Quyền con người là những quyền tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Ở Việt Nam, quyền con người được tôn trọng và được ghi nhận trong Hiến pháp – văn bản có giá trị pháp lý tối cao trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Nhận thấy được tầm quan trọng về quyền con người, Trường Đại học Nam Cần Thơ đã kịp thời triển khai nội dung quyền con người vào công tác dạy và học tại Trường. Trong quá trình triển khai đã đạt được những thuận lợi nhất định, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số khó khăn.

Ảnh minh họa. Nguồn: baophapluat.vn

1. Tầm quan trọng của việc giáo dục quyền con người cho sinh viên trường đại học

Quyền con người là toàn bộ các quyền tự do và đặc quyền được công nhận dành cho con người do tính chất nhân bản của nó, sinh ra từ bản chất con người chứ không phải được tạo ra bởi pháp luật hiện hành. Đây là những quyền tự nhiên, thiêng liêng và bất khả xâm phạm do đấng tạo hóa ban cho con người như quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc..., những quyền tối thiểu của con người mà bất kỳ Chính phủ nào cũng phải bảo vệ.  

Quyền con người không những được nhìn nhận trên quan điểm các quyền tự nhiên (natural rights) mà nó còn được nhìn nhận trên quan điểm các quyền pháp lý (legal right). Theo đó “quyền con người được hiểu là những đảm bảo pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và sự tự do cơ bản của con người”.[1]

Từ những phân tích trên có thể thấy: Quyền con người là những quyền không bị tước bỏ bởi bất kỳ một cá nhân và chính thể nào. Đó là quyền sống, quyền tự do, quyền được mưu cầu hạnh phúc, quyền được bảo vệ và bình đẳng trước pháp luật, quyền an ninh thân thể… Đó cũng chính là những khát vọng đòi hỏi chính đáng cho những nhu cầu đáp ứng một cuộc sống không còn sự đàn áp, bóc lột mà hướng tới những giá trị cao đẹp, nó không bị phá hủy trong bất kỳ một xã hội nào và cũng không có bất kỳ Chính phủ nào có quyền tước bỏ nó khỏi xã hội. Nói cách khác, quyền con người đóng một vai trò “là cơ sở để xác định tính điều chỉnh tự định đoạt của con người, khả năng độc lập của con người trong việc giải quyết các nhu cầu cá nhân.[2]          

Trong mỗi quốc gia, quyền con người là thước đo, là giá trị đo lường cơ bản nhất cho mức độ tiến bộ dân chủ, tự do, công bằng và văn minh. Tư tưởng đề cao pháp luật với việc bảo đảm quyền con người cũng được phát triển nhiều bởi nhiều nhà tư tưởng nổi tiếng của nhân loại và điều này đã được chứng minh trên thực tế bởi sự ra đời ngày càng nhiều các văn bản pháp luật quốc gia và quốc tế về các quyền và sự tự do của con người, từ Bộ luật về các quyền (the Bill of Rights, 1689) của nước Anh; Tuyên ngôn về các quyền con người và của công dân (the Declaration of the Rights of Man and of the Citizen, 1789) của nước Pháp; Tuyên ngôn Độc lập (the Declaration of Independence, 1776) và Bộ luật về các quyền (the Bill of Rights, 1789/1791) của Mỹ và cho tới Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 và các văn kiện quốc tế về quyền con người do Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ban hành tính từ đầu thế kỷ XX đến nay… Liên hợp quốc đã ban hành hàng loạt các văn kiện khẳng định quyền và tự do của tất cả mọi người, đặc biệt khi Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 và Tuyên ngôn thế giới về quyền con người 1948 ra đời đã tạo ra một bước ngoặc lớn cho sự phát triển của lịch sử nhân loại, biến quyền con người trở thành một quan hệ cơ bản được điều chỉnh bằng pháp luật quốc tế. Những tư tưởng đó thấm nhuần theo những biến động của lịch sử dân tộc, hun đúc trong tâm hồn của mỗi cá nhân, tư tưởng đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết trong câu nói nổi tiếng đã trở thành chân lý của nhân dân ta, đó là “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Ngày 05/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số: 1309/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân với mục tiêu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về tầm quan trọng, ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân, tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác; ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước và xã hội, góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững của đất nước.

