Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi quyền con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Ghi nhận và bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền con người trở thành mục tiêu quan trọng của Nhà nước ta, trong đó có bảo đảm quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay, việc thực hiện quyền này đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Bài viết nghiên cứu làm rõ khái niệm, nội dung và những thách thức trong bảo đảm quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục trẻ em tại Việt Nam và đề xuất một số giải pháp.
1. Khái niệm và nội dung bảo đảm quyền được bảo vệ không bị xâm hại tình dục của trẻ em
Dưới góc nhìn pháp lý, trẻ em được xác định căn cứ vào độ tuổi, một cá nhân được xem là trẻ em hay người lớn phải phụ thuộc vào số tuổi của người đó tại một thời điểm nhất định. Điều 1 của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989 (CRC) định nghĩa: Trẻ em là “người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật của quốc gia thành viên áp dụng với trẻ em có quy định độ tuổi trưởng thành sớm hơn”1. Có nghĩa là, dù cá nhân ở bất kỳ độ tuổi nào dưới 18 tuổi thì đều được xem là trẻ em. Định nghĩa này nhằm mục đích xác định và đánh dấu khi cá nhân đủ 18 tuổi là cá nhân đó đã kết thúc độ tuổi trẻ thơ và trở thành người thành niên. Điều 1 CRC cũng quy định: “...trừ trường hợp pháp luật quốc gia thành viên áp dụng với trẻ em có quy định độ tuổi trưởng thành sớm hơn”. Quy định này có thể hiểu là các quốc gia thành viên có thể xác định độ tuổi trưởng thành sớm hơn nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định của CRC đối với người dưới 18 tuổi. Và các quốc gia chỉ được quy định độ tuổi thấp hơn 18 tuổi trong một số lĩnh vực và cho một số mục đích cụ thể nhưng phải đảm bảo được nguyên tắc chung của CRC như: nguyên tắc lợi ích tốt nhất cho trẻ em; nguyên tắc đảm bảo tối đa sự tồn tại, phát triển của trẻ em và nguyên tắc không phân biệt đối xử trong đảm bảo quyền trẻ em. Khái niệm “trẻ em” được các văn bản pháp lý quốc tế sử dụng thống nhất và đề cập ở nhiều văn bản.
Theo pháp luật Việt Nam, Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi” (Điều 1). So với CRC thì độ tuổi được coi là trẻ em ở Việt Nam được quy định thấp hơn. Liên quan đến khái niệm trẻ em, trong hệ thống pháp luật Việt Nam còn có các khái niệm: người chưa thành niên, lao động chưa thành niên. Trẻ em theo CRC và người chưa thành niên trong pháp luật Việt Nam đều là những người chưa trưởng thành, còn non nớt về thể chất và trí tuệ, dễ bị tổn thương, cần được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau khi ra đời. Như vậy, trong phạm vi nhất định, thuật ngữ “người chưa thành niên” và thuật ngữ “trẻ em” có cùng một ý nghĩa dùng để chỉ những người chưa thành niên. Tuy nhiên, xét dưới góc độ tuổi thì khái niệm người chưa thành niên rộng hơn khái niệm trẻ em, nghĩa là người chưa thành niên bao gồm cả trẻ em và những người từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi.
Định nghĩa về xâm hại tình dục trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đã đưa ra khái niệm như sau: “Xâm hại tình dục trẻ em là việc lôi kéo trẻ em tham gia vào hoạt động tình dục mà trẻ em đó không hiểu một cách đầy đủ, không có khả năng quyết định ưng thuận một cách có hiểu biết, hoặc hành động diễn ra giữa một trẻ em với một người trưởng thành hoặc với một trẻ em khác mà do độ tuổi và mức độ phát triển, người này có mối quan hệ trách nhiệm, tin tưởng hoặc quyền hành với trẻ và hành động gây ra nhằm thỏa mãn nhu cầu của người đó”2. Theo quy định của khoản 8 Điều 4 Luật Trẻ em năm 2016 thì “ Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức”.
Mặc dù có sự khác nhau trong định nghĩa hành vi “xâm hại tình dục trẻ em” nhưng các định nghĩa này đều dựa trên đặc điểm tâm, sinh lý của trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, cần được chăm sóc, bảo vệ đặc biệt và chưa có đủ khả năng để nhận thức đầy đủ về việc tham gia hay không tham gia vào các hành vi tình dục. Một hành vi tình dục đối với trẻ em có thể được xem là xâm hại tình dục trẻ em ngay cả khi có sự đồng thuận của trẻ bởi xuất phát từ đặc điểm trẻ chưa có đủ khả năng nhận thức và ra quyết định về việc ưng thuận tham gia vào các hành vi tình dục, chưa có đủ nhận thức về hậu quả của việc tham gia vào các hành vi tình dục.
Theo Điều 34 CRC 1989: "Các quốc gia thành viên cam kết bảo vệ trẻ em chống lại mọi hình thức bóc lột cũng như lạm dụng tình dục”3. Vì mục đích này, các quốc gia thành viên sẽ thực hiện mọi biện pháp thích hợp của từng nước, của hai bên và của nhiều bên để ngăn ngừa.
Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục trẻ em là quyền của trẻ em được tự mình hoặc thông qua người chăm sóc, người giám hộ hoặc yêu cầu các chủ thể có liên quan thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý đối với các hành vi xâm hại tình dục trẻ em, đảm bảo cho trẻ em được sống an toàn, lành mạnh. Đó là: các cơ quan tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện các biện pháp giáo dục; phòng ngừa phù hợp để bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục bao gồm: hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức; giúp đỡ bằng các biện pháp tư vấn, phục hồi sức khỏe, tinh thần và tạo điều kiện để có cuộc sống ổn định và phát triển.
Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em được xem là một trong những quyền cơ bản nhất, là quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức, không ai được phép xâm phạm, được pháp luật công nhận và đảm bảo thực hiện. Trên bình diện quốc tế, nội dung quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em được quy định tại các văn bản như: CRC 1989, Tuyên bố Giơnevơ về quyền trẻ em, Nghị định thư về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, Nghị định thư về sự tham gia của trẻ em trong xung đột vũ trang. Trên bình diện quốc gia, nội dung quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em được quy định tại các văn bản như: Luật Trẻ em năm 2016, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Nuôi con nuôi năm 2010,...
Bảo đảm quyền con người, quyền công dân hiểu theo nghĩa chung nhất là việc tạo ra các tiền đề, điều kiện về chính trị, kinh tế, xã hội, pháp lý và tổ chức để cá nhân, công dân, các tổ chức của công dân thực hiện được các quyền, tự do, lợi ích chính đáng của họ đã được pháp luật ghi nhận. Trong đó, trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta thì các bảo đảm pháp lý có ý nghĩa quan trọng, mang tính chất quyết định, là cốt lõi, là sự thể chế hoá các bảo đảm chính trị, kinh tế, xã hội, tổ chức thành chuẩn mực có tính bắt buộc chung để bảo đảm quyền con người, quyền công dân4. Như vậy, bảo đảm quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em là việc Nhà nước và các chủ thể có thẩm quyền tạo các tiền đề, điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, pháp lý và tổ chức để quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em được thực hiện trên thực tế.
Dựa trên lý thuyết chung, nội dung nghĩa vụ bảo đảm quyền con người, quyền công dân được hiểu bao gồm: nghĩa vụ công nhận (ghi nhận) quyền con người, nghĩa vụ tôn trọng quyền con người, nghĩa vụ thực hiện quyền con người, nghĩa vụ bảo vệ quyền con người, nghĩa vụ thúc đẩy quyền con người5 thì nội dung bảo đảm quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em bao gồm:
Thứ nhất là công nhận (ghi nhận) quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em bằng các văn bản quy phạm pháp luật.
Nội dung ghi nhận quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em bằng các văn bản quy phạm pháp luật được hiểu là, Nhà nước phải thừa nhận, quy định ngày càng đầy đủ hơn nội dung của quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em trong các văn bản pháp luật có liên quan, trước hết là Hiến pháp, và các văn bản pháp luật khác do Quốc hội ban hành. Bên cạnh đó, các chủ thể có liên quan, trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình có trách nhiệm ghi nhận các quyền của trẻ em được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục trong các văn bản pháp luật có liên quan như các Nghị quyết, các án lệ của Tòa án nhân dân tối cao. Việc ghi nhận ngày càng đầy đủ các nội dung của quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thực thi trên thực tế quyền này và là căn cứ cho các chủ thể có thẩm quyền trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em.
