơ thiếu tôn trọng trong quá trình nghiên cứu có thể xảy ra. Điều này đòi hỏi nhà nghiên cứu phải có hiểu biết đầy đủ về quyền con người của nhóm dễ bị tổn thương, hiểu được tình cảm, các cảm xúc và thời điểm có thể tham gia nghiên cứu của nhóm này trong các nghiên cứu của họ một cách tự nguyện. Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu còn cần phải có những kiến thức về các lĩnh vực khác. Chẳng hạn như, việc nghiên cứu về vấn đề thay đổi việc làm của đối tượng là các cô gái mại dâm hay người nghiện ma tuý hoặc người có HIV... đòi hỏi nhà nghiên cứu phải có am hiểu về cả y học, tâm lý học.
Nguyên tắc thứ ba là: Trung thực trong quá trình nghiên cứu
Tính trung thực, sự trung thực, lòng trung thực là biểu hiện của đức tính, tính tình tốt đẹp của một con người, trung thực là “ngay thẳng, thật thà; đúng với sự thật, không làm sai lạc đi”5. Tính trung thực đòi hỏi hiện diện ở tất cả các bước của quá trình nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu về quyền con người nói riêng. Điều đó có nghĩa là từ việc lựa chọn đề tài, thu thập thông tin, xây dựng luận điểm, luận cứ, phân tích thảo luận, kết luận và công bố công trình nghiên cứu phải đảm bảo đúng sự thật. Tính trung thực ở đây được biểu hiện ra ở những khía cạnh sau:
Thứ nhất, bảo đảm tính khách quan đối với đối tượng nghiên cứu, chủ thể tham gia nghiên cứu về quyền con người. 
Độ trung thực của các dữ liệu thu thập được phải được bảo toàn trong quá trình nghiên cứu. Việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu điều tra xã hội học như khảo sát hoặc phỏng vấn sâu phải đảm bảo tính trung thực, minh bạch về số lượng phiếu, nội dung phỏng vấn... Tính trung thực trong nghiên cứu về quyền con người có điểm khác biệt so với một số ngành khoa học khác đó là, việc đưa ra những dữ liệu sai lệch có thể không ảnh ngay lập tức tới đối tượng nghiên cứu hoặc chủ thể nghiên cứu nhưng có thể gây ra tác động lâu dài. Bên cạnh đó, tính trung thực trong nghiên cứu còn đặt ra những vấn đề khác trong phẩm chất của nhà nghiên cứu đó là sự cẩn thận, tỉ mỉ, kiên trì và cởi mở trong quá trình tìm kiếm thông tin, thảo luận và đưa ra nhận định, tiếp thu với các ý tưởng có tính khác biệt và phê phán nghiên cứu của mình.
Thứ hai, bảo đảm liêm chính học thuật
Một khía cạnh quan trọng của trung thực trong nghiên cứu khoa học chính là liêm chính học thuật. Có tác giả đã nhận định:“Bảo đảm tính liêm chính là yêu cầu sống còn với sự tồn tại, phát triển của cộng đồng học thuật”6, rõ ràng rằng tầm quan trọng của liêm chính học thuật từ từng cá nhân nhà nghiên cứu có giá trị với cả nền học thuật nước nhà. Liêm chính học thuật là đạo đức, được quy định bởi những ứng xử có đạo đức và văn hoá của một nhà nghiên cứu thì các hành vi vi phạm liêm chính học thuật cần được luật hoá trong các quy định ở các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. 
Xét theo góc độ ngôn ngữ, liêm chính học thuật là một từ ghép gồm liêm chính (integrity) và học thuật (academic). Theo từ điển Tiếng Việt: liêm chính là (đạo đức cửa người có chức trách) ngay thẳng và trong sạch7. Vậy có thể hiểu liêm chính học thuật là một góc độ đạo đức của nhà nghiên cứu, là sự ngay thẳng và trong sạch trong quá trình nghiên cứu của họ. Học viện Ngân hàng nêu khái niệm: “liêm chính học thuật là việc tác giả ứng xử ngay thẳng và trung thực đối với các sản phẩm học thuật do bản thân tạo ra” và “vi phạm liêm chính học thuật là hành vi lừa dối nhằm đạt được lợi ích nào đó cho bản thân hay cho người khác trong học thuật. Hành vi vi phạm liêm chính học thuật bao gồm: bịa đặt, gian lận, đạo văn, tự đạo văn”8. Từ các nghiên cứu khác nhau, Đại học Hoa Sen ở Việt Nam đưa khái niệm “Liêm chính học thuật là cách hành xử ngay thẳng và trong sạch trong hoạt động học thuật, gồm các hoạt động liên quan đến giảng dạy, nghiên cứu cũng như các hoạt động sáng tác, sáng tạo khác” và “Hành vi vi phạm liêm chính học thuật là hành động nhằm đạt được lợi ích nào đó cho bản thân hay cho người khác một cách không công bằng trong các hoạt động học thuật. Hành vi vi phạm liêm chính học thuật bao gồm các hành vi đạo văn, hỗ trợ/trợ giúp người khác vi phạm, gian lận và bịa đặt”9. 
