Bài viết chỉ ra mối tương quan giữa Quyền và Nghĩa vụ cũng như những hệ lụy tiêu cực của việc đề cao Quyền con người một cách thái quá. Thông qua đó, bài viết khẳng định tính cấp thiết của Nghĩa vụ con người cả về lý luận và thực tiễn đối với cộng đồng và nhân loại, hướng mọi người nhìn nhận lại tầm quan trọng của Nghĩa vụ con người và nhận thức về mối tương quan giữa Quyền và Nghĩa vụ con người một cách cân xứng hơn.

Trong lý luận cơ bản của pháp luật, Quyền và Nghĩa vụ là hai mặt của một vấn đề. Nếu con người cho rằng mình có Quyền thụ hưởng (enjoyment) thì cũng đồng nghĩa với việc phải có Nghĩa vụ cống hiến (dedication). Thậm chí, Nghĩa vụ phải đi trước Quyền thì xã hội mới phát triển hợp lý. Một ví dụ đơn giản là, con người phải trồng lúa rồi mới có gạo để nấu cơm ăn. Nếu chỉ đòi hỏi phải có cơm, Quyền được ăn cơm là Quyền hiển nhiên, rồi ai cũng ngồi đó chờ cơm thì chẳng bao lâu kho gạo sẽ cạn. Mọi người phải đi gieo trồng lúa trước đã, rồi Quyền được ăn cơm sẽ xuất hiện. 
Tuy vậy, trong lý luận pháp luật hiện nay, dường như thế giới đang bị cuốn vào trào lưu quá đề cao Quyền con người nhưng rất ít quan tâm đến Nghĩa vụ mà con người cần thực thi. Sự mất cân bằng này đang gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ John Fitzgerald Kennedy trong lễ nhậm chức năm 1961 từng phát biểu rằng: “Đừng hỏi đất nước có thể làm gì được cho các bạn, hãy hỏi các bạn có thể làm gì cho đất nước” (ask not what your country can do for you, ask what you can do for your country)1. Hoa Kỳ là một quốc gia luôn cho mình là đi đầu về nhân quyền nhưng rồi thực tế cuộc sống đã buộc vị Tổng thống của họ phải bật lên câu nói mang ý nghĩa đề cao Nghĩa vụ của con người. Thực tế cuộc sống đó là gì? Là sự đòi hỏi mọi thành viên trong một đất nước phải siêng năng làm việc, tận tụy cống hiến, phải rất có trách nhiệm để xây dựng, phát triển và bảo vệ cộng đồng của mình, chứ không phải là cứ khăng khăng đi tìm quyền lợi cá nhân vì cho rằng mình đương nhiên có những Quyền đó.  
Khi nói Quyền và Nghĩa vụ không tách rời tức là đề cao sự công bằng. Có sự công bằng, mọi người sẽ có niềm tin vào cuộc sống để làm việc và cống hiến. Trước đây, khi thân phận con người bị đày đọa áp bức, nhất là trong Thế chiến thứ hai, các học giả đã đấu tranh cho Nhân quyền cũng chính là để đi tìm sự công bằng này. Hiện nay, khi Quyền con người được ưu tiên đề cao lại khiến cho sự công bằng bị đe dọa. Đây chính là lúc phải đặt vấn đề về Nghĩa vụ con người để tìm lại sự công bằng đó. 
1. Những hệ lụy tiêu cực của việc đề cao quyền con người một cách thái quá
Thứ nhất, nền kinh tế suy thoái 
Quyền được hưởng an sinh xã hội (The right to social security) là một trong những Quyền kinh tế, xã hội cơ bản của con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người (tiếng Anh: Universal Declaration of Human Rights, viết tắt: UDHR)”2  và một số văn kiện quốc tế quan trọng khác3. Đó là các khoản chi phúc lợi xã hội nhằm đảm bảo cho mọi người dân đều có thể nhận được những trợ cấp từ chính phủ. Nếu các khoản chi này quá nhiều trong khi nguồn thu ngân sách không đủ sẽ để lại những hệ lụy xã hội như sau: 
Một là, sự bình đẳng trong phân phối thu nhập dẫn đến tâm lý người lao động không muốn làm việc nhiều, thậm chí đã có một số người không tìm việc làm mà chỉ đợi hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp. Việc người dân lợi dụng vào chính sách trợ cấp thất nghiệp “hào phóng” này đã đẩy tỉ lệ thất nghiệp ở một số quốc gia tăng cao4. Theo Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), có khoảng 40% người châu Âu trong độ tuổi lao động không làm việc mà sống dựa vào một loại trợ cấp nào đó của chính phủ vì viện lý do như bệnh tật, nghỉ hưu sớm, cô đơn... Từ đó dẫn đến năng suất lao động giảm, thu nhập bình quân tăng chậm, mức tăng trưởng kinh tế thấp5, đe dọa nguồn thu ngân sách quốc gia. 
