Học viện Ngân hàng là một trong những trường đại học ở Hà Nội có chuyên ngành đào tạo đa dạng liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Bên cạnh việc am hiểu sâu về chuyên được đào tạo, các cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong quá trình theo học tại Học viện Ngân hàng còn được trang bị kiến thức pháp luật trong các lĩnh vực của cuộc sống và để phục vụ giải quyết những vấn đề phát sinh từ ngành nghề thực tế trong đó gắn với kiến thức quyền con người, quyền công dân.
1. Khái quát quyền con người trong pháp luật quốc tế và luật quốc gia.
Quyền con người, quyền công dân đã được các quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm từ sau thành công của cách mạng tư sản nhằm thành lập các nước tư sản với nguyên tắc phân chia quyền lực trong tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước. Các nước tư sản không chỉ quy vấn đề quyền con người và quyền công dân trong văn bản giá trị pháp lý cao nhất là Hiến pháp của quốc gia mình[1] mà nhiều quốc gia trên thế giới còn cùng nhau thảo luận và ký kết các điều ước quốc tế về quyền con người[2]. Ở Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám thành công đập tan sự chuyên quyền độc đoán của Nhà nước phong kiến, thành lập Nhà nước dân chủ cộng hoà đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong Bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định những quyền thiêng liêng của con người là quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Rất nhanh chóng, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã xây dựng bản Hiến Pháp đầu tiên năm 1946, một trong những vấn đề rất quan trọng được ghi nhận trong Hiến pháp là các quyền công dân trong chương 2 Hiến pháp năm 1946: “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú đi lại trong nước và ra nước ngoài” và cũng chính trong bản Hiến pháp này, lần đầu tiên quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật được ghi nhận trong đạo luật cơ bản của Nhà nước, bên cạnh đó cũng ghi nhận công dân Việt Nam có quyền bầu cử, ứng cử nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra khi họ tỏ ra không xứng đáng với danh hiệu đó; Nội dung này tiếp tục được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1959. Ngoài những quyền đã ghi nhận trong Hiến pháp 1946, hiến pháp 1959 ghi nhận những thành tựu mới của nhà nước dân chủ nhân dân trong việc hình thành và phát triển quan hệ lao động mới (Điều 21, 24, 30, 32). Kế tục và phát triển Hiến pháp năm 1946 và 1959, Hiến pháp năm 1980 một mặt ghi nhận lại quyền và nghĩa vụ của công dân đã quy định trong hai bản hiến pháp trước, mặt khác quy định thêm một số quyền và nghĩa vụ mới để phù hợp với tình hình mới như các quyền tham gia quản lý công việc của nhà nước và xã hội (Điều 56), quyền có nhà ở (Điều 62), quyền được học tập không phải trả tiền (Điều 60)... Tất cả các bản Hiến pháp (vừa đề cập đều chỉ ghi nhân quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân). Đến bản Hiến pháp đầu tiên của thời kỳ đổi mới – Hiến pháp năm 1992, vấn đề quyền con người mới được ghi nhận nhưng lại chưa có sự tách bạch giữa quyền con người và quyền công dân…... Phải đến bản Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, H iến pháp giành hẳn 21 điều quy định trực tiếp về quyền con người và cũng lần đầu tiên, Hiến pháp có chế định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Theo đó, quyền con người cũng như quyền cơ bản của công dân được ghi nhận thuộc các lĩnh vực chính trị, dân sự; kinh tế, văn hoá và xã hội. Chương 2, Hiến pháp năm 2013 là cơ sở pháp lý quan trọng để các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được cụ thể hoá trong các đạo luật thấp hơn Hiến pháp và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thi hành trên các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức.
2. Khái quát chung về tầm nhìn, sứ mạng, mục tiêu chiến lược, chương trình đào tạo của Học viện Ngân hàng
Học viện Ngân hàng tự hào là một trong những môi trường đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng hàng đầu Việt Nam. Với khẩu hiệu “Tuệ sáng, Tâm cao”, Học viện Ngân hàng mang trong mình sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu chuyên sâu trong các lĩnh vực của nền kinh tế tri thức, là nơi người học được chủ động, sáng tạo để thích nghi và phát triển toàn diện. Tầm nhìn của Học viện Ngân hàng đến năm 2030 là trở thành trường Đại học đa ngành theo định hướng nghiên cứu ứng dụng, nằm trong nhóm các trường hàng đầu của Việt Nam, đạt chuẩn quốc tế (Học viện Ngân hàng, 2021).
