Hiện nay, vấn đề thực hiện văn hóa nhân quyền cho người khuyết tật ở Việt Nam đang được từng bước nhận thức và vận dụng. Bài viết phân tích những đặc trưng của văn hóa nhân quyền đối với người khuyết tật được quy định theo Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật và Luật Người khuyết tật của Việt Nam, đồng thời bước đầu đánh giá việc thực hiện văn hóa nhân quyền cho người khuyết tật ở Việt Nam, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị đối với thực hiện văn hóa nhân quyền đối với người khuyết tật Việt Nam trong thời gian tới.
Việc ký kết, tham gia Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật đã thể hiện được tinh thần, ý thức
trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam đối với việc bảo đảm, thực thi quyền của người khuyết tật. Nguồn: dangcongsan.vn
1. Nhận thức chung về văn hóa nhân quyền
Để hiểu khái niệm văn hóa nhân quyền, cần có nhận thức cơ bản về nhân quyền và giá trị của văn hóa. Nhân quyền là quyền con người, gồm các quyền tự nhiên, thiêng liêng và bất khả xâm phạm như quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Trong thực tế, nhân quyền bao gồm các quyền dân sự và chính trị, các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội..., là “những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế ”1. Còn văn hóa là một khái niệm vô cùng rộng, có nhiều cách định nghĩa khác nhau theo nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Năm 2001, định nghĩa văn hoá của UNESCO trong Tuyên bố Toàn cầu về đa dạng văn hoá, chỉ rõ: “Văn hoá được coi là hệ thống các đặc điểm về tinh thần, vật chất, trí tuệ và cảm xúc của xã hội hay một nhóm người trong xã hội và văn hóa bao gồm nghệ thuật, văn học, phong cách sống, cách thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và tín ngưỡng” (UNESCO, 2001)2. Bài viết này quan tâm đến định nghĩa về văn hóa theo hướng tiếp cận giá trị văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”3, theo đó, văn hóa là cách thức và phương pháp sinh hoạt mà con người đặt ra nhằm thích ứng với nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn, phát triển. Như vậy, văn hóa là cách ứng xử của con người trong sinh hoạt, biểu hiện sự nhận thức về các mối quan hệ trong đời sống cộng đồng, xã hội...
Một cách khái quát, khái niệm văn hóa nhân quyền sẽ vừa mang tính chất văn hoá, vừa mang tính chất nhân quyền, là một khái niệm kép, trung gian giữa văn hoá với nhân quyền. Văn hóa nhân quyền biểu hiện nhận thức và ứng xử về quyền con người, là tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần được tạo lập và phát triển trong tiến trình lịch sử của nhân loại. Tựu trung lại, văn hóa nhân quyền cốt lõi là những nguyên tắc ứng xử dựa trên nhận thức về tôn trọng nhân phẩm, bình đẳng, tinh thần tôn trọng, nhân đạo, khoan dung, đối với mọi người và trách nhiệm đối với người khác và với cộng đồng. Bài viết này đồng tình với quan điểm cho rằng: “Văn hóa quyền con người chính là sự hiểu biết và sự tôn trọng, công nhận, bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy các quyền con người...”4.
Văn hóa nhân quyền là một phạm trù vô cùng rộng lớn trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tất cả các quốc gia và của toàn nhân loại. Văn hóa nhân quyền hướng đến mục tiêu xây dựng hệ giá trị chuẩn mực về quyền con người thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng cho sự phát triển của từng dân tộc, từng quốc gia và toàn nhân loại.
2. Văn hóa nhân quyền đối với người khuyết tật trong Công ước quốc tế về quyền người khuyết tật và Luật Người khuyết tật của Việt Nam
Người khuyết tật (NKT) được xem là nhóm người yếu thế trong xã hội, họ rất dễ bị tổn thương và cuộc sống cũng gặp nhiều khó khăn. Văn hóa nhân quyền đối với NKT là như thế nào? Việc thực hiện văn hóa nhân quyền đối với NKT có vị trí vai trò gì trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia?
Theo cách tiếp cận cơ bản về văn hóa nhân quyền như trên, bài viết cho rằng: Văn hóa nhân quyền đối với người khuyết tật chính là hệ giá trị trong nguyên tắc ứng xử với người khuyết tật dựa trên sự hiểu biết, nhận thức đúng đắn về người khuyết tật; tôn trọng, công nhận, bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy các quyền của người khuyết tật. Trên thế giới, sự hình thành và ghi nhận quyền của NKT là một quá trình lịch sử tương đối dài, từ những năm đầu của thập niên 80 của thế kỷ XX, kéo dài đến đầu thế kỷ XXI, với sự ra đời của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào tháng 3/2007. Sự ra đời của CRPD là kết quả quá trình vận động của các tổ chức và phong trào của NKT ở khắp mọi nơi. CRPD là một văn kiện nhân quyền quốc tế do Liên hợp uốc soạn thảo, (gồm 25 thừa nhận và 50 điều) nhằm mục đích bảo vệ các quyền và nhân phẩm của người khuyết tật, bảo đảm họ được hưởng một cách bình đẳng và đầy đủ tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người, và thúc đẩy sự tôn trọng phẩm giá vốn có của họ. Như vậy có thể hiểu, CRPD thúc đẩy và bảo vệ quyền của người khuyết tật trên tất cả các khía cạnh về kinh tế, xã hội, chính trị, pháp lý và văn hóa5.
Điều 1 của CRPD ghi nhận: “Người khuyết tật bao gồm những người có khiếm khuyết lâu dài về thể chất, tâm thần, trí tuệ hoặc giác quan mà khi tương tác với những rào cản khác nhau có thể phương hại đến sự tham gia hữu hiệu và trọn vẹn của họ vào xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác”6. Định nghĩa này đã kết hợp giữa hai yếu tố: đặc điểm khiếm khuyết về y học của một người và vấn đề rào cản khác nhau do xã hội tạo ra trong việc xác định tình trạng khuyết tật. Như vậy, định nghĩa này đã làm thay đổi cách nhìn nhận đối với tình trạng khuyết tật, bằng việc xem đó là một vấn đề xã hội chứ không chỉ là vấn đề y tế, và xác lập sự dịch chuyển từ phương thức tiếp cận theo hướng nhân đạo sang hướng nhân quyền. Đây có thể nói là một quan điểm rất tiến bộ, có ý nghĩa quan trọng trong định hướng đưa ra những giải pháp để đảm bảo cho NKT hưởng đầy đủ những quyền lợi chính đáng của mình như những người khác7, đồng thời thúc đẩy và bảo vệ quyền của đối tượng này trên thế giới.
Bên cạnh định nghĩa về người khuyết tật, CRPD đã có quy định cụ thể về các nguyên tắc chung về quyền của nhóm xã hội này, bao gồm: “a. Tôn trọng nhân phẩm vốn có, quyền tự chủ của cá nhân, trong đó có tự do lựa chọn, và tôn trọng sự độc lập của cá nhân; b. Không phân biệt đối xử; c. Tham gia và hòa nhập trọn vẹn và hữu hiệu vào xã hội; d. Tôn trọng sự khác biệt và chấp nhận người khuyết tật là bộ phận của nhân loại có tính đa dạng; e. Bình đẳng về cơ hội; f. Dễ tiếp cận; g. Bình đẳng giữa nam và nữ; h. Tôn trọng khả năng phát triển của trẻ em khuyết tật và tôn trọng quyền của trẻ em khuyết tật được giữ gìn bản sắc của mình”8. Những nguyên tắc này đặt ra yêu cầu với các quốc gia thành viên phải thực thi những biện pháp thích hợp để ngăn cấm mọi sự phân biệt đối xử dựa trên cơ sở khuyết tật và bảo vệ một cách hiệu quả những NKT khỏi mọi hình thức phân biệt đối xử. CRPD cũng quy định cơ chế giám sát việc thực hiện phải phù hợp với hệ thống pháp lý và quản lý của quốc gia thành viên (Điều 33). Như vậy, với mỗi quốc gia, sau khi ký kết tham gia Công ước thì cần có lộ trình để nội luật hóa những quy định của Công ước và xây dựng, hoàn thiện kế hoạch trong nước để thực hiện Công ước.
