Bài viết trình bày phương pháp tiếp cận quyền con người trong giảng dạy Luật kinh tế, thương mại cho sinh viên Đại học Cần Thơ. Trong các học phần này, sinh viên được tìm hiểu về các quyền con người cụ thể áp dụng trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, bao gồm quyền bình đẳng và quyền tự do kinh doanh. Về phương pháp, tương tự như các quyền con người khác, sinh viên được nghiên cứu hai quyền trên theo phương pháp tiếp cận dựa trên quyền. con người.

Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn

Hiểu biết về quyền là điều kiện đầu tiên, không thể thiếu để có thể bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong thực tiễn một cách hiệu quả[1]. Nhận thấy tầm quan trọng của giáo dục về quyền con người, Trường Đại học Cần Thơ đã quyết định đưa quyền con người trở thành một học phần được giảng dạy trong khuôn khổ chương trình đào tạo cử nhân Luật. Trong học phần này, sinh viên được tiếp cận các vấn đề cơ bản của quyền con người như khái niệm, đặc điểm, tính chất của quyền con người; lịch sử phát triển của tư tưởng về quyền con người; các tiêu chuẩn pháp lý toàn cầu và khu vực về quyền con người; cơ chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở cấp đọ toàn cầu và khu vực; nhận thức và lịch sử phát triển về quyền con người ở Việt Nam; pháp luật và thực tiễn bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Bên cạnh đó, vấn đề quyền con người còn được lồng ghép vào việc giảng dạy các học phần khác, trong đó có học phần luật kinh tế và luật thương mại. Trong các học phần này, sinh viên có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về quyền bình đẳng và quyền tự do kinh doanh trong hoạt động thương mại. Giảng viên áp dụng phương pháp truyền thống trong nghiên cứu quyền con người, phương pháp tiếp cận dựa trên quyền là phương pháp hướng tới sự cân bằng cả hai yếu tố nội dung và cách thức thực thi quyền con người[2], để hướng dẫn sinh viên nghiên cứu hai quyền này. 

1. Quyền bình đẳng trong hoạt động thương mại

Quyền bình đẳng là cơ sở và nguyên tắc chung trong việc bảo vệ tất cả các quyền con người cho phép mọi người bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng[3]. Quyền này được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận như sau “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội[4]. Trong giảng dạy Luật kinh tế, luật thương mại tại Trường Đại học Cần Thơ, quyền này được tiếp cận theo hướng bình đẳng trong hoạt động thương mại. Các quy định pháp luật về quyền này được giới thiệu trước khi phân tích nội dung của quyền. Cụ thể, bình đẳng trong hoạt động thương mại là một trong những nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 10 Luật thương mại năm 2005 như sau “Thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động thương mại”. Luật Doanh nghiệp năm 2020 khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong việc “bảo đảm bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế[5]. Từ các quy định trên, sinh viên được hướng dẫn để phân tích nội dung quyền thông qua các câu hỏi cụ thể về chủ thể của quyền, chủ thể công nhận và đảm bảo quyền, ý nghĩa của quyền trong hoạt động thương mại. Chủ thể quyền cụ thể là thương nhân theo quy định của Luật thương mại năm 2005, trong đó có doanh nghiệp (sau đây gọi chung là thương nhân). Chủ thể có nghĩa vụ công nhận và bảo đảm quyền theo các quy định vừa liệt kê là Nhà nước. Tuy nhiên, trong hoạt động thương mại, cụ thể trong một hợp đồng song vụ, quyền của thương nhân này được đảm bảo bằng nghĩa vụ tương ứng của bên còn lại, do đó, các bên trong hợp đồng nói riêng và thương nhân nói chung đều có nghĩa vụ bảo đảm quyền bình đẳng. Việc công nhận và bảo đảm quyền bình đẳng cho phép các thương nhân thuộc tất cả các thành phần kinh tế, trong cùng điều kiện, hoàn cảnh như nhau có quyền và nghĩa vụ như nhau. Điều này tạo điều kiện cho các thương nhân cạnh tranh lành mạnh trong quá trình hoạt động của mình.

Sau khi tìm hiểu về chủ thể và nội dung quyền, vấn đề thời hạn của quyền bình đẳng trong hoạt động thương mại cũng được giới thiệu trong giảng dạy Luật kinh tế, thương mại cho sinh viên Trường Đại học Cần Thơ. Nhằm giúp sinh viên dễ dàng ghi nhớ, giảng viên trước tiên đặt câu hỏi về thời điểm bắt đầu và chấm dứt quyền bình đẳng của cá nhân và từ đó tạo mối liên hệ đến thời hạn thương nhân được hưởng quyền bình đẳng. Tương tự cá nhân, thương nhân có quyền bình đẳng trong suốt thời gian tồn tại của họ, nói cách khác là từ khi bắt đầu thành lập cho đến khi giải thể hoặc phá sản. Trong quá trình đăng ký thành lập, quyền bình đẳng được thể hiện thông qua việc có cùng các quy định về điều kiện, thủ tục pháp luật áp dụng. Trong hoạt động kinh doanh, các thương nhân đều bình đẳng trong việc tiếp cận thị trường, các nguồn lực về lao động, bình đẳng trong cạnh tranh, giải quyết tranh chấp và các nghĩa vụ về thuế. Quyền bình đẳng còn thể hiện trong quá trình giải thể hoặc phá sản. Thương nhân, không phân biệt sở hữu hay hình thức tổ chức, đều có quyền yêu cầu toà án tuyên bố phá sản khi có đủ điều kiện hay đăng ký giải thể doanh nghiệp một cách tự nguyện hoặc đều bị buộc phải thực hiện giải thể, phá sản doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh quyền bình đẳng trong hoạt động thương mại, trong khuôn khổ học phần Luật kinh tế, thương mại, sinh viên còn được tiếp cận quyền tự do kinh doanh, một trong những quyền con người cơ bản được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận[6].

2. Quyền tự do kinh doanh

Tương tự như cách tiếp cận đối với quyền bình đẳng, trong học phần Luật kinh tế, thương. mại, sinh viên trước hết được giới thiệu về quy định pháp luật công nhận quyền. Là một trong những quyền con người được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013, quyền tự do kinh doanh được quy định như sau “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm[7]. Khoản 2 Điều 6 Luật thương mại năm 2005 quy định “Thương nhân có quyền hoạt động thương mại trong các ngành nghề, tại các địa bàn, dưới các hình thức và theo các phương thức mà pháp luật không cấm”. Điều 7 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định về quyền của doanh nghiệp trong đó khoản 1 quy định “Tự do kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật không cấm”.

Tiếp theo, sinh viên được tìm hiểu về ý nghĩa của quyền tự do kinh doanh. Quyền tự do kinh doanh là quyền có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi con người và toàn xã hội. Đối với cá nhân, quyền này tạo điều kiện để tự do tiến hành các hoạt động kinh tế, thương mại nhằm tạo ra lợi nhuận đáp ứng nhu cầu của họ. Đối với xã hội, quyền này là nền tảng quan trọng cho việc phân công lao động xã hội một cách hợp lý.

Vấn đề tiếp theo là xem xét quyền này là quyền tuyệt đối hay quyền có thể bị hạn chế. Từ các quy định trên, có thể thấy, quyền tự do kinh doanh của thương nhân không phải là một quyền tuyệt đối, quyền này bị hạn chế trong khuôn khổ pháp luật. Thương nhân chỉ được thực hiện quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Do đó, quyền tự do kinh doanh của thương nhân được tiếp cận dưới góc độ quyền chủ thể[8]. Nội dung quyền tự do kinh doanh của thương nhân bao gồm: tự do thành lập doanh nghiệp; tự do lựa chọn ngành nghề và quy mô kinh doanh; tự do hợp đồng; tự do quyết định các vấn đề trong quá trình hoạt động kinh đoanh; quyền tổ chức lại, rút lui khỏi thị trường[9].

2.1. Quyền tự do thành lập doanh nghiệp

Quyền tự do thành lập doanh nghiệp là nội dung cơ bản của quyền tự do kinh doanh, là tiền đề để thương nhân có thể thực hiện các quyền khác trong nội dung của quyền tự do kinh doanh. Quyền tự do thành lập doanh nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật doanh nghiệp năm 2020 như sau “Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”. Quy định này một mặt khẳng định quyền tự do thành lập doanh nghiệp của tổ chức, cá nhân, mặt khác khẳng định quyền này bị hạn chế theo quy định của luật và có những trường hợp không có quyền thành lập doanh nghiệp[10]. Như vậy, mọi cá nhân, tổ chức không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 17 đều có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.

