Bài viết phân tích việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo trong thực tiễn hoạt động tôn giáo của tín đồ, chức sắc, tổ chức tôn giáo ở Việt Nam. Đồng thời, đánh giá những hạn chế cả về mặt khách quan và chủ quan đòi hỏi phải có các giải pháp hiệu quả, đồng bộ góp phần hoàn thiện chính sách, luật pháp cũng như thực tiễn bảo đảm quyền tự do tôn giáo, phù hợp với yêu cầu của sự phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
1. Pháp luật Việt Nam về quyền tự do tôn giáo
Vấn đề tôn giáo nói chung và quyền tự do tôn giáo nói riêng là vấn đề cơ bản, quan trọng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm giải quyết. Quá trình đổi mới nhận thức của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về quyền tự do tôn giáo qua các giai đoạn cách mạng là điều kiện, cơ sở cho hoạt động của các tôn giáo được diễn ra một cách bình thường đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của tín đồ, chức sắc, tổ chức tôn giáo. Cụ thể hóa những quan điểm của Đảng từ năm 1990 đến nay về quyền tự do tôn giáo, Hiến pháp năm 2013, điều 24 khẳng định quyền tự do tôn giáo là một bộ phận của quyền con người, theo đó: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”1. Nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, ngày 18/11/2016 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Việc ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là kết quả của quá trình thể chế hóa Hiến pháp về quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, trên cơ sở hiến định, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cụ thể hóa nhiều nội dung về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo với tư cách là quyền của tất cả mọi người. Đáng chú ý, lần đầu tiên trong lịch sử, Luật đưa ra các quy định cụ thể đối với đối tượng bị tạm giam, tạm giữ, khoản 5 Điều 6 ghi rõ: “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo”2. Quy định này thể hiện tính toàn diện về quyền con người trong cách tiếp cận của pháp luật Việt Nam nói chung và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng. Theo đó, Nhà nước bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đối với mọi người ngay cả đối với những người bị tước quyền công dân. Hơn nữa, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, một bộ phận rất lớn người nước ngoài vào Việt Nam với nhiều mục đích khác nhau, Nhà nước đưa ra nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đối tượng này nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra3. Đương nhiên, giống như các quy định quốc tế về quyền con người và luật pháp của tất cả các quốc gia trên thế giới, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng cụ thể hóa các “giới hạn” trong việc thực hiện quyền tự do tôn giáo. Điều này hoàn toàn hợp lý, hợp pháp, hợp Hiến và tuân thủ các quy định của các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia ký kết hoặc là thành viên.
Mặc dù vậy, vấn đề quyền con người nói chung, quyền tự do tôn giáo nói riêng luôn bị các lực lượng chống đối, cực đoan, thù địch trong và ngoài nước lợi dụng để xuyên tạc. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, thủ đoạn xuyên tạc quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam được các thế lực thù địch sử dụng dưới nhiều hình thức tinh vi nhằm thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước như: lợi dụng mạng Internet để lập các trang Web, các trang mạng xã hội như: Youtube, facebook, blog... để phát tán, đăng tải các video, hình ảnh, bài viết với danh nghĩa “bảo vệ nhân quyền”, “đấu tranh vì dân chủ”..., xuyên tạc về chính sách tôn giáo, bôi nhọ quyền tự do tôn giáo của Việt Nam; thông qua các tổ chức quốc tế, các diễn đàn “bàn tròn đa tôn giáo”, “Bàn tròn tự do tôn giáo quốc tế”... các đối tượng này đưa ra các “bằng chứng” mang tính chủ quan, phiến diện về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam; đấu tranh đòi hỏi những điều mang tính chất phi lý nhưng không được đáp ứng, từ đó vu cáo Nhà nước vi phạm nhân quyền, quyền tự do tôn giáo... Những thủ đoạn này phần nào ảnh hưởng đến các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế nhưng không thể phủ nhận được thực tế về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam.
2. Bức tranh thực tiễn về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam
Thực tiễn bảo đảm quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam được thể hiện ở nhiều phương diện, ở đây khái quát và đánh giá trên một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, sự gia tăng số lượng tín đồ, chức sắc của các tôn giáo
Ở Việt Nam, cùng với sự đổi mới và hoàn thiện chính sách, pháp luật về quyền tự do tôn giáo, số lượng tín đồ, chức sắc ngày càng có sự gia tăng ở tất cả các tôn giáo (xem bảng)4.