Hai là, gây ra tình trạng mất cân đối thu chi trong ngân sách vì các khoản chi phúc lợi xã hội chiếm tỷ trọng lớn trong GDP. Để ứng phó với vấn đề này, đi vay là một trong những giải pháp được nhiều quốc gia lựa chọn để đảm bảo cho các khoản chi phúc lợi xã  hội. Các khoản vay ngày càng nhiều đã dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách, đẩy mức nợ công tăng cao. Cụ thể, một số nước có chính sách phúc lợi xã hội cao trên thế giới thì cũng thuộc nhóm có tỉ lệ nợ công trên GDP cao nhất thế giới như: Mỹ 126% GDP (28.800 tỷ USD), Trung Quốc 55% GDP (8.200 tỷ USD), Nhật Bản 276% GDP (15.050 tỷ USD), Đức 88% GDP (3.300 tỷ USD), Anh 114% GDP (3.700 tỷ USD), Ấn Độ 83% GDP (2.590 tỷ USD), Pháp 121% GDP (3.260 tỷ USD)6. 
Các quốc gia này khi đứng trước tình trạng nợ công tăng cao đã buộc phải cắt giảm các khoản chi tiêu công, tăng thuế suất để có nguồn thu mà trả nợ. Những biện pháp này không bảo đảm giải quyết được các khoản nợ nhưng lại có khả năng cao đẩy đất nước rơi vào những khó khăn mới như làm giảm đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, kìm hãm sự phục hồi của nền kinh tế, làm chậm tốc độ tăng trưởng chung, thậm chí là có thể đẩy nền kinh tế quốc gia đi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. 
Thứ hai, tâm lý con người bị tác động tiêu cực 
Việc đề cao Quyền và lãng quên các Nghĩa vụ tương ứng sẽ dẫn đến lối sống thờ ơ, vô trách nhiệm. Tinh thần trách nhiệm đòi hỏi mỗi người phải chịu vất vả, hao tốn tâm huyết, thời gian, tiền bạc để hoàn thành những Nghĩa vụ. Nhưng một số người quan niệm rằng, việc thụ hưởng Quyền là hạnh phúc còn việc thực thi Nghĩa vụ là cực khổ nên chỉ thích tìm hạnh phúc từ việc thụ hưởng Quyền và tìm cách lảng tránh trách nhiệm (vô trách nhiệm), hoặc trốn bớt trách nhiệm (thiếu trách nhiệm). 
Ngày nay, thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của nhiều người đã trở thành một thực trạng báo động. Có những trường hợp bố mẹ không làm tròn Nghĩa vụ yêu thương, nuôi dưỡng con cái, thậm chí là chối bỏ cả đứa con của mình. Con cái thì bất hiếu, hỗn xược, bạc đãi cha mẹ lúc tuổi già. Trong cộng đồng xã hội, con người vô cảm trước những điều xấu ác đang diễn ra trước mắt mình: thấy người trong cơn nguy kịch thì dửng dưng đi qua không giúp đỡ vì sợ bị lừa hoặc sợ bị liên lụy đến mình; ở trường thấy bạn bị đánh, bị ức hiếp... không những không can ngăn mà còn reo hò cổ vũ, quay video phát tán khắp nơi. Những hiện tượng vô cảm này ban đầu xuất hiện trong xã hội như là những sự cá biệt, nhưng càng ngày xuất hiện càng nhiều và lan rộng trong nhiều lĩnh vực của đời sống. 
Hậu quả sẽ càng nghiêm trọng khi mọi người không coi trọng trách nhiệm của mình đối với đất nước và cộng đồng. Chẳng hạn, vào giai đoạn đầu chống dịch COVID-19, Nhà nước Việt Nam đã chi trả mọi chi phí chống dịch bao gồm cả chi phí chăm sóc, chữa bệnh cho người bị nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, có một số cá nhân thiếu ý thức, không tuân thủ các quy định về phòng chống lây nhiễm của cơ quan y tế như: không khai báo y tế, không đeo khẩu trang khi tiếp xúc, trốn cách ly... Đây là những hành vi thiếu trách nhiệm với sức khỏe của chính bản thân họ, sức khỏe của gia đình và cộng đồng, làm giảm hiệu quả chống dịch của toàn dân, làm hao tốn thêm nguồn lực của Nhà nước. 
Thứ ba, các giá trị văn hóa nhân loại bị mai một 
Thói quen thụ hưởng Quyền đã làm cho con người có lối sống dễ dãi, dẫn đến việc phá vỡ các mối quan hệ xã hội và làm mai một các giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân loại. Điển hình là tầng lớp thanh thiếu niên trở nên lệch lạc nhân cách vì bị nhiễm độc bởi khuynh hướng thụ hưởng tình dục một cách dễ dãi. Trong xã hội nổi dậy trào lưu sống thử, quan hệ tình dục trước hôn nhân, "yêu cuồng sống vội", không cần nghĩ đến trách nhiệm và tương lai đã gây ra vấn nạn nhức nhối cho xã hội. Theo thống kê trên toàn thế giới vào năm 2019, có khoảng 73,3 triệu ca phá thai7. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo phá thai, trong đó 20 - 30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn, 60 - 70%  là sinh viên và 20% ở độ tuổi vị thành niên mới 14 - 15 tuổi đã nạo phá thai hai lần8. 
Khuynh hướng hưởng thụ tình dục dễ dãi không chỉ tác động đến lối sống của giới trẻ mà còn làm mai một đi văn hóa thủy chung trong gia đình. Theo số liệu của Bộ Văn  hóa - Thể thao và Du lịch, trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam có 1.384.660 vụ án ly hôn Tòa án đã giải quyết, trong đó ngoại tình chiếm 76,6%9. Cha mẹ ly hôn để tự giải thoát cho mình khỏi những trách nhiệm ràng buộc của gia đình nhưng con cái lại là những người gánh chịu hậu quả. Thiếu sự dạy dỗ đầy đủ từ cha mẹ, các em dễ bị lệch lạc về nhân cách, dễ bị bạn xấu dụ dỗ dẫn đến bỏ học giữa chừng rồi sa ngã vào các tệ nạn xã hội, làm cho tỷ lệ trẻ hóa tội phạm tăng cao. 
Thói quen thụ hưởng Quyền cũng đã tác động tiêu cực đến văn hóa tôn sư trọng đạo trong nhà trường. Học sinh được thầy cô truyền dạy những kiến thức mới lạ, hấp dẫn và bổ ích. Để có kiến thức đó, thầy cô phải rất vất vả nghiên cứu và soạn giáo án. Vì những sự vất vả cực nhọc đó mà người học trò nào cũng phải có lòng biết ơn và có thái độ tôn trọng đúng mực đối với thầy, cô giáo. Tuy nhiên, quan niệm hưởng Quyền lại cho rằng giáo viên đi dạy được trả tiền nên phải có trách nhiệm dạy cho tốt, còn học sinh đi học phải đóng tiền nên có quyền được nhận kiến thức. Hệ lụy của thói quen hưởng Quyền đã dẫn đến việc cho rằng giáo dục là một giao dịch tiền bạc sòng phẳng giữa Quyền của học sinh và Nghĩa vụ của giáo viên, từ đó xóa đi văn hóa tôn sư trọng đạo và lòng biết ơn của người học trò. 
Tinh thần trách nhiệm làm cho con người biết sống có nghĩa tình, biết kiềm chế chính mình để giữ gìn những đạo đức truyền thống của xã hội. Còn thói quen thụ hưởng Quyền lại khiến cho con người có lối sống buông tuồng, dễ dãi và lệch lạc nhân cách. Đây là một thực trạng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội, làm suy thoái đạo đức con người mà thế giới cần nhìn lại. 
Thứ tư, an ninh - chính trị bất ổn 
Quyền tự do hội họp và Quyền biểu tình là những Quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên những Quyền này đang bị các phần tử xấu lợi dụng để gây ra những cuộc bạo loạn xã hội, khiến cho các quốc gia phải đối diện với một nền chính trị bất ổn. Nổi bật là cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ (15 đến 26 triệu người tham gia) sau cái chết của người da màu George Floyd10. Người biểu tình đã nổi loạn, phóng hỏa các cơ sở thương mại, nhà thờ, xe cảnh sát, đập phá, cướp bóc các siêu thị và cửa hiệu trên khắp các thành phố lớn. Theo Báo New York Post (ngày 04/6/2020), riêng tại thành phố Minneapolis có khoảng 220 tòa nhà đã bị châm lửa đốt phá, tổn thất ít nhất 55 triệu USD về tài sản bị hư hại và tài sản bị đánh cắp11. Theo đài Fox News, cuộc biểu tình này đã nhanh chóng lan rộng khắp châu Mỹ, châu Á, châu Âu12. 