Như vậy, có thể hiểu liêm chính học thuật đối với nghiên cứu quyền con người là cách hành xử ngay thẳng và trong sạch trong hoạt động nghiên cứu về quyền con người của nhà nghiên cứu đối với công trình nghiên cứu khoa học của mình.
Đối với nghiên cứu quyền con người, việc sao chép, đạo văn, hoặc làm sai lệch dữ liệu, gian lận, bịa đặt… không chỉ ảnh hưởng tới bản quyền của tác giả nghiên cứu trước đó mà có thể dẫn tới nhiều hậu quả xấu liên quan tới bảo đảm quyền con người. Chẳng hạn như với nhiều nghiên cứu mà nhà nghiên cứu sao chép cùng một vấn đề về việc bảo đảm quyền con người trên thực tiễn thì có thể dẫn tới cách hiểu sai lệch cho các nhà hoạch định chính sách rằng vấn đề này là vấn đề nghiêm trọng và đưa ra các chính sách có thể chưa cần thiết, cấp bách trong khi có những vấn đề khác đang cần nguồn lực để giải quyết. Trong một số tình huống khác, việc sao chép, đạo văn, hoặc làm sai lệch dữ liệu, gian lận, bịa đặt... có thể dẫn tới đưa ra những kết luận sai lầm trong nghiên cứu tại các địa phương khác nhau, hoặc những lĩnh vực khác nhau về quyền con người. Những điều đó có thể ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan nhà nước và các chủ thể khác trong việc thực hiện bảo đảm quyền con người, thậm chí là uy tín của quốc gia trên trường quốc tế.
3. Tôn trọng và xây dựng đạo đức nghiên cứu và liêm chính học thuật về quyền con người ở Việt Nam hiện nay
Việc xây dựng đạo đức nghiên cứu về quyền con người gần đây đã trở thành mối quan tâm chung của nhiều quốc gia trên thế giới vì những lợi ích và giá trị của việc tôn trọng đạo đức và liêm chính học thuật khi nghiên cứu mang tới. Nhà nghiên cứu về quyền con người thường nghiên cứu từ những vấn đề ở các cấp độ lớn nhỏ khác nhau. Trong nhiều trường hợp, những nghiên cứu về quyền con người là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách sử dụng làm căn cứ để đưa ra việc bảo đảm quyền con người cũng như lợi ích hợp pháp cho một người, một vài người, một nhóm người hoặc thậm chí cả một quốc gia hay khu vực. Và vì vậy, việc tôn trọng đạo đức nghiên cứu và liêm chính học thuật là cơ sở quan trọng để các nghiên cứu thực sự có giá trị. Một số vấn đề liên quan đến đạo đức nghiên cứu về quyền con người đã được các học giả và tổ chức đưa ra những tranh luận từ đầu những năm 2000 đến nay như: quan điểm đạo đức và pháp luật về quyền con người10, đạo đức trong nghiên cứu trẻ em: quyền, lý do và trách nhiệm11; quyền con người và đạo đức nghiên cứu trong các trường hợp khẩn cấp, trong đó bổ sung cho các phương pháp tiếp cận về quyền con người, một “la bàn đạo đức” (ethical compass) về các giá trị cốt lõi, cung cấp cơ sở để phân chia trách nhiệm cho nhiều đối tượng không thuộc nhà nước12; bảo vệ những người tham gia nghiên cứu liên quan đến sức khỏe13; thách thức đạo đức của các tổ chức phi chính phủ về quyền con người quốc tế14... Những vấn đề này không chỉ đặt ra thách thức về chuyên môn với các nhà nghiên cứu về quyền con người mà còn đặt ra vấn đề đạo đức, mặt khác nghiên cứu quyền con người đã là một khía cạnh của việc thực hiện đạo đức và nếu vi phạm nó chính là tác động xấu tới việc tôn trọng, bảo vệ và thực thi quyền con người. 
Một câu hỏi được đặt ra là liệu có sự khác biệt về đạo đức nghiên cứu quyền con người giữa các quốc gia? Điều 5 Tuyên bố Viên và Chương trình hành động năm 1993 đã khẳng định sự tồn tại tính đặc thù của quyền con người. “Trong khi phải luôn ghi nhớ tầm quan trọng của tính đặc thù về dân tộc, khu vực cũng như bối cảnh khác nhau về lịch sử,  văn hoá và tôn giáo; các quốc gia, không phân biệt hệ thống chính trị, kinh tế, văn hoá, có nghĩa vụ thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền và  tự do cơ bản của con người”, vậy có tính đặc thù từ góc độ đạo đức nghiên cứu quyền con người hay không? 