Để thực hiện hóa sứ mạng, tầm nhìn của mình, Học viện Ngân hàng đã đề ra những mục tiêu đào tạo chiến lược như sau: (1) thực hiện tự chủ đại học phù hợp với quy định của pháp luật; (2) đa dạng hóa lĩnh vực, phương thức đào tạo, đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đối với cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam và quốc tế; (3) trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đa ngành có khả năng giải quyết các vấn đề lý thuyết và thực tiễn của nền kinh tế với trọng tâm là lĩnh vực tài chính – ngân hàng; (4) thực hiện mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển môi trường số cho các hoạt động quản trị, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong toàn Học viện và cuối cùng là tăng cường sự gắn kết với cộng đồng đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành và nền kinh tế (Học viện Ngân hàng, 2021)
Với mục tiêu như trên, hiện nay Học viện Ngân hàng đã và đang mở rộng đào tạo nhiều chuyên ngành tập trung chủ yếu vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng như: chuyên ngành Ngân hàng, chuyên ngành Tài chính, chuyên ngành Kế toán, chuyên ngành Quản trị kinh doanh, chuyên ngành Kinh doanh quốc tế, chuyên ngành Luật kinh tế,... Mỗi chuyên ngành lại có một chương trình đào tạo, giảng dạy khác nhau phù hợp với xu thế phát triển chung trên thế giới và dựa trên nhu cầu của thị trường lao động tại Việt Nam. Nếu như các cử nhân sau khi hoàn thành chương trình đào tạo tại Học viện Ngân hàng đều đạt được các tiêu chí về cả kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm, thì các học viên là thạc sĩ, tiến sĩ khi tốt nghiệp chương trình đào tạo tại Học viện Ngân hàng lại có được những kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành mình được đào tạo. Bên cạnh việc am hiểu sâu về chuyên ngành được đào tạo, các cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong quá trình theo học tại Học viện Ngân hàng còn được trang bị kiến thức pháp luật trong các lĩnh vực xoay quanh cuộc sống thường ngày và để phục vụ giải quyết những vấn đề phát sinh khi thực hành nghề nghiệp trên thực tế trong đó có kiến thức về quyền con người, quyền công dân.
3. Nội dung pháp luật về quyền con người, quyền công dân đã và đang được giảng dạy ở bậc đại học và sau đại học.
Tại Học viện Ngân hàng, nội dụng pháp luật về quyền con người, quyền công dân đã và đang được giảng dạy phổ biến ở bậc đại học và sau đại học. Cụ thể:
3.1.Với hệ đào tạo đại học
3.1.1. Đào tạo pháp luật về quyền con người, quyền công dân trong giảng dạy chuyên ngành Luật kinh tế.
Thứ nhất, mục tiêu giảng dạy của Khoa Luật – Học viện ngân hàng
Khoa Luật – Học viện Ngân hàng được thành lập vào năm 2017 với mục tiêu chung là đào tạo và cung ứng nhân lực trình độ cử nhân ngành Luật Kinh tế, chuyên ngành Luật Tài chính- ngân hàng. Người học khi tốt nghiệp chương trình sẽ có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội, có kỹ năng thực hành nghề nghiệp ở mức cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề pháp lý thuộc lĩnh vực kinh tế, quản trị kinh doanh và tài chính- ngân hàng.
Để thực hiện mục tiêu chung trên, Khoa Luật tiến hành thực hiện nhiều mục tiêu cụ thể. Theo đó, người học tốt nghiệp chương trình đáp ứng yêu cầu chung về đạo đức nghề nghiệp, thái độ tuân thủ các nguyên tắc an toàn nghề nghiệp, trình độ lý luận chính trị, kiến thức quốc phòng- an ninh theo quy định hiện hành, đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định hiện hành và đạt được các yêu cầu năng lực sau đây:
Về kiến thức: Người học có kiến thức lý thuyết chuyên sâu trong lĩnh vực pháp luật về kinh tế, tài chính, ngân hàng; nắm vững kỹ thuật và có kiến thức thực tế để có thể giải quyết các công việc phức tạp; tích luỹ được kiến thức nền tảng về các nguyên lý cơ bản, các quy luật tự nhiên và xã hội trong lĩnh vực pháp luật về kinh tế, tài chính, ngân hàng để phát triển kiến thức mới và có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn; có kiến thức quản lý, điều hành, kiến thức pháp luật và bảo vệ môi trường liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng.
Về kỹ năng: Người học có kỹ năng hoàn thành công việc phức tạp đòi hỏi vận dụng kiến thức lý thuyết và thực tiễn của lĩnh vực pháp luật về kinh tế, tài chính, ngân hàng trong những bối cảnh khác nhau; có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin, tổng hợp ý kiến tập thể và sử dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ để giải quyết những vấn đề thực tế hay trừu tượng trong lĩnh vực pháp luật về kinh tế, tài chính, ngân hàng; có năng lực dẫn dắt chuyên môn để xử lý những vấn đề liên quan quy mô địa phương, vùng miền và ngành. Bên cạnh đó, người học còn đạt năng lực tiếng Anh tương đương từ bậc 3 theo quy định của Việt Nam (B1- CEFR, khung châu Âu).
Về năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm: Người học có năng lực dẫn dắt về chuyên môn, nghiệp vụ đã được đào tạo về lĩnh vực pháp luật về kinh tế, tài chính, ngân hàng; có sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; có khả năng tự định hướng, thích nghi với các môi trường làm việc khác nhau; tự học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; có khả năng đưa ra được kết luận về các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ thông thường và một số vấn đề phức tạp về mặt kỹ thuật; có năng lực lập kế hoạch, điều phối, phát huy trí tuệ tập thể; có năng lực đánh giá và cải tiến các hoạt động chuyên môn ở quy mô trung bình.
Thứ hai, nội dung giảng dạy về quyền con người, quyền công dân trong chuyên ngành Luật kinh tế - Học viện Ngân hàng.
Ngay từ năm nhất, sinh viên Khoa Luật – Học viện Ngân hàng đã được tiếp cận với các kiến thức pháp luật về quyền con người, quyền công dân trong môn học Luật hiến pháp – một trong những môn học nền tảng quan trọng. Trong môn học này, kiến thức pháp luật về quyền con người, quyền công dân được thiết kế tại Chương 4 với thời lượng 03 ca (135 phút); nội dung được truyền tải đến sinh viên gồm: khái niệm, phân loại, các đặc trưng của quyền con người; khái niệm, phân loại, các đặc trưng của quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; những nguyên tắc hiến pháp của chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quyền con người theo hiến pháp năm 2013; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo hiến pháp năm 2013 và nội dung về sự phát triển chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân qua các bản Hiến pháp năm (1946, 1959, 1980, 1992, 2013).
Trên cơ sở đó, sinh viên được học tập, nghiên cứu các môn luật chuyên ngành mà ở đó con người nói chung, quyền cơ bản của công dân Việt nam nói riêng được thực hiện đầy đủ trong các lĩnh vực cụ thể khác nhau như:
- Trong lĩnh vực pháp luật dân sự, mọi người có quyền được bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống dân sự; mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; bên cạnh đó, mọi người còn có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của pháp luật; mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình cũng như bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác... Tất cả những quyền này đều được liệt kê trong Bộ Luật dân sự năm 2015 của Việt Nam hiện hành.
-Trong lĩnh vực pháp luật kinh tế, quyền con người cũng được giảng dạy cho người học một cách rất bài bản mà chúng ta không thể không nhắc đến như các quyền được tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm (thể hiện trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2020); hay người làm công ăn lương được đảm bảo các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi; bên cạnh đó Bộ luật lao động năm 2019 được đưa vào giảng dạy tại khoa cũng nêu rõ việc nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu...