STT Tôn giáo Tín đồ Chức sắc
2003 2018 2003 2018
1 Phật giáo 9.063.638 14.812.178 20.305 29.727
2 Công giáo 5.512.287 6.976.585 3.410 7.491
3 Tin Lành 582.438 1.090.748 451 2.515
4 Cao Đài 811.903 1.178.579 8.567 13.464
5 Phật giáo Hòa Hảo 1.218.137 1.427.361 14 160
6 Hồi giáo 65.597 83.102 516 737
7 Tôn giáo khác 173.613 418.165 918 1.776
Tổng 17.427.613 25.986.718 34.181 55.870
Tính đến tháng 11/2020, tổng số tín đồ, chức sắc, chức việc của các tôn giáo ở Việt Nam lần lượt là: 26.548.509 tín đồ (chiếm 27% dân số cả nước); 58.104 chức sắc, 148.046 chức việc5. Căn cứ vào số liệu trên cho thấy, tỷ lệ tín đồ, chức sắc, chức việc đều có sự gia tăng nhanh chóng ở tất cả các tôn giáo trong những năm gần đây. Trong đó, một số tôn giáo có tỷ lệ gia tăng nhanh chóng như Phật giáo, Tin Lành. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó việc đổi mới chính sách, pháp luật về tôn giáo nói chung, quyền tự do tôn giáo nói riêng tạo điều kiện cho nhân dân tham gia sinh hoạt tôn giáo theo nhu cầu của cá nhân. Các tôn giáo có điều kiện và cơ hội điều chỉnh, mở rộng phạm vi hoạt động tùy theo khả năng của mình trên cơ sở pháp luật mà không có sự ràng buộc hay kiểm soát từ Nhà nước. Đặc biệt, trong những năm gần đây diễn ra xu hướng chuyển đạo, đổi đạo trong sinh hoạt của các tín đồ, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở Tây Bắc, một bộ phận người Dao, Mường, Thái, H'Mông trở thành tín đồ Phật giáo. Ở Tây Nam bộ, trong số 1,3 triệu người Khơme trước đây chủ yếu là tín đồ của Phật giáo Nam Tông, hiện nay có khoảng 2.000 người theo Tin Lành, 3.000 người theo đạo Công giáo. Khu vực Tây Nguyên, năm 2002 có 1.644 người dân tộc Cơ Ho ở bản Gung Ré, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng theo Phật giáo, đến năm 2009 cộng đoàn này tăng lên 6.000 người. Năm 1975, đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành là 55.000 người thì đến năm 2017 đã tăng lên 775.000 người6.
Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong bảo đảm quyền tự do tôn giáo được thể hiện ở sự công nhận tổ chức cho các tôn giáo. Nếu như trước đổi mới do nhiều nguyên nhân khách quan, Nhà nước mới công nhận cho 3 tổ chức (Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) thì đến năm 1999 có 6 tổ chức được Nhà nước công nhận, năm 2011 có 34 tổ chức thuộc 13 tôn giáo được Nhà nước công nhận và đến nay có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân7.
