Dân tộc thiểu số và và  những người sống ở khu vực miền núi là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, gặp nhiều rào cản trong việc tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở. Bài viết làm rõ các nội dung, nguyên tắc cơ bản của  pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở, trên cơ sở đó đánh giá việc thực hiện của Việt Nam và đưa ra một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam.

1. Giới thiệu
Dân chủ là một hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội dựa trên việc thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực và nguyên tắc bình đẳng và tự do. Dân chủ  vừa là bản chất, vừa là điều kiện tiên quyết để vận hành nhà nước dựa trên pháp quyền. Mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội là một phương thức hữu hiệu để  bảo đảm sự phát triển của mỗi quốc gia. 
Các nhóm dân tộc thiểu số và những người sống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa là nhóm đối tượng có thể gặp nhiều trở ngại trong việc tham gia xây dựng và thực hiện dân chủ. Đây là nhóm đối tượng “thiểu số” so với số đông nên họ có thể bị bỏ qua trong quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật nói chung; pháp luật về dân chủ cơ sở nói riêng. Thực tế cho thấy, do địa bàn sinh sống không thuận lợi, do sự tồn tại của nhiều khuôn mẫu văn hoá, do mức độ phát triển kinh tế thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao nên các dân tộc thiểu số luôn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tiếp cận cơ sở hạ tầng, các dịch vụ công như y tế và giáo dục, cũng như hưởng thụ các quyền con người, bao gồm quyền được làm chủ và tham gia vào đời sống chính trị. Mặc dù Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ các nhóm dân tộc thiểu số tiếp cận và thực hiện dân chủ, nhưng nhóm đối tượng này vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tham gia xây dựng và thực hiện pháp luật về dân chủ so với cả nước. 
2. Nguyên tắc, nội dung của pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Nguyên tắc cốt lõi trong xây dựng và thực hiện dân chủ cơ sở ở Việt Nam là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đây là phương châm có tính nền tảng để xây dựng hệ thống pháp luật về dân chủ cơ sở nói chung, đặc biệt là pháp luật cho khu vực dân tộc thiểu số và miền núi. Do đặc thù của cơ chế dân chủ cơ sở bao gồm cả các hình thức dân chủ trực tiếp và gián tiếp nên để thực hiện phương châm này, quá trình hoàn thiện chính sách pháp luật về dân tộc thiểu số, đặc biệt là khung pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở cần bao gồm các nội dung cơ bản sau:
Một là, nội dung mang tính xuyên suốt là chính sách pháp luật được ban hành cần dựa trên nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử. Do điều kiện kinh tế, xã hội, văn hoá khó khăn, vị trí địa lý không thuận lợi, khu vực dân tộc thiểu số, và miền núi dễ xảy ra tình trạng bất bình đẳng và phân biệt đối xử. Điểm cần lưu ý khi đưa nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử vào chính sách, quy định pháp luật là cách hiểu về khái niệm bình đẳng. Bình đẳng không đơn thuần là bình đẳng về mặt hình thức hay bình đẳng bảo vệ mà phải là bình đẳng thực chất1. Theo đó, bình đẳng không đồng nghĩa với cào bằng hay áp dụng cùng một kiểu đối xử cho mọi đối tượng và không phải mọi sự khác biệt về đối xử đều tạo nên sự phân biệt đối xử.  Thậm chí, trong trường hợp cần thiết, cần ban hành một số chính sách, quy định pháp luật có tính ưu tiên hay phân biệt đối xử tích cực (positive discrimination) nhằm giải quyết triệt đề tình trạng phân biệt đối xử đang tồn tại. 
Hai là, nội dung pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở cần bao gồm việc tạo môi trường pháp lý thuận lợi về công khai, minh bạch về thông tin trong đó có cả các quy định rõ ràng về biện pháp xử phạt khi chính quyền địa phương bưng bít, từ chối cung cấp thông tin, hoặc thông tin một chiều không trung thực, khách quan. Nội dung công khai và minh bạch về thông tin, đặc biệt là các thông tin trực tiếp liên quan đến đời sống của khu vực dân tộc thiểu số, miền núi cũng cần bao gồm cả quy định về cơ chế tiếp cận thông tin cho đối tượng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Theo đó, cần có quy định cụ thể về các hình thức tuyên truyền, phổ biến thông tin cho nhóm đối tượng này trên cơ sở phù hợp với trình độ nhận thức, hiểu biết, ngôn ngữ của các nhóm dân tộc khác nhau.

Cần có các hình thức tuyên truyền, phổ biến, công khai, minh bạch thông tin 
về pháp luật đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nguồn: congantuyenquang.vn.

Ba là, pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở cho người dân tộc thiểu số bao gồm nội dung về nguyên tắc bảo đảm sự tham gia của người dân. Do vị thế của các nhóm dân tộc thiểu số thường thấp và dễ tổn thương hơn các nhóm đa số trong xã hội nên sự tham gia vào đời sống chính trị của nhóm này cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Chính vì vậy, nội dung của chính sách, pháp luật về thực hiện dân chủ cho nhóm đối tượng này cần phải được đặc biệt chú trọng, đặc biệt cần tạo ra bầu không khí đối thoại cởi mở, trên cơ sở tôn trọng sự da dạng về văn hoá của các nhóm dân tộc thiểu số khác nhau. Sự tham gia của người dân tộc thiểu số được thể hiện ở hai khía cạnh: Một mặt, người dân tộc thiểu số và miền núi được tạo điều kiện về môi trường chính trị, pháp lý được trực tiếp tham gia vào bộ máy quản lý của chính quyền địa phương thông qua các đại diện của mình; Mặt khác, người dân cũng cần được tham gia thực sự vào quá trình xây dựng, thảo luận, thực hiện, giám sát và đánh giá các hoạt động của Nhà nước, được nói lên tiếng nói, nguyện vọng  đối với những vấn đề trực tiếp liên quan đến đời sống của người thiểu số. Sự tham gia của người dân tộc thiểu số vào đời sống chính trị, văn hoá, xã hội, kinh tế, đặc biệt là vào quá trình quản trị địa phương có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc giữ gìn bản sắc của các dân tộc, góp phần giải quyết tình trạng bị gạt ra bên lề xã hội do cách biệt về phát triển. 
Bốn là, nội dung của pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở cần bao gồm các quy định về  thành lập các cơ chế giám sát và tạo điều kiện để người dân được được trực tiếp giám sát hoạt động của chính quyền. Pháp luật về dân chủ cơ sở ở khu vực dân tộc thiểu số, miền núi cũng cần làm rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ cơ sở, trong đó có các quy định rõ ràng về vai trò, nghĩa vụ của các chủ thể liên quan trong hệ thống chính trị. 
3. Đánh giá việc thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở ở khu vực dân tộc thiểu số và miền núi ở việt Nam
Trên cơ sở quan điểm về quyền bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển giữa các dân tộc, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách pháp luật, chương trình phát triển kinh tế, thúc đẩy an sinh xã hội xã hội để tạo điều kiện cho sự phát triển của vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hiện nay, Việt Nam chưa có văn bản chính sách hay văn bản pháp luật nào chuyên biệt về vấn đề thực hiện dân chủ cơ sở cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, Hiến pháp và các bộ luật cơ bản đều có quy định về các nguyên tắc, nội dung quyền trên lĩnh vực chính trị của dân tộc thiểu số và các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội. Đặc biệt, các quy định cụ thể về vấn đề thực hiện dân chủ cơ sở cho địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi được thể hiện trong hai nhóm chính sách và pháp luật bao gồm nhóm pháp luật về dân chủ cơ sở và nhóm pháp luật về dân tộc thiểu số và miền núi. 
Trong thời gian qua, hệ thống pháp luật Việt Nam về sự phát triển ở khu vực dân tộc thiểu số và miền núi liên tục được hoàn thiện, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực này. Theo đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX trong Kết luận Số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới ngày 30 tháng 10 năm 2019 thì “Qua hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết, công tác dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước.”2. Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan đã ban hành một số lượng lớn các văn bản pháp luật, chính sách dân tộc để phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Công tác dân tộc là một một lĩnh vực có số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành. Tính đến tháng 7/2019, Quốc hội đã ban hành 108 luật, hơn 30 nghị quyết có nội dung chính sách liên quan đến lĩnh vực dân tộc thiểu số, miền núi và vùng đặc biệt khó khăn và nhiều đề án, chính sách dân tộc nhằm hỗ trợ sự phát triển kinh tế, xã hội của khu vực dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu vùng xa3.  
Hiến pháp Việt Nam luôn đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả công dân Việt Nam, trong đó có quyền của các dân tộc thiểu số. Ngay từ khi mới ra giành được độc lập, Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam năm 1946  đã có một số quy định rõ ràng về quyền của các dân tộc thiểu số  (Điều 8, Điều 15, Điều 66), bao gồm cả quyền được tham gia nghị viện của người dân tộc thiểu số (Điều 24). Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”; “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước” (Điều 5); "Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp" (Điều 42); "Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn..." (khoản 3 Điều 61). Các quy định của Hiến pháp năm 2013 cũng đã được cụ thể hoá trong nhiều văn bản chính sách quan trọng khác. 
