Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bình đẳng giới trong giáo dục là một trong những nội dung quan trọng, có giá trị lớn về mặt lý luận và thực tiễn trong di sản tư tưởng mà Người để lại, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công cuộc bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong giáo dục nói riêng. Bài viết trên cơ sở nghiên cứu quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bình đẳng giới trong  giáo dục đã đưa ra một số gợi ý nhằm vận dụng có hiệu quả trong việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay.

1. Đặt vấn đề
Quan điểm về bình đẳng giới trong giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện nhãn quan chính trị, tầm nhìn triết học nhân văn và là một cống hiến to lớn của Người đối với sự phát triển của phụ nữ Việt Nam. Việc vận dụng quan điểm của Người về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục hiện nay là vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Cho đến nay, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn giữ nguyên giá trị, là kim chỉ nam trong thực hiện bình đẳng giới ở nước ta. Trên cơ sở vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra nhiều chủ trương, quan điểm chỉ đạo toàn diện đối với công tác bình đẳng giới, trong đó có bình đẳng giới về giáo dục, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay còn tồn tại nhiều hạn chế cần đề xuất giải pháp khắc phục. Chính vì vậy, nghiên cứu quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bình đẳng giới và vận dụng quan điểm đó trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.

Đại biểu phụ nữ các dân tộc tỉnh Hà Giang về thăm Hà Nội vui mừng được gặp Bác Hồ, ngày 25/11/1965. Nguồn: hochiminh.vn.


2. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bình đẳng giới trong giáo dục
Thứ nhất, về vai trò bình đẳng giới trong giáo dục
Cụm từ “bình đẳng giới” tuy chưa được Hồ Chí Minh sử dụng trong các tác phẩm, bài viết, bài nói chuyện của mình. Song vai trò, vị trí của phụ nữ, vấn đề giải phóng phụ nữ và thực hiện nam nữ bình quyền luôn là nội dung cốt lõi, là mục tiêu lý tưởng trong tư tưởng của Người. Trong giai đoạn hiện nay, đây là vấn đề mà thế giới và Việt Nam đang quyết tâm theo đuổi vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Thông qua việc chỉ ra những thiệt thòi mà phụ nữ phải gánh chịu, “dưới chế độ phong kiến và thực dân, phụ nữ bị áp bức tàn tệ. Ngoài xã hội thì phụ nữ bị xem khinh như nô lệ. Ở gia đình thì họ bị kìm hãm trong xiềng xích “tam tòng”1, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đàn ông, đàn bà đều phải bình đẳng”2, “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”.
Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh rằng không nên hiểu bình đẳng giới đơn giản chỉ là sự phân chia ngang nhau công việc gia đình như “nhiều người lầm tưởng ... hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng bình quyền. Lầm to!”3, mà cần được mở rộng ra trên tất cả các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội, “bình đẳng về giáo dục, chính trị và kinh tế cho cả nam và nữ”4, theo nghĩa bình đẳng về giáo dục là phụ nữ có quyền được đi học, để nâng cao vốn tri thức. Bình đẳng về chính trị nghĩa là phụ nữ có đầy đủ các quyền về chính trị như tham gia bỏ phiếu bầu cử, ứng cử và tham gia hoạt động trong hệ thống chính trị như nam giới. Bình đẳng về kinh tế được hiểu là phụ nữ phải được tạo điều kiện thuận lợi để có việc làm, có thu nhập và hưởng thụ từ thu nhập như nam giới, đặc biệt phải xóa bỏ sự lệ thuộc về kinh tế của họ đối với nam giới.
Đây là quan điểm tiến bộ thể hiện sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến giáo dục - đào tạo cho phụ nữ và coi bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo là một nội dung quan trọng của công tác bình đẳng giới.
Thứ hai, về mục tiêu thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục
Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, phụ nữ có vai trò quan trọng trên tất cả các lĩnh vực quân sự, kinh tế, văn hóa,... Bất cứ lĩnh vực nào cũng có bàn tay, khối óc của phụ nữ. Song với nền giáo dục phong kiến: tầm chương, kinh viện, xa rời thực tế, bất bình đẳng, trọng nam khinh nữ,... và nền giáo dục thực dân là ngu dốt đồi bại, xảo trá, nguy hiểm hơn cả là sự dốt nát của xã hội cũ đã làm người phụ nữ bị kìm kẹp trong dốt nát và lạc hậu. Vì vậy, việc thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục là nhằm mục tiêu nâng cao dân trí đặc biệt là nâng cao trình độ dân trí, trình độ văn hóa cho phụ nữ, qua đó giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền. 
Thứ ba, về phương thức thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục đòi hỏi sự chung tay của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Người chỉ ra một số phương thức thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục như sau:
Một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các ngành, các địa phương phải tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, để phụ nữ phát huy quyền và khả năng công dân của mình trong xã hội. Muốn vậy, các cấp ủy đảng và chính quyền “phải có phương pháp đào tạo và giúp đỡ để nâng cao hơn nữa địa vị của phụ nữ”5; “Đảng và Chính phủ cần có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”6.
Hai là, bản thân phụ nữ phải tự giải phóng mình. Người nhấn mạnh “về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”7. Muốn vậy, phụ nữ phải phấn đấu, học tập, tự tin, tự giải phóng mình về tình cảm, tâm lý, trí tuệ và hành động. “Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”8. Trong rất nhiều bài viết, bài nói chuyện, Hồ Chí Minh luôn động viên phụ nữ vượt qua tâm lý tự ti, giúp phụ nữ vượt khỏi tư tưởng an phận với cuộc sống gia đình, với “hạnh phúc chật hẹp”, khơi dậy tính tự trọng, khả năng nỗ lực tự vươn lên của phụ nữ, động viên phụ nữ đấu tranh với chính mình để vượt lên, xóa bỏ thành kiến của người khác, đồng thời mang những khả năng của mình tham gia và đóng góp cho các công việc xã hội. Và chỉ có một con đường duy nhất để phụ nữ có thể làm được điều đó theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là thông qua giáo dục. Người nhấn mạnh để bắt kịp nam giới “phụ nữ cần phải học tập tiến bộ nhiều hơn nữa”9, phải học tập toàn diện từ học văn hóa đến nghề nghiệp, “nếu không học thì không tiến bộ. Có quyết tâm thì nhất định học được”10. 
Ba là, việc thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục là công việc thường xuyên và lâu dài. Bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ là thói quen mấy nghìn năm để lại đã “ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội”11. Do đó, đối tượng của cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ không chỉ là kẻ thù dân tộc và giai cấp, mà sâu xa hơn là tư tưởng bảo thủ về vị trí, vai trò của phụ nữ đang tồn tại trong mỗi con người mà nhất là trong chính bản thân phụ nữ. Từ đó, Người lưu ý rằng việc thực hiện sẽ có nhiều khó khăn, nên “còn phải tuyên truyền giáo dục lâu dài mới thực hiện được tốt”12. Bên cạnh đó, phải đa dạng các hình thức đấu tranh để cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ không chỉ dừng lại ở Cương lĩnh, Đường lối, mà còn phải thông qua tài tổ chức, nghệ thuật lãnh đạo,... Đây là cuộc cách mạng tư tưởng gay go, phức tạp, lâu dài, “Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân”13. Người quan tâm thực hiện hệ thống các biện pháp, giải pháp: thông qua pháp luật, giáo dục, đấu tranh tư tưởng, thông qua tổ chức của phụ nữ, thông qua toàn bộ hệ thống chính trị trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
Tóm lại, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bình đẳng giới trong giáo dục, một mặt thể hiện sự tôn vinh người phụ nữ và khát vọng giải phóng phụ nữ trong tiến trình cách mạng Việt Nam; mặt khác là “kim chỉ nam” cho thực hiện bình đẳng giới ở nước ta trong thời kỳ mới. Đấu tranh vì sự bình đẳng của phụ nữ trên mọi phương diện, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục là một công việc mang ý nghĩa nhân văn cao cả, nhưng cũng hết sức khó khăn đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ cũng như sự nỗ lực chung của toàn xã hội và chính bản thân người phụ nữ.
3. Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bình đẳng giới trong giáo dục ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, những kết quả đạt được
Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam về bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong giáo dục nói riêng đã có nhiều bước đột phá về nhận thức và hành động, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nổi bật trong đó là việc đưa các nội dung liên quan đến bình đẳng giới về giáo dục vào trong các Nghị quyết, Quyết định, Chiến lược quan trọng như Nghị quyết 11-NQ/TƯ ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Luật Bình đẳng giới do Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2021 - 2030;... Điều này đã thể hiện quyết tâm của Nhà nước và ý chí của toàn dân về vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới và thực hiện quyền phụ nữ.
Với những nỗ lực đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Trong lĩnh vực giáo dục, nữ giới có nhiều đóng góp to lớn, chiếm tỷ lệ khá cao trong chủ thể quan trọng là đội ngũ giáo viên: chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối ở bậc mẫu giáo; chiếm khoảng 70% bậc phổ thông; chiếm gần 50% giảng viên đại học, cao đẳng. 
Trong giai đoạn 2016-2020, công tác về bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục đã đề ra 06 mục tiêu và 22 chỉ tiêu cụ thể nhằm thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giữa nam và nữ về cơ hội tiếp cận, tham gia, hưởng lợi trong lĩnh vực giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế. Sau 5 năm triển khai thực hiện, công tác triển khai Kế hoạch hành động về bình đẳng giới ngành Giáo dục đạt 19/22 chỉ tiêu thuộc 05 mục tiêu đặt ra. Các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đối với công tác bình đẳng giới đã được cụ thể hóa trong ngành Giáo dục. Tính đến năm 2021, “90% phòng Giáo dục có nữ tham gia Ban lãnh đạo; 90% cơ sở giáo dục đại học có nữ tham gia Hội đồng trường/Ban Giám hiệu/Ban Giám đốc; 40% nữ tiến sĩ trên tổng số tiến sĩ đang công tác trong các cơ sở giáo dục; giảm tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi phổ cập giáo dục không đến trường, chú trọng đối tượng trẻ em trai ở khu vực Tây Nguyên và trẻ em gái ở vùng miền núi phía Bắc; tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15-60 đạt 98,16%, độ tuổi 15-35 là 99,3%; đối với các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ tỷ lệ này tương ứng là 94,7% và 97,8%, đạt và vượt chỉ tiêu,...”14. Theo số liệu thống kê, năm 2021, “tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học là 94,1%; tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục trung học cơ sở là 82,3%”15.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí và vai trò của người phụ nữ, về vấn đề bình đẳng giới cho người dân nói chung và nhất là cán bộ, nhà giáo, người lao động của ngành giáo dục nói riêng đã đạt được những kết quả đáng kể. Hiện nay, đã có 4 loại hình giáo dục không chính quy, chủ yếu dành cho người lớn, trong đó có phụ nữ. Các chương trình này đã tạo nhiều cơ hội học tập đối với phụ nữ hơn rất nhiều so với trước, qua đó giúp phụ nữ nâng cao trình độ về mọi mặt: tỷ lệ nữ sinh viên chiếm trên 50%, thạc sỹ là nữ chiếm hơn 30% và hơn 17,1% tiến sỹ là nữ giới. Điều đáng trân trọng là hầu hết các nhà khoa học nữ đều nhiệt tình, say mê với công tác. Nhiều cá nhân và tập thể lao động nữ được nhận nhiều danh hiệu cao quý như: thầy thuốc ưu tú, nhà giáo ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nghệ nhân.
Có thể nói, dù ở đâu, trong lĩnh vực hoạt động nào, phụ nữ cũng làm việc, cống hiến hết sức mình cho xã hội. Đội ngũ phụ nữ đã phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và đã nâng địa vị của mình lên tầm cao mới. Nhờ vậy, “chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021 (năm 2021, Việt Nam xếp thứ 87/144 quốc gia), trong đó có các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt”16.
Thứ hai, những hạn chế và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục ở Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. 
Các chính sách trong giáo dục hiện nay vẫn còn nhiều bất cập không những gây ảnh hưởng chung đối với xã hội mà còn có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện bình đẳng giới. Ví dụ, việc tăng giảm học phí ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của trẻ em gái. Bởi vì trẻ em gái có nguy cơ bị buộc nghỉ học cao hơn bé trai khi điều kiện gia đình khó khăn.
Trong Báo cáo đánh giá độc lập rà soát và đánh giá tác động về giới của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, tình trạng bỏ học sau trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông đang khá phổ biến với trẻ em gái, đặc biệt là trong nhóm dân tộc thiểu số sống ở vùng núi, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nguyên nhân của tình trạng này được đánh giá không phải do kinh tế hay khoảng cách địa lý từ nhà tới trường học mà chủ yếu do áp lực từ bạn bè và các yếu tố xã hội khác. Điều này tạo rào cản lớn đối với việc nâng cao vị thế của các em trong hiện tại và tương lai, còn làm tăng các chu kỳ nghèo đói và bất lợi của mọi thế hệ và cả quốc gia. Bởi việc trẻ em không được đi học, không tiếp cận được nền giáo dục đồng nghĩa với việc tước đoạt một nguồn tăng trưởng tiềm năng của đất nước. 
Nhận thức về vị trí, vai trò của phụ nữ còn chưa đầy đủ. Trên thực tế, vẫn còn tình trạng phân biệt giới tại nơi làm việc, nhất là trong lĩnh vực giáo dục. Theo điều tra, việc “nhìn nhận vai trò của nữ giáo viên chưa đúng, nhiều Hiệu trưởng không muốn nhận giáo viên là nữ vì sợ liên quan đến chế độ nghỉ sinh nở, con đau ốm ảnh hưởng đến việc giảng dạy, hoặc khi đề bạt, cử đi học còn e dè trong việc chọn nữ giáo viên. Trẻ em gái ít cơ hội được đến trường so với nam giới”17. Bên cạnh đó, bản thân phụ nữ chưa thay đổi cách nhìn mới về chính mình, chưa thoát ra khỏi tâm lý tự ti, an phận làm giảm sự  phấn đấu, tinh thần học tập để nâng cao trình độ. Nguyên nhân sâu sa của thực trạng bất bình đẳng giới là do sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mặt trái của quá trình phát triển nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường hiện nay đang ảnh hưởng tới việc bảo đảm quyền cơ bản của con người trong đó có quyền được đi học, quyền có cơ hội hưởng thụ khác nhau về giáo dục của nam giới và nữ giới. Điều này đã gây ra sự chênh lệch khá lớn giữa các nhóm tuổi, vùng miền trên phạm vi cả nước.
Thứ ba, một số giải pháp
Với mong muốn thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục, tại Đại hội XIII đã đưa ra quan điểm chỉ đạo như sau: “tạo tiền đề và đảm bảo điều kiện thuận lợi để mỗi người dân có cơ hội được thụ hưởng công bằng thành quả của nền giáo dục” 18. Cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đại hội, trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 đã xây dựng mục tiêu 5 nhằm thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục với các chỉ tiêu cụ thể như sau: “Chỉ tiêu 1: Nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và được giảng dạy chính thức ở các trường sư phạm từ năm 2025 trở đi. Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt trên 90% vào năm 2025 và khoảng 99% vào năm 2030; tỷ lệ hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt khoảng 85% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030. Chỉ tiêu 3: Tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt trên 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Chỉ tiêu 4: Tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ đạt không dưới 50% từ năm 2025 trở đi. Tỷ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030”19. 
Trên cơ sở nghiên cứu quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bình đẳng giới trong giáo dục và việc vận dụng quan điểm đó hiện nay, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bình đẳng giới trong giáo dục như sau:
Một là, xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả hệ thống chính sách góp phần đảm bảo quyền giáo dục của mọi người, giảm thiểu tình trạng bỏ học, qua đó tăng tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ, mẫu giáo đến trường, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục như xây dựng chính sách hỗ trợ xóa mù chữ, tăng cường phát triển ngôn ngữ tiếng Việt cho phụ nữ, trẻ em gái và người dân tộc thiểu số ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; xây dựng và triển khai hiệu quả chính sách bảo đảm quyền được học tập của phụ nữ phù hợp với từng đối tượng nhằm hỗ trợ lao động nữ đi học để nâng cao trình độ. Đồng thời, cần có các chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp cản trở việc thực hiện quyền học tập của trẻ em.    
Hai là, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về các quyền bình đẳng của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Mục đích của việc tuyên truyền nhằm giúp cộng đồng cũng như chính bản thân phụ nữ thấy được tầm quan trọng, lợi ích to lớn và ý nghĩa xã hội của việc đầu tư giáo dục cho phụ nữ là đầu tư cho sự phát triển bền vững. Qua đó, xoá bỏ các tư tưởng phong kiến lỗi thời đối với việc cản trở trẻ em gái đến trường. 
Ba là, xây dựng và triển khai chương trình đưa nội dung về bình đẳng giới vào hệ thống bài giảng chính thức trong các cấp học; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học nội dung về giới, bình đẳng giới, giới tính, sức khỏe sinh sản. Từ kế hoạch hành động về bình đẳng giới ngành giáo dục giai đoạn 2021 - 2025, các cơ sở giáo dục ban hành kế hoạch hành động về bình đẳng giới ngành Giáo dục giai đoạn 2021 - 2025 và từng năm phù hợp với địa phương, đơn vị; tổ chức thực hiện bảo đảm chất lượng, thiết thực. Nâng cao chất lượng và hình thức trong việc giáo dục vai trò giới tính và kỹ năng sống trong hệ thống nhà trường phổ thông, giúp cho thanh niên, thiếu niên nhận thức đúng những vấn đề giới và bình đẳng giới một cách cơ bản, khoa học và hệ thống. Từ đó, các em có ý thức trách nhiệm về bình đẳng giới trong xây dựng gia đình và xã hội.
Bốn là, cần đa dạng hoá các loại hình giáo dục ở mọi cấp học, ngành học, cần không ngừng nâng cao trình độ học vấn cho phụ nữ dưới mọi hình thức. Phấn đấu đạt được tỷ lệ nhập học tương đương giữa trẻ em trai và trẻ em gái thuộc mọi thành phần xã hội, vùng miền, chương trình, ngành học và cấp học. Khuyến khích và có chính sách thu hút tỷ lệ nhập học của phụ nữ trong các môn học kỹ thuật ở các trường đại học và trường dạy nghề,  tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các ngành nghề kỹ thuật.
Năm là, nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nữ khu vực nông thôn, chương trình học cần bám sát nhu cầu của xã hội, phù hợp với đặc thù của lao động nữ. Việc dạy nghề cần hướng tới đào tạo nghề trung hạn và dài hạn. Lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nữ khu vực nông thôn không nên chỉ dừng lại ở việc đào tạo thông qua các khóa tập huấn ngắn hạn trao đổi khoa học kỹ thuật về phương thức sản xuất nông nghiệp. Việc đào tạo nghề cần được thực hiện theo hướng đào tạo chuyên sâu hơn. Đồng thời, cần chú trọng đào tạo nghề theo hướng chuyển đổi sang các ngành nghề phi nông nghiệp để phù hợp với nguyện vọng tìm kiếm việc làm hiện nay. Việc đào tạo nghề cần tính đến các nhu cầu và vai trò xã hội khác nhau của phụ nữ.
Sáu là, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, gắn với đổi mới giáo dục và đào tạo. Đồng thời, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, có cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, thân thiện cho học sinh.
4. Kết luận
Như vậy, những quan điểm về thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay. Thông qua việc nghiên cứu vai trò, mục tiêu, phương thức và việc vận dụng sáng tạo quan điểm của Người về bình đẳng giới trong giáo dục, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, được thế giới đánh giá là một trong những quốc gia có khung pháp lý về bình đẳng giới khá tiến bộ. Song bên cạnh đó, thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục ở Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế, cần có sự chung tay góp sức của toàn Đảng, toàn dân để nâng cao chất lượng, hiệu quả của vấn đề này trong thời gian tới.

ThS. Lê Nguyên Tịnh

Học viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 3/2023

------

Tài liệu trích dẫn
(1) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 13, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr. 523.
(2) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr. 333.
(3) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr. 342.
(4) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nộ, tr. 243.
(5) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 13, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr. 260.
(6) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 15, tr.617.
(7) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr. 301.
(8) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 13, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr. 59.
(9) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr. 639.
(10) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 14, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr. 263.
(11) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr. 342.
(12) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr. 301.
(13) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr. 342.
(14) Trung tâm truyền thông giáo dục (2021), “Bình đẳng giới ngành Giáo dục phải thực chất, hiệu quả, tránh hình thức”, truy cập tại: https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7295, truy cập ngày 05/4/2023.
(15) Chính phủ (2022), Báo cáo số 275/BC-CP ngày 15/8/2022 về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Hà Nội. Truy cập tại: https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2022/08/275-cp.signed.pdf, truy cập ngày 05/4/2023.
(16) Chính phủ (2022), Báo cáo số 275/BC-CP ngày 15/8/2022 về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Hà Nội. Truy cập tại: https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2022/08/275-cp.signed.pdf, truy cập ngày 05/4/2023.
(17) Truy cập tại http://giadinh.bvhttdl.gov.vn/nang-cao-nhan-thuc-ve-binh-dang-gioi-trong-linh-vuc-giao-duc/, truy cập ngày 05/4/2023.
(18) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
(19) Thủ tướng Chính phủ (2021), Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3/3/2021 về ban hành chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, Hà Nội. Truy cập tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Nghi-quyet-28-NQ-CP-2021-Chien-luoc-quoc-gia-ve-binh-dang-gioi-giai-doan-2021-2030-466613.aspx, truy cập ngày 05/4/2023.