Trong xã hội hiện đại, tình trạng phân biệt đối xử về ngoại hình đã và đang trở nên phổ biến và là vấn đề có tính nghiêm trọng được nhiều quốc gia quan tâm. Để khắc phục tình trạng đó, nhiều quốc gia đã có những quy định nhằm hạn chế sự phân biệt đối xử về ngoại hình, nhất là trong lĩnh vực lao động. Ở Việt Nam tình trạng phân biệt đối xử về ngoại hình bước đầu đã được quy định trong hệ thống pháp luật, nhưng thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm.
Ảnh minh họa. Nguồn: tuoitrethudo.com.vn
1. Chống phân biệt đối xử về ngoại hình trong pháp luật của một số quốc gia
Một người có thể bị phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, bản dạng giới, giới tính, tuổi tác, tôn giáo, khuyết tật, hình thể (ngoại hình) hoặc thiên hướng tính dục cũng như các hạng mục khác. Phân biệt đối xử về ngoại hình là biểu hiện rõ ràng của sự phân biệt đối xử và định kiến xã hội dựa trên bề ngoài của con người. Song, vì nó quá phổ biến trong văn hóa giao tiếp, nên hiếm khi được nhìn nhận nghiêm túc. Hành vi này dễ được coi như câu đùa xã giao hơn là sự cố ý gây tổn hại cho người đối diện.
Phân biệt đối xử về ngoại hình ở một số quốc gia đang là vấn đề nan giải. Ở Mỹ câu nói được nhiều người quan tâm là: “Attractiveness sells” (tạm dịch: Đẹp là ăn tiền). Điều này cho thấy, ở quốc gia với văn minh phát triển nhưng ngoại hình ưa nhìn được quan tâm. Trong thực tiễn, vấn đề ngoại hình không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của một bộ phận dân cư mà vấn đề này đã và đang được “vận dụng” như là những điều kiện chính thức hoặc phi chính thức trong các cuộc tuyển dụng theo cách thức công khai hay ngấm ngầm.
Mặc dù, thực tiễn như vậy, nhưng nhiều quốc gia trên thế giới đã có những quy định nhằm chống phân biệt đối xử liên quan đến đặc điểm hình thể, ngoại hình ở nơi công sở và là một trong các loại cáo buộc thường thấy trong các tranh chấp lao động. Từ góc độ pháp lý, các nguyên tắc về vấn đề này cũng đã được một số quốc gia quan tâm và hoàn hiện từng bước, ở những mức độ nhất định theo hướng bảo vệ cho người lao động.
Năm 2010, ở Australia, tiểu bang Victoria đã ban hành Đạo luật Bình đẳng Cơ hội (Equal Opportunity Act 2010). Nội dung đạo luật này dựa trên tinh thần chung của các đạo luật lao động và bình đẳng công dân liên bang liên quan, từ đó ghi nhận việc phân biệt dựa trên đặc điểm hình thể (chiều cao, cân nặng, kích thước, hay các đặc điểm hình thể khác) trong tuyển dụng là vi phạm quyền nhân thân và pháp luật tiểu bang - liên bang nói chung. Tuy nhiên, để đảm bảo tính linh hoạt và thực tiễn xã hội, đạo luật này cũng thừa nhận một số ngành nghề đặc trưng mà các đặc điểm hình thể có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mục tiêu kinh doanh thương mại, cụ thể là với hoạt động trình diễn, nghệ thuật, nhiếp ảnh, người mẫu, hay các nghề nghiệp tương tự. Một loại nghề nghiệp khác là vận động viên chuyên nghiệp cũng cho phép người sử dụng lao động được đánh giá và chọn lọc ứng viên dựa trên đặc điểm hình thể.
Tại Mỹ, vấn đề phân biệt đối xử về ngoại hình trong tuyển dụng đã và đang gây ra những tranh cãi trong các hoạt động tư pháp. Hiện nay, xét từ góc độ văn bản quy phạm pháp luật, ở Mỹ chỉ có ba văn bản chính bảo vệ người lao động khỏi hành vi phân biệt đối xử, đó là: (i) Bảo vệ người lao động khỏi hành vi phân biệt sắc tộc, màu da, giới tính, tôn giáo và nguồn gốc xuất xứ theo Mục VII của Đạo luật Quyền Dân sự ; (ii) Đạo luật về Phân biệt đối xử tuổi tác trong tuyển dụng; (iii) Đạo luật về Khuyết tật. Nội dung các những quy định liên quan đến chống phân biệt tuổi tác và chống phân biệt đối với người khuyết tật được đánh giá là những quy định pháp lý nhân văn; đồng thời những quy định này đã cung cấp những “vũ khí” pháp lý cho người lao động nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của mình trước các nhà tuyển dụng.
