An ninh con người là một trong những nội dung cơ bản được quán triệt trong Văn kiện đại hội XIII của Đảng,bảo đảm quyền con người, thực thi quyền con người theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đúng quy định của pháp luật về an ninh con người, quyền con người đối với phạm nhân, các trại giam thuộc Bộ Công an đã làm tốt công tác bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân, thực hiện nghiêm chế độ chính sách của Nhà nước đối với phạm nhân, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho phạm nhân an tâm cải tạo, sớm được trở về với gia đình, và xã hội.
 

Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần XIII, vấn đề “an ninh con người” tiếp tục được khẳng định 
và làm sâu sắc hơn tại các văn kiện của Đại hội. Nguồn: daihoi13.dangcongsan.vn.

1. Quan điểm về an ninh con người theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Khái niệm “an ninh con người” (tiếng Anh - human security) tuy mới xuất hiện vào thập niên 90 thế kỷ XX nhưng đã chiếm một vị trí quan trọng trong bốn lĩnh vực an ninh chủ yếu, cùng với an ninh quốc gia, an ninh công cộng và an ninh phi truyền thống. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) lần đầu tiên đưa cụm từ “an ninh con người” vào Báo cáo phát triển con người năm 1994. Báo cáo định nghĩa an ninh con người là “sự an toàn trước các mối đe dọa kinh niên như đói kém, bệnh tật và áp bức; bảo vệ khỏi sự gián đoạn đột ngột và gây tổn hại trong cuộc sống hàng ngày, cho dù tại nơi làm việc, ở nhà hay trong các cộng đồng”. Báo cáo cũng chỉ rõ, an ninh con người được hình thành từ bảy thành tố cơ bản, bao gồm: (i) an ninh kinh tế; (ii) an ninh lương thực; (iii) an ninh y tế; (iv) an ninh môi trường; (v) an ninh cá nhân; (vi) an ninh cộng đồng; (vii) an ninh chính trị. Bảy thành tố cấu thành nêu trên thể hiện khá toàn diện các khía cạnh của an ninh con người. Thực tế cho thấy, đây cũng chính là các lĩnh vực tập trung hầu hết các mối đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển bền vững của cá nhân con người. Cách tiếp cận đa chiều này cho phép có cái nhìn hệ thống và đánh giá được tính chất, mức độ các mối đe dọa, từ đó xây dựng cách thức ứng phó hiệu quả các nguy cơ đe dọa an ninh và phát triển bền vững của con người1. 
Cho đến nay, khái niệm an ninh con người nêu trên đã được chấp nhận bởi nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia, từng bước trở thành công cụ hữu hiệu góp phần bảo vệ cuộc sống, phẩm giá và sự phát triển bền vững của con người. Ở Việt Nam, thuật ngữ “an ninh con người” lần đầu tiên được đề cập và ghi nhận trong Văn kiện Đại hội XII, Đại hội nêu ra sáu nhiệm vụ trọng tâm của đất nước, trong đó có nội dung “tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người”2. 
Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần XIII, vấn đề “an ninh con người” tiếp tục được khẳng định và làm sâu sắc hơn tại các văn kiện của Đại hội. Trong nhiệm vụ, giải pháp phát triển đất nước giai đoạn 2021-2025, đã xác định: “Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người”. Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 tiếp tục khẳng định: “giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự kỷ cương”3. 
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập và định hướng sâu sắc nội dung an ninh con người trong tiến trình phát triển của đất nước, gắn an ninh con người với an ninh quốc gia, gắn an ninh con người với phát triển đất nước, hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển con người, bảo đảm quyền con người.
Trong chuyên đề Những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia do đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an trình bày tại Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 28/3/2021, “an ninh con người” được nhấn mạnh là trạng thái người dân được sống ổn định, an toàn, không bị đe dọa bởi các nguy cơ xâm hại; bảo vệ an ninh con người là bảo đảm và thực thi đầy đủ quyền con người, quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm mọi người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh.
Như vậy, có thể thấy vấn đề an ninh con người gắn với bảo đảm quyền con người; quyền con người được tôn trọng, bảo vệ; con người được bảo đảm sống trong một môi trường lành mạnh, an toàn, trật tự, kỷ cương. Công dân được pháp luật bảo vệ, người dân được thực hiện các quyền con người theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; Nhà nước đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tất cả hành vi xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân đều bị pháp luật nghiêm trị. Người dân được sống trong môi trường an toàn, được tạo điều kiện thuận lợi để sống và phát triển.
2.  Thực tiễn vận dụng quan điểm về an ninh con người, bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực thi hành án phạt tù theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Thực hiện bảo vệ quyền con người theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, theo Hiến pháp năm 2013 được vận dụng, áp dụng đối với người phạm tội, phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam theo đúng tinh thần nhân văn, nhân đạo truyền thống dân tộc Việt Nam, phù hợp với các công ước quốc tế, đồng thời phản ánh khách quan, toàn diện tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội trong bảo đảm quyền con người, thực thi “an ninh con người” đối với công tác thi hành án phạt tù.
Bảo đảm “an ninh con người” gắn với quyền và lợi ích của phạm nhân thể hiện rất cụ thể qua thực hiện chính sách của Nhà nước đối với phạm nhân. Phạm nhân chấp hành án tại các trại giam được đối xử công bằng, nhân văn, đúng quy định của pháp luật về tất cả các chế độ chính sách, được chăm lo về đời sống vật chất, đảm bảo về tinh thần, được thực hiện các quyền và lợi ích hợp hợp theo quy định của pháp luật nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất để phạm nhân an tâm cải tạo, nhận rõ lỗi lầm, sớm nhận được sự khoan hồng trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Bộ Công an đã nghiêm túc thực hiện các quy định của Hiến pháp, pháp luật, tổ chức thực hiện thi hành án phạt tù tại các trại giam, thống nhất, đồng bộ, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp, đảm bảo an toàn ở các trại giam, góp phần giữ vững an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo quyền con người.
Các trại giam tổ chức các hoạt động giáo dục phạm nhân với nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục đa dạng, phong phú, gắn liền với đời sống hằng ngày của phạm nhân, dần dần hình thành lối sống tích cực, xa dần và xoá bỏ đi các thói quen xấu, xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh trong thời gian phạm nhân chấp hành án tại các trại giam. Chế độ chính sách đối với phạm nhân luôn được các trại giam quan tâm thực hiện đúng, đủ, đảm bảo chế độ ăn, mặc ở, học tập, lao động sinh hoạt, thăm gặp, chăm sóc sức khoẻ, giảm án, đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện luôn được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, tạo được niềm tin đối với phạm nhân, giúp họ an tâm tư tưởng để cải tạo, tích cực học tập, lao động để sớm được trở về với gia đình và xã hội, cụ thể: 
Chế độ ăn, mặc, ở của phạm nhân được quy định cụ thể trong Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2020 Quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành án hình sự năm 2019. Bên cạnh việc đảm bảo các điều kiện sinh hoạt theo đúng quy định của pháp luật, các trại giam còn cải thiện thêm chế độ cho phạm nhân thông qua sản phẩm từ kết quả lao động, tăng thêm khẩu phần ăn, đảm bảo dinh dưỡng, chế độ đủ đầy cho phạm nhân. Các trại giam đang được đầu tư xây dựng theo mô hình mới, hiện đại, vệ sinh sạch sẽ, theo tiêu chuẩn nằm tối thiểu 2m2 đối với mỗi phạm nhân, các trại giam chú trọng đến công tác bảo đảm môi trường, an toàn vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh. Chế độ chăm sóc sức khoẻ cho phạm nhân luôn đảm bảo, 100% các phân trại giam đều có phòng y tế, có đủ cơ số thuốc, có bác sỹ, y sỹ khám chữa bệnh cho phạm nhân. 100% phân trại giam đều có thư viện với số lượng sách, báo phong phú, phạm nhân theo tôn giáo, tín ngưỡng được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin, tín ngưỡng tôn giáo theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo4.
Chế độ thăm gặp của phạm nhân luôn được tạo điều kiện thuận lợi, các trại giam đơn giản hoá thủ tục thăm gặp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nguyện vọng của phạm nhân. 100% các trại giam đều bố trí nhà thăm gặp theo tiêu chuẩn ở các phân trại giam, theo báo cáo thống kê của Cục C10 - Bộ Công an từ năm 2011 đến năm 2022 đã có 4.791.877 lượt phạm nhân được tổ chức thăm gặp 01 giờ, 280.757 lượt phạm nhân được thăm gặp trên 01 giờ, 48.495 phạm nhân được thăm gặp tại phòng riêng, và hơn 5 triệu phạm nhân được nhận quà từ gia đình, 6.139.729 phạm nhân được liên lạc bằng điện thoại với người thân5. Công tác thực hiện chế độ chính sách của nhà nước đối với phạm nhân về giảm án, tha tù trước thời hạn có điều kiện, đặc xá luôn được các trại giam chú trọng, quan tâm đến từng phạm nhân. Từ năm 2011 đến năm 2022 đã có 695.148 phạm nhân được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, trong 03 năm thực hiện Đề án tha tù trước thời hạn có điều kiện (2018-2021), đã có 5.333 phạm nhân được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Từ năm 2009 đến năm 2022, Chủ tịch nước đã 09 lần ký quyết định đặc xá cho hơn 92.000 phạm nhân và 1132 người được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, ân xá cho nhiều phạm nhân bị kết án tử hình xuống thi hành án phạt tù chung thân, mở ra con đường hoàn lương cho các phạm nhân6.
Những kết quả đó đã tác động ảnh hưởng tích cực đến tâm lý của tập thể phạm nhân chấp hành án ở trại giam, giúp phạm nhân có động lực, niềm tin và ý chí phấn đấu, vượt qua những khó khăn, rào cản trong thời gian chấp hành án ở trại giam, để an tâm cải tạo. Những chính sách đúng đắn, hợp tình người, đầy nhân văn có tác dụng lớn trong việc giáo dục, thuyết phục phạm nhân, tác động đến suy nghĩ và hành động của các phạm nhân, từ tâm lý tiêu cực, buồn chán, thậm chí chống đối vi phạm nội quy của những ngày đầu mới vào trại giam đã được thay bằng suy nghĩ tích cực, hành động tự nguyện tự giác, cố gắng phấn đấu học tập, thực hiện tốt nội quy, quy định ở trại giam. Những phạm nhân trước khi vào trại giam lười lao động, ỷ lại, thì sau đó đã lao động tự giác, tích cực, yêu thích lao động. Những phạm nhân khi mới vào trại giam với trạng thái tâm lý chán nản, kéo theo sự suy sụp tinh thần, ăn uống sinh hoạt thất thường, thì nay đã có lối sinh hoạt lành mạnh, thực hiện lối sống tích cực, tự chuyển hoá về suy nghĩ, thái độ, hành động.
Công tác thi hành án phạt tù ở các trại giam thuộc Bộ Công an trong thời gian qua đã thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, thể hiện truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam về tình yêu thương con người, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người lầm lỗi được hoàn lương, được làm lại cuộc đời, gắn với bảo đảm an ninh con người, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích của phạm nhân trong quá trình chấp hành án tại các trại giam7.
Công tác thi hành án phạt tù ở các trại giam đã được phương tiện truyền thông truyền tải đến với nhân dân trong và ngoài nước, đến bạn bè quốc tế qua các chuyên mục như “Chân dung và cuộc sống” trên VTV4, “Nhận diện sự thật” trên VOV1, “Góc nhìn sự thật” trên ANTV và VTV1, “Nhân quyền và cuộc sống” trên Tạp chí Xây dựng Đảng... Ngoài ra, các đơn vị trại giam phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tại nơi đóng quân, cơ quan đoàn thể Trung ương tổ chức các chương trình có ý nghĩa, để lại nhiều ấn tượng, xúc động như: “Niềm tin và sự hướng thiện”, tổ chức cuộc thi “Viết thư xin lỗi” trong toàn thể các phạm nhân... đã giúp quần chúng nhân dân, bạn bè quốc tế thêm hiểu, có cái nhìn đúng đắn, khách quan, toàn diện về công tác thi hành án phạt tù ở Việt Nam, thấy được giá trị nhân văn trong các mặt công tác thi hành án phạt tù ở các trại giam7. 
Ngoài ra, đã có 03 đoàn phóng viên trong và ngoài nước đã trực tiếp đến thăm các trại giam: Trại giam Ngọc Lý (Bắc Giang) tháng 6/2018; Trại giam Số 3 (Nghệ An) tháng 6/2019 và Trại giam Thủ Đức (Bình Thuận) tháng 12/2019 để viết về đảm bảo nhân quyền đối với phạm nhân ở các trại giam. Bên cạnh đó, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp thực hiện các đoàn ngoại giao đến thăm và làm việc tại các đơn vị trại giam, cụ thể: năm 2016 có 02 đoàn là Tổ chức Ân xá quốc tế thăm Trại giam Ngọc Lý; đoàn chuyên gia Hà Lan thăm Trại giam Ninh Khánh; Năm 2017 có 7 đoàn đến thăm và làm việc với các trại giam, tiếp xúc, gặp gỡ các phạm nhân đang chấp hành án tại các Trại giam: Phú Sơn 4; Số 5; Thủ Đức; An Phước... Năm 2018-2019 các phái đoàn của ngoại giao của EU và đại sứ quán Úc đến thăm các Trại giam: Nam Hà, Gia Trung, An Điềm; Ngọc Lý8... Qua đó, các đoàn ngoại giao, khách quốc tế, và phóng viên báo đài trong và ngoài nước được trực tiếp thăm, trao đổi, lắng nghe phạm nhân hiểu và đánh giá đúng về công tác thi hành án phạt tù ở Việt Nam, đều nhận định và đánh giá cao về quyền con người, đảm bảo tiêu chuẩn đối với phạm nhân, có thiện cảm đối với hoạt động thi hành án hình sự nói chung và thi hành án phạt tù nói riêng.
Có thể thấy, lực lượng Cảnh sát Quản lý trại giam đã vận dụng và áp dụng đúng đắn đường lối chủ trương của Đảng, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật về bảo đảm quyền con người, an ninh con người, bảo đảm các quyền của  phạm nhân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh,vì mục tiêu giáo dục, cảm hóa phạm nhân; đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái của thế lực thù địch về công tác thi hành án phạt tù ở Việt Nam, chứng minh cho bạn bè quốc tế hiểu đầy đủ, toàn diện về tinh thần nhân đạo, nhân văn trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân ở Việt Nam.
Trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát Quản lý trại giam với chức năng, nhiệm vụ của mình, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, vận dụng đúng đắn quan điểm của Đảng về quyền con người và an ninh con người theo tinh thần của Nghị quyết đại hội XIII của Đảng, thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân. Lực lượng Cảnh sát Quản lý trại giam tham mưu cho Đảng, cho Nhà nước ban hành chủ trương, đường lối, văn bản pháp luật trong việc tổ chức thực hiện chế độ chính sách của Nhà nước đối với phạm nhân, ban hành các văn bản pháp luật đảm bảo đúng với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, đưa nội dung về an ninh con người vào các văn bản pháp lý để thực hiện thống nhất, đồng bộ trong các trại giam.
Các trại giam quán triệt đúng đắn quy định của pháp luật, thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên trong công tác quản lý giam giữ, giáo dục phạm nhân, thực hiện việc giáo dục cảm hóa phạm nhân bằng nhiều hình thức, nội dung, phương pháp khác nhau với nhiều cách làm hay, sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi cho các phạm nhân an tâm tư tưởng cải tạo, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu cải tạo tốt để sớm được trở về với gia đình và xã hội.
Cán bộ chiến sỹ lực lượng Cảnh sát trại giam luôn là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, là tấm gương sáng cho phạm nhân học tập noi theo, cán bộ trại giam tận tụy, hết long vì sự nghiệp giáo dục cảm hóa phạm nhân, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân, đối xử công bằng, nhân văn đối với phạm nhân, giúp phạm nhân tìm được ánh sáng mới, tìm được còn đường hoàn lương, trở thành người lương thiện, sống có ích cho xã hội, cán bộ trại giam xứng đáng là người “thầy”, “người đưa đò thầm lặng” cho những người lầm lỗi trở về với bến hoàn lương.

ThS. Võ Huỳnh Khuyên

Trường Đại học Cảnh sát nhân dân. 

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 2/2023

-----

Tài liệu trích dẫn
(1) Đặng Xuân Thanh, Đào Thị Minh Hương: Bảo đảm an ninh con người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, tr.32.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
(4);(5) Cục C10 (2020), Công tác của lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam – 70 năm xây dựng và trưởng thành,  NXB CAND – 2020; Cục C10 (Bộ Công an), Báo Cáo Tổng kết công tác năm 2022, Hà nội.
(6) Quốc hội khóa XIII, Báo cáo kết quả thi hành án hình sự tại kỳ họp khóa 10, năm 2021; Cục C10 (Bộ Công an), Báo Cáo Tổng kết công tác năm 2022, Hà nội.
(7);(8) Cục C10 (2020), Công tác của lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam – 70 năm xây dựng và trưởng thành,  NXB CAND – 2020.