Thứ hai, sự gia tăng cơ sở thờ tự của các tôn giáo
Trước sự gia tăng tỷ lệ tín đồ và nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, trong những năm gần đây, Nhà nước luôn tạo điều kiện để các tôn giáo xây dựng, tôn tạo, sửa chữa cơ sở thờ tự phục vụ cho hoạt động tôn giáo. Chỉ tính riêng cơ sở thờ tự của tôn giáo (không tính cơ sở thờ tự của các loại hình tín ngưỡng), năm 2003 cả nước có 20.929 cơ sở thờ tự thì đến năm 2016 là 27.916 cơ sở thờ tự và năm 2020 là 29.801 cơ sở thờ tự8. Trong đó một số tôn giáo có số lượng cơ sở thờ tự tăng nhanh như Phật giáo (2003 là 13.476 và 2020 là 19.727 cơ sở thờ tự), Công giáo (2003 là 5.860 và 2020 là 7.501 cơ sở thờ tự), Tin lành (2003 là 226 và 2020 là 736), Cao Đài (2003 là 907 và 2020 là 1.317 cơ sở thờ tự). Trong những năm vừa qua, để đáp ứng nhu cầu của các tôn giáo, tất cả các địa phương tìm cách tháo gỡ vướng mắc và quy hoạch quĩ đất tạo điều kiện cho các tôn giáo xây dựng cơ sở thờ tự và mở rộng địa điểm sinh hoạt tôn giáo phù hợp với nhu cầu thực tế. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường về báo cáo kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 thì cộng đồng dân cư và cơ sở tôn giáo đang sử dụng 599.741 ha, chiếm 1,81% tổng diện tích đã giao cho các đối tượng sử dụng, trong đó đất lâm nghiệp 549.706 ha, đất nông nghiệp 3640ha, đất cơ sở tôn giáo 13.211ha9. Tính đến đầu năm 2021, số lượng cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 49 tỉnh, thành phố là 15.174/20.215 ha, chiếm 75,06%10. Thời gian gần đây, nhiều tổ chức tôn giáo được chính quyền các địa phương cấp đất với diện tích lớn phục vụ cho việc mở rộng hoạt động, điển hình là Phật giáo (quần thể chùa Tam Chúc tại Hà Nam với diện tích 5.100 ha, quần thể chùa Bái Đính tại Ninh Bình 539ha, chùa Giám tại Nghệ An 30ha...); Đà Nẵng cấp 5.000m2 xây dựng trụ sở của Hội truyền giáo Cơ Đốc Việt Nam, 10.000m2 mở rộng Tòa Giám mục Đà Nẵng; Quảng Trị cấp 15ha mở rộng khuôn viên Trung tâm hành hương Đức mẹ La Vang 11; v.v..
Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
của các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nguồn:cand.com.vn.
Thứ ba, các tôn giáo được tạo mọi điều kiện để xuất bản các ấn phẩm tôn giáo
Nhằm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của các tổ chức tôn giáo, nhà nước tạo điều kiện để các tôn giáo thành lập các trang web, xuất bản tạp chí, báo, bản tin, kinh sách và các ấn phẩm tôn giáo. Tất cả các tổ chức tôn giáo đều thành lập các website riêng và nhiều trang mạng xã hội phục vụ cho công tác tuyên truyền. Theo thống kê, từ năm 2018 đến năm 2020, nhà xuất bản Tôn giáo đã cấp quyết định xuất bản 1.457 xuất bản phẩm với 5.478.250 bản in (trong đó sách là 1.371 xuất bản phẩm với 5.203.150 bản in; ảnh là 05 xuất bản phẩm với 55.000 bản in; đĩa CD, DVD có 34 xuất bản phẩm với 36.000 bản in; phông lịch có 03 xuất bản phẩm với 60.500 bản in; lịch treo có 07 xuất bản phẩm với 9.100 bản in; lịch bàn có 03 xuất bản phẩm với 25.000 bản in; xuất bản phẩm dịch ra tiếng dân tộc có 22 xuất bản phẩm với 82.000 bản in12. Kinh sách của các tổ chức tôn giáo đã được phép xuất bản bằng 13 thứ tiếng dân tộc. Năm 2020, có 5.000 bản in Kinh thánh bằng tiếng Ê Đê, 3.000 bản in Kinh thánh tiếng Gia Rai. Tính đến năm 2020, ở Việt Nam cấp toàn đạo của các tổ chức tôn giáo có 15 tờ báo và tạp chí đang hoạt động.
Sự phát triển của các ấn phẩm tôn giáo trong những năm gần đây, đặc biệt là các website, các trang mạng xã hội là minh chứng rõ nét cho quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo sử dụng các phương tiện thông tin phục vụ cho hoạt động tôn giáo, nhất là việc truyền giáo, góp phần mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình một cách sâu rộng trong đời sống xã hội.
