Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, là kết quả của quá trình đấu tranh, phát triển lâu dài của các dân tộc trên thế giới. Do đó, việc ghi nhận và hoàn thiện những bảo đảm pháp lý đối với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bài viết hướng tới việc đánh giá thực trạng pháp luật Việt Nam hiện nay về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này.

Ảnh minh họa. Nguồn: xaydungdang.org

1. Một số vấn đề lý luận về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

1.1. Khái niệm tín ngưỡng, tôn giáo

Tín ngưỡng, tôn giáo có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi cá nhân, từ đó hình thành lên hành vi ứng xử của con người với cộng đồng, xã hội. Vì vậy, đã có rất nhiều nhà khoa học đưa ra khái niệm về tín ngưỡng, tôn giáo dưới nhiều góc độ tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này chúng tôi sử dụng khái niệm đã được thống nhất về mặt pháp lý tại Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2019, cụ thể như sau:“Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng”; “Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức”.

Theo quan điểm truyền thống, tín ngưỡng phát triển thấp hơn so với tôn giáo[1]. Tôn giáo có hệ thống giáo lý, giáo luật,… được truyền thụ, trao đổi ở giáo đường, thánh điện, học viện,…; có hệ thống các cơ sở vật chất để thực hiện nghi lễ tôn giáo, thờ cúng như nhà thờ, chùa, thánh đường,...; nghi lễ thờ được quy định chặt chẽ và có sự tách biệt giữa thế giới thần linh với con người. Còn tín ngưỡng mang tính chất dân gian; chỉ có các huyền thoại, truyền thuyết,… mang tính truyền miệng từ đời này qua đời khác. Sự hòa nhập giữa thế giới thần linh và con người cũng là đặc điểm cơ bản của tín ngưỡng. Điều đó cũng khiến cho nơi thờ cúng và nghi lễ chưa được quy ước chặt chẽ dẫn đến sự phân tán, lẻ tẻ,…

1.2. Nội dung của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thuộc nhóm quyền con người thế hệ thứ nhất (các quyền dân sự, chính trị) với mục tiêu bảo vệ phẩm giá và sự tự do của cá nhân trước quyền lực nhà nước. Điều 18 Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người năm 1948 đã khẳng định “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo, bao gồm tự do thay đổi tín ngưỡng hoặc tôn giáo của mình, và tự do, dưới hình thức cá nhân hay tập thể, tại nơi công cộng hoặc nơi riêng tư, bày tỏ tín ngưỡng hay tôn giáo của mình bằng các hình thức như truyền giảng, thực hành, thờ cúng và tuân thủ các nghi lễ”. Tự do tín ngưỡng, tôn giáo bao gồm tám giá trị bao gồm tự do bên trong, tự do bên ngoài, không ép buộc, không phân biệt đối xử, quyền của cha mẹ và người giám hộ, quyền tự do của giáo hội, các giới hạn pháp lý và các ngoại lệ đối với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Trên cơ sở đó, nội dung cơ bản của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thể hiện ở trên những mặt chủ yếu sau:

Thứ nhất, các cá nhân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào. Quyền này bao gồm quyền tự do lựa chọn một tôn giáo hoặc tín ngưỡng của một cá nhân, một nhóm người và quyền thể hiện tôn giáo hoặc niềm tin của một người trong việc thờ phụng, tuân thủ, thực hành các nghi lễ. Các tổ chức tôn giáo, chức sắc tôn giáo và tín đồ có quyền sinh hoạt tôn giáo trên cơ sở giáo lý, giáo luật và lễ nghi của tôn giáo mà họ theo.

Thứ hai, người có tín ngưỡng, tôn giáo và người không có tín ngưỡng tôn giáo phải tôn trọng, không được xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác. Do đó, quyền tự do thể hiện tôn giáo, tín ngưỡng của một người phải tuân theo những giới hạn pháp lý nhằm bảo vệ an toàn, trật tự, sức khỏe, đạo đức công cộng hoặc quyền và tự do cơ bản của chủ thể khác. Không ai có quyền ép buộc một người phải lựa chọn một tôn giáo, tôn giáo hoặc tuân thủ các các nghi lễ nằm ngoài sự tự do ý chí của chính bản thân họ. Đồng thời, các tín đồ, chức sắc tôn giáo không công kích, chống đối lẫn nhau cũng như không lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền các hoạt động mê tín dị đoan.

Thứ ba, các nhà nước có trách nhiệm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi cá nhân. Bởi đây là quyền cơ bản của con người nên được các quốc gia tôn trọng và bảo đảm thực hiện không chỉ trong hệ thống pháp luật mà cả trong thực tiễn cuộc sống. Nhà nước có nghĩa vụ thực thi tất các các biện pháp để bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Các hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đều bị xử lý theo quy định pháp luật. Tùy theo mức độ nguy hiểm của hành vi mà các chủ thể vi phạm phải gánh chịu mức độ trừng phạt tương ứng của pháp luật từ trách nhiệm kỉ luật, dân sự, hành chính đến hình sự.

2. Thực trạng pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo

Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo. Do đó, chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của các chủ thể, ghi nhận nhu cầu tinh thần chính đáng của mỗi cá nhân. Tính đến ngày 07/7/2020, theo Cục An ninh Nội địa (Bộ Công an), Việt Nam đã công nhận 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với 60 cơ sở đào tạo tôn giáo thuộc Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa hảo và cấp đăng ký hoạt động với 55.000 chức sắc, 145.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự. 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng tôn giáo trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước[2]. Vì vậy, nhu cầu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là phù hợp với thực tiễn và đã được thực thi.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền dân sự, chính trị cơ bản của con người được ghi nhận trong pháp luật quốc tế cũng như trong pháp luật của nhiều quốc gia. Có thể thấy rằng, các quốc gia đã thỏa thuận, dưới hình thức các điều ước, để bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của mỗi cá nhân. Nội dung này đã được quy định trong Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và các văn bản có liên quan.

Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, các bảo đảm pháp lý có ý nghĩa quan trọng và là sự thể chế hóa các bảo đảm chính trị, kinh tế, xã hội thành các chuẩn mực có tính bắt buộc mà các cơ quan nhà nước, các tổ chức và cá nhân phải thực hiện để thực thi quyền con người. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn xác định việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản của con người là nguyên tắc cơ bản của mọi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “các quyền con nguời, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Tự do tín ngưỡng và tôn giáo không là ngoại lệ mà phải luôn được thực hành trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc và điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù của đất nước. Trên cơ sở đó, Điều 24 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Rõ ràng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền tự do lựa chọn đức tin của công dân. Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của tất cả mọi người, không bị giới hạn theo quốc tịch, giới tính, độ tuổi. Hiến định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước ta thể hiện sự tiệm cận với nhận thức và chính sách chung về tôn giáo của các tổ chức, quốc gia tiên tiến trên thế giới, nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo dưới góc độ nhân quyền hơn là chính trị.

Hiến pháp năm 2013 đã mở đường cho nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác điều chỉnh về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo như Bộ luật Dân sự, Bộ Luật Tố tụng Hình sự, Luật Đất đai, Luật Giáo dục, Bộ luật Hình sự sửa đổi,… Các văn bản này đã kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành những quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi của các chủ thể nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các chủ thể trong xã hội. Trong đó, văn bản có ý nghĩa quan trọng nhất là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 được xây dựng trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004, một mặt tạo cơ sở pháp lý cho mọi công dân thực hiện các quyền cơ bản về tự do tín ngưỡng tôn giáo, mặt khác nhằm thực hiện và nâng cao công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Luật đã đảm bảo điều chỉnh bốn nhóm quan hệ chủ yếu trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo: Thứ nhất, quan hệ phát sinh giữa Nhà nước và các tổ chức, cá nhân tôn giáo, tín ngưỡng; thứ hai, quan hệ phát sinh trong nội bộ tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng; thứ ba, quan hệ phát sinh giữa các tổ chức tôn giáo với nhau, giữa tổ chức tôn giáo với các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội và các tổ chức khác; thứ tư, các quan hệ tôn giáo phát sinh có yếu tố nước ngoài. Bên cạnh đó, Luật đã có những bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với chính sách tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong tình hình mới. Cụ thể luật đã mở rộng phạm vi các chủ thể có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo từ “công dân” thành “mọi người”, thể hiện đúng những nhận thức mới trên tinh thần Hiến pháp năm 2013. Những nội dung về tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo lần đầu tiên được ghi nhận trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức này khi tham gia các quan hệ pháp luật. Bên cạnh đó, Luật đã bổ sung các quy định liên quan đến cơ sở đào tạo tôn giáo, bổ sung làm mới các quy định liên quan đến cơ sở đào tạo tôn giáo bao gồm từ điều kiện thành lập, thẩm quyền chấp thuận đến các nội dung liên quan đến hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo. Nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng được Luật quy định thông qua trách nhiệm, thẩm quyền của Chính phủ, Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc tập hợp đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không có tín ngưỡng, tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

Trong những năm qua Việt Nam đã có những thành tựu to lớn trong đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên các mặt sinh hoạt của tín đồ, chức sắc và các tổ chức tôn giáo. Sự ra đời của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 là minh chứng rõ ràng nhất cho quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình bảo đảm và ghi nhận các quyền con người trên thực tế.

Như vậy, các quy định pháp luật Việt Nam đã chuyển hóa một cách tương đối đẩy đủ các nội dung về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong các chủ trương, chính sách của Đảng cũng như các điều ước quốc tế về quyền con người. Nội dung pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng khẳng định chính sách nhất quán tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡngng, tôn giáo của công dân; nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng đức tin để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống lại sự nghiệp cách mạng. Đồng thời, các quy định phù hợp với xu hướng tiến bộ, hội nhập và phát triển chung của toàn cầu. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thúc đẩy đảm bảo các quyền con người nói chung và quyền dân sự, chính trị ở Việt Nam nói riêng.

Tuy nhiên pháp luật Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các chủ thể trong xã hội, cụ thể:

Thứ nhất, quyền tự do tư tưởng, lương tâm chưa được ghi nhận và bảo đảm. “Quyền tự do tư tưởng và lương tâm” nghĩa là quyền của mọi người có tư tưởng và lương tâm độc lập, không phải chịu những ảnh hưởng “không được phép” (impermissible) từ bên ngoài. Trong Điều 18 Công ước quốc tế vê các quyền dân sự và chính trị, quyền tự do tư tưởng, lương tâm được ghi nhận cùng với quyền tự do tôn giáo. Theo đó, các quyền này cần được bảo đảm như nhau theo Bình luận chung số 22 của Ủy ban nhân quyền quốc tế. Thậm chí, quyền tự do tư tưởng, lương tâm đóng vai trò nền tảng của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên pháp luật Việt Nam lại chưa có sự phân biệt giữa quyền tự do tư tưởng, lương tâm với quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc ghi nhận và bảo đảm quyền tự do tư tưởng, lương tâm, bởi đây là quyền tuyệt đối nên các quốc gia không thể bị đình chỉ thực hiện, kể cả trong những tình trạng khẩn cấp được nêu tại khoản 2 Điều 4 ICCPR

Thứ hai, pháp luật Việt Nam chưa phân biệt giữa tự do tư tưởng, niềm tin lương tâm, tôn giáo hoặc tín ngưỡng, với tự do thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng. Theo khoản 3 Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 khẳng định: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”. Điều khoản giới hạn chỉ quy định đến quyền thể hiện tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi cá nhân đồng thời không cho phép hạn chế tư tưởng, lương tâm hoặc sự tự do chấp nhận, thay đổi một tôn giáo, tin ngưỡng hoặc là tuân theo quan điểm vô thần của mỗi người. Những quyền tự do này được bảo vệ vô điều kiện, tương tự như với quyền tự do tư tưởng, tự do niềm tin lương tâm.

Thứ ba, tại mục 1 chương VI Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 giới hạn phạm vi hoạt động của các tổ chức tôn giáo trong phạm vi lãnh thổ đã đăng ký với các cấp chính quyền; nếu tổ chức cuộc lễ, giảng đạo ngoài cơ sở tôn giáo, địa điểm ở nơi khác thì phải có sự cho phép của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện hoặc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Tuy nhiên, quy định này không có tác dụng phòng ngừa hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống lại Nhà nước mà ngược lại nó còn gây khó khăn cho việc hành đạo và thực hành các nghi lễ theo tinh thần của luật nhân quyền quốc tế. Thậm chí việc tổ chức và tham gia các hoạt động tôn giáo về bản chất thuộc về quyền tự do hội họp hòa bình được hiến định tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013. Quyền này chỉ bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Việc xin phép chỉ phù hợp khi các hoạt động tôn giáo được tổ chức ở khu vực công cộng (ngoài các khu vực tôn giáo được Nhà nước ghi nhận) vì khi đó nhu cầu đảm bảo lợi ích cộng đồng mới phát sinh. Mặt khác, việc ngăn ngừa những hành động vi phạm của các chức sắc, tổ chức tôn giáo đã được thể hiện thông qua các quy định pháp luật hình sự và hành chính. Do đó, việc quy định những nội dung trên là không phù hợp với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà Nhà nước ta đang ghi nhận.

Thứ tư, việc tôn trọng và bảo vệ các địa điểm thờ cúng, biểu đạt tôn giáo, tín ngưỡng hay những biểu tượng tôn giáo, tín ngưỡng đóng vai trò quan trọng để các cá nhân thực hiện hoạt động cầu nguyện, nghi lễ. Tuy nhiên nội dung này chưa được ghi nhận trong Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 cũng như các văn bản có liên quan. Hành vi “xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo” tại Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 được hiểu rất chung chung do đó cần quy định cụ thể về việc bảo vệ các địa điểm và biểu tượng tín ngưỡng, tôn giáo cũng như các hành vi vi phạm tín ngưỡng, tôn giáo khác nhằm đảm bảo quyền biều đạt đức tin của các chủ thể trong xã hội

Thứ năm, quy định về tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo trực thuộc như hội đoàn, dòng tu chưa đảm bảo phù hợp và rõ ràng. Theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 thì tổ chức tôn giáo đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại cho tổ chức tôn giáo trực thuộc khi đáp ứng các điều kiện quy định. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 162/2017/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo thì tổ chức tôn giáo trực thuộc để được công nhận là pháp nhân phải có Hiến chương, điều lệ hoặc các văn bản tương tự. Tuy nhiên thực tế không ít tôn giáo không có các văn bản trên, ví dụ như Công giáo nên không thể xác định được tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo trực thuộc. Mặt khác, đối với giáo luật đạo Công giáo thì các dòng tu cũng không được coi là một cấp hành chính đạo. Điều này đã dẫn đến hiện tượng một số cơ sở từ thiện của Công giáo lại do các tổ chức, cá nhân khác đứng tên mặc du lại do chính các giáo xứ, dòng tu trực tiếp điều hành. Đây chính là hiện tượng “lách luật” tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể xảy ra đối với hoạt động từ thiện của các tôn giáo.

Thứ sáu, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 cùng quy định cả hai nội dung về tôn giáo vào tín ngưỡng. Bản thân đây là hai vấn đề có tính bình đẳng trong tiếp cận dưới góc độ quản lý nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, nội dung Luật chỉ có Chương III đề cập đến nội dung tín ngưỡng, còn từ chương IV đến chương VIII tập trung quy định về tôn giáo. Điều này ảnh hưởng đến kết cấu của văn bản quy phạm nên cần có sự điều chỉnh để cân bằng giữa hai đối tượng quản lý này.

Thứ bảy, khi đề cập đến vấn đề bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, các văn bản quy phạm pháp luật đều không đề cập đến trách nhiệm của các tổ chức tôn giáo. Thực tế này sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi định hướng cho các chủ thể tuân theo đường lối hướng thiện của mỗi tôn giáo hay triển khai các hoạt động tôn giáo phù hợp với yêu cầu của giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo. Đây là nội dung cần được nghiên cứu, bổ sung để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các chủ thể trong xã hội.

Thứ tám, thiếu chế tài xử lý khi có vi phạm nên hạn chế hiệu quả quản lý nhà nước đối với tôn giáo. Về xử phạt vi phạm hành chính, căn cứ Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì cá nhân có hành vi “lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” sẽ bị phạt tiền 2 - 3 triệu đồng”. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm này thì mức phạt tiền 4 - 6 triệu đồng. Tuy nhiên trong quy định trên nội dung về “tự do tôn giáo” không được đề cập tới. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các chủ thể có thẩm quyền khi áp dụng xử phạt hành chính đối với các chủ thể có hành vi xâm phạm quyền tự do tôn giáo trên thực tiễn. Đây là nội dung cần được nghiên cứu, bổ sung để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các cá nhân.

3. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam hiện nay

Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch thường xuyên khiêu khích, bôi nhọ vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng để xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Chúng cũng lợi dụng những quy định còn hạn chế trong việc thực hiện chính sách tôn giáo, tín ngưỡng để xuyên tạc Nhà nước ta vi phạm nhân quyền, nhằm cô lập Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, để đảm bảo tốt hơn về pháp lý đối với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch thì trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, ghi nhận và bảo đảm quyền tự do tư tưởng, lương tâm của các chủ thể. Tự do tư tưởng, lương tâm là không thể bị “trói buộc”, áp đặt vào những định hướng của các chủ thể khác trong xã hội. Đây được coi là nền tảng của một xã hội văn minh thể hiện thông qua sự đa dạng trong suy nghĩ, quan điểm, cách tiếp cận vấn đề chứ không bị ấn định một hệ tư tưởng mang tính chất thống trị. Do đó, cần bổ sung “quyền tự do tư tưởng, lương tâm” vào hệ thống pháp luật Việt Nam mà cao nhất là Hiến pháp.

Thứ hai, cần có quy định cụ thể về quyền tự do tư tưởng, niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng. Những quyền này được pháp luật bảo hộ tuyệt đối nhằm đảm bảo ý chí, nguyện vọng của các chủ thể trong tiếp nhận và đánh giá các vấn đề thuộc về niềm tin nội tâm. Từ đó, sẽ có sự phân biệt rành mạch với quyền tự do biểu hiện tín ngưỡng, tôn giáo nhằm ghi nhận những bảo đảm phù hợp theo quy định tại Điều 18 ICCPR.

Thứ ba, thay thế quy định về việc xin phép tại Điều 45 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 bằng quy định về việc thông báo khi tổ chức cuộc lễ, giảng đạo. Các tổ chức tôn giáo chỉ xin phép (thông qua văn bản đề nghị) tới cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện các hoạt động tôn giáo ở công cộng (ngoài các cơ sở tôn giáo được Nhà nước thừa nhận), để đảm bảo lợi ích cộng đồng, tránh những mâu thuẫn không đáng có giữa những người là tín đồ và những người không phải tín đồ của tổ chức tôn giáo thực hiện hoạt động đó. Mặt khác, việc thay đổi này nhằm hạn chế lặp lại cơ chế xin – cho trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung và hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng nói riêng. Tự do tôn giáo là quyền cơ bản của con người nên khi Nhà nước đã công nhận một tổ chức tôn giáo thì phải tôn trọng và ghi nhận hoạt động của tổ chức đó trên thực tiễn.

Thứ tư, điều chỉnh quy định về công nhận tư cách pháp nhân cho tổ chức tôn giáo trực thuộc. Để đảm bảo năng lực và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tôn giáo trực thuộc, cần nghiên cứu và thay thế quy định bắt buộc phải có Hiến chương, điều lệ hoặc văn bản tương tự để nộp hồ sơ đăng ký tư cách pháp nhân phi thương mại. Những nội dung về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của các tổ chức tôn giáo trực thuộc có thể căn cứ vào giáo lý, giáo luật của chính tôn giáo đó. Điều này sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong đăng ký tư cách pháp nhân phi thương mại, đặc biệt là với những tôn giáo chưa xây dựng được Hiến chương; từ đó, giúp các tổ chức tôn giáo có thể tham gia mọi hoạt động xã hội bình đẳng như các tổ chức xã hội khác.

Thứ năm, cân đối lại bố cục quy định về tín ngưỡng trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Trong đó, cần làm rõ sự đa dạng, phong phú của các hoạt động tín ngưỡng; từ đó, bổ sung các quy phạm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực tín ngưỡng một cách đầy đủ, phù hợp với hoạt động thực tiễn.

Thứ sáu, cụ thể hóa các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Có thể thấy rằng, những hành vi bị nghiêm cấm là căn cứ pháp lý quan trọng để các chủ thể có thể tiếp cận và áp dụng trong thực tiễn. Do đó các quy định về hành vi nghiêm cấm trong hoạt động tín ngưỡng tôn giáo phải rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu để người dân thực hiện và các cơ quan quản lý nhà nước áp dụng pháp luật chính xác, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các chủ thể

Thứ bảy, quy định trách nhiệm của các tổ chức tôn giáo. Bất chấp những khó khăn, nhạy cảm trong vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, có thể thấy rằng việc triển khai các chương trình phối hợp với các tổ chức tôn giáo sẽ góp phần đảm bảo đức tin của cá nhân. Có thể lấy dẫn chứng chiến dịch Bắt đầu (Operation Starting Line), một chương trình quốc gia nhằm thiết lập các hoạt động liên quan đến Cơ đốc giáo tại 1.800 nhà tù của Hoa Kỳ hình thành một liên minh điển hình, được tài trợ bởi các nhà truyền giáo Cơ đốc và các mục vụ nhà tù. Mục đích là cung cấp các nghiên cứu Kinh Thánh và nâng cao nhận thức cho các phạm nhân trong quá trình cải tạo, chuẩn bị hòa nhập với cộng đồng[3]. Do vậy, cần quy định trách nhiệm của các tổ chức tôn giáo trong việc cung cấp kinh sách, xuất bản phẩm khác về tôn giáo, cũng như hướng dẫn các chủ thể thực hiện các hành vi thực hành tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với yêu cầu của cơ sở giam giữ. Qua đó, nêu cao tinh thần tuân thủ của các tín đồ trên cơ sở phương hướng hành đạo cùng dân tộc, như với Công giáo là “sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”, Tin Lành là “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc”; Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo là “Yêu nước, phụng đạo”; Phật giáo vì “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”,…[4]

Thứ tám, bổ sung các quy định về trách nhiệm hành chính đối với hành vi vi phạm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Theo khoản 2 Điều 64 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 thì “Căn cứ quy định của Luật này và Luật xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thm quyền xử phạt, mức phạt cụ thể và thẩm quyền lập biên bản đối với hành vi vi phạm hành chính; chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền quan trọng và rất nhạy cảm trong quản lý nhà nước. Do vậy, việc kịp thời xây dựng các văn bản xử lý vi phạm hành chính về nội dung này sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm kiểm soát hành vi của các chủ thể, phòng ngừa những sai phạm có thể xảy ra trên thực tiễn.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự và chính trị được ghi nhận trong một số văn bản chính trị - pháp lý của Liên hợp quốc. Pháp luật về tôn giáo là một bộ phận của hệ thống pháp luật; trong đó quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật Việt Nam ghi nhận và bảo đảm tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định nên mục tiêu trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện để bảo đảm lợi ích xã hội, lợi ích công dân, xây dựng mối quan hệ ổn định, bền vững giữa Nhà nước và các tổ chức tôn giáo./.

ThS. Phó Thanh Hương

Khoa XHH&PT - Học viện Báo chí và Tuyên truyền


[1] Ban tuyên giáo Trung ương (2017), Vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo, NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, tr.20

[2] Chu An (2020), Hoạt động tôn giáo ở Việt Nam: Sôi động, đa dạng và tự do trong khuôn khổ pháp luật, (https://baoquocte.vn/hoat-dong-ton-giao-o-viet-nam-soi-dong-da-dang-va-tu-do-trong-khuon-kho-phap-luat-118904.html)

[3] Jim Thomas and Barbara H.Zaitzow (2006), Conning or Conversion? The role of religion in prison coping, The Prison Journal, June 2006, pg.250

[4] Ban tuyên giáo Trung ương (2017), Vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo, NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, tr.105

DANH MỤC TÀI LIỆU TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Gudmundur Alfredsson & AsbjØrn Eide (Cb.) (1999), Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, 1948 – Mục tiêu chung của nhân loại, Nxb. Lao động – xã hội.

2. Ban tuyên giáo Trung ương (2017), Vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo, NXB. Chính trị quốc gia - Sự thật.

3. Đặng Dũng Chí – Hoàng Văn Nghĩa (2014), Chủ nghĩa xã hội và quyền con người, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật.

4. Nguyễn Ngọc Chí (chủ biên) (2015), Quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự, Nxb. Hồng Đức.

5. Khoa Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội (2011), Hỏi đáp về quyền con người, Nxb Hồng Đức.