Có trường hợp sau cuộc bầu cử, phe thất bại đã dấy động biểu tình chiếm chính quyền với lý do được tạo ra là bầu cử có gian lận13. Thực trạng này là một hồi chuông cảnh tỉnh cho thế giới phải cân nhắc lại phạm vi và tính hợp lý của những Quyền phức tạp này. 
Với nhiều hệ lụy tiêu cực như vậy, việc nhân loại tiếp tục đề cao một cách thái quá Quyền con người sẽ khiến giới nghiên cứu phải đặt câu hỏi về tính hợp lý trong mối tương quan giữa Quyền và Nghĩa vụ của con người trong giai đoạn hiện nay.

Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19. Nguồn: nhandan.vn


2. Mối tương quan giữa Quyền và Nghĩa vụ
Trong thời kỳ chế độ phong kiến quân chủ chuyên chế, thân phận con người rất bi thảm khi bị cai trị bởi các ông vua bạo ngược. Mạng sống con người bị coi rẻ, thân phận con người bị lệ thuộc hoàn toàn vào ý chí của kẻ thống trị. 
Quan điểm chính trị của loài người đã bắt đầu thay đổi từ khi xuất hiện Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của Pháp. Những văn bản đó đã đi tiên phong trong việc đề cao các Quyền tự do của con người. 
Đến khi Liên hợp quốc ra đời năm 1945, lịch sử Quyền con người đã bước sang một giai đoạn đỉnh cao với bản Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người  năm 194814. Sau đó, nhiều điều ước quốc tế (International treaties), nhiều hiến pháp của các quốc gia (National constitutions) nối tiếp bổ sung thêm các Quyền căn bản của con người và công dân. 
Thế giới đã tích cực đấu tranh, đã làm cách mạng, để đòi được tự do. Karl Marx đã đấu tranh cho giai cấp công nhân bị bóc lột, Abraham Lincoln đã đấu tranh giải phóng nô lệ, hay Nelson Mandela đã đấu tranh chống chủ nghĩa Apartheid... tất cả vì giành Quyền tự do cho con người. Khi đấu tranh đòi tự do, họ đã dùng rất nhiều lý luận để tôn vinh Quyền tự do như là một giá trị cao quý.
Không phủ nhận rằng, Quyền con người là một thành quả tốt đẹp, một bước tiến văn minh của nhân loại. Tuy nhiên, đến ngày hôm nay, chúng ta phải nhìn nhận lại một cách thấu đáo hơn về bản chất của Quyền con người, về mối tương quan giữa Quyền và Nghĩa vụ của con người. Vì Quyền và Nghĩa vụ là hai mặt của một vấn đề nên nếu chỉ đề cao Quyền mà lãng quên Nghĩa vụ, chúng ta đã gây nên một sự thiên lệch lớn cho thế giới. Hơn nữa, Nghĩa vụ con người còn là tiền đề, là điều kiện để Quyền con người được thụ hưởng. Chỉ khi con người thực thi Nghĩa vụ một cách đầy đủ để xây dựng nguồn lực dồi dào cho xã hội, sau đó Quyền con người mới có cơ hội được áp dụng vững chắc trong thực tế. Điều này cũng giống như một người muốn có Quyền ăn cơm phải có Nghĩa vụ đi trồng lúa trước vậy. 
Nếu nhìn Quyền và Nghĩa vụ qua lăng kính toán học, chúng ta sẽ có sự hình dung trực quan hơn về mối tương quan giữa hai yếu tố này:  
Một, tổng số giữa Quyền và Nghĩa vụ. Quyền mang dấu âm vì thụ hưởng lấy đi bớt nguồn lực của xã hội, Nghĩa vụ mang dấu dương vì cống hiến tạo bổ sung thêm cho nguồn lực xã hội.
        Nghĩa vụ + Quyền = Nguồn lực xã hội
Nếu kết quả là âm (cống hiến ít hơn thụ hưởng) thì xã hội sẽ thiệt thòi không còn nguồn lực để phát triển. Nếu kết quả là dương (cống hiến nhiều hơn thụ hưởng) thì nguồn lực xã hội được tích lũy dư dả để phát triển. 
Hai, tỉ số giữa Quyền và Nghĩa vụ. Quyền là mẫu số vì đó là tất cả những lợi ích mà con người mong ước được thụ hưởng, Nghĩa vụ là tử số vì đó là phần cống hiến mà con người có khả năng thực hiện.
        Nghĩa vụ/Quyền =  Giá trị con người
Nếu tử số càng lớn mà mẫu số càng nhỏ thì giá trị của phân số càng lớn. Tức là khi khả năng cống hiến nhiều mà sự đòi hỏi quyền lợi ít thì con người có giá trị cao giữa cuộc đời. Nếu tử số là số dương, mẫu số tiến về “không” thì giá trị của phân số đó là vô cực, tức người đó sống gần như không đòi hỏi Quyền lợi mà chỉ cống hiến cho đất nước, nhân loại, giá trị người đó là vô hạn, tuyệt đối cao quý, được cả nhân loại tôn vinh. 
Chính vì sự quan trọng của Nghĩa vụ con người như thế nên giữa trào lưu tôn vinh Quyền con người ồ ạt khắp thế giới đã có nhiều người nhìn thấy sự mất cân bằng nguy hiểm trong pháp luật và đời sống nếu xem thường Nghĩa vụ của con người. Một số học giả đã lên tiếng cảnh báo về hậu quả của việc đề cao Quyền con người một chiều. Họ cũng đã nhấn mạnh Nghĩa vụ của con người mới là điều quan trọng để xây dựng thế giới tốt đẹp, vì trên thực tế, có đóng góp xây dựng thì người ta mới xứng đáng được thụ hưởng.  
Năm 1997, tổ chức The InterAction Council đã đưa ra Tuyên ngôn Quốc tế về Nghĩa vụ con người15 để đối trọng (counterbalance) với UDHR năm 1948, nhưng những nội dung mà họ tuyên bố chưa ghi được dấu ấn và chưa đủ sức thuyết phục cộng đồng quốc tế nên Tuyên ngôn đó dần bị lãng quên. Tuy nhiên, tổ chức này cũng đã nêu ra được những ý kiến nhằm cảnh báo các nước về hậu quả nghiêm trọng khi con người chỉ đón nhận Quyền mà không thực thi Nghĩa vụ. Trước đó, khoản 1, Điều 29 UDHR đã khẳng định tầm quan trọng của Nghĩa vụ con người: “Mọi người đều có những Nghĩa vụ đối với cộng đồng, là nơi duy nhất mà ở đó nhân cách của bản thân họ có thể phát triển tự do và đầy đủ” (Everyone has duties to the community in which alone the free and full development of his personality is possible), nhưng đáng tiếc thay nội dung này cũng chưa được nghiên cứu, khai thác đúng mức. 
Nếu cứ tiếp tục ca ngợi thái quá Quyền con người, thế giới sẽ suy thoái và sụp đổ dần dần, từ nước này đến nước khác, từ khu vực này đến khu vực khác, một cách không thể tránh khỏi. 
Sau một lịch sử dài đằng đẵng thân phận con người bị xem thường, bị ngược đãi, con người đã đánh dấu sự tiến bộ văn minh bằng cách tuyên bố hùng hồn về Quyền con người nhằm khẳng định tính pháp lý cho sự sống có phẩm giá của toàn thể nhân loại. Tuy nhiên, phía sau sự phản ứng thái quá đó, phía sau sự đề cao gần như cực đoan về Quyền con người đó, loài người bắt đầu nhìn ra sự mất cân đối giữa Quyền và Nghĩa vụ. Nếu chỉ có Nghĩa vụ mà không có Quyền thì con người quá vất vả. Ngược lại, nếu chỉ có Quyền mà không có Nghĩa vụ thì nguồn lực xã hội nhanh chóng cạn kiệt. Đã đến lúc cần đề cao Nghĩa vụ của con người để tìm lại sự cân bằng cho xã hội, tìm lại sự thăng bằng cho tâm lý, đạo đức, dự trữ nguồn lực để xây dựng cả thế giới thành một nơi bình yên, hạnh phúc. 
Việc thúc đẩy trách nhiệm và Nghĩa vụ của con người đối với cộng đồng và nhân loại trong thời điểm hiện tại, cả về lý luận và thực tiễn, là việc làm cấp bách quan trọng.

TS. Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang)

Phó Trưởng ban Kinh tế tài chính, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 3/2022

---

Tài liệu trích dẫn
(1) Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói điều tương tự tại buổi lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam vào ngày 19/01/1955: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà?” (Báo Nhân dân, số 326, ngày 21/01/1955). Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập (2011), Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tập 9, tr. 265.
(2) Điều 22, 25 UDHR.
(3) Điều 9, Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa năm 1966 (tiếng Anh: International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights, viết tắt: ICESCR); Điều 26 Công ước về Quyền Trẻ em năm 1989 (tiếng Anh: Convention on the Rights of the Child, viết tắt: CRC); khoản 2, Điều 28 Công ước về Quyền của người khuyết tật năm 2007 (tiếng Anh: Convention on the Rights of Persons with Disabilities, viết tắt: CRPD);... 
(4) Theo số liệu của Viện Thống kê quốc gia Pháp công bố ngày 14/02/2019, tỷ lệ thất nghiệp của Pháp vào quý 4 năm 2018 là 8,8% (trên tổng số người trong độ tuổi lao động). Tổng cộng, có khoảng 2,5 triệu người Pháp trong cảnh thất nghiệp. Website: https://www.insee.fr/en/statistiques/3714653, truy cập ngày 02/3/2021.
(5) TS. Phạm Thị Hồng Điệp (2012), Những thách thức với các nhà nước phúc lợi châu Âu trong thế kỷ XXI, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Kinh tế và Kinh doanh 28, tr. 60‐67. 
(6) Tính đến ngày 26/9/2021. Xem số liệu nợ quốc gia tức thời tại website: https://www.usdebtclock.org/world-debt clock.html, truy cập ngày 26/9/2021
(7) Dẫn theo https://righttolife.org.uk/news/abortion-was-the-leading-cause-of-death-worldwide-in-2019, truy cập ngày 04/3/2021
(8) Thanh Mai (2019), Báo động nạn phá thai ở người trẻ, Báo Nhân dân điện tử, website: https://nhandan.com.vn/tin tuc-y-te/bao-dong-nan-pha-thai-o-nguoi-tre-349344, truy cập ngày 03/3/2021.
(9) Mai An (2018), Hơn 1 triệu vụ ly hôn trong 10 năm gần đây có nguyên nhân là bạo lực gia đình, Báo Sài Gòn giải  phóng online, website: https://www.sggp.org.vn/hon-1-trieu-vu-ly-hon-trong-10-nam-gan-day-co-nguyen-nhan-la bao-luc-gia-dinh-562012.html, truy cập ngày 26/02/2021. 
(10) Lan rộng hơn 650 thành phố và 50 tiểu bang nhằm chống phân biệt chủng tộc tại thành phố Minneapolis, Hoa Kỳ.  Tham khảo bài viết: Biểu tình chống kỳ thị chủng tộc lan rộng ở châu Âu và Bắc Phi, Báo Công an nhân dân online,  website: http://cand.com.vn/The-gioi-24h/Bieu-tinh-chong-ky-thi-chung-toc-lan-rong-o-chau-Au-va-Bac-Phi 598171/, truy cập ngày 06/3/2021.
(11) Dẫn theo https://www.kare11.com/article/news/local/george-floyd/damage-from-fires-vandalism-in-minneapolis-at 55-million-and-counting/89-09073537-2473-4604-a17c-9fc3b5f3430b, truy cập ngày 05/3/2021.
(12) Xem “Xung đột sắc tộc: Mỹ chìm trong vòng xoáy bạo lực”, Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, số 122 (5892),  3-6-2020, tr.16. 
(13) Hàng chục nghìn người biểu tình Belarus hôm 6/9/2020 tuần hành trên đường phố ở thủ đô Minsk, kêu gọi Tổng  thống Alexander Lukashenko từ chức. Gần một tháng sau cuộc bầu cử mà phe đối lập cáo buộc có gian lận, các cuộc  biểu tình quy mô lớn ở Belarus không có dấu hiệu suy giảm. Xem “Người Belarus tiếp tục biểu tình đòi tổng thống từ chức”, Báo The VietNam Post, số 1475, đăng ngày 11/9/2020, tr. 4, website: https://thevietnampost.com/wp content/uploads/2020/10/SecA-2.pdf, truy cập ngày 25/6/2021.
(14) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Tuyen-ngon-quoc-te-nhan-quyen-1948-65774.aspx.
(15) https://www.interactioncouncil.org/sites/default/files/udhr.pdf.