2.2. Quyền tự do lựa chọn ngành nghề và quy mô kinh doanh

Quyền tự do lựa chọn ngành nghề và quy mô kinh doanh cho phép thương nhân tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm. Các ngành, nghề bị cấm đầu tư, kinh doanh được quy định tại Điều 6 Luật đầu tư năm 2020 bao gồm “kinh doanh các chất ma tuý quy định tại Phụ lục I của Luật này; kinh doanh các loại hoá chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này; kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, đông vật hoang dã nguy cấp, mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thuỷ sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục II của Luật này; kinh doanh mại dâm; mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể, bào thai người; hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người; kinh doanh pháo nổ; kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Như vậy, ngoại trừ các trường hợp được liệt kê tại Điều 6 Luật đầu tư thì thương nhân có quyền tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh. Bên cạnh các ngành, nghề bị cấm đầu tư, kinh doanh, pháp luật còn quy định các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Thương nhân phải đáp ứng và đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện đó trong quá trình đầu tư kinh doanh. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là “ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng[11]. Danh mục các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có thể được tìm thấy tại Phụ lục IV của Luật đầu tư năm 2020. Cũng theo quy định của Luật đầu tư thì điều kiện đầy tư kinh doanh được áp dụng theo các hình thức “giấy phép; giấy chứng nhận; chứng chỉ; văn bản xác nhận, chấp thuận[12]. Ngoài ra, quyền này còn cho phép thương nhân tự do lựa chọn mô hình kinh doanh từ việc quyến định vốn đầu tư, với điều kiện mức vốn đó đáp ứng yêu cầu tối thiểu về vốn pháp định nếu là kinh doanh một số ngành nghề đặc thù, đến việc quyết định điều chỉnh quy mô kinh doanh thông qua hoạt động huy động vốn. Bên cạnh đó, thương nhân còn được tự do lựa chọn mô hình tổ chức kinh tế để thực hiện hoạt động kinh doanh như hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần, với điều kiện phải đảm bảo tuân thủ các quy định về loại hình đó.

2.3. Quyền tự do hợp đồng

Tự do hợp đồng là một quyền tiếp theo trong nội dung của quyền tự do kinh doanh. Tự do hợp đồng cho phép các bên trong hoạt động thương mại được tự do lựa chọn bên giao kết hợp đồng, tự do đàm phán, thoả thuận nội dung hợp đồng, tự do lựa chọn hình thức hợp đồng. Các bên trong hợp đồng tham gia một cách tự nguyện, không một cá nhân, tổ chức nào kể cả Nhà nước được can thiệp làm thay đổi ý chí của các bên. Các trường hợp lừa dối, đe doạ hay cưỡng ép đều sẽ dẫn đến hợp đồng vô hiệu[13].

Tuy nhiên, tự do hợp đồng không phải là một quyền tuyệt đối, mà quyền này bị hạn chế. Cụ thể, Luật thương mại năm 2005 quy định “Các bên có quyền tự do thoả thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó[14]. Hạn chế này cũng được quy định tại Điều 123 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau: “Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng”. Các quy định này nhằm đảm bảo các bên trong hợp đồng tôn trọng quyền tự do hợp đồng của người khác, lợi ích xã hội và trật tự công cộng.

Tự do hợp đồng còn cho phép các bên được lựa chọn hình thức của hợp đồng, như lời nói, văn bản, hành vi. Tuy nhiên tự do này cũng bị hạn chế trong trường hợp pháp luật có quy định về hình thức bắt buộc của một số loại hợp đồng nhất định, ví dụ như hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương[15]. Ngoài ra, tự do hợp đồng còn bị hạn chế trong trường hợp bảo về quyền lợi của người tiêu dùng. Cụ thể, các điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực nếu như loại trừ trách nhiệm của thương nhân; hạn chế, loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng; cho phép thương nhân thay đổi điều kiện hợp đồng; cho phép thương nhân đơn phương xác định người tiêu dùng không thực hiện một hoặc một số nghĩa vụ; cho phép thương nhân thay đổi giá tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ; cho phép thương nhân giải thích hợp đồng trong trường hợp điều khoản của hợp đồng được hiểu khác nhau; loại trừ trách nhiệm của thương nhân trong trường hợp cung ứng hàng hoá, dịch vụ thông qua bên thứ ba; bắt buộc người tiêu dùng tuân thủ nghĩa vụ ngay cả khi thương nhân không hoàn thành nghĩa vụ; cho phép thương nhân chuyển giao nghĩa vụ cho bên thứ ba mà không được người tiêu dùng đồng ý[16].

2.4. Tự do quyết định các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh

Quyền này cho phép các thương nhân tự do lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hoà giải hoặc thông qua Trọng tài thương mại hoặc giải quyết tranh chấp bằng con đường Toà án[17]. Quyền yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp được quy định tại Điều 4 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, thương nhân có quyền chọn toà án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp phát sinh. Các bên trong hợp đồng thương mại cũng có quyền yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp nếu có thoả thuận trọng tài được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp[18]. Toà án phải từ chối thụ lý trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại toà án, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thể thực hiện được[19]. Bên cạnh đó, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, các Điều 26, 30, 32 quy định về thẩm quyền của toà án trong việc giải quyết các tranh chấp về dân sụ, kinh doanh thương mại và lao động cho phép xác định thẩm quyền đương nhiên của toà án trong giải quyết tranh chấp khi các bên không có thoả thuận về các phương thức giải quyết tranh chấp.

