Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có ý nghĩa lớn đến bảo vệ quyền con người, trước hết là quyền sống, quyền được an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của mọi người khi tham gia giao thông. Chính vì vậy, việc tiếp cận quyền con người trong xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (LTTATGTĐB) góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước và của toàn xã hội theo hướng bảo vệ, bảo đảm quyền con người. Bài viết đi sâu phân tích làm rõ khái niệm, đặc điểm và ý nghĩa của cách tiếp cận quyền con người trong xây dựng LTTATGTĐB, nội dung tiếp cận quyền con người và một số kiến nghị tiếp cận quyền con người trong xây dựng LTTATGTĐB ở Việt Nam hiện nay.
Ảnh minh họa. Nguồn: cand.vn
1. Khái niệm, đặc điểm và ý nghĩa tiếp cận quyền con người trong xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
1.1. Khái niệm
Quyền con người hiểu một cách đơn giản là những đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ nhân phẩm vốn có của con người, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào dựa trên cơ sở giới tính, ngôn ngữ, dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội được cộng đồng quốc tế, quốc gia công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm...1 Các quyền con người có được như ngày nay, được pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia ghi nhận và bảo vệ là kết quả của quá trình đấu tranh chung của nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Theo chuẩn mực chung của quốc tế, bảo vệ, bảo đảm quyền con người là trách nhiệm trước hết thuộc về mỗi quốc gia, mà cụ thể là nhà nước, các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Nghĩa vụ, trách nhiệm này cũng đã được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Theo đó, khoản 1, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật"2.
Với quy định này cho thấy, bảo vệ, bảo đảm quyền con người là hoạt động của các chủ thể có nghĩa vụ (nhà nước) có trách nhiệm sử dụng các biện pháp, cách thức để hiện thực hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn về quyền con người nhằm thực thi và bảo vệ hiệu quả các quyền và tự do cơ bản của con người, ngăn ngừa sự lạm dụng, vi phạm quyền con người trong hoạt động công vụ. Như vậy, xét về bản chất, bảo vệ, bảo đảm quyền con người chính là việc nhà nước ghi nhận và thực hiện những cam kết quốc tế về quyền con người thông qua việc nội luật hóa các quy định đó vào pháp luật quốc gia. Nhà nước sẽ thiết lập các hình thức và thiết chế để thực hiện các biện pháp bảo đảm quyền con người một cách hiệu quả. Do đó, có thể hiểu bảo vệ, bảo đảm quyền con người là sự vận hành các yếu tố khách quan và chủ quan nhằm trước hết là ghi nhận và bảo đảm về mặt pháp lý các quyền con người, đồng thời huy động các nguồn lực để hiện thực hóa các quy định của pháp luật về quyền con người trong thực tiễn đời sống xã hội.
Từ cách hiểu này, tiếp cận quyền con người trong xây dựng LTTATGTĐB là sự vận dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế, các nguyên tắc, quy định về quyền con người trong Hiến pháp vào quá trình xây dựng các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đây là hoạt động có chủ đích của chủ thể có nghĩa vụ sử dụng các biện pháp, cách thức để hiện thực hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn về quyền con người nhằm thực thi và bảo vệ hiệu quả các quyền và tự do cơ bản của con người trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nhằm bảo vệ quyền và thực hiện nghĩa vụ của người tham gia giao thông; ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực của cơ quan nhà nước; bảo vệ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của mọi người khi tham gia giao thông đường bộ.
1.2. Đặc điểm của cách tiếp cận quyền con người trong xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Thứ nhất, xây dựng LTTATGTĐB cần phải làm rõ mối quan hệ giữa chủ thể quyền và chủ thể nghĩa vụ trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, chủ thể có nghĩa vụ là Nhà nước, nhưng phải làm rõ cơ quan nhà nước là những cơ quan nào có trách nhiệm thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm chính, cơ quan nào là cơ quan phối hợp. Còn đối với cán bộ, công chức nhà nước cụ thể là ai? Phải chăng duy nhất là lực lượng cảnh sát giao thông hay còn có lực lượng nào khác, cần phải làm rõ. Đồng thời, chủ thể quyền là mọi người tham gia giao thông, trong đó quyền quan trọng nhất của người tham gia giao thông là được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, bí mật đời tư...
Thứ hai, xây dựng LTTATGTĐB cần phải làm rõ quyền và nghĩa vụ tương ứng của người tham gia giao thông. Theo đó, các quy định về quyền và nghĩa vụ của người tham gia giao thông càng cụ thể càng tốt.
Thứ ba, tiếp cận quyền con người trong xây dựng LTTATGTĐB bên cạnh quy định thẩm quyền của cơ quan nhà nước, thì cần quy định trách nhiệm, nghĩa vụ (thẩm quyền bao giờ cũng đi kèm trách nhiệm, nghĩa vụ); đặc biệt cần liệt kê các hành vi cấm (hành vi bị nghiêm cấm không chỉ từ phía người tham gia giao thông mà phải cả từ phía cơ quan nhà nước, cán bộ thực thi công vụ), nhằm hạn chế sự lạm dụng quyền lực trong quá trình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có thể dễ dẫn tới vi phạm quyền và tự do của người tham gia giao thông.
Thứ tư, tiếp cận quyền con người trong xây dựng LTTATGTĐB phải dựa trên cơ sở nhân đạo, bảo vệ quyền của cả người gây tai nạn và người bị nạn. Cần cụ thể hóa nghĩa vụ của lực lượng thực thi công vụ, trước hết là cảnh sát giao thông, từ khâu tin báo, đến quá trình xử lý, giải quyết vụ việc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Thứ năm, tiếp cận quyền con người trong xây dựng LTTATGTĐB phải ưu tiên bảo vệ quyền của nhóm người yếu thế như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người khuyết tật khi tham gia giao thông.
1.3. Ý nghĩa của cách tiếp cận quyền con người trong xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ
Tiếp cận quyền con người trong xây dựng LTTATGTĐB là cách tiếp cận dựa trên các chuẩn mực pháp luật quốc tế, các quy định về quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 để soi chiếu vào quá trình xây dựng các quy phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, nhằm hướng tới nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền con người của người tham gia giao thông, bảo đảm lợi ích của Nhà nước và xã hội. Áp dụng tốt cách tiếp cận quyền con người trong dự Luật này sẽ mang lại lợi ích to lớn không chỉ đối với người tham gia giao thông, mà còn mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước và xã hội.
- Lợi ích đối với người tham gia giao thông, quyền con người được bảo vệ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, bí mật đời tư... như Hiến pháp năm 2013 đã quy định. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, “từ năm 2009 đến năm 2021, toàn quốc xảy ra hơn 361 nghìn vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 113 nghìn người, bị thương hơn 356 nghìn người, chiếm hơn 95% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông, gây thiệt hại rất lớn về tài sản, trung bình hằng năm có tới gần 9 nghìn người chết, gần 30 nghìn người bị thương vì tai nạn giao thông”3. Như vậy, con số người chết và bị tàn tật hằng năm do tai nạn giao thông là rất lớn, quyền sống, quyền an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông rõ ràng chưa được bảo vệ, bảo đảm tốt.
- Lợi ích đối với Nhà nước, bảo đảm tốt trật tự an toàn giao thông đường bộ nghĩa là các quyền của người tham gia giao thông được tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ. Điều này không chỉ nâng cao tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước, cụ thể là các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, mà còn góp phần phòng ngừa các hành vi vi phạm từ cơ quan công quyền, bảo vệ được cán bộ; giảm thiểu gánh nặng ngân sách; qua đó thể hiện uy tín, niềm tin của người dân đối với Nhà nước, cơ quan và các cán bộ công chức nhà nước.
- Lợi ích đối với xã hội, tai nạn giao thông dẫn đến chết người, tàn tật là gánh nặng xã hội rất lớn, do chi phí chăm sóc, cứu chữa, nuôi dưỡng nạn nhân của không chỉ gia đình nạn nhân mà ảnh hưởng tới chi phí xã hội, gánh nặng xã hội nói chung. Nên việc bảo đảm tốt quyền con người của người tham gia giao thông, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn trật tự xã hội, giảm các vụ việc tai nạn giao thông chết người, tàn tật sẽ mang lại lợi ích to lớn cho xã hội.
2. Nội dung cách tiếp cận quyền con người trong xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
2.1. Tiếp cận quyền con người trong xây dựng các quy định về hoạt động phòng ngừa vi phạm giao thông
- Các quy định về phòng ngừa tai nạn giao thông, vi phạm pháp luật giao thông, vi phạm quyền của người tham gia giao thông càng cụ thể càng tốt, kể cả nghĩa vụ và các hành vi cấm đối với người tham gia giao thông.
Các quy định phòng ngừa tai nạn giao thông không chỉ liên quan tới hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, dịch vụ vận tải, các quy định về quy tắc giao thông mà chủ yếu có liên quan tới hành vi của người tham gia giao thông. Vì theo thống kê của các cơ quan chức năng, “có hơn 70% các nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông tại Việt Nam liên quan tới nhân tố người tham gia giao thông. Trong đó có một số hành vi có nguy cơ cao dẫn tới tai nạn giao thông hoặc gây hậu quả lớn, như sử dụng rượu, bia khi lái xe; vi phạm quy định tốc độ; không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô, xe máy; không thắt dây an toàn trên ô tô hoặc không có thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô”4. Do đó, cần đặc biệt chú trọng đến các quy phạm pháp luật về phòng ngừa vi phạm từ phía người tham gia giao thông.
2.2. Tiếp cận quyền con người trong xây dựng các quy định về phòng ngừa vi phạm quyền con người trong hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Phòng ngừa vi phạm quyền con người trong hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là các quy phạm phòng ngừa hành vi của cơ quan thực thi công vụ. Trước hết cần nhận thức rõ, đây là hoạt động rất dễ đụng chạm đến quyền con người, có thể dẫn tới vi phạm quyền con người trong giao thông đường bộ, nếu không quy định rõ ràng, thẩm quyền đi đôi với trách nhiệm, nghĩa vụ. Chẳng hạn, thẩm quyền của cơ quan chức năng có quyền dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát; khám người, khám phương tiện vận tải, kiểm tra giấy tờ tùy thân, xử phạt vi phạm giao thông; huy động người, phương tiện, thiết bị; di chuyển phương tiện vi phạm dừng, đỗ trên đường bộ... Tất cả các hành vi này liên quan trực tiếp tới quyền con người, ranh giới giữa thực thi công vụ với sự lạm dụng thẩm quyền có thể xẩy ra.
- Cần có các quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cụ thể là lực lượng cảnh sát giao thông và lực lượng khác trong Công an nhân dân khi được huy động tham gia phối hợp với cảnh sát giao thông trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nhằm hạn chế vi phạm quyền con người, cần có các quy định về các hành vi bị cấm, áp dụng cho lực lượng cảnh sát giao thông và các lực lượng khác (cần cụ thể là lực lượng nào) trong hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
2.3. Tiếp cận quyền con người trong xây dựng các quy định về bảo vệ nhóm người yếu thế khi tham gia giao thông
Cần cụ thể hóa các nhóm đối tượng yếu thế khi tham gia giao thông, yêu cầu bắt buộc đối với hạ tầng giao thông dành cho người đi bộ, người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh tâm thần... Đặc biệt là cụ thể hóa trách nhiệm của cá nhân, tổ chức giúp đỡ đối với nhóm người yếu thế khi tham gia giao thông đường bộ.
2.4. Tiếp cận quyền con người trong xây dựng các quy định về giải quyết các vụ án tai nạn giao thông
Đây là vấn đề lớn nhất, phức tạp nhất trong bảo vệ quyền con người của người tham gia giao thông. Bảo vệ quyền con người trong vụ án tai nạn giao thông, phải tiếp cận bảo vệ quyền cho cả người gây hại và đặc biệt là người bị nạn. Cần có các quy định cụ thể quy trình giải quyết vụ việc/vụ án tai nạn giao thông, từ khi nhận được tin báo vụ tai nạn giao thông, đến tổ chức cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản, hạn chế thiệt hại. Đây là hoạt động đầu tiên và trực tiếp liên quan tới bảo đảm quyền con người, cụ thể là quyền được sống, quyền được bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, quyền được bảo vệ tài sản hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc cứu hộ, cứu nạn vừa nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nạn nhân, vừa nhằm bảo đảm an toàn cho người gây ra vụ tai nạn, không để họ bị xâm phạm thân thể, tài sản do sự bức xúc của phía bị hại hoặc của những người tham gia giao thông; các quy định về bảo vệ hiện trường; bảo vệ an toàn cho khám nghiệm hiện trường, bảo vệ tài sản của người bị nạn và hàng hóa trên phương tiện trong vụ tai nạn giao thông; các quy định về thu thập các thông tin ban đầu gồm phát hiện, thu thập các dấu vết liên quan đến vụ tai nạn, tìm người điều khiển phương tiện và những người có liên quan đến vụ tai nạn giao thông, kiểm tra nồng độ cồn hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng đối với người điều khiển phương tiện gây tai nạn, thu thập dữ liệu điện tử liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ.
Hoạt động bảo vệ hiện trường và thu thập thông tin ban đầu là điều kiện cần thiết đảm bảo cho việc điều tra làm rõ bản chất của vụ tai nạn giao thông, góp phần quan trọng xử lý đúng người, đúng tội khi tiến hành các hoạt động tố tụng trong giải quyết các vụ án tai nạn giao thông đường bộ.
Trong quá trình điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông đường bộ, cơ quan chức năng sẽ tiến hành áp dụng biện pháp tạm giữ, xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề và tạm giữ người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ liên quan đến vụ tai nạn giao thông để điều tra, xác minh theo thủ tục hành chính; khám nghiệm phương tiện giao thông liên quan đến vụ tai nạn giao thông; ghi lời khai của những người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan đến vụ tai nạn giao thông; ghi lời khai của những người bị nạn và người có liên quan khác trong vụ tai nạn giao thông; ghi lời khai của người làm chứng; tùy theo tính chất, mức độ của từng vụ tai nạn giao thông đường bộ có thể tiến hành xem xét dấu vết trên thân thể người bị nạn, xác định chỉ tiêu kỹ thuật cầu, đường liên quan đến vụ tai nạn giao thông, kiểm tra, xác minh phương tiện, người điều khiển phương tiện, hành khách, hàng hóa vận chuyển và các giấy tờ có liên quan; trong trường hợp cần thiết có thể dựng lại hiện trường, trưng cầu giám định chuyên môn.
Tất cả các hoạt động điều tra, xác minh nêu trên đều liên quan trực tiếp đến quyền con người; quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ tai nạn giao thông, từ người bị nạn đến người vi phạm, người làm chứng và cả các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp liên quan. Do đó vấn đề đặt ra các quy trình thủ tục, cần được cụ thể trong luật.
2.5. Tiếp cận quyền con người trong xây dựng các quy định bảo đảm an toàn, trật tự giao thông đường bộ trong trường hợp khẩn cấp về thiên tai, địch họa, dịch bệnh, chiến tranh
Thiên tai, dịch bệnh, địch họa hay chiến tranh đều có thể xảy ra, nên cần dự liệu các quy định về các vấn đề này ngay trong dự thảo luật. Đặc biệt, các trường hợp khẩn cấp về thiên tai, phòng, chống lụt, bão, biến đổi khí hậu..., vì tác động của các vấn đề này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới trật tự, an toàn giao thông, tác động đến quyền con người, quyền của người tham gia giao thông. Khi áp dụng các trường hợp khẩn cấp như vậy, có thể gián đoạn giao thông, có thể hạn chế quyền tự do đi lại của người dân, vậy cấp nào, cơ quan nào có thẩm quyền để áp dụng các biện pháp này. Thực tiễn cho thấy trong các trường hợp một khi phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp sẽ trực tiếp tác động tới quyền con người, như vừa qua do ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 một số địa phương tự động đào hào, đắp đất ngăn đường để hạn chế giao thông5 ngăn cản người từ các vùng dịch về hoặc đi qua địa phương.
3. Một số kiến nghị tiếp cận quyền con người trong xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
(i) Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ nguyên tắc công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, nên cần bổ sung nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong hoạt động về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời trên cơ sở các quyền con người, quyền công dân được quy định tại Chương 2 của Hiến pháp, cần cụ thể hóa hơn về quyền và nghĩa vụ của người tham gia giao thông ngay trong dự thảo Luật này.
(ii) Cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình trong hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông. Vì đây là hoạt động nhạy cảm, rất dễ lạm dụng của cán bộ thực thi công vụ, dễ dẫn tới vi phạm quyền con người trong thực thi thẩm quyền của lực lượng cảnh sát giao thông, như thẩm quyền được dừng các phương tiện giao thông đường bộ; áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm; quyền được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn giao thông; quyền được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác trong trường hợp cấp bách; quyền được trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ; quyền được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường, phân lại luồng, tuyến, nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông và các quyền khác theo quy định của pháp luật. Do đó, đi liền với các thẩm quyền, cần quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ và các hành vi bị cấm đối với cán bộ thi hành công vụ, cụ thể là nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ lợi dụng nhiệm vụ được giao để sách nhiễu, gây phiền hà hoặc có hành vi tiêu cực khác xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Các quy định thẩm quyền của lực lượng cảnh sát giao thông phải quán triệt và vận dụng đúng quy định về hạn chế quyền con người theo khoản 2, Điều 14 của Hiến pháp năm 2013, đó là: quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng6. Do đó, nên quy định trong luật, không được lợi dụng, lạm dụng hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để vi phạm quyền con người, quyền tự do của người tham gia giao thông. Đặc biệt, các quy định về hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần được cụ thể hóa thông qua các quy định về thẩm quyền và trách nhiệm, các quy định cấm, các hạn chế quyền của người tham gia giao thông trong chính đạo luật này, hạn chế việc ban hành các văn bản dưới luật để hướng dẫn. Và nguyên tắc xuyên suốt để xây dựng các quy định về thẩm quyền là cơ quan có thẩm quyền chỉ được làm những gì và pháp luật quy định, nghĩa là không được vượt quá thẩm quyền.
(iii) Do tính chất phức tạp của bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong giải quyết tai nạn giao thông, nên cần cụ thể hóa các quy trình, thủ tục giải quyết vụ việc/vụ án ngay trong Luật; nhất là thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, trước hết là lực lượng cảnh sát giao thông, và các cơ quan phối hợp như Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan y tế… Đối với lực lượng cảnh sát giao thông cần bổ sung quy định không được lợi dụng, lạm dụng công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông để xâm phạm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước.
(iv) Do tính chất dễ bị tổn thương của nhóm yếu thế khi tham gia giao thông như trẻ em, người khuyết tật, người già yếu…nên tách quy định hiện nay thành chương riêng, với cách tiếp cận bảo vệ quyền và lợi ích của nhóm đối tượng này. Cần cụ thể hóa trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các cán bộ thực thi công vụ và mọi người dân nâng cao ý thức, có tinh thần, trách nhiệm đúng đắn trong ứng xử, giúp đỡ những người yếu thế khi tham gia giao thông, góp phần hình thành văn hóa giao thông.
(v) Nghiên cứu bổ sung thêm các quy định liên quan tới bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ trong trường hợp khẩn cấp về thiên tai, địch họa, dịch bệnh, chiến tranh. Quy định rõ trong từng trường hợp khẩn cấp về các thảm họa thiên tai, địch họa, dịch bệnh thì thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông thế nào, các biện pháp bảo đảm, các biện pháp phòng, tránh lạm dụng quyền lực của cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương.
PGS.TS. Tường Duy Kiên
Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện CTQG Hồ Chí Minh
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 2/2022
---
Tài liệu trích dẫn
(1) Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản Lý luận chính trị. H 2021, trang 13,14.
(2) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hiến pháp năm 2013. Tại trang https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx. Truy cập ngày 06/2/2022.
(3) Bộ Công an (2022), Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ”, Hà Nội tháng 3/2022, trang 87.
(4) Bộ Công an (2022), Kỷ yếu “Hội thảo khoa học Hoàn thiện pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, những vấn đề lý luận và thực tiễn”, trang 273.
(5) Một số nơi đắp đất chặn đường, lãnh đạo Quảng Ninh yêu cầu chấm dứt. Tại trang [ https://tuoitre.vn/mot-so-noi-dap-dat-chan-duong-lanh-dao-quang-ninh-yeu-cau-cham-dut-20200403163159164.htm]. Truy cập ngày 10/3/2022.
(6), Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hiến pháp năm 2013. Tại trang https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx. Truy cập ngày 06/2/2022.