Hiện nay, thực trạng thúc đẩy giáo dục về quyền con người trong các trường đại học vẫn gặp một số khó khăn nhất định, đơn cử vẫn chưa có giáo trình chung, thống nhất cho việc giáo dục quyền con người theo từng nhóm đối tượng riêng biệt, thời lượng cho môn học còn ít nên phương pháp tiếp cận vấn đề còn nặng tính lý thuyết, cơ sở đào tạo vẫn chưa có đặc thù hướng dẫn về quyền con người..., Trên cơ sở phân tích tầm quan trọng của việc thúc đẩy giáo dục quyền con người tại các cơ sở đào tạo, bài viết chỉ ra những hạn chế trong việc đào tạo môn quyền con người, cũng như đề xuất các giải pháp đẩy mạnh giáo dục cho sinh viên về quyền con người trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: xaydungdang.org.vn

1. Tầm quan trọng của việc thúc đẩy giáo dục quyền con người tại các cơ sở đào tạo đại học trong xu hướng hội nhập quốc tế

Về mặt ngữ nghĩa quyền con người được hiểu là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ cá nhân chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, tự do cơ bản của con người. Theo đó, việc thúc đẩy giáo dục về quyền con người sẽ hàm chứa các hoạt động liên quan đến giáo dục, đào tạo, thông tin, nâng cao nhận thức, học tập nhằm thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ tất cả các quyền con người, góp phần ngăn chặn các vi phạm nhân quyền bằng cách cung cấp cho mọi người kiến thức, kỹ năng, sự hiểu biết và phát triển thái độ, hành vi của họ để trao quyền cho họ đóng góp vào việc xây dựng và thúc đẩy văn hóa phổ quát về quyền con người”.[1]

Trên nguyên tắc bảo đảm quyền con người tiệm cận với hầu hết các quốc gia trên thế giới, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ban hành Nghị quyết số 59/113A, ngày 10/12/1994, khẳng định: Các quốc gia có nghĩa vụ pháp lý trong việc giáo dục nhân quyền; đồng thời, nên đưa vào các chính sách giáo dục ở cấp độ quốc gia. Có thể khẳng định, Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 đã đặt nền móng cho hoạt động giáo dục quyền con người trên toàn thế giới. Ngay trong lời nói đầu của Tuyên ngôn đã khẳng định: “Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố bản Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền là mục tiêu chung cho tất cả các dân tộc và các quốc gia phải phấn đấu đạt tới để nhằm mục đích cuối cùng là mỗi cá nhân, mỗi tổ chức xã hội, luôn luôn ghi nhớ bản Tuyên ngôn bằng giáo dục và giảng dạy sẽ nỗ lực thúc đẩy tôn trọng đối với các quyền và những tự do cơ bản.”

Ở Việt Nam, trước năm 1986 được nhận định là thời kỳ mà khi đề cập đến vấn đề quyền con người luôn là nhạy cảm. Chính điều này, khiến cho việc nghiên cứu, cũng như đưa môn học này vào chương trình giáo dục vẫn chưa được chấp nhận. Từ giai đoạn năm 1992, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn kiện, trong đó có Quyết định số 1039/QĐ-TTg, ngày 05/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thông qua Đề án đưa nội dung giáo dục quyền con người vào chương trình giáo dục chính thống của hệ thống giáo dục quốc dân; đảm bảo đến năm 2025, 100% các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân có đào tạo liên quan đến quyền con người. Về bản chất, giáo dục về quyền con người đã được thực hiện ở cả chương trình giáo dục chính thức và không chính thức. Giáo dục chính thức, được tiến hành trong các cơ sở giáo dục quốc dân, từ cấp tiểu học đến đại học; chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý trung cấp và cao cấp trong hệ thống chính trị. Giáo dục không chính thức, thông qua các khóa tập huấn, hội nghị, giáo dục ngoại khóa.[2]

