Trên cơ sở phân tích nội dung, nguồn gốc, ý nghĩa của chủ nghĩa duy lý, các phong trào Tự do và phản kháng, tinh thần giáo dục của thời kỳ Khai sáng ở Pháp, bài viết làm rõ những nền tảng của triết học về quyền con người, đồng thời khái quát bức tranh lịch sử của sự hình thành tư tưởng và phong trào đấu tranh vì quyền con người ở châu Âu nói riêng, toàn thế giới nói chung.
Ảnh minh họa. Nguồn: nxbctqg.org.vn.
Dẫn nhập
Hình thành và tồn tại vào giữa thế kỷ XVIII ở Pháp, thời kỳ Khai sáng (Lumières) là một giai đoạn đầy lạc quan của triết học. Chính từ nơi đây, những ý niệm về tự do, bình đẳng và quyền con người đã thoát thai, tựu hình và trở thành nguồn cảm hứng cho những phong trào đấu tranh vì quyền tự nhiên của con người mà đỉnh cao là Cách mạng Pháp năm 1789. Cũng chính từ đây, quyền con người đã dần trở thành mối quan tâm của các nhà nước và được thể chế hóa một cách rộng rãi. Vì vậy, để hiểu được sâu sắc hơn về quyền con người - một phạm trù hết sức quan trọng, cần tìm đến những nền tảng triết học của nó.
Một vài ý niệm sơ khởi
Nhận thức về quyền con người ngày nay đã được mở rộng và hoàn thiện bởi nhiều công trình nghiên cứu đồ sộ. Tuy nhiên, tất cả những lý thuyết đó đều được xây dựng trên một vài nhận thức cơ bản được các nhà triết học thời kỳ Khai sáng đưa ra. Quyền con người, trước hết, được nhìn nhận như là những quyền tự nhiên, nghĩa là con người hiển nhiên có. Con người sinh ra tự do và bình đẳng về các quyền.Tuy nhiên, con người không duy trì một trạng thái tự nhiên tuyệt đối, nơi "con người là chó sói với con người" (Homo homini lupus)2 mà lại quần cư cùng với nhau trong một xã hội, dưới sự cai trị và bảo vệ của nhà nước. Xã hội loài người cần nhà nước như một tổ chức ngăn chặn những sự xâm phạm quyền tự nhiên của mỗi người. Vậy, nghĩa vụ của nhà nước như đã được thể hiện trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1791 của Pháp là "bảo vệ các quyền tự nhiên, đảm bảo việc tôn trọng các quyền của mỗi người."3 Do đó, một chính thể chống lại quyền con người là một chính thể sai trái và cần phải lật đổ. Cuối cùng, để có một xã hội tốt đẹp, nơi những giá trị quyền con người được bảo vệ và lan tỏa, cần coi giáo dục như một công cụ hữu hiệu. Montesquieu đã nói: "Trong chính thể cộng hòa, người ta cần đến tất cả sức mạnh của giáo dục"4. Và ngày nay, giáo dục quyền con người là một trong những ưu tiên hàng đầu để khắc phục thực trạng "có hàng triệu người sinh ra rồi chết đi mà không hề biết rằng họ là chủ thể của các quyền con người"5.
Những nhận thức nêu trên về quyền con người có thể sẽ đem lại cho chúng ta một vài vấn đề cần làm rõ:
- Những nhà triết học Khai sáng đã dựa vào đâu để tuyên bố rằng quyền con người là hiển nhiên, liệu có sự hoài nghi nào đối với điều đó?
- Nhà nước lý tưởng là nhà nước bảo vệ quyền con người, nhưng vào thời kỳ Khai sáng các nhà nước quân chủ lại làm điều hoàn toàn trái ngược, vậy điều gì đã kích thích và cổ vũ các triết gia Khai sáng hướng tới tới lý tưởng này?
- Và cuối cùng, để những giá trị quyền con người được phổ biến, giáo dục, các nhà tư tưởng thời kỳ này quan niệm ra sao?
Để trả lời cho những câu hỏi này, chúng ta sẽ cùng lần nhìn lại từ ngọn nguồn của phong trào Khai sáng để thấy được từ đâu mà các triết gia thời đại này lại có được những tư tưởng như vậy. Theo mạch chảy của lịch sử, ba vấn đề sẽ được trình bày đó là: Chủ nghĩa duy lý, Tinh thần Tự do và phản kháng, Trào lưu khai sáng và giáo dục, đó cũng là ba yếu tố nền tảng để gây dựng nên triết học về quyền con người trong thời kỳ này.