Nghiên cứu cụ thể, cho dù chưa tồn tại các quy định cấm trực tiếp việc phân biệt đối xử về chiều cao, cân nặng trong tuyển dụng, nhưng vấn đề này vẫn là chủ đề được các luật gia luật lao động ở Mỹ nghiên cứu tương đối kỹ, với một hệ thống tư liệu và án lệ đồ sộ. Hiện nay, ở Mỹ, trong trường hợp không có quy định pháp lý cấm trực tiếp việc phân biệt đối xử về chiều cao, cân nặng trong tuyển dụng thì chiều cao, cân nặng thường được khái quát thành những vấn đề rộng hơn liên quan đến giới tính hay sắc tộc, nhằm áp dụng Mục VII của Đạo luật Quyền dân sự.
Đặc biệt, ở Mỹ, vấn đề chiều cao có thể được lồng ghép vào các dạng phân biệt đối xử khác nơi công sở. Ví dụ điển hình, trong án lệ Dothard v. Rawlinson, một văn bản pháp quy của bang Alabama đặt ra yêu cầu giám ngục khi được tuyển dụng phải có chiều cao tối thiểu khoảng 1m60 và cân nặng từ 120 pounds (54 kg) trở lên. Trên cơ sở quy định này, Tối cao Pháp viện đã kết luận, việc quy định chiều cao, cân nặng như vậy là hành vi phân biệt về giới tính. Lý do mà kết luận đưa ra là, hai yêu cầu (chiều cao và cân nặng) theo quy định này đã loại trừ đến 42% nữ giới địa phương, trong khi chỉ loại trừ 1% nam giới1.
Vào năm 2014, cô Destinee Bryce, 24 tuổi, cao khoảng 1m40, đã hoàn thành tất cả các chứng chỉ đào tạo để chính thức chuyển ngạch từ chức danh Cảnh sát trưởng bán thời gian (part-time sheriff’s deputy) sang vị trí Cảnh sát tuần tra đường bộ (road patrol) thuộc Sở Cảnh sát hạt Saginaw. Tuy nhiên, ngay sau đó, Sở Cảnh sát hạt Saginaw hủy hợp đồng với Destinee Bryce nhưng không đưa ra lý do rõ ràng. Cô Destinee Bryce đã khiếu nại và lý do bị thôi việc đã hé mở, đó là chiều cao khiêm tốn của Destinee2.
Đồng thời với các quy định mang tính rào cản về chiều cao, cân nặng của ứng viên tuyển dụng, hàng loạt các vấn đề liên quan đến hình thức bề ngoài như hình xăm, yêu cầu trang điểm, yêu cầu trang phục, hay yêu cầu bề ngoài gây ảnh hưởng đến niềm tin tôn giáo đều là những tranh chấp pháp lý đang diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Một số quốc gia ở phương Tây dã xác lập án lệ về nội dung nêu trên; đồng thời Tòa án của các quốc gia này đã dành những ngoại lệ nhất định để chủ thể tuyển dụng có thể kiểm soát hoạt động kinh doanh và hình ảnh thương hiệu của mình thông qua các tiêu chuẩn khác biệt về tóc, quy định ăn mặc (quần áo) hay vẻ bề ngoài của nhân viên.
Những quy định này không đồng nghĩa với việc họ bỏ mặc người yếu thế, dễ bị phân biệt đối xử, dễ bị tổn thương bởi đặc điểm cá nhân của bản thân, từ tuổi tác, đến vẻ bề ngoài hay các khuyết tật bẩm sinh. Cơ chế giải quyết tranh chấp đang hiện hữu tại những quốc gia này cho thấy người lao động vẫn còn cơ hội hướng đến tương lai.