Nhiều quan điểm cho rằng, môn học về quyền con người nên được nhanh chóng đưa vào giảng dạy trong các cơ sở đào tạo nói chung và các trường chuyên luật nói riêng. Bởi thực tế, nếu nhân lực công tác trong các lĩnh vực liên quan đến pháp luật như tư pháp, hành pháp, lập pháp.., nhưng thiếu hiểu biết về quyền con người, có thể dẫn đến thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện các nghĩa vụ bảo đảm quyền của con người. Điều này thúc đẩy việc nghiên cứu và nhong chóng giảng dạy về quyền con người tại các cơ sở đào tạo nói chung và cơ sở đào tạo luật nói riêng trở thành một yêu cầu tất yếu khách quan.[3] Luận suy vấn đề một cách thấu đáo, việc thúc đẩy giáo dục quyền con người tại các cơ sở đào tạo đại học trong xu hướng hội nhập là hoạt động có định hướng, có tổ chức, có mục đích của chủ thể giáo dục tác động lên đối tượng giáo dục nhằm hình thành ở các đối tượng này có tri thức về quyền con người, hướng đến chủ động bảo vệ quyền và lợi ích của bản thân, cũng như tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của những đối tượng khác, phù hợp với các yêu cầu, đòi hỏi của các chuẩn mực trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia về quyền con người. Nhiệm vụ của giáo dục quyền con người là giải thích cho mọi người về các quyền và tự do căn bản của họ, đồng thời nâng cao nhận thức của các nhà chức trách về ý nghĩa và nghĩa vụ phải tôn trọng các quyền con người - nền tảng của an ninh nhân loại. Thông qua các biện pháp có tính định hướng, con người sẽ hiểu rõ hơn về các quyền của mình, từ đó có thể chủ động đấu tranh cho quyền lợi của chính mình cũng như của người khác.[4]

2. Thực trạng thúc đẩy giáo dục về quyền con người trong các trường đại học hiện nay

Trong quá trình phát triển về nhận thức và thực tiễn, quyền con người luôn mang những dấu ấn về chính trị, kinh tế, văn hóa, từng giai đoạn lịch sử của xã hội loài người. Trước bối cảnh toàn cầu hóa, giáo dục quyền con người đang thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Tại Việt Nam giáo dục quyền con người đã trở thành một phần trong chương trình giáo dục, tuy có sự khác nhau về phạm vi, mức độ và cách thức tổ chức hoạt động nhưng chung quy lại vẫn đang trong tiến trình kiện toàn, hướng đến mục tiêu cơ bản ban đầu là đến năm 2025, 100% các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân trong chương trình đào tạo có môn học về quyền con người. Dù rằng, quyền con người về cơ bản không thuộc phạm trù dễ tiếp cận, nhưng việc nỗ lực đưa môn học vào chương trình đào tạo là cần thiết trong xu thế hội nhập.

Nếu giáo dục nhân quyền ở cấp độ phổ thông nhằm hình thành nhân cách, nhận thức và thái độ hành xử chuẩn mực cho thế hệ công dân trẻ, củng cố hình thành tư duy này trong tương lai, thì mục tiêu tại cấp độ đại học trong các trường chuyên luật, hướng đến tôn chỉ đào tạo các chuyên gia trên lĩnh vực pháp luật. Hiện nay, ở Việt Nam có rất nhiều cơ sở đào tạo cử nhân Luật, trong đó thấy rằng tại Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh, Khoa Luật - Đại học quốc gia Hà Nội[5], Khoa Luật Trường Đại học Nam Cần Thơ, Trường Đại học An Giang.., đã có một môn học riêng về quyền con người, với các cơ sở đào tạo khác, môn học này được truyền tải thông qua phương thức lồng ghép ở một số môn học như: Luật hiến pháp, Luật khiếu nại, tố cáo, Luật Tố tụng hành chính…, bên cạnh những thuận lợi trong công tác thúc đẩy giáo dục về quyền con người tại các trường đại học, vẫn tồn tại những hạn chế cần được quan tâm, tháo gỡ. Cụ thể như:

a) Về vấn đề biên soạn giáo trình, sách và tài liệu phục vụ cho môn học

Với tư cách là thành viên của các công ước quốc tế về quyền con người, Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng thực hiện trọn vẹn với những cam kết đã đề ra; đồng thời chủ động hợp tác với các quốc gia và các tổ chức quốc tế đào tạo về quyền con người. Dù có nhiều thuận lợi, song cần nhìn nhận tại Việt Nam việc đào tạo môn học về quyền con người vẫn chưa có giáo trình chung, thống nhất giữa các cơ sở đào tạo; chưa biên soạn đầy đủ tài liệu giáo dục theo từng nhóm đối tượng cụ thể chuyên biệt. Bởi suy cho cùng, mục tiêu giáo dục về quyền con người ở cấp độ đại học tại các trường chuyên luật hướng đến đào tạo các chuyên gia trên mỗi lĩnh vực pháp luật, theo đó mỗi ngành luật sẽ có những đặc quyền chuyên biệt.[6] Ở các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam có những chuyên ngành khác nhau như: Luật hành chính, Luật dân sự, Luật hình sự, Luật tố tụng hình sự, Luật kinh tế…, với mỗi ngành, cơ sở đào tạo sẽ thiết kế khung chương trình với những môn học đặc trưng gắn liền với ngành. Từ vấn đề trên, nếu việc vận dụng đưa môn học quyền con người đào tạo cho sinh viên ngành luật, đòi hỏi cần xây dựng các tài liệu chuyên biệt cho từng nhóm đối tượng giáo dục cụ thể, trên cơ sở tính hệ thống, tính liên thông của tài liệu và đảm bảo gắn kết cả nội dung giáo dục quyền con người, quyền công dân, với ngành đào tạo. Theo đó, trong giáo dục đại học cần thiết phải Việt hóa các tài liệu giáo dục quyền con người theo nhóm đối tượng như:

(i) Hệ thống giáo trình, tài liệu giáo dục quyền con người, quyền công dân cho đối tượng sinh viên trường luật

(ii) Hệ thống giáo trình, tài liệu giáo dục quyền con người, quyền công dân cho sinh viên các trường quân đội

(iii) Hệ thống giáo trình, tài liệu cho sinh viên các trường công an, Đại học An Ninh, Đại học Cảnh sát

(iv) Hệ thống giáo trình, tài liệu cho sinh viên các Học viện tư pháp, Tòa án

(v) Hệ thống giáo trình, tài liệu cho các nhóm ngành kỹ thuật….,

Để môn học quyền con người phù hợp với đặc tính ngành nghề đào tạo tại các trường quân đội, khi triển khai Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5/9/2017 về Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, tại các trường quân đội đã biên soạn các tài liệu chuyên biệt dùng trong nhà trường. Với đặc tính này, mỗi đối tượng sẽ có những tài liệu biệt riêng như quyển: “Những vấn đề cơ bản về quyền con người” dùng cho đào tạo hạ sĩ quan chỉ huy và nhân viên chuyên môn kỹ thuật trong nhà trường Quân đội; quyển “Những vấn đề cơ bản về quyền con người” sẽ áp dụng đào tạo với đối tượng đào tạo sĩ quan cấp phân đội, trình độ đại học trong nhà trường; quyển Giáo trình: Lý luận và pháp luật về quyền con người (Dùng cho đối tượng đào tạo và hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị trong Quân đội).[7]

Điều này là cần thiết, bởi luận suy cho cùng quyền con người là một phạm trù rộng lớn. Do đó, khi tiến hành biên soạn tài liệu, cần tập trung vào quyền gắn liền với ngành nghề, tránh việc dàn trải, bởi đây là môn học không được thiết kế thời lượng tín chỉ quá nhiều, việc xác định đúng mục tiêu nhóm quyền cần đào tạo với nhóm ngành nghề là cần thiết trong xu hướng hội nhập.

b) Xây dựng thống nhất chương trình đào tạo về quyền con người

Hiện nay, cả nước có khoảng 93 cơ sở đào tạo luật. Trong đó, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở đã sớm xây dựng các môn học về quyền con người như: “Lý luận về quyền con người”, “Bảo vệ quyền con người trong Tư pháp hình sự”, “Quyền con người trong Luật quốc tế. Đáng chú ý, hầu hết các trường đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân đã lồng ghép nội dung quyền con người vào chương trình đào tạo ở nhiều môn học khác nhau, phù hợp với đối tượng sinh viên và nội dung giáo dục, đào tạo của nhà trường.[8]

