Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất hiện nay mà nhân loại đang phải đối mặt. Các kịch bản biến đổi khí hậu cho thấy hiện tượng này không chỉ tác động tiêu cực đến môi trường sống mà còn đe dọa sự tồn vong của loài người. Trong bối cảnh này, việc tăng cường khuôn khổ pháp lý để đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành của con người trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trên cơ sở phân tích khung pháp lý hiện hành và việc thực thi quyền được sống trong môi trường trong lành ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến khốc liệt, bài viết đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực thi vấn đề này.
Đoàn viên thanh niên tỉnh Điện Biên dọn dẹp khuôn viên Di tích lịch sử Đồi A1,
tích cực tham gia bảo vệ môi trường. Nguồn: nhandan.vn.
1. Đặt vấn đề
Biến đổi khí hậu - sự thay đổi về khí hậu trong một khoảng thời gian dài do tác động chủ yếu từ hoạt động của con người - đang trở thành “mối đe dọa toàn diện và tàn khốc đối với quyền con người và với cuộc sống của con người”1. Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng hiện tượng này đang tiến triển với tốc độ chưa từng có trong lịch sử: “Năm 2017, nhiệt độ toàn cầu đã tăng lên khoảng 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và đang có xu thế diễn ra ngày càng nhanh, nguy hiểm và phức tạp”2. Điều này đặt nhân loại trong trạng thái phải đối mặt với sự nóng lên của hành tinh, mực nước biển dâng cao và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Nằm trong nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước sự tàn phá của biến đổi khí hậu theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới3, Nhà nước ta đã tích cực tham gia các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu cũng như xây dựng và thực thi các chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề này. Đặc biệt, biến đổi khí hậu và quyền con người được sống trong môi trường trong lành đã được hiến định trong Hiến pháp hiện hành của Việt Nam4. Đây là một bước chuyển đáng kể trong việc nhận thức mối liên hệ giữa quyền con người và môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến khốc liệt như hiện nay. Tuy nhiên, theo góc nhìn của tác giả, quá trình thực thi quyền con người được sống trong môi trường trong lành trên thực tế vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế nhất định. Chính vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực thi về vấn đề này là một đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
2. Khung pháp lý của Việt Nam về quyền được sống trong môi trường trong lành và việc thực thi trước tác động của biến đổi khí hậu
a) Khung pháp lý của Việt Nam về quyền được sống trong môi trường trong lành
Quyền được sống trong môi trường trong lành là một trong những quyền quan trọng thuộc thế hệ quyền thứ ba trong lịch sử nhân quyền thế giới5. Dưới góc độ pháp lý, có thể hiểu, đây là quyền mà con người được sống trong một môi trường đạt tiêu chuẩn cho phép theo quy định của từng quốc gia cụ thể. Theo đó, tùy vào điều kiện trong mỗi quốc gia, trong mỗi giai đoạn vận động và phát triển của quốc gia đó mà “tiêu chuẩn cho phép” trên có thể có sự thay đổi, khác biệt. Nói cách khác, quyền được sống trong môi trường trong lành không phải là quyền bảo đảm mức độ “trong lành” tuyệt đối mà chỉ ở một giới hạn có thể chấp nhận được để không làm ảnh hưởng xấu đến sự sống, sức khoẻ con người và bảo đảm phát triển bền vững.
Ngay sau khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc năm 1977, Việt Nam đã xác định bảo vệ môi trường là vấn đề trọng tâm, cần được ưu tiên hàng đầu. Song, phải đến khi Hiến pháp năm 2013 ra đời, quyền được sống trong môi trường trong lành mới chính thức được hiến định tại Điều 43: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Kể từ đó, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều hành động thể hiện sự quyết tâm của mình trong việc thúc đẩy chính sách, pháp luật về môi trường nhằm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của con người. Đáng chú ý nhất, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là một bước tiến vượt bậc so với phiên bản năm 2014, đã cụ thể hóa các quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước. Những nỗ lực này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả thực thi quyền con người được sống trong môi trường trong lành, mà còn là minh chứng sống động cho các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và quyền con người thể hiện tại các điều ước quốc tế về môi trường mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.
Thứ nhất, về chủ thể thụ hưởng quyền được sống trong môi trường trong lành
Điều 43 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành...”. Điều này cho thấy, quyền được sống trong môi trường trong lành là một quyền thuộc về con người. Hay nói cách khác, quyền này được Nhà nước ta công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm cho mọi người, bao gồm cả công dân Việt Nam, người nước ngoài và người không quốc tịch đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giới tính, tuổi tác, địa vị xã hội hay bất kỳ yếu tố nào khác, đều được thụ hưởng quyền này.
Thứ hai, về chủ thể có trách nhiệm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành
Trách nhiệm bảo đảm quyền con người là một khái niệm pháp lý quan trọng, bao gồm ba nội dung cơ bản: tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy việc thực hiện quyền con người6. Theo đó, trách nhiệm tôn trọng quyền con người nghĩa là kiềm chế để không tùy tiện tước bỏ, hạn chế hay can thiệp, kể cả trực tiếp hoặc gián tiếp, vào việc hưởng thụ các quyền con người của người khác7; trách nhiệm bảo vệ quyền con người nghĩa là phải ngăn chặn việc vi phạm quyền con người của bên thứ ba; trách nhiệm thúc đẩy thực hiện quyền con người nghĩa là phải có những biện pháp nhằm cung cấp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các quyền con người8.
Trước hết, Điều 3 Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh Nhà nước là chủ thể có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện các quyền con người, trong đó có quyền được sống trong môi trường trong lành: “Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”. Bên cạnh đó, khoản 1, 2 Điều 63 Hiến pháp hiện hành cũng nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước trong bảo vệ môi trường, bao gồm: “có chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo”. Hơn nữa, Nhà nước ta cũng có nghĩa vụ và trách nhiệm tuân thủ, thực thi các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và quyền con người thể hiện tại các điều ước quốc tế về môi trường mà nước ta đã tham gia trong phạm vi lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình. Chính vì vậy, Nhà nước Việt Nam là chủ thể cơ bản của trách nhiệm đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành và phải thực hiện đầy đủ ba nghĩa vụ: tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy thực hiện quyền được sống trong môi trường trong lành.
Bên cạnh Nhà nước, Hiến pháp năm 2013 cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các chủ thể phi nhà nước trong việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành. Cụ thể, Điều 43 Hiến pháp năm 2013 không chỉ quy định quyền của mọi người được sống trong môi trường trong lành, mà còn khẳng định mọi người phải “có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Thêm nữa, khoản 3 Điều 63 Hiến pháp hiện hành cũng quy định rằng: “Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại”. Do đó, ngoài Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong xã hội cũng có trách nhiệm đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành. Trong đó, tôn trọng và bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của người khác là nghĩa vụ, còn thúc đẩy quyền nói trên mang tính tự nguyện.
Thứ ba, về nội dung của quyền được sống trong môi trường trong lành
Quyền được sống trong môi trường trong lành là một quyền có nội hàm rất rộng và tương đối phức tạp. Nội hàm của quyền này đã được nghiên cứu bởi một số học giả Việt Nam nhưng chưa có sự đồng thuận về các khía cạnh cụ thể9. Trên cơ sở tham khảo Dự thảo Tuyên ngôn về nguyên tắc và các quyền con người với môi trường năm 1994, Nghị quyết A/HRC/RES/48/13 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Nghị quyết A/RES/76/300 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, nhìn chung, nội dung của quyền được sống trong môi trường trong lành theo pháp luật Việt Nam hiện nay bao gồm: (i) Quyền được sống trong môi trường không bị ô nhiễm; (ii) Quyền tiếp cận nước sạch; (iii) Quyền tiếp cận thông tin về môi trường; (iv) Quyền được giáo dục về nhân quyền và môi trường; (v) Quyền được tự do hội họp một cách hòa bình với người khác vì mục đích bảo vệ môi trường; (vi) Quyền tham gia giải quyết vấn đề môi trường; (vii) Quyền tiếp cận công lý môi trường. Trong đó, quyền được sống trong môi trường không bị ô nhiễm được xem là nội dung mang tính hạt nhân của quyền được sống trong môi trường trong lành.