-Trong lĩnh vực chính trị, sự tôn trọng các quyền cơ bản của công dân được Nhà nước thể hiện ở việc ghi nhận các quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau: quyền bầu cử, ứng cử vào các cơ quan nhà nước, đóng góp ý kiến xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục của đất nước (được thể hiện trong các quy định pháp luật tại Luật bầu cử đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015). Một trong những quyền quan trọng của công dân trong lĩnh vực chính trị, hành chính là quyền khiếu nại, tố cáo. Theo đó pháp luật đảm bảo cho các công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình và buộc các cơ quan nhà nước, các nhà chức trách phải xem xét, giải quyết kịp thời (thể hiện trong Luật khiếu nại năm 2011 và Luật tố cáo năm 2018). Bên cạnh đó, sinh viên theo học tại Khoa Luật – Học viện Ngân hàng cũng được giảng dạy pháp luật về các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền hội họp, lập hội, biểu tình tại các môn học chuyên sâu.
-Trong lĩnh vực an sinh xã hội, quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế, có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh cũng được chú trọng giảng dạy cho các sinh viên Khoa Luật tại môn học Luật lao động.
Như vậy, có thể thấy, các quyền con người, quyền công dân được đưa vào chương trình giảng dạy đối với sinh viên chuyên ngành Luật kinh tế tại Học viện Ngân hàng từ rất sớm. Bắt đầu từ những môn học nền tảng cơ bản nhất như Luật hiến pháp và được lồng ghép giảng dạy chuyên sâu trong trong những môn học chuyên ngành như Luật đầu tư, Luật lao động, Luật dân sự... Hệ thống kiến thức pháp luật về quyền con người, quyền công dân được giảng dạy một cách có bài bản giúp các sinh viên sau khi tốt nghiệp hiểu được quyền, nghĩa vụ của bản thân mình, từ đó có nền tảng vững chắc để hành nghề.
3.1.2.Nội dung giảng dạy về quyền con người, quyền công dân tại hệ đào tạo đại học thuộc các khoa khác trong Học viện Ngân hàng.
Không chỉ riêng sinh viên Khoa Luật – Học viện Ngân hàng được đào tạo về quyền con người, quyền công dân mà các sinh viên thuộc các khoa khác trong Học viện cũng được tiếp cận với pháp luật về quyền con người, quyền công dân. Những kiến thức này trước hết được đề cập trong môn Nhà nước và pháp luật đại cương, chương 4, ngành luật Hiến pháp với thời lượng 02 tiết (90 phút). Sinh viên sẽ được nghe giới thiệu, nghe giảng về các chế định của ngành luật Hiến pháp trong đó có chế định “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Trên cơ sở đó, nội dung quyền con người được nghiên cứu trong lĩnh vực luật chuyên ngành giảng dạy cho các khoa. Cụ thể các môn gồm:
- Luật kinh tế trang bị kiến thức cho sinh viên về quyền của con người (trong đó có công dân Lào – người nước ngoài ở Việt Nam) được tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật (có đề cương môn học kèm theo). Trên cơ sở tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi, người lao động có thể góp vốn, góp sức, hợp tác sản xuất kinh doanh trong các tổ chức kinh tế tập thể dưới nhiều hình thức với quy mô thích hợp; tổ chức, cá nhân có quyền thành lập các doanh nghiệp không bị hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động... Bên cạnh đó, trong nội dung giảng dạy Luật kinh tế, các giảng viên của Học viện Ngân hàng cũng lồng ghép giảng dạy các quyền về sở hữu của các chủ thể kinh doanh…
- Luật ngân hàng trang bị kiến thức cho sinh viên liên quan đến quyền được kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, theo đó các cá nhân, tổ chức đáp ứng đầy đủ các điều kiện Luật định đều có thể đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng; Từ đó, sinh viên và học viên của Học viện ngân hàng có thể giải quyết được những tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện công việc.
- Luật tài chính trang bị cho sinh viên kiến thức về tài chính công (chú trọng vào nội dung Luật ngân sách nhà nước và pháp luật thuế của Việt Nam), qua đó sinh viên có thể nhận thức được các quyền của mình liên quan đến việc giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước và cá nhân có thẩm quyền trong việc thực thi các quy định pháp luật trong hoạt động Ngân sách nhà nước; hiểu được mình có những nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, khi thực hiện nghĩa vụ nộp các loại thuế đó thì mình được nhận lại những quyền, lợi ích hợp pháp gì; …
3.2. Đối với hệ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ:
Hiện nay, Khoa Luật – Học viện Ngân hàng chưa mở lớp đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Luật kinh tế mà mới chỉ có các lớp đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại các chuyên ngành mũi nhọn của học viện như ngành tài chính – ngân hàng, kế toán, quan trị kinh doanh[3]. Bên cạnh việc tích lũy các kiến thức chuyên sâu liên quan đến chuyên ngành của mình, Học viên Ngân hàng cũng giúp học viên tiếp cận với các kiến thức pháp lý về quyền con người và quyền công dân tại môn Luật kinh tế. Trong môn học này, quyền con người, quyền công dân sẽ được giảng dạy sâu và rộng hơn so với môn học Luật kinh tế giành cho sinh viên hệ đại học, văn bằng hai. Theo đó, quyền con người, quyền công dân được giảng dạy thông qua các bài giảng về quyền được đầu tư, kinh doanh những ngành nghề, mặt hàng mà pháp luật không cấm; quyền được thành lập, đầu tư, tham gia vào các hoạt động kinh doanh trong tổ chức tín dụng của cá nhân, tổ chức cũng như các biện pháp mà học viên có thể thực hiện khi quyền con người, quyền công dân của mình bị xâm phạm như đàm phán, hòa giải, giải quyết tranh chấp thông qua tòa án, trọng tài thương mại.
Như vậy, pháp luật về quyền con người, quyền công dân được giảng dạy xuyên suốt quá trình học tập của các hệ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ trang bị một nền tảng kiến thức quan trọng giúp sinh viên, học viên hiểu, nắm được quy định pháp luật đầy đủ nhất quyền, lợi ích hợp pháp của mình, có thể hiểu được và biết cách giải quyết những vụ việc phát sinh trong quá trình hành nghề thực tế, nhất là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
TS. Nguyễn Thái Hà
TS. Nguyễn Thị Mai Dung
Khoa Luật, Học viện Ngân hàng
Tài liệu tham khảo
- Học viện Ngân hàng (2008), kế hoạch chiến lược phát triển giai đoạn 2008-2020
- Quốc hội (1946), Hiến pháp năm 1946
- Quốc hội (1959), Hiến pháp năm 1959
- Quốc hội (1980), Hiến pháp năm 1980
- Quốc hôi (1992), Hiến pháp năm 1992
- Quốc hội (2013), Hiến pháp năm 2013
[1] Hình thức phổ biến nhất của việc quy định quyền con người, quyền công dân là nằm trong một chương của Hiến pháp. Trong các Hiến pháp của Việt Nam, nội dung về quyền con người cũng nằm trong một chương của Hiến pháp.
Tại một vài quốc gia trên thế giới, quyền con người nằm trong một văn bản độc lập, được coi như cấu phần của Hiến pháp. Chẳng hạn như Tuyên ngôn nhân quyền (1989) và Luật về nhân quyền (2008) của nước Anh; hoặc Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền (1789) được coi là cấu phần trong Hiến pháp 1958 của Cộng hòa Pháp.
[2] Các nước đã thảo luận và ký kết: Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948; công ước quốc tế về các quyền chính trị, dân sự (ICCPR); Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội (ICESCR). Bên cạnh còn có các Công ước: Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc(CERD); Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục khác (CAT); Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW); Công ước quyền trẻ em (CRC); Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di cư và thành viên gia đình họ (CMW); Công ước về các quyền của người khuyết tật; Công ước quốc tế về bảo vệ những người bị cưỡng bức mất tích.
[3][3] Học viện Ngân hàng (2022), Quyết định số 1025a/QĐ-HVNH ngày 31/05/2022 ban hành chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Tài chính – Ngân hàng;
Học viện Ngân hàng (2022), Quyết định số 1026a/QĐ-HVNH ngày 31/05/2022 ban hành chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Kế toán;
Học viện Ngân hàng (2022), Quyết định số 1027a/QĐ-HVNH ngày 31/05/2022 ban hành chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh;