Pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác là lĩnh vực liên quan sâu sắc đến quyền con người. Hiện nay, nhìn từ góc độ quyền con người, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 tuy có những ưu điểm nhất định, song cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Trên cơ sở đánh giá thực trạng, bài viết đề xuất các định hướng và giải pháp để hoàn thiện pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ở Việt Nam theo hướng tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người.

Trong suốt lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là từ thời kỳ đổi mới đến nay, vấn đề quyền con người được Đảng, Nhà nước ta ngày càng quan tâm sâu sắc. Trong những thành tựu to lớn về bảo đảm, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam thời gian qua, hoạt động xây dựng pháp luật đóng một vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, quy trình xây dựng chính sách, pháp luật vẫn còn biểu hiện của cách tiếp cận dựa trên yêu cầu quản lý của Nhà nước, trong khi đó, cách tiếp cận dựa trên quyền con người (Human rights-based approach - HRBA) đang là xu thế phổ biến hiện nay trên pham vi toàn thế giới. Điều này đặt ra những đòi hỏi mới cho quá trình xây dựng hệ thống các chính sách, pháp luật và trách nhiệm của Nhà nước đối với việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ở Việt Nam.
1. Thực trạng pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ở Việt Nam - nhìn từ góc độ quyền con người
a) Những ưu điểm của pháp luật Việt Nam về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác
Dưới góc độ tiếp cận dựa trên quyền con người, có thể thấy pháp luật Việt Nam về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có những ưu điểm nổi bật sau đây:
Thứ nhất, Hiến pháp, pháp luật đã ghi nhận và từng bước thể chế hóa các quy định về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác như một quyền nhân thân đặc biệt, có liên quan sâu sắc đến lĩnh vực y tế. 
Trước khi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 ra đời, do nhu cầu của nhân dân về chăm sóc, bảo vệ, sức khoẻ ngày càng tăng, đồng thời để tạo hành lang pháp lý cho việc lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người có hiệu quả, năm 1989, Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân đã được Quốc hội thông qua. Để chủ động bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, tại Điều 30 Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân đã quy định các vấn đề về phòng ngừa bệnh, khám chữa bệnh, điều dưỡng và phục hồi chức năng…, trong đó, lần đầu tiên có quy định về điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể người: “Thầy thuốc chỉ tiến hành lấy mô hoặc bộ phận của cơ thể người sống hay người chết dùng vào mục đích y tế sau khi đã được sự đồng ý của người cho, của thân nhân người chết hoặc người chết có di chúc để lại; Việc ghép mô hoặc một bộ phận cho cơ thể người bệnh phải được sự đồng ý của người bệnh hoặc thân nhân hay người giám hộ của người bệnh chưa thành niên...”. 
Như vậy, quy định này bước đầu đặt ra những điều kiện và quyền của một số chủ thể có liên quan đến việc hiến mô, bộ phận cơ thể người. Trong những năm gần đây, quy trình xây dựng các chính sách, pháp luật ở nước ta về lĩnh vực này đã thể hiện hướng tiếp cận dưới góc độ quyền con người ngày càng rõ hơn. Để thực hiện có hiệu quả việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận trên cơ thể người và hiến, lấy xác ở nước ta, trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành một số văn bản pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý quan trọng để thúc đẩy và triển khai hoạt động việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận trên cơ thể người và hiến, lấy xác như: Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận trên cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006; Quyết định số 43/2006/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc “ban hành Quy trình kỹ thuật ghép thận từ người cho sống và Quy trình kỹ thuật ghép gan từ người cho sống”; Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định số 118/2016/NĐ-Chính phủ của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2008/NĐ-CP ngày 29-4-2008 quy định về “tổ chức, hoạt động của ngân hàng mô và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người”;... Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã lần đầu tiên hiến định về quyền này tại khoản 1 và khoản 3 Điều 20: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm (...), “Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm”. 
Thứ hai, pháp luật về quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đã tiếp cận khá toàn diện dưới các góc độ nghĩa vụ của Nhà nước và các chủ thể khác có liên quan, bao gồm các nghĩa vụ tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền.
Về tôn trọng quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, pháp luật đã có những quy định nhằm đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, giữ bí mật của người hiến cũng như người nhận. Tại Điều 4, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận trên cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác phải tuân thủ theo các nguyên tắc sau: “Tự nguyện đối với người hiến, người được ghép; vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học; không nhằm mục đích thương mại; giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Tại khoản 1, Điều 35, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định: “Cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác”. 
Về bảo đảm quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, pháp luật về lĩnh vực này cũng đã có những quy định để việc tổ chức thực hiện quyền này được triển khai có hiệu lực, hiệu quả trên thực tế. Các quy định pháp luật về trách nhiệm và nội dung quản lý nhà nước; về chính sách của Nhà nước; về điều kiện, thủ tục tiến hành các hoạt động liên quan đến quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; về điều kiện của các cơ sở y tế; về quyền lợi của người đã hiến mô, bộ phận cơ thể người... đã tạo cơ sở pháp lý khá đầy đủ cho việc hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được diễn ra thuận lợi. Nhờ đó, những năm qua, đã có rất nhiều người được cứu sống hoặc có được cuộc sống khoẻ mạnh khi nhận một phần mô, bộ phận cơ thể của người hiến tặng. 
Dưới góc độ bảo vệ quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, các quy định pháp luật cũng đã tạo hành lang pháp lý tương đối chặt chẽ cho việc thực hiện quyền này trên thực tế. 
Trong nhiều năm qua, vấn đề đạo đức và pháp luật trong thực hành ghép tạng đã và đang tiếp tục được các tổ chức quốc tế nghiên cứu và phát triển nhằm ngăn chặn hoạt động mua bán tạng người đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng như: “Tuyên bố về chống mua bán tạng người ở người sống” của Cơ quan y tế thế giới (WMA) năm 1985; “Nguyên tắc thực hành trong hoạt động hiến, ghép mô, tạng người” của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 1991. Đặc biệt, năm 2008, Hội Ghép tạng thế giới (TTS) và Hội Thận học quốc tế (ISN) đã họp và thống nhất đưa ra một tuyên bố chung đó là “Tuyên bố Istanbul về chống mua bán nội tạng và du dịch ghép tạng”. Mặc dù đây không phải là một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý hoặc một công cụ thực thi pháp luật, nhưng về cơ bản đây là một tuyên bố nhằm lên án đối với những hành vi vi phạm công khai, công bằng và nhân phẩm của con người, đồng thời tuyên bố đã đưa ra những hướng dẫn thực hành chuyên môn cho các y, bác sĩ và các tổ chức chăm sóc sức khoẻ; tuyên bố cũng cung cấp một tập hợp các nguyên tắc đạo đức để quản lý việc hiến tạng và ghép tạng nói chung, cũng như các đề xuất nhằm ngăn chặn hành vi mua bán nội tạng trên toàn thế giới1.
Dự liệu được những tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với việc thực hiện quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã từng bước xác lập các cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền con người trên lĩnh vực này một cách khá hữu hiệu. Có thể thấy điều này qua quy định về các hành vi bị cấm tại Điều 11 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006; Điều 44 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (với mức phạt tiền cao nhất là 100 triệu đồng kèm các hình phạt bổ sung và khắc phục hậu quả); quy định về Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người tại Điều 154 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân; các quy định liên quan đến việc giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép (khoản 4 Điều 4 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006); thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (khoản 7,8 Điều 8 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006)...

Một ca ghép tạng được thực hiện tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội.
 Nguồn: nld.com.vn.

Thứ ba, pháp luật về quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cũng đã xác lập được mối quan hệ khá rõ ràng giữa chủ thể quyền và chủ thể có nghĩa vụ trong quá trình thực hiện quyền này. Về chủ thể quyền, các quy định pháp luật về hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đã có những quy định về quyền của người hiến, người nhận cũng như các chủ thể khác có liên quan (như thân nhân của những người này). Chẳng hạn, các quy định tại Điều 17 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 về quyền lợi của người đã hiến mô, bộ phận cơ thể người: “1. Người đã hiến mô được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến mô tại cơ sở y tế; 2. Người đã hiến bộ phận cơ thể người có các quyền lợi sau đây: a) Được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến bộ phận cơ thể người tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí; b) Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; c) Được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế...;. Về chủ thể có nghĩa vụ đối với quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác bao gồm: Nhà nước, các tổ chức và cá nhân có liên quan. Nhìn chung, các quy định của pháp luật đã quy định khá đầy đủ về nghĩa vụ của các chủ thể này, gồm: các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các cơ sở y tế; các cơ sở nghiên cứu, đào tạo về y học; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; tổ chức xã hội; tổ chức kinh tế; đơn vị vũ trang nhân dân v.v..
b) Một số hạn chế của pháp luật Việt Nam về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 
Dưới góc độ tiếp cận dựa trên quyền con người, có thể thấy pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ở Việt Nam còn bộc lộc một số hạn chế cơ bản sau đây:
Một là, tuy các quy định của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 đã có những quy định liên quan đến việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền của cá cá nhân liên quan trong lĩnh vực này, tuy nhiên, đây chưa được tiếp cận như là một nguyên tắc cơ bản của đạo luật này.
Hai là, phạm vi điều chỉnh của pháp luật trên lĩnh vực này còn chưa bao quát hết những đối tượng có liên quan đến mô, bộ phận cơ thể người như máu, tế bào gốc, thậm chí liên quan đến gen người.
Ba là, pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác chưa quy định một cách cụ thể, chặt chẽ việc thực hiện quyền về hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác trong một số lĩnh vực như phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy. 
Bốn là, mặc dù các văn bản pháp luật đã quy định về độ tuổi và các yếu tố khác nhằm đảm bảo tính tự nguyện trong việc thực hiện quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác nhưng chưa thật sự đảm bảo tính chặt chẽ và loại trừ những nguy cơ ảnh hưởng quyền con người trong lĩnh vực này. Chẳng hạn, quy định tại Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006: “người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống” chưa lường được tình huống những người trẻ tuổi có thể vì những khó khăn bức bách trong cuộc sống mà đưa ra quyết định bán đi một bộ phận cơ thể của mình (dù về mặt hình thức là mang tính tự nguyện) khi họ chưa đủ sự chín chắn cần thiết, và hệ lụy của nó hết sức phức tạp.
Năm là, đối với việc hiến mô, tạng, pháp luật chưa có những quy định cụ thể quyền của người nhận mô, tạng cũng như quy định tạo điều kiện cho việc bảo đảm quyền của đối tượng này, trong khi nhu cầu xã hội rất lớn. Chẳng hạn, việc quy định về độ tuổi của người hiến xác là từ đủ 18 tuổi trở lên là chưa thật sự phù hợp, bởi trong thực tế, nhiều trường hợp quy định này khiến không thể lấy mô, tạng của người chết não chưa đủ 18 tuổi, gây lãng phí nguồn hiến tạng2.
Sáu là, trình tự, thủ tục hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác vừa có những quy định phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện (chẳng hạn quy định về thủ tục xác định chết não), vừa có những quy định chưa đảm bảo tính cụ thể, chặt chẽ, dẫn tới nguy cơ vi phạm quyền hoặc ảnh hưởng đến việc thực hiện hoặc thụ hưởng quyền. 
2. Định hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác - nhìn từ góc độ quyền con người
a) Định hướng hoàn thiện pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác
Bảo đảm quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ở Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống xã hội, bởi vì, việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người cho người khác không chỉ là nghĩa cử cao đẹp mà còn là món quà vô giá, giúp nối dài sự sống cho những người bệnh tưởng chừng như đã tắt hết hy vọng với cuộc đời, góp phần làm thay đổi cuộc sống của những người bệnh không may mắn đang chờ đợi nguồn bộ phận cơ thể người hiến. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực có nguy cơ vi phạm quyền và phẩm giá con người, do đó, việc hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác cần tuân thủ nguyên tắc HRBA, bởi đây là một xu thế phổ biến hiện nay trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật ở nhiều nước trên thế giới3. 
 Việc áp dụng HRBA trong một chính sách cụ thể cần được thực hiện qua các bước cơ bản như sau4:
(1) Phân tích bản chất của vấn đề đang gặp phải, những chủ thể chịu tác động của vấn đề và hệ thống các nguyên nhân dẫn tới vấn đề đó.
(2) Xác định các công ước quốc tế và quyền con người và văn bản pháp luật trong nước có thể điều chỉnh hoặc liên quan đến vấn đề cần giải quyết.
(3) Xác định mối quan hệ quyền - trách nhiệm giữa các chủ thể chính và dựa trên phân tích mô hình để chỉ ra những đòi hỏi cơ bản của chủ thể quyền cần được đáp ứng cũng như những nhiệm vụ chính của chủ thể có nghĩa vụ.
(4) Phân tích và đánh giá điều kiện, năng lực của chủ thể quyền và chủ thể có nghĩa vụ thực hiện quyền; xác định được những thiếu hụt năng lực của các bên để xây dựng phương án phù hợp nhất.
(5) Lựa chọn các biện pháp tác động một cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề.
Từ đòi hỏi của nguyên tắc HRBA, việc hoàn thiện pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác trong thời gian tới cần tập trung một số định hướng sau đây:
Thứ nhất, cần đánh giá tác động đến quyền con người trong thực thi pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác trong thời gian qua để nhận diện được những nguy cơ xâm phạm quyền con người, đặc biệt là phát hiện được những “kẽ hở” của pháp luật trong lĩnh vực này.
Thứ hai, khảo sát các chuẩn mực và pháp luật quốc tế có liên quan đến việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác để nội luật hoá, tạo sự tương thích về mặt pháp lý giữa pháp luật quốc gia và quốc tế khi xây dựng khuôn khổ pháp lý bảo đảm quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác5. 
Thứ ba, xác định rõ cách tiếp cận trong các quy định về chủ thể quyền theo các nguyên tắc “không làm tổn hại đến quyền con người (nguyên tắc “Do No Harm) và “tối đa hoá các tác động tích cực với quyền con người (nguyên tắc “Do Maximum Good”) .
Thứ tư, đối với các quy định về chủ thể có trách nhiệm, cần bao quát và cụ thể hoá các nghĩa vụ tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các khâu, quy trình của việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.
b) Giải pháp hoàn thiện pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 
Về mặt nội dung, việc hoàn thiện pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, cần đưa vào Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (sửa đổi) nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người; quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân trong hoạt động lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.
Hai là, cần bổ sung phạm vi điều chỉnh của pháp luật đối với vấn đề về máu, tế bào gốc và gen người. Đây cũng là những yếu tố gắn với quyền nhân thân của các cá nhân được cộng đồng thế giới hết sức quan tâm, được đề cập trong Tuyên bố toàn cầu về gen người và quyền con người năm 19977.
Ba là, cần quy định cụ thể và chặt chẽ về điều kiện hiến mô, tạng trong luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác vì mục đích nghiên cứu khoa học và giảng dạy, tránh tình trạng lạm dụng, vi phạm quyền con người.
Bốn là, để đáp ứng yêu cầu về tôn trọng quyền con người và các nguyên tắc “Do No Harm”, “Do Maximum Good”, các quy định về độ tuổi và tính tự nguyện của cá nhân hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác cần hết sức chặt chẽ, tránh nguy cơ “tự nguyện hình thức”. Chẳng hạn, đối với người hiến khi còn sống, ngoài việc quy định độ tuổi từ 18 tuổi đối với người hiến tạng cùng huyết thống, cần có quy định thắt chặt hơn về điều kiện độ tuổi đối với người hiến tạng không cùng huyết thống, góp phần hạn chế tình trạng mua bán tạng trái phép hiện nay. Theo đó, trong trường hợp này, có thể nâng cao độ tuổi hiến tạng là từ 30 tuổi, bởi vì ở độ tuổi này, người hiến thường đã hoàn thiện cả về thể chất, tinh thần và đã cơ bản ổn định cuộc sống, có thể đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến cuộc đời của mình. 
Năm là, để bảo đảm và tôn trọng quyền được hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, đồng thời tránh lãng phí nguồn hiến tặng thì Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cần mở rộng về độ tuổi đối với người hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người chết não. Theo đó, có thể sửa đổi, bổ sung theo hướng không giới hạn độ tuổi đối với người hiến sau khi chết não. Vấn đề về xác định chết não cũng cần quy định rõ về tiêu chuẩn lâm sàng, cận lâm sàng, thời gian xác định chết não, chuyên gia xác định chết não... 
Sáu là, sửa đổi, bổ sung Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác theo hướng xác định rõ việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác là là tài sản quốc gia. Mục tiêu hướng tới là việc thực hiện quyền hiến và nhận bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác luôn được bảo đảm và tôn trọng trên thực tế, trở thành những giá trị mang tính đạo đức, nhân đạo và pháp lý.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy việc tiếp cận dựa trên quyền con người trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật Việt Nam nói chung, các quy định về quyền hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác nói riêng cần thực hiện một cách đồng bộ các định hướng, giải pháp trên, đưa cách tiếp cận dựa trên quyền con người trở thành một phương pháp bắt buộc trong quá trình xây dựng pháp luật trong lĩnh vực này, hướng tới sự phát triển bền vững, đảm bảo tối đa các quyền con người theo Hiến pháp, pháp luật và các chuẩn mực quốc tế.

PGS.TS. Lê Văn Trung

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 4/2022

---

Tài liệu tham khảo
(1) Nguyễn Hoàng Phúc, Nguyễn Thúy An, Trịnh Hồng Sơn, Nguyễn Tiến Thành, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Vui, Bùi Nghĩa (2021),  Tuyên bố Istanbul về chống mua bán tạng và du lịch ghép tạng – Giải pháp áp dụng tài Việt Nam, http://vnhot.vn/article/tuyen-bo-istanbul-ve-chong-mua-ban-tang-va-du-lich-ghep-tang-giai-phap-ap-dung-tai-viet-nam, truy cập ngày 15/7/2022.
(2) Lê Anh, Kiến nghị mở rộng độ tuổi đối với người hiến, tặng mô, bộ phận cơ thể chết não, https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=60991, truy cập ngày 15/7/2022.
(3) Nguyễn Linh Giang (2020), Tiếp cận quyền con người trong hoạt động xây dựng pháp luật, https://vjol.info.vn/index.php/ssir/article/view/60310, truy cập ngày 15/7/2022.
(4) Vũ Công Giao (2020), Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và khả năng áp dụng vào hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật ở Việt Nam hiện nay, http://www.lapphap.vn/pages/tintuc/printpage.aspx?tintucID=210403, truy cập ngày 15/7/2022.
(5) Liên quan đến lĩnh vực này gồm các văn kiện pháp lý quốc tế như: Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948; Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966; Tuyên bố sử dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào mục đích hoà bình và vì lợi ích của nhân loại năm 1995; Tuyên bố toàn cầu về gen người và các quyền con người năm 1997. 
(6) Vũ Công Giao (2020), Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và khả năng áp dụng vào hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật ở Việt Nam hiện nay, http://www.lapphap.vn/pages/tintuc/printpage.aspx?tintucID=210403, truy cập ngày 15/7/2022.
(7) Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội (2011), Giới thiệu các văn kiện quốc tế về quyền con người, Nxb Lao động – Xã hội, Hà Nội, trang 898-905.