Trong hệ thống khoa học pháp lý ở Việt Nam hiện nay, pháp luật về quyền con người chưa được giảng dạy với tư cách là một ngành luật độc lập. Do đặc điểm/tính chất của quyền con người có nội dung rộng, liên quan hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, nên quyền con người thuộc đối tượng điều chỉnh của nhiều ngành luật, vì vậy cần tiếp cận quyền con người, pháp luật về quyền con người theo hướng tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học. Tuy nhiên, từ đặc điểm về đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của pháp luật về quyền con người trong mối quan hệ với các ngành luật học trong hệ thống pháp luật Việt Nam, có đủ cơ sở chín muồi để khẳng định ngành luật độc lập mới, đó là Pháp luật về quyền con người.
1. Đối tượng điều chỉnh của pháp luật về quyền con người
a) Khái niệm về đối tượng điều chỉnh của pháp luật về quyền con người
- Khái niệm đối tượng điều chỉnh của pháp luật: Trong khoa học pháp lý ở Việt Nam hiện nay, đối tượng điều chỉnh của pháp luật có thể hiểu theo nghĩa rộng, hoặc theo nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng “đối tượng điều chỉnh của pháp luật là toàn bộ các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh”. Hoặc “theo nghĩa hẹp, đối tượng điều chỉnh của pháp luật là các quan hệ xã hội thuộc một lĩnh vực, có cùng tính chất, gần gũi nhau”1
Như vậy, pháp luật, các quy phạm pháp luật do nhà nước đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội, và quan hệ xã hội trở thành “đối tượng điều chỉnh” của pháp luật. Quan hệ xã hội rất rộng, và do đó các quy phạm pháp luật cũng được xây dựng theo hướng phù hợp với các quan hệ xã hội, để điều chỉnh các quan hệ xã hội, nên có các nhóm quan hệ xã hội giống nhau và tương ứng sẽ có các bộ phận pháp luật tương ứng (gọi là ngành luật) để điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội đó. Trên thực tế, “pháp luật không điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội mà tập trung điều chỉnh những quan hệ cơ bản, điển hình, phổ biến có liên quan tới đời sống cộng đồng xã hội, đến việc củng cố địa vị và lợi ích của lực lượng cầm quyền trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…cần đến sự điều chỉnh của pháp luật…Còn những quan hệ xã hội không cơ bản, ít quan trọng có thể được điều chỉnh bằng các quy phạm xã hội khác”2.
Mỗi ngành luật được hình thành để điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội có cùng tính chất, hay cùng loại với nhau. Ví dụ: ngành Luật Hiến pháp điều chỉnh các quan hệ xã hội nền tảng, quan trọng nhất của xã hội; ngành Luật Dân sự điều chỉnh các nhóm quan hệ về tài sản và nhân thân phi tài sản; ngành Luật Tố tụng hình sự điều chỉnh quan hệ xã hội xuất hiện trong quá trình giải quyết vụ án mà nội dung là quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể buộc tội, chủ thể gỡ tội và chủ thể xét xử trong vụ án hình sự3...
- Đối tượng điều chỉnh của pháp luật về quyền con người: Pháp luật về quyền con người có đối tượng điều chỉnh đặc thù là công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền của cá nhân, công dân, các nhóm người yếu thế trong mối quan hệ với nhà nước và xã hội.
Trong mối quan hệ hai chiều giữa nhà nước với cá nhân, công dân và các nhóm người yếu thế, pháp luật về quyền con người xác lập địa vị pháp lý của cá nhân, công dân - chủ thể mang quyền (rights - holders) và nhà nước cũng như các chủ thể công là chủ thể mang nghĩa vụ (duty - bearers), theo đó, nhà nước và các chủ thể công có nghĩa vụ, trách nhiệm công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền của các cá nhân, công dân. Một điều dễ nhận thấy trong các mối quan hệ của cá nhân, công dân với nhà nước và xã hội, đó là, mặc dù là chủ thể mang quyền, nhưng cá nhân, công dân và các nhóm yếu thế luôn luôn ở vị thế bất lợi. Nhà nước là chủ thể có nghĩa vụ, nhưng lại luôn ở vị thế chủ động, có thể và bất cứ lúc nào cũng có thể xâm phạm các quyền và tự do của cá nhân, công dân cũng như khước từ bảo vệ các nhóm xã hội yếu thế.
Xuất phát từ bản chất, đặc điểm quan hệ “bất lợi” giữa nhà nước với cá nhân, công dân, nên nguyên lý xây dựng nền tảng quản trị dân chủ và các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, nhà nước buộc phải thừa nhận nhân phẩm và các giá trị của con người, đó là giá trị bẩm sinh, vốn có. Nhà nước do nhân dân tạo ra, quyền lực nhà nước do người dân ủy thác, cho nên nhà nước phải có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ các quyền và tự do dân chủ của người dân, và quy luật bất kỳ khi nào, nhà nước thoái thác các trách nhiệm, nghĩa vụ đối với người dân, vi phạm, chà đạp quyền của cá nhân, công dân thì đến một mức độ nào đó, chính người dân có thể lật đổ chế độ nhà nước đó và thiết lập chế độ nhà nước mới, như trong chính lời mở đầu của bản Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 đã khẳng định “Xét rằng điều cốt yếu là quyền con người phải được một chế độ pháp quyền bảo vệ để con người khỏi bị dồn vào thế cùng, phải nổi dậy chống áp bức và bạo quyền”4 và lịch sử loài người đã chứng minh, các cuộc cách mạng đấu tranh chống áp bức, bóc lột, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp suy cho cùng đó là các cuộc đấu tranh vì quyền con người, bảo vệ các giá trị nhân phẩm của con người.
Từ bản chất, mối quan hệ đặc thù của pháp luật về quyền con người, có thể hiểu đối tượng điều chỉnh của pháp luật về quyền con người bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh mối quan hệ hai chiều giữa cá nhân, công dân, các nhóm yếu thế với nhà nước và xã hội, trong đó quy định tính chất, mức độ và số lượng các quyền của cá nhân, công dân được hưởng và phải thực hiện các nghĩa vụ nhất định đối với nhà nước và xã hội; đồng thời xác lập trách nhiệm của nhà nước, các tổ chức công có nghĩa vụ công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền của cá nhân, công dân, các nhóm yếu thế trong phạm vi lãnh thổ quốc gia.
b) Các nhóm quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về quyền con người
Đối tượng điều chỉnh cụ thể của pháp luật quyền về con người là những nhóm quan hệ xã hội cụ thể phát sinh trong quá trình nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân như sau:
Thứ nhất, nhóm quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh trong quá trình nhà nước công nhận nhân phẩm vốn có, các quyền và tự do của cá nhân, công dân. Điều 3, Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện5.
Thứ hai, nhóm quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh trong việc nhà nước tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của cá nhân, công dân. Từ việc công nhận nhân phẩm vốn có, các quyền và tự do cơ bản của con người, nhà nước có trách nhiệm tôn trọng. Nghĩa vụ, trách nhiệm tôn trọng đòi hỏi nhà nước kiềm chế, không được vi phạm các quyền, tự do dân chủ của người dân. Ví dụ: các quyền và tự do dân chủ của cá nhân, công dân được Hiến pháp quy định như quyền tự do báo chí, ngôn luận, lập hội, biểu tình, tiếp cận thông tin; tự do đi lại... Không cần đòi hỏi Nhà nước phải chủ động thực hiện, mà chỉ cần Nhà nước kiềm chế, không vi phạm, tôn trọng quyền tự do của người dân.
Thứ ba, nhóm quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh trong quá trình nhà nước bảo vệ các quyền và tự do của cá nhân, công dân. Khác với nhóm quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh nghĩa vụ tôn trọng quyền, nhóm quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh nghĩa vụ của nhà nước trong bảo vệ các quyền và tự do của cá nhân, công dân, nghĩa là nhà nước phải chủ động can thiệp thông qua các biện pháp từ xây dựng và hoàn thiện thể chế (pháp luật), thiết chế (tổ chức bộ máy); chủ động phòng ngừa các hành vi vi phạm quyền từ các thực thể trong xã hội; chủ động xử lý hành vi vi phạm; khắc phục hậu quả, nếu có thiệt hại xẩy ra đối với cá nhân, công dân.
Thứ tư, nhóm quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh trong quá trình nhà nước bảo đảm các quyền và tự do của cá nhân, công dân. Nhóm quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh về nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà nước trong bảo đảm quyền con người. Trong mối quan hệ này, đòi hỏi nhà nước xây dựng lộ trình thực hiện, không chỉ hoàn thiện về thể chế, thiết chế; bảo đảm nguồn lực cả về vật chất, nguồn lực con người để biến các nguyên tắc, quy phạm pháp luật về quyền con người được thực hiện trong cuộc sống.
Thứ năm, nhóm quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh trong quá trình cá nhân, công dân – chủ thể của quyền con người - thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với nhà nước và xã hội.
Hiến pháp, pháp luật quy định rất cụ thể các nghĩa vụ của cá nhân, công dân đối với Nhà nước và xã hội. Ví dụ: mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường; công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc; công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân; công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng; nghĩa vụ nộp thuế theo luật định; người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam...
Thứ sáu, nhóm quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh trong quá trình nhà nước có thể hạn chế một số quyền và tự do của cá nhân, công dân vì lý do an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức xã hội, quyền và tự do của người khác.
Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng6.
Hiện nay Hiến pháp mới chỉ dừng lại nguyên tắc hiến định rằng quyền con người, quyền công dân có thể bị hạn chế theo luật định, nhưng lại chưa chỉ ra cụ thể là quyền nào có thể bị hạn chế. Theo chuẩn mực quốc tế về quyền con người, các quyền thuộc nhóm quyền tự do dân chủ như ngôn luận, báo chí, lập hội, biểu tình, tiếp cận thông tin, tự do đi lại, cư trú; tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thành lập và gia nhập công đoàn7... là những quyền có thể bị hạn chế vì các lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng; đạo đức xã hội; quyền và tự do của người khác.
Thứ bảy, nhóm quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh trong quá trình nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội.
Quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương theo pháp luật Việt Nam khá rộng, gồm trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người nhiễm HIV/AIDS,...
2. Phương pháp điều chỉnh của pháp luật về quyền con người
Cùng với đối tượng điều chỉnh của pháp luật, phương pháp điều chỉnh là căn cứ để phân biệt các ngành luật, đồng thời để khẳng định tính độc lập của mỗi ngành luật. Phương pháp điều chỉnh của một ngành luật là những cách thức, biện pháp mà nhà nước thông qua pháp luật, sử dụng chúng để điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội nhất định, sắp xếp các nhóm quan hệ xã hội theo những trật tự nhất định để chúng phát triển theo những hướng định trước. Theo Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, “phương pháp điều chỉnh pháp luật phụ thuộc vào nội dung, tính chất của các quan hệ xã hội (đối tượng điều chỉnh pháp luật) và ý muốn chủ quan của những người trực tiếp ban hành pháp luật thông qua nhận thức, ý thức của họ về lợi ích giai cấp, lợi ích xã hội trong mỗi giai đoạn lịch sử”8.
Xuất phát từ đặc điểm, tính chất của các quan hệ xã hội do các quy phạm pháp luật về quyền con người điều chỉnh, pháp luật quyền con người sử dụng nhiều phương pháp tác động khác nhau tùy thuộc vào từng quan hệ cụ thể.
Có thể rút ra các phương pháp điều chỉnh của pháp luật quyền con người như sau:
Thứ nhất, phương pháp thỏa thuận, tự do ý chí giữa nhà nước và công dân về quá trình xác lập các quyền và nghĩa vụ pháp lý hai chiều.
Thỏa thuận được hiểu là sự tự do thể hiện ý chí của các chủ thể khi tham gia xác lập quan hệ quyền con người. Phương pháp này được áp dụng chủ yếu trong quá trình xác lập quan hệ giữa nhà nước và người dân, nhất là khi nhà nước thông qua các đạo luật quan trọng quy định địa vị pháp lý của cá nhân, công dân trong mối quan hệ với nhà nước và xã hội.
Ví dụ, khi chính phủ mới được thành lập, thường thông qua hiến pháp mới bằng việc trưng cầu ý dân về các quy định của hiến pháp nói chung trong đó có các quy định về quyền con người, quyền công dân hoặc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân đối với các đạo luật có quy định, trực tiếp tới quyền và lợi ích của người dân. Ở Việt Nam, từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa tổ chức trưng cầu ý dân về các vấn đề trọng đại của đất nước, tuy nhiên quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân đều đã được các bản hiến pháp quy định. Đặc biệt cụ thể hóa Hiến pháp, lần đầu tiên Quốc hội đã ban hành Luật Trưng cầu dân ý năm 2015, trong đó Điều 6 của Luật đã xác định các nội dung quan trọng của đất nước phải được trưng cầu ý dân bao gồm: (i) Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; (ii) Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; (iii) Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước; (iv) Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước9.
Thứ hai, phương pháp mệnh lệnh, phục tùng ý chí của nhà nước.
Phương pháp mệnh lệnh thể hiện quyền uy của nhà nước đối với cá nhân, công dân trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật quy định. Phương pháp mệnh lệnh được sử dụng trong các trường hợp sau:
+ Xác định nghĩa vụ của cá nhân, công dân đối với nhà nước và xã hội. Theo đó các nghĩa vụ của cá nhân, công dân được quy định trong hiến pháp, pháp luật có hiệu lực thi hành và bất kỳ cá nhân, công dân nào sinh sống trong phạm vi lãnh thổ quốc gia cũng phải có nghĩa vụ thực hiện.
+ Xác định giới hạn một số quyền và tự do cá nhân có thể bị hạn chế trong quá trình thực hiện vì lợi ích của an ninh quốc gia, trật tự cộng cộng, đạo đức xã hội, các quyền và tự do của người khác.
+ Quy định thẩm quyền của các cơ quan trong bộ máy nhà nước được áp dụng tổng thể các biện pháp xử lý hành vi vi phạm, (tùy theo mức độ, tích chất hành vi vi phạm của mỗi cá nhân, công dân) mà có thể áp dụng các biện pháp khác nhau như xử lý hành chính, xử lý hình sự…
Ví dụ: Hiến pháp, pháp luật quy định công dân có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Với quy định này, thông thường công dân đạt độ tuổi 18 tuổi trở lên phải có nghĩa vụ đi bộ đội, tham gia bảo vệ Tổ quốc. Nếu không thực hiện nghĩa vụ này, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Hoặc mọi người có nghĩa vụ đóng thuế. Một khi cá nhân, công dân tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoặc có thu nhập cao, theo quy định phải có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập, nếu công dân trốn tránh không chấp hành có thể bị áp dụng hình thức xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế...
Thứ ba, phương pháp tôn trọng, phục tùng ý chí của nhân dân – tác động ngược lên ý chí của nhà nước.
Đặc điểm cơ bản của phương pháp điều chỉnh này là khi quyền và lợi ích của cá nhân, công dân bị xâm phạm, công dân có thể sử dụng các quyền đã được hiến pháp và pháp luật quy định để tác động lên ý chí của nhà nước. Trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nhà nước phải điều chỉnh chính sách, thay đổi luật pháp cho phù hợp với ý chí của người dân.
Các biện pháp cá nhân, công dân sử dụng để tác động lên ý chí của nhà nước đó là, sử dụng các quyền hợp pháp thông qua phản biện, kiến nghị, góp ý chính sách, khiếu nại quyết định, chính sách, hay tố cáo các hành vi vi phạm của các cán bộ, công chức nhà nước. Trong một số trường hợp, công dân có thể sử dụng các quyền của mình trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật cho phép. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp sử dụng quyền vượt quá giới hạn cho phép, như tiến hành khiếu nại đông người có thể gây mất an ninh, trật trự; khiếu nại vượt cấp và khiếu nại kéo dài (kết quả khiếu nại đã được giải quyết, nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại...).
Công dân cũng có thể sử dụng các quyền được hiến pháp và pháp luật cho phép nhằm tác động lên ý chí của nhà nước thông qua các hoạt động như mít tinh, bãi thị, biểu tình phản đối chính sách nào đó của nhà nước...
Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn
3. Khoa học pháp luật về quyền con người
a) Khái niệm khoa học pháp luật về quyền con người
Là một ngành khoa học độc lập, khoa học pháp luật về quyền con người là hệ thống các quan điểm, học thuyết, hệ thống khái niệm, phạm trù về ngành pháp luật về quyền con người. Nhiệm vụ của khoa học này là nghiên cứu nhằm đưa ra những kiến giải góp phần hoàn thiện sự điều chỉnh của pháp luật về quyền con người trong các mối quan hệ có liên quan giữa nhà nước, xã hội, các chủ thể công với cá nhân, công dân và các nhóm xã hội dễ bị tổn thương.
b) Đối tượng nghiên cứu của khoa học pháp luật về quyền con người
Pháp luật về quyền con người nghiên cứu những vấn đề sau đây:
- Nghiên cứu quy luật hình thành, phát triển quyền con người, bản chất của quyền con người; các quan điểm, quan niệm, học thuyết khác nhau về quyền con người trong lịch sử và đương đại; học thuyết Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người; đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người;
- Hệ thống các quy phạm pháp luật về quyền con người: đặc điểm, tính chất, nội dung, phân loại các quy phạm về quyền con người; vấn đề về hoàn thiện pháp luật bảo vệ, bảo đảm quyền con người; cơ chế bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; cơ chế điều chỉnh pháp luật về quyền con người;
- Quan hệ pháp luật về quyền con người: nội dung pháp lý, cơ cấu, tương quan giữa các mối quan hệ nội tại, bản chất của các mối quan hệ; quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể;
- Các phương thức, biện pháp, điều kiện bảo đảm thực hiện pháp luật về quyền con người;
- Nghiên cứu các nguyên tắc, tiêu chuẩn pháp luật quốc tế về quyền con người, quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương; cơ chế của Liên hợp quốc, cơ chế khu vực về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người;
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc gia trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người; cơ chế quốc gia bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ở một số nước trong khu vực và trên thế giới;
- Nghiên cứu về mối quan hệ giữa các quy định, nguyên tắc pháp luật quốc gia với các nguyên tắc, quy định quốc tế về quyền con người; vấn đề nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn pháp luật quốc tế về quyền con người vào hệ thống pháp luật quốc gia; phương thức, biện pháp và cách thức thực hiện các quy định quốc tế về quyền con người.
c) Mối quan hệ giữa khoa học pháp luật về quyền con người với các ngành khoa học pháp luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam
Như trên đã phân tích và luận giải, Pháp luật về quyền con người là một ngành luật độc lập, nằm trong hệ thống các ngành luật Việt Nam, nên khoa học Pháp luật về quyền con người có mối quan hệ với các ngành khoa học pháp lý khác. Trước hết phải kể đến các ngành khoa học pháp lý chung như: Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật; Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam; Lịch sử Nhà nước và pháp luật thế giới…
Đồng thời khoa học Pháp luật về quyền con người có mối quan hệ chặt chẽ với các khoa học pháp lý cụ thể khác như ngành Luật Hiến pháp; Luật Hành chính, Luật Tố tụng hành chính; Luật Dân sự, Luật Tố tụng dân sự; Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự; Luật Lao động, Luật Kinh tế; Luật Hôn nhân và gia đình...
d) Nguồn của khoa học pháp luật về quyền con người
Trong lý luận về nhà nước và pháp luật, khái niệm “nguồn của ngành luật” hay “Nguồn luật” dùng để chỉ những hình thức chứa đựng quy phạm pháp luật của một ngành luật. Nói cách khác, nguồn của ngành luật là những “nơi” mà người ta có thể tìm thấy quy phạm pháp luật của một ngành luật nào đó10.
Pháp luật về quyền con người có hai hệ thống nguồn chủ yếu sau đây: pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế.
(i) Pháp luật quốc gia
Theo quy định của Hiến pháp, quyền con người, quyền công dân do Hiến pháp và luật quy định. Như vậy, nguồn cơ bản chính yếu nhất của Pháp luật về quyền con người là Hiến pháp và các đạo luật chuyên ngành, bao gồm hệ thống các luật liên quan tới tổ chức bộ máy, xác định thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan nhà nước như: Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Chính quyền địa phương.
Các đạo luật chuyên ngành, Bộ Luật Dân sự; Bộ luật Tố tụng dân sự; Bộ luật hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Thi hành án hình sự; Bộ luật Lao động; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh; Luật Hộ tịch; Luật Quốc tịch; Luật Báo chí; Luật Bình đẳng giới; Luật Căn cước công dân; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Tiếp công dân; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…
(ii) Pháp luật quốc tế
- Hệ thống các công ước, các tuyên ngôn do Liên hợp quốc ban hành như: Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, 1966 (và 2 Nghị định thư bổ sung); Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, 1966 (và 01 Nghị định thư bổ sung); Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, 1965; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, 1979 (và 01 Nghị định thư bổ sung); Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm, 1984 (và 01 nghị định thư bổ sung); Công ước về quyền trẻ em, 1989 (và 03 nghị định thư bổ sung); Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ, 1990; Công ước về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị cưỡng bức mất tích, 2006; Công ước về quyền của người khuyết tật, 200611.
- Hệ thống các công ước do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thông qua, Việt Nam đến nay đã phê chuẩn 25 công ước, trong đó gồm 7/8 công ước cơ bản: C029 - Công ước về lao động cưỡng bức, 1930 (Số 29); C098 - Công ước về quyền tổ chức và thương lượng tập thể, 1949 (Số 98); C100 – Công ước về trả công bình đẳng, 1951 (Số 100); C105 - Công ước về Xóa bỏ lao động cưỡng bức, 1957 (Số 105); C111 - Công ước về chống phân biệt đối xử (trong việc làm và nghề nghiệp), 1958 (Số 111); C138 - Công ước về tuổi lao động tối thiểu, 1973 (Số 138); C182 - Công ước về xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, 1999 (Số 182); Công ước Số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức. Việt Nam dự kiến sẽ phê chuẩn công ước cơ bản còn lại - Công ước số 87 về Tự do Hiệp hội và Bảo vệ quyền tổ chức - vào năm 202312.
Ngoài ra có một số Tuyên ngôn, tuyên bố do tổ chức khu vực thông qua, Việt Nam là một bên tham gia như Tuyên bố ASEAN về quyền con người 2012.
PGS.TS. Tường Duy Kiên
Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 3/2022
-----
Tài liệu tham khảo
(1) Đối tượng điều chỉnh của pháp luật là gì? Khái niệm về đối tượng điều chỉnh của pháp luật. Tại trang [https://luatminhkhue.vn/doi-tuong-dieu-chinh-cua-phap-luat-la-gi---khai-niem-ve-doi-tuong-dieu-chinh-cua-phap-luat.aspx]. Truy cập ngày 16/9/2020
(2) Trường Đại học Luật Hà Nội (2021), Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, NXB Tư pháp, trang 471
(3) PGS. TS Nguyễn Ngọc Chí (Chủ biên), Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học quốc gia, 2014, trang 20.
(4) Liên hợp quốc, Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948, Tại trang [https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Tuyen-ngon-quoc-te-nhan-quyen-1948-65774.aspx]. Truy cập ngày 20/5/2021.
(5) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hiến pháp năm 2013. Tại trang [https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx]. Truy cập ngày 17/9/2020.
(6) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hiến pháp năm 2013. Tại trang [https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx]. Truy cập ngày 17/9/2020.
(7) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2018), Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, trang 25,26.
(8) Trường Đại học Luật Hà Nội (2021), Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, NXB Tư pháp, trang 474.
(9) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Trưng cầu ý dân. Tại trang [https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Luat-trung-cau-y-dan-2015-298375.aspx]. Truy cập ngày 20/4/2021.
(10) Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội – 2018, trang 24.
(11) Nhà nước Việt Nam đã tham gia 7/9 công ước cơ bản, còn 02 Công ước (Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ, 1990; Công ước về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị cưỡng bức mất tích, 2006), đang nghiên cứu có thể tham gia trong thời gian tới.
(12) Tổ chức Lao động quốc tế, Văn phòng Hà Nội, tiêu chuẩn lao động quốc tế. tại trang [https://www.ilo.org/hanoi/Areasofwork/international-labour-standards/lang--vi/index.htm]. Truy cập ngày 20/3/2022.