Chủ nghĩa duy lý
Tiếp nối truyền thống triết học từ Descartes, Chủ nghĩa duy lý (Rationalism) đã gây ảnh hưởng lớn tới các triết gia Pháp thời kỳ Khai sáng. Những người theo Chủ nghĩa duy lý có niềm tin tuyệt đối vào những nguyên tắc cố hữu trong lý tính của con người. Theo họ, con người là bản thể của tư duy, như Descartes đã nói: Cognito, ergo sum (tôi tư duy, vậy tôi tồn tại). Tư duy, lí trí hay lý tính là yếu tố làm nên sự tồn tại của con người. Và trong tư duy con người luôn chứa đựng ý niệm về một thực thể hoàn hảo, tức là những ý niệm tự nó đã chứa đựng một sự thật rằng nó phải tồn tại. Vào thời Descartes, thực thể hoàn hảo của ông chính là Chúa trời, Chúa trời với tư cách một ý niệm bẩm sinh của con người. Như chính ông đã nói trong tập Những suy ngẫm về siêu hình học (Méditations métaphysiques), "ý niệm về Chúa trời đã được sinh ra cùng lúc với tôi trong khoảnh khắc tôi hình thành, như một ý niệm bẩm sinh. Và sự thật rằng không nên có một lý do gì cho sự ngạc nhiên, nếu Chúa, khi tôi được sinh ra, đã đặt những ý niệm đó vào trong tôi như là một nghệ nhân thủ công đóng dấu lên sản phẩm của mình."6 Nhưng đến thời Khai sáng, ý niệm về thực thể hoàn hảo đã trở thành cảm hứng cho niềm tin không thể lung lay vào quyền tự nhiên của con người. Thật vậy, các triết gia Khai sáng đều khẳng định rằng quyền con người là giá trị tự thân con người có được ngay từ khi họ sinh ra, giống như điều mà Descartes đã nói về Chúa trời. Rõ ràng rằng những cảm hứng về lý tính bất biến của Chủ nghĩa duy lý đã khơi gợi nên ý tưởng của các nhà triết học thời kỳ Khai sáng về nguồn gốc tự nhiên của quyền con người. Chúng ta biết rằng, xét về quan điểm, nguồn gốc của quyền con người được chia thành hai trường phái là tự nhiên và pháp lý. Cả hai trường phái này đều có xu hướng đả kích nhau(7), nhưng đều dựa trên những cơ sở riêng biệt. Với những người coi rằng quyền con người là tự nhiên, giống như những gì các triết gia Khai sáng đã nói, thì cơ sở của họ chính là lý tính bất biến của Chủ nghĩa duy lý. Đó cũng chính là lý do mà thời kỳ Khai sáng còn được gọi là Thời đại của Lý tính (Age of Reason).
Tiếp theo, chúng tôi muốn lý giải sâu hơn nữa tại sao các triết gia Khai sáng lại tiếp thu và phát triển một cách tài tình những lý thuyết của Chủ nghĩa duy lý. Liệu đó chỉ là kết quả của những cảm hứng triết học từ thời Descarte, hay sâu xa hơn nữa, từ Giọng nói thần thánh của Socrates và Logos của những nhà triết học Khắc kỷ (Stoic)8? Theo chúng tôi, cần bám vào quan điểm của chủ nghĩa Marx, con người là sản phẩm của lịch sử, tất cả những gì chúng ta nói, nghĩ và làm đều phản ánh bối cảnh lịch sử của thời đại chúng ta sống. Đối với những nhà triết học Khai sáng cũng vậy, sở dĩ họ tiếp nhận và vận dụng những giá trị của Chủ nghĩa duy lý cũng xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử và xã hội của họ.