Nhà nước còn ghi nhận và bảo đảm quyền tự do cạnh tranh của thương nhân. Các quy định về cạnh tranh và tự do cạnh tranh được ghi nhận chủ yếu trong Luật cạnh tranh năm 2018. Các quy định về “hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh[20], là những công cụ đảm bảo cho cạnh tranh diễn ra công bằng, là công cụ pháp luật được xây dựng để kiếm soát chống độc quyền, để đảm bảo tự do cạnh tranh giữa các thương nhân. Ngoài ra, quyền tự do cạnh tranh còn được quy định trong các văn bản như Luật sở hữu trí tuệ và Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nhà nước cũng ghi nhận và bảo vệ quyền sở hữu tài sản của thương nhân. Nhà nước quy định những quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản để chủ sở hữu thực hiện quyền một cách an toàn, đồng thời quy định những biện pháp pháp lý để đảm bảo quyền sở hữu. Cụ thể, quyền sở hữu được quy định tại khoản 1 Điều 32 Hiến pháp như sau “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc các tổ chức kinh tế khác”. Quyền sở hữu của thương nhân được khẳng định và bảo đảm theo quy định của Luật doanh nghiệp như sau “Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, quyền và lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp. Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp không bị quốc hữu hoá, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính […]”[21].

2.5. Quyền tổ chức lại, rút lui khỏi thị trường

Thương nhân có quyền tự do quyết định tổ chức lại doanh nghiệp thông qua việc chia,tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi doanh nghiệp[22], và có quyền quyết định giải thể và phá sản doanh nghiệp. Luật doanh nghiệp năm 2020 dành chương IX để quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp. Thủ tục phá sản doanh nghiệp được quy định tại Luật phá sản năm 2014. Các quy định này tạo hành lang pháp lý rõ ràng để giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình tổ chức lại hoặc rút lui khỏi thị trường.

Tóm lại, hiện tại, trong giảng dạy Luật kinh tế, thương mại cho sinh viên Đại học Cần Thơ, các quyền con người, chủ yếu là quyền bình đẳng và quyền tự do kinh doanh được tiếp cận theo phương pháp tiếp cận dưạ trên quyền để giúp sinh viên có cái nhìn bao quát về các quy định pháp luật về nội dung và cách thức thực thi hai quyền này trong hoạt động thương mại. Định hướng trong thời gian sắp tới, việc giảng dạy học phần Luật kinh tế, thương mại có thể bổ sung quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường để đảm bảo “mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường[23].

Nguyễn Võ Linh Giang

Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ


[1] Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng, Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2011, tr. 23.

[2] Vũ Công Giao, “Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và khả năng áp dụng vào hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật ở Việt Nam hiện nay”, http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210403, truy cập ngày 15/9/2022.

[3] Nguyễn. Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng, Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người, sđd, tr. 156.

[4] Điều 16 Hiến pháp năm 2013.

[5] Khoản 1 Điều 5 Luật doanh nghiệp năm 2020.

[6] Điều 33 Hiến pháp năm 2013.

[7] Điều 33 Hiến pháp năm 2013.

[8] Bùi Ngọc Cường, “Khái niệm quyền tự do kinh doanh”, trong cuốn: Một số vấn đề về quyền tự do kinh doanh trong pháp luật kinh tế hiện hành, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 14-20.

[9] Mai Hồng Quỳ, Tự do kinh doanh và vấn đề bảo đảm quyền con người tại Việt Nam, Nxb. Lao động, TP. Hồ Chí Minh, 2012, tr. 106; Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật thương mại Việt Nam Tập I, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2018, tr. 77.

[10] Khoản 2 Điều 17 Luật doanh nghiệp năm 2020.

[11] Khoản 1 Điều 7 Luật đầu tư năm 2020.

[12] Khoản 6 Điều 7 Luật đầu tư năm 2020.

[13] Điều 127 Bộ luật dân sự năm 2015.

[14] Khoản 1 điều 11 Luật thương mại năm 2005.

[15] Điều 285 Luật thương mại năm 2005.

[16] Khoản 1 Điều 16 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

[17] Điều 317 Luật thương mại năm 2005.

[18] Khoản 1 Điều 5 Luật trọng tài thương mại năm 2010.

[19] Điều. 6 Luật trọng tài thương mại năm 2010.

[20] Điều 1 Luật cạnh tranh năm 2018.

[21] Khoản 2, 3 Điều 5 Luật doanh nghiệp năm 2020.

[22] Khoản 31 Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2020.

[23] Điều 43 Hiến pháp năm 2013.