Giáo dục quyền con người có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức xã hội, giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền con người. Trong thời gian qua, thực hiện Quyết định số: 1309/QĐ-TTg ngày 05/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ, kết quả bước đầu triển khai Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, quản lý, cũng như các nhà giáo, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân để tiếp tục đẩy mạnh giáo dục quyền con người phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân trong tình hình mới.

Quyền con người được nhận thức đúng đắn, hình thành sớm trong tư duy của các cá nhân ngay từ khi còn trẻ tạo tiền đề cho việc thúc đẩy sự nghiệp giáo dục nhân quyền ở Việt Nam, thực tế trên thế giới đã chứng minh tính hữu ích khi mỗi cá nhân được tiếp cận với nhân quyền ngay trong nền giáo dục của mỗi quốc gia.

2. Phương pháp triển khai giáo dục quyền con người tại Trường Đại học Nam Cần Thơ

Xác định nội dung là yếu tố hàng đầu của việc đưa chương trình giáo dục quyền con người vào hoạt động giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học. Giáo dục quyền con người đem đến cho con người cảm nhận và hành động về trách nhiệm của bản thân trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, trao cho họ các kỹ năng để hành động phù hợp với định hướng phát triển chung của Đảng và nhà nước ta.

 Nhận thấy được tầm quan trọng của việc giáo dục quyền con người là một yêu cầu khách quan, có ý nghĩa phù hợp trong việc xây dựng và củng cố nền dân chủ cũng như góp phần xây dựng thành công nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Trường Đại học Nam Cần Thơ đã xây dựng và không ngừng hoàn thiện nâng cao chất lượng Chương trình đào tạo bậc cử nhân, Nhà trường đã quan tâm lồng ghép, đưa các nội dung giáo dục quyền con người phù hợp với mục tiêu đào tạo các ngành của Trường với các phương pháp triển khai như sau:

Thứ nhất, đối với sinh viên không chuyên ngành Luật

Nội dung quyền con người đã được giảng viên giảng dạy trong học phần pháp luật đại cương (đây là học phần do tập thể giảng viên Khoa Luật Trường Đại học Nam Cần Thơ biên soạn gồm 10 Chương, trong đó Chương 2 là quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) tập trung giảng dạy cho sinh viên kiến thức về tầm quan trọng và vai trò của quyền con người theo pháp luật quốc tế và theo Hiến pháp Việt Nam.

Ngoài ra, ở các Chương khác của học phần pháp luật đại cương thì nội dung quyền con người vẫn được lồng ghép khi triển khai nội dung bài giảng chẳng hạn như ở Chương 5 - Pháp luật về kinh doanh-thương mại thì quyền con người trong việc tự do kinh doanh, tự do lựa chọn ngành nghề, loại hình doanh nghiệp được giảng viên giảng dạy chi tiết để sinh viên hiểu rõ các quyền cơ bản của con người khi tham gia vào nền kinh tế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng; hay ở Chương 9 - Pháp luật lao động, quyền con người về việc tự do lựa chọn việc làm đã được cụ thể hóa trong nội dung môn học để sinh viên nắm rõ quyền của người lao động Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung trong việc tự do lựa chọn, thay đổi việc làm theo sở thích, năng lực và nhu cầu của bản thân và xã hội.

Thứ hai, đối với sinh viên chuyên ngành Luật

Ở Việt Nam, nội dung giáo dục quyền con người nhất thiết cần phải nhấn mạnh vào giáo dục Hiến pháp như một phần quan trọng không thể thiếu trong sự nghiệp giáo dục quyền con người. Do đó, quyền con người là nội hàm cốt lỗi, chủ yếu, là một trong những nội dung quan trọng của học phần Luật Hiến pháp – được giảng dạy vào học kỳ thứ ba cho sinh viên chuyên ngành Luật và Luật Kinh tế.

Giáo dục quyền con người thông qua môn Hiến pháp, sinh viên vừa tiếp cận quyền con người thông qua lăng kính quyền lực nhà nước, đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân, khát khao của dân tộc về sự phát triển của một xã hội công bằng, tự do, dân chủ và văn minh. Thông qua đó, thấy được nền dân chủ vững chắc của nhà nước ta được bảo đảm, thực thi bởi sức mạnh quyền lực nhà nước trong việc thực hiện các nghĩa vụ và các quyền hợp pháp của cá nhân, tổ chức theo Luật định.