Rà soát hệ thống văn bản về vấn đề dân chủ cơ sở cho vùng dân tộc thiểu số  và miền núi có thể thấy rằng các văn bản này đã đưa ra quan điểm, định hướng chính sách và quy định về nhiều vấn đề quản lý nhà nước đối với công tác dân tộc, trong đó có nội dung về dân chủ cơ sở. Nghị quyết 24 của của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) ngày 12/3/2003 về công tác dân tộc xác định một trong những nhiệm vụ cấp bách của Đảng và Nhà nước là: “Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tích cực, chủ động tham gia xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương”. Thủ tướng Chính phủ đã có một chỉ thị riêng (Chỉ thị số 28 năm 2014) để chỉ đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị, trong đó có các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có vùng dân tộc miền núi nâng cao hiệu quả công tác dân tộc. Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2030 được thông qua năm 2019 cũng xác định rõ mục tiêu cần “Tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, khu vực biên giới, vùng căn cứ cách mạng.”4.  
Như vậy, Nhà nước ta đã ban hành một số lượng lớn các văn bản pháp luật, trong đó có nhiều quy định liên quan đến dân chủ cơ sở và  hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các văn bản này đã phát huy tác dụng nhất định trong việc phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, hệ thống chính sách và pháp luật hiện hành vẫn còn chưa đầy đủ, chưa có văn bản có giá trị pháp lý cao (luật) để điều chỉnh việc thực hiện dân chủ cơ sở, cũng như về phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ thể, khung chính sách và pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở ở địa bàn dân tộc thiểu số, miền núi, hiện nay vẫn còn một số khoảng trống sau: 
Thứ nhất, các quy định về thực hiện dân chủ cơ sở cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi hiện nay còn mang tính rải rác, tản mạn, không đồng bộ và chống chéo về nội dung ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Các văn bản quy định về dân chủ cơ sở chưa bao gồm các quy định rõ ràng đối các nhóm dễ bị tổn thương trong đó có nhóm dân tộc thiểu số hoặc các nhóm có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn. Ngược lại, các văn bản pháp luật hiện nay về dân tộc thiểu số, miền núi lại chưa lồng ghép các nội dung về dân chủ cơ sở trong khi thực hiện dân chủ là một yếu tố căn bản có tính công cụ để thực hiện các chính sách phát triển cho khu vực này. Hơn thế nữa, chính sách về phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng chưa được lồng ghép đầy đủ vào các chương trình, chính sách phát triển kinh tế xã hội quốc gia cũng như ở các địa phương. 
Thứ hai, mặc dù số lượng các văn bản quy định liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay khá lớn nhưng đa phần đều là các quy định chính sách có tính định hướng, quan điểm hoặc các quy định dưới luật, do đó tính ràng buộc và đòi hỏi nghĩa vụ pháp lý đối với các bên không cao. Việt Nam vẫn chưa có văn bản nào có giá trị pháp lý ở cấp độ luật quy định riêng về hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Dự thảo Luật Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được xây dựng năm 2017 nhưng hiện nay vẫn chưa được Quốc hội thông qua.
Thứ ba, dân tộc thiểu số và các cộng đồng sinh sống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và tham gia quản lý nhà nước, thực hiện dân chủ. Việc xây dựng chính sách, pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở nói chung, cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nói riêng, đòi hỏi phải tuân thủ theo một số nguyên tắc, nội dung nhất định, trong đó cần tính đến tính đặc thù cho từng đối tượng cụ thể thay vì theo phương thức chung cho tất cả. Khó khăn trong việc tiếp cận dân chủ  của nhóm đối tượng này chủ yếu là do trở ngại về  nhận thức, trình độ phát triển kinh tế, ngôn ngữ, địa bàn sinh sống, phong tục, tập quán v.v.. Mặc dầu vậy, các văn bản hiện hành cũng chưa có quy định rõ ràng nhằm đưa ra các biện pháp cụ thể, bao gồm cả biện pháp đặc biệt tạm thời để tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số được có tiếng nói và cơ hội tham gia quản trị nhà nước ở cấp cơ sở. 
Thứ tư, các quy định về dân chủ cơ sở và quy định về phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện hành chưa nhấn mạnh đến vai trò tham gia của của người dân. Do đặc thù của khu vực này nên  hiện nay, việc thực hiện dân chủ thông qua sự tham gia của người dân ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa còn nhiều hạn chế. Uỷ ban Quyền con người - cơ quan giám sát việc thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, nhận xét rằng các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam chưa được tham vấn đầy đủ trong quá trình ra quyết định đối với những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền của họ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đất đai,  tái định cư cho các dự án phát triển5. Việc thiếu sự tham vấn và tham gia của người dân đã  dẫn tới  sự gia tăng bất bình đẳng trong các cộng đồng này. Quá trình xây dựng, ban hành  pháp luật hiện nay chủ yếu theo cách tiếp cận từ thiện, hỗ trợ, chưa  nhấn mạnh đến tiếp cận dựa trên quyền, trong đó coi các cơ quan của Nhà nước là chủ thể chịu nghĩa vụ và người dân tộc thiểu số là chủ thể hưởng quyền.
Thứ năm, việc rà soát khuôn khổ chính sách và pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi cho thấy, phần lớn các văn bản chính sách này vẫn được xây dựng theo cách tiếp cận từ trên xuống. Người dân tộc thiểu số, người sống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa thường  được coi là đối tượng “ưu tiên” hoặc là đối tượng có nhu cầu chứ chưa được thực sự coi là chủ thể về quyền. 
4. Một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện  pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Trên cơ sở rà soát, đánh giá khung pháp luật  của Việt Nam trong hai lĩnh vực: pháp luật về dân chủ cơ sở đối với nhóm dân tộc thiểu số và khu vực miền núi và chính sách pháp luật về dân tộc thiểu số, khu vực miền núi đối với việc thực hiện dân chủ cơ sở, bài viết này đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở cho vùngdân tộc thiểu số và miền núi như sau: 
Thứ nhất, cần rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến dân chủ cở sở và hệ thống các văn bản pháp lý về vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm đảm bảo cả hai lĩnh vực pháp luật này đều có quy định đầy đủ, rõ ràng về các nguyên tắc, nội dung dân chủ cơ sở cho các dân tộc thiểu số và các cá nhân, cộng đồng sinh sống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các quy định về thực hiện dân chủ cơ sở cho khu vực dân tộc thiểu số và miền núi cũng cần phải được lồng ghép trong các văn bản pháp luật, chương trình phát triển kinh tế xã hội cả ở cấp trung ương và địa phương. Chẳng hạn, chương trình quốc gia phát triển bền vững cần bao gồm nội dung về bảo đảm dân chủ cơ sở và quyền bình đẳng cho các dân tộc thiểu số trong một loạt các mục tiêu phát triển như: mục tiêu 1 về xoá đói; mục tiêu 2 về xoá nghèo; mục tiêu 10 về giảm bất bình đẳng; mục tiêu 16 về thúc đẩy xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp.
Thứ hai, cần luật hoá các quy định liên quan đến thực hiện dân chủ cơ sở cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Việt Nam cần sớm thông qua Luật Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi và bổ sung thêm điều khoản quy định về các nội dung của thực hiện dân chủ cơ sở như quyền tiếp cận thông tin, quyền tham gia, giám sát của người dân vào hệ thống chính trị ở địa bàn này. Việc luật hoá các quy định về thực hiện dân chủ cơ sở cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng cần được đưa vào các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến dân chủ như pháp lệnh về dân chủ cơ sở. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần hoàn thiện pháp luật về chống phân biệt đối xử bằng cách xây dựng một bộ luật riêng về vấn đề này, trong đó có quy định về xoá bỏ phân biệt đối xử trong xây dựng và thực hiện dân chủ cơ sở ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên cơ sở sắc tộc, địa vị xã hội và các khuôn mẫu văn hoá có tính định kiến.
Thứ ba, cần có các quy định pháp lý rõ ràng để nâng cao năng lực, hiệu lực, quản lý nhà nước về công tác dân tộc, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế điều hành, phân công trách nhiệm, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức tham gia quá trình bảo đảm dân chủ cơ sở. Mặc dù hiện nay Việt Nam đã có một số cơ quan chuyên trách về vấn đề dân tộc thiểu số như Uỷ ban dân tộc của Chính phủ, Hội đồng dân tộc của Quốc hội nhưng cần có thêm các quy định pháp lý rõ ràng về cơ chế phân cấp, phân quyền để tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương trong việc phối hợp với các cơ quan này.
Thứ tư, việc xây dựng pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần dựa trên các chuẩn mực quốc tế về các quyền chính trị mà Việt Nam đã có cam kết thực hiện. Mặc dù không phải là văn kiện có tính ràng buộc pháp lý nhưng Tuyên ngôn về quyền của người bản địa do Liên hợp quốc thông qua năm 2007  đưa ra một số chuẩn mực về quyền của các nhóm dân tộc bản địa trong đó có một số nội dung quan trọng liên quan đến nguyên tắc FPIC (Free, Prior and Informed Consent) về tự nguyện, báo trước và cung cấp thông tin. Đây là một nguyên tắc quan trọng trong các hoạt động có liên quan đến chính sách về thực hiện dân chủ cơ sở, đặc biệt là trong các dự án có liên quan thu hồi đất đai, di dời các nhóm dân tộc thiểu số. Khi xem xét báo cáo thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị lần thứ 3, Uỷ ban Quyền con người - cơ quan giám sát Công ước, cũng khuyến nghị rằng các chính sách, chương trình, dự án liên quan đến dân tộc thiểu số Việt Nam cần dựa trên chuẩn mực quốc tế về tiếp cận thông tin, quyền được tham gia và được tiếp cận các biện pháp khắc phục, đền bù hiệu quả khi có vi phạm xảy ra6.
Cuối cùng, cần tăng cường tiếp cận dựa trên quyền trong  xây dựng và thực hiện  pháp luật cho khu vực dân tộc thiểu số và miền núi. Hạn chế chung trong các chính sách, quy định pháp luật đối với nhóm dân tộc thiểu số và các cộng đồng sinh sống ở khu vực miền núi là được  xây dựng và thực hiện theo  cách tiếp cận từ trên xuống (top-down approach). Theo đó, các chính sách, quy định pháp luật về người thiểu số thường thiếu sự tham gia thực sự của người dân, đặc biệt là các nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp.  Cách tiếp cận trong xây dựng pháp luật này cần được chuyển theo hướng từ dưới lên (bottom-up approach) và tiếp cận dựa trên quyền (rights-based aprroach). Cách tiếp cận này yêu cầu mọi giai đoạn của chu trình chính sách: hoạch định, thực thi, giám sát, đánh giá đều phải dựa trên năm nguyên tắc cốt lõi: sự tham gia (Participation), trách nhiệm giải trình (Accountability), không phân biệt đối xử và bình đẳng (Non-discrimination and Equality), nâng cao năng lực về quyền (Empowerment)  và bảo đảm tính pháp lý (Legality)7.

PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Hải

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

 TS. Ngô Thị Thu Ngà

Viện Văn hoá và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 4/2022

---

Tài liệu trích dẫn
(1) Farrior, Stephanie, Equality and Non-Discrimination under International Law, 2015
(2) Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị, 2019
(3) Trần Quốc Cường, Công tác xây dựng, thực thi pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi tại Tây Nguyên. Trang thông tin điện tử tổng hợp, Ban Nội chính trung ương. Tài liệu có tại địa chỉ: http://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/202001/cong-tac-xay-dung-thuc-thi-phap-luat-ve-dan-toc-thieu-so-mien-nui-tai-tay-nguyen-307497/. Truy cập ngày 05/7/2022 
(4) Chính phủ (2019), Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2030. Tài liệu có tại: http://files.ubdt.gov.vn/files/ecm/source_files/2019/12/27/11582573_De%20an%20Tong%20the%20phat%20trien%20KT-XH_19-12-27.pdf. Truy cập ngày 05/7/2022.
(5) Uỷ banQuyền con người (2019), Khuyến nghị Kết luận Báo cáo định kỳ lần thứ 3 về thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị của Việt Nam (Concluding observations on the third periodic report of Viet Nam), 29/8/2019.
(6) Uỷ ban Quyền con người của Liên hợp quốc, Kết luận về báo cáo định kỳ lần thứ 3 về thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị của Việt Nam,Concluding observations on the third periodic report of Viet Nam, 29/8/2019
(7) Office of the United Nations High Commissioner for Human rights, 2006, Frequently asked questions on a human rights-based approach to development cooperation, Geneva, 2006. Tài liệu có tại địa chỉ: https://www.ohchr.org/Documents/Publications/FAQen.pdf