Quyền con người là quyền thiêng liêng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đặc thù của hoạt động giám định tư pháp hình sự gắn liền với xử lý tội phạm, liên quan đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, quyền và lợi ích khác của con người, cho nên đào tạo đội ngũ cán bộ cho ngành Kiểm sát nhân dân nhận thức sâu sắc về quyền con người để thực thi trong thực tiễn là vấn đề có ý nghĩa quan trọng tại trường Đại học Kiểm sát Hà Nội ở tất cả các hệ đào tạo và bồi dưỡng. Qua đó, giúp người học không chỉ nắm vững tri thức về giám định tư pháp hình sự, mà còn chỉ ra những vi phạm về quyền con người có thể xảy ra và biện pháp để ngăn chặn vi phạm.

 Cô trò Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Nguồn: baovephapluat.vn

Ngành Kiểm sát nhân dân có 2 chức năng là kiểm sát hoạt động tư pháp và chức năng công tố. Trong kiểm sát hoạt động tư pháp thì nhiệm vụ kiểm sát hoạt động tố tụng hình sự có vai trò đặc biệt quan trọng giúp không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, bảo đảm công lý. Trong các hoạt động tố tụng hình sự thì giám định tư pháp hình sự có ý nghĩa to lớn cung cấp chứng cứ khoa học để chứng minh tội phạm và làm rõ vụ án hình sự. Môn Giám định tư pháp hình sự là môn học trong chương trình đào tạo cử nhân và thạc sĩ tại trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Giám định tư pháp hình sự không chỉ là hoạt động nghiệp vụ chuyên môn trong tố tụng hình sự mà còn liên quan trực tiếp đến quyền con người. Do đó, giảng dạy môn Giám định tư pháp hình sự đòi hỏi phải quán triệt nội dung về quyền con người trong giám định tư pháp hình sự. Giảng dạy Giám định môn tư pháp hình sự tiếp cận dưới góc độ quyền con người, cần làm rõ những nội dung sau:

1. Giới thiệu cho người học nắm vững những tri thức cơ bản về giám định tư pháp hình sự

Theo Luật Giám định tư pháp năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2018, 2020 (gọi tắt là Luật Giám định tư pháp) thì giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.

Như vậy, giám định tư pháp hình sự là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp.

Giảng dạy môn Giám định tư pháp là nội dung trong chương trình đào tạo chuyên ngành Luật Hình sự và Tố tụng hình sự, điều tra tội phạm. Yêu cầu người học phải nắm vững những vấn đề cơ bản về giám định tư pháp hình sự từ đó làm rõ những vi phạm thường xảy ra để tiếp cận vấn đề bảo vệ quyền con người trong giám định tư pháp hình sự.

Thông qua giảng dạy môn học này giúp người học hiểu rõ quy định của pháp luật về giám định tư pháp hình sự; cơ quan trưng cầu giám định, người trưng cầu giám định người yêu cầu giám định; quy trình giám định; kết luận giám định; thời thời hạn giám định; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong giám định tư pháp hình sự. Nhận thức được các hình thức giám định như giám định lần đầu, giám định bổ sung, giám định lại, giám định tập thể. Đặc biệt, người học nhận thức đầy đủ giá trị của kết luận giám định. Đây là nguồn chứng cứ quan trọng được quy định tại Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: 

“1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:

a) Vật chứng;

b) Lời khai, lời trình bày;

c) Dữ liệu điện tử;

d) Kết luận giám định, định giá tài sản;

đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;

e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;

g) Các tài liệu, đồ vật khác”.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ,  cho phép ứng dụng rộng rãi các thành tựu của khoa học - công nghệ vào mọi mặt đời sống xã hội trong đó có lĩnh vực giám định tư pháp hình sự. Kết luận giám định ngày càng được khai thác rộng rãi giúp cho việc giải quyết vụ án hình sự một cách đúng đắn khách quan và nhanh chóng. Ví dụ: Những năm trước đây Cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường thu được dấu vết máu chỉ có thể xác định ra nhóm máu là A, B, AB, O. Như vậy chỉ có thể xác định đối tượng nghi vấn thuộc nhóm máu nào trong 4 nhóm máu. Ngày nay, do thành tựu của công nghệ gen cho phép xác định chính xác con người cụ thể đã để lại dấu vết máu đó. Ngoài ra, khả năng khai thác giám định xác định gen để truy nguyên ra con người cụ thể không chỉ từ dấu vết máu mà còn nhiều loại dấu vết khác như xương, lông, tóc, chất bài tiết, chất dịch âm đạo, nước bọt...Những năm trước đây Việt Nam chưa giám định được nguồn hơi, âm thanh, các loại vi vết, thì những năm gần đây với đội ngũ giám định viên có trình độ cao, có máy móc thiết bị giám định hiện đại giúp nghiên cứu, phân tích, giám định làm rõ những vấn đề mới, khó, phức tạp...

Điều 213 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về kết luận giám định:

“1. Kết luận giám định phải ghi rõ kết quả giám định đối với những nội dung đã được trưng cầu, yêu cầu và những nội dung khác theo quy định của Luật Giám định tư pháp.

2. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra kết luận giám định, tổ chức, cá nhân đã tiến hành giám định phải gửi kết luận giám định cho cơ quan đã trưng cầu, người yêu cầu giám định.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kết luận giám định, cơ quan đã trưng cầu, người yêu cầu giám định phải gửi kết luận giám định cho Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.

3. Để làm sáng tỏ nội dung kết luận giám định, cơ quan trưng cầu, người yêu cầu giám định có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân đã tiến hành giám định giải thích kết luận giám định; hỏi thêm người giám định về những tình tiết cần thiết”.

2. Giới thiệu cho người học nắm vững giá trị chứng minh của kết luận giám định tư pháp hình sự

Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về chứng cứ quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Kết luận giám định là một nguồn chứng cứ quan trọng nên nó có giá trị cao trong chứnh minh tội phạm và làm rõ vụ án. Trong nhiều vụ án, kết luận giám định là chứng cứ quan trọng nhất quyết định một con người cụ thể có phạm tội hay không và làm rõ vụ án. Như vậy, giám định tư pháp hình sự liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, quyền và lợi ích cơ bản của con người.

Ví dụ một vụ cố ý gây thương tích do mâu thuẫn gay gắt giữa nạn nhân và đối tượng nên sau khi bí mật biết được kết quả giám định tỷ lệ thương tật là 9%, tức là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Nạn nhân đã “chạy” giám định viên pháp y cho tỷ lệ thương tật là 11%. Như vậy đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích. Đối tượng bị truy tố và xét xử mức án 2 năm tù về tội cố ý gây thương tích, đáng ra họ chỉ bị xử lý hành chính, đền bù tiền thuốc chữa bệnh... Trước đó, bị can đề nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cho giám định lại nhưng không được chấp nhận.

Một vụ việc khác liên quan đến chất ma túy. Đối tượng vận chuyển, mua bán trái phép 4 bánh heroin, bị bắt tạm giam. Do biết quy định của pháp luật mức án về tội này là tù chung thân hoặc tử hình nên người nhà đối tượng đã “chạy” người giữ kho vật chứng, đã đánh tráo số ma túy này bằng bánh bột gạo, ngô giống với 4 bánh heroin. Cho nên khi thu mẫu ma túy gửi giám định, Cơ quan giám định ma túy đã kết luận mẫu gửi giám định không phải là chất ma túy. Như vậy, đối tượng không phạm tội tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy. Đây là vụ vi phạm nghiên trọng quản lý vật chứng và thu mẫu giám định.

3. Giới thiệu cho người học nhận thức được trong giám định tư pháp hình sự thì quyền của con người luôn gắn liền với trách nhiệm (nghĩa vụ) của cá nhân, tổ chức khác, hoặc họ vừa có quyền nhưng đồng thời có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật

Trong hoạt động giám định tư pháp hình sự, quyền của người bị tố giác, bị kiến nghị khỏi tố (tình nghi phạm tội), người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ; bị can, bị cáo; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan... luôn gắn liền với nghĩa vụ (trách nhiệm) của Cơ quan điều tra, Điều tra viên, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cán bộ điều tra, Giám định viên, người giám định theo vụ việc, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm sát viên, Thẩm phán. Đồng thời mỗi cơ quan, cá nhân vừa có quyền và có nghĩa vụ tương ứng.

Ví dụ: Cơ quan điều tra, Điều tra viên phải thu mẫu, niêm phong gửi trưng cầu giám định theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Giám định tư pháp. Cơ quan giám định, người giám định phải tiếp nhận, mở niên phong, tiến hành giám định theo đúng quy định của pháp luật. Điều 4 Luật Giám định tư pháp về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với hoạt động giám định tư pháp quy định: “1. Cá nhân, tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận và thực hiện giám định tư pháp theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Người trưng cầu giám định bao gồm cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Điều 11 Luật Giám định tư pháp quy định về quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp: (1) Thực hiện giám định theo trưng cầu, yêu cầu của người trưng cầu, người yêu cầu giám định hoặc theo sự phân công của cơ quan, tổ chức được trưng cầu, yêu cầu; (2) Từ chối giám định trong trường hợp nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định; đối tượng giám định, tài liệu liên quan được cung cấp không đầy đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định tư pháp sau khi đã đề nghị người trưng cầu, người yêu cầu giám định bổ sung, làm rõ nhưng không được đáp ứng; thời gian không đủ để thực hiện giám định; tính độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định không được bảo đảm. Trường hợp từ chối giám định thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu hoặc yêu cầu giám định, phải thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do; (3) Tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám định, kiến thức pháp luật; (4) Thành lập Văn phòng giám định tư pháp khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 15 của Luật này; (5) Thành lập, tham gia hội giám định viên tư pháp theo quy định của pháp luật về hội; (6) Hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; (7) Các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 23 và khoản 1 Điều 34 của Luật này.

Hoặc Điều 21 Luật Giám định tư pháp quy định về quyền, nghĩa vụ của người trưng cầu giám định tư pháp:

“1. Người trưng cầu giám định có quyền:

a) Trưng cầu cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này thực hiện giám định;

b) Yêu cầu cá nhân, tổ chức quy định tại điểm a khoản 1 Điều này trả kết luận giám định đúng nội dung và thời hạn đã yêu cầu;

c) Yêu cầu cá nhân, tổ chức đã thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định.

2. Người trưng cầu giám định có nghĩa vụ:

a) Xác định rõ nội dung, lĩnh vực hoặc chuyên ngành cần giám định trong vụ án, vụ việc đang giải quyết; lựa chọn cá nhân, tổ chức có năng lực, đủ điều kiện thực hiện giám định phù hợp với tính chất, nội dung cần giám định để ra quyết định trưng cầu giám định;

b) Ra quyết định trưng cầu giám định bằng văn bản;

c) Cung cấp kịp thời, đầy đủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu, mẫu vật có liên quan đến đối tượng, nội dung cần giám định theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp;

d) Tạm ứng, thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định tư pháp;

đ) Thực hiện hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ người giám định tư pháp hoặc người thân thích của người giám định tư pháp khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người giám định tư pháp hoặc người thân thích của người giám định tư pháp bị đe dọa do việc thực hiện giám định tư pháp, tham gia vụ án, vụ việc với tư cách là người giám định tư pháp”.

Điều 23 Luật Giám định tư pháp quy định về quyền, nghĩa vụ của người giám định tư pháp khi thực hiện giám định tư pháp:

“1. Người giám định tư pháp có quyền:

a) Lựa chọn phương pháp cần thiết, phù hợp để tiến hành giám định theo nội dung yêu cầu giám định;

b) Sử dụng kết quả thực nghiệm, xét nghiệm bổ sung hoặc kết luận chuyên môn do cá nhân, tổ chức khác thực hiện nhằm phục vụ cho việc giám định;

c) Độc lập đưa ra kết luận giám định.

d) Đề nghị người trưng cầu giám định hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật khi có dấu hiệu bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bản thân hoặc người thân thích do việc thực hiện giám định tư pháp, tham gia vụ án, vụ việc với tư cách là người giám định tư pháp;

đ) Từ chối thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật này;

e) Được bố trí vị trí phù hợp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa.

2. Người giám định tư pháp có nghĩa vụ:

a) Tuân thủ các nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp;

b) Thực hiện giám định theo đúng nội dung yêu cầu giám định;

c) Thực hiện và trả kết luận giám định đúng thời hạn yêu cầu; trong trường hợp cần thiết phải có thêm thời gian để thực hiện giám định thì phải thông báo kịp thời cho người trưng cầu, yêu cầu giám định biết;

d) Lập hồ sơ giám định;

đ) Bảo quản mẫu vật giám định, tài liệu liên quan đến vụ việc giám định;

e) Không được thông báo kết quả giám định cho người khác, trừ trường hợp được người đã trưng cầu, yêu cầu giám định đồng ý bằng văn bản;

g) Chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định do mình đưa ra. Trường hợp cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì còn phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

3. Ngoài các quyền, nghĩa vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người giám định tư pháp có quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về tố tụng”.

Chương VII Luật Giám định tư pháp quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với tổ chức, hoạt động giám định tư pháp gồm: Điều 39 “Cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp”; Điều 40 “Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp”; Điều 41 “Nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ”; Điều 42 “Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; Điều 43 “Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”; Điều 44 “Trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao”.

Quyền của cá nhân, tổ chức và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức là cơ sở để xem xét có hay không việc vi phạm quyền con người trong giám định tư pháp hình sự.

4. Những vi phạm dễ xảy ra về quyền con người trong giám định tư pháp hình sự

Qua nghiên cứu tổng kết hoạt động giám định tư pháp hình sự, chúng tôi rút ra một số dạng vi phạm dễ xảy ra về quyền con người như sau:

a) Do trình độ chuyên môn hạn chế hoặc tiêu cực nên người giám định đã đưa ra kết luận giám định không đúng đắn, thiếu khách quan làm ảnh hưởng xấu đến giải quyết vụ án hình sự, thậm chí dẫn đến kết tội oan sai. Đây là vi phạm quyền con người nghiêm trọng nhất trong giám định tư pháp hình sự.

b) Cơ quan điều tra không chủ động thu thập dấu vết, mẫu vật để gửi giám định nên thiếu chứng cứ kết tội, gây cho vụ án kéo dài thậm chí bế tắc, thiệt hại của người bị hại không được đền bù, khắc phục. Ví dụ vụ trộm cắp tài sản nhưng không truy bắt được thủ phạm nên không thu hồi được tài sản trả cho người chủ tài sản bị chiếm đoạt. 

c) Người bị hại, bị can, bị cáo, đối tượng có liên quan nghi ngờ kết quả giám định, họ đã yêu cầu cơ quan điều tra cho giám định bổ sung, giám định lại (theo luật họ có quyền yêu cầu này) nhưng không được các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đáp ứng. Đây cũng là dạng vi phạm quyền con người phổ biến hiện nay.

d) Hành vi của những người liên quan trực tiếp đến kết quả giám định đã đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bản thân hoặc người thân thích do việc thực hiện giám định tư pháp hình sự, tham gia vụ án hình sự, vụ việc với tư cách là người giám định tư pháp hình sự (như khi biết kết luận giám định là chứng cứ duy nhất để kết tội; hoặc khi yêu cầu người giám định giải thích kết luận giám định tại phiên tòa hình sự)...

e) Người giám định trả kết luận giám định không đúng nội dung và thời hạn đã yêu cầu, thường kéo dài thời gian, gây khó khăn cho hoạt động điều tra.

Điều 6 Luật Giám định tư pháp quy định các hành vi bị nghiêm cấm:

“1. Từ chối đưa ra kết luận giám định tư pháp mà không có lý do chính đáng.

2. Cố ý đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật.

3. Cố ý kéo dài thời gian thực hiện giám định tư pháp hoặc lợi dụng việc trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp để gây khó khăn, cản trở hoạt động tố tụng”.

Điều 214 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận giám định:

“1. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị trưng cầu giám định của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định.

2. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được kết luận giám định thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo kết luận giám định cho bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có liên quan.

3. Bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận giám định; đề nghị giám định bổ sung hoặc giám định lại. Trường hợp họ trình bày trực tiếp thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải lập biên bản.

4. Trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án không chấp nhận đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác thì phải thông báo cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do”.

Các cơ quan chức năng không thực hiện đầy đủ các quy định trên có nghĩa là vi phạm các quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận giám định.

5. Những biện pháp bảo vệ quyền con người trong giám định tư pháp hình sự

Để tăng cường bảo vệ quyền con người trong giám định tư pháp hình sự, cần tập trung thực hiện những biện pháp sau:

a) Nhóm biện pháp về nâng cao chất lượng giám định tư pháp hình sự:

1. Hoàn thiện văn bản hướng dẫn và quy trình giám định để áp dụng đúng đắn, thống nhất trong toàn quốc về giám định tư pháp hình sự.

2. Chủ động sơ kết, tổng kết hoạt động giám định, nhất là những vụ phức tạp phải giám định lại, giám định tập thể, lĩnh vực giám định mới để nâng cao chất lượng giám định, không để sai phạm trong kết luận giám định.

3. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn để nâng cao trình độ; giáo dục đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp đội ngũ giám định viên tư pháp, không để bị tiêu cực mua chuộc.

4. Triển khai định kỳ hoặc đột xuất công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, sớm phát hiện những thiếu sót, sai phạm cả chuyên môn và quyền con người để kịp thời chấn chỉnh, xử lý người vi phạm, bảo vệ người bị xâm phạm.

5. Người trưng cầu giám định hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật khi có dấu hiệu bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bản thân hoặc người thân thích do việc thực hiện giám định tư pháp hình sự, tham gia vụ án hình sự, vụ việc với tư cách là người giám định tư pháp hình sự (như tăng cường lực lượng hỗ trợ tư pháp bảo vệ phiên tòa khi người giám định tham dự giải thích kết luận giám định tại phiên tòa hình sự).

6. Tăng cường trang bị các phương tiện kỹ thuật chuyên dùng hiện đại và các điều kiện hậu cần bảo đảm để nâng cao chất lượng giám định.

7. Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực giám định tư pháp hình sự. Chú trọng hợp tác với các nước có trình độ giám định tư pháp hình sự phát triển cao để gửi cán bộ đi đào tạo, trao đổi chuyên môn, tranh thủ hỗ trợ giúp đỡ về các phương tiện kỹ thuật chuyên dùng hiện đại, hỗ trợ về tài chính...

b) Nhóm biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo về quyền con người trong giám định tư pháp hình sự:

1. Tập huấn chuyên đề về quyền con người để nâng cao nhận thức cho đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng của nhà trường để nâng cao nhận thức về vấn đề này.

2. Tập trung biên soạn giáo trình về quyền con người cho phù hợp với từng hệ học: đại học, cao học, nghiên cứu sinh, bồi dưỡng cán bộ chuyên đề. Chú ý nội dung bảo vệ quyền con người trong lồng ghép với các nội dung bài giảng; có nội dung giảng dạy phong phú, phù hợp, thiết thực.

Ngày 09/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết nhấn mạnh “lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước; Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”.

Giám định tư pháp hình sự là hoạt động có ý nghĩa to lớn phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, Tuy nhiên, hoạt động này luôn tiềm ẩn nguy cơ vi phạm quyền con người. Do đó, trong nhà trường không chỉ giáo dục cho người học những kiến thức chuyên môn mà cần chú ý giáo dục những hiểu biết về bảo vệ quyền con người để người học khi ra trường luôn có ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền con người, đấu tranh với những hành vi vi phạm góp phần xây dựng uy tín, danh dự của các cơ quan tiến hành tố tụng, tăng cường phục vụ nhân dân trong tình hình hiện nay.

PGS.TS. Trần Văn Luyện

Giảng viên khoa Tội phạm học và điều tra tội phạm, Đại học Kiểm sát Hà Nội

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 37 (04/2024)

---

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

2. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021.

3. Luật Giám định tư pháp năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2018, 2020

4. TS.Trần Văn Luyện, Người giám định giải thích kết luận giám định tại phiên tòa hình sự (2005), Tạp chí TAND số 2, tr.20 - 41.

5. TS.Trần Văn Luyện, Quy định của pháp luật về bảo đảm quyền con người trong hoạt động điều tra, truy tố tội phạm (2009), Hội thảo khoa học: “Quyền con người trong quản lý tư pháp”, tổ chức tại Viện nghiên cứu quyền con người - Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh ngày 28, 29/9/2009.

6. TS.Trần Văn Luyện, Những yếu tố bảo đảm nhân quyền trong hoạt động điều tra tội phạm của lực lượng CSND (2010), Hội thảo khoa học: "Đảm bảo nhân quyền trong hoạt động điều tra tội phạm - Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam". Học viện CSND phối hợp với Viện nhân quyền Đan Mạch tổ chức ngày 25, 26/5/2010 tr.40 - 48.

7. PGS.TS Trần Văn Luyện, Hoàn thiện pháp luật bảo đảm nhân quyền trong hoạt động điều tra tội phạm ở Việt Nam (2018), Tạp chí khoa học Trung Đông và Bắc Phi (tiếng Anh), ISSN 2412 - 9763 (in) tr.22 - 26.

8. PGS.TS Trần Văn Luyện và GS.TS Ngô Sĩ Hiền (đồng chủ biên 2017), Giáo trình lý luận chung về Kỹ thuật hình sự (dùng cho đào tạo cao học Luật chuyên ngành Kỹ thuật hình sự - Học viện CSND.

9. PGS.TS.Trần Văn Luyện và nhóm tác giả, Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, NXB CAND năm 2017.