Nghiên cứu về quyền con người đặt ra những yêu cầu về đạo đức và sự nhạy cảm riêng đối với nhà nghiên cứu và dựa trên những phương pháp nghiên cứu quyền con người cũng như các nguyên tắc về quyền con người, các giá trị của quyền con người và các đặc trưng cơ bản của quyền con người. Rõ ràng, ở mỗi quốc gia, khu vực và trong phạm vi của một quốc gia có thể có những quan điểm khác biệt về văn hoá, song học thuật là một lĩnh vực có giá trị chung. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng đạo đức nghiên cứu cũng là một phạm trù gắn liền với xã hội, nó là những tiêu chuẩn được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội. Trong việc thực hiện các nguyên tắc đạo đức nghiên cứu về quyền con người giữa các quốc gia sẽ có sự khác biệt do luật pháp, do cách thức sự giám sát và thực thi cũng như những chuẩn mực văn hóa. Tuy nhiên, những quy định pháp luật, những chuẩn mực văn hoá trái ngược hoặc vi phạm các giá trị cơ bản như nhân phẩm, bình đẳng thì cần phải nhìn nhận và thay đổi. 
Thực tế đặt ra rằng không chỉ cần luật hoá những vấn đề liên quan tới đạo đức của nhà nghiên cứu quyền con người mà cần xây dựng nền văn hoá nhân quyền dựa trên sự tôn trọng nhân phẩm, bình đẳng, không phân biệt đối xử thông qua giáo dục kiến thức, kỹ năng cho nhà nghiên cứu chính là phương thức lâu dài để có nền học thuật quyền con người ngày càng phát triển ở nước ta hiện nay.

TS. Trần Thị Hồng Hạnh

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 4/2022

---

Tài liệu tham khảo
(1) Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, NXB Hồng Đức, 2018, tr. 336.
(2) Euro Commission, Ethics in Social Science and Humanities. Tài liệu có tại: https://ec.europa.eu/info/sites/default/files/6._h2020_ethics-soc-science-humanities_en.pdf. Truy cập ngày 13/7/2022
(3) Bùi Hồng Việt, Về vấn đề đạo đức trong nghiên cứu khoa học, theo Bộ Khoa học và công nghệ. Tài liệu có tại https://sti.vista.gov.vn/tw/Lists/TaiLieuKHCN/Attachments/267053/CVv206S42017018.pdf. Truy cập ngày 13/7/2022.
(4) Đạo đức trong nghiên cứu khoa học: kinh nghiệm thế giới và gợi ý chính sách cho Việt Nam - là đề tài cấp Bộ, nghiệm thu đạt loại xuất sắc. Tài liệu có tại: https://vass.gov.vn/hoat-dong-khoa-hoc/Dao-duc-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-1744. Truy cập ngày 13/7/2022.
(5) Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, NXB Hồng Đức, 2018, tr.1331.
(6) Vũ Công Giao, Liêm chính học thuật: Lý luận, thực tiễn và yêu cầu đặt ra trên thế giới và ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp Số 6(358), T3 2018. 
(7) Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, NXB Hồng Đức, 2018, tr 716.
(8) Quy định liêm chính học thuật của Học viện Ngân hàng, Tài liệu có tại http://hvnh.edu.vn/.../quy-dinh-liem-chinh-hoc-thuat-cua... truy cập ngày 13/7/2022.
(9) Quy định liêm chính học thuật của Đại học Hoa Sen, Tài liệu có tại : https://www.hoasen.edu.vn/thuvien/en/about-us/en-chinh-sach-van-ban/.
Quy định liêm chính học thuật của Học viện Ngân hàng, Tài liệu có tại http://hvnh.edu.vn/.../quy-dinh-liem-chinh-hoc-thuat-cua...
(10) Audrey Leathard, Susan Mc Larne, Ethics: Contemporary challenges in health and social care, Chapter Nine: Ethical and legal perspectives on human rights , January 2007, Publisher: Policy Press.
(11) Nancy Bell, Department of Anthropology, Sociology and Applied Social Sciences, University of Glasgow, University Avenue, Glasgow, UK, Ethics in child research: rights, reason and responsibilities, Rougledge ISSN: 1473-3285 (Print) 1473-3277 (Online) Journal homepage: https://www.tandfonline.com/loi/cchg20. Tài liệu có tại https://www.tandfonline.com/doi/pdf/10.1080/14733280701791827. Truy cập ngày 15/7/2022.
(12) Human Rights and the Ethical Conduct of Research in Emergencies: Expanding the role of duty-bearers, Tài liệu có tại: https://gchumanrights.org/preparedness/article-on/human-rights-and-the-ethical-conduct-of-research-in-emergencies-expanding-the-role-of-duty-bearers.html. Truy cập ngày 13/7/2022
(13) Joseph J. Amon1,2*, Stefan D. Baral2,3, Chris Beyrer2,3, Nancy Kass2,4.
Human Rights Research and Ethics Review: Protecting Individuals or Protecting the State? , PLOS Medicine | www.plosmedicine.org.  Truy cập ngày 13/7/2022.
(14) The Ethical Challenge of International Human Rights Nongovernmental Organizations. Tài liệu có tại: https://www.un.org/en/chronicle/article/ethical-challenge-international-human-rights-nongovernmental-organizations. Truy cập ngày 13/7/2022.