b) Thực thi quyền được sống trong môi trường trong lành trước tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay
Trước những tác động của biến đổi khí hậu, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến công tác ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu, thích ứng với tác động của hiện tượng này và bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của con người. Đáng chú ý, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về cơ bản đã có những quy định phù hợp để đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế về môi trường, biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên. Cụ thể, đạo luật này đã bổ sung các quy định về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon, đồng thời lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ozon. Mặc dù vậy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, khó lường, tác động ngày càng trầm trọng như hiện nay, việc thực thi quyền được sống trong môi trường trong lành ở nước ta còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế như sau:
Thứ nhất, chưa có một đạo luật riêng về biến đổi khí hậu. Như đã trình bày, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có nhiều điểm tiến bộ, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta. Song, cần phải nhận thức rằng, hiện nay, ngoài những quy định chung mang tính nguyên tắc trong Luật Bảo vệ môi trường hiện hành thì các quy định còn lại liên quan đến vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn đang được “lồng ghép” một cách mờ nhạt trong các đạo luật khác như Luật Tài nguyên nước, Luật Nông nghiệp, Luật Lâm nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Thủy lợi,... Đồng thời, các văn bản dưới luật hướng dẫn cho vấn đề này10 chủ yếu chỉ dừng lại ở việc định hướng, hoạch định chính sách. Vô hình trung, điều này tạo ra không ít khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật trên thực tiễn. Trong khi đó, để nâng cao hiệu quả công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia đã sớm chú trọng vào việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành một đạo luật riêng về biến đổi khí hậu. Điển hình, Luật Thúc đẩy các biện pháp ứng phó với ấm lên toàn cầu năm 1998 của Nhật Bản, Luật Ứng phó biến đổi khí hậu năm 2002 của New Zealand, Luật Biến đổi khí hậu của Vương Quốc Anh năm 2008, Luật Biến đổi khí hậu của Philippines năm 2009, Luật Biến đổi khí hậu của Mexico năm 201211 là hành lang pháp lý quan trọng để các quốc gia nói trên triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả.
Thứ hai, chưa có một cơ quan hay tổ chức chuyên biệt về quyền con người. Không thể phủ nhận rằng, các thiết chế bảo vệ quyền con người nói chung và quyền được sống trong môi trường trong lành nói riêng ở Việt Nam rất đa dạng, từ hệ thống các cơ quan nhà nước đến tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác. Trong chừng mực nào đó, trên cơ sở quy định của pháp luật, các cơ quan, tổ chức này đều tích cực tham gia bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của con người. Dù vậy, để thúc đẩy quyền con người được thực thi trên thực tế, đảm bảo việc bảo vệ quyền con người phải là “hiện thực”, Liên hiệp quốc đã đề nghị các nước thành viên thành lập cơ quan quốc gia về thúc đẩy, bảo vệ quyền con người12. Trong Thư công bố kết quả của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người về kết quả định kỳ kiểm tra phổ quát (UPR) lần 3 của Việt Nam năm 2019, Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người cũng đã đề nghị Nhà nước ta thành lập cơ quan quyền con người ở Việt Nam. Song, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa thiết lập một cơ quan hay tổ chức riêng chuyên biệt về quyền con người để giải quyết các vụ việc liên quan đến quyền con người nói chung và quyền được sống trong môi trường trong lành nói riêng.
Thứ ba, nhận thức về quyền con người nói chung và quyền được sống trong môi trường trong lành nói riêng chưa cao. Khoản 2 Điều 1 Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc về giáo dục và đào tạo quyền con người năm 2011 khẳng định: “Giáo dục và đào tạo quyền con người cần thiết cho việc thúc đẩy sự tôn trọng và việc thực thi trên toàn cầu tất cả các quyền con người”. Vì lẽ đó, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người nói chung, quyền được sống trong môi trường trong lành nói riêng là một trong những nội dung quan trọng góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy thực hiện quyền con người được sống trong môi trường trong lành. Hay nói cách khác, khi mỗi người dân đều nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nguồn gốc, bản chất, ý nghĩa của quyền con người, trong đó có quyền được sống trong môi trường trong lành, xem đó là giá trị cao quý nhất của nhân loại thì chúng ta mới có thể xây dựng một môi trường trong lành, từ đó bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của mọi người. Song, hiện nay, các điều khoản của Luật Bảo vệ môi trường hiện hành chỉ dừng lại ở việc khuyến nghị về nội dung này, dẫn đến việc thực thi trên trên thực tế không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Bên cạnh đó, những quy định về khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo vẫn chưa được cụ thể hóa một cách chặt chẽ, tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức tích cực thực hiện trách nhiệm đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành của mình.
Thứ tư, chế tài áp dụng đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa đủ mạnh và thực thi kịp thời. Về cơ bản, Nhà nước ta đã quy định tương đối chặt chẽ các chế tài áp dụng đối với những hành vi được xem là vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong các văn bản như Bộ luật Hình sự, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái như gây ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí,... vẫn đang tiếp tục diễn ra. Điều này khiến cho chất lượng môi trường nhiều nơi ở nước ta không những chưa thực sự được cải thiện mà còn ngày càng suy giảm. Hơn nữa, một số vụ việc nghiêm trọng vi phạm pháp luật về môi trường chưa được các chủ thể có thẩm quyền phát hiện, ngăn chặn một cách nhanh chóng, kịp thời và triệt để đã tác động xấu đến sức khỏe của người dân. Theo quan điểm của tác giả, nguyên nhân cốt lõi dẫn đến thực trạng này là do các chế tài mà Nhà nước đặt ra cho chủ thể thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa đủ mạnh để trừng trị và răn đe; đồng thời cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về môi trường còn thiếu hiệu quả. Vì vậy, trên thực tế, quyền con người được sống trong môi trường trong lành trên lãnh thổ nước ta đã và đang bị xâm phạm một cách nghiêm trọng.
3. Kết luận và khuyến nghị
Trong chừng mực nhất định, Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã tạo ra một cơ chế pháp lý tương đối hữu hiệu để thực thi quyền được sống trong môi trường trong lành của con người. Song, như trên phân tích, trước tác động của biến đổi khí hậu, quá trình thực thi quyền con người được sống trong môi trường trong lành đang gặp phải một số khó khăn, hạn chế nhất định. Bởi lẽ đó, để nâng cao hiệu quả thực thi quyền nói trên, tác giả đưa ra một số khuyến nghị như sau:
Thứ nhất, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và ban hành một đạo luật riêng về biến đổi khí hậu. Thay vì lồng ghép các quy định liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu trong nhiều văn bản luật khác nhau như hiện nay, các nhà lập pháp cần phải bắt tay ngay vào việc nghiên cứu, xây dựng một đạo luật riêng về biến đổi khí hậu. Đây là nhiệm vụ đã được xác định rõ trong Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành kèm theo Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tác giả cho rằng, đạo luật này không chỉ góp phần tạo dựng một khung pháp lý toàn diện, nhất quán và hiệu lực trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta, mà còn là bệ phóng vững chắc để triển khai hiệu quả các cam kết quốc tế về môi trường, biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên. Xa hơn, sự hiện diện của đạo luật này cho phép chúng ta có thể kỳ vọng vào việc cải thiện sự thụ hưởng quyền con người của những chủ thể bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Lẽ dĩ nhiên, đạo luật nói trên cần được xây dựng trên cơ sở tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã ban hành Luật Biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của nó.
Thứ hai, thành lập cơ quan quốc gia về quyền con người. Để bảo vệ các quyền con người, trong đó có quyền được sống trong môi trường trong lành có hiệu quả, bên cạnh cơ chế pháp lý hiện hành, tác giả cho rằng Nhà nước ta cần phải nhanh chóng thành lập một cơ quan chuyên biệt về quyền con người. Theo đó, cơ quan này có nhiệm vụ chuyên trách trong việc giải quyết các vụ việc liên quan đến quyền con người nói chung và quyền được sống trong môi trường trong lành nói riêng. Đây sẽ là cột mốc lớn, góp phần khẳng định vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế với những cam kết, nỗ lực bảo đảm quyền con người nói chung và quyền được sống trong môi trường trong lành nói riêng, đặc biệt trong khung cảnh Việt Nam đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-202513.
Thứ ba, nâng cao nhận thức của người dân về quyền con người, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân, tổ chức tham gia hiệu quả vào quá trình bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Để mọi người hiểu rõ về quyền con người, coi trọng quyền con người và có năng lực chịu trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy việc thực hiện quyền con người nói chung cũng như quyền được sống trong môi trường trong lành nói riêng, quyền con người phải là một phần của văn hóa, phải được giảng dạy như là những giá trị mang tính nền tảng. Đây cũng là nội dung trọng tâm trong Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 05/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Vì lẽ đó, Nhà nước ta cần phải chú trọng vào việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quyền con người nói chung và quyền được sống trong môi trường trong lành nói riêng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt trong một số ngành, lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến việc thực thi quyền con người; khẩn trương đưa nội dung quyền con người nói chung, quyền được sống trong môi trường trong lành nói riêng vào chương trình giảng dạy trong các trường đại học trên cả nước. Thêm vào đó, tác giả cũng cho rằng, các nhà làm luật cần phải cụ thể hóa quy định về khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường, có thể áp dụng các cơ chế kích thích kinh tế như khoản tài trợ, chính sách ưu đãi về thuế, tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức được phát triển “kinh tế xanh”, “kinh tế tuần hoàn” nhằm cải thiện chất lượng môi trường.
Cuối cùng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Theo quan điểm của tác giả, các nhà làm luật cần phải tiếp tục cụ thể hóa nguyên tắc “chủ thể gây ô nhiễm phải trả tiền và chịu những chế tài thích đáng”. Theo đó, các chế tài áp dụng đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cần được điều chỉnh theo hướng nghiêm khắc hơn, triệt để áp dụng biện pháp buộc khắc phục những hậu quả thiệt hại cho môi trường, đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh cho đến khi khắc phục xong hậu quả để đảm bảo răn đe, ngăn ngừa tái phạm. Thêm vào đó, các chủ thể có thẩm quyền cũng cần tăng cường các hoạt động kiểm soát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực thi, tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan; khắc phục kịp thời những sự cố môi trường. Có như thế, quyền được sống trong môi trường trong lành của con người mới thật sự có ý nghĩa về cả mặt lý luận lẫn thực tiễn.
ThS. Nguyễn Văn Trường
Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 36 (02/2024)
---
Tài liệu trích dẫn
(1) Michelle Bachelet, “Lecture: Challenges to the Protection of Human Rights Today”, American University International Law Review, Vol. 35, Iss. 2, 2020, https://digitalcommons.wcl.american.edu/auilr/vol35/iss2/5
(2) Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, Kinh nghiệm của một số quốc gia trong hoạt động lập pháp và thực thi pháp luật về ứng phó với biến đổi khi hậu, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, năm 2022, tr. 38.
(3) Trang Ngân hàng Thế giới, “Những điểm chính: Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam”, https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/brief/key-highlights-country-climate-and-development-report-for-vietnam [truy cập ngày 01/12/2023].
(4) Khoản 1 Điều 63 và Điều 43 Hiến pháp năm 2013.
(5) Văn phòng thường trực về nhân quyền và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp Việt Nam, Hà Nội, năm 2015, tr. 224.
(6) CESCR Committee, General Comment No. 13 (1999), trong Compilation of General comments and General recommendations adopted by Human rights treaty bodies (HRI/GEN/1/Rev.9 (Vol. I) 27 May 2008).
(7) Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao và Lã Khánh Tùng (Chủ biên), Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, năm 2011, tr. 70.
(8) Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài liệu về quyền con người giảng dạy trong các ngành đào tạo trình độ đại học, Hà Nội, năm 2023, tr. 154.
(9) Nguyễn Đức Long, “Quyền được sống trong môi trường trong lành theo Hiến pháp và tác động của nó tới quá trình hoàn thiện, thực thi pháp luật môi trường”, Tạp chí Luật học, số 2, năm 2014, tr. 4-6; Đào Thu Hiền, “Vấn đề bảo vệ quyền con người gắn với môi trường trong hệ thống pháp luật Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Tài nguyên và Môi trường, số 36, năm 2021, tr. 111; Bùi Thị Hường, “Quyền được sống trong môi trường trong lành theo quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Pháp luật về quyền con người, số 2, năm 2023, tr. 64-68.
(10) Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu.
(11) Xem: Nguyễn Thị Minh Huệ, Hoàng Thị Thảo, Nguyễn Hùng Minh, Nguyễn Thị Bích Ngọc, Nguyễn Hữu Tài, “Nghiên cứu, đánh giá Luật Biến đổi khí hậu của một số quốc gia trên thế giới và những kinh nghiệm cho Việt Nam”, Tạp chí Môi trường, số 10, năm 2021, tr. 28-30.
(12) Nghị quyết số 48/134 ngày 20/12/1993 của Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Các nguyên tắc liên quan đến địa vị của các cơ quan quốc gia về quyền con người.
(13) Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sau nhiệm kỳ 2014-2016.