- Trước hết, vào thời kỳ này, sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản, đi cùng với nó là rất nhiều phát minh khoa học ra đời đã tạo nền tảng cho tư duy lý tính phát triển. Thật vậy, nếu Descartes phát triển Chủ nghĩa duy lý của ông trên nền tảng toán học thì các nhà triết học Khai sáng đã tìm được nguồn hứng khởi từ những khám phá khoa học mà điển hình nhất là những kiến thức khoa học tự nhiên. Một dẫn chứng tiêu biểu đó là Voltaire đã "chịu ảnh hưởng từ chủ thuyết thực nghiệm và vật lý học của Newton, ông đã biến lý thuyết đó thành cơ sở căn bản cho triết học của Pháp ở thế kỷ XVIII, qua tác phẩm Những yếu tố của Triết học Newton (Elements de la philosophie de Newton) viết năm 1788." 9
Bên cạnh đó, những tư tưởng cốt lõi của thời kỳ Khai sáng đều đã có nền móng tư tưởng từ thời Trung cổ. Những hạt nhân duy lý đã tồn tại trong tâm thức và văn hóa của người châu Âu trong một thời kỳ dài. Thật vậy, "trong khi người Anh nói về 'common sense' (nhận thức thông thường) thì người Pháp thường nói về 'évident' (hiển nhiên). Cụm từ tiếng Anh có nghĩa 'điều mà ai cũng biết', từ tiếng Pháp có nghĩa 'điều hiển nhiên đối với lý tính của con người"10. Như vậy, những ý niệm về lý tính bất biến đã tồn tại một cách lâu dài và là nền tảng tư tưởng cho những triết gia Khai sáng tin vào nguồn gốc tự nhiên của quyền con người. Hay nói cách khác, tất cả mọi khái niệm về quyền con người, tự do, bình đẳng cũng như những khái niệm khác về tinh thần, tôn giáo và luân lý được xây dựng nên trong thời kỳ này đều được đặt trên một nền móng là lý tính bất biến của con người.
Tinh thần tự do và phản kháng
Để trả lời cho vấn đề tại sao trong một bối cảnh xã hội quân chủ chuyên chế ở Pháp mà tinh thần triết học Khai sáng lại nở rộ, theo chúng tôi cần phải thấy được điều quan trọng sau. Về mặt logic, rõ ràng rằng sự phát triển của xã hội được quyết định bởi yếu tố cơ sở hạ tầng, mà trong đó trình độ khoa học kỹ thuật, lực lượng sản xuất sẽ quyết định tất cả. Ở nước Pháp trong thế kỷ XVIII, quan hệ sản xuất tư bản phát triển làm tăng sức mạnh và vai trò của tầng lớp tư sản, trí thức thành thị. Tuy nhiên họ bị o ép bởi chế độ chuyên chế với độc quyền của tầng lớp tăng lữ, quý tộc11. Trong bối cảnh như vậy chắc chắn tinh thần tự do và phản kháng sẽ được nuôi dưỡng và luôn chờ trỗi dậy. Tuy nhiên, cần phải thấy được ngòi nổ của tinh thần đó nằm ở đâu để rõ hơn về những nền tảng triết học của trào lưu Khai sáng.
Phải nói rằng, nếu Chủ nghĩa duy lý của Descartes là cảm hứng cho triết học Khai sáng thì tinh thần tự do và phản kháng lại được các triết gia thời kỳ này thu nhận từ nước láng giềng Anh quốc. Nước Anh trong thời kỳ này là nơi tự do hơn Pháp về nhiều mặt. Trong những chuyến thăm tới Anh quốc, các triết gia Khai sáng đã bị lôi cuốn bởi tinh thần tự do của nơi đây. Trong cuốn sách Voltaire, Montesquieu and Rousseau in England, tác giả J.Churton Collin đã miêu tả khá rõ ràng về cuộc sống, những lần viếng thăm, quan điểm của ba triết gia này đối với Anh quốc12 và cho thấy ảnh hưởng của đất nước này đối với họ. Chúng ta cũng có thể tìm thấy dễ dàng những dấu vết của sự hâm mộ nước Anh trong trước tác của các triết gia Khai sáng Pháp. Trong cuốn Bàn về tinh thần pháp luật, quyển 11, chương VI, Montesquieu đã ca ngợi chính thể của Anh, ông nói: "Tự do của người Anh có được là do luật pháp của họ"13. Còn Voltaire đã sống ở Anh trong ba năm (1726-1729), nơi ông viết Những lá thư triết học với nhiều nội dung ca ngợi sự tự do và tiến bộ của nước Anh so với Pháp. Chẳng hạn trong lá thư thứ 5, ông viết: "Về mặt đạo đức, những giáo sĩ Anh giáo được sắp đặt tốt hơn những giáo sĩ ở Pháp, và lý do là: tất cả những giáo sĩ đó đều được đưa tới từ Đại học Oxford hay Cambridge, rất xa khỏi sự tham nhũng của thủ đô."14 Cũng tại đây, trong lá thư thứ 8, 9, Voltaire đã phân tích chính thể Anh và những điểm ưu việt của nó.
Tinh thần tự do của nước Anh mê hoặc các nhà triết học Pháp. Ở Pháp, nền quân chủ chuyên chế ngày càng phát triển tới mức cực đoan. Vua Louis thứ XIV của Pháp là một nhà chinh phạt vĩ đại, ông đã nói: Nhà nước ư, chính là ta (L'État, c'est moi). Nhưng ở Anh, từ thế kỷ XIII, với bản Đại hiến chương Magna Carta, những tư tưởng hạn chế quyền lực của nhà vua, bảo vệ quyền tự do của con người đã được nhen nhóm(15). Sau đó, vào năm 1688, cuộc cách mạng tư sản Anh nổ ra, nhà nước quân chủ lập hiến chính thức được thiết lập. Như vậy, Anh và Pháp là hai nước láng giếng gần gũi về mặt địa lý nhưng lại có bối cảnh chính trị, xã hội khác nhau. Tinh thần tự do ở Anh chính là một động lực quan trọng thúc đẩy cho khát vọng đấu tranh của những nhà triết học Khai sáng Pháp.
Bên cạnh đó, khi nói đến ảnh hưởng của nước Anh tới các triết gia Khai sáng, chúng ta không thể không nhắc tới triết học của John Locke. Tư tưởng của Locke về quyền tự nhiên đã tác động mạnh tới các nhà triết học hậu bối. Locke bàn nhiều về tự do và coi tự do như một quyền tự nhiên của con người. Ông lập luận: "Không ai được làm hại đến sinh mạng, sức khỏe, tự do, hay tài sản của người khác, vì tất cả đều là tuyệt tác của một Đấng sáng tạo toàn năng và thông thái vô hạn."16 Bên cạnh đó, tư tưởng của Locke về phân chia quyền lực cũng đã được Montesquieu tiếp thu và phổ biến một cách rộng rãi. Hơn thế, ngay cả bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền 1791 cũng được coi là đã tiếp nhận những "cảm hứng kiểu Locke"17 trong những điều khoản đầu tiên của nó về các quyền tự do cá nhân.
Nhìn chung, mơ ước có được một xã hội tự do của các triết gia Khai sáng được nhen nhóm từ những tia sáng tới từ nước Anh. Điều này đã cổ vũ cho họ thực hiện những cuộc đấu tranh chống lại tầng lớp tăng lữ, vua chúa; thông qua các phong trào chống kiểm duyệt, và đặc biệt là bằng các bài báo, sách vở đả kích. Tinh thần tự do và phản kháng là một phần rất quan trọng mà các nhà triết học Khai sáng đề cao. Từ những nhận thức ban đầu về giá trị của tự do, họ đã dần dần thấy được sự phi lý và độc đoán của chính quyền, và tự ý thức được nhiệm vụ phải đấu tranh dành lấy quyền tự do thiêng liêng của mình.
Trào lưu Khai sáng và giáo dục
Đây là yếu tố mang tính nền tảng cuối cùng cho thời kỳ triết học Khai sáng mà chúng tôi muốn nói đến. Nó cũng là cái kết của một chuỗi logic bắt đầu từ Chủ nghĩa duy lý. Chủ nghĩa duy lý đề cao lý tính, lý trí, nhận thức của con người, từ đó con đường đấu tranh hợp lý nhất là khai mở lý tính, lý trí và nhận thức của tất cả moi người. Chính vì vậy, tên gọi của thời kỳ này là Khai sáng. Trào lưu Khai sáng đặt ra nhiệm vụ khám phá và truyền bá tri thức của loài người trên phạm vi càng rộng lớn càng tốt. Những tri thức này không đơn thuần là trong lĩnh vực quyền con người, chính trị hay pháp luật. Với chủ trương đề cao lý tính, các nhà triết học Khai sáng cho rằng trí óc của con người có thể đạt tới sự thấu hiểu lý tính bất biến từ mọi ngành khoa học, kể cả các môn tự nhiên vật lý, hóa học, sinh học. Vì vậy, họ cố công sưu tầm và tập hợp những tri thức của nhân loại trên mọi lĩnh vực vào một tác phẩm lớn, mà có thể coi đây là công trình kỷ niệm vĩ đại nhất của phong trào Khai sáng, đó chính là cuốn Từ điển Bách khoa gồm 28 tập, được xuất bản trong hơn 20 năm18. Hầu như tất cả các học giả nổi tiếng của thời đại đều tham gia biên soạn bộ sách này. Những tri thức của nó trải rộng đến mức có thể nói rằng, người ta có thể tìm thấy mọi thứ trong đó, "từ cách làm kim khâu cho đến cách đúc đại bác"19.
Trong trào lưu Khai sáng, bên cạnh việc công bố và phổ biến các tri thức thông qua các công trình nghiên cứu, sách báo... thì giáo dục được coi trọng như một trong những cách thức hàng đầu để đưa nhân loại tới sự khai sáng. Quan điểm về giáo dục của những nhà triết học Khai sáng khá tương đồng nhau. Trong tác phẩm Émile hay là về giáo dục, Rousseau nói: "mọi thứ từ bàn tay Tạo hóa mà ra đều tốt, mọi thứ đều suy đồi biến chất trong bàn tay con người"20. Còn Montesquieu cũng nói: "Không phải con người ta sinh ra đã mất gốc, mà vì những con người thành nhân trước đó đã bị hư hỏng"21. Nhìn chung, các triết gia Khai sáng đề cao sự tác động của xã hội và giáo dục đối với quá trình sinh trưởng của con người, mà kết quả của sự tác động đó nếu không may có thể khiến con người trở nên sa ngã. Do đó, giáo dục có nghĩa vụ hướng con người đến tự nhiên, đến sự giản dị và chống lại xu hướng kinh viện, bóng bẩy của nhà trường thời phong kiến. Như Rousseau, "ông chống lại mọi khuynh hướng văn hóa bị mài dũa đến mất bản chất, mọi sự trau chuốt và xa xỉ. Nhân loại nên trở về với sự đơn giản của thiên nhiên, trở về với đức hạnh công dân, với sự đắm mình trong hạnh phúc gia đình, một thứ hạnh phúc lý tưởng ngược lại với những mâu thuẫn giai cấp cũng như những hình thức quá đáng của các tổ chức nhà nước và tôn giáo."22 Nói chung, giáo dục thời kỳ này có xu hướng chống lại nền giáo dục cũ, và kết quả của sự phản kháng đó chính là nền sư phạm hiện đại, trên nền tảng triết lý giáo dục mới, phù hợp với thực tiễn hơn là giáo dục kinh viện. Hay có thể nói, "rất nhiều tranh luận sư phạm hiện đại thực sự có từ thời kỳ Khai sáng, từ cuộc đối đầu giữa cách tiếp cận tự nhiên (dựa trên thực tiễn) và cách tiếp cận siêu hình trong giáo dục và nuôi con".23
Tóm lại, những hoạt động không mệt mỏi của các triết gia Khai sáng trong việc đem trí tuệ văn minh đến cho nhân loại chính là sự phản ánh rõ rệt nhất tinh thần triết học của thời kỳ này. Một mặt, nó phản ánh vai trò ngày càng tăng của tầng lớp trí thức, tiểu tư sản ở Pháp. Mặt khác, nó cũng chỉ ra quy luật tất yếu của xã hội trên con đường đạt tới quyền con người. Đó là giáo dục và nhận thức chính là những yếu tố dẫn dắt con người thấu hiểu và đứng lên giành lấy quyền của chính mình.
Kết luận
Thời kỳ triết học Khai sáng đã để lại cho chúng ta những thành quả vĩ đại. Càng nhận thức sâu sắc hơn về những nền tảng của thời kỳ triết học này chúng ta càng thấy rõ về bản chất, nguồn gốc của quyền con người cũng như con đường, cách thức để nhân loại đấu tranh vì những quyền lợi chính đáng này.
ThS. Đậu Công Hiệp
Khoa Pháp luật Hành chính-nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội
---
Tài liệu trích dẫn
(1) Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ đề tài: “Lý luận, thực tiễn về nhà nước thế tục trên thế giới và bài học cho Việt Nam” của Trường Đại học Luật Hà Nội.
(2) Đây là câu nói nổi tiếng của nhà triết học người Anh, Thomas Hobbes, dựa trên câu cách ngôn thời cổ đại: Con người là thần linh đối với con người. Xem thêm: Bùi Văn Nam Sơn, Trò chuyện triết học, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2012, trang 316. Câu nói của Hobbes ngụ ý tới trạng thái tự nhiên vô loại, khi con người sống như những loài động vật, không có trật tự, không có xã hội.
(3) Tham khảo tại: http://www.textes.justice.gouv.fr/textes-fondamentaux-10086/droits-de-lhomme-et-libertes-fondamentales-10087/declaration-des-droits-de-lhomme-et-du-citoyen-de-1789-10116.html. Nguyên văn: "Le but de toute association politique est la conservation des droits naturels et imprescriptibles de l'homme. Ces droits sont la liberté, la propriété, la sûreté et la résistance à l'oppression."
(4) Montesquieu, Bàn về Tinh thần pháp luật, Hoàng Thanh Đạm dịch, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2006, trang 66.
(5) Wolfgang Benedek (Chủ biên), Tìm hiểu về quyền con người, Nxb Tư pháp, 2008, trang 29.
(6) Theo Julián Marías, History of Philosophy, Courier Corporation, 2012, trang 217. Nguyên văn: "'This idea [of God]', Descartes says at the end of his third Mediation, 'was born and produced together with me at the moment of my creation, just as the idea I have of myself was. And in truth it should not be a cause for surprise if God, when creating me, placed that idea within me so that it might be like the artisan's mark stamped on his product'".
(7) Xem thêm: Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (đồng chủ biên), Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2012, trang 39.
(8) Socrates là nhà triết học cổ Hy Lạp, ông luôn đề cao vào lý tính, hay sự thấu hiểu được dẫn dắt bởi một Giọng nói thần thánh ở trong đầu của ông. Trường phái khắc kỷ (Stoic) bắt nguồn ở Hy Lạp vào khoảng năm 300 TCN, các triết gia theo trường phái này tin vào tri thức của con người, hay được gọi là Logos. Nói chung, Chủ nghĩa duy lý có nguồn gốc khá xâu xa trong lịch sử triết học, bắt nguồn từ Parmenides và thực sự phát triển từ Descartes.
(9) Thái Kim Lan, Khai sáng và tiến bộ nhìn từ góc độ triết sử phương Tây, Tạp chí Thời đại mới, số 3 tháng 11/2014.
(10) Jostein Gaarder, Sophie world, Hachette Uk, 2010, trang 302. Nguyên văn: "When the British speak of 'common sense,' the French usually speak of 'evident.' The English expression means 'what everybody knows,' the French means 'what is obvious'--to one's reason".
(11) Tham khảo thêm: Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Lịch sử thế giới cận hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2012, trang 68.
(12) Xem J.Churton Collin, Voltaire, Montesquieu and Rousseau in England, Eveleigh Nash, Fawside house, London, 1908.
(13) Montesquieu, Sđd, trang 120.
(14) Voltaire, Ernest Dilworth, Philosophical Letters: Letters Concerning the English Nation, Courier Corporation, 2003, trang 24. Nguyên văn: "With regard to morals, the anglican clergy are better ordered than those of France, and this is the reason: all clergymen are brought up in Oxford University, or in Cambridge, far from the corruption of the capital."
(15) Bản Đại hiến chương Magna Carta được vua John và giới quý tộc chống lại ông ký năm 1215. Đây là văn bản chính trị-pháp lý quan trọng trong lịch sử nhân quyền. Điều 39 của Đại hiến chương đã khẳng định: "Không một người tự do nào phải chịu cảnh bị bắt, bị cầm tù, bị tước đoạt tự do hoặc trục xuất, đi đày, truy nã cho tới khi nào có bản án của những công dân khác xử người đó theo đúng luật của xứ sở". Nguyên văn: "39. No freemen shall be taken or imprisoned or disseised or exiled or in any way destroyed, nor will we go upon him nor send upon him, except by the lawful judgment of his peers or by the law of the land."
(16) John Locke, Khảo luận thứ hai về chính quyền, Lê Tuấn Huy dịch và giới thiệu, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2013, trang 36.
(17) Alain Laurent, Lịch sử cá nhân luận, Phan Ngọc dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2001, trang 62.
(18) Xem thêm: Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Sđd, trang 70.
(19) Jostein Gaarder, Sđd, trang 398.
(20) J.J.Rousseau, Émile hay là về giáo dục, Lê Hồng Sâm, Trần Quốc Dương dịch, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2009, trang 26.
(21) Montesquieu, Sđd, trang 66.
(22) Thái Kim Lan, Tlđd.
(23) Theo: Willem Koops, Beyond the Century of the Child: Cultural History and Developmental Psychology, University of Pennsylvania Press, 2003, trang 168. Nguyên văn: "Many modern pedagogical disputes actually date from the Enlightenment, from the confrontation of naturalistic ("reality-based") and metaphysical approaches to childrearing and education."