Thời gian qua, một số nước, tổ chức phương Tây đã đưa ra những đánh giá, nhận định vô căn cứ, cố tình xuyên tạc trắng trợn về quyền con người ở Việt Nam, trong đó có quyền về tự do internet. Điển hình là Báo cáo thường niên Freedom on the Net 2022 (Tự do trên mạng 2022) do tổ chức Freedom House (FH) công bố ngày 18/10/2022, trong đó xếp hạng Việt Nam là một trong năm quốc gia kém tự do Internet nhất trên thế giới với 22/100 điểm trong 3 năm (2020 -2022).
Cụ thể, về Các rào cản trong việc truy cập (Obstacles to Access): 12/25 điểm; Các giới hạn về nội dung (Limits on Content): 6/35 điểm; Vi phạm quyền của người dùng (Violations of User Rights): 4/40 điểm. Bài viết của tác giả góp phần bổ sung, củng cố thêm các luận cứ lý luận và thực tiễn để đấu tranh bác bỏ những nội dung vu cáo của tổ chức Freedom House
Internet đã về đến tận các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguồn: dangcongsan.vn
Quyền về Internet là một quyền con người
"Internet" là thuật ngữ xuất hiện lần đầu vào khoảng năm 1974. Lúc đó mạng vẫn được gọi là ARPANET. Năm 1980, ARPANET được đánh giá là mạng trụ cột của Internet. Mốc lịch sử quan trọng của Internet được xác lập vào giữa thập niên 1980 khi tổ chức khoa học quốc gia Mỹ NSF thành lập mạng liên kết các trung tâm máy tính lớn với nhau gọi là NSFNET. Sự hình thành mạng xương sống của NSFNET và những mạng vùng khác đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của Internet. Với khả năng kết nối mở như vậy, Internet đã trở thành một mạng lớn nhất trên thế giới, mạng của các mạng, xuất hiện trong mọi lĩnh vực thương mại, chính trị, quân sự, nghiên cứu, giáo dục, văn hoá, xã hội... Như vậy, có thể hiểu “Internet” là một hệ thống thông tin toàn cầu được truy nhập công cộng gồm các mạng máy tính được liên kết với nhau. Hệ thống này truyền thông tin theo kiểu nối chuyển gói dữ liệu (packet switching) dựa trên một giao thức liên mạng đã được chuẩn hóa (giao thức IP). Hệ thống này bao gồm hàng ngàn mạng máy tính nhỏ hơn của các doanh nghiệp, của các viện nghiên cứu và các trường đại học, của người dùng cá nhân và các chính phủ trên toàn cầu[1].
Các văn bản pháp luật quốc tế về quyền con người không quy định trực tiếp quyền về internet hay tự do internet, các quyền con người trên Internet hay không gian mạng nhưng khi đề cập đến quyền tự do ngôn luận, Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 đã có quy định có liên quan: “…2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ”. “Bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào” có thể là báo viết, báo in, sách và ngày nay là các trang mạng xã hội, internet…
Nhiều Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc về quyền con người trên Internet cũng khẳng định quyền tự do Internet là quyền con người. Nghị quyết số 12/16 ngày 02/10/2009 về tự do ngôn luận và biểu đạt. Nghị quyết số 20/8 (ngày 05/7/2012) về thúc đẩy, bảo vệ và hưởng thụ quyền con người trên internet khẳng định: “Các quyền mà mọi người có ngoại tuyến cũng phải được bảo vệ tương tự trực tuyến, đặc biệt là tự do ngôn luận, được áp dụng bất kể biên giới và thông qua bất kỳ phương tiện nào do một người lựa chọn, phù hợp với Điều 19 Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966”. Đồng thời, “khuyến khích xem xét việc quảng bá, bảo vệ và hưởng thụ các quyền con người bao gồm quyền tự do ngôn luận trên internet và các công nghệ khác, cũng như internet có thể là một công cụ quan trọng để phát triển và thực hiện quyền con người”[2]. “Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng một cách tiếp cận dựa trên quyền con người toàn diện khi cung cấp và mở rộng khả năng truy cập internet, internet mở được tiếp cận và nuôi dưỡng bởi nhiều bên liên quan”[3].
Như vậy, Internet là một phương thức truyền thông hay nói cách khác là một cách biểu đạt thông tin, ý kiến, quan điểm của con người; quyền tự do internet được hiểu là quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt.
Không phải tất cả các quyền con người được quy định, áp dụng
và thực hiện giống nhau – Quyền tự do internet là quyền bị hạn chế
Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 cùng với việc xác lập các quyền cũng quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của con người: “1. Mọi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng là nơi duy nhất mà ở đó nhân cách của bản thân họ có thể phát triển tự do và đầy đủ; 2. Trong khi hưởng thụ các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định, nhằm mục đích bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác, cũng như nhằm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”[4].
Từ nguyên tắc quyền và nghĩa vụ trách nhiệm nêu trong bản Tuyên ngôn, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICECSR) đã phát triển và cụ thể hóa bằng các quy định cụ thể về các quyền có thể bị hạn chế (human rights limitations- hạn chế quyền). Điều 4, ICECSR quy định nguyên tắc các quốc gia thành viên có thể đặt ra những giới hạn trong việc thực hiện quyền con người với các điều kiện: những hạn chế đó phải được quy định trong luật; không được trái với bản chất của các quyền có liên quan và vì lý do duy nhất nhằm thúc đẩy lợi ích chung trong một xã hội dân chủ[5]. Bên cạnh đó, ICCPR quy định cụ thể các quyền con người có thể bị hạn chế và các lý do hạn chế bao gồm: An ninh quốc gia; Trật tự công cộng; Đạo đức và sức khỏe cộng đồng; Quyền và tự do của người khác. Trên cơ sở các nguyên tắc chung đó, cả hai Công ước quy định các quyền bị hạn chế, trong đó có quyền tự do ngôn luận. “2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ; 3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội” (Khoản 2, Điều 19 ICCPR).
Bên cạnh việc bảo đảm quyền tự do internet, Liên Hợp quốc cũng ra các Nghị quyết về bảo đảm quyền con người trên internet, tức là bảo đảm quyền tự do internet cùng với việc bảo đảm các quyền con người khác, điều đó cũng đồng nghĩa với việc quyền tự do internet cũng có giới hạn nhất định. Quyền con người trên Internet cũng được bảo vệ như các quyền con người trong môi trường trực tiếp; thực hiện, bảo vệ các quyền con người này nhưng đồng thời không ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền con người khác. Nghị quyết số 26/13 ngày 26/6/2014 và Nghị quyết số 32/L.20 ngày 27/7/2016 về việc thúc đẩy, bảo vệ và hưởng thụ quyền con người trên internet; Nghị quyết số 68/167 ngày 18/12/2013, Nghị quyết số 28/16 ngày 24/3/2015 và Nghị quyết số 69/166 ngày 18/12/2014 về quyền riêng tư trong kỷ nguyên số; Nghị quyết số 70/184 ngày 22/12/2015 về thông tin và các kỹ thuật truyền thông vì sự phát triển; Nghị quyết số 70/125 ngày 16/12/2015 đánh giá chung về việc thực hiện các kết quả của Hội nghị cấp cao thế giới về xã hội thông tin. Một số văn bản liên quan đến các đối tượng dễ bị tổn thương đã được thông quan như: Nghị quyết số 23/2 ngày 13/6/2013 về vai trò của tự do ngôn luận và biểu đạt trong việc tăng quyền cho phụ nữ; Nghị quyết số 31/7/ ngày 23/3/2016 về quyền trẻ em, thông tin, các kỹ thuật truyền thông và bóc lột tình dục trẻ em. Các Nghị quyết nhấn mạnh một số quyền dễ bị vi phạm trong bối cảnh phát triển của không gian mạng, đó là quyền riêng tư: “cần tôn trọng và bảo vệ quyền riêng tư kể cả trong bối cảnh giao tiếp kỹ thuật số; có biện pháp chấm dứt vi phạm các quyền đó và tạo điều kiện để ngăn chặn các vi phạm, bảo gồm cả việc bảo đảm pháp luật quốc gia có liên quan tuân thủ nghĩa vụ của mình theo luật nhân quyền quốc tế”.
Nghị quyết 70/125 ngày 16/12/2015 về đánh giá chung về việc thực hiện các kết quả của Hội nghị cấp cao thế giới về xã hội thông tin, Đại hội đồng Liên hợp quốc nhận định: “chúng tôi nhận ra vai trò quan trọng của luật pháp quốc tế trong việc xây dựng niềm tin an ninh trong việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông của các quốc gia… Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại việc sử dụng thông tin ngày càng tăng và các công nghệ thông tin đe dọa lợi ích an ninh và phát triển, bao gồm việc sử dụng các công nghệ như vậy cho mục đích khủng bố và tội phạm… Chúng tôi lưu ý mối quan tâm các cuộc tấn công chống lại các quốc gia, tổ chức, công ty và các thực thể, cá nhân khác hiện đang được thực hiện thông qua các các phương tiện kỹ thuật số”[6]. Do đó, “cần phải xây dựng niềm tin và an ninh trong việc sử dụng công nghệ truyền thông; bằng cách này, chúng ta sẽ thúc đẩy thông tin, trong đó phẩm giá con người được tôn trọng”[7].
Trong Hiến chương quyền và nguyên tắc cho internet mà Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác đưa ra để thảo luận trong năm 2014 đã chứa đựng những nguyên tắc bảo đảm môi trường internet trên cơ sở quyền:
- Phổ quát và bình đẳng: Tất cả con người sinh ra đều tự do và bình đẳng trong phẩm giá và các quyền được tôn trọng, bảo vệ và hoàn thành trong môi trường mạng;
- Quyền và công lý xã hội: Internet là khoảng không gian để thúc đẩy, bảo vệ và hoàn thành các quyền con người và thúc đẩy công lý xã hội. Mọi người có nhiệm vụ tôn trọng những quyền con người của tất cả những người khác trong môi trường mạng.
- Sống, tự do và an ninh: Các quyền sống, tự do và an ninh phải được tôn trọng, bảo vệ và thực hiện trên mạng. Những quyền này không bị vi phạm hay sử dụng để làm trở ngại cho việc thực hiện các quyền khác trên môi trường mạng.
- Những chuẩn mực và quy định: Internet, các hệ thống truyền thông, những khuôn khổ tư liệu và dữ liệu phải được dựa trên những chuẩn mực mở và bảo đảm rằng sự vận hành hoàn chỉnh liên thông, tất cả các bên tham gia và cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người;
- Quản trị: Quyền con người và công lý xã hội phải được hình thành những cơ sở pháp lý và chuẩn mực mà trên cơ sở đó để internet vận hành và được quản trị. Điều này phải được diễn ra với cách thức rõ ràng, nhiều bên tham gia, dựa trên những nguyên tắc cởi mở, trách nhiệm giải trình của tất cả các bên tham gia.
(Còn tiếp)
ThS. Đặng Thị Loan
Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[2] Nghị quyết số 20/8 (ngày 05/7/2012) về thúc đẩy, bảo vệ và hưởng thụ quyền con người trên internet
[3] Nghị quyết số 32/L.20 ngày 27/7/2016 về việc thúc đẩy, bảo vệ và hưởng thụ quyền con người trên internet
[4] Viện Nghiên cứu quyền con người (2009), Một số văn kiện của Liên hợp quốc về quyền con người trong quản lý tư pháp, Nhà xuất bản Công an nhân dân, tr.14
[5] Viện Nghiên cứu quyền con người (2009), “Một số văn kiện của Liên hợp quốc về quyền con người trong quản lý tư pháp”, Nhà xuất bản Công an nhân dân, tr.22.
[6] Nghị quyết 70/125 ngày 16/12/2015 về đánh giá chung về việc thực hiện các kết quả của Hội nghị cấp cao thế giới về xã hội thông tin
[7] Nghị quyết 70/125 ngày 16/12/2015 về đánh giá chung về việc thực hiện các kết quả của Hội nghị cấp cao thế giới về xã hội thông tin