Vấn đề cần đặt ra, nếu môn học về quyền con người được đưa vào chương trình đào tạo của 93 cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam, thì môn học này sẽ được thiết kế ở chương trình học kỳ nào, thống nhất tên gọi môn học là gì và thời lượng tín chỉ là bao nhiêu?. Bởi khi triển khai đưa môn học quyền con người vào các cơ sở đào tạo, nhận thấy rằng chưa có sự thống nhất trong phân bổ thời lượng môn học, bên cạnh đó việc điều tiết môn học nằm tại học kỳ nào vẫn là vấn đề cần làm rõ, khi so sánh kinh nghiệm đào tạo môn học quyền con người tại các quốc gia như Đức hay Pháp, đây được là môn học nhập môn, tiền đề làm nền tảng cho các đạo luật chuyên ngành khác. Thông qua môn học quyền con người, sinh viên sẽ có sự đối sánh các quyền được quy định trong Hiến pháp, công ước…, cùng các đạo luật chuyên ngành có sự thống nhất về cách làm luật hay không, qua đây cũng rèn luyện khả năng tư duy của mỗi sinh viên. Dẫu vậy, khi thiết chế chương trình đào tạo, một số cơ sở đã đặt môn học về quyền con người ở khung chương trình tại học kỳ 4, học kỳ 7…, điều này thiết nghĩ chưa thực sự phù hợp.

Bên cạnh đó, khi xây dựng chương trình đào tạo về quyền con người nên chăng có sự thống nhất tên gọi môn học về quyền con người tại các cơ sở đào tạo, điều này có thể đưa ra tên môn học Pháp luật đại cương là một đơn cử. Dẫu biết rằng tên môn học sẽ không thể lột tả hết được cốt lõi của vấn đề, nhưng tại một góc độ nào đó, điều này thể hiện tầm quan trọng của môn học trong bối cảnh hội nhập. Thực tế, cần nhận thức môn học về quyền con người đóng vai trò quan trọng, chủ đạo trong chương trình đào tạo, đây không thuộc môn học mang tính đối phó nhằm phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước hay phù hợp với công tác kiểm định chất lượng giáo dục tại các cơ sở đào tạo. Việc triển khai lồng ghép môn học quyền con người tại các ngành luật khác đang triển khai hiện nay chỉ nên xem là phương pháp tình thế, khi cơ sở chưa có đủ nhân lực chuyên sâu về mảng này, cũng như chưa đủ tư liệu phục vụ cho giảng dạy…, nhưng về lâu dài đây nên được thiết kế là môn học, một học phần riêng biệt trong chương trình đào tạo. Khi đó, không nên xây dựng môn học quyền con người với một đạo luật riêng biệt nào đó. Đơn cử: Quyền con người trong lĩnh vực môi trường…, bởi suy cho cùng khi thiết kế theo kiểu mẫu này, có thể dẫn đến sinh viên chưa bao quát tổng thể vấn đề, khi đó với tư cách là người chia sẻ, giảng viên rất có thể tập trung làm rõ các quy định pháp luật về Luật môi trường nhiều hơn, khi hướng dẫn tầm quan trọng liên quan đến quyền con người.[9] Đơn cử, tại các học viện quan hệ quốc tế, Học viện an ninh, Học viện cảnh sát…, các nội dung về quyền con người đã được lồng ghép vào các môn học như: Nhà nước và Pháp luật đại cương, Luật quốc tế, Pháp luật đại cương…, dù rằng kiến thức về quyền con người rất cần thiết cho học viện an ninh, Học viện cảnh sát…, nhưng mức độ tiếp cận về quyền con người tại các cơ sở này khi tiến hành khảo sát vẫn còn những hạn chế nhất định. Khi tiến hành khảo sát với quy mô 244 sinh viên trên tổng số 2000 sinh viên tại Học viện an ninh liên quan đến vấn đề môn học quyền con người, kết quả cho thấy chỉ có 39% sinh viên được tiếp cận quyền con người được lồng ghép thông qua các môn học pháp luật được thiết kế trong chương trình đào tạo, 32% được tiếp cận qua các phương tiện thông tin đại chúng, 40% tiếp cận qua môn học chính trị và pháp luật. Đáng lưu ý, khi tiến hành khảo sát các quyền con người đã được công nhận tại Việt Nam, kết quả cho thấy có 67% sinh viên cho rằng pháp luật không công nhận quyền biểu tình, 33% số phiếu cho rằng nước ta chưa công nhận quyền hội họp, 19% cho rằng Việt Nam vẫn chưa công nhận quyền tự do ngôn luận. Khi tiến hành khảo sát mức độ am hiểu quyền con người của bản thân, 19% tự đánh giá khả năng am hiểu tốt, 29% trung bình, 18% đánh giá yếu, 11% không tự đánh giá.[10] Luận suy vấn đề một cách thấu đáo, để môn học quyền con người thể hiện đúng tầm quan trọng, đòi hỏi rất nhiều yếu tố, nhưng có thể nhận định một trong những yếu tố quan trọng là đưa môn học về quyền con người thuộc môn học nhập môn, được hướng dẫn trước khi tiến hành giảng dạy các môn pháp luật chuyên ngành; ngoài ra cần xúc tiến thiết kế đây là môn học độc lập, thay vì chỉ được lồng ghép, khi mà bản chất môn học tại các cơ sở đào tạo chỉ được khoảng 2 tín chỉ, vì việc lồng ghép thêm các nội dung về quyền con người sẽ không thể hiện đúng vai trò về tầm quan trọng của việc đào tạo liên quan đến quyền con người.

