Dịch bệnh Covid-19 đã trở thành một vấn đề toàn cầu và gây ra nhiều tổn hại, khiến cho các quốc gia và dân chúng, doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn chồng chất. Trong bối cảnh đó, vai trò của Nhà nước trong việc ra những quyết sách để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đồng thời bảo đảm quyền có điều kiện sống bảo đảm cho người dân là vô cùng quan trọng. Bài viết trên cơ sở nghiên cứu các quy định về quyền có điều kiện sống bảo đảm cho người dân Việt Nam và thực tiễn việc thực hiện quyền đó trong phòng chống đại dịch Covid-19, từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc bảo đảm quyền con người trong giai đoạn mới.
1. Một số quy định về quyền có các điều kiện sống bảo đảm theo quy định của pháp luật Việt Nam
C. Mác cho rằng, “người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có thể “làm ra lịch sử”, nhưng muốn sống được thì trước hết cần phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa”1. Quyền có điều kiện sống bảo đảm chính là thể hiện những nhu cầu đó.
Quyền có điều kiện sống bảo đảm, lần đầu tiên được đề cập trong khoản 1 Điều 25 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (UDHR), trong đó nêu rằng: mọi người đều có quyền được hưởng một mức sống thích đáng, đủ để đảm bảo sức khoẻ và phúc lợi của bản thân và gia đình, về các khía cạnh ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết, cũng như có quyền được bảo hiểm trong trường hợp thất nghiệp, đau ốm, tàn phế, góa bụa, già nua hoặc thiếu phương tiện sinh sống do những hoàn cảnh khách quan vượt quá khả năng đối phó của họ. Trong đó quan trọng nhất là quyền có đủ lương thực, thực phẩm, quyền có nước và quyền có nhà ở là nhóm quyền quan trọng.
Quyền về điều kiện sống bảo đảm tiếp tục được tái khẳng định và cụ thể hóa trong Điều 11 Công ước quốc tề về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa 1966 (ICESCR), trong đó nêu rằng: các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận quyền của mọi người được có một mức sống thích đáng cho bản thân và gia đình mình, bao gồm các khía cạnh về ăn, mặc, nhà ở và được không ngừng cải thiện điều kiện sống. Liên quan đến Điều 11 ICESCR, Ủy ban về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa đã giải thích rất cụ thể về ý nghĩa và nội hàm của các quyền trong các Bình luận chung số 4 về quyền nhà ở (thông qua tại phiên họp thứ 6 năm 1991), số 7 về cưỡng chế di rời nhà ở (thông qua tại phiên họp thứ 16 năm 1997), số 12 về lương thực (thông qua tại phiên họp thứ 21 năm 1999), số 14 (thông qua tại phiên họp thứ 22 năm 2000), số 15 về nước (thông qua tại phiên họp thứ 29 năm 2002).
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc bảo đảm quyền có điều kiện sống bảo đảm cho người dân, thể hiện qua nội dung, quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật như: Hiến pháp năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, Bộ luật Lao động năm 2012, Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật an toàn thực phẩm năm 2010; các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến các điều kiện sống của nhân dân...
Quyền có chỗ ở: Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp” (Điều 22, mục 1); “Mọi người có quyền sở hữu về nhà ở” (Điều 32, mục 1) và “Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở” (Điều 59, mục 3). Cụ thể hóa nội dung đó, Luật Nhà ở năm 2014 quy định công dân có quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở (Điều 4); Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp về nhà ở của các chủ sở hữu; nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không bị quốc hữu hóa; trong trường hợp quyết định trưng mua, trưng dụng, mua trước nhà ở hoặc giải tỏa nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ và thực hiện chính sách tái định cư cho chủ sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật (Điều 5).
Nhà nước, một mặt tạo môi trường thuận lợi để phát triển nhà ở nhằm đáp ứng các nhu cầu về nhà ở của người dân theo cơ chế thị trường như phê duyệt phát triển khu nhà ở thương mại, chung cư...; đồng thời, quan tâm phát triển nhà ở xã hội, có sự hỗ trợ của Nhà nước để phục vụ các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở trên nguyên tắc việc phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân.