Bên cạnh đó, ở học kỳ thứ 8, sinh viên chuyên ngành Luật của Trường còn được tự chọn học phần Quyền con người với thời lượng 30 tiết. Mặc dù đây là học phần tự chọn nhưng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Nhà trường, lãnh đạo Khoa, tập thể cố vấn học tập Khoa Luật luôn khuyến khích sinh viên lựa chọn học phần quyền con người để nâng cao kiến thức... Học phần này, sinh viên sẽ được giảng dạy những kiến thức chuyên sâu về các khái niệm, phương diện, đặc điểm, tính đặc trưng trong các nội dung cụ thể theo từng bài giảng chuyên đề, các phạm trù về nhân quyền. Đồng thời thông qua các chính sách của Đảng và nhà nước về quyền con người, sinh viên có thể đi sâu tiếp cận rõ hơn về định hướng phát triển nhân quyền ở nước ta, thông qua nhiều hình thức giảng dạy mới thú vị và mang lại hiệu quả cao, kết hợp thuyết giảng và cho sinh thuyết trình về các chủ đề có liên quan đến quyền con người. Từ đó, đạt được các mục tiêu giáo dục quyền con người đối sinh viên chuyên ngành tại Trường Đại học Nam Cần Thơ.

Mặt khác, ở các học phần còn lại trong chương trình đào tạo cử nhân Luật của Trường Đại học Nam Cần Thơ thì những quy định cơ bản về quyền con người cũng được ghi nhận và giảng dạy cho sinh viên lồng ghép vào nội dung môn học, chẳng hạn như: Đối với môn Luật dân sự, sinh viên sẽ được tiếp cận với các nhóm quyền như quyền tự do ngôn luận, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền có quốc tịch, quyền có tên, quyền sở hữu tài sản,… Ở môn Luật hình sự còn đề cập đến các quyền mà công dân được pháp luật bảo vệ như: Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, uy tín…

3. Thuận lợi khi xây dựng và triển khai nội dung quyền con người trong giảng dạy đại học tại Trường Đại học Nam Cần Thơ

Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, giáo dục nhân quyền không hiện diện trong các chương trình giảng dạy của tất cả các trường đại học mà chỉ phân bổ ở các trường có mở các chuyên ngành như chuyên ngành luật, khoa học chính trị, quan hệ quốc tế… Hiện nay, hoạt động dạy và học về quyền con người ở Trường Đại học Nam Cần Thơ nói chung và sinh viên Khoa Luật nói riêng đã và đang diễn ra rất thuận lợi, có nhiều điều kiện để phát triển sự nghiệp giáo dục nhân quyền ở tại Trường, cụ thể như sau:

Một là, Đảng và nhà nước đã thấy được tầm quan trọng của quyền con người nên đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, cụ thể ngày 05/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1309/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, điều này tạo nên cơ sở pháp lý vững chắc cho việc đầu tư, phát triển giáo dục nhân quyền ở các cơ sở đào tạo đại học nói chung và Trường Đại học Nam Cần Thơ nói riêng, tạo sự thống nhất trong tiến trình cải cách, lồng ghép nội dung phát triển giá trị quyền con người trong sự nghiệp giáo dục, tạo nền tảng cho việc đào tạo lực lượng lao động đáp ứng đủ các yêu cầu xã hội trong xu thế hội nhập.

Hai là, chính quyền địa phương đã có sự quan tâm đúng mức trong việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn thành phố Cần Thơ, cụ thể: ngày 11/7/2022, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 152/KH-UBND triển khai thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Theo đó, kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người để tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục về tầm quan trọng, ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân. Kế hoạch đề ra 04 nội dung như sau: (1) Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong các cấp học trên địa bàn thành phố; (2) Bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên; (3) Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy quyền con người; (4) Tăng cường thực hiện các hoạt động giáo dục trong Nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội.

Ba là, lãnh đạo Nhà trường và Khoa Luật luôn quan tâm, chỉ đạo kịp thời công tác cải tiến chất lượng các chương trình đào tạo. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đưa nội dung quyền con người vào giảng dạy, ngay lập tức Ban giám hiệu Trường Đại học Nam Cần Thơ đã có chỉ đạo cho Khoa Luật biên soạn giáo trình Pháp luật đại cương và năm 2018, tập thể giảng viên Khoa Luật đã hoàn thành công tác biên soạn và Trường Đại học Nam Cần Thơ đã xuất bản giáo trình Pháp luật đại cương có lồng ghép quyền con người để giảng dạy cho sinh viên toàn Trường. Trường còn tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho giảng viên Khoa Luật tham dự lớp tập huấn về quyền con người được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh để nâng cao kiến thức về quyền con người, phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy tại Trường.