Thứ tư, hoạt động đào tạo của tôn giáo phát triển thông qua việc thành lập các cơ sở đào tạo
Đào tạo chức sắc là một trong những hoạt động cơ bản của các tổ chức tôn giáo nhằm không ngừng nâng cao trình độ thần học và thế học đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển mỗi tôn giáo. Trước thời kỳ đổi mới, số cơ sở đào tạo tôn giáo còn hạn chế, chủ yếu của Phật giáo và Công giáo nhưng không hoạt động thường xuyên. Sau đổi mới, đặc biệt là từ 1990 đến nay, Nhà nước luôn tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo mở rộng hoạt động đào tạo dưới nhiều hình thức khác nhau. Theo thống kê, kể từ khi đổi mới cho tới năm 2017, các tổ chức tôn giáo đã cử 1.100 nghìn chức sắc đi tu học nước ngoài ở bậc sau đại học, trong đó Phật giáo có số lượng lớn nhất với hơn 700 người13. Đối với hoạt động đào tạo ở trong nước, tính đến nay, nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo thành lập 64 cơ sở đào tạo chức sắc với tổng số trên dưới 10.000 học viên đang theo học (Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 48 cơ sở; Giáo hội Công giáo Việt Nam có 8 Đại chủng viện và 1 Học viện; Hội thánh Tin Lành Việt Nam có 4 cơ sở; các Hội thánh Cao Đài có 2 cơ sở; Phật giáo Hòa Hảo có 1 cơ sở)14.
Xuất phát từ tính chất quan trọng của công tác đào tạo chức sắc của các tổ chức tôn giáo, chính sách và pháp luật của Nhà nước ngày càng được đổi mới theo hướng tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo được công nhận thành lập cơ sở đào tạo. Trong đó, đáng chú ý là quá trình cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến vấn đề thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo theo hướng ngày càng đơn giản, gọn nhẹ hơn. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm cho việc thực hiện quyền tự do tôn giáo trong bối cảnh mới phù hợp với tính chất và đặc thù của từng loại hình tôn giáo.
Thứ năm, hoạt động quan hệ quốc tế của các tôn giáo không ngừng được mở rộng
Quan hệ quốc tế là một trong những hoạt động được các tôn giáo ở Việt Nam coi trọng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Cùng với quá trình đổi mới hoạt động đối ngoại nói chung, đối ngoại tôn giáo được nhà nước tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo mở rộng lĩnh vực này nhằm tăng cường sự hợp tác, phối hợp của tôn giáo trong và ngoài nước. Theo thống kê không chính thức của Ban Tôn giáo Chính phủ, trong thời gian từ 2005 đến 2013 có 205 đoàn khách tôn giáo nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo và có 1.343 đoàn thuộc tổ chức, cá nhân tôn giáo ở Việt Nam tham gia hoạt động quốc tế ở nước ngoài15. Riêng trong 03 năm (2018-2020), Ban Tôn giáo Chính phủ đã giải quyết cho hơn 78 đoàn ra với số lượng gần 400 chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ đi nước ngoài hoạt động tôn giáo và hơn 227 đoàn vào với số lượng là 1.207 lượt người vào hoạt động tôn giáo ở Việt Nam16. Một số tôn giáo lớn như Công giáo, Phật giáo thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi, tọa đàm mang tính quốc tế tại Việt Nam. Chẳng hạn, đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam, ngoài mối quan hệ về mặt tổ chức còn có mối quan hệ ở cấp độ nhà nước để giải quyết những vấn đề hai bên cùng quan tâm17. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã 3 lần đứng ra tổ chức các Đại lễ Vesak tại Việt Nam, gần đây nhất là Đại lễ Vesak 2019 tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Tam Chúc (Hà Nam) với sự tham dự của trên 3.000 đại biểu chính thức (trong đó có 570 phái đoàn quốc tế với 1.650 đại biểu đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ; 250 kiều bào là tăng ni, nhà nghiên cứu, Phật tử từ hơn 40 quốc gia; trên dưới 50.000 lượt tăng, ni, phật tử tham dự các hoạt động bên lề của đại lễ 18; v.v..
Có thể nói rằng, để vẽ nên bức tranh thể hiện một cách rõ nét quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam cần phải có cái nhìn toàn diện, hệ thống ở mọi khía cạnh của chính sách cũng như thực tiễn thực hành đời sống tôn giáo của tín đồ, chức sắc. Tuy nhiên, trên một số phương diện cơ bản trên cũng đã đầy đủ cơ sở để khẳng định rằng, quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam là một trong những vấn đề nguyên tắc mang tính hiến định. Quan trọng hơn, các nguyên tắc này có sự thay đổi căn bản theo chiều hướng ngày càng tiến bộ, tích cực cả trong chính sách lẫn thực tiễn góp phần quan trọng vào sự ổn định trong đời sống sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của tín đồ, chức sắc tôn giáo ở Việt Nam. Vai trò của các tôn giáo ở Việt Nam ngày càng được khẳng định trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội trở thành “nguồn lực” quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sự hoàn thiện chính sách, pháp luật cũng như thực tiễn về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam góp phần quan trọng giới thiệu với thế giới về hình ảnh đất nước Việt Nam đổi mới, hòa bình, ổn định và phát triển, từ đó nâng cao ảnh hưởng, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, là bằng chứng sinh động để đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc tình hình tôn giáo nói chung, quyền tự do tôn giáo nói riêng của một bộ phận thành phần thiếu thiện chí, cực đoan, thù địch. Đánh giá về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, Hòa thượng Thích Thanh Quyết - Trưởng ban giáo dục Tăng, Ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam khẳng định: “Tôi thấy ở nước ta, tín ngưỡng, tôn giáo rất được tự do, tự do đến mức độ được tôn trọng. So với các nước trong khu vực, tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam ít nhất là không kém, thậm chí còn nhiều mặt cao hơn và thể hiện rõ nhất niềm tin của nhân dân đối với Nhà nước”.
3. Một số kiến nghị
Từ bức tranh thực tiễn về tình hình hoạt động tôn giáo ở Việt Nam có thể khẳng định rằng: quyền tự do tôn giáo với tư cách là một bộ phận của quyền con người ngày càng được bảo đảm phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của tín đồ, chức sắc, tổ chức tôn giáo, đáp ứng yêu cầu của quốc tế về quyền con người trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động tôn giáo ở Việt Nam cho thấy: việc thực hiện quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn tồn tại một hạn chế cần tiếp tục được giải quyết cả về mặt chính sách lẫn thực tiễn. Về chính sách, qua hơn 4 năm triển khai cho thấy, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo bộc lộ một số vấn đề cần phải tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện như: một số khái niệm chưa rõ ràng, khó áp dụng (khái niệm “chức sắc”, “chức việc”, “tổ chức tôn giáo trực thuộc”...); một số nội dung chưa mang tính toàn diện và phù hợp với tất cả các tôn giáo; một số nội dung chưa thống nhất trong tương quan so sánh với các luật khác (Luật Giáo dục, Luật Y tế, Luật Đất đai...); v.v.. Về thực tiễn, nhận thức và ứng xử đối với tôn giáo và hoạt động tôn giáo vẫn chưa có sự thống nhất giữa các địa phương và giữa các cấp trong cùng một địa phương; hoạt động lợi dụng quyền tự do tôn giáo để phục chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật, trục lợi của một bộ phận tín đồ, chức sắc, chức việc vẫn còn diễn ra khá phổ biến; nhiều vụ việc liên quan đến sinh hoạt tôn giáo chậm được giải quyết, nhất là vấn đề đất đai tôn giáo; v.v..
Trước tình hình đó, nhằm không ngừng hoàn thiện chính sách tôn giáo nói chung, quyền tự do tôn giáo nói riêng, trong thời gian tới cần phải quan tâm đến một số vấn đề sau:
Một là, nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, trong đó đặc biệt chú ý đến việc rà soát những bất cập trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để chỉnh sửa, hoàn thiện cho phù hợp với thực tế; điều chỉnh một số nội dung liên quan đến hoạt động giáo dục, y tế của các tổ chức tôn giáo được quy định trong Luật Giáo dục, Luật Y tế cho thống nhất với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo nhằm phát huy “nguồn lực tôn giáo” vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương và địa phương đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra.
Hai là, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác vận động, tranh thủ sự đồng thuận với chức sắc tôn giáo, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, về các vụ việc vi phạm pháp luật của chức sắc cực đoan để tín đồ và nhân dân hiểu và đồng thuận với chính quyền. Trong đó, cần đặc biệt chú ý tới việc phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong việc đấu tranh chống lại các hiện tượng lợi dụng quyền tự do tôn giáo để trục lợi, vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ba là, tăng cường sự thống nhất và phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu kiện phức tạp liên quan đến sinh hoạt tôn giáo, nhất là vấn đề đất đai trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân với tín đồ, chức sắc và tổ chức tôn giáo.
Bốn là, chủ động tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực về tôn giáo nhằm thông tin về tình hình tôn giáo để cộng đồng quốc tế có cái nhìn khách quan về việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam. Các bộ, ngành cần tích cực, chủ động trong việc đấu tranh, phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc và các hoạt động chống phá Việt Nam trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo.
TS Nguyễn Công Trí
Viện Tôn giáo và tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 4/2022
---
Tài liệu trích dẫn
(1) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb CTQG, Hà Nội, 2013
(2) Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (hiện hành), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2017.
(3) Điều 8, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ghi rõ: 1. Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; 2. Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có quyền: a) Sinh hoạt tôn giáo, tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; b) Sử dụng địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo tập trung; c) Mời chức sắc, chức việc, nhà tu hành là người Việt Nam thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo; mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài giảng đạo; d) Vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo của tổ chức tôn giáo ở Việt Nam; đ) Mang theo xuất bản phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật Việt Nam; 3. Chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được giảng đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác ở Việt Nam.
(4);(5);(7);(8);(12);(16);(18) Ban Tôn giáo Chính phủ, số liệu tổng hợp về tình hình tôn giáo ở Việt Nam qua các giai đoạn, Phòng Tư liệu.
(6) Nguyễn Thanh Xuân, Báo cáo tổng quan đề tài cấp Nhà nước KX.04.20/16-20 “Xu hướng biến đổi tôn giáo và tác động đến đời sống xã hội ở Việt Nam: những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đang đặt ra, phương hướng giải quyết”, Hà Nội, 2019.
(9) Báo cáo số 141/BC-BTNMT ngày 31/12/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
(10) Báo cáo số 238/BC-BNV ngày 24/6/2021 của Bộ Nội vụ về tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và đề xuất định hướng sửa đổi.
(11) Nguyễn Thanh Xuân, Những con số liên quan đến đời sống tôn giáo ở Việt Nam thời kỳ đổi mới, Tạp chí Công tác tôn giáo, số 6/2019.
(13) Thích Đức Thiện, Thành tựu của Phật giáo trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ hội nhập quốc tế, đăng trong sách “Đời sống tôn giáo ở Việt Nam thời kỳ đổi mới” do Nguyễn Thanh Xuân và Lê Tâm Đắc đồng chủ biên, Nxb Lý luận chính trị, H.2019, tr347.
(14) Nguyễn Thanh Xuân, Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, 2020, tr435.
(15) Ban Tôn giáo Chính phủ, Báo cáo tổng quan quan hệ quốc tế các tôn giáo ở Việt Nam, nghiên cứu khoa học 2013, tài liệu lưu trữ, H.2013, tr45.
(17) Kể từ năm 1990 đến năm 2018, giữa Việt Nam và Vatican đã có 18 cuộc gặp gỡ, trao đổi ở cấp nhà nước bàn các vấn đề cụ thể liên quan đến quan hệ đối ngoại trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của các bên. Tính riêng trong thời gian gần đây, thông qua các hoạt động ngoại giao, 2 bên đã có những cuộc gặp gỡ ở cấp nguyên thủ quốc gia, chẳng hạn: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Giáo hoàng Benedictus XVI ngày 25 tháng 01 năm 2007; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp Giáo hoàng Benedictus XVI ngày 11 tháng 12 năm 2009; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp Giáo hoàng Benedictus XVI ngày 23 tháng 2 năm 2014; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gặp Giáo hoàng Benedictus XVI ngày 22 tháng 03 năm 2014; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Giáo hoàng Fraciscus tại Tòa thánh Vatican ngày 18 tháng 12 năm 2014; Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp Giáo hoàng Fraciscus ngày 23 tháng 11 năm 2016;v.v..