Quyền về lương thực, thực phẩm: quyền này có tầm quan trọng cốt yếu cho việc hưởng thụ tất cả các quyền con người khác, nội dung quyền này được ghi nhận theo Bình luận chung số 12 về lương thực của Ủy ban về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (thông qua tại phiên họp thứ 21 năm 1999) bao gồm các nội dung đảm bảo: (i) Sự sẵn có của lương thực, thực phẩm (xét cả về số lượng và chất lượng) không có chất độc có hại và phù hợp về phương diện văn hoá, đủ để thoả mãn nhu cầu ăn của các cá nhân; (ii) Việc tiếp cận lương thực bằng các biện pháp bền vững và không ảnh hưởng đến việc thụ hưởng các quyền con người khác (đoạn 8).
Cụ thể hóa nội dung này, Việt Nam cũng luôn có những chính sách, quy định đảm bảo quyền lương thực, thực phẩm cho người dân: Nhà nước đã quy định các nội dung này trong việc đảm bảo quyền sống, quyền an sinh xã hội cho người dân theo quy định của Hiến pháp. Đồng thời để có được nguồn lương thực, thực phẩm đảm bảo, Nhà nước đã ban hành Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, các chương trình về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia (như Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2021 về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030) và có những chế tài thích đáng nếu vi phạm quyền này của người dân. Cụ thể, Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo đó, những hành vi: sử dụng hóa chất trong chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc... sẽ bị phạt tiền đến phạt tù tùy thuộc vào mức độ thiệt hại.
Quyền về nước sạch: trong pháp luật quốc tế, quyền này hàm ý mọi người có quyền tiếp cận với nguồn nước một cách thỏa đáng, an toàn, có thể chấp nhận được, có thể tiếp cận và chi trả được với cá nhân mình và gia đình (đoạn 2). Quyền về nước sạch bao gồm việc tự do tiếp cận với các nguồn cung cấp nước sẵn có, quyền được bảo vệ không bị tùy tiện cắt hoặc làm ô nhiễm nguồn nước, quyền bình đẳng trong việc tiếp cận với các hệ thống cung cấp nước (đoạn 10)2.
Để thực hiện nội dung này, pháp luật Việt Nam có những quy định về sản xuất, phân phối tiêu thụ nước sạch cho các công ty cung cấp nước sạch và các chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch: về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch: QĐ số 277/2006/QĐ-TTg và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006 - 2010; Quyết định 366/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành... Để đảm bảo việc tiếp cận được nguồn nước sạch cho người dân.
Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội trao quà cho người lao động đang thực hiện cách ly trên địa bàn quận Long Biên.
Nguồn: baochinhphu.vn
2. Thực hiện quyền có điều kiện sống bảo đảm cho người dân trong đại dịch COVID-19 ở Việt Nam
COVID-19 có mặt ở khắp mọi nơi và vào năm 2020, sự lây lan và tác động của đại dịch đối với mọi người ở mọi nơi trên thế giới đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn cầu với quy mô và tỷ lệ chưa từng có. Ở Việt Nam, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, người dân cũng đã dần thích nghi với các quyết định giãn cách xã hội. Dịch bệnh và việc áp dụng những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tác động của dịch bệnh kéo theo rất nhiều quyền con người bị ảnh hưởng trong đó có quyền đảm bảo điều kiện sống tối thiểu cho người dân. Trong những tình huống đó Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để người dân, đặc biệt là các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, vẫn được đảm bảo quyền có điều kiện sống tối thiểu.
Đối với quyền về nhà ở, chỗ ở:
Đại dịch COVID-19 diễn ra, trước các lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội, đối tượng bị ảnh hưởng nhất liên quan đến quyền về nhà ở, chỗ ở là nhóm người dân phải đi thuê nhà và những người vô gia cư.
Đối với những người đi thuê nhà vốn dĩ đã là đối tượng có thu nhập thấp, ít tích lũy, khi thực hiện giãn cách xã hội họ lại không thể đi làm và không có thu nhập, do đó, tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt sẽ khó khăn, eo hẹp, thậm chí khánh kiệt. Trong bối cảnh đó, đối với những người dân thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, chính quyền có những chính sách giảm tiền thuê cho người dân. Ví dụ: đợt bùng dịch tháng 3/2020 tại Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội cũng đề xuất về nội dung, mức hỗ trợ tiền thuê nhà đối với sinh viên, công nhân, các hộ gia đình, cá nhân thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước. Theo đó, Thành phố sẽ hỗ trợ 50% tiền thuê nhà cho sinh viên đang thuê nhà tại các Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân, Tứ Hiệp; Khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình II; công nhân đang thuê nhà, bao gồm các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp ký hợp đồng thuê nhà và các doanh nghiệp đại diện cho công nhân đứng tên ký hợp đồng thuê nhà cho công nhân ở tại Khu nhà ở công nhân xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội); các hộ gia đình, cá nhân đang thuê nhà tại quỹ nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn Thành phố. Thời gian hỗ trợ trong 3 tháng từ 01/4/2020 đến ngày 01/6/20203.
Đối với những trường hợp thuê nhà ở của tư nhân, để bảo đảm quyền về chỗ ở, chính quyền các cấp có biện pháp vận động nhằm giảm, miễn tiền thuê nhà cho người lao động. Chẳng hạn như: Tỉnh Long An đã phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện, các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động chủ nhà trọ phát huy nghĩa cử đẹp, miễn giảm tiền thuê cho công nhân, người lao động4; Liên đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu các cấp công đoàn triển khai phong trào vận động các chủ nhà trọ “Miễn giảm tiền thuê nhà trọ cho công nhân, người lao động”5; UBND thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh có văn bản gửi 34 phường trên địa bàn, vận động miễn giảm tiền thuê trọ cho công nhân, người lao động nhằm giảm bớt gánh nặng cho bà con để vượt qua khó khăn mùa dịch6...
Ðối với người vô gia cư, không có nơi ở cố định, không thể lang thang mưu sinh trong điều kiện dịch bệnh và giãn cách xã hội, chính quyền các cấp đã có giải pháp phù hợp là đưa người vô gia cư vào trung tâm bảo trợ để phòng chống dịch COVID-197.
Quyền về lương thực, thực phẩm:
Ðây là nhóm quyền có đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong mỗi lần đại dịch COVID-19 xuất hiện. Ðể quyền của người dân về lương thực thực phẩm luôn được đảm bảo, trong Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 quy định “Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các địa phương chú ý bảo đảm hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân”.
Trong giãn cách xã hội rất dễ xảy ra tình trạng khó lưu thông, khan hiếm lương thực, thực phẩm, thuốc men. Thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 16, chính quyền các địa phương đều có những biện pháp thiết thực nhằm: “không để người dân nào bị bỏ lại phía sau”, không để người dân bị thiếu lương thực, thực phẩm; phải quyết tâm không để người dân kêu đói mùa dịch8.
Bên cạnh đó, rất nhiều tổ chức, đoàn thể tự nguyện, nỗ lực thực hiện những chương trình vận chuyển hàng cho người dân và những chuyến hàng cấp phát miễn phí từ sự chia sẻ của người dân hoặc từ phía chính quyền9.
Ðợt dịch bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021, chính quyền đã phát triển mô hình chợ “dã chiến”. Ðiển hình, “Chợ Nghĩa tình” là dự án tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin vào việc duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm miễn phí dành riêng cho người dân đang sinh sống tại các khu vực thực hiện cách ly, phong tỏa tạm thời trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã được khởi động kịp thời trong tháng 7/2021. Dự án được phối hợp giữa Sở Công Thương, Thành Ðoàn thành phố Hồ Chí Minh và FPT (Tổ chức giáo dục trực tuyến FUNIX, ứng dụng UTOP).
Ðặc biệt hơn nữa, mặc dù là nước có nền kinh tế đang phát triển, còn nhiều khó khăn, nhưng các chi phí cho các trường hợp cách ly ở các khu cách ly tập trung trước ngày 08/02/2021 được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí cách ly y tế. Những quy định này thể hiện Nhà nước luôn đảm cho cho người dân quyền có điều kiện sống bảo đảm trong tình huống dịch bệnh khó khăn.
Từ 02/2021, trước tình trạng số ca COVID-19 ngày càng tăng cao, để đảm bảo quyền về lương thực cho người dân trong khu cách ly được đảm bảo, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 về chi phí cách ly y tế, khám chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống COVID-19. Theo văn bản này, những người phải đi cách ly tập trung phải thanh toán một phần chi phí tiền ăn và sinh hoạt, thực tế, những chi phí này chỉ mang tính chất chia sẻ giữa người dân và Nhà nước. Trong số đó vẫn có những trường hợp được miễn phí tiền ăn khi đi cách ly như: hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày cho trẻ em phải cách ly tập trung (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định 623/QÐ-LÐTBXH ngày 29/5/2021 về việc hỗ trợ cho trẻ em bị nhiễm COVID-19 và trẻ em phải cách ly tập trung để phòng, chống dịch COVID-19).
Trước những khó khăn của người dân trong đại dịch COVID-19, đảm bảo nhân dân được đảm bảo quyền có điều kiện sống tối thiểu, Chính phủ cùng các bộ ngành đã dự thảo và ban hành những văn bản để hỗ trợ người dân bị mất việc không có thu nhập do COVID-19 như: Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020, Nghị quyết 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19.
Thành phố Hồ Chí Minh thông qua Nghị quyết 09/2021/NQ-HÐND về chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố mức 1.800.000 đồng/người/lần;
Tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 09/2021/QÐ-UBND về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác nhận tiền hỗ trợ mức 1.500.000 đồng/một/ người.
Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 3642/QÐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, theo đó, người lao động sẽ nhận được mức hỗ trợ: 1.500.000 đồng/người/lần.
Quyền đối với nước:
Cùng với những hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, có những nơi, những chỗ người dân cũng được cấp phát nước ăn, nước uống miễn phí. Ðiều đặc biệt hơn nữa, để đảm bảo quyền có điều kiện sống bảo đảm cho người dân, chia sẻ với người dân vì dịch bệnh bị mất, giảm thu nhập, chính quyền đã phối hợp cùng các đơn vị cung ứng dịch vụ điện, nước giảm tiền nước, tiền điện sinh hoạt cho người dân trong đợt bùng phát dịch năm 2020 và năm 2021. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 lần thứ 4, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Hồng Diên, đã ký Văn bản số 453/BC-BCT đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện hỗ trợ giảm tiền điện đợt 4. Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 5257/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt.
Ðể ứng phó với những khó khăn, dịch bệnh, Ðảng và Nhà nước ta luôn có những quyết định sáng suốt, để ngăn ngừa dịch bệnh mà vẫn bảo đảm quyền có điều kiện sống đảm bảo cho người dân. Không khó để thấy những hình ảnh các nhà lãnh đạo sát sao chỉ đạo trực tiếp ở các vùng dịch trọng điểm hoặc các cuộc họp khẩn trong đêm, các cuộc họp trực tuyến để đảm bảo không người dân nào bị bỏ đói, bị bỏ lại phía sau. Có lẽ phải từ khi đất nước giành thống nhất, độc lập dân tộc đến nay, lại một lần nữa người dân Việt Nam thấy được sự quyết tâm, đồng lòng của toàn Đảng và toàn dân sát cánh bên nhau để chiến thắng dịch bệnh. Trong khó khăn dịch bệnh, lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch bệnh rất vất vả để bảo đảm sự bình yên cho người dân, nhân dân càng thấy rõ sự bảo hộ của Nhà nước với công dân và càng thấy yêu đất nước mình hơn.
3. Một số bài học kinh nghiệm từ việc bảo đảm quyền có điều kiện sống bảo đảm cho người dân trong đại dịch COVID-19.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay và dự báo những tác động lâu dài của dịch bệnh này trong thời gian tới; để khắc phục những khó khăn về kinh tế, bảo đảm quyền con người, quyền có điều kiện sống bảo đảm cho người dân trong và sau đại dịch COVID-19, cần tiếp tục thực hiện triệt để các giải pháp sau:
Thứ nhất, Tiếp tục thông tin chính xác và kịp thời cho người dân về tình hình dịch bệnh cũng như nguồn cung hàng hóa lương thực đến cho người dân, tránh tình trạng thông tin giả, gây hoang mang trong dân chúng.
Tăng cường sự kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm minh những hành vi lợi dụng dịch bệnh để tạo ra thông tin giả về sự khan hiếm nguồn cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm, hoặc chèn ép, thổi giá, đội giá.
Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa, lương thực, thực phẩm, đảm bảo an ninh lương thực trong dịch bệnh nói chung và sau dịch bệnh nói riêng.
Thứ hai, thường xuyên tổ chức diễn tập, tập huấn các biện pháp ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong các cơ quan, đơn vị nhà nước và cho mọi tầng lớp nhân dân để chủ động ứng phó, chú trọng quyền có điều kiện sống bảo đảm cho người dân.
Thứ ba, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong bảo đảm quyền có điều kiện sống bảo đảm của người dân.
Quyền có điều kiện sống bảo đảm là quyền sẽ đi theo người dân không chỉ trong đại dịch mà trong cả cuộc đời, vì vậy, để bảo đảm quyền có điều kiện sống bảo đảm cho người dân trước và trong đại dịch thì cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong việc ban hành, chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch bệnh và các quyết sách để bảo đảm quyền có điều kiện sống bảo đảm cho người dân trong và sau đại dịch.
Thứ tư, kêu gọi sức mạnh đại đoàn kết dân tộc: Đảng Nhà nước cần kêu gọi và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ về tài chính, vật chất của cộng đồng doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức khác trong xã hội thực hiện các mục tiêu bảo đảm quyền có điều kiện sống bảo đảm cho người dân trong đại dịch cũng như khắc phục những khó khăn sau dịch bệnh.
Thứ năm, ban hành văn bản pháp lý có giá trị pháp lý cao.
Chính phủ Việt Nam đã rất thần tốc trong việc ban hành những văn bản kịp thời trong phòng chống COVID-19 bảo đảm quyền có điều kiện sống bảo đảm cho người dân. Nhưng trong tương lai, cần có những văn bản mang tính pháp lý cao bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc bảo đảm quyền con người nói chung và bảo đảm quyền có điều kiện sống bảo đảm nói riêng cho người dân trong những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong tương lai.
Mặc dù là một nước với nguồn lực hạn chế về kinh tế, kỹ thuật, các điều kiện xã hội, y tế... nhưng nhân dân Việt Nam vẫn luôn nhận được sự quan tâm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền có điều kiện sống bảo đảm cho người dân trong đại dịch COVID-19 nói riêng và trong mọi hoàn cảnh nói chung. Qua đại dịch một lần nữa đã khẳng định được khả năng quản lý, điều hành đất nước của Đảng và Nhà nước ta. Một lần nữa khẳng định mạnh mẽ Nhà nước Việt Nam luôn coi con người là trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững và là kim chỉ nam trong hành động của Đảng và Nhà nước ta.
ThS. Bùi Thị Hường
Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 1/2022
---
Tài liệu trích dẫn
(1) C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 39.
(2) Ủy ban kinh tế, xã hội và văn hóa, Bình luận chung số 15 về nước (thông qua tại phiên họp thứ 29 năm 2002).
(3) TL, Đề xuất hỗ trợ cho người dân bị phong tỏa vì COVID-19, https://cand.com.vn/Xa-hoi/De-xuat-ho-tro-cho-nguoi-dan-bi-phong-toa-vi-COVID-19-i565882/, ngày 15/5/2020, truy cập ngày 04/8/2021.
(4) T.Phương - M. Khánh, Chủ nhà miễn giảm trên 600 triệu đồng cho người thuê trọ, https://congan.com.vn/tu-thien/chu-nha-mien-giam-tren-600-trieu-dong-cho-cong-nhan-nguoi-lao-dong-thue-tro_116574.html, ngày 20/7/2021, truy cập ngày 04/8/2021.
(5) Thành An, Nhiều chủ phòng trọ tiếp tục miễn giảm tiền thuê cho công nhân, https://laodong.vn/cong-doan/nhieu-chu-phong-tro-tiep-tuc-mien-giam-tien-thue-cho-cong-nhan-933916.ldo, ngày 24/7/2021 truy cập ngày 04/8/2021.
(6) Kim Út, TP Thủ Đức vận động miễn giảm tiền thuê trọ cho công nhân, người lao động, https://tuoitre.vn/tp-thu-duc-van-dong-mien-giam-tien-thue-tro-cho-cong-nhan-nguoi-lao-dong-20210625170643571.htm ngày 25/6/2021, truy cập ngày 04/8/2021.
(7) H. Nga, Ðưa người vô gia cư vào trung tâm bảo trợ để phòng chống dịch COVID-19, https://cand.com.vn/doi-song/Dua-nguoi-an-xin-vo-gia-cu-vao-trung-tam-bao-tro-de-phong-chong-dich-COVID-19-i620096/, ngày 13/7/2021, truy cập ngày 04/8/2021.