Hiện nay, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em đã được ghi nhận khá đầy đủ trong các văn bản pháp luật. Hiến pháp năm 2013 quy định quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, danh dự, nhân phẩm của con người (Điều 20), đến quyền được bảo vệ không bị xâm hại, ngược đãi của trẻ em (khoản 1 Điều 37): Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Và quyền hiến định này được cụ thể hoá trong các văn bản pháp luật khác của Nhà nước, trong đó chủ yếu là: (i) Luật Trẻ em năm 2016 với việc ghi nhận quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em tại Điều 25 và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc bảo đảm quyền trẻ em; (ii) Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định các tội xâm hại tình dục trẻ em, bao gồm: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142), Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144 ), Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145 ), Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146 ), Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147 ); (iii) Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định về nguyên tắc xử lý, trình tự, thủ tục lấy lời khai, xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em; (iv) Luật Nuôi con nuôi quy định cấm nhận nuôi con nuôi nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em, quy định độ tuổi tối đa và khoảng cách tuổi giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi; (v) Bộ luật Lao động quy định về các hành vi bị cấm trong quan hệ lao động, quy định về nội dung của thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động về chống xâm hại tình dục trẻ em trong quan hệ lao động và các quy định riêng về lao động trẻ em; (vi) Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm; (vii) Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi và sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm;…
Thứ hai là tôn trọng quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em
Tôn trọng quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em có nghĩa là các chủ thể khi thực hiện trách nhiệm, quyền hạn của mình phải kiềm chế không can thiệp một cách trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc thừa nhận, bảo vệ, thực hiện, thúc đẩy quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em đã được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan. Nghĩa vụ tôn trọng được thực hiện dưới dạng hành động bằng cách thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em và dưới dạng không hành động bằng cách kiềm chế không can thiệp trái pháp luật vào việc thừa nhận, bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em.
Thứ ba là thực hiện quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em
Thực hiện quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em được hiểu là việc Nhà nước có trách nhiệm tạo cơ sở vật chất và điều kiện thể chế, điều kiện kinh tế-xã hội cho việc thực hiện quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em trên thực tế. Điều này có nghĩa là, Nhà nước có trách nhiệm và nghĩa vụ chủ động xây dựng thể chế pháp lý cũng như các chiến lược, kế hoạch, chương trình, biện pháp quản lý cụ thể để bảo đảm cho quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em được thực hiện trên thực tế. Hay nói cách khác, Nhà nước phải có những biện pháp nhằm hỗ trợ trẻ em và người chăm sóc trẻ thực hiện được quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục. Nghĩa vụ này là nghĩa vụ chủ động của Nhà nước, bởi nghĩa vụ này yêu cầu Nhà nước phải có những kế hoạch, chương trình cụ thể để bảo đảm cho mọi trẻ em đều nhận thức được quyền và thực hiện được quyền này trên thực tế. Đồng thời, Nhà nước còn có nghĩa vụ tổ chức, triển khai thực hiện các thể chế, chiến lược, kế hoạch, chương trình nói trên bao gồm xây dựng đội ngũ nhân lực, cung cấp kinh phí (tạo điều kiện kinh tế, xã hội, cơ sở vật chất), chỉ đạo thực hiện các thể chế, chiến lược, kế hoạch, chương trình nhằm thực thi trên thực tế quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em.
Thứ tư là nghĩa vụ bảo vệ quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em
Nghĩa vụ bảo vệ quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em được hiểu là các chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm quyền trẻ em phải ngăn chặn và xử lý theo đúng trình tự, thủ tục luật định đối với hành vi xâm phạm quyền của trẻ em của mọi cá nhân, tổ chức. Nghĩa vụ này đòi hỏi cơ quan nhà nước và chủ thể có thẩm quyền phải giám sát việc thực hiện quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em và xử lý nghiêm minh đối với các hành vi xâm phạm. Hiện nay, cơ chế pháp lý chủ yếu bảo vệ quyền này là thông qua cơ chế tư pháp hoặc thông qua việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em.
Thứ năm là nghĩa vụ thúc đẩy quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em
Nghĩa vụ thúc đẩy quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em được hiểu là Nhà nước tạo điều kiện về môi trường kinh tế và xã hội nói chung nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận quyền bằng việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền trẻ em và quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em hoặc bằng cách tham gia vào các văn bản pháp lý quốc tế về bảo đảm quyền trẻ em,...
2. Những thách thức trong bảo đảm quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em tại Việt Nam
Một là, nhận thức pháp luật của người dân về quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em chưa đầy đủ. Phần lớn bộ phận dân cư vẫn chưa hiểu đúng về nội dung và trách nhiệm pháp lý của hành vi xâm hại tình dục trẻ em, chưa nhận thức đầy đủ về hậu quả của việc bị xâm hại tình dục đối với trẻ và gia đình trẻ.
Mặc dù hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là mạng xã hội ngày càng phổ biến là cơ hội trong việc mở rộng phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, nhưng cũng vừa là thách thức làm gia tăng nạn xâm hại tình dục trẻ em, bởi lẽ cha mẹ, người chăm sóc trẻ không kiểm soát được việc sử dụng mạng xã hội của trẻ cùng với việc thiếu kiến thức, kỹ năng đầy đủ về tình dục và xâm hại tình dục chính là nguyên nhân dẫn đến sự tò mò, muốn làm theo của trẻ làm cho tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, mức nhận thức pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục không đồng đều giữa các cộng đồng dân cư, cùng với những rào cản về vị trí địa lý, phong tục tập quán, điều kiện kinh tế, xã hội, đặc biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bào dân tộc thiểu số với người Kinh, giữa các đồng bào dân tộc thiểu số với nhau là một trong những thách thức lớn cho chính quyền địa phương trong việc hoạch định các chính sách, thực hiện các chương trình, kế hoạch bảo đảm, bảo vệ quyền trẻ em nói chung và quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục trẻ em nói riêng trên thực tế.
Hai là, thách thức đến từ các điều kiện cơ sở vật chất, kinh tế, xã hội trong việc bảo đảm quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục trẻ em. Việt Nam là một nước đang phát triển, nguồn lực hạn chế, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc hưởng thụ đầy đủ các quyền con người nói chung, quyền trẻ em và quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục nói riêng. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc bảo đảm quyền trẻ em và quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em. Bởi nguồn lực hạn chế, cơ sở vật chất thiếu thốn, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn là một trong những yếu tố khách quan chi phối và ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển các giá trị xã hội, trong đó có giá trị quyền con người6.
Ba là, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện cũng là một thách thức không nhỏ trong việc bảo đảm quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em. Mặc dù các quy định của pháp luật về bảo đảm quyền được bảo vệ được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em được quy định khá đầy đủ, từ việc ghi nhận quyền, đến thực hiện, bảo vệ và thúc đẩy quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em. Song các quy định này vẫn còn chưa thống nhất, chưa quy định đầy đủ cơ chế thực thi quyền trên thực tế. Các văn bản pháp luật chưa thống nhất trong việc sử dụng thuật ngữ cũng như làm rõ nội hàm thuật ngữ “trẻ em”, “người dưới 16 tuổi”, “người chưa thành niên”. Các quy định về cơ chế thực thi quyền trong nhiều văn bản mới chỉ dừng lại ở quy định khung mà chưa có quy định cụ thể, như quy định về phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân về quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em, quy định về cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ quyền trẻ em nói chung và quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em nói riêng.
3. Một số giải pháp báo đảm quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em
Bảo đảm quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em là một bộ phận của nghĩa vụ bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp năm 2013 và cam kết trong các văn bản pháp luật quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Sau đây là một số đề xuất về giải pháp:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em và vận hành hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục phù hợp với các chuẩn mực quốc tế:
- Cần sử dụng các thuật ngữ “trẻ em”, “người chưa đủ 16 tuổi”, “người chưa thành niên”, ... một cách thống nhất giữa Luật Trẻ em, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự. Đồng thời, thống nhất nội hàm của các khái niệm liên quan. Hiện nay, Luật Trẻ em năm 2016 quy định trẻ em là người chưa đủ 16 tuổi (Điều 1) và các quyền trẻ em, trong đó có quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục là quyền của người chưa đủ 16 tuổi; Bộ luật Lao động năm 2019 sử dụng thuật ngữ lao động chưa thành niên, chưa đủ 18 tuổi (Điều 143), trong đó chia thành các nhóm chưa đủ 13 tuổi, từ đủ 13 đến chưa đủ 15 tuổi, từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi; Bộ luật Dân sự sử dụng thuật ngữ người chưa thành niên chưa đủ 18 tuổi và quy định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với người chưa thành niên theo ba mức độ tuổi là dưới 06 tuổi, từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi, từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, Bộ luật Hình sự quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ đủ 16 tuổi đối với mọi tội phạm, từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, và quy định các tội về xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi, bao gồm: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi, tội giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội dâm ô với người dưới 16 tuổi, tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.
Có thể hiểu việc dùng độ tuổi là căn cứ để xác định năng lực trách nhiệm pháp lý, quyền và nghĩa vụ cho các cá nhân là hợp lý xuất phát từ việc nghiên cứu các đặc điểm thể chất, tinh thần và mức độ phát triển về tâm, sinh lý của cá nhân. Tuy nhiên, việc mỗi văn bản pháp luật sử dụng một thuật ngữ khác nhau, nội hàm của các thuật ngữ chồng chéo, cũng như không thống nhất với văn bản pháp lý quốc tế mà Việt Nam là thành viên như trên gây khó khăn không nhỏ trong việc bảo đảm quyền trẻ em nói chung, quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em nói riêng. Do đó, nghiên cứu sử dụng hợp lý thuật ngữ và phân định cụ thể nội hàm các thuật ngữ trong các văn bản pháp luật để đảm bảo thực thi các quy định này trên thực tế là một điều cần thiết.
- Hiện nay, đối với các tội về xâm hại tình dục trẻ em quy định tại Điều 142, Điều 144, Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và được hướng dẫn áp dụng bởi Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi (sau đây gọi chung là Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP) còn mang nặng tính bằng chứng. Thực tiễn hiện nay, cơ quan điều tra thường xác định có hành vi giao cấu, quan hệ tình dục khác diễn ra hay chưa căn cứ vào kết quả giám định pháp y như thông qua việc kiểm tra các dấu vết trầy xước, bầm tím,... hoặc khám nghiệm âm đạo để phát hiện có tinh dịch hay không. Tuy nhiên, thực tế, trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái ở nông thôn, miền núi do hiểu biết pháp luật hạn chế, và do các yếu tố tâm lý dẫn đến các cháu thường không dám nói với phụ huynh, người chăm sóc ngay sau khi bị xâm hại, mà phải để đến khi phụ huynh nhận thấy các dấu hiệu bất thường của con thì mới trình báo cơ quan có thẩm quyền thì lúc này những bằng chứng trên có thể sẽ không còn nữa. Hoặc có khi hành vi xâm hại không gây vết bầm tím hay không xuất tinh trong âm đạo của trẻ, đặc biệt là đối với hành vi quan hệ tình dục khác thì rất khó để kết luận có hành vi xâm hại tình dục theo các Điều 142, 144, 145 Bộ luật Hình sự hay không. Và như vậy, rất khó để bảo đảm quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em trong những vụ án xâm hại tình dục này.
- Về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi (Điều 146) và tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147) chỉ quy định hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi hoặc sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm, còn đối với hành vi dâm ô với người từ đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, sử dụng trẻ từ đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi vào mục đích khiêu dâm chưa được coi là tội phạm. Trong khi đó, thực tiễn người từ đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi vẫn là những nhóm người dễ bị tổn thương, có thể trở thành nạn nhân của tội dâm ô hoặc bị sử dụng vào mục đích khiêu dâm. Quy định của Bộ luật Hình sự về các tội này cần phải xem xét mở rộng hành vi dâm ô đối với những người từ đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi hoặc sử dụng người từ đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi vào mục đích khiêu dâm cũng được coi là tội phạm cùng với việc mở rộng khái niệm trẻ em là người dưới 18 tuổi.
Ngoài ra, các quy định về xử lý hành chính đối với hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm có mức phạt tiền cao nhất là 8.000.000 đồng (Nghị định số 144/2021/NĐ-CP) là chưa đủ sức răn đe. Do đó, cần phải có chế tài mạnh hơn đối với các hành vi này để đảm bảo phòng ngừa và trừng trị đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ em này.
Thứ hai, là một nước đang phát triển, dân cư ở nước ta có sự chênh lệch khá lớn về điều kiện kinh tế, xã hội và sự khác biệt về nhận thức giữa trẻ em, phụ huynh, người chăm sóc trẻ ở thành thị và nông thôn, giữa người dân tộc Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, cần có chính sách đặc thù trong công tác bảo đảm quyền trẻ em nói chung, bảo đảm quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục trẻ em nói riêng cho từng nhóm cộng đồng dân cư khác nhau, đặc biệt là trong công tác nâng cao nhận thức pháp luật, nhận thức về quyền của trẻ em cho người dân.
Đặc thù của dân cư nông thôn ở Việt Nam là tỷ lệ lao động trẻ di cư vào thành phố tìm việc làm, để lại con cho ông bà chăm sóc khá lớn. Rất nhiều trẻ sống cùng ông bà, người thân không được giáo dục giới tính đầy đủ từ gia đình là một trong những nhóm người dễ trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục trẻ em. Do đó, trong công tác bảo đảm quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục trẻ em cần phải nâng cao nhận thức pháp luật cho chính trẻ em và người chăm sóc trẻ thông qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để họ có thể nhận thức được quyền và tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm hại.
Thứ ba, cần phải có cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác bảo đảm quyền trẻ em nói chung và bảo đảm quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục trẻ em nói riêng. Trẻ em là nhóm người dễ bị tổn thương, quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục trẻ em là một quyền con người quan trọng của trẻ em, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trách nhiệm của cả gia đình, xã hội. Khi trẻ bị xâm hại tình dục thì trách nhiệm thuộc về nhiều bên liên quan, như Toà án, Viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan y tế, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội). Do đó, cần tăng cường sự phối hợp của các cơ quan có liên quan trong việc bảo vệ, thúc đẩy và thực thi quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục trẻ em trên thực tế.
Ngoài ra, đối với trẻ khuyết tật là đối tượng có nguy cơ cao nhất trong việc bị xâm hại tình dục trẻ em nên cần có quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các cơ quan liên quan trongvấn đề này. Đồng thời, cần quy định trách nhiệm hình sự tăng nặng cho các trường hợp xâm hại tình dục trẻ em là người khuyết tật.
Th.S Nguyễn Văn Chiến
Uỷ ban nhân dân huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An
Phạm Thị Hoài
Khoa Luật kinh tế, Trường Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Vinh
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 36 (02/2024)
---
Tài liệu trích dẫn
(1) Liên hợp quốc (1989), Điều 1, CRC 1989
(2) Nguyễn Thị Phương Thảo (2021), Mô hình trợ giúp trẻ bị xâm hại tình dục: Kinh nghiệm Hàn Quốc và khuyến nghị cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 10-2021, tr.81.
(3) Liên hợp quốc (1989), Điều 34 CRC 1989
(4) Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thị Thu Hương (2012), Bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong pháp luật hành chính Việt Nam (Một số vấn đề có tính phương pháp luận, định hướng nghiên cứu), Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật học 28(2012), tr.1-7.
(5) Nguyễn Thanh Tuấn (2016), Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/xay-dung-ang2/-/2018/40653/nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-trong-viec-bao-dam-quyen-con-nguoi%2C-quyen-cong-dan.aspx, truy cập ngày 10/12/2023.
(6) Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (đồng chủ biên) (2011), Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.522.