Hiện nay ở Việt Nam, số lượng NKT gia tăng đáng kể9, với nhiều nguyên nhân như bẩm sinh, tai nạn, hậu quả của chiến tranh như chất độc màu da cam... Việc tôn trọng và đảm bảo quyền lợi cho NKT ở Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước và các tổ chức, đoàn thể quan tâm, phát triển, hoàn thiện ở mức tối đa. Việt Nam ký kết, tham gia CRPD vào ngày 22/11/2007 và đến năm 2010, Việt Nam cho ra đời Luật Người khuyết tật (Luật số 51/2010/QH12), được ban hành ngày17/6/2010 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2011. Luật Người khuyết tật năm 2010 gồm 10 chương, 53 điều, quy định các vấn đề gồm quyền và nghĩa vụ của NKT, đồng thời nêu trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với NKT. Luật đưa ra 6 dạng tật, trong đó 5 dạng tật có tên cụ thể, dạng thứ 6 có tên là “dạng tật khác”10, 3 mức độ11, 5 quyền của NKT12, 7 điều nghiêm cấm đối với NKT13. Luật còn đưa ra những quy định về nguyên tắc giáo dục, đào tạo, dạy nghề và tạo việc làm đối với NKT14, quy định các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân không được từ chối tuyển dụng NKT có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc và chính sách đối với doanh nghiệp dành riêng cho NKT, chính sách khuyến khích sử dụng lao động là NKT làm việc... Như vậy có thể nói, trên phương diện thực hiện văn hóa nhân quyền cho NKT, Luật Người Khuyết tật năm 2010 đã có những bước tiến đáng kể so với Pháp lệnh về Người tàn tật năm 1998 (số 06/1998/PL-UBTVQH10). Các chính sách và pháp luật về NKTđã được từng bước chuyển từ cách tiếp cận “từ thiện, nhân đạo” sang tiếp cận dựa trên quyền con người và quyền của NKT, đúng với tinh thần thực hiện văn hóa nhân quyền dành cho NKT và mục tiêu mà Việt Nam theo đuổi: “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
3. Thực trạng và đề xuất kiến nghị thực hiện văn hóa nhân quyền đối với người khuyết tật ở Việt Nam trong thời gian tới
Có thể nói, sau hơn 10 năm ban hành Luật Người khuyết tật năm 2010, việc thực hiện văn hóa nhân quyền cho NKT ở Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể. Theo Báo cáo Kết quả công tác về người khuyết tật năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, ở lĩnh vực ban hành các chính sách liên quan đến thực hiện quyền NKT, có thể thấy, từ năm 2010 đến nay đã có nhiều Luật (liên quan trực tiếp đến NKT) được ban hành, sửa đổi, bổ sung15, rất nhiều các văn bản dưới Luật như Nghị định, Thông tư, Quyết định... được ban hành kịp thời để giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện quyền NKT16. Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội về NKT có nhiều đổi mới rõ rệt. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức của NKT, tổ chức nhiều sự kiện truyền thông nhằm thu hút dư luận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội về việc thực hiện quyền của NKT, đặc biệt trong dịp kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4) và Ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12), tết Trung thu, Tết cổ truyền... Nhiều hoạt động thiết thực được đánh giá cao và có sức lan tỏa rộng rãi như: Diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói của người khuyết tật”, Chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt, v.v.. Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo… đã có phối hợp xây dựng các chương trình truyền hình dành cho NKT, dạy ngôn ngữ kí hiệu trên truyền hình, sản xuất các chương trình truyền hình có phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu... Công tác trợ giúp đời sống, cải thiện điều kiện sinh hoạt, chăm sóc y tế, sức khỏe NKT được quan tâm hơn. Công tác giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế, tiếp cận giao thông, công trình công cộng, tiếp cận công nghệ - thông tin... được tăng cường. Mức độ NKT tiếp cận văn hóa, thể thao, du lịch tăng lên. Các hình thức trợ giúp pháp lý, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em khuyết tật, phát triển mạng lưới của tổ chức NKT gia tăng. Việc thực hiện các cam kết quốc tế và hợp tác quốc tế có khởi sắc..., khiến cho cuộc sống của đại đa số NKT Việt Nam được bảo đảm và nâng cao, cả về vật chất và tinh thần17. Tuy nhiên, cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: rào cản về tiếp cận giao thông, đi lại vẫn là một trong những vấn đề khó khắc phục, hạ tầng giao thông chưa được cải tạo để phù hợp với việc di chuyển của NKT; các thiết bị trợ giúp NKT chưa được đầu tư trang bị đầy đủ trên các phương tiện giao thông công cộng... vì vậy đã hạn chế sự tiếp cận của NKT đối với các phương tiện giao thông. Việc tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng chưa được triệt để, còn nhiều điểm chưa phù hợp quy chuẩn như: vị trí và hình thức cầu thang bộ thoát nạn, hình thức và chiều cao lan can an toàn, độ dốc đường dốc đảm bảo tiếp cận cho NKT, khu vệ sinh chung cho NKT, bố trí chỗ ngồi cho NKT trong hội trường...; Việc xác nhận và cấp giấy chứng nhận NKT cho NKT nhẹ đạt kết quả thấp; mức trợ cấp xã hội cho NKT quá thấp, có nơi không đủ mức an sinh tối thiểu. Số lượng NKT được các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít; trang thiết bị y tế phục hồi chức năng cho NKT thiếu, cũ, lạc hậu..., đặc biệt thiếu các dịch vụ trị liệu tâm lý cho NKT. Chưa có chính sách hỗ trợ nhà ở, nơi ở cho NKT khi tham gia đào tạo, học nghề. Rất nhiều học sinh khuyết tật đang đi học chưa có Giấy chứng nhận khuyết tật, dẫn đến bản thân học sinh đó không được nhận các chế độ chính sách về bảo trợ xã hội và chính sách hỗ trợ giáo dục; thiếu các dịch vụ hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật ở các địa phương. Sự phối hợp với các Bộ, Ban, ngành liên quan trong công tác giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn chưa chặt chẽ; Vấn đề học nghề, tư vấn hỗ trợ tìm việc làm và vay vốn để phát triển sản xuất đối với NKT còn nhiều hạn chế, thủ tục rườm rà. Các cơ sở đào tạo, hướng nghiệp chưa đảm bảo điều kiện học tập cho NKT; đội ngũ giáo viên và tư vấn, hỗ trợ cho NKT còn thiếu về số lượng; ngành, nghề đào tạo chưa phong phú trong khi NKT lại có nhiều dạng tật khác nhau... Chưa khuyến khích được nhiều sự tham gia của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia vào quá trình đào tạo và tạo việc làm cho NKT. NKT còn khó tiếp cận các hoạt động văn hóa, giải trí, thể dục thể thao ở cơ sở, mới chủ yếu tập trung vào các sự kiện, hoạt động quy mô lớn phục vụ một bộ phận NKT có khả năng cao về văn hóa, văn nghệ, thể thao, chưa phục vụ đông đảo NKT. Cán bộ huấn luyện thể thao ở các môn cho NKT còn ít. Việc thành lập tổ chức của NKT ở một số địa phương khó khăn, do đó không có sự tham gia của đại diện tổ chức hội của NKT tại cấp xã, phường nên ảnh hưởng đến hoạt động cấp giấy xác nhận khuyết tật ở cấp xã, phường. Chế độ thông tin báo cáo của một số Ủy viên với Ủy ban Quốc gia chậm, các cuộc họp thường kỳ nhiều ủy viên vắng nên gây khó khăn trong việc tổng hợp và nắm bắt thông tin...
Nguyên nhân của những hạn chế trên có nhiều cách đánh giá khác nhau, nhưng trên cách tiếp cận về văn hóa nhân quyền cho NKT, có thể thấy, việc nhận thức đúng, đủ về NKT trong Luật Người Khuyết tật năm 2010 của Việt Nam còn hết sức hạn chế, không có độ bao phủ. Định nghĩa “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn” trong Luật Người khuyết tật năm 2010 mới dừng lại ở việc coi những khiếm khuyết về mặt y học của NKT là nguyên nhân chính gây nên những khó khăn, trở ngại cho họ trong cuộc sống, chứ chưa thể hiện được quan điểm chủ đạo của CRPD là: chính những rào cản từ xã hội là nguyên nhân quan trọng tạo ra và làm trầm trọng hóa tình trạng khuyết tật của một người. Mặt khác, việc định danh dạng khuyết tật trong Luật Người Khuyết tật năm 2010 của Việt Nam còn thiếu nhiều dạng khuyết tật, với số lượng rất lớn trong thực tế (như dạng khuyết tật tự kỷ, khó khăn về học tập, chứng rối loạn giác quan, khó đọc, tăng động giảm chú ý...).
Vì vậy, sau khi Quốc hội chính thức phê chuẩn CRPD (năm 2014), Luật Người khuyết tật năm 2010 rất cần được sửa đổi, bổ sung và thể hiện đầy đủ hơn nữa những quan điểm CRPD trong định nghĩa về người khuyết tật. Điều này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra những chính sách cụ thể để đảm bảo khả năng tham gia của NKT vào tất cả các hoạt động của đời sống xã hội. Do đó, để bảo đảm việc thực hiện văn hóa nhân quyền cho NKT trong thời gian tới, cần nhất thiết quan tâm đến một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, cần đảm bảo hệ thống pháp luật trong nước phải nhất quán với những quy định trong CRPD. Trong quá trình lập pháp, khi xây dựng những quy định liên quan tới NKT cần phải khuyến khích sự tham gia của cộng đồng NKT (ở tất cả các dạng tật), vì không ai có thể hiểu về NKT bằng chính họ.
Thứ hai, thực hiện triệt để và đầy đủ những quy định của CRPD liên quan tới quyền của NKT, đặc biệt là các điều khoản đặc thù như Điều 9 về Tiếp cận, Điều 12 về Bình đẳng trước pháp luật, Điều 24 về Giáo dục, Điều 26 về Phục hồi chức năng, Điều 27 về Lao động - Việc làm... Đây là những lĩnh vực đặc thù liên quan trực tiếp tới quyền của NKT Việt Nam cần phải được thực hiện đầy đủ.
Thứ ba, việc thực thi văn hóa nhân quyền cho NKT theo CRPD không chỉ đòi hỏi cần phải có các luật và chính sách phù hợp, mà còn cần có nguồn tài chính đảm bảo cũng như năng lực thực hiện các luật và chính sách. Vì vậy, một mặt việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật và các văn bản dưới Luật để thực hiện quyền NKT cần xác định một cơ chế đồng bộ, liên đới, tương trợ lẫn nhau ở các cấp từ Trung ương đến địa phương, trong đó đảm bảo sự tham gia của NKT, tổ chức của NKT, tổ chức vì NKT và các tổ chức, đoàn thể xã hội khác; mặt khác cần huy động, khuyến khích, điều phối nhiều nguồn lực trong hệ thống chính trị và cộng đồng, xã hội... để thực hiện có hiệu quả văn hóa nhân quyền đối với NKT ở Việt Nam.
TS. Nguyễn Tuyết Hạnh
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 36 (02)-2024
---
Tài liệu trích dẫn
(1) Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (đồng chủ biên), Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.42.
(2) Theo: https://uis.unesco.org/sites/default/files/documents/unesco-framework-for-cultural-statistics-2009-vi.pdf, tr.9
(3) Nguyên văn, trong Nhật ký trong tù, Hồ Chí Minh viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 458
(4) Hoàng Thị Kim Quế, “Văn hóa quyền con người và xây dựng văn hóa quyền con người ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Pháp luật về quyền con người, 2018, Số 2, tr.5
(5) Tính tới nay, có khoảng 158 quốc gia đã ký tham gia, trong đó có tới 150 quốc gia đã phê chuẩn CRPD, Việt Nam là một trong những nước ký và phê chuẩn thực hiện CRPD thuộc nhóm đầu tiên trên thế giới.
(6) Nguyên văn: “Persons with disabilities include those who have long-term physical, mental, intellectual or sensory impairments which in interaction with various barriers may hinder their full and effective participation in society on an equal basis with others”. Theo bản dịch của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
(7) Theo đó, người khuyết tật có những quyền cơ bản giống như những người khác trong xã hội, trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Cụ thể như: quyền sống; quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng; quyền tự do và an toàn cá nhân; quyền tự do đi lại; quyền được giáo dục; quyền được chăm sóc sức khỏe; quyền bình đẳng về lao động và việc làm; quyền tham gia các hoạt động văn hóa vui chơi giải trí, thể thao; quyền được hỗ trợ để phục hồi chức năng; quyền được hòa nhập và hỗ trợ để hòa nhập vào cộng đồng; quyền được hỗ trợ trong việc đi lại...
(8) Điều 3, bản dịch của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (http://www.molisa.gov.vn/Upload/VanBan/67fe3588-1578-46e4-8707-0baf2a0a11a5.pdf).
(9) Theo Báo cáo Kết quả công tác về người khuyết tật năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Ủy ban quốc gia về Người Khuyết tật Việt Nam thì hiện nay, cả nước có khoảng 6,2 triệu NKT, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ; 28,3% là trẻ em; gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng.
(10) Các dạng tật bao gồm: a) Khuyết tật vận động; b) Khuyết tật nghe, nói; c) Khuyết tật nhìn; d) Khuyết tật thần kinh, tâm thần; đ) Khuyết tật trí tuệ; e) Khuyết tật khác.
(11) Mức độ khuyết tật: a) Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày; b) Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày; c) Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
(12) Điều 4, Luật Người Khuyết tật năm 2010 như: được bảo đảm thực hiện các quyền: “a) Tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; b) Sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; c) Được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội; d) Được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật; đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
(13) Điều 14 của Luật còn đưa ra những hành vi bị nghiêm cấm, như: “1. Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật; 2. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật; 3. Lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội; 4. Lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; 5. Người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định của pháp luật; 6. Cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con của người khuyết tật; 7. Gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật”.
(14) Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi quy định đối với giáo dục phổ thông; được ưu tiên trong tuyển sinh; được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của cá nhân không thể đáp ứng; được miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập; được cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng trong trường hợp cần thiết. Để hỗ trợ những vấn đề về nghe, nhìn, và nói thì người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu, bằng chữ nổi Braille theo chuẩn quốc gia.
(15) Như: Luật Giáo dục năm 2019; Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009; Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020; Luật Việc làm năm 2013; Luật Giao thông đường bộ năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2019...
(16) Ví dụ: Các Nghị định được ban hành như: Nghị định 28/2012/NĐ-CP; Nghị định 20/2021/NĐ-CP; Nghị định 84/2020/NĐ-CP; Nghị định 81/2021/NĐ-CP; Nghị định 146/2018/NĐ-CP; Nghị định 61/2015/NĐ-CP; Nghị định 74/2019/NĐ-CP…, các Thông tư, quyết định như: Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH; Thông tư liên tịch 2/2013/TTLTBGDĐT-BLĐTBXH-BTC; Thông tư 39/2012/TT-BGTVT; Thông tư 152/2016/TT-BTC; Thông tư 26/2020/TT-BTTTT; Quyết định 750/QĐ-TTg năm 2015; Quyết định 1826/QĐ-TTg; Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg; Quyết định 1190/QĐ-TTg...
(17) Xem thêm: Báo cáo Kết quả công tác về người khuyết tật năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam.