Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền công dân về chính trị được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Bảo đảm các quyền công dân về chính trị là nội dung cơ bản thể hiện bản chất của dân, do dân, vì dân của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được thực hiện thông qua nhiều biện pháp khác nhau.
Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền công dân về chính trị được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Bảo đảm các quyền công dân về chính trị là nội dung cơ bản thể hiện bản chất của dân, do dân, vì dân của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được thực hiện thông qua các biện pháp: nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về quyền chính trị của công dân; hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền chính trị của công dân; phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về quyền chính trị của công dân.
Cử tri đi bỏ phiếu, thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân. Nguồn:dangcongsan.vn
1. Thực trạng thực thi pháp luật về quyền chính trị của công dân ở Việt Nam
Ở Việt Nam hiện nay, thực thi pháp luật về quyền chính trị của công dân đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Về quyền tự do lập hội, tính đến năm 2017, Việt Nam 52.000 hội đại diện cho ý chí, lợi ích, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Trong đó có các tổ chức và hiệp hội của thanh niên, phụ nữ, công nhân, các hội từ thiện, các tổ chức khoa học, nghề nghiệp, tôn giáo… Các hội ngày càng phát triển và khẳng định vai trò là tổ chức vận động và phản biện chính sách trong đời sống chính trị, xã hội và các ngành, lĩnh vực liên quan. Xây dựng và phát triển hội, đặc biệt là các tổ chức cộng đồng ở các vùng khó khăn đã trở thành một trong những phương pháp tiếp cận đang được khuyến khích nhằm tăng năng lực và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức đoàn thể vào công việc của địa phương; xây dựng mối quan hệ đối thoại, đối tác giữa chính quyền với các tổ chức, đoàn thể nhân dân.[1]
Về thực hiện quyền bầu cử: kết quả đạt được trong việc thực hiện quyền bầu cử của công dân thể hiện rõ nét trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, tổng số cử tri cả nước là 67.485.482 cử tri; tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu: 67.049.091 cử tri, đạt 99,35%. Có 494 đại biểu Quốc hội đủ tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV; 3.907 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, 25.180 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và 292.305 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã được công nhận đủ tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã diễn ra thành công tốt đẹp, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Cuộc bầu cử thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân từ giai đoạn chuẩn bị cho đến ngày diễn ra cuộc bầu cử. Cuộc bầu cử đã phát huy được tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch trong từng bước triển khai thực hiện. Cuộc bầu cử cũng diễn ra trong tình hình an ninh ổn định, trật tự; an toàn xã hội được bảo đảm, không có các tình huống bất thường xảy ra. Kết quả bầu cử cơ bản bảo đảm mục tiêu kế hoạch đề ra, tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, là người dân tộc thiểu số, đại biểu trẻ tuổi, có trình độ trên đại học cao hơn so với nhiệm kỳ trước[2], phản ánh được tính đại diện rộng rãi cho các tầng lớp Nhân dân; chất lượng đại biểu nâng lên đủ năng lực hoạt động với chất lượng, hiệu quả cao hơn.[3]
Thực hiện quyền kiến nghị đối với nhà nước, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, cử tri cả nước gửi đến Quốc hội 2.007 kiến nghị. Nội dung các kiến nghị liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Trên cơ sở kiến nghị của cử tri, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổng hợp, phân loại, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền, yêu cầu nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời cử tri, gửi báo cáo đến Ủy ban thường vụ Quốc hội để tiến hành giám sát theo quy định của pháp luật và báo cáo kết quả với Quốc hội.
Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tiếp thu, nghiên cứu, giải quyết, trả lời 2007/2.007 kiến nghị của cử tri. Kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 có số lượng lớn, nội dung phong phú trên nhiều lĩnh vực. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và cơ bản đã trả lời kịp thời kiến nghị của cử tri. Nhiều kiến nghị cụ thể của cử tri đã được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các dự án luật, các văn bản của Chính phủ, bộ, ngành. Một số bộ, ngành, ngay sau khi tiếp nhận kiến nghị của cử tri, đã nhanh chóng nghiên cứu, giải quyết và trả lời đầy đủ, kịp thời.[4]
Qua 1.570 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổng hợp được 2.458 kiến nghị có nội dung thuộc tất cả các lĩnh vực của xã hội. Các kiến nghị đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết và toàn bộ các kiến nghị đã được trả lời (đạt 100%)[5].
Theo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, qua 1.396 cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.102 kiến nghị. Toàn bộ kiến nghị đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Các lĩnh vực được người dân quan tâm vẫn là lao động việc làm, tài nguyên - môi trường, giao thông vận tải, nông nghiệp, nông thôn, y tế, giáo dục và đấu tranh phòng, chống tội phạm… Đã có 2.066/2.102 kiến nghị được giải quyết và trả lời cử tri đạt 98,3%. Việc giải quyết kiến nghị cử tri của Chính phủ, các bộ, ngành ngày càng khoa học, chất lượng, trách nhiệm cao. Hầu hết các văn bản trả lời cử tri đã được các bộ, ngành trả lời cặn kẽ, chi tiết, thấu đáo, có chỉ dẫn rõ văn bản, điều khoản áp dụng nên được đa số các đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá cao[6].
Trong những năm qua, nhân dân đã tích cực thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, đóng góp quan trọng vào quá trình tham gia quản lý nhà nước và xã hội.
Trong tháng 1-2020, tình hình khiếu kiện của công dân tại trụ sở tiếp công dân trung ương tăng về số lượt công dân, vụ việc, lượt đoàn đông người so với tháng 12-2019. Trụ sở Tiếp công dân trung ương đã tiếp 1.726 lượt người đến trình bày 397 vụ việc, có 49 lượt đoàn đông người. Trước đó, theo thông tin từ Ban Tiếp công dân trung ương, năm 2019 trụ sở tiếp công dân trung ương đã tiếp 4.697 lượt với 18.566 công dân đến trình bày 3.602 vụ việc. Trong đó, khiếu nại 2.117 vụ việc, tố cáo 503 vụ việc, phản ánh và kiến nghị 982 vụ việc; có 525 lượt đoàn đông người tập trung khiếu kiện. Thời gian qua, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân đạt nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ giải quyết các vụ việc đạt khá cao, góp phần bảo vệ những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, tập thể. Bên cạnh đó, đã từng bước phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật, góp phần quan trọng giữ gìn kỷ cương, trật tự, đồng thời tiếp tục xây dựng lòng tin của các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiêm minh của pháp luật.[7]
Tham gia vào quản lý nhà nước và xã hội thông qua thực hiện các quyền dân chủ ở cơ sở tại địa phương và nơi làm việc cũng được các cấp, các ngành, doanh nghiệp quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Phương thức thực hiện quyền chính trị này đã góp phần triển khai hiệu quả hơn cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực thi các quyền chính trị của công dân cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Việc nghiên cứu, trả lời các kiến nghị của cử tri còn chậm, chưa kịp thời. Một số văn bản trả lời của các bộ, ngành vẫn còn chung chung, chưa gắn với trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, chính quyền địa phương, chưa đi thẳng vào vấn đề cử tri kiến nghị, chưa đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của cử tri. Việc xác định thẩm quyền giải quyết kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành này với bộ, ngành khác và với địa phương còn có sự chưa thống nhất. Việc phân loại, đánh giá kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri của một số bộ, ngành còn chưa cụ thể; chưa phân định rõ kiến nghị đã giải quyết, đang giải quyết hoặc sẽ giải quyết nên việc theo dõi, giải quyết, trả lời cử tri còn chậm; việc tổng hợp báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội còn chưa thống nhất.
Về thực hiện quyền bầu cử, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV chưa bầu đủ 500 đại biểu như Ủy ban thường vụ Quốc hội đã dự kiến; vẫn còn có trường hợp sau khi trúng cử phát hiện không đủ tư cách đại biểu Quốc hội nên Hội đồng bầu cử quốc gia không xác nhận tư cách đại biểu. Việc in ấn phiếu bầu còn để xảy ra sai sót dẫn đến việc phải hủy bỏ kết quả bầu cử và phải tiến hành bầu cử lại. Bên cạnh đó, là việc sơ suất trong kiểm soát số lượng phiếu phát ra, số phiếu thu vào, việc đóng dấu đã bỏ phiếu, vẫn còn có trường hợp bầu hộ, bầu thay. Một số nơi bầu chưa đủ 2/3 số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cần bầu, nhất là đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
Trong thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, tình trạng công dân tụ tập đông người lên trung ương khiếu kiện dài ngày gia tăng. Một số đoàn mang băng rôn, khẩu hiệu đến trụ sở các cơ quan trung ương và nhà riêng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, có thái độ quá khích, hành vi manh động, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai. Có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc. Một số thế lực phản động đã lợi dụng tình hình đó để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tác động tiêu cực vào tâm lý của xã hội. Một số trường hợp người đi tố cáo, khiếu nại có hành vi đe dọa, tấn công lực lượng công an đang làm nhiệm vụ, thậm chí chiếm giữ trụ sở chính quyền cơ sở, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, bắt giữ người trái pháp luật và hủy hoại tài sản của Nhà nước.
Quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương, nhất là ở cơ sở chưa được quan tâm cụ thể dẫn tới khiếu nại, tố cáo kéo dài, đông người, vượt cấp. Sau khi tiếp nhận khiếu kiện của công dân, có địa phương không chủ động kết nối các cơ quan chức năng để giải quyết dứt điểm, thậm chí có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, né tránh việc khó. Ngoài ra, việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục, hòa giải tại cơ sở chưa được quan tâm đúng mức.
Việc thực hành dân chủ ở một số nơi còn hình thức. Xây dựng và ban hành các quy chế, quy định, quy trình thực hiện công khai, dân chủ chưa phát huy hiệu quả; việc tiếp cận thông tin của người dân còn khó khăn.
Những hạn chế trong thực thi quyền chính trị của công dân xuất phát từ những nguyên nhân như việc ban hành các văn bản luật quy định cụ thể các quyền chính trị trong Hiến pháp năm 2013 chưa kịp thời; một số Luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện quyền này còn nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn; ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể trong xã hội còn hạn chế; việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quyền chính trị của công dân chưa nghiêm.
2. Giải pháp thực hiện hiệu quả các quyền chính trị của công dân ở Việt Nam
Một là, Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể trong xã hội
Các quyền chính trị của công dân chỉ có thể được thực hiện trên thực tiễn cuộc sống khi các chủ thể pháp luật hiểu biết pháp luật, có ý thức tuân thủ các qui định của pháp luật.
Ý thức pháp luật của các chủ thể trong xã hội được xây dựng trên cơ sở nhận thức đúng đắn về pháp luật quy định về quyền chính trị của công dân và vai trò của việc tuân thủ pháp luật về quyền chính trị của công dân. Trong đó, cần phải nhận thức rõ tuân thủ pháp luật về quyền chính trị của công dân là một nội dung thể hiện ý thức chính trị của mỗi công dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam. Thực hiện đầy đủ, hiệu quả các quyền chính trị đã được quy định trong pháp luật vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của mỗi người, góp phần khẳng định bản chất dân chủ, tiến bộ và ưu việt của nhà nước XHCN Việt Nam.
Ý thức tuân thủ pháp luật về quyền chính trị của công dân chủ yếu được hình thành, phát triển thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đây là cơ sở khắc phục tình trạng người dân không nắm vững quy định pháp luật, vận dụng sai trong thực tiễn thi hành, dẫn đến đòi hỏi quá mức quyền lợi của mình, vượt quá quy định của luật pháp, thậm chí dẫn đến khiếu nại, tố cáo sai sự thật. Để nâng cao ý thức pháp luật của các chủ thể trong xã hội, góp phần hiện thực hoá các qui định pháp luật về quyền chính trị của công dân trong thực tiễn cuộc sống, cần phải đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền chính trị của công dân cần phải gắn với các nội dung tuyên truyền, giáo dục về truyền thống, lịch sử của dân tộc, các đợt sinh hoạt chính trị, các ngày kỷ niệm như ngày Giải phóng đất nước, ngày Quốc khánh, ngày giỗ tổ Hùng Vương. Từ đó xây dựng niềm tự hào dân tộc, ý thức chính trị, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về quyền chính trị của mỗi công dân.
Hai là, Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của công dân ở Việt Nam
Để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về quyền chính trị của công dân trong thực tiễn cuộc sống, cần ban hành đầy đủ các văn bản luật qui định cụ thể về quyền chính trị của công dân trong Hiến pháp; tiếp tục sửa đổi các qui định bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn và bổ sung các quy định còn thiếu, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh kịp thời các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn.
Ba là, Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về quyền chính trị của công dân
Ý thức pháp luật của các chủ thể trong xã hội được nâng cao nếu các hành vi vi phạm pháp luật về quyền chính trị của công dân được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh.
Trong việc thực hiện các quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, cần phải xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật, kích động gây rối, làm mất an ninh, trật tự ở cơ sở, gây tổn hại đến uy tín của nhà nước.
Đối với việc thực hiện các quyền bầu cử, ứng cử, cần phải phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi gian dối trong khai báo lý lịch đại biểu, hành vi bầu hộ, bầu thay và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có như vậy, với việc thực hiện quyền bầu cử và ứng cử, cử tri mới lựa chọn được các đại biểu thực sự có năng lực, đạo đức và đại diện cho ý chí của nhân dân.
Các hành vi vi phạm pháp luật về quyền chính trị của công dân phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh. Bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào về quyền chính trị của công dân, do bất cứ ai thực hiện đều phải bị phát hiện và xử lý kịp thời. Thực hiện được điều đó sẽ là cơ sở để mỗi công dân ngày càng có ý thức hơn trong việc thực hiện các quyền chính trị, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, có uy tín trên trường quốc tế.
TS. Lê Thanh Bình
Giảng viên cao cấp
Viện Nhà nước và pháp luật,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí minh
[1]http://baohaugiang.com.vn/phap-luat/cac-quyen-co-ban-cua-cong-dan-ve-dan-su-chinh-tri-64692.html
[2] Tỷ lệ đại biểu có trình độ trên đại học chiếm 62,5%, cao hơn 16,7% so với khóa XIII là 45,8%
[3] Báo cáo tóm tắt tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 ( 19/7/2016)
[4] Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII (7/11/2013)
[5] Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV
[6] https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/98-3-kien-nghi-cua-cu-tri-duoc-giai-quyet-va-tra-loi-458802