 Bốn là, với sự quan tâm của lãnh đạo Khoa Luật, tập thể giảng viên Khoa Luật ý thức được tầm quan trọng của quyền con người trong giảng dạy đại học nên chủ động học hỏi nâng cao trình độ, hiểu biết, phối hợp với nhà xuất bản chính trị quốc gia – chi nhánh Cần Thơ đặt sách chuyên khảo, giáo trình có liên quan đến quyền con người để nâng cao hiểu biết và giới thiệu cho sinh viên của Trường; liên kết với Thư viện Trường Đại học Nam Cần Thơ đặt sách chuyên khảo về quyền con người để sinh viên có tư liệu học tập, nghiên cứu, hiện tại Thư viện Trường Đại học Nam Cần Thơ có trên 10 đầu sách về quyền con người để sinh viên học tập như: sách chuyên khảo giới hạn chính đáng đối với các quyền con người, quyền công dân trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam của tác giả Nguyễn Minh Tuấn (chủ biên), giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người của tác giả Nguyễn Đăng Dung (chủ biên), sách chuyên khảo quyền con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam của tác giả Mai Hồng Quỳ (chủ biên)....

4. Khó khăn và giải pháp khắc phục khi xây dựng và triển khai nội dung quyền con người trong giảng dạy đại học tại Trường Đại học Nam Cần Thơ

Công tác xây dựng và triển khai nội dung quyền con người trong giảng dạy đại học tại Trường Đại học Nam Cần Thơ hiện nay vẫn còn tồn tại một số khó khăn, chẳng hạn như:

Một là, quyền con người mang tính trừu tượng và nặng lý thuyết, tiếp cận với quyền con người đồng nghĩa với tiếp cận với một khối lượng lý thuyết lớn bao gồm hệ thống các văn bản pháp luật quốc tế, hệ thống pháp luật Việt Nam quy định về quyền con người, cho nên sinh viên sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu được nội dung cốt lõi của quyền con người.

Trên cơ sở đó, để chất lượng giảng dạy đạt hiệu quả cao, tránh gây sự nhàm chán trong việc giảng dạy, nhận thấy rằng cần xây dựng và khắc phục theo một số giải pháp như sau:

Đối với giảng viên: Trong quá trình giảng dạy về quyền con người, giảng viên nên hướng dẫn thông qua những phương pháp giảng dạy theo tình huống, áp dụng các bài học thực tế, phân tích tình huống luật để áp dụng các điều luật. Do đó, giảng viên cần chú trọng định hướng cho sinh viên những tài liệu liên quan đến môn học, giúp sinh viên nghiên cứu quyền con người qua việc tìm hiểu các quy định của quốc tế và Việt Nam về vấn đề này.

Khuyến khích sinh viên thành lập các câu lạc bộ chuyên ngành để sinh viên có thể cùng nhau học tập, sinh hoạt chủ đề môn học theo tháng, học nhóm, cùng nhau thảo luận những vướng mắc, khó khăn trong quá trình học tập; để từ đó cùng có hướng giải quyết và phương pháp học tích cực.

Đối với sinh viên: Thường xuyên trao đổi, thảo luận về quyền con người trên lớp thông qua việc làm bài tập lớn theo nhóm, đóng vai luật sư tư vấn, diễn thuyết vấn đề nghiên cứu... theo sự hướng dẫn của giảng viên. Bên cạnh đó, sinh viên cần được viết bài nghiên cứu theo chủ đề quyền con người, được làm các bài tập tình huống về các vấn đề về quyền con người theo quy định của Luật quốc tế và của Việt Nam... Những phương pháp này sẽ giúp sinh viên tiếp thu hiệu quả kiến thức và có khả năng nghiên cứu khoa học.

Tăng cường cho sinh viên cơ hội tham gia hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế, hội thảo chuyên đề, tọa đàm, bồi dưỡng chuyên môn... Qua những hoạt động này sẽ giúp sinh viên tiếp nhận kiến thức mới một cách dễ dàng, bên cạnh đó còn giúp sinh viên định hướng và lựa chọn những vấn đề nghiên cứu mới.

Hai là, trong quá trình giảng dạy quyền con người, các tài liệu hỗ trợ giảng dạy cũng góp phần ảnh hưởng lớn đến chất lượng giảng dạy. Hiện nay ở Trường Đại học Nam Cần Thơ chủ yếu là giáo trình và sách chuyên khảo của các tác giả, các trường đại học khác ở Việt Nam. Trường chưa xuất bản tài liệu về quyền con người để phục vụ công tác dạy và học cho sinh viên chuyên ngành Luật. Vì thế, trong thời gian sắp tới, Nhà trường và Khoa cần chú trọng đẩy mạnh xây dựng tài liệu giảng dạy quyền con người cho sinh viên chuyên ngành, xuất bản sách chuyên khảo, giáo trình quyền con người làm tài liệu nghiên cứu cho sinh viên chuyên ngành Luật đang theo học tại Trường.

Ba là, việc nâng cao chất lượng trình độ giảng viên nhất là trong lĩnh vực giáo dục quyền con người là một vấn đề vô cùng quan trọng, cần được chú trọng phát triển trong kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo nhân quyền ở bậc cử nhân. Để khắc phục vấn đề này, nhận thấy rằng học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh định kỳ hàng quý có thể tổ chức tập huấn để giảng viên của Trường có thể được nâng cao kiến thức, sau đó về đơn vị triển khai lại nội dung cho cán bộ, giảng viên của Trường, có vậy thì mỗi giảng viên đều biết và có trách nhiệm nhắc nhở, động viên sinh viên học tập về quyền con người được tốt hơn.

Bốn là, công tác truyền thông về đề án giáo dục quyền con người của Chính phủ hiện nay còn nhiều đối tượng chưa tiếp cận được, chủ yếu tại thành phố Cần Thơ chỉ những giảng viên giảng dạy về quyền con người, Hiến pháp và lãnh đạo địa phương, lãnh đạo Nhà trường mới nắm bắt kịp các thông tin... Giải pháp cho vấn đề là cần đẩy mạnh các kênh truyền thông qua tivi, các cuộc thi online, thi hùng biện về quyền con người, quảng bá truyền thông qua ứng dụng ADS trên mạng xã hội để nhiều đối tượng được biết, phối hợp các Trường có đào tạo Luật tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về quyền con người trên thế giới và tại Việt Nam để nội dung quyền con người được biết đến nhiều hơn và vận dụng tốt hơn trong thực tiễn.

Ths. Nguyễn Mộng Cầm

Phó trưởng Bộ môn Luật học  – Khoa Luật - Trường Đại học Nam Cần Thơ

Ths. Nguyễn Thị Kim Nhiên

Giảng viên Khoa Luật  - Trường Đại học Nam Cần Thơ


[2] Phạm Khiêm Ích – Hoàng Văn Hảo (1995), Quyền con người trong thế giới hiện đại, Viện TTKHXH – TTNCQCN, Hà Nội.

-----

Tài liệu tham khảo

  1. Hiến pháp Việt Nam năm 2013.
  2. Phạm Khiêm Ích – Hoàng Văn Hảo (1995), Quyền con người trong thế giới hiện đại, Viện TTKHXH – TTNCQCN Hà Nội.
  3. Ngọc Trâm, Tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, https://nhatrang.khanhhoa.gov.vn/vi/van-hoa-xa-hoi/tang-cuong-thuc-hien-de-an-dua-noi-dung-quyen-con-nguoi-vao-chuong-trinh-giao-duc-trong-he-thong-giao-duc-quoc-dan [truy cập ngày 16/09/2022].
  4. Trường Đại học Nam Cần Thơ (2018), Giáo trình Pháp luật đại cương, Nxb. Đại học Cần Thơ.
  5. Nâng cao hiệu quả đảm bảo quyền con người trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, http://www.lapphap.vn/Pages/TinTuc/211039/Nang-cao-hieu-qua-bao-dam-quyen-con-nguoi-trong-xay-dung-Nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-Viet-Nam.html [truy cập ngày 17/09/2022].
  6. Cơ sở nghiên cứu/đào tạo trong thực hiện khuyến nghị UPR về giáo dục quyền con   người tại Việt nam, http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210302  [truy cập ngày 17/09/2022].