Thông qua công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, các doanh nghiệp vừa có thể nâng cao uy tín của sản phẩm và thương hiệu vừa đảm bảo được quyền của trẻ em.

Các đại biểu truyền tải thông điệp phòng ngừa lao động trẻ em - Ảnh: VGP/Thu Cúc

Ngày 27/5, tại Hà Nội, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo quốc tế về các cam kết quốc tế liên quan đến phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em.

Đây là một trong những hoạt động hướng tới Tháng hành động Vì trẻ em Việt Nam và ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em (ngày 12/6). Hội thảo được tổ chức với mục tiêu chia sẻ những tác động và thách thức của COVID-19 đối với hoạt động và nghĩa vụ, cam kết kiên quan đến thương mại của các doanh nghiệp, bao gồm chuỗi cung ứng toàn cầu để ngăn ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em.

Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu với việc triển khai thực hiện nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường và nâng cao nhận thức của các bên về các cam kết quốc tế trong lĩnh vực lao động nói chung và phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đặc biệt, thông qua công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, các doanh nghiệp vừa có thể nâng cao uy tín của sản phẩm và thương hiệu của mình, đồng thời đảm bảo được quyền của trẻ em.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam không cao và giảm dần theo từng năm. Kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy tỷ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm từ 15,5% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2018. Tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo số liệu điều tra và các nghiên cứu về lao động trẻ em gần đây, 3 nguyên nhân chủ yếu của lao động trẻ em. Trước hết là do hộ gia đình nghèo và gia đình dễ bị tổn thương. Nhận thức còn hạn chế của một bộ phận cha mẹ, gia đình và của chính trẻ em về giá trị của học tập để có công việc phù hợp và thu nhập bền vững trong tương lai. 

Thời gian qua, đại dịch COVID-19 làm suy giảm sự tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của các hộ gia đình, vì vậy, một số trẻ em phải tham gia lao động như là một phương án để đối phó với tình trạng giảm sút thu nhập và sinh kế của gia đình.

5 giải pháp giảm thiểu lao động trẻ em

Để giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em, Chính phủ Việt Nam đã và đang tập trung vào 5 nhóm giải pháp cơ bản, bao gồm:

Thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông, chính sách xóa mù chữ và các chính sách bảo đảm công bằng về tiếp cận giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác.

Tăng cường các chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo ở Việt Nam trong đó trẻ em là đối tượng ưu tiên.

Đẩy mạnh các chương trình, dự án của Chính phủ và hợp tác với các đối tác quốc tế như ILO/ Bộ Lao động Hoa kỳ, UNICEF và các đối tác khác về cải thiện điều kiện, môi trường lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức một cách phù hợp; tạo nguồn sinh kế cho các gia đình nghèo; hỗ trợ trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em tiếp cận dịch vụ giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm phù hợp.

Đổi mới truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em của các cấp, các ngành, trường học, các tổ chức xã hội, người sử dụng lao động, nhất là cha mẹ và trẻ em.

Tập trung giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 làm gián đoạn việc học tập và gia tăng nguy cơ lao động trẻ em của trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, bãi ngang và hải đảo.

Về phía ILO, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam cho biết: "Để đảm bảo các hộ gia đình có nguy cơ không bị ảnh hưởng bởi tác động COVID-19 dẫn đến gia tăng lao động trẻ em, các chương trình và chính sách xóa đói giảm nghèo, các cơ hội học nghề cho trẻ, đặc biệt là tại các vùng nông thôn cần được ưu tiên. Đồng thời, tăng cường đầu tư vào hệ thống bảo vệ trẻ em, phát triển sinh kế và an sinh xã hội là những giải pháp chủ chốt".

Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký VCCI khẳng định, từ góc độ của doanh nghiệp, người sử dụng lao động, việc tuân thủ tốt các tiêu chuẩn lao động quốc tế, trong đó có phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em đem lại cho doanh nghiệp rất nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài đặc biệt khi doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cần có sự liên kết và hợp tác, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội. Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong của Liên minh toàn cầu nhằm xóa bỏ lao động cưỡng bức, nô lệ thời hiện đại, buôn bán người và lao động trẻ em (Liên minh 8.7). Việt Nam luôn mong muốn được hợp tác với các Chính phủ, các đối tác phát triển để thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, đặc biệt là xóa bỏ lao động trẻ em.

Thu Cúc

Nguồn: https://baochinhphu.vn/giam-thieu-lao-dong-tre-em-giup-nang-cao-uy-tin-doanh-nghiep-10222052716163497.htm