Quyền văn hóa theo tư tưởng Hồ Chí Minh là quyền con người trong lĩnh vực văn hóa được hình thành và phát triển dựa trên quan điểm kế thừa tư tưởng quyền văn hóa quốc tế kết hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và thực tiễn đấu tranh cách mạng của Người. Nội dung tư tưởng về quyền văn hóa của Người là tiền đề cho việc vận dụng và phát triển các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong bảo đảm quyền con người nói chung, quyền văn hóa nói riêng, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, con người Việt Nam.
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà lãnh đạo chính trị tài năng, nhà văn hóa kiệt xuất của thế kỷ XX đã hy sinh cả cuộc đời vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam và đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng con người trên toàn thế giới. Người đã để lại di sản to lớn về quyền con người trên cơ sở kế thừa và kết tinh tư tưởng nhân văn truyền thống của dân tộc và các giá trị tinh hoa, tiến bộ của nhân loại. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là hệ thống những quan điểm biện chứng, bao quát trên tất cả lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó xuyên suốt là các quan điểm bảo đảm, bảo vệ quyền con người của mỗi cá nhân luôn gắn liền với độc lập dân tộc, quyền dân tộc tự quyết và quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.

Quyền văn hóa là một trong những quyền cơ bản của con người, liên quan chặt chẽ đến các quyền khác như quyền chính trị, quyền kinh tế, quyền dân sự, quyền xã hội. Quyền con người đã được khẳng định trong những văn bản pháp lý đầu tiên như Tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1776, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1789. Bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 đã ghi nhận: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và luôn luôn phải được tự do và bình đẳng về quyền lợi” được nhắc đến trong bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1789. Quyền con người nói chung, quyền văn hoá nói riêng đã được đề cập trên phạm vi quốc tế như Hiến chương Liên hiệp quốc 1945, Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948. Đặc biệt, Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 đã tuyên bố “mọi người đều có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hóa của cộng đồng” (Điều 27); quyền thừa hưởng tiến bộ khoa học và sở hữu trí tuệ (Điều 27); quyền được giáo dục (Điều 26); quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo (Điều 18).

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp bổ túc văn hóa của bà con lao động ở khu Lương Yên,

thành phố Hà Nội (ngày 27-3-1956). Nguồn: www.tapchicongsan.org.vn.

Hồ Chí Minh là một trong số rất ít người Việt Nam tiếp cận sớm nhất và sâu rộng nhất vấn đề quyền con người nói chung và quyền văn hóa nói riêng. Kế thừa những giá trị quyền con người về văn hóa của quốc tế, vận dụng sáng tạo tư tưởng giải phóng toàn diện con người và chủ nghĩa xã hội của Mác - Lênin, kết hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và bối cảnh cụ thể của đất nước, Người đã đưa ra những quan điểm, tư tưởng về quyền văn hóa phù hợp với đặc điểm tình hình của Việt Nam. Nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền văn hóa được thể hiện như sau:

Thứ nhất, quyền văn hóa được thể hiện qua quan niệm về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh hay nói cách khác, quyền văn hóa được thể hiện qua lăng kính văn hóa của Người.

Thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác Lê-nin, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới và các giá trị văn hóa dân tộc, tắm mình trong hoạt động thực tiễn phong phú của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra nội hàm khái niệm văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”1.

Theo nghĩa bao quát, văn hóa có mặt trong tất cả mọi hoạt động sống của con người, từ hoạt động sản xuất vật chất, tổ chức xã hội đến đời sống tinh thần. Quan điểm của Người về văn hóa được thể hiện ở nhận thức lý luận và những đúc kết trong hoạt động thực tiễn. Không chỉ trong hội nghị về văn hóa hoặc trong các văn kiện của Đảng khi nói đến kinh tế, chính trị, xã hội và các hoạt động khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều tìm thấy trong đó có nội dung của văn hóa, xem văn hóa ở trong kinh tế, chính trị, xã hội. Hầu như trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có vị trí, vai trò và bóng dáng của văn hóa. Văn hóa nói chung là phẩm chất trí tuệ và năng lực sáng tạo của con người và do con người tích lũy được, hình thành và bồi đắp trong suốt chiều dài lịch sử làm nên nền tảng tinh thần của xã hội. Văn hóa Việt Nam là những giá trị truyền thống, tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam sáng tạo ra qua hàng nghìn năm lịch sử, được gạn lọc, đúc kết tạo nên bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, tương thân tương ái; truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất; truyền thống hiếu học, đạo lý trọng nghĩa trọng tình, uống nước nhớ nguồn; là sự thống nhất bản sắc trong đa dạng văn hóa của 54 dân tộc anh em... đã hình thành nên bản lĩnh và khí phách Việt Nam. Những giá trị đó là nét riêng biệt, độc đáo, tạo ra một cốt cách Việt Nam mà không một dân tộc nào trên thế giới có thể nhầm lẫn được. Vì vậy, người dân Việt Nam có quyền tự hào về những giá trị văn hóa của dân tộc. Đó là quyền văn hóa của con người Việt Nam.

Theo nghĩa hẹp, văn hoá là những giá trị tinh thần như văn học, nghệ thuật... Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng văn hóa nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc vĩ đại của dân tộc ta. Văn học nghệ thuật có khả năng tạo nên nguồn năng lượng tinh thần vô cùng to lớn đã cổ vũ nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách để giành thắng lợi trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, đồng thời còn là minh chứng cho phẩm chất và tài năng của một dân tộc anh hùng. Người viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sỹ là chiến sỹ trên mặt trận ấy”2. Người chỉ rõ: dân tộc bị áp bức bóc lột thì văn nghệ sĩ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng... Tác phẩm nghệ thuật là vũ khí sắc bén của chiến sỹ văn hóa trong đấu tranh cách mạng. Ở khía cạnh này, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi văn hóa là văn học, nghệ thuật - những yếu tố làm thỏa mãn nhu cầu tinh thần và phát huy khả năng sáng tạo của con người. Quyền văn hóa chính là quyền được thỏa mãn những nhu cầu tinh thần của con người trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.

 Theo nghĩa hẹp nhất, văn hoá đơn giản là trình độ học vấn của con người được đánh giá bằng học vấn phổ thông. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, “Trình độ văn hóa của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân cũng là một việc cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”3. Do đó, ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, Hồ Chí Minh yêu cầu người dân phải học văn hoá, phải xoá nạn mù chữ, coi “dốt” là một thứ giặc nguy hại của dân tộc và sự phát triển đất nước. Như vậy, văn hóa đồng nghĩa với giáo dục và giáo dục là một quyền văn hóa của con người. Người viết trong Chương trình Việt Minh về văn hóa giáo dục: “1. Hủy bỏ nền giáo dục nô lệ. Gây dựng nền quốc dân giáo dục. Cưỡng bức giáo dục từ bực sơ học. Mỗi dân tộc có quyền dùng tiếng mẹ đẻ trong nền giáo dục dân tộc mình. 2. Lập các trường chuyên môn huấn luyện chính trị, quân sự, kỹ thuật để đào tạo các lớp nhân tài. 3. Khuyến khích và giúp đỡ các hạng trí thức được phát triển tài năng của họ. 4. Khuyến khích và giúp đỡ nền giáo dục quốc dân làm cho nòi giống ngày thêm mạnh”4.

Thứ hai, quyền văn hóa được ghi nhận và bảo vệ bằng Hiến pháp và pháp luật

Từ nội hàm khái niệm văn hóa của Hồ Chí Minh, có thể nói rằng văn hóa Việt Nam là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do nhân dân Việt Nam sáng tạo ra trong suốt quá trình lịch sử, là hệ thống các giá trị riêng biệt của mỗi cá nhân và hình thành nên bản sắc của dân tộc Việt Nam. Để gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc và phát huy khả năng sáng tạo của con người Việt Nam, theo Người, cần phải xác lập những cơ chế bảm đảm và bảo vệ. Do vậy, quyền con người về văn hóa phải được nhà nước ghi nhận và đảm bảo thực thi bằng Hiến pháp và pháp luật.

Ngay sau khi giành độc lập, nhận thức rõ vai trò của của pháp luật trong kiến tạo nền dân chủ, Người xác lập một trong những công việc trọng tâm phải làm ngay là xây dựng và ban hành Hiến pháp. Hiến pháp năm 1946 là bản hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã tuyên bố: “Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đảm bảo các quyền tự do, dân chủ và thực hiện chính quyền mạnh mẽ sáng suốt của nhân dân”. Điều thứ 10 và Điều thứ 15 của Hiến pháp quy định: “Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng... có quyền học bằng tiếng của mình ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số...”. Một số nhiệm vụ cấp bách tại cuộc họp quan trọng bầu Quốc hội của Hội đồng Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đã đề cao vai trò của văn hóa và đảm bảo các quyền văn hóa người dân: Một là, mở chiến dịch để chống nạn mù chữ; Hai là, mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân; Ba là, thực hành tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết...

Sau 9 năm kháng chiến chống Pháp đầy hy sinh, gian khổ, năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành các đạo luật quy định về quyền văn hóa trong lĩnh vực báo chí, về quyền tự do hội họp, quyền lập hội... Dưới sự lãnh đạo của Người, Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã hiến định các quyền công dân trong đó có quyền về văn hóa: “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có ... quyền học tập, ... quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, biểu tình, có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào... Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình. Nhà nước chú trọng đặc biệt việc giáo dục thanh niên về đức dục, trí dục và thể dục”5.

Hiến pháp năm 1959 tiếp tục thể hiện rõ tư tưởng của Hồ Chí Minh về quyền văn hóa của công dân trước yêu cầu phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở Miền Nam. Các nội dung của Hiến pháp vẫn kế thừa và ghi nhận quyền con người trong lĩnh vực văn hóa như: Điều 25 (Tự do ngôn luận, báo chí, hội họp); Điều 26 (Tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào); Điều 33 (Quyền học tập); Điều 34 (Tự do nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học, nghệ thuật và tiến hành các hoạt động văn hóa khác).

Bên cạnh việc ghi nhận các quyền văn hóa, Hiến pháp quy định Nhà nước phải đảm bảo các quyền của công dân được thực hiện trên thực tế. Để tập trung mục tiêu trước mắt là giải quyết “giặc dốt”, Hiến pháp năm 1946 đã thể hiện tư tưởng của Hồ Chí Minh về quyền cũng như nghĩa vụ học tập văn hóa của công dân lúc bấy giờ được đảm bảo bởi Nhà nước: “Nền sơ học cưỡng bách và không học phí. Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình. Học trò nghèo được Chính phủ giúp. Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình Nhà nước” (Điều thứ 15). Hiến pháp năm 1959 quy định: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó” (Điều 25).

Thứ ba, quyền văn hoá là quyền con người trong lĩnh vực văn hoá, do đó gắn liền với quyền dân tộc tự quyết, với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và tuyên bố trước thế giới và quốc dân đồng bào đã thể hiện sự kết tinh sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, về giải phóng dân tộc, giải phóng con người và hiện thực hóa các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người trên thế giới. Từ việc khẳng định quyền con người nói chung như một sự tất yếu của tạo hóa, không ai có thể xâm phạm được, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tạo, phát triển và nâng lên thành quyền của các dân tộc và mối quan hệ không thể tách rời giữa quyền con người và quyền dân tộc. Có thể nói rằng tư tưởng về quyền văn hoá đã được thể hiện ngay trong Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh về quyền dân tộc: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xít mấy chục năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập”6. Người khẳng định quyền bảo vệ và giữ gìn truyền thống đoàn kết yêu nước và bản sắc văn hoá đã được hun đúc qua quá trình đấu tranh gian khổ, hy sinh, anh dũng, bất khuất, tự hào của dân tộc Việt Nam với ý chí đanh thép và quyết tâm giành độc lập tự do của dân tộc: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem hết cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”7. Như vậy, quyền dân tộc độc lập và tự do là biểu hiện của quyền văn hoá thiêng liêng trong tư tưởng của Người.

Quyền văn hóa trong tư tưởng của Người còn được thể hiện trong việc đảm bảo quyền bình đẳng giữa các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, quyền giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Điều 3 Hiến pháp năm 1959 đã khẳng định: “Nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ... Các dân tộc có quyền duy trì hoặc sửa đổi phong tục tập quán, dùng tiếng nói, chữ viết, phát triển văn hoá dân tộc mình... Nhà nước ra sức giúp đỡ các dân tộc thiểu số mau tiến kịp trình độ kinh tế và văn hoá chung”.

Quyền con người nói chung và quyền văn hóa nói riêng được đảm bảo trên nền tảng độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Người viết: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập mà dân được ăn no, mặc đủ”8 và “nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”9. Do vậy, trong tư tưởng của Người, chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp của toàn dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong suốt quá trình lãnh đạo đi lên xã hội chủ nghĩa, Người luôn quan tâm đảm bảo các quyền công dân, trong đó có quyền văn hoá. Văn kiện Đại hội Đảng khóa II do Người lãnh đạo đã chỉ rõ: “Điều cốt yếu của chính trị dân chủ nhân dân nước ta hiện nay là củng cố Nhà nước nhân dân... Chính quyền nhân dân rất quan trọng. Đảng nắm vững và củng cố được chính quyền đó thì đảm bảo được kháng chiến thắng lợi và đưa nhân dân tiến tới chủ nghĩa xã hội...”10. Trong đó, xác định các quyền về văn hóa của người dân được hưởng là nhân quyền (tự do học tập, tư tưởng, tín ngưỡng, phát minh, sáng chế...), dân quyền (tự do ngôn luận, báo chí, tự do, tổ chức, hội họp, biểu tình...) và tài quyền (sở hữu tài sản, thừa kế, cho và nhận...).

Như vậy, Người đã khẳng định, chỉ trong chế độ xã hội chủ nghĩa, con người mới có điều kiện để thoả mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần, con người thực sự được giải phóng về các mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội; quyền con người mới được hiện thực hoá một cách đầy đủ và toàn diện nhất.

Thứ tư, quyền văn hoá có mối quan hệ chặt chẽ với các quyền cơ bản khác của con người

Quyền văn hóa là một loại quyền đặc thù, quyền con người trong khía cạnh văn hóa, thể hiện mối quan hệ sâu sắc giữa văn hóa và quyền con người. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa là một phạm trù rất rộng, liên quan tới tất cả các mặt của đời sống con người. Do vậy, quyền văn hóa cũng liên quan, gắn bó và phụ thuộc việc thực hiện các quyền kinh tế, chính trị, xã hội xuất phát từ quan niệm của Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của văn hóa trong mối quan hệ với kinh tế, chính trị, xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hóa. Vì sao không nói phát triển văn hóa và kinh tế? Tục ngữ ta có câu: Có thực mới vực được đạo; vì thế kinh tế phải đi trước”11. Người chỉ rõ kinh tế chính là cơ sở của văn hóa, do đó, kinh tế phải đi trước một bước, phải chú trọng xây dựng kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng để có điều kiện xây dựng và phát triển văn hóa. Đồng thời, văn hóa không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực của sự phát triển xã hội, phát triển kinh tế. “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”12.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội, văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Văn hóa không thể đứng ngoài “mà phải ở trong kinh tế và chính trị”, ngược lại kinh tế, chính trị cũng “nằm trong văn hóa”; văn hóa phải phục vụ nhiệm vụ chính trị; chỉ khi chính trị, xã hội được giải phóng thì văn hóa mới được giải phóng; “văn hoá với chính trị có quan hệ chặt chẽ với nhau. Có chính trị mới có văn hoá. Xưa kia, chính trị bị đàn áp, nền văn hoá của ta vì thế không nảy sinh được. Nay nước ta đã độc lập, tinh thần được giải phóng, cần phải có một nền văn hoá hợp với khoa học và hợp với nguyện vọng của dân”13; “Xã hội thế nào, văn nghệ thế ấy... dưới chế độ thực dân và phong kiến, nhân dân ta bị nô lệ, thì văn nghệ cũng bị nô lệ, bị tồi tàn, không thể phát triển được”14. Văn hóa phải tham gia vào nhiệm vụ chính trị, tức là tham gia vào các hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

 Từ những luận điểm sâu sắc và toàn diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị, kinh tế, xã hội, cho thấy văn hóa là lĩnh vực có tính tích cực, chủ động tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Do đó, quyền văn hoá có liên quan chặt chẽ đến các quyền khác như một thể thống nhất không thể tách rời, dựa trên cơ sở kế thừa tư tưởng nhân quyền quốc tế như: quyền kinh tế, xã hội (quyền có cuộc sống với tiêu chuẩn thích đáng, quyền hưởng giáo dục...), quyền dân sự và chính trị (quyền tự do tư tưởng, tôn giáo, quyền được duy trì bản sắc dân tộc...). Tư tưởng này của Người đã đặt nền móng cho việc xây dựng, phát triển quyền con người trong lĩnh vực văn hóa, yếu tố quan trọng đầu tiên cho nhận thức và thực hiện các quyền kinh tế, chính trị, dân sự, xã hội.

Thứ năm, quyền văn hóa không tách rời nghĩa vụ văn hóa

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân. Toàn dân tham gia sáng tạo văn hóa, hưởng thụ những thành tựu văn hóa thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ đối với văn hóa.

Trước hết, mỗi người dân Việt Nam đều phải biết gìn giữ phát huy những giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa của dân tộc. Người yêu cầu “Phải chăm lo đến đặc tính dân tộc trong nghệ thuật”, “chú ý phát huy cốt cách dân tộc”, “lột tả cho hết tinh thần dân tộc”, “miêu tả cho hay, chân thật và cho hùng hồn” những hiện thực vĩ đại của dân tộc, những tình cảm, tính cách và tâm hồn Việt Nam “để cổ vũ đồng bào ta, giáo dục con cháu ta”. Phát huy bản sắc dân tộc còn được thể hiện ở hình thức biểu hiện độc đáo của văn hóa các dân tộc anh em. Người nói: “nghệ thuật của ông cha ta hay lắm, tốt lắm”; “âm nhạc dân tộc ta rất độc đáo”, “tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.

Bên cạnh đó, Người cho rằng, việc gìn giữ các giá trị truyền thống của dân tộc cũng phải biết “gạn đục khơi trong”, “phê phán và loại bỏ những tập tục lạc hậu, cổ hủ”. Trong học tập, tiếp thu văn hóa của thế giới, cũng phải biết chọn lọc, sáng tạo những yếu tố tiên tiến của thời đại cho phù hợp với hoàn cảnh và đặc thù của dân tộc, tạo ra một nền văn hóa Việt Nam riêng biệt. Từ đó, Người đề ra nhiệm vụ của văn hóa “Phải làm thế nào cho văn hóa thấm sâu vào trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ… văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do… làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng… làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ trẻ đến già, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và cũng biết hưởng hạnh phúc của mình được hưởng”15. “Văn hóa phải thiết thực phục vụ nhân dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống vui tươi, lành mạnh của quần chúng... Văn hóa phải gắn liền với lao động sản xuất. Văn hóa xa đời sống, xa lao động là văn hóa suông. Nhiệm vụ của người cán bộ văn hóa là phải dùng văn hóa để tuyên truyền cho việc cần kiệm xây dựng nước nhà”16.

Đối với người nghệ sỹ, Người căn dặn, nghệ sỹ phải đi sâu vào thực tế cuộc sống, hiểu được tâm tư, tình cảm, tư tưởng, yêu cầu của nhân dân, từ đó phục vụ nhân dân một cách tốt nhất. Nghệ sỹ phải hiểu rằng “quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì có bổ ích”17. Người yêu cầu: “Văn nghệ phải nhận rõ trách nhiệm của mình đối với Nhà nước và nhân dân, phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Phải học tập chủ nghĩa Mác - Lên nin để vũ trang mình. Phải kiên quyết chống những khuynh hướng phản dân chủ, phản chủ nghĩa xã hội trong giới văn nghệ”18. “Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân... Nói tóm tắt là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết”19. Người nhắc nhở văn nghệ sĩ trau dồi về đạo đức, chính trị tư tưởng và phải không ngừng nâng cao trí tuệ, trau dồi nghiệp vụ nghệ thuật để phục vụ tốt nhất cho quần chúng nhân dân, dẫn dắt tinh thần dân tộc, hướng đến các giá trị cao đẹp, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng.

Đối với báo chí, Người nhấn mạnh “nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Báo chí của ta có một địa vị rất quan trọng trong dư luận thế giới. Địch rất chú ý, bạn rất quan tâm đến báo chí ta. Cho nên làm báo phải làm hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết... Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì”, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”20.

Tóm lại, nội dung tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền văn hóa là hệ thống những quan điểm, tư tưởng của Người về quyền con người trong lĩnh vực văn hoá được hình thành và phát triển trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng của Người, dẫn dắt dân tộc Việt Nam giành độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Những tư tưởng đó đã được Đảng, Nhà nước ta vận dụng, phát triển, thể chế hóa bằng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật ở mỗi giai đoạn phát triển của đất nước và tham gia các cam kết quốc tế, khu vực, với các quốc gia trên thế giới để tiếp thu kinh nghiệm về bảo đảm quyền con người liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể hiện sự quan tâm, tôn trọng và đảm bảo quyền văn hóa của con người được thực hiện trên thực tế, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phát triển và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam./.

ThS. Trịnh Thị Tuyết Mai

 Ban Thanh tra, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 3/2023

-----

Tài liệu trích dẫn

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 458

(2) Hồ Chí Minh:Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 246

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. 458 - 459

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, 1. 3, tr 629 - 631

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.377

(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.3.

(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.3.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr.175

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr.64

(10)  Luận cương cách mạng Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng của Ban Chấp hành Trung ương Khoá II (1951-1960).

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 470

(12) Hồ Chí Minh: Về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 1997, tr. 9

(13) Hồ Chí Minh: Về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 1997, tr. 10

(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 9, tr. 231

(15) Hồ Chí Minh: Về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 1997, tr. 319-320

(16) Trích Bài nói tại Hội nghị đại biểu những người tích cực trong phong trào văn hóa quần chúng, ngày 11-2-1960, t10, tr59.

(17) Hồ Chí Minh: Về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 1997, tr. 340.

(18) Mấy kinh nghiệm Trung Quốc mà chúng ta nên học, Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 11, tr. 474.

(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 246.

(20) Trích Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 8-9-1962, t10, tr 613-615.