Sự phân biệt đối xử về ngoại hình là vấn đề không mới, đang đòi hỏi phải luật hóa bằng các nguyên tắc, quy định tương đối cụ thể để bảo vệ nhân phẩm cho người lao động có những đặc điểm ngoại hình nhất định. Các tác động của sự phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình sẽ ngày càng trầm trọng thêm, dần dần có thể tạo thành những thành kiến của xã hội và trong tư duy của các nhà tuyển dụng. Giải pháp duy nhất để xóa bỏ tình trạng này đó là thay đổi các tiêu chuẩn và định kiến về ngoại hình bằng các định chế xã hội cả chính thức và phi chính thức.
2. Chống phân biệt đối xử về ngoại hình trong pháp luật Việt Nam
a) Thực trạng phân biệt đối xử về ngoại hình trong cơ sở đào tạo và lĩnh vực tuyển dụng
Đối với lĩnh vực lao động, thực tiễn cho thấy, yêu cầu về ngoại hình để được ứng tuyển cho một công việc đã được các nhà tuyển dụng quy định không hiếm. Trong đó việc quy định yêu cầu về chiều cao của ứng viên trong các cơ quan công quyền hay công ty tư nhân khá phổ biến. Hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam, ngay cả ở những công ty đa quốc gia chịu ảnh hưởng của nền văn minh phát triển cũng đưa ra các yêu cầu xem như “cẩn trọng” hơn bằng việc tiến hành một buổi gặp mặt và yêu cầu về giấy khám sức khỏe tổng quát.
Cùng với yêu cầu về chiều cao, một tiêu chuẩn mà nhà tuyển dụng Việt Nam vẫn áp dụng một cách công khai, còn có rất nhiều tiêu chí “bất thành văn” khác về ngoại hình như: cận năng, hình thể,...
Thứ nhất, hiện nay, một số cơ sở đào tạo ở Việt Nam (trừ các trường thuộc lực lượng vũ trang, văn hóa nghệ thuật) ban hành những quy định liên quan đến sự phân biệt đối xử về ngoại hình. Có thể kể đến 02 trường hợp sau:
Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, quy định nữ sinh sư phạm phải cao từ 1m50 trở lên đã có từ năm 2008 và liên tục xuất hiện trong các sổ tay tuyển sinh cho đến nay3. Theo đại diện của Trường này cho rằng, tiêu chuẩn cao 1m50 dành cho nữ sinh là phù hợp, vì nó nằm trong đề án tiêu chuẩn sức khỏe mà nhà trường xây dựng để đảm bảo rằng mọi giáo viên đều đáp ứng đủ điều kiện sức khỏe, sự dẻo dai cũng như các yếu tố thể chất khác. Tuy nhiên, đại diện nhà trường lại không trích dẫn một nghiên cứu khoa học nào để chứng minh rằng chiều cao là yếu tố trợ giúp cho một người theo đuổi nghề giáo một cách lâu dài. Điều này cũng cho phép xã hội đặt câu hỏi: lấy căn cứ nào để cho rằng người phụ nữ chỉ cao dưới 1m50 sẽ có sức khỏe yếu hơn người phụ nữ cao từ 1m51 trở lên?
Năm 2019, nhiều bậc cha mẹ và học sinh trung học phổ thông bàn luận về Đề án tuyển sinh của Học viện Tòa án. Theo đề án này, ngoài các điều kiện chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiêu chuẩn về chính trị và phẩm chất đạo đức, các thí sinh phải đáp ứng một số điều kiện khác như: Thí sinh nữ phải cao từ 1m55 trở lên, cân nặng trong khoảng từ 45 kg đến 60 kg; Thí sinh nam phải cao từ 1m6 trở lên, cân nặng từ 48 kg đến 80 kg; Không bị dị hình, dị dạng, khuyết tật, không nói ngọng, nói lắp, không mắc bệnh kinh niên, mãn tính4. Giải thích về Đề án có nội dung về tiêu chuẩn chiều cao, cân nặng đối với thí sinh, người đại diện cho phòng Phòng Đào tạo và Khảo thí, Học viện Tòa án đã khẳng định tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng đối với thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường đã được học viện áp dụng mấy năm qua, từ khi bắt đầu tuyển sinh bậc đại học; đồng thời nhấn mạnh, khác với các phán quyết, quyết định hành chính của các cơ quan khác, thì trong công việc của một thẩm phán, khi tuyên một bản án luôn là “Nhân danh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”, vì vậy các tiêu chuẩn sức khỏe được quy định trong Đề án “không có sự phân biệt” mà nhằm đảm bảo việc thực hiện công việc đặc biệt này tốt hơn, hiệu quả hơn. Thực tế đây là một nghề rất áp lực, đòi hỏi phải có sự hài hòa về khả năng chuyên môn, tiêu chuẩn đạo đức, chính trị, tiêu chuẩn sức khỏe, thể trạng đặc thù mới có thể đáp ứng được công việc. Nếu không sẽ khó hoàn thành được nhiệm vụ5.
Như vậy, theo Đề án của Học viện Tòa án, các thí sinh có chiều cao dưới 1m55 (nữ), 1m6 (nam); có cân nặng dưới 45 kg hoặc trên 60 kg (nữ), dưới 48 kg hoặc trên 80 kg (nam) sẽ không được dự tuyển. Và điều này cho thấy, các điều kiện về chiều cao và cân nặng như trên ẩn chứa nhiều bất cập và không khoa học. Cao - thấp (lùn), gầy - béo (mập) là những thuật ngữ, phản ánh rõ tiêu chí dự tuyển của Học viện Tòa án về chiều cao, cân nặng. Chỉ số BMI (Body Mass Index) hay còn gọi là chỉ số khối cơ thể, chỉ số thể trọng, là một công cụ thường được sử dụng để đo lượng mỡ trong cơ thể. Chỉ số BMI chuẩn được tính dựa trên chiều cao và cân nặng, áp dụng cho nam và nữ trưởng thành. Và đây là chỉ số phản ánh sự cân đối giữa chiều cao và cân nặng. Việc đặt ra các tiêu chí về chiều cao, cân nặng như trên nhằm đảm bảo sức khỏe hay sự cân đối về hình thể? Cả hai lý do này đều không đảm bảo tính khoa học và thực tiễn của nó. Bởi lẽ: Một là, chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra rằng, người có chiều cao từ 1m55, cân nặng từ 45-60kg với nữ; cao từ 1m6, cân nặng từ 48-80kg (với nam) sẽ là người có sức khỏe hơn các đối tượng khác không ở trong khoảng giới hạn về chiều cao, cân nặng như trên. Hai là, sự cân đối về chiều cao và cân nặng thường được đánh giá theo công thức sau: BMI=Cân nặng/ [(Chiều cao)2]. Do vậy, với nữ: cao 1m50 nhưng nặng 40-45kg sẽ cân đối vóc dáng hơn người có chiều cao 1m55 nhưng nặng 56-59kg (giới hạn được phép dự tuyển). Tương tự với nam: người có chiều cao 1m65 nặng 79kg không thể có thể hình cân đối hơn người cao 1m85 cân nặng 81-85 kg.
Việc quá quan tâm đến chiều cao, cân nặng mà không chỉ ra được cơ sở khoa học và thực tế của nó, vô hình trung đã và đang có sự phân biệt và cách ứng xử với những người có chiều cao thấp hơn, cân nặng thấp hơn hoặc cao hơn so với điều kiện dự tuyển. Bên cạnh đó, cân nặng của con người có thể thay đổi theo thời gian. Nếu khi dự tuyển, đạt điều kiện về cân nặng và trở thành sinh viên, nhưng trong quá trình học tập, họ béo lên hoặc gầy đi (thấp hơn, hoặc cao hơn so giới giới hạn cân nặng lúc dự tuyển) thì sẽ thế nào? Những ví dụ nêu này mới chỉ phản ánh “câu chuyện” về điều kiện để được trở thành sinh viên của một vài ngành đào tạo của một số cơ sở đào tạo.
Thứ hai, một vấn đề cũng không kém phần bức xúc trong xã hội thời gian qua đó chính là việc phân biệt đối xử về ngoại hình trong tuyển dụng.
Nếu như trước đây, người lao động chỉ cần vững chuyên môn thì ngày nay điều đó là chưa đủ. Nhà tuyển dụng đã sử dụng nhiều tiêu chí liên quan đến ngoại hình trong tuyển dụng, và như vậy, ngoại hình đã và đang trở thành một yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nghề nghiệp của người lao động.
Đại diện của Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, thông báo tuyển dụng nhân viên của các công ty hiện nay hầu hết đều đính kèm yêu cầu về ngoại hình như một tiêu chuẩn quan trọng bên cạnh chuyên môn, bằng cấp... Và yêu cầu này đã đánh rớt nhiều người ngay từ “cái nhìn đầu tiên”. Những tưởng yêu cầu “có ngoại hình, ngoại hình đẹp” chỉ được áp dụng với các chức danh như tiếp tân công ty, tiếp viên khách sạn, nhà hàng, tiếp thị, thư ký... Thế nhưng, trong thông báo tuyển dụng đăng dày đặc trên mục quảng cáo của báo chí hiện nay, những công việc như kỹ sư, phiên dịch, nhân viên kinh doanh, trợ lý giám đốc, nhân viên văn phòng cũng được kèm theo tiêu chuẩn này. Và “mức độ đẹp” của yêu cầu về ngoại hình cũng được nâng lên cao hơn nhiều so với trước đây.
Đại diện Văn phòng giới thiệu việc làm H.A.H (thành phố Hồ Chí Minh) cũng mô tả lại một ca giới thiệu việc làm với sự bức xúc: “Vì uy tín trong công việc, mình đã cố gắng tìm những bạn trẻ có khả năng cao nhất, đảm bảo cả chiều cao, sức khỏe để giới thiệu cho các doanh nghiệp, thế nhưng, đôi khi họ từ chối chỉ vì những lý do không đâu. Như một lần, nhà hàng nọ trả về 5 lao động mình giới thiệu cho họ, ở vị trí tiếp tân chỉ vì làn da của 5 em này không đẹp lắm. Lần khác, ở vị trí giới thiệu sữa bột cho trẻ em, 12 trong số 30 em sinh viên mình đưa qua bị trả lại vì người thì hơi mập, người thì mặt buồn, người thì hay cười, người thì bị cận...”. Theo suy nghĩ của nhiều bạn trẻ, tiêu chuẩn “có ngoại hình” được hiểu là cơ thể lành lặn, không bị khuyết tật, sức khỏe đủ đảm bảo yêu cầu công việc... Thế nhưng khi tiếp xúc với nhân viên nhân sự của các doanh nghiệp, họ mới hiểu rằng “có ngoại hình” đối với những nơi này đồng nghĩa với “ngoại hình đẹp, bắt mắt” dù rằng, công việc có khi chỉ là nhân viên suốt ngày ngồi trong văn phòng6.
Đa số các đơn vị tuyển dụng hiện nay đều yêu cầu về chiều cao, mức thấp nhất được đưa ra thường là 1,55m đối với nữ và 1,67m với nam. Tuy nhiên, theo thống kê của Ủy ban Thể dục - Thể thao Việt Nam, chiều cao trung bình của thanh niên nước ta trong độ tuổi 20 hiện nay tương đương 1,538m với nữ và 1,651 với nam.
Điển hình như các ngân hàng ở Việt Nam hiện nay đều có tiêu chí về chiều cao trong tuyển dụng. Điều đó khiến cho không ít “sĩ tử” dù muốn đăng ký nguyện vọng vào học ngân hàng phải suy nghĩ lại vì chiều cao không đủ tiêu chuẩn.
Như tại Sacombank, ngân hàng này có yêu cầu phổ biến với các vị trí là cao 1m58 trở lên với nữ và 1m65 trở lên với nam giới, kèm theo hình thức ưa nhìn, phù hợp với vị trí công tác. Thậm chí một số vị trí phải tiếp xúc nhiều với khách hàng như giao dịch viên, chuyên viên tư vấn thì nữ phải cao 1m60 trở lên, tuổi dưới 30, có ngoại hình đẹp,... Hay nhân viên bảo vệ phải có chiều cao 1m68 trở lên.
Tại Vietcombank, nhiều thông báo tuyển dụng cũng yêu cầu nữ phải cao trên 1m60 và tuổi đời không quá 25, còn với nam phải cao 1m70 trở lên và không quá 28 tuổi. Còn ở VietinBank, muốn làm cán bộ của ngân hàng này (tùy vị trí) cũng cần phải đáp ứng chỉ tiêu nữ cao 1m58 và nam cao 1m65 trở lên.
Ngân hàng Quốc Dân (NCB) tuyển các vị trí tiếp xúc với khách hàng nhiều như giao dịch viên yêu cầu tối thiểu cao 1m62 và hình thức ưa nhìn. Đây cũng là chỉ tiêu đưa ra cho các ứng viên ở ngân hàng Techcombank và nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác.
Các nhà tuyển dụng chuyên nghiệp nhận xét, việc các ngân hàng chú trọng về hình thức cũng là điều dễ hiểu, bởi lẽ ngày nay, ngoài sự cạnh tranh về các sản phẩm, dịch vụ thì ngân hàng nào có đội ngũ nhân viên đẹp về hình thức, giỏi về chuyên môn cũng sẽ có ưu thế hơn trong việc giữ chân và tăng thêm lượng khách hàng.
Tuy nhiên, với người xin việc thì tiêu chí về hình thức lại là “thảm họa”, nhất là với các sinh viên mới ra trường còn chưa có kinh nghiệm. Phương Thúy, một sinh viên vừa tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng ở Hà Nội cho biết, dù tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi trên tay song 6 tháng qua bạn vẫn chưa thể tìm được việc làm ở ngân hàng chỉ vì chiều cao...1m53. “Biết rằng các ngân hàng quy định về hình thức nhưng vì đam mê ngành ngân hàng, muốn làm việc ở ngân hàng nên em vẫn cố gắng thử hết các ngân hàng xem sao, nếu không được thì đành phải tìm công việc khác”, Thúy chia sẻ và cho biết thêm bạn đã nộp hồ sơ xin việc tới hơn 10 ngân hàng trên địa bàn Hà Nội7.
b) Quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến chống phân biệt đối xử về ngoại hình
Trong Hiến pháp năm 2013, mặc dù không quy định trực tiếp về phân biệt đối xử về ngoại hình nhưng Điều 16 và Điều 35 đã có những quy định mang tính định hướng như: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội; Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc; Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu,...
Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã có những quy định nhằm chống sự phân biệt đối xử về ngoại hình như: Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015, điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP; đối với hành vi miệt thị người khác về ngoại hình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) và các văn bản khác.
Bộ luật Lao động năm 2019, tại Điều 5 ghi nhận người lao động có quyền: làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử (bao gồm cả phân biệt đối xử ngoại hình),...
Tuy nhiên, hành vi phân biệt đối xử bị cấm chỉ bao gồm: phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
Như vậy, chúng ta có thể “ngầm hiểu” việc phân biệt đối xử về ngoại hình không nằm trong phạm vi bị cấm. Và Bộ luật Lao động hiện hành cùng các văn bản hướng dẫn thi hành cũng dừng lại không bình luận gì thêm về vấn đề này.
Hiện nay, các nhà tuyển dụng thường viện dẫn các điều khoản của Bộ luật Lao động về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động để chứng minh cho thẩm quyền tuyệt đối của mình trong việc đặt ra các điều kiện ngoại hình trong hoạt động tuyển dụng.
Tương tự như vậy, điều kiện đăng ký dự tuyển công chức được áp dụng theo quy định tại Điều 36 Luật Cán bộ, công chức năm 2008; điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức được áp dụng theo quy định tại Điều 22 Luật Viên chức năm 2010. Theo đó, người dự thi không bị phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tính ngưỡng, tôn giáo nhưng phải đáp ứng các điều kiện về phẩm chất chính trị, đạo đức, chuyên môn, có đủ sức khỏe để thực hiện công việc và nhiệm vụ.
Từ góc độ ngoại hình, trong các quy định của 2 văn bản luật nêu trên chỉ đặt ra yêu cầu chung là “Đủ sức khỏe” mà không quy định các tiêu chí cụ thể về sức khỏe có liên quan đến ngoại hình (chiều cao, cân nặng, sự cân đối của hình thể). Chính vì lý do này, một số cơ quan nhà nước, đơn vị tuyển dụng lao động (theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc) đã “lách luật” để ra các quy định về tuyển dụng trong đó có quy định về ngoại hình.
Ví dụ: Trong thông báo tuyển dụng năm 2018, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội yêu cầu người dự tuyển phải có chiều cao từ 1,55 trở lên với nữ; 1,6m trở lên với nam; cân nặng từ 45kg trở lên với nữ và từ 50kg trở lên với nam.
Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân cấp cao trong nhiều năm trở lại đây đặt ra yêu cầu tuyển dụng công chức như sau: Nữ có chiều cao từ 1,52m trở lên, nam từ 1,6m trở lên; nam nặng từ 55kg trở lên và nữ nặng từ 45kg trở lên.
Ngay trong quy chế tuyển sinh đại học ban hành kèm theo Thông tư 07/2018/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo không đặt ra yêu cầu về ngoại hình đối với thí sinh dự thi ngành sư phạm. Tại Điều 6, Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy cũng chỉ quy định về sức khỏe để học tập mà không quy định các điều kiện về ngoại hình8.
Ngoài các ngành nghề, công việc có liên quan đến thẩm mỹ, hình ảnh,… thì với nhiều lý do khác nhau, hiện nay không chỉ các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng lao động, các cơ sở đào tạo đã và đang “vận dụng” tối đa cơ chế, sự “thông thoáng” của pháp luật để đưa ra quy định nhằm hạn chế quyền học tập, lao động của các đối tượng bằng các giới hạn mang tính phân biệt đối xử về ngoại hình.
Mỗi cá nhân là những cá thể riêng biệt với những tính cách và ngoại hình riêng biệt. Không có khuôn mẫu cho quan niệm đẹp - xấu về ngoại hình. Việc các thành viên của xã hội chấp nhận sự đa dạng về ngoại hình, tính cách, sở thích,... cho thấy đó là một xã hội nhân văn, văn minh và tạo điều kiện cho mỗi cá nhân đều có thể sống, làm việc theo năng lực của mình từ đó đóng góp cho xã hội tốt hơn. Với ý nghĩa đó và từ thực trạng sự phân biệt đối xử về ngoại hình cũng như pháp luật hiện hành, trong thời gian tới cần phải có những quy định đầy đủ, cụ thể theo hướng bảo đảm quyền, lợi ích của con người, chống sự phân biệt đối xử trong tất cả các phương diện, nhất là sự phân biệt đối xử về ngoại hình./.
TS. Vũ Thị Thu Quyên
Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 3/2023
-----
Tài liệu trích dẫn
(1) Dothard v. Rawlinson, 433 U.S. 323, Page 433 U.S. 323, truy cập: https://supreme.justia.com/cases/federal/us/433/321/#F2 ngày 25/3/2023.
(2) Destinee Bryce năm 2014 dẫn theo: Võ Văn Quảng (2019) Các nước trên thế giới chống phân biệt đối xử về ngoại hình như thế nào? Đăng trên Tạp chí Luật Khoa, ngày 17/2/2019, https://luatkhoa.org/2019/02/cac-nuoc-tren-the-gioi-chong-phan-biet-doi-xu-ve-ngoai-hinh-nhu-the-nao/; truy cập ngày 23/5/2023.
(3) ĐH Sư phạm TP.HCM: Quy định cao 1,5 m mới được thi sư phạm là hợp lý, tại https://news.zing.vn/dh-su-pham-tphcm-quy-dinh-cao-1-5-m-moi-duoc-thi-su-pham-la-hop-ly-post916150.html; truy cập ngày 16/8/2022.
(4) Xem: hocvientoaan.edu.vn, mục “Tuyển sinh đại học” và Thông báo số 97/TANDTC-HVTA, về việc Hướng dẫn công tác sơ tuyển vào Học viện Tòa án năm 2019, ngày 07 tháng 03 năm 2019.
(5) Không tuyển thí sinh nữ trên 60kg, Học viện Tòa án nói gì? Tại https://tuyensinh.tuoitre.vn/khong-tuyen-thi-sinh-nu-tren-60kg-hoc-vien-toa-an-noi-gi-20190314115150257.htm; truy cập ngày 12/8/2022.
(6) Ngoại hình - giấy thông hành cho người xin việc làm? Tại http://vietbao.vn/Viec-lam/Ngoai-hinh-giay-thong-hanh-cho-nguoi-xin-viec-lam/20175887/271/; truy cập ngày 25/8/2022.
(7) Tuyển vào Ngân hàng khó hơn thi sắc đẹp. Tại http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/tuyen-vao-ngan-hang-kho-hon-thi-sac-dep-20160116172838505.chn); truy cập ngày 25/8/2022.
(8) Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được sửa đổi theo Thông tư 07/2018/TT-BGDĐT ngày 01/3/2018.