c) Xác định hình thức, phương pháp đào tạo phù hợp với từng đối tượng

Khi xác định đưa môn học về quyền con người vào chương trình đào tạo với sinh viên ngành luật, đây được nhận định là khó khăn tại các cơ sở đào tạo, bởi chưa xác định sẽ hướng dẫn theo phương pháp nào. Khi mà phần lớn đội ngũ giảng viên, kể cả ở các cơ sở đào tạo luật cũng chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu về quyền con người. Việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về giáo dục quyền con người về bản chất chỉ ở giới hạn cơ bản, chưa được chú trọng và tổ chức triển khai bài bản, thường xuyên.[11]

Để giải quyết yêu cầu cấp bách, trước mắt cần thiết phải hoạch định đào tạo dài hạn và cả ngắn hạn đội ngũ chuyên trách giảng dạy quyền con người, đội ngũ này là lực lượng nồng cốt giảng dạy. Bên cạnh đó, cần triển khai thiết kế bài giảng theo hướng hiện đại; lồng ghép nhiều ví dụ minh họa thực tế cho bài học; tránh kiểu truyền thụ kiến thức một chiều, thiên về lý thuyết; tạo tâm lý tẻ nhạt cho người học. Chính vì thế, giảng viên nên chủ động sử dụng phương pháp phân tích tình huống bảo vệ quyền con người ở thực tế, điều này tránh được sự nhàm chán cho môn học.

Về mặt pháp lý, nội dung của quyền con người nằm tản mác trong nhiều văn bản. Vì vậy, giảng viên cần định hướng cho sinh viên tư duy tổng hợp, tích hợp việc phân tích, nghiên cứu các văn bản pháp lý trong và ngoài nước, tránh việc một lúc truyền thụ cho sinh viên một khối lượng lớn kiến thức lý thuyết.[12] Theo đó, cần thường xuyên cho sinh viên trao đổi thảo luận về quyền con người trên lớp thông qua việc làm bài tập lớn theo nhóm, hoặc giả người học sẽ hóa thân vào vai luật sư tư vấn, diễn thuyết vấn đề cần nghiên cứu... Với vai trò là người định hướng, giảng viên cần tích hợp giữa giảng dạy, cũng như định hướng cho sinh viên có tinh thần chủ động nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, khi tiến hành kiểm tra năng lực, có thể được đánh giá thông qua bài nghiên cứu theo chủ đề đã thảo luận, hay phân tích các tình huống có liên quan đến quyền con người theo Luật quốc tế.

