Ảnh minh hoa. Nguồn: baochinhphu.vn
1. Sự cần thiết cần lồng ghép giảng dạy về quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong chương trình giáo dục tiểu học
Giáo dục tiểu học (primary education, elementary education) là giai đoạn thứ nhất của giáo dục bắt buộc, sau giáo dục mầm và trước giai đoạn giáo dục trung học. Đây là cấp giáo dục cho trẻ em từ lớp một (5 hoặc 6 tuổi) tới hết lớp năm hoặc lớp sáu, tùy theo các quốc gia. Ở Việt Nam, gíao dục tiểu học dành cho lứa tuổi 6 đến 11, đây là cấp học quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em để hình thành nhân cách, phát triển năng lực trí tuệ và năng lực thể chất.
Bắt đầu từ năm học 2020-2021 các trường Tiểu học trên toàn quốc đã triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới (Chương trình GDPT 2018) đối với lớp 1.
- Lớp 1, 2 có: 07 môn học và 01 hoạt động bắt buộc, số tiết bình quân trên tuần là 25 (chưa tính môn tự chọn)
- Lớp 3 có: 08 nôn học và 01 hoạt động bắt buộc, số tiết bình quân trên tuần là 28 tiết
- Lớp 4, 5 có: 10 môn học và 01 hoạt động bắt buộc, số tiết bình quân trên tuần là 30 tiết.
Chương trình giáo dục Tiểu học hiện nay gồm các môn học và hoạt động giáo dục cụ thể là: 1/ Mỹ thuật, 2/ Âm nhạc, 3/ Tự nhiên xã hội, 4/ Tiếng Việt, 5/ Hoạt động trải nghiệm, 6/ Giáo dục thể chất, 7/ Toán, 8/ Đạo đức, 9/ Tiếng Anh.
Lời mở đầu của Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 đã khẳng định việc "nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này bằng học vấn và giáo dục, và bằng những biện pháp lũy tiến trên bình diện quốc gia và quốc tế, bảo đảm sự thừa nhận và thực thi trên toàn cầu các quyền tự do này ".
Việc lồng ghép giảng dạy về quyền con người ở cấp Tiểu học có ý nghĩa quang trọng: một là, sẽ góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết và sự tôn trọng quyền con người của trẻ em ngay từ giai đoạn bắt đầu hình thành nhận thức. Đối với người trưởng thành, việc giáo dục quyền con người gắn liền với giáo dục nghĩa vụ thực hiện pháp luật, song đối với trẻ em, đặc biệt là lứa tuổi từ 6 đến 11 thì giáo dục quyền con người gắn liền với đạo đức; hai là: trẻ em sẽ không thể bị xử lý hình sự trong bất kỳ trường hợp sai phạm nào ở lứa tuổi này, vì vậy, pháp luật với tư cách là một biện pháp cưỡng chế với trẻ em ở lứa tuổi 6-11 không phải là một biện pháp hiệu quả, song việc giáo dục quyền con người sẽ tạo ra được chuẩn mực văn hoá trong ứng xử đó là bình đẳng, tôn trọng, không phân biệt đối xử được hình thành trong tư duy của trẻ.
2. Những nội dung, nguyên tắc cơ bản trong lồng ghép giảng dạy về quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong chương trình giáo dục tiểu học
Giảng dạy về Quyền con người có thể được lồng ghép trong nhiều môn học và hoạt động, song trước hết có thể tập trung ở một số môn cơ bản như Đạo đức, Tiếng Việt hay Mỹ thuật.
2.1. Lồng ghép giảng dạy về quyền con người của các nhóm dễ bị tổn thương trong chương trình giáo dục tiểu học đặt ra những vấn đề cơ bản về nội dung, nguyên tắc về quyền của nhóm xã hội.
Cụ thể trẻ em tiểu học cần hiểu được khái quát về khái niệm nhóm dễ bị tổn thương, họ là những ai và quyền của một số nhóm dễ bị tổn thương gần gũi trong đời sống của trẻ.
Luật quốc tế về quyền con người xếp một số nhóm người là dễ bị tổn thương, có thể đưa ra một số các tiêu chí phân biệt xác định đối tượng dễ bị tổn thương:
- Tuổi (bao gồm trẻ em, thanh thiếu niên, người già, v.v.);
- Giới tính (phụ nữ, bao gồm cả những người đang mang thai, ốm yếu, tham gia vào xung đột vũ trang, v.v., trẻ em gái, và cả những người chuyển đổi giới tính);
- Dân tộc, đôi khi đan xen với tình trạng cư trú (dân tộc thiểu số và người bản địa, dân cư nông thôn, người dân sống trên đảo, hoặc người dân sống ở các khu vực dễ bị thiên tai);
- Tình trạng sức khỏe (người khuyết tật về thể chất và tinh thần, bệnh nan y, v.v.);
- Tình trạng tự do (người bị giam giữ và tù nhân dưới bất kỳ chế độ tước quyền tự do nào);
- Tình trạng khác (một nhóm đa dạng bao gồm, ví dụ, những người không có đất, người nước ngoài, người tị nạn và người xin tị nạn, người bị trục xuất, người vô gia cư, v.v.).
Tuy nhiên việc phân loại này cũng có nguy cơ loại bỏ nhiều cá nhân, nhóm và tình huống đặc biệt khác.
Trẻ em tiểu học cần nhận diện được một số nhóm dễ bị tổn thương gần gũi trong đời sống của trẻ: phụ nữ (như mẹ ), người cao tuổi (như ông bà), trẻ em (như bản thân em và bạn bè), người khuyết tật (bạn bè, người quen biết).
Trẻ em tiểu học cần nhận thức được yêu cầu về sự tôn trọng, không phân biệt đối xử và sự bình đẳng trong ứng xử với những người xung quanh.
2.2. Lồng ghép giảng dạy về quyền con người của các nhóm dễ bị tổn thương trong chương trình giáo dục tiểu học đặt ra yêu cầu tiếp cận dựa trên quyền trong phương pháp giảng dạy.
Phương pháp dạy học là sự tương tác chung giữa giáo viên và học sinh ở trong một điều kiện dạy học tích cực để đạt được mục tiêu của việc dạy học. Một số phương pháp dạy học đối với học sinh tiểu học có thể áp dụng khi lồng ghép về quyền con người như trò chơi, đóng vai... Một số phương pháp dạy học được áp dụng ở Tiểu học như quan sát, hỏi đáp, thực hành, điều tra, thí nghiệm, kể chuyện... Bên cạnh đó, có một số phương pháp đòi hỏi cao hơn như: thảo luận, nghiên cứu, học nhóm. Trong bất cứ phương pháp dạy học nào được áp dụng thì nguyên tắc tiếp cận dựa trên quyền con người cần thiết được thực hành. Các nguyên tắc cơ bản của giáo dục quyền con người được xây dựng bởi Diễn đàn các cơ quan nhân quyền quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Giáo dục quyền con người: Cẩm nang dành cho các cơ quan nhân quyền quốc gia (2015).
Nguyên tắc 1: Có liên quan đến những người tham gia
Giáo dục quyền con người mang tính liên quan và đặt trọng tâm vào người tham gia. Nguyên tắc này đòi hỏi nhà giáo dục quyền con người phải có hiểu biết toàn diện về trẻ em tiểu học; các em là ai, sống trong môi trường thế nào, cách học của các em ra sao và những vấn đề về quyền con người mà trẻ em tiểu học có thể gặp phải.
Nguyên tắc 2: Hợp tác/cộng tác
Giáo dục quyền con người được tăng cường bởi các quan hệ đối tác và cộng tác. Nguyên tắc “cộng tác” đòi hỏi nhà giáo dục phải nhận diện được những người sẽ tham gia đắc lực vào hoạt động giáo dục quyền con người với tư cách là đối tác hoặc cộng tác.
Nguyên tắc 3: Có tính tham gia/Có sự tham gia
Giáo dục quyền con người bảo đảm cho mọi người tham gia một cách đầy đủ vào hoạt động giáo dục. Nguyên tắc “có sự tham gia” đòi hỏi nhà giáo dục quyền con người đảm bảo sao cho những học sinh tiểu học được tham gia đầy đủ và tích cực vào hoạt động giáo dục.
Nguyên tắc 4: Thăm dò
Giáo dục quyền con người làm sâu sắc thêm kiến thức và kinh nghiệm. Nguyên tắc “thăm dò” đòi hỏi nhà giáo dục quyền con người sử dụng các quá trình, kỹ thuật và công cụ giáo dục để khuyến khích những học sinh tiểu học xem xét những vấn đề có liên quan và những quan niệm về quyền con người theo một phương thức có ý nghĩa.
Nguyên tắc 5: Hành động có suy nghĩ
Giáo dục quyền con người thừa nhận rằng việc hiện thực hóa quyền con người bắt nguồn từ hành động có cân nhắc và suy nghĩ. Nguyên tắc “hành động có suy nghĩ” đòi hỏi nhà giáo dục quyền con người phải xây dựng, (cho bản thân mình và cho những học sinh tiểu học) những phương thức tư duy về những gì các em làm và cách thức tác động của nó tới hành động của các em.
Nguyên tắc 6: Trao quyền
Giáo dục quyền con người là trao quyền, khuyến khích sự không phân biệt đối xử, bình đẳng và hòa nhập. Nguyên tắc “trao quyền” đòi hỏi nhà giáo dục quyền con người bảo đảm rằng cả quá trình lẫn nội dung của sự trải nghiệm giáo dục đều hướng tới sự trao quyền cho trẻ em.
3. Cách thức thực hiện lồng ghép giảng dạy về quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong chương trình giáo dục tiểu học
Xây dựng các tài liệu và học liệu giảng dạy, học tập về quyền con người ở các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt là tài liệu hướng dẫn lồng ghép, thảo luận rõ ràng về các nội dung, phương thức tổ chức thực hiện và định hướng triển khai nội dung giáo dục quyền con người trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Tổ chức thực hiện lồng ghép giảng dạy giáo dục quyền con người trong Kế hoạch giáo dục nhà trường với các nhiều hình thức do nhà trường thực hiện một cách chủ động và linh hoạt.
Với năng lực khác nhau của giáo viên, nhà trường có thể tổ chức giảng dạy về quyền của nhóm dễ bị tổn thương trong giờ học riêng theo từng chủ đề hoặc lồng ghép vào các hoạt động văn nghệ, câu lạc bộ sinh hoạt, hội thi… hoặc tổ chức tích hợp, lồng ghép vào các môn học trong chương trình giáo dục Tiểu học như đã phân tích ở phần 2 như một số môn cơ bản như Đạo đức, Tiếng Việt hay Mỹ thuật. Giáo viên cần tiếp tục được hướng dẫn trong xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai tùy thuộc vào mục tiêu, nội dung và yêu cầu cần đạt của bài học, mạch kiến thức, việc tích hợp nội dung giáo dục nội dung quyền của nhóm dễ bị tổn thương.
Ví dụ về việc lồng ghép nội dung nguyên tắc về giáo dục quyền của nhóm dễ bị tổn thương trong chương trình giáor dục Tiểu học[1]
Lứa tuổi- đặc điểm lứa tuổi Tiểu học (Nhi đồng) |
Nội dung giáo dục về quyền của nhóm dễ bị tổn thương |
Mức độ lồng ghép |
Hoạt động thực tế |
Các tiêu chuẩn, hệ thống và văn kiện về quyền con người |
Độ tuổi: 6-11 |
* Các giá trị và nguyên tắc: Nhân phẩm, Bình đẳng, không phân biệt đối xử * Các quyền: cá nhân/ quyền của nhóm * Nhóm DBTT là ai?Vì sao họ được gọi là nhóm DBTT
|
*Nhận diện những điểm tương đồng và khác biệt (của con và nhóm DBTT) *Xác định trách nhiệm của con với một số chủ thể cụ thể (như ông bà/bạn bè/hàng xóm) *Nhận diện tình trạng phân biệt đối xử
|
*Tự biểu đạt/lắng nghe * Hợp tác/Chia sẻ *Làm việc nhóm nhỏ * Làm việc cá nhân * Cảm thông * Đề cao tính đa dạng * Công bằng (Động não, Các bài tập tình huống,, Diễn đạt sáng tạo, Thảo luận, Đóng vai, Phương tiện nhìn/thị giác) |
* Nội quy lớp học * Tình cảm gia đình * Tuyên ngôn thế giới về quyền con người * Công ước về quyền trẻ em |
Lớp 1 Chân trời sáng tạo Sách Đạo đức Bài 1, 2,3 Mái ấm gia đình, quan tâm chăm sóc ông bà, cha mẹ Bài 11: tự chăm sóc bản thân |
Ai có thể giúp con bảo vệ người đó |
|
||
Lớp 2 Đạo đức lớp 2 Chủ đề 2: Kính trọng thầy cô giáo và yêu quý bạn bè Chủ đề 6: Tìm hiểu cảm xúc bản thân Chủ đề 7: tìm kiếm sự hỗ trợ |
|
|
||
Lớp 3: Sách đạo đức Chân trời sáng tạo Chủ đề Tuân thủ quy tắc an toàn giao thông Chủ đề Khám phá bản thân |
|
|
||
Lớp 4: Bài 2: Vượt khó trong học tập Bài 12: Tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo |
Hoạt động nhân đạo dành cho ai? |
|
||
Lớp 5: Bài 6 Kính già, yêu trẻ Bài 7: Tôn trọng phụ nữ |
Nên ứng xử với phụ nữ trong các tình huống ntn? |
|
TS. Trần Thị Hồng Hạnh
Viện Quyền con người – Học viện CTQG Hồ Chí Minh
[1] Tham khảo ABC Teaching Human Rights, Practice Activities for primary and secondary schools, OHCHR, UN 2004
Tài liệu tham khảo:
1. Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948
2. ABC Teaching Human Rights, Practice Activities for primary and secondary schools, OHCHR, UN 2004
https://www.ohchr.org/sites/default/files/Documents/Publications/ABCChapter1en.pdf