Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 10 năm 2023 có 132.381 người lao động nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Con số này đặt ra thách thức làm cho việc đảm bảo quyền công đoàn của người lao động nước ngoài càng trở nên cụ thể và cấp bách nhất là khi Việt Nam đang trong quá trình hội nhập và chịu sự ràng buộc bởi các cam kết pháp lý quốc tế. Với phạm vi bài viết này, tác giả tập trung làm rõ khái niệm quyền công đoàn và vấn đề pháp lý quốc tế cũng như sự tương thích của pháp luật Việt Nam về quyền công đoàn của người lao động, qua đó đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quyền công đoàn của người lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trao đổi với công nhân
lao động đang làm việc tại phân xưởng Công ty Công ty TNHH Đầu Tư Vietsun Ninh Thuận.
Nguồn: dangcongsan.vn.

1. Nhận thức chung về quyền công đoàn của người lao động

Công đoàn được biết đến là một tổ chức được thành lập bởi người lao động, với tư cách là đại diện cho một nhóm người lao động và thực hiện mối liên kết giữa người sử dụng lao động với người lao động1. Vai trò của công đoàn nhằm hỗ trợ người lao động trong việc đảm bảo quyền của người lao động trong các quan hệ lao động liên quan đến tiền lương, môi trường, thời gian lao động và phúc lợi. Sự ra đời của công đoàn bắt nguồn từ sự hình thành của các phường hội thủ công thời trung cổ. Nhưng phải đến thế kỷ 19, với sự phát triển mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa, tổ chức công đoàn mới thực sự phát triển và ra đời lần lượt ở Vương quốc Anh, Châu Âu và Hoa Kỳ. Ban đầu, sự ra đời của tổ chức công đoàn vấp phải sự phản đối của các chủ lao động và chính phủ. Song với sự lan rộng của các phong trào chủ nghĩa công đoàn mà đỉnh cao là sự ra đời của Đạo luật Công đoàn năm 1871, công đoàn đã đánh dấu những bước tiến trong sự phát triển của mình2.

Cùng với sự phát triển đó, quyền công đoàn của người lao động đã được công nhận và mang tính toàn cầu. Trên thực tế, quyền công đoàn được điều chỉnh không chỉ bởi pháp luật quốc gia mà còn được ghi nhận trong các văn bản pháp luật quốc tế như Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 của Liên hợp quốc, Công ước về quyền tự do hiệp hội và việc bảo vệ quyền được tổ chức năm 1948 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)... Tại Điều 23 Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 (UDHR) ghi nhận: “Ai cũng có quyền thành lập nghiệp đoàn hay gia nhập nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình”3. Điều 11 (quyền tự do hội họp và hiệp hội) của Công ước Châu Âu về nhân quyền cũng xác định: “Mọi người đều có quyền tự do hội họp ôn hòa và tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền thành lập và gia nhập công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình”4. Như vậy, theo các văn bản pháp lý này, phạm vi quyền công đoàn chỉ bao gồm quyền thành lập và gia nhập công đoàn theo sự lựa chọn của người lao động. Tuy nhiên, đây mới là điều kiện cần để hiện thực hoá giá trị của sự tồn tại của tổ chức công đoàn. Vì vậy, bên cạnh các quyền này, quyền công đoàn của người lao động phải được thể hiện ở khía cạnh được tiếp cận các hoạt động của chính tổ chức công đoàn mà họ gia nhập. Đó là quyền được tự do bảo vệ lợi ích nghề nghiệp của các thành viên công đoàn bằng hoạt động công đoàn. Với phạm vi này, cho phép mở rộng quyền công đoàn của người lao động bao gồm các quyền được tham gia các hoạt động của tổ chức công đoàn trong đó bao gồm nhưng không hạn chế là các hoạt động thể hiện chức năng, nhiệm vụ của công đoàn - đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động... Đồng thời, sẽ không bị coi là vi phạm quyền công đoàn nếu người lao động bị áp dụng các quy định pháp lý hoặc thoả ước lao động tập thể một cách đúng đắn. Chẳng hạn, người lao động bị thuyên chuyển công tác theo đúng quy định bởi việc thuyên chuyển đó không làm ảnh hưởng đến bản chất của quyền tự do hiệp hội của họ, hay ngăn cản họ tham gia hoạt động công đoàn ở vị trí, nơi làm việc mới.

Việt Nam cũng có những quy định ghi nhận về nội dung quyền công đoàn của người lao động với sự tương thích nhất định với các quy tắc của pháp luật quốc tế và phù hợp với điều kiện của đất nước. Theo khoản 1 Điều 4 Luật Công đoàn năm 2012 của Việt Nam có xác định: “Quyền công đoàn là quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động, đoàn viên công đoàn và quyền của tổ chức công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của cơ quan có thẩm quyền”5. Với khái niệm này, quyền công đoàn là một quyền bao quát trong đó phạm vi bao gồm ba quyền là quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, đồng thời xác định các chủ thể của quyền công đoàn không chỉ có người lao động mà còn là của đoàn viên công đoàn và tổ chức công đoàn. Từ những phân tích trên có thể đưa ra khái niệm quyền công đoàn của người lao động là những hành vi người lao động được làm, lợi ích người lao động được hưởng mà pháp luật công nhận và đảm bảo thực hiện, không ai được ngăn cản, hạn chế, bao gồm quyền được thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức công đoàn.

2. Quyền công đoàn của người lao động theo pháp luật quốc tế

Xuất phát từ tầm quan trọng hoạt động của tổ chức công đoàn và nhu cầu chính đáng của người lao động trên toàn thế giới, quyền công đoàn của người lao động được pháp luật quốc tế quan tâm, ghi nhận ở phương diện toàn cầu và khu vực, được thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, quyền công đoàn là quyền cơ bản của người lao động.

Xuất phát từ quyền tự do hiệp hội (bao gồm quyền tự do lập hội và hội họp) là một phần không thể thiếu trong các quyền hiến định của con người, tổ chức công đoàn được thành lập trên cơ sở nguyện vọng của một lực lượng người lao động, việc người lao động tham gia tổ chức này là sự lựa chọn hoàn toàn tự nguyện. Với các đặc điểm đó, tổ chức công đoàn như một Hội/Hiệp hội đặc biệt của người lao động thành lập ra để họ có thể tham gia, hoạt động vì những nhu cầu, lợi ích cá nhân về đời sống tinh thần, vật chất và mong muốn giao tiếp với cộng đồng. Vì thế với phạm vi quyền công đoàn của người lao động cho thấy đây là quyền xuất phát từ quyền tự do lập hội và tự do hội họp một cách ôn hoà đã được ghi nhận trong các văn bản pháp luật quốc tế. Cụ thể tại Điều 20 Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 của Liên hợp quốc: “Ai cũng có quyền tự do hội họp và lập hội có tính cách hoà bình. Không ai bị bắt buộc phải gia nhập một hội đoàn”6. Quyền của người lao động được thành lập hội (tổ chức) theo sự lựa chọn của mình đồng nghĩa với việc họ phải có khả năng thành lập tổ chức độc lập với các tổ chức đang tồn tại (kể cả tổ chức chính trị) trong điều kiện được bảo đảm an ninh, an toàn một cách đầy đủ. Bên cạnh đó, trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR) đã tái khẳng định và cụ thể hóa tại Điều 22: “Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình”7. Theo đó, quyền tự do lập hội nói chung và quyền công đoàn nói riêng là một quyền dân sự thiết yếu của con người, trong đó có người lao động. Vì thế, việc yêu cầu người lao động phải tham gia vào một tổ chức hay ngăn cản người lao động tham gia bất kỳ tổ chức nào để bảo vệ quyền lợi của mình đều xâm phạm đến quyền con người của người lao động.

Thứ hai, quyền công đoàn là bình đẳng đối với mọi người lao động.

Cùng với sự ra đời của Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948, ILO cũng đã thông qua Công ước về quyền tự do hiệp hội và việc bảo vệ quyền được tổ chức năm 1948 (Công ước số 87) ghi nhận về quyền tự do công đoàn của người lao động. Tại Điều 2 Công ước số 87 đã khẳng định: “Người lao động và người sử dụng lao động, không phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào, đều không phải xin phép trước mà vẫn có quyền được tổ chức và gia nhập các tổ chức theo sự lựa chọn của mình, với một điều kiện duy nhất là phải tuân theo điều lệ của chính tổ chức đó”8. Tổ chức ở đây được hiểu là mọi tổ chức của người lao động có mục đích thúc đẩy và bảo vệ những lợi ích của người lao động. Như vậy, quyền thành lập, gia nhập tổ chức của người lao động sẽ không bị phân biệt bởi quốc tịch, màu da, chủng tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp, chính trị..., không chỉ người lao động làm việc trong khu vực tư nhân của nền kinh tế mà gồm cả công chức và người làm việc trong khu vực công nói chung (trừ trường hợp duy nhất là lực lượng vũ trang hoặc cảnh sát theo Điều 9 Công ước số 87). Do đó, theo quan điểm của ILO, bất kì người lao động nào cũng có quyền thành lập, gia nhập công đoàn. Cùng với đó, việc thành lập, gia nhập này cũng không phải xin phép bất kì ai mà chỉ dựa vào nhu cầu của người lao động - nếu như người lao động cảm thấy cần thiết hay mong muốn gia nhập hoặc họ cho rằng họ cần thành lập tổ chức để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình thì họ đều có thể thực hiện quyền này.

Mặc dù, quy định người lao động không bị phân biệt đối xử trong thành lập, tham gia tổ chức công đoàn có ý nghĩa rất lớn trong việc sử dụng quyền công đoàn của người lao động nói chung, song trên thực tế, quy định này rõ ràng đã đặt ra một thách thức pháp lý đối với các quốc gia trong đó có Việt Nam về việc ghi nhận, thực thi quyền công đoàn đối với người lao động nước ngoài. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu, số lượng người lao động di cư ngày càng đông, với đặc trưng khác biệt về màu da, ngôn ngữ, văn hoá, tôn giáo thậm chí quan điểm chính trị... của người lao động nước ngoài so với người lao động là công dân của nước sở tại.

Thứ ba, quyền công đoàn không phải là một quyền tuyệt đối mà bị giới hạn theo điều kiện của mỗi quốc gia.

Liên hợp quốc đã thông qua nhiều Công ước để đảm bảo nội dung về quyền thành lập và gia nhập các tổ chức công đoàn của người lao động được đảm bảo. Trong đó, Điều 8 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 đã yêu cầu: “Các quốc gia thành viên Công ước cam kết bảo đảm: quyền của mọi người được thành lập và gia nhập công đoàn do mình lựa chọn, theo quy chế của tổ chức đó, để thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích kinh tế và xã hội của mình”9. Tuy nhiên, để đảm bảo rằng hoạt động thành lập và gia nhập tổ chức công đoàn của người lao động chỉ nhằm mục đích thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích kinh tế, xã hội của người lao động, Công ước đã loại trừ quyền này trong trường hợp pháp luật của quốc gia thành viên có quy định hạn chế đối với những đối tượng nhất định nhằm đảm bảo cho một xã hội dân chủ, vì lợi ích, an ninh quốc gia và trật tự công cộng hoặc vì mục đích bảo vệ các quyền và tự do của những người khác. Theo đó, Điều 21 của ICCPR nhấn mạnh: “Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng hay các quyền và tự do của người khác”10. Với quy định này cho thấy, không coi lý do kinh tế là căn cứ chính đáng để hạn chế quyền công đoàn kể cả quyền đình công của người lao động. Nói cách khác, lý do kinh tế không phải là lý do để hạn chế quyền công đoàn của người lao động mà cần xác định rằng công đoàn có thể giúp cho các tổ chức (cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp...) xây dựng môi trường quan hệ lao động tích cực. Mặc dù vậy, cần lưu ý rằng ngay cả khi có lý do để hạn chế quyền công đoàn của người lao động thì quốc gia đó cũng phải xem xét kỹ lưỡng về việc hạn chế quyền này bởi nó có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn trong việc xử lý khủng hoảng an ninh, chính trị của quốc gia11.

Như vậy, quyền công đoàn của người lao động không phải là quyền tuyệt đối, bởi pháp luật quốc tế cho phép các quốc gia có thể đưa ra các hạn chế trong việc thực hiện quyền này vì lý do an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, để bảo vệ các quyền, tự do, sức khỏe của người khác.

3. Tính tương thích của pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế về quyền công đoàn của người lao động

Thứ nhất, về quyền gia nhập tổ chức công đoàn của người lao động.

Quyền công đoàn của người lao động tại Việt Nam hiện nay được cụ thể hóa trong Luật Công đoàn năm 2012 và Chương XIII của Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019. Tại Điều 170 BLLĐ năm 2019 quy định: “Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn; Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định”12. Như vậy, có thể thấy tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở theo pháp luật Việt Nam được xác định gồm hai hình thức là công đoàn cơ sở và và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để người lao động lựa chọn. Tuy nhiên, với mỗi hình thức khác nhau thì pháp luật cũng có giới hạn về đối tượng khác nhau.

Để gia nhập vào tổ chức Công đoàn thì người lao động phải đáp ứng điều kiện: “Người Việt Nam làm công hưởng lương trong các đơn vị sử dụng lao động hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam và người Việt Nam lao động tự do hợp pháp, không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, tín ngưỡng, tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, tự nguyện sinh hoạt trong một tổ chức cơ sở của công đoàn, đóng đoàn phí theo quy định thì được gia nhập Công đoàn Việt Nam”13. Điều này cho thấy việc gia nhập vào tổ chức Công đoàn mới chỉ dành cho người lao động là người Việt Nam. Còn đối với người lao động nước ngoài hoặc người không có quốc tịch có thể thành lập tổ chức đại diện cho mình tại doanh nghiệp nhưng tổ chức này không thuộc hệ thống Công đoàn nên không gọi là tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên, trong trường hợp tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có mong muốn gia nhập vào Công đoàn Việt Nam thì pháp luật cũng tạo điều kiện cho tổ chức này và thực hiện các thủ tục gia nhập theo quy định của Luật Công đoàn.

Khi gia nhập tổ chức Công đoàn, người lao động cũng phải đảm bảo rằng họ đồng ý với các quy định trong Điều lệ của tổ chức Công đoàn và thực hiện nghĩa vụ đóng đoàn phí cũng như các nghĩa vụ khác. Điều này phù hợp với nội dung tại điều 3 Công ước số 87 về việc tổ chức của người lao động có quyền lập ra điều lệ các quy tắc tổ chức để đảm bảo hoạt động của tổ chức được diễn ra một cách thuận lợi. Ngoài ra, việc có gia nhập vào tổ chức công đoàn hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người lao động, không ai có quyền ép buộc người lao động phải gia nhập hay không được gia nhập tổ chức Công đoàn. Do đó, người lao động khi muốn gia nhập tổ chức công đoàn thì họ phải thể hiện mong muốn đó thông qua việc viết đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn14. Sau khi viết đơn người lao động sẽ nộp đơn đến Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hay nghiệp đoàn cơ sở hoặc nộp đơn thông qua ban vận động thành lập công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên để xem xét kết nạp người lao động. Việc nộp đơn đến đâu phụ thuộc vào đơn vị của người lao động đã có tổ chức Công đoàn hay chưa và được hướng dẫn cụ thể trong Điều lệ Công đoàn Việt Nam15.

Thứ hai, về quyền thành lập tổ chức Công đoàn của người lao động.

Tương tự như các quy định của pháp luật quốc tế trong việc quy định về quyền thành lập tổ chức Công đoàn, người lao động không cần phải xin phép trước khi thành lập mà hoàn toàn phụ thuộc vào nguyện vọng của họ. Luật Công đoàn năm 2012, Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2020 là hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi để những người lao động Việt Nam thành lập tổ chức Công đoàn.

Theo đó, nhằm đảm bảo cho việc tổ chức, thực hiện hoạt động của Công đoàn có thể tiến hành sau khi được thành lập cần tối thiểu có từ 05 đoàn viên hoặc 05 người lao động trở lên, có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam và đều là người có quốc tịch Việt Nam16. Như vậy, cũng như quyền gia nhập Công đoàn, quyền thành lập Công đoàn hiện nay giới hạn chỉ dành cho người lao động Việt Nam nhưng điều này không có nghĩa hạn chế quyền tự do hiệp hội của người lao động nước ngoài, người không có quốc tịch khi làm việc trên lãnh thổ Việt Nam. Bởi như trên đã phân tích theo quy định của BLLĐ năm 2019, những người này có thể thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp hoặc các hình thức liên kết khác như các câu lạc bộ để tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện, hoạt động quần chúng17.

Về thủ tục thành lập Công đoàn cơ sở tương đối đơn giản. Theo đó, những nơi chưa có công đoàn cơ sở, người lao động tự nguyện lập Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở (gọi tắt là Ban vận động) để tuyên truyền, vận động, tiếp nhận đơn xin gia nhập công đoàn của người lao động. Khi đạt được số lượng thành viên theo quy định (tối thiểu 05 người như nêu ở trên) thì Ban vận động tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở bầu ra ban chấp hành công đoàn cơ sở, chủ tịch công đoàn cơ sở để thực hiện các hoạt động của tổ chức (chính đoàn viên công đoàn là những người có quyền ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo công đoàn). Những nơi mà người lao động không đủ khả năng tổ chức Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở thì công đoàn cấp trên có trách nhiệm thực hiện các công việc này, tiến hành tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở và đề nghị công đoàn cấp trên công nhận18.

Thứ ba, về quyền hoạt động công đoàn của người lao động.

Người lao động khi đã trở thành đoàn viên công đoàn sẽ được thực hiện các hoạt động do Công đoàn tổ chức với mục đích cơ bản là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tùy thuộc người lao động là đoàn viên công đoàn hay giữ vai trò là cán bộ công đoàn thì hoạt động công đoàn của từng đối tượng là khác nhau. Trong phạm vi của mình, bài viết sẽ tập trung phân tích khía cạnh hoạt động công đoàn của đoàn viên công đoàn không giữ chức vụ trong tổ chức Công đoàn, khi đó họ thực sự đơn thuần là một người lao động tham gia Công đoàn và sử dụng quyền công đoàn của mình.

Theo đó, với nội hàm quyền tham gia hoạt động của quyền công đoàn, người lao động được tham gia các hoạt động công đoàn như: i) Các hoạt động nhằm chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động như tham gia hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch; ii) Các hoạt động thể hiện quyền và trách nhiệm trong việc xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng lớn mạnh như tham gia ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Đây là những người đại diện thực hiện quyền công đoàn của người lao động để bảo vệ quyền lợi, duy trì kết nối mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động (như đại diện người lao động tham gia xây dựng thoả ước lao động tập thể, tham gia buổi làm việc, hoà giải khi người lao động bị xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp...) hoặc với cơ quan nhà nước khi có tranh chấp, sự việc xảy ra theo quy định của pháp luật; iii) Các hoạt động giám sát để kịp thời phát hiện, khắc phục những sai sót của tổ chức Công đoàn như hoạt động tham gia chất vấn cán bộ lãnh đạo công đoàn; kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ công đoàn có sai phạm; iv) Các hoạt động nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động như người lao động có quyền được yêu cầu, uỷ quyền cho Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình khi bị xâm phạm19...

Ngoài đoàn viên công đoàn thì những người lao động không phải đoàn viên công đoàn vẫn có thể tham gia vào các hoạt động do Công đoàn tổ chức. Đối với người lao động nước ngoài mặc dù không được thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn trong tổ chức Công đoàn Việt Nam nhưng pháp luật vẫn có quy định khuyến khích người nước ngoài lao động hợp pháp tại Việt Nam, tham gia các hình thức tập hợp của tổ chức Công đoàn Việt Nam và được Công đoàn Việt Nam tạo điều kiện họ có thể yên tâm và thích nghi với môi trường làm việc ở Việt Nam20. Quy định này mang tính nhân văn và phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế về trách nhiệm của quốc gia trong việc không phân biệt đối xử và tạo điều kiện cho mọi người được thực hiện quyền tự do hội họp ôn hoà.

Như vậy, có thể thấy, đối với quyền tự do hội họp được cụ thể hoá bằng quyền công đoàn của người lao động theo pháp luật Việt Nam có những điểm tương thích và đặc thù so với pháp luật quốc tế. Tất cả đều hướng đến một môi trường làm việc an toàn, thuận lợi, thiện chí và thân thiện đối với người lao động Việt Nam và người lao động các nước trên thế giới khi đến làm việc tại Việt Nam.

4. Một số kiến nghị

Quyền công đoàn của người lao động là một quyền cơ bản, quan trọng để người lao động sử dụng khi tham gia vào quan hệ lao động nhằm có một tổ chức của riêng mình, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, để quyền này được thực thi có hiệu quả đối với người lao động Việt Nam, người lao động nước ngoài và tiệm cận gần hơn nữa với pháp luật quốc tế trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc hoàn thiện pháp luật về quyền công đoàn của người lao động cần đặt ra một số vấn đề pháp lý sau.

(1) Về quyền gia nhập tổ chức Công đoàn

Với trách nhiệm là thành viên của Liên hợp quốc và cũng là thành viên của ILO, Việt Nam đã nội luật hoá các quy tắc pháp lý quốc tế trong hệ thống pháp luật quốc gia đảm bảo đáp ứng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - chính trị - an ninh - xã hội. Việt Nam cũng đã tích cực tham gia kí kết một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) nổi bật như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng 3/2018 và chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ 14/01/2019, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA)... Bên cạnh những cơ hội phát triển kinh tế, “những cam kết về công đoàn có thể được coi là cam kết đột phá, quan trọng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực lao động khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của TPP”21. Theo đó, các cam kết về lao động, công đoàn được ghi nhận lại từ các nguyên tắc pháp lý của Công ước số 87 của ILO về quyền tự do lập hội của người lao động và bảo vệ quyền tự do lập hội cũng như Tuyên bố của ILO về những nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc và những biện pháp tiếp theo năm 199822. Như vậy, có thể thấy đảm bảo quyền tự do liên kết (tự do hội họp) của người lao động cũng chính là điều kiện để Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại này.

Chính bởi cam kết này, Điều 170 BLLĐ năm 2019 đã có bước đột phá trong việc ghi nhận hình thức tổ chức của người lao động ở doanh nghiệp bên cạnh tổ chức Công đoàn. Điều này cho phép người lao động nước ngoài được quyền tự do thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Ngoài ra, mặc dù không là thành viên của tổ chức Công đoàn nhưng hiện nay pháp luật ghi nhận Công đoàn Việt Nam hỗ trợ người lao động nước ngoài tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các chương trình từ thiện, các phong trào thi đua do công đoàn phát động; được động viên, thăm hỏi, hỗ trợ khi có khó khăn vướng mắc hoặc khi có đề nghị của công đoàn quốc tế có quan hệ hợp tác với Công đoàn Việt Nam23. Tức là Công đoàn vẫn chăm lo, tạo điều kiện để người lao động nước ngoài được hưởng các lợi ích tốt nhất khi tham gia thị trường lao động tại Việt Nam đồng thời có thể thấy quyền tự do hội họp của nhóm người này đã được đảm bảo thực hiện như pháp luật quốc tế đã ghi nhận. Tuy nhiên, việc mở rộng quyền tự do hội họp ở góc độ quyền công đoàn cho phép người lao động nước ngoài được phép gia nhập Công đoàn sẽ là sự phù hợp hơn với pháp luật quốc tế cũng như các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

(2) Về quyền thành lập tổ chức Công đoàn

Một tổ chức được thành lập ra cần có sự ổn định lâu dài về mặt tổ chức cũng như hoạt động. Tuy nhiên, với đặc thù người lao động nước ngoài làm việc hợp pháp tại Việt Nam phải có giấy phép lao động mà loại giấy phép này có giới hạn về thời gian, hết thời hạn đó, người lao động nước ngoài phải làm thủ tục gia hạn hoặc phải về nước. Do đó, việc cho phép người lao động nước ngoài được quyền thành lập tổ chức công đoàn sẽ dễ dẫn đến tình trạng không ổn định của tổ chức đó, từ đó kéo theo ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi cho các thành viên. Ngoài ra, như trên đã phân tích, pháp luật quốc tế cũng quy định quyền công đoàn của người lao động không phải là một quyền tuyệt đối nếu xét thấy cần đảm bảo vấn đề an ninh quốc gia có thể giới hạn quyền thành lập công đoàn của nhóm người lao động này vẫn không trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

(3) Về quyền hoạt động công đoàn

Khi gia nhập tổ chức Công đoàn, các thành viên được tham gia các hoạt động của tổ chức này một cách bình đẳng, không bị phân biệt đối xử nên mọi đoàn viên công đoàn đều được thụ hưởng các lợi ích mà tổ chức Công đoàn mang lại như được Công đoàn đại diện, bảo vệ khi quyền, lợi ích bị xâm phạm; được hỗ trợ khi gặp khó khăn, ốm đau, bệnh tật; được tham gia các hoạt động nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần như tham quan, du lịch... Tuy nhiên, các hoạt động mang tính thành lập nên tổ chức Công đoàn (ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo công đoàn) có thể giới hạn để tương thích với quyền thành lập tổ chức Công đoàn của họ như đã nêu ở phần trên. Đồng thời sẽ phù hợp với điều kiện cần thiết của người quản lý một tổ chức chính trị - xã hội ở quốc gia sở tại đó là sự am hiểu về xã hội, con người, văn hóa, pháp luật của quốc gia đó mà điều kiện này người lao động nước ngoài lại bị hạn chế.

Tóm lại, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội thì việc nội luật hoá các điều ước quốc tế và các cam kết pháp lý trong các hiệp định thương mại đặt ra thách thức không nhỏ trong việc hoàn thiện và thực thi pháp luật. Trong đó, giải quyết các thách thức về pháp luật lao động, công đoàn đối với người lao động nước ngoài tham gia thị trường lao động tại Việt Nam là một trong những vấn đề cần thiết hiện nay.

TS. Vũ Thị Phượng - ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Anh

Khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 36 (02/2024)

---

Tài liệu trích dẫn

(1) Xem thêm Điều 1 Luật Công đoàn Việt Nam về khái niệm Công đoàn.

(2)The Chartered Institule of Personnel and Development, History of Trade uinions, United Kingdom, (https://www.cipd.org/en/knowledge/factsheets/trade-unions-factsheet/#Historytradeunions), truy cập ngày 22/02/2024.

(3) Khoản 4, Điều 23, Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948. Truy cập tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/quyen-dan-su/Tuyen-ngon-quoc-te-nhan-quyen-1948-65774.aspx.

(4) European court of human rights (2023), Trade union rights, p.1 (https://www.echr.coe.int/documents/d/echr/fs_trade_union_eng).

(5) Khoản 1, Điều 4, Luật Công đoàn năm 2012. Truy cập tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Luat-Cong-doan-2012-142186.aspx.

(6) Điều 20, Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948, truy cập tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/quyen-dan-su/Tuyen-ngon-quoc-te-nhan-quyen-1948-65774.aspx.

(7) Khoản 1, Điều 22, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966, truy cập tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Cong-uoc-quoc-te-ve-quyen-dan-su-va-chinh-tri-270274.aspx.

(8) Điều 2, Công ước số 87, truy cập tại https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Cong-uoc-87-nam-1948-quyen-tu-do-hiep-hoi-bao-ve-quyen-duoc-to-chuc-103343.aspx.

(9) Điều 8, Công ước quốc tế các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, 1966, truy cập tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Cong-uoc-quoc-te-cac-quyen-kinh-te-xa-hoi-va-van-hoa-1966-269761.aspx.

(10) Điều 21, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, truy cập tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Cong-uoc-quoc-te-ve-quyen-dan-su-va-chinh-tri-270274.aspx.

(11) Xem thêm các trường hợp cảnh báo hạn chế quyền tự do hiệp hội ôn hoà tại một số quốc gia theo báo cáo của Liên đoàn Công đoàn quốc tế năm 2018 (https://www.ituc-csi.org/IMG/pdf/ituc-global-rights-index-2018-en-final-2.pdf, tr.5).

(12) Điều 170, Bộ luật Lao động năm 2019, truy cập tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Bo-Luat-lao-dong-2019-333670.aspx.

(13) Điều 1 Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2020.

(14) Điều 3 Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2020.

(15) Xem thêm các Điều 3 trong Điều lệ Công đoàn năm 2020.

(16) Khoản 1 Điều 13 Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2020.

(17) Điểm b tiểu mục 3.4 Mục 3 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2020.

(18) Xem thêm tiểu mục 4.1 Mục 4 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

(19) Điều 18,19 Luật Công đoàn năm 2012.

(20) Khoản 2 Điều 1 Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2020.

(21) PGS.TS Lê Thị Hoài Thu (2017), Quyền tự do thành lập tổ chức đại diện của người lao động theo TPP và yêu cầu hoàn thiện pháp luật, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 1+2(329+330), tr.34.

(22) Xem thêm Chương 19 của TPP và Kế hoạch đẩy mạnh quan hệ thương mại và lao động giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nhằm triển khai TPP.

(23) Điểm b tiểu mục 3.4 Mục 3 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2020.