Châu Âu là nơi tuyên bố đầu tiên về quyền con người, quyền công dân, đồng thời cũng là chiếc nôi đầu tiên đưa môn học quyền con người vào chương trình đào tạo. Một trong những kinh nghiệm giáo dục quyền con người là thông qua các hoạt động thực tiễn. Một trong những hoạt động này là tổ chức những buổi triển lãm về quyền con người trong khuôn khổ nhà trường hoặc tại các điểm công cộng tại địa phương, hình thức này giúp cho sinh viên có được thói quen trình bày tư liệu và thể hiện chính kiến của mình thông qua hình ảnh, tư liệu trong các buổi triển lãm.[13] Theo đó, phương thức giáo dục quyền con người sau nhiều năm đã được đút kết, phát triển trên cơ sở kinh nghiệm kết nối các thành tố cơ bản và có thể hiệu chỉnh theo từng đối tượng, nhóm đối tượng khác nhau. Các kỹ thuật hướng đến thu hút sự tham gia của người học đối với môn quyền con người bao gồm: Thuyết trình và thảo luận, Thảo luận chuyên gia (pane discussion), làm việc trong nhóm (Working group), nghiên cứu tình huống (case studies), giải quyết tình huống/sử dụng trí tuệ tập thể (problem-solving/Brainstorming), mô phỏng/đóng vai (simulation/role-playing), Khảo sát (field trip), Bài tập thực hành (practical exercise – including drafting), thảo luận bàn tròn (round –table discussion), Phương tiện dạy học (visual aid), địa điểm tiến hành đào tạo.[14] Đây thiết nghĩ sẽ là cơ sở, kinh nghiệm quan trọng có thể được áp dụng tại nước ta khi triển khai đưa môn học quyền con người tại các cơ sở đào tạo trong thời gian tới.

3. Kinh nghiệm giáo dục quyền tại Cộng hòa Liên bang Đức và định hướng hoàn thiện cho Việt Nam

Từ những năm 1980 định hướng đưa môn học về quyền con người trong các nhà trường đã được manh nha tại Đức. Theo đó, tôn chỉ về quyền con người định hướng trong giáo dục gồm tại Đức theo hướng: (i) Mục tiêu đào tạo quyền con người là trang bị cho người học sự độ lượng, trách nhiệm, nêu cao lòng can đảm, lòng tự tôn dân tộc; (ii) Khích lệ các cá nhân thực hiện các quyền mà pháp luật cho phép một cách có ý thức, đồng thời tôn trọng quyền riêng của chủ thể khác, (iii) Nêu cao tình đoàn kết giữa con người, đồng cảm với những quốc gia mà ở đó quyền con người bị hạn chế một phần, đồng thời cung cấp cho họ động lực đấu tranh giành quyền lợi chính đáng.

Nội dung chương trình đào tạo về quyền con người tại Đức chính yếu dựa trên các trụ cột: Khảo cứu lịch sử phát triển quyền con người và những vi phạm quyền con người; Khảo cứu các tiêu chuẩn quyền con người, các quy phạm quyền con người cùng các hiệp định quyền con người; công khai các vi phạm quyền con người và trang bị các khả năng hành động tích cực. Ba trụ cột này là bộ phận của giáo dục, nền tảng trong đào tạo quyền con người, đây cũng được xem là nhiệm vụ cần tuân thủ của các tổ chức đào tạo trong và ngoài nước Đức. Thông qua môn học, đòi hỏi người học ngoài sự hiểu biết về quyền con người, còn đòi hỏi người học am hiểu về trình tự, thủ tục, cũng như cơ quan giúp họ có thể tự mình bảo vệ quyền lợi bản thân. Theo đó, tại các trường có thể thiết kế sao cho môn học phù hợp với đặc tính ngành nghề của trường, nhưng phải đảm đồng nhất trong chương trình đào tạo có các nội dung sau:

- Cơ sở lý luận chung về quyền con người

- Quyền tự do tôn giáo

- Nhân phẩm con người

- Các cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền con người

- Các cơ quan có nghĩa vụ, trách nhiệm đại diện cho nhà nước trong bảo vệ quyền con người.

- Tuyên ngôn thế giới về quyền con người của Liên hợp quốc

- Những hình thức, dấu hiệu của sự không bình đẳng, phân biệt đối xử

- Vai trò của Hội đồng Châu Âu trong sự đảm bảo thực hiện quyền con người

- Những vi phạm về quyền con người được thể hiện tại địa phương.

Ở Đức giáo dục quyền con người chính là hoạt động hướng đến phòng ngừa, đồng thời cũng sẽ tiến hành hành động nếu quyền bị xâm phạm. Theo đó, chương trình đào tạo sẽ gắn liền với 03 phạm trù:

(i) Học về quyền con người, ở nội dung này cơ sở đào tạo sẽ trang bị cho người học những khái niệm cơ bản về tự do, bình đẳng, nhân phẩm con người, bảo vệ quyền trước sự phân biệt, đối xử. Cung cấp cho người học góc nhìn tổng quát về việc bảo vệ quyền con người qua các thời kỳ, trang bị cho người học những quy phạm điều chỉnh quyền con người trong phạm vi quốc gia và trên thế giới.

(ii) Học qua quyền con người, hướng đến mục tiêu tăng khả năng thực hiện quyền. Mục đích của phương diện này là tìm các cơ hội để khắc phục vi phạm quyền.

(iii) Học cho quyền con người, đây được nhận định là học cho sự phát triển và đạt được quyền hạn thông tin, tạo điều kiện cho con người can thiệp một cách tích cực theo hướng chú ý tới quyền con người, đơn cử như đào tạo khả năng đánh giá mang tính chất phê phán và học với phương pháp đối phó với xung đột khi có sự xâm phạm về quyền con người.[15]

Từ bài học trên, khi tiến hành giáo dục về quyền con người tại nước ta cần thiết tập trung thúc đẩy phát triển các nhân tố sau (i) Đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên theo định hướng năng lực; (ii) Tận dụng các nguồn vốn từ tài trợ nước ngoài để xây dựng cơ sở vật chất hiện đại phục vụ công tác bồi dưỡng và đào tạo; (iii) Nhanh chóng tiếp cận kiến thức, kinh nghiệm và tài liệu từ các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế thông qua các hội thảo khoa học quốc tế về vai trò và ý nghĩa của giáo dục nhân quyền; từ đó, tạo cơ sở hoạch định chính sách, thúc đẩy phát triển hoạt động giáo dục quyền con người phù hợp với xu thế mới.[16]

4. Kết luận

Giáo dục về quyền con người xét dưới góc độ lý luận và thực tiễn phụ thuộc nhiều vào mục tiêu, đối tượng, nội dung và phương pháp giảng dạy được xác định trong từng giai đoạn phát triển và chính sách của mỗi quốc gia. “Có thể xác định mục tiêu tổng quát giáo dục quyền con người bao gồm: tăng cường sự tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản; phát triển toàn diện cá nhân con người và ý thức tôn trọng con người; thúc đẩy sự hiểu biết, tôn trọng, bình đẳng giới và sự đoàn kết giữa các quốc gia, người bản địa và các nhóm chủng tộc, quốc gia, dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ; nâng cao năng lực của mọi người trong xã hội tự do dân chủ”…[17]

Tại Việt Nam khi tiến hành đưa môn học quyền con người vào giảng dạy vẫn còn những vấn đề cần sự thống nhất giữa các cơ sở đào tạo. Đó có thể là thống nhất sử dụng giáo trình đặc thù với môn học, thống nhất về thời lượng cũng như bố trí thời điểm giáo dục môn học, phương pháp tiếp cận vấn đề…, Theo đó, bởi đặc thù môn học còn khá mới mẻ, đòi hỏi có sự vận dụng, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trong việc đào tạo pháp luật về quyền con người, hướng đến mục tiêu cơ bản là đến năm 2025, 100% các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân có đào tạo liên quan đến quyền con người./.

TS. Trần Lê Đăng Phương

Trường Đại học An Giang - ĐHQG TPHCM

ThS. Nguyễn Thành Phương

Khoa Luật, Trường Đại học Nam Cần Thơ


[1] Trung tâm nghiên cứu quyền con người - quyền công dân, Giới thiệu các văn kiện quốc tế về quyền con người, Nhà xuất bản lao động – xã hội, 2011, tr.63.

[2] Nguyễn Văn Thái, Thực trạng và giải pháp giáo dục quyền con người trong các nhà trường quân đội hiện nay, http://qcn.ciks.vn/Content/thuc-trang-va-giai-phap-giao-duc-quyen-con-nguoi-trong-cac-nha-truong-quan-doi-hien-nay-485621, truy cập ngày 16/9/2022.

[3] Lê Thị Châu, Giảng dạy về quyền con người: thực tiễn tại Khoa luật Trường Đại học Duy Tân, Tạp chí Pháp luật về quyền con người, số 1 (22), 2022, tr.91.

[4] Wolfgang Benedek (chủ biên), Tìm hiểu về quyền con người tài liệu hướng dẫn về giáo dục quyền con người, Nxb Tư Pháp, Hà Nội, năm 2008, tr.13.

[5] Giáo dục quyền con người cho sinh viên trong bối cảnh hội nhập quốc tế, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dao-tao-boi-duong/item/2901-giao-duc-quyen-con-nguoi-cho-sinh-vien-trong-boi-canh-hoi-nhap-quoc-te.html, truy cập 17/7/2022

[6] Võ Khánh Minh, Các giải pháp đổi mới giáo dục quyền con người ở nước ta hiện nay, https://tapchitoaan.vn/cac-giai-phap-doi-moi-giao-duc-quyen-con-nguoi-o-nuoc-ta-hien-nay5488.html, truy cập ngày 17/9/2022

[7] Nguyễn Văn Thái, Thực trạng và giải pháp giáo dục quyền con người trong các nhà trường quân đội hiện nay, http://qcn.ciks.vn/Content/thuc-trang-va-giai-phap-giao-duc-quyen-con-nguoi-trong-cac-nha-truong-quan-doi-hien-nay-485621, truy cập 17/9/2022.

[8] Cổng thông tin điện từ Học viện chính trị quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Hội thảo khoa học “Nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học ở Việt Nam”, https://hcma.vn/vanban/Pages/van-ban-quan-ly.aspx?ItemId=31782&CateID=0, truy cập 16/9/2022.

[9] Nguyễn Văn Mạnh-Nguyễn Thị Báo, Giáo dục quyền con người tại các cơ sở đào tạo không chuyên ngành luật- Vấn đề giải đáp, Tạp chí khoa giáo số 7/2007.

[10] Phùng Thế Vắc- Đinh Thị Mai, Nghiên cứu giảng dạy quyền con người, quyền công dân ở học viện an ninh, “Giáo dục quyền con người những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Khoa học xã hội, năm 2011, tr.87.

[11] Lê Thị Châu, Giảng dạy về quyền con người: thực tiễn tại Khoa Luật Trường Đại học Duy Tân, Tạp chí Pháp luật về quyền con người, số 1 (22), 2022, tr.91.

[12] Sherlawa., W, Hudebine., H, The United Nations Convention on the rights of persons with disabilities: Opportunities and tensions within the social inclusion and participation of persons with disabilities, ALTER European Journal of Disiability Reasearch 9 (2015) 9-21.

[13] Brander, P., Keen, E. Lemineur, & M.-L. (Eds.) (2002). Compass. A manual on Human Rights education with young people. Strasbourg: Council of Europe Publishing.

[14] Bùi Nguyên Khánh, Phương pháp giáo dục quyền con người- Kinh nghiệm từ các chương trình giáo dục quyền con người của Liên Hợp quốc, NXB Khoa học xã hội, năm 2011, tr.67.

[15] Linh, P. T (2018): Phát triển đội ngũ giảng viên theo tiếp cận năng lực tại CHLB Đức, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia, Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh.

[16] Nordin. R, Shapiee. R (Eds) (2012), Designing human rights subject based on students’ need, Procedia - Social and Behavioral Sciences 59 ( 2012 ) 715-722

[17] Võ Khánh Minh, Các giải pháp đổi mới giáo dục quyền con người ở nước ta hiện nay, https://tapchitoaan.vn/cac-giai-phap-doi-moi-giao-duc-quyen-con-nguoi-o-nuoc-ta-hien-nay5